TẾT CON TRÂU BÀN CHUYỆN CHĂN TRÂU.
Nhuận-Bảo
I. Một sớm mai trong tiết lập đông, có ông bạn già cùng thời Trung-học đến chơi. Sau mấy câu thăm hỏi chân tình thì chủ khách đều trầm ngâm, không ai nói với ai câu nào, ngoài việc cùng nhau nâng chung, thong thả thưởng thức bình trà mới pha nóng hổi. Đã qua rồi hai tuần trà mà chủ khách đều như …"cấm khẩu", thì bỗng nhiên ông bạn phá vỡ cái không khí tĩnh lặng, yên ả, riêng tư của hai người đang dành cho việc uống trà, mà trở lại với dáng vẻ linh hoạt vốn có thường ngày, mở lời đề nghị bâng quơ: - "Tết đến rồi, viết một vài giòng để mừng xuân mới con trâu đi chứ!" Rồi ông bạn thao thao bất tuyệt, vừa như gợi cho tôi chủ đề để viết, vừa như được dịp cởi bỏ nỗi khắc khoải, nhớ nhung ăm ắp đầy lòng mà từ lâu không biết cùng ai chia xẻ. Ông dẫn tôi đi trong ký ức mênh mang bất tận của ông. Từ hình ảnh con trâu, cái cày trên ruộng đồng quê hương lúc ông mới tám, chín tuổi; từ đám lúa vàng mới gặt, sực nức mùi rơm rạ thơm thơm quen thuộc, mà đến chết ông cũng không quên, cho tới hàng tre quanh co uốn lượn vây bọc thôn làng, cho tới cuộc sống thanh bần, đạm bạc nhưng bình ổn, hoà mục của ông cha, chú bác, anh em ông ngày trước, mà giờ này đã trở thành quá khứ xa xăm. Mọi thứ trong ông được dịp tuông trào, lai láng. Tôi im lặng ngồi nghe ông nói cho đến khi tự thấy rằng cái sự bàng quan và nguội lạnh thường nhựt của tâm lòng mình đối với mọi sự vật trước mắt, hình như cũng đã có ít nhiều chao động, đổi thay. Một chút xúc cảm mong manh bất chợt dâng trào, làm se thắt tim mình đến nghẹn thở; rồi chưa kịp bàng hoàng, thì nó cũng bất thình lình tan biến, nhanh chóng như lúc mới ập đến, trả về cho tâm hồn mình sự yên bình trở lại. Hữu tình là thế đấy, nhân duyên trói buộc sanh tử là thế đấy, và nó còn đeo đẳng suốt đời, hay nhiều đời, nhiều kiếp như thế này nữa, nếu không nỗ lực tu hành để thực sự xa lìa, đoạn dứt sự mọc mời, câu nhử, níu kéo của nó. Trước mắt thì tôi cũng như những bạn đồng hành của mình trên con đường tu Phật, vẫn còn đang hít thở trong lớp vỏ bọc của kiếp nhân sinh, nên khó lòng ngày một ngày hai có thể cắt đứt được nó, khó lòng không bị ngẫu nhiên bắt gặp và tự nguyện nắm níu trong phút giây hay tự đắm chìm, trói buộc lâu dài vào những hình ảnh xưa cũ, thân quen của thần thức, một khi vô cớ bất nhiên ập đến . Điều ấy cũng dễ hiểu, bỡi những người như tôi như bạn, nếu chúng ta sáng suốt hơn một chút thì sẽ thấy rằng, so với con đường thực hành hạnh nguyện từ bi, trí huệ mà hàng Bồ tát đã kinh qua để đoạn lìa nghiệp thức, tự thể nhập Phật tâm, cứu cánh tịch diệt hay là nhập thế để cứu độ, thì hiện tại chúng ta chỉ là những kẻ mới bắt đầu và còn đang chập chững trên con đường học Phật mà thôi. Đó là sự thật nếu không ai trong chúng ta tự dối Phật của chính mình. Do công năng tu hành để có thể tự chứng Phật tâm còn chưa tới đâu, lại cũng chẳng phải được nên Thánh nên Hiền gì, nên trước mắt, chúng ta khó lòng diệt hết mọi xúc cảm (mà cũng là sợi dây trói buộc của nghiệp thức) trước những hình ảnh sống động, thân quen, từng được nâng niu, ôm ấp và từng mặc nhiên công nhận là mình và của mình (ngã và ngã sở) thường hiện lên trước mắt do nghiệp thức chiêu cảm, vẫn còn mới tinh như ngày hôm qua. Tôi nói với bạn mình: - Ờ ! Ông muốn viết thì tôi sẽ viết, ngại gì ! Rồi chợt nhìn mái tóc bạc trắng còn quá ít sợi, bay lơ phơ trước trán của bạn mình, chạnh nghĩ đến cái ngày hai đứa chia tay, mà trước mắt thì muôn đường tối tăm cạm bẩy, vạn nẻo hầm hố chông gai, bỗng dưng một niềm thương cảm trong tôi lại dâng trào. Nhưng chỗ thương cảm bây giờ hoàn toàn khác với những xúc cảm ở trên. Cái thương lúc này là cái tình thương trong trẻo, mênh mông, không dính mắc vào chính mình, cũng như vào bất cứ gì, chỉ biết đó là tình thương bao la, to rộng (vô sở trụ), là đáng nên thương, mà không thể cắt nghĩa, thế thôi ! Bất nhiên lúc này trong tôi thoáng lên một ý định, nên ỡm ờ, úp mở với bạn mình: - "Con trâu là ân nhân của tôi. Nó và tôi đã cùng đi bên nhau một thời gian lâu rồi, nên viết về nó là đáng lắm chứ". Ông bạn ngơ ngác chẳng hiểu tôi nói gì. Tôi hứa với bạn mình là sẽ viết về chuyện con trâu trong dịp đầu xuân theo đề nghị của ông. Ông bạn học ngày xưa có vẻ hài lòng và an tâm ra về. Thế là tôi bắt đầu viết. Nhưng thay vì viết để thoả mãn hoài tưởng quá khứ trói buộc theo vọng thức, vọng nghiệp của ông bạn già, thì tôi lại viết ra những gì theo sự dẫn dắt của cái tâm đang tu của mình. Lại nữa, trong khi viết, tôi không quên thầm mong bạn mình và những ai hữu duyên có cùng hướng nhìn như tôi, sẽ có một lúc nào đó cảm nhận ra sự huyễn giả của thân tâm này, cuộc trần này, để mà không còn quá luyến lưu, tiếc nuối, trói buộc với nó nữa, cũng như đủ nghị lực để dõng mãnh tự nguyện buông thân, lội ngược lại giòng chảy của nghiệp thức vô minh, nhơn quả. *** II. Mỗi người ai cũng đều có một con trâu "tâm" của riêng mình. Con trâu ấy lúc nào cũng khắn khít với chúng ta như hình với bóng, chưa từng rời lìa chúng ta trong phút giây, gang tấc nào khi mà mỗi người còn biết hít thở, còn biết cảm nhận có sự sống trước mắt. Thế nhưng, cũng rất hiếm người biết đến sự hiện diện của nó, hay biết quan tâm, chiêm nghiệm để khám phá