Mai hay mơ

24/07/20184:00 SA(Xem: 7184)
Mai hay mơ

MAI HAY MƠ
Thích Trung Hữu

 

dem-qua-san-truoc-mot-canh-maiChắc Phật tử chúng ta không lạ gì với bài thơ Cáo tật thị chúng (Cáo bệnh dạy đệ tử) của thiền sư Mãn Giác, với hai câu thơ cuối được coi là tuyệt cú trong vườn thơ thiền Việt Nam. Đa số các dịch giả đều giữ nguyên chữ Mai trong nguyên tác và cho rằng đó là hoa Mai. Tuy nhiên, theo Nguyễn Cẩm Xuyên trong "Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ đình tiền tạc dạ nhất chi Mai" thì Mai ở đây không phải là hoa Mai vàng hay hoa Mai trắng mà là Mơ. Bài thơ đó như sau:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi Mai.

Nghĩa:

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở .
Việc trước mắt qua mãi
Trên đầu già đến rồi.
Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành Mai.

Nguyễn Cẩm Xuyên giải thích rằng, trong chữ Hán 梅 (Mai) là hoa Mai, cũng có nghĩa là cây Mơ. Cây Mơ ở Trung Quốc có nhiều, là loại cây ăn quả có hoa đẹp màu trắng, có khi hơi ửng hồng hoặc đỏ. Riêng nước ta, Mơ có nhiều ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là ở vùng rừng núi động Hương Tích. Vì điều kiện thổ nhưỡng, hoàng Mai tức là cây Mai vàng nở hoa vào dịp tết âm lịch chỉ có từ Quảng Trị trở vào. Lãnh thổ nước ta vào thế kỉ XI lại chỉ mới đến chân đèo Ngang cho nên vào thời điểm ấy, xem như nước ta chưa thể có hoàng Mai mà chỉ có hoa Mơ, và hoa Mơ trong thơ xưa vẫn gọi là hoa Mai. Như Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông có bài thơ Hoa Mai, có câu “Hoa bạc phau phau xâm khí tuyết/ Chồi xanh êu ếu lạt hơi may”. Sắc hoa bạc phau phau ở câu thơ chính là sắc trắng của hoa Mơ. Chu Mạnh Trinh trong bài Hương Sơn phong cảnh cũng đã viết: “Thỏ thẻ rừng Mai chim cúng trái/ Lửng lờ khe Yến cá nghe kinh”. Mơ mọc thành rừng. Rừng Mai đây chính là rừng Mơ chớ không phải là rừng Mai vàng như nhiều người lầm tưởng. Rồi tác giả kết luận rằng: “Vậy Mai trong lời thơ của Mãn Giác chính là cây Mơ. “Đình tiền tạc dạ nhất chi Mai” dịch là “Ngoài sân đêm trước một cành Mơ” là đúng”.

Cách giải thích này của tác giả Nguyễn Cẩm Xuyên thật mới lạ và hình như cũng chỉ có Tác giả có lối giải thích độc đáo và thú vị này. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế cũng như bối cảnh của toàn bài thơ thì dường như là không phải như vậy. Thực tế là, từ ngàn năm trước, hoa Mai đã khơi nguồn cảm hứng cho biết bao thi nhân rồi. Hoa Mai được nhắc đến rất nhiều trong thi ca của người xưa, cả ở Trung Hoa lẫn Việt Nam.

Nhiều thế kỷ trước, Trương Thuyết đời Đường đã làm thơ “Khứ tuế Kinh Nam Mai tự tuyết/ Kim niên Kế Bắc tuyết như Mai” (Năm ngoái ở Kinh Nam (nay thuộc tỉnh Hồ Quảng), hoa Mai trắng như tuyết/ Năm nay ở Kế Bắc (nay là Bắc Kinh), tuyết trắng như hoa Mai). Đời nhà Tống, Lâm Bô (Lâm Hòa Tĩnh) được coi là người rất yêu hoa Mai. Vị hiền sĩ này tài trí hơn người nhưng chán ghét tục lụy nên ở ẩn trên núi Cô Sơn, chỉ thích trồng hoa Mai và nuôi chim hạc, nên người đời nói về ông là "Cưới Mai làm vợ, nuôi hạc làm con". Ông chính là tác giả bài thơ Mai Hoa bất hủ, được truyền tụng qua nhiều thế hệ. Bốn câu đầu của bài thơ này là:

Chúng phương dao, lạc độc tiên nghiên

Chiếm tận phong tình hướng tiểu viên

Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển

Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn.