nó, trong khi hàng ngày, hàng giờ nó vẫn thường hay trần trụi ra vào tự do, vô ngại bên trong, trước mặt của mình. Hoặc giả, nếu có người để ý để biết nó, quan tâm tới nó thì có lẽ cũng chỉ biết cái bóng dáng thô thiển, mơ hồ bên ngoài của nó, tức biết nó một cách loáng thoáng, lúc ẩn, lúc hiện, tuỳ trạng thái tinh thần của mỗi người trong một thời điểm thuận lợi hiếm hoi nào đó mà thôi. Vả lại, nói một cách chân thật, thường thì cái chỗ biết ấy của đa phần Phật tử tại gia chúng ta đối với con trâu trong chính mình đó, cũng chỉ là cái biết tương đối năng sở của tướng "hay biết" và tướng "được biết" trói buộc theo sanh diệt pháp mà thôi. Cái chỗ cảm nhận mà mỗi ngườiù có "biết" cái "được biết" tức biết con trâu trong chính mình, nhờ nó xuất hiện ngẫu nhiên một cách loáng thoáng vài lần trong đời, thì hoàn toàn chẳng phải là cái biết rõ ràng, cặn kẽ mặt mũi, hành tung của nó một cách như thật, cũng là tánh thường biết. Đó là sự thật, là điều không hề ngoa dối hay nói kiêu! Bỡi cớ sao? Bỡi vì nó và mình, trong chỗ cùng tột chân thật của tánh thường biết, thiệt ra chẳng phải một, chẳng phải hai, cũng không phải khác. Chính vì thế mà trên kia có nói, nó trần trụi, tự do, ngang nhiên ra vào một cách vô ngại, bên trong, bên ngoài, ngay trước mỏ ác của mình, cũng như hàng ngày, hàng giờ thường hiện hữu bên mình suốt thời gian chúng ta thức, từ lúc vừa mới ngủ dậy cho đến khi con người mình chìm sâu lại vào giấc ngủ say sưa không mộng mị tiếp sau đó. Còn cái chỗ biết như thật thì thế nào? Tạm ví dụ một cách tương đối. Như có người hỏi, anh bị gãy chân có đau không, người bị gãy chân trả lời, tôi rất đau. Cái "tôi rất đau" ấy chỉ có người bị gãy chân là mới thấy đau như thật, cái đau trên chính thân thể anh ta, và sự cảm nhận ấy là của chính đầu óc, xương thịt, thần kinh, cảm giác của anh ta. Còn những người khác ngoài anh ta, chỉ nghe anh ta nói, thì thấy đau một cách tương đối, đau từ sự cảm nhận bằng trí tưởng tượng đem từ bên ngoài vào, là cái đau cùng với mình trong chỗ tương đối, phân biệt, là "biết" và "đau". Những người nghe anh ta nói đau, dù biết là rất đau đấy, nhưng hoàn toàn không phải thấy đau như chính người bị gãy chân cảm nhận như thật trên chính thân thể của mình. Bỡi một điều rất dễ hiểu là chân của những người nghe, trước mắt vẫn lành lặn, không gãy nên không cảm nhận được như thật cái đau của sự gãy chân kia là như thế nào. Các Thiền sư thường mượn ví dụ để chỉ cho cái sự tự ngộ bổn tánh, cũng là cái biết như thật vừa tự khám phá, rằng "như uống nước, nóng lạnh tự biết" thật chí lý ! Thế nên khi nói "ta" biết "nó" như thế này hay như thế kia, thì nó đã tức khắc lìa khỏi mình xa lắc ngút ngàn, ngay đó nó đã không còn "một" với mình nữa, tức đã tự là hai, là khác với mình, là đã trở thành đối tượng "được biết" của cái tướng ngã "hay biết" hệ lụy cảnh giới ý thức nhị nguyên này rồi. Nghĩa là khi đó, dưới cái sự biết của mình thì nó đã trở thành cái tương đối được biết. Mà hai và khác với mình, hoặc cùng với mình tương đối nhau, thì chỗ thấy biết ấy khiến nó cùng với mình (thức biết) đã như tên bắn trói buộc ngay vào cảnh giới sanh diệt. Trong khi đó, tánh thường biết đối với cái biết trong đầu của con người bằng xương, bằng thịt này, cũng là ta, thì thông lưu, ra vào trong nhau vô ngại, tạm ví dụ như ánh sáng của ngọn đèn dầu và ánh sáng nê-ông để kề cận nhau. Tới chỗ này thì chân lý sắc tức không, không tức sắc sẽ được minh chứng một cách rốt ráo, triệt để. Cho nên, phải có cái "biết" làm sao khi nó với mình chỉ tuyệt một, thì khi ấy cái "biết" đó mới được gọi là như thật, mới là có cái biết chơn chánh, cái biết tuyệt đối vượt lìa trói buộc của thức biết sanh tử (vọng thức huyễn hoặc). Vì cái chỗ mà ta nói "thật biết" và "nó" trong ấy, khi đó đã thành tuyệt một, vi tế, trong trẻo, không hình tướng, không mùi vị, không tăng giảm, không còn mất, không hai không khác, cũng là bản thể chân thật của chính mình tự hiển lộ mà không là gì khác vào đây. Đó cũng là cái biết tuyệt đối vượt quá năng sở, trói buộc của khái niệm nhị nguyên, đó là tánh biết vậy. "Nó" và cái "biết" nó khi ấy chỉ là nhất thể, mà đến chỗ này thì nói không thể tới, vì cái biết chân thật khi ấy "đang-là" thể tánh trong trẻo, tuyệt đối, không chủ thể biết, không kẻ được biết, không gì là hai là khác có thể nói, bất khả thuyết, bất khả tư nghị. Cái chỗ biết lúc này là tánh biết, là Phật tâm, là toàn biết, tức không gì không biết, mà thật ra cũng chẳng có một đối tượng chơn thật nào khác nó trong đây để nó có thể trở thành năng biết, nên cái tánh biết tuyệt đối ấy cũng có thể tạm gọi, hay tuỳ ý đặt tên cho là tánh không biết cũng chẳng sai chút nào. Vì trọn không có cái gì được biết thì còn gọi biết gì nữa, nên tới chỗ này cũng chính là nghĩa tịch diệt. Sỡ dĩ được gọi là phàm phu vì chúng ta hiện hữu nhờ cái biết năng sở tương đối dựng lập. Cái biết ấy định nghĩa, đặt tên cho mọi sự mọi vật theo cách tương đối, tức hệ luỵ khái niệm lưỡng nguyên nhơn quả. Nghĩa là vì do có "sở biết" này được biết, nên mới có cái "hay biết" kia lập thành và ngược lại. Bằng nếu thấy biết như thật là không có cái sở biết này, tức (dưới trên, trong ngoài toàn chân, rổng rang, trong trẻo) trọn thanh tịnh, thì làm gì có cái được gọi là năng biết, để tương đối lại với cái sở biết ấy, cũng như đặt vấn đề một cách ngược lại. Lại nữa, nói theo thuật ngữ có tính cách dạy dỗ xưa nay của nhà Thiền, thì hình ảnh con trâu chỉ cho tâm ý của chúng sanh, được mượn làm đối tượng cho việc chăn dắt, uốn nắn, điều phục. Đó là bóng dáng của con trâu hoang dã, bất trị do bị tập nhiễm các thói xấu xa, đen đúa từ lâu đời lâu kiếp theo nghiệp thức, mà cũng là vọng nghiệp, vì thức này là thức vọng, huyễn hoặc, không thật. Con trâu kia là hình tượng biểu thị cho cái "chúng sanh tâm" đã từng lăn lóc, nổi trôi trong sáu đường của vọng nghiệp sanh tử, nhưng tự thân nó thì vẫn chưa hề đánh mất bổn tánh nguyên uỷ, cũng là tánh Phật chúng sanh. Về chữ "ngộ - " thì các bậc cổ đức Trung-hoa đã nghĩ ra cách viết rất hay, diễn tả được phần nào "ý nghĩa" cao sâu, vi tế về tính cách của sự việc (ngộ) một cách tài tình. Kế bên là chữ ngô , có nghĩa là Ta, ngôi thứ nhất nhân-xưng đại danh từ. Ghép hai chữ "ngô" và "tâm" lại với nhau thành chữ "ngộ". Thực nghĩa của "Ngộ" thì không thể diễn tả bằng cách nào cho đúng như thật được, bỡi tính cách của nó vượt quá tính năng có thể của tâm ý thức và ngôn ngữ. Nên ở đây chúng ta chỉ có thể nương vào ký tự (tâm và ngô) và tinh thần (tâm ý) mà ký tự ấy gói ghém, thể hiện trong đó để hiểu cũng như để diễn tả một cách tương đối mà thôi. Khả năng nói ra được một cách tương đối, thì "Ngộ" có nghĩa là chỉ có ta mới biết được cái chỗ sâu thẳm nhất trong tâm trí ta, mà không ai khác có thể vào đây biết được, vì ta và nó đích thực chẳng phải một, chẳng phải hai, cũng không phải khác. Tâm và trí trong đây phải được hiểu theo nghĩa rộng sau khi "Ngộ", cũng là chơn tâm, giác trí, là thể tánh vạn pháp, là bản thể, nhất thể, pháp giới, mà trong đó mình (Ta) đang-là "một", tuyệt đối, không hai, không khác. Lại nữa, trước tiên nên biết nuôi dưỡng nó bằng những pháp thiện lành trước đã. Đành rằng nói tột lý giải thoát, thì hành giả trong đây chẳng những phải vượt quá cái tâm ác đã đành mà đến cái tâm thiện cũng phải giũ bỏ luôn tất tần tật. Bỡi vì tự tâm có chặt đứt được sự trói buộc của thiện ác hai đàng (nói thương - ghét cho dễ hiểu cũng được) thì mới mong thành tựu công đức hy hữu là tự thể nhập bổn tánh, vì bổn tánh thì không thiện không ác, không thân không sơ. Tuy nhiên, nói như vậy cũng chỉ là một cách nói trong nhà Thiền đối với hàng thượng căn, thượng trí, có đại duyên với Chánh pháp Nhãn tạng, có nhân duyên đại giáo hóa ở cõi đời này (tức vừa mới nghe qua một lời khai thị thì đã trên lời đạt lý, tức ngộ) chứ hàng tầm thường như tôi, như bạn thì chúng ta vẫn phải cứ từ từ nuôi dưỡng nó bằng các thiện pháp trước đã. Nghĩa là, không một pháp lành nào, dù nhỏ nhất mà không làm; không một pháp ác nào dù nhỏ nhất, mà làm. Nói pháp thiện và pháp ác ở đây là nói gồm tất thảy, chẳng những trong hành động mà còn cả trong tư tưởng, niệm khởi nữa. Đây là bài học tu tâm và sự thực nghiệm lên chính thân tâm mình, chứ không phải là lý thuyết suông hay nói theo mồm mép, sách vở. Vả lại, nói thiện pháp đó cũng chỉ là một cách nói để có cái tương đối với các bất thiện pháp, dành cho những người học đạo sơ nhận biết mà thôi, chứ trong chỗ cùng tột của lý đạo, thì thiện pháp kia cũng chỉ là việc làm bình thường của hàng Bồ-tát giải thoát môn. Nghĩa là sao? Nghĩa là, ví như ta thấy người kia đang đói và rét, ta đem thức ăn và quần áo tặng cho họ, đồng thời ta nghĩ rằng mình đã làm được một việc thiện lành. Thế nhưng với hàng Bồ tát, thì khi đem quần áo và thức ăn cho người đói và rét kia, Bồ tát không hề nghĩ đó là việc thiện. Bỡi cớ sao? Bỡi vì dưới con mắt đã sáng tỏ thật tánh các pháp, lòng từ tâm bi trùm khắp các cõi, thì những việc làm kia đối với các Ngài là chuyện hết sức bình thường, như đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì đi nằm. Nghĩa là do các Ngài đã thật sự vô ngã, không còn có tâm phân biệt ta người, không còn thấy có người cho kẻ nhận nữa, cũng như không có vật cho nhận, mà hễ cứ thấy đói thì cho ăn, rét thì cho mặc như chính nhu cầu ứng báo thân của các Ngài. Bỡi vì các Ngài không còn thấy có tướng ngã, không còn thấy có tướng nhơn, tướng chúng sanh, tướng thọ giả; các Ngài đã thực chứng bổn tâm, đã sáng tỏ bổn tánh, đã thấy biết như thật, rằng nhất thiết pháp vô ngã. Trong kinh Kim-Cang có đoạn đức Phật đã dạy ngài Tu-bồ-đề và đại chúng : "Tu-bồ-đề ! Thị pháp bình đẳng vô hữu cao hạ, thị danh A-nậu đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề . Dĩ vô ngã, vô nhơn, vô chúng sanh, vô thọ giả, tu nhứt thiết thiện pháp tức đắc A-nậu đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề. Tu-bồ-đề ! Sở ngôn thiện pháp giả, Như- lai thuyết tức phi thiện pháp, thị danh thiện pháp. - Này Tu-bồ đề ! Pháp vốn bình đẳng, không có cao thấp, mới gọi là Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Từ chỗ không ngã, không nhơn, không chúng sanh, không thọ giả; tu tất thảy các thiện pháp, tức đặng đạo Vô thượng, Chánh đẳng, Chánh giác. Này Tu-bồ-đề ! Gọi là thiện pháp ấy, Như-lai nói chẳng phải thiện pháp, chỉ cưỡng danh là thiện pháp". Vì sao đức Phật lại dạy, tất thảy những pháp lành kia chẳng phải là pháp lành mà chỉ cưỡng