Nghĩa là:

Các loài hoa rơi rụng, chỉ một mình (hoa Mai) tươi tốt

Chiếm cả vẻ đẹp trong khoảnh vườn nhỏ

Bóng cành thưa đâm ngang lòng nước trong ở nơi cạn

Hương thầm thoảng lên dưới ánh trăng hoàng hôn.

Ở nước ta, sau thiền sư Mãn Giác không xa, thiền sư Huyền Quang cũng là một thi nhân tài hoa. Ngài thường có những bài thơ tuyệt hay về hoa Mai như bài Mai hoa tác:

Dục hướng thương thương vấn sở tòng,

Lẫm nhiên cô trĩ tuyết sơn trung.

Chiết lai bất vị già thanh nhãn,

Nguyện tá xuân tư ủy bệnh ông.

Nghĩa là:

Vịnh hoa Mai

Ngửa mặt trời xanh hỏi lý do

Hiên ngang trong núi mọc mình hoa

Bẻ về, không để chưng vui mắt

Chỉ mượn mầu Xuân đỡ bệnh già.

(Nhất Hạnh dịch)

Cái hay của bài thơ là cả bài thơ không nói đến một chữ Mai nào nhưng lại nêu được cái đặc tính của cây Mai, một mình giữa núi non đầy tuyết trắng (mà bản dịch không nêu được). Không phải Mai thì là gì chứ.

Nguyễn Trãi, vị khai quốc công thần của nhà Hậu Lê, cũng là một người hết lòng ưu ái hoa Mai. Ông đã từng giải thích lý do tại sao mình yêu Mai đến thế: “Yêu Mai, yêu tuyết bởi vì đâu? Vì tuyết trắng, Mai thơm và tinh khiết”. Thú tiêu khiển trang nhã của ông chính là: “Hái cúc, ương lan, hương bén áo/ Tìm Mai, đạp nguyệt, tuyết xâm khăn”.

Trên đây chỉ là điểm qua vài ba trường hợp để cho thấy rằng hoa Mai đã được biết tới từ lâu trong thực tế cũng như trong thi ca. Huyền Quang và Nguyễn Trãi đề cập trên đây đều là những nhân sĩ Bắc Hà và xuất hiện sau thiền sư Mãn Giác không lâu, ít nhất là trước khi Chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa để bắt đầu cuộc Nam tiến. Cho nên nói rằng vì lý do địa lý, thổ nhưỡng mà người Bắc Hà không biết đến hoa Mai, hoặc ít nhất không sử dụng hoa Mai trong thơ là không đúng.

Hơn nữa, chúng ta nên nhớ rằng, thơ ca nghệ thuật (dù là thơ thiền cũng không ngoại lệ) nó có quy luật riêng của nó. Nhà thơ có thể tưởng tượng ra hình ảnh để đưa vào thơ miễn là hợp lí và giàu chất thẩm mĩ. Ở thơ cổ điển, thậm chí nhà thơ còn tả sự việc theo cách ước lệ như “giếng vàng đã rụng một vài lá ngô”, hay tả mùa đông với tuyết phủ mơ màng… dù khi đó không có lá ngô đồng nào rụng mà cũng chẳng thấy có tuyết rơi … Cho dù ở miền Bắc nước ta lúc đó không có hoa Mai, như đề xuất của Nguyễn Cẩm Xuyên, thi nhân vẫn có thể  làm thơ về Mai, theo ý nghĩa ước lệ của loài hoa có cốt cách cao khiết này.

Ngoài ra, xét bối cảnh ra đời của bài thơ, thiền sư Mãn Giác làm bài Cáo tật thị chúng trong những ngày xuân, trong khi cây Mơ thì thông thường đến cuối tháng 1 hay đầu tháng 2 mới ra hoa. Điều quan trọng là, cây Mơ nó không tượng trưng, không phải là đại biểu cho mùa xuân. Cho nên nếu như thiền sư Mãn Giác không dùng hoa Mai vàng để làm thơ thì ông phải dùng một loại hoa khác đặc trưng cho mùa xuân, đó là hoa Đào, vốn là biểu tượng của mùa xuân ở miền Bắc. Rõ ràng hoa Đào tạo cảm giác mùa xuân hơn là hoa Mơ. Cây Mơ thật ra người ta trồng không phải để chơi hoa, mà là để thu hoạch trái. Như vậy tính chất thi ca của nó không nhiều. Sau khi hoa Mơ rụng thì sẽ sinh trái, càng không gợi lên sự vô thường trong lòng người ta. Và như vậy thì tứ thơ không đắc rồi. Và điều nữa là cây Mơ là loại cây ăn trái nên chúng được trồng trong rừng, cả một rừng Mơ, đã thế thì làm sao có chuyện có một cành Mơ trước sân được? Đó phải là cành Mai, hoặc ít nhất là cành đào mà thôi.