danh (tạm gọi) là pháp lành? Vì tất thảy pháp đều là Phật pháp vậy. Nói bằng cái miệng thì hay, thì dễ chứ thực hành thì vô cùng gian nan, bỡi trên thế gian này, không có việc gì khó hơn là thúc liễm, điều phục chính thân tâm mình, bỡi cái tâm thì lúc nào cũng lăng xăng, vọng động, chạy theo danh tướng, còn cái thân thì ưa tham đắm, mê mờ vật dục. Công phu dạy dỗ của các vị Thiền sư cũng như công phu tu tập của Thiền sinh ngày xưa, thường không ngoài việc hướng dẫn và học cách quay vào trong để nắm bắt và thuần phục cho được con trâu của mình, đưa trở về lại cội nguồn nguyên uỷ của nó là con trâu trắng trinh bạch, vô nhiễm, và cuối cùng là phải biết hàm dưỡng, giữ gìn nó trọn trong thể tánh ban sơ vô nhiễm ấy (Phật tánh) mà tự thuở vô thỉ nào, đã một lần lầm lỡ bất giác từ chốn đó xuất sanh. Giữ gìn nó là giữ làm sao? Là không cho con trâu chạy bậy, ăn bậy, tức là chúng ta hàng ngày hàng giờ vẫn làm tất thảy việc mà không rời lìa chơn tánh. Đây là chỗ làm tất thảy việc mà không thấy làm, không làm mà không việc gì không làm, tức đang-là Phật tâm, tự làm "một" Pháp giới tánh. Còn nói theo Lão tử thì đó là đạo, là vô vi vậy. (Xin đừng hiều lầm khi chỗ dùng từ ngữ trong đây có đụng chạm tới hai chữ đến đi. Nói đến đi cũng chỉ là một cách nói cho rộng nghĩa, dễ hiểu mà thôi. Thật ra, ở chỗ này, nói đến đi mà chẳng thấy có gì thật đến thật đi. Không đi đâu hết mà không đâu không thấy đến. Nói đến mà không chỗ đến, không chỗ nương vin, tức vô sở trụ, cũng là thường trụ cùng khắp pháp giới, vì hành giả trong đây "đang-là" thực tại tuyệt đối. Trước mắt không chỗ đến đi, không năng không sở, tất thảy tuỳ thuận nhơn duyên mà nói hành giả có chỗ đến đi. Chỗ đến đi đó không ngoài cái chỗ "vô sở tùng lai diệc vô sở khứ" vậy". Trân trọng!). Con trâu hoang dã trong đây được nhà Thiền mượn ra để biểu thị cho các pháp, tức sắc tướng. Người chăn dắt chỉ cho thiện tâm, bổn tánh, cội nguồn nguyên uỷ chưa từng sanh diệt, tức bổn thể chơn không, cũng là chơn tâm, chơn tánh. Sở dĩ trước mắt có sum la vạn hữu vì tánh Phật linh diệu, hay sanh các pháp, nên nói, bổn tánh chơn không mà diệu hữu, tức cái hữu này không thật có. Hay nói chính xác hơn thì đó là cái "có" mà như-có-như-không, như-hư-như- thực, nhờ tánh Phật linh diệu, mà với con mắt và tri thức phàm tình của chúng ta thì khó nhận ra điều đó một cách như thật. Bỡi cớ sao? Bỡi vì chính chúng ta, đối với thật tánh, cũng là thứ "như hư như thật", nên nhìn sự vật cũng bằng cái con mắt huyễn giả "như thật như hư" khiến không tự biết được như thật-tánh-biết mà thôi. Nghĩa là đa phần người tu Phật tại gia ngày nay như tôi, như bạn, do bổn tâm bổn tánh còn chưa khai mở, nên dẫu có công nhận điều đó là đúng thì cũng chỉ là công nhận bằng sự suy lý, biện biệt theo ý thức phân biệt đúng sai của tri thức sanh diệt mà thôi, chứ chẳng phải là công nhận bằng tự chứng "như-thật-tánh-nó-là" mà mình trong đó "tuyệt đối". Thế nên phải để ý, người và trâu tới lúc này, tức "không" và"sắc" cũng là "tánh" và "tướng", (tướng là dụng của tánh) dung thông nhau, vô ngại nhau, là một (tạm nói một vì chẳng phải thật hai, cũng không phải khác) ra vào trong nhau không vướng mắc. Sắc-không, tánh-tướng tuỳ duyên đến đi tự do, tự tại. Tới đó có thể nói là đã thực chứng pháp thân như lời dạy của Thế tôn không gì sai khác:"Sắc tức là không, không tức là sắc, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc ". Do chẳng phải ai ai cũng đều gồm đủ nhơn duyên, phước trí để có thể dễ dàng chấp nhận một sự thật hết sức khó tin, khó hiểu, nhưng lại không gì thật hơn, vì đó là chân lý, rằng là "mỗi mỗi hàm linh hữu tình đều sẵn có Phật tánh", nên để khai thị hoặc chí ít là thử đo cơ trí của những người mới đến cầu học, các Thiền sư thường hay hỏi mà như là tự xác định trước chân lý của sự việc: "các ông đang cỡi trâu sao lại còn đi tìm trâu nữa". Hoặc đôi lúc các Ngài khai thị cho người mà như thở than, thương xót giùm cho người :"các ông có khác nào những kẻ cùng khổ, lại ngu si mê mờ, tự quên mất gốc tích của mình đã từng là Công tử, Công tôn, anh Viên, cậu Aám, con nhà giàu sang quan quí, lại đang có hạt trân châu dưới lai áo mà không tự biết, phải cam chịu cảnh nghèo khổ mà xin ăn từng bữa như thế này ư?" Ôi! Phàm tâm của chúng ta làm sao biết được sức đại từ bi, đại trí huệ của các Ngài khi nói ra lời ấy! "Tự tánh Phật vốn luôn sẵn có trong từng mỗi chúng sanh" là chủ đề thường được các vị Thiền sư nêu ra trước tiên, để đánh thức giác tánh của Thiền sinh, cũng là một cách đưa dắt, hướng dẫn người đối diện phải biết quay nhìn vào trong chính mình để khám phá tự Phật. Hình ảnh con người được cho là si mê, khờ dại kia, đang cỡi trên lưng trâu mà đi tìm con trâu đang cỡi, được các Thiền sư mượn ra dùng để xoay tâm, chuyển tánh những hàng căn cơ, phước đức sâu dày đến cầu học. Gặp những trường hợp như thế, câu nói ấy đôi lúc có công năng như một cái tát thẳng mặt, nảy lửa, bất thình lình, khiến người đại trí, có nhân duyên lớn với Tông-môn này giật mình mà ngoảnh đầu nhìn lại để tự khám phá, à ra thế ! Thì ra sau cát tát như trời giáng mà người có đầy đủ phước trí kia vừa thọ lãnh (thật ra chỉ là một lời khai thị, nói phá cách) thì mọi con mắt vốn có của người này, sau ót, đỉnh đầu, bên tai, trước mi, ….không chỗ nào không có mắt, cũng là cái thấy biết trùm khắp, xuyên suốt (tự tánh) hốt nhiên hiển lộ. Tới lúc này, vị Thiền giả chợt hiểu rằng, lời khai thị kia là phương tiện hy hữu, chưa từng thấy (mặc dù trước đó cũng đã từng nghe nhiều lần nhưng vì chưa gặp duyên may để được khai ngộ) chẳng khác một nhát gươm bén xé toạt vô minh đen dày trước mắt để ngọn tâm đăng hốt nhiên vụt sáng, chiếu soi tỏ rõ cùng khắp, chẳng khác cái nắm đấm nảy lửa phá nát toàn bộ hệ thống tri thức trói buộc sanh tử đã từng ăn sâu, mọc rễ từ lâu đời lâu kiếp trong óc não thân tâm này. Tổ đã thể hiện trọn lòng từ mẫn đối với mình, chỉ cho mình biết một cái biết hết sức minh bạch, đúng hơn thì nên gọi là một sự thật, là chân lý tối thắng, là việc hy hữu xưa nay chưa từng biết, rằng, ai ai cũng vốn sẵn có Phật tánh, chẳng cần phải tìm cầu Phật bên ngoài một thân tâm này. Mà có cầu Phật ngoài tâm thì muôn kiếp cũng không sao gặp được.Và đó là sự thật hiển nhiên đã được minh chứng lên chính thân tâm của người ấy, không còn gì nghi ngờ nữa cả, vì ngay đó nó "đang-là" một cách thật hữu như chính da, thịt, đầu, mình, tóc tai, hơi thở của người ấy. "Các ông đang cỡi trâu sao lại còn đi tìm trâu nữa?" . Với người căn cơ, phước trí gồm đủ, chẳng khác một cái tát, một cú đá bất chợt khiến người đang cỡi trâu té rớt xuống chân trâu. Cái lúc chợt té đau điếng từ trên lưng trâu xuống đất, người con Phật hốt nhiên nhận ra sự ngây ngô, ngốc nghếch, si mê của mình từ một sát na trước đó cho tới tận muôn vạn thuở trước đã qua. Nghĩa là, sự ngây ngô, u ám của cái biết mê mờ, lầm lạc một sát na về trước của mình đã được chính mình bóc tách, xé bỏ, đập vỡ để trực nhận bằng cái biết thênh thang, vô ngại, bao trùm, xuyên suốt, vượt quá hạn lượng của thân thể, đầu mình này, vượt quá tâm ý thức phân biệt trói buộc nhị nguyên đã từng khắn chặt vào mình "làm một" từ lâu đời lâu kiếp. Một khi vừa trực nhận ra bổn tánh, cũng là ngộ cái con người thật của mình, chứ không phải cái bóng dáng huyễn hoặc có không, còn mất và những xúc cảm buồn vui, sướng khổ đang đeo mang này, thì có người liền cười ngất hay tủm tỉm cười thầm vì nỗi vui mừng xưa nay chưa từng thấy. Lại cũng có người khóc ầm lên như mưa như gió vì tự giận mình sao đã mê mờ, lầm lạc, ngu si quá lâu trước đó, bỡi cái thấy trước mắt chỉ như trở bàn tay mà bao đời nay chưa từng biết trở, chỉ vì cái tâm chấp ngã, chấp pháp đã ăn sâu, khắn chặt vào tận tim óc, máu thịt, tri thức, tư tưởng của mình bao đời rồi. Với cái thấy biết mới mẻ vừa khám phá, người ấy liền biết như thật: sở dĩ anh ta phải đeo mang nghiệp sanh tử, phiền não nhiều đời nhiều kiếp chỉ vì do cái biết lầm lạc, cái biết bằng thức biết huyễn vọng hệ luỵ khái niệm nhị nguyên nhơn quả. Nó có ích cho việc tu học, mà cũng có thể làm chướng ngại cho việc thân chứng bổn tâm, bổn tánh. Nghĩa là nhờ tri thức biết nương vin vào sự dẫn dắt của Phật pháp và biết thực hành lên các pháp hy hữu vi diệu ấy mà cuối cùng chúng ta có thể tiến đến chỗ chuyển thức biết sanh diệt thành giác trí để tự thể nhập cảnh giới giải thoát của Bồ tát. Bằng ngược lại, cũng với thức biết sanh diệt kia, được Pháp Phật dẫn dắt, nhưng thay vì mỗi người biết mượn nó làm phương tiện để tự độ thoát bằng cách vượt lìa ngã-pháp, thì lại chấp thủ nó vào mình, giữ chặt pháp đã học (tri kiến giải thoát) như là vật báu của riêng mình (ngã) thì một kết quả cuối cùng không nói ra thì ai cũng biết, đó là cùng các pháp đã chấp thủ kia cùng với mình dắt nhau đi vào sanh tử để chờ dịp khác ở những số, kiếp sau. Bỡi cớ sao? Vì Phật pháp dù là pháp hy hữu đi nữa thì đó cũng chỉ là giả pháp, là phương tiện thiện xảo từ trí huệ Phật, chẳng phải là cứu cánh vậy. Biết nương pháp Phật để đạt tới cứu cánh giải thoát là trí huệ của hàng Bồ tát giải thoát môn. Cho nên, khi người con Phật vừa được khai tâm mở trí, sáng tỏ tánh biết, thường có những rung động biểu lộ vui mừng lẫn tiếc nuối như vừa nói ở trên. Mừng là thân chứng một việc chưa từng thấy, tiếc nuối là ân hận vì một sự lầm lạc quá lâu trong đời này, trong khi cái con người thật không từng sanh diệt, sướng khổ của mình chẳng ở đâu xa mà thường vào ra ngay trước mỏ ác. Nghĩa là, khi ấy anh ta biết một điều, rằng khi mở miệng để cầu xin, hay hỏi Phật ở đâu, ra sao, thế nào vv…thì dù cho có được các vị thầy thông tuệ của mình trả lời là như thế này hay như thế nọ cho tới vạn năm, thì chơn Phật cũng không bao giờ hiển lộ, vì cái chỗ hiểu biết kia của mình đối với vị Phật được giải thích, cũng chỉ là cái biết mê (của thức biết) và Phật được hiểu biết đó cũng là Phật giả mà thôi. Cho nên, Phật được biết nếu chẳng phải cùng mình tự làm một, ra vào vô ngại bất phân ly, thì đương nhiên chẳng phải là Phật thiệt. Lại nữa, không ai có thể biết Phật, vì tự Phật ở ngay chính cái chỗ "biết" đó. Nghĩa là chợt "biết", tức cái biết không lầm vượt quá tri thức, vượt quá năng sở của bản ngã, thì Phật cũng chính là cái biết tuyệt đối trước mắt, đang hiển hiện đó vậy. Biết đó và Phật được biết trong đây chỉ một, không phải hai cũng chẳng phải khác, như nước và sữa cùng hoà tan làm một; và sắc tức không, không tức sắc, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, chính