Mỗi loài hoa có đặc tínhý nghĩa riêng. Từ xưa hoa Mai đã tượng trưng cho khí tiết thanh cao của người quân tử, là biểu tượng cho khả năng chịu đựngvượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt để khoe sắc tỏa hương. Những đặc tính này cũng rất phù hợp với sự trui rèn của hành giả Phật giáo trong quá trình tu học. Hình ảnh hoa Mai trong sương tuyết nói lên sự cay đắng khó khăn của người tu. Nếu chúng ta giữ lập trường không lay chuyển trước những cay đắng khó khăn đó thì sau khi chúng qua rồi, chúng ta sẽ được cái an lành vô thượng, đó là ngửi được mùi thơm của hoa Mai. Cho nên rất dễ hiểu là các thiền sư rất thích hoa Mai và cũng thường ví mình với hoa Mai, như bài thơ sau đây của một thiền sư Trung Hoa đời Đường, bài Cổ Mai:

Hỏa ngược phong thao thủy tí căn

Sương thuân tuyết trựu cổ đài ngân

Đông phong vị khẳng tùy hàn thử

Hựu nghiệt thanh hương dữ phản hồn

Nghĩa là: Lửa táp, gió lùa, nước ngâm thân /Sương (như) búa tuyết (như) cưa khắc vết hằn/ Gió đông buốt giá dầu chưa đến /Vẫn cứ đâm chồi tỏa ngát hương.

thiền sư Hoàng Bá Hy Vận:

“Trần lao quýnh thoát sự phi thường

 Hệ bã thằng đầu tố nhất trường

Nhược bất nhất phiên hàn triệt cốt

Tranh đắc Mai hoa phốc tỷ hương”.

Nghĩa là:

Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường

Đầu dây nắm chặc giữ lập trường

Chẳng phải một phen sương buốt lạnh

Hoa Mai đâu dễ ngát mùi hương.

Có thể nói rằng, cành Mai của tổ Hoàng Bá và của thiền sư Mãn Giác chỉ là một, chỉ khác nhau là cành Mai của Hoàng Bá thì vượt lên cái lạnh, còn cành Mai của Mãn Giác thì vượt lên sự sinh diệt. Bài thơ Cáo tật thị chúngliên hệ gì với bài thơ này không, hay thiền sư Mãn Giác có biết đến bài thơ này hay không khi ông làm bài Cáo tật thị chúng? Câu trả lời hẳn sẽ nghiên về phía khẳng định. Hẳn là khi làm bài Cáo tật thị chúng, thiền sư Mãn Giác đã mượn cành Mai của Hoàng Bá để… xài chung. Hòa thượng Thanh Từ trong bài Xuân trong cửa thiền cũng nói rằng hoa Mai của Tổ Hoàng Bá nói cũng là hoa Mai của Thiền sư Mãn Giác”.

 

Như vậy là đã rõ, cành Mai trong thơ thiền sư Mãn Giác là hoa Mai theo cách hiểu truyền thống, chứ không phải hoa Mơ theo gợi ý của Nguyễn Cẩm Xuyên. Cành mai ấy “có thể không có thật ở chốn đình tiền đêm năm ấy (dẫu có thật, rồi hoa cũng phải rụng rơi theo ngày tháng). Tuy nhiên, điều chúng ta biết chắc, cành mai ấy đã hiện hữu ở từng sát na trong mắt nhìn của thiền sư, đúng ra là ở trong tâm ngài. Cành mai ấy mọc bên ngoài dòng sinh tử vô thường của thời gian và nở bên ngoài quy luật bể dâu của vũ trụ. Tâm hoa nếu đã nở thì việc gì phải cậy đến mùa xuân. Mà thật ra, làm gì có mùa xuân. Chúng ta thấy xuân đến xuân đi chỉ vì chúng ta đang sống trong vọng thức. Thấu đáo ẩn dụ của cành mai trong bài kệ, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy an nhiên tự tại khi đối diện với sinh tử vô thường của tạo hóa, với được, thua, còn, mất của kiếp người”.

 

Thích Trung Hữu

Thư Viện Hoa Sen

Bài đọc thêm:
Cảm Nhận Bài Thơ Cáo Tật Thị Chúng Của Thiền Sư Mãn Giác
Bài thơ: Cáo bệnh để dạy đệ tử!

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
12/01/2012(Xem: 60771)
18/01/2011(Xem: 88544)
07/02/2015(Xem: 12723)
27/01/2015(Xem: 23436)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.