là chỗ này vậy. Thế nên, nếu sữa trong cái ly kia không ngộ ra mình chính là sữa thì muôn đời ngàn kiếp nó cũng chẳng biết sữa là gì, trong khi tánh nó thực sự là sữa. Ở chỗ sữa nước cùng hoà tan này, sữa chính là nước mà nước cũng là sữa nên nói chẳng phải một, không phải hai cũng không phải khác. Thức biết và tánh biết cũng như thế, không khác. Mà nếu chẳng phải là tự mình nhận ra Phật thiệt, làm một cùng Phật thiệt, mà chỉ hiểu Phật kia trong tương đối là có người hiểu và Phật được hiểu, thì cả hai đồng dắt tay vào sanh tử như tên bắn, cũng là cái tâm mê trong cảnh giới này, vì chỗ biết kia đang là vọng thức. Bỡi cớ sao? Bỡi vì Phật, tức tánh giác không phải ở đâu xa mà đã ở ngay, nằm sẵn nơi chính bản giác mà từ đó câu hỏi của mình "Phật ở đâu, ra sao, thế nào….?"đã vừa được xuất sanh. Câu hỏi của hành giả (đương nhiên là bằng thức biết sanh diệt) vừa được nghĩ ra trong tích tắc và lìa khỏi miệng, thì ngay trong chỗ hỏi đó đã sẵn chứa tánh biết mà từ đó thức biết xuất sanh, nhưng không phải ai cũng biết tự nhìn vào trong và có đầy đủ duyên phước để nhận ra sự thật ấy. Phải tu một cách chân thật, không tự dối mình, không dối người, nhứt tâm và dõng mãnh đến độ không sợ táng thân mất mạng thì mới được, bằng hời hợt thì khó bề. Còn giả như (chỉ là sự giả thiết) rằng nếu mỗi người không từng sẵn chứa tự Phật (tánh biết-giác tánh) của mình, tức không có tánh giác, tánh biết thì câu hỏi kia sẽ không bao giờ được duyên quyện thành lời, hay dẫu có thì cũng chỉ là từ cảnh giới chiêm bao, nói mớ mà thôi. III. Theo sự hiểu biết còn rất hạn chế của mình, với tôi, dù theo Tông phái nào, hay thực hành pháp môn nào của Phật giáo, thì cứu cánh mà người tu học chân chính (cả xuất gia lẫn tại gia) muốn nhắm tới cũng không đi lệch ra ngoài cái đích tối hậu là đoạn lìa tử sanh phiền não. Và để giải thoát sanh tử thì cũng không ngoài cái việc cần và đủ là phải chuyển thức biết sanh diệt thành giác trí giải thoát, cũng là trở về lại bổn tánh vô sanh. Từ vô thỉ, do chúng sanh tạo nghiệp thiện ác nông sâu, nặng nhẹ khác nhau mà căn trí, phúc đức thọ nhận quả báo trong đời này của họ cũng khác nhau, nên pháp giải thoát của đức Phật riêng dành cho mỗi người vẫn có chỗ thấp cao, đốn tiệm sai biệt, nhưng đích đến thì chỉ một, đó là vị giải thoát, là tâm giải thoát tuyệt đối. Lại nữa, dẫu tu pháp nào thì con đường giải thoát đến chỗ cùng tột, rốt ráo cũng không ngoài chỗ tự chứng ngộ bổn tâm bổn tánh. Cho nên, con trâu tâm mà chúng tôi đề cập trong đây, chẳng phải là con trâu của riêng tông phái nào, mà nhìn kỹ lại, nó là con trâu hoang dã, ẩn tàng trong mọi chúng sanh, hiện hữu trong khắp tất cả môn đồ xuất gia lẫn tại gia của các tông phái Phật giáo. Mỗi người chỉ cần tự quay vào trong, chiêm nghiệm chính bổn tâm mình, thì dù ai đó theo Tịnh, Mật, Giáo, hay Thiền-tông gì gì đi nữa, thì cũng đều biết rằng nguyên lai sanh tử cũng do từ một con trâu tâm hoang dã chưa được thuần phục mà ai ai cũng sẵn chứa chấp này, gây ra mà thôi, dù cho nó có được đặt tên như thế này hay như thế nọ, thì bản chất sanh tử cố hữu của nó cũng là như thế, chẳng khác. Đồng thời mọi giáo pháp của đức Phật đều có đủ sẵn công năng để điều phục những con trâu tâm ấy. Dù hình thức mà mỗi tông phái đem ra áp dụng để điều phục cái con trâu tâm này có chỗ khác nhau, nhưng tất thảy đều là phương tiện đã được phát minh từ trí huệ Phật. Mọi phương cách để điều phục cũng không ngoài việc phát hiện nó, nắm giữ nó, thúc liễm nó, chăm sóc, nuôi dưỡng nó bằng tất thảy các thiện pháp. Và nếu mỗi người ai cũng làm được như thế một cách không dối tự Phật, thì trước sau gì cái con trâu tâm ấy cũng sẽ từ chỗ hoang dã, hung hăng, xấu ác, ăn bậy, chạy bậy ….sẽ lần lần trở nên thuần hoá như mong muốn. Chỉ có điều hình ảnh chăn dắt, nuôi dưỡng, giữ gìn cái con trâu tâm đó thì hình như là sở trường của nhà Thiền (cả Tông lẫn Giáo) cũng như thường được hai Tông này đề cập tới nhiều nhất, còn các Tông phái khác thì ít nói tới hơn, nhưng chẳng phải là không có, mặc dù người đặt tên đầu tiên cho cái con trâu đó không ai khác hơn là đức Phật. Việc con trâu tâm xuất hiện trong nhà Thiền và được nhắc đến nhiều nhất, phải nói là kể từ thời Lục Tổ Huệ-Năng và ngài Thần-Tú trở về sau này. Và con trâu tâm của Lục Tổ Huệ-Năng thì không cần phải nhắc lại ở đây, vì ai cũng rõ biết Ngài là vị Tổ sư của pháp môn Đốn giáo này. Lại nữa, khi đề cập tới hai chữ tu chứng, một cách công bằng, ở đây chúng tôi chỉ nói về một thời điểm nhất định ở cái lúc sự việc xảy ra khi đem so sánh hai bài trình kệ truyền thừa mà thôi, chứ còn về sau đó thì không dám nói tới, vì cả hai vị đại Tổ-sư đều đắc vị Phật đạo. Sở dĩ liên tưởng đến hai bài kệ truyền thừa có liên quan đến hai vị Thiền Tổ của Đốn giáo và Tiệm giáo là vì chúng tôi muốn đem hình tượng đài gương sáng và cội Bồ đề vững chắc của Thiền tổ Bắc-tông ra để mượn dùng thay thế cho con trâu tâm cũng như để chúng ta nhìn ngược lại về những người chăn dắt chúng, vì sao người được, người chẳng được (truyền y-bát) nhưng tới chỗ rốt ráo thì cả hai đều đắc đạo giải thoát của Thế tôn. Bài kệ của ngài Thần-Tú : Thân thị Bồ đề thọ Thân là cội Bồ đề * Bồ đề bổn vô thọ Bồ đề vốn không cội Nếu đem hai bài thơ trình kệ chứng ngộ này ra và thay nội dung đài gương sáng cùng cội bồ đề bằng cái con trâu tâm mà hai Ngài đang chăn dắt, điều phục thì rõ ràng con trâu của ngài Huệ-Năng đã thể nhập "một" bản thể uyên nguyên của Phật tâm, còn con trâu của ngài Thần-Tú, tuy vẫn thường được chăm sóc, nuôi dưỡng bằng tất thảy các thiện pháp nhưng vẫn chưa thể nhập được bổn tánh. Đó là sự thật mà không ai có thể chối cãi khi nhìn vào hai bài trình kệ để được truyền thừa làm tổ thứ sáu của Thiền Tông Trung-hoa. Nhân duyên của ngài Thần Tú không phải là con đường trực nhập cữa đạo của Tổ sư Đạt-ma mà là Tiệm giáo, nên sở trường của Ngài là Tiệm tu Tiệm ngộ, còn sự nghiệp tu chứng và đạo đức của Ngài sau đó ra sao thì căn cứ vào thời nhân đối với Ngài lúc đó. Ngài Thần-Tú đã được thời nhân suy cử và tôn xưng Giáo Tổ Bắc tông, thì điều này cũng đủ minh chứng là ngài đã đắc đạo. Với sự nghiệp mà cả một đời người là tấm gương sáng tu hành cần mẫn, với một tấm lòng đại từ bi, và cuối cùng đắc đại trí huệ như Ngài, thì những người đồng hội đồng thuyền với Ngài, biết rõ hành trình tu chứng và tâm địa của Ngài, thì ngàn năm trước vạn năm sau có ai là chẳng kính phục, chẳng tán thán ? Lại nữa việc luận bàn lý giải để nhận chân hai bài kệ trên sai biệt ra sao, có thể nói là việc của riêng những người theo Tông Thiền Đốn ngộ, là cách để cho chính những người của tông này nghiên cứu, học hỏi, tiến tu. Còn với những người như tôi, như bạn, dù có tự nhận rằng mình là đệ tử chánh truyền (chẳng biết có thiệt chánh truyền hay không?) đang tu theo Tông của Tổ-sư đi nữa, vẫn có thể nói là chẳng gì dính dấp tới khi đặt vấn đề luận bàn. Bỡi cớ sao? Vì sự luận bàn ấy của chúng ta suy cho cùng, cũng chỉ là mượn tri thức, ngôn ngữ, chữ nghĩa để phiếm luận mà thôi, tức cũng không ra ngoài cái việc phê bình, chê khen, dở hay, phải trái, trói buộc nhân quả. Đó là sự thật trăm phần. Còn đối trong chỗ cùng tột chơn thật, thì tri kiến luận bàn kia đều là thứ hí luận sanh tử, hoàn toàn không dính dấp tới, không có chỗ chất chứa cho những thứ ấy trong đây. Chẳng phải như thế hay sao, khi mà trước mắt chúng ta, hằng ngày vẫn có không hiếm người, tự thân thì đắm trước nhưng không lo tẩy rửa, tu bồi bằng thiện pháp, mà chỉ ưa tu bằng cái miệng và sự dối trá. Nên hễ cứ mở miệng ra là nói thiền, nói đạo, lừa mình gạt người, bằng cách nói thuộc lòng Thiền ngữ của Tổ này, Tổ nọ mà thôi. Còn bổn tâm thì tối đen như mực, chất chứa cả nùi trói buộc, tự mình gỡ cũng chẳng ra, mê mờ đến nỗi cái bước đầu tiên sắp bước của mình sẽ sa vào đường nào trong sáu đường phía trước mắt cũng còn chẳng rõ, ấy thế mà chẳng biết tự nhìn vào trong chính mình để tìm phương cách, lại cứ chạy theo tai mắt miệng lưỡi bên ngoài để tìm danh lợi nơi cữa tử sanh. Lại nữa, vì là sự giả dối, chưa thực chứng bổn tâm nên làm sao biết được tâm cơ người bệnh (đang đối diện) ngu trí, cao hạ ra sao, có đủ phước đức để nuốt trôi được pháp dược quí giá của người xưa để lại hay không, thì kẻ nói vẹt kia cũng không biết nữa, khiến sự đặt lời vào tai người không đúng chỗ, chẳng khác đàn khảy tai trâu, khiến như vịt nghe sấm, không những vô ích, chẳng có tác dụng gì đã đành, mà còn tự làm trò cười cho người, lại thêm mắc lỗi với người xưa. Hoặc lại cũng có người mở miệng ra thì nói mông, nói muội, nói vô nghĩa, rồi dối mình, dối người cho là câu Thiền vượt cách, lời Đạo cao siêu, chẳng những người nghe, bạn đạo không ai hiểu gì hết, mà thiệt ra chính người nói cũng chẳng biết họ đã nói gì. Thảng hoặc có Thiện tri thức hỏi thử một câu trong chỗ vô tâm, thì ú a ú ớ, chỉ đông chỉ tây, nhắm mày trợn mắt như lỡ nuốt phải hột thị, cuối cùng thì trả lời rằng chỗ đó thì nói không thể được. Đúng là xạo xự. Tại sao không trả lời được bằng lời, thì không dùng cách khác chẳng phải dụng lời để trả lời? Không dùng lời để trả lời cũng là pháp kia mà, nếu đã tự sáng tỏ? Lại cũng có không hiếm người, thân mặc ca-sa mà phủ nhận kinh Phật, hủy báng hiềm khích Tông này, Phái nọ, chê bai Tổ nọ Tổ kia, thì không biết những người như thế đang tu cái đạo gì đây? Chắc là đạo "Ngã - Nhơn" sanh tử chăng? Thì ra danh tướng đã làm cho người ta mê mờ điên đảo, chỉ biết nói xàm, nói bậy, nói vô nghĩa để ra vẻ ta đây rành Thiền, giỏi Đạo cho người khâm kẻ phục để thoả mãn bản ngã, còn ai có hiểu hay không thì chỉ có trời và người ấy biết mà thôi. Những người như thế ấy, trong đời mạt pháp này cũng không phải hiếm. Họ có khác nào những kẻ khốn khó, đến cái xe đạp dùng để thay chân cũng chẳng có, nhưng hàng ngày hàng giờ vẫn cứ bàn nói chuyện sẽ đi du lịch bằng máy bay Boeing đến nơi này xứ nọ, lại lấy vé hạng thương gia, chứ hạng thường cũng không thèm màng đến. Thật là hãnh danh, điên rồ, lố bịch ! Thật ra, điều này không phải đợi tới hồi Sơ Tổ Đạt-ma sang Trung-hoa hay nhẫn đến Lục Tổ Huệ-Năng hoặc nhờ các Thiền sư sau này dẫn dắt nên chúng ta mới biết việc chăn dắt cái con trâu tâm của mỗi người, mà từ thuở xa xưa, đức Phật đã từng có dạy rồi. Lại nữa, đức Phật cũng đã có dạy cho hàng Bồ tát trong pháp hội Kim-cang Bát-nhã, tuy rằng không hề nói tới hai chữ chăn dắt hay có con trâu nào trong đây, nhưng ý nghĩa của việc điều phục thân tâm thì hoàn toàn không khác, nghĩa là lúc nào cũng chăm chú, hễ thấy con trâu dợm buông tuồng thì xỏ mũi kéo lại. Trong kinh Kim-Cang, khi được Tôn giả Tu-Bồ-Đề thưa hỏi đức Phật, rằng các hàng Bồ-tát đang trong Pháp hội, phát tâm Vô thượng Bồ đề, thì họ phải an trú cái tâm ra làm sao, hàng phục vọng tâm như thế nào. Tôn giả Tu-Bồ-Đề và cả Pháp hội Kim cang Bát nhã đã được nghe một thời pháp vi diệu và hi hữu, khi đức Phật dạy : "Hàng Bồ tát như các ông phát tâm cầu vô thượng Bồ đề, thì nên hàng phục cái vọng tâm như thế này, nên an trú cái tâm như thế này : "Bằng có cả thảy các loại chúng sanh, hoặc sanh trứng, sanh con, sanh chỗ ẩm ướt, sanh bằng biến hoá, hoặc có sắc, không sắc, có tư tưởng, không tư tưởng, hoặc chẳng phải có tư tưởng chẳng phải không tư tưởng….vv.. Ta đều khiến cho được vào vô dư Niết-bàn mà diệt độ. Diệt độ chúng sanh vô lượng, vô số, vô biên như thế nhưng thiệt chẳng có chúng sanh nào mà được diệt độ cả. Bỡi cớ sao? Này Tu bồ đề! Nếu Bồ tát mà còn có tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, thì chẳng phải là Bồ tát. Lại nữa này Tu-Bồ-đề ! Bồ tát làm việc bố thí, thì không có chỗ trụ. Đó là chẳng trụ sắc mà bố thí, chẳng trụ thanh, hương, vị, xúc pháp mà bố thí. Tu bồ đề ! Bồ tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ vào các pháp tướng". ………Rồi sau đó đức Phật lại kết luận " Phàm chỗ nào có tướng đều là hư vọng. Bằng nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, tức rõ biết Như-lai". Hãy nên biết, nhứt thiết chúng sanh kia được đức Phật dạy đưa hết vào vô dư Niết-bàn mà diệt độ chính là tất thảy các niệm tưởng vọng động của thức ý trói buộc nhơn quả, cũng là cái tâm hoang dã luôn luôn động niệm, thích chạy bậy, làm bậy, ăn bậy của cái con trâu ẩn tàng trong từng mỗi chúng sanh không khác. Theo người viết, chắc rằng có thể rút ra rất nhiều những ví dụ tương tự như trên trong kho tàng kinh điển của Phật giáo Đại thừa để minh chứng cho việc đức Phật đã từng dạy cho chúng ta điều phục con trâu tâm như thế. Rất tiếc là sự học đạo của người viết rất hạn chế, hầu như chỉ học tập mỗi một bộ kinh Kim-cang Bát nhã Ba-la-mật là chính, nên người viết chỉ có thể biết dẫn ra một vài thí trong kinh này mà thôi. Lại nữa, theo thiển ý người viết, thì dù là kinh nào thì một khi hành giả đã tự nguyện đi vào con đường từ bi trí huệ của đức Phật thì cũng chỉ có một chỗ cần khai mở để tự giải thoát đó là ngộ nhập bổn thể, cũng là sáng tánh biết, mà tánh này thì sẵn nằm trong thức biết, chưa từng rời lìa thức biết của một ai khi người đó còn biết là mình đang sống. Một khi tâm kia đã được hàng phục, trở nên an ổn tịch lặng, như ly nước đục để yên lâu ngày, cáu bẩn sẽ từ từ lắng đọng thì nước ắc trong trẻo, khi ấy hành giả sẽ lần lần tự sáng tỏ cái tâm chân thật chưa từng đến đi sanh diệt, cũng là bộ mặt thật xưa nay của mình. Tiếp theo đó là thời gian tích cực dụng công để hàm dưỡng chơn tâm, cũng là nuôi lớn, giữ gìn thánh thai mà trong đó Thiền giả "đang-là" một, cho đến lúc sạch hết mọi cấu nhiễm, trói buộc của ngã và pháp, trong trẻo tinh tường thì tự thăng hoa, giải thoát . Để điều phục cái con trâu tâm của mình, các vị Thiền Tổ ngày xưa mỗi người có từng mỗi cách chăn dắt khác nhau, nhưng cái đích đến thì chỉ một, đó là giác ngộ Phật tánh, và sau đó hàm dưỡng gìn giữ thân tâm cho đến giải thoát rốt ráo. Tuy nhiên suy cho cùng, với việc chăn dắt cái con trâu hoang ấy, không ngoài việc chăm chăm chú chú canh chừng nó, hễ thấy đó đi bậy, chạy bạy thì nắm mũi kéo về đúng vị trí khả dĩ của chính nó. Chuyện chăn dắt con trâu của nhà Thiền thì nhiều vô kể. Tuỳ từng người chăn mà hình thức chăn dắt vẫn có khác đôi chút, nhưng đích đến của những con trâu ấy thì chỉ một, đó là đưa trở về lại bản thể vô nhiễm, vô sanh, tức cái gốc ban sơ của nó. Thiền sư Nam-Tuyền Phổ nguyện, họ Vương, nói về việc chăn dắt con trâu của mình : Qua Thiền ngữ vừa nêu, chúng ta thấy được con đường mà ngài Nam tuyền đã dẫn dắt con trâu của mình đi tới, đó là Trung-Đạo. Khe phía đông, khe phía tây đâu chẳng phải là Bỉ Thử, Thiện Ác, Sáng Tối, Sắc Không, Còn Mất, Được Thua, vv… Những món ấy đều là sanh diệt pháp. Thế thì tại sao chúng ta lại không bắt chước các bậc thánh trí đi vào con đường giữa, cứ tuỳ duyên tuỳ phận mình ở trong đấy mà nhận lấy chút chút thôi, mà người khác thì trọn chẳng thể thấy cái lợi ích không tướng chẳng thể nghĩ bàn. Trong việc tu học, không hiếm người rơi vào chấp tướng mà không tự biết mình có chấp. Có người thích làm việc thiện, thấy người khác làm việc ác thì ghét cay ghét đắn . Lại cũng có người không từ một việc ác nào mà không làm, lại còn thấy người khác làm thiện thì sinh cợt đùa trêu chọc, cũng như không tin có nhân quả. Cả hai đàng, khe đông khe tây, ngài Nam-Tuyền đều dạy nên né tránh hết, vì đó chính là ràng buộc nhị nguyên. Chỗ mà Sư thả trâu vào là chỗ không trói buộc hai bên, tức Trung-đạo vậy. Thiền sư Thạch-Củng Huệ-Tạng, nguyên là một thợ săn, được Mã Tổ độ cho xuấât gia. Một hôm sư làm việc trong bếp, Mã Tổ bất chợt ghé lại, hỏi: - Đang làm gì? Đáp : - Chăn trâu. Hỏi tiếp : - Chăn ra sao? Đáp : - Một khi vào ruộng lúa liền nắm mũi kéo lại. Mã-Tổ khen : - Ông thật là người khéo biết chăn trâu. Nhuận-Bảo. |