Ước Mơ Của Mùa Xuân

08/01/20233:39 SA(Xem: 1626)
Ước Mơ Của Mùa Xuân

blank
ƯỚC MƠ CỦA MÙA XUÂN 

Tiểu Lục Thần Phong

 

mua xuanTrời rét căm căm, giá băng phủ một lớp mỏng trên sân đậu xe trông bóng loáng như kiếng, lớp băng mỏng trơn trượt ấy là cái bẫy, bước đi không khéo là té sập mặt như chơi. Không gian im ắng đến tuyệt đối, người đời thường bảo thế gian này chẳng có chi là tuyệt đối , nhưng rõ ràng sự im lặng tịch mặc của đêm đông vùng trời phương ngoại này quả là sự tịch lặng tuyệt đối. Bầu trời lấp lánh với vô số ngôi sao sáng trên nền đen thẫm vi diệu.

Steven ngồi xem ti vi, thỉnh thoảng liếc xem đã gần đến nửa đêm chưa. Bà xã ngồi bên hỏi:

“ Trời lạnh thế này mà anh định lên chùa à? Dịch dã vẫn còn căng lắm, liệu có ai đi không?”

“ Lạnh thì lạnh, mỗi năm có một lần giao thừa, lên chùa lễ Phật cầu nguyện cho năm mới tốt đẹp an lành và cũng là hưởng một chút không khí tết cổ truyền. Dịch thì dịch, chùa vẫn thực hiện giãn cách”

“ Mặt đường đóng băng rồi, anh đi cẩn thận, nhớ về sớm”

“Ok, honey”

Steven có thói quen thường lên chùa đêm giao thừa, sống ở hải ngoại khôtng có cơ hội về quê đón tết thì lên chùa hưởng một chút không khí xuân, một chút hơi hướng của phong tục cổ truyền. Hai năm nay vì dịch, số lượng người lên chùa đêm giao thừa giảm hẳn đi, mọi người sợ lây bệnh vả lại chùa cũng hạn chế bớt vì lệnh giãn cách của chính quyền sở tại. Hải ngoại đang mùa đông lạnh buốt, cây cỏ trơ trụi lá nhưng ở chùa vẫn có mai vàng đào phấn, pháo đỏ bánh chưng xanh, có khói hương trầm phảng phất gợi nhớ những ngày xưa thơ ấu.

 

**

Năm ấy pháo giao thừa bùng lên rộn rã thay cho tiếng đại bác ru đêm, tiếng súng trường gắt gỏng. Tiếng pháo mừng xuân mới, mừng hiệp định hòa bình đã được ký kết ở Ba Lê. Một lát sau khi pháo giao thừa dứt hẳn thì mẹ Steven cũng chuyển dạ, đêm hôm khuya khoắt, vả lại đêm giao thừa biết làm sao giờ? Ngoại bèn chạy sang nhà bà mụ hàng xóm để nhờ đỡ đẻ trong thời khắc đặc biệt này. Thằng bé chào đời ngon lành, khóc oe oe sau tiếng pháo giao thừa. Ngoại nói với người nhà:

“ Hòa bình rồi, nay mai thằng bé lớn lên sẽ sống trong sự an lành, học hành đầy đủ, không còn phải lo đi quân dịch, không còn chết chóc thương vong vì chiến tranh”

Đâu chỉ mình ngoại, hồi ấy cả miền nam ai cũng mừng và hy vọng hòa bình. Cả thế giới cũng kỳ vọng vào hiệp định hòa bình. Sự đời mấy ai ngờ, mấy ai nhìn thấu được sự thật đằng sau những tờ giấy được ký kết ấy.

Thế rồi chiến tranh vẫn tiếp diễn và còn khốc liệt hơn, chiến tranh kéo dài cho đến ngày miền nam sụp đổ hoàn toàn. Thế rồi những đêm giao thừa đen tối, những ngày tết cơ cực của thời kỳ hậu chiến. Những cái tết đầy khó khăn nhưng dù gì thì cũng ba ngày tết, mọi người, mọi nhà cũng sắm sửa chút ít bánh mức hoa quả để đón xuân. Những tấm áo mới cho con trẻ, những nồi bánh chưng bánh tết bập bùng lửa trong những ngày cuối năm, những chậu hoa mai vàng được lặt lá, cắt tỉa uốn cành để đợi xuân sang. Cả một thời khốn khó, tuy nhiên lúc này người ta vẫn chưa cấm pháo; những nhà khá giả thì mua pháo tổng, pháo đại. nhà nghèo thì tràng pháo chuột gọi là. Thời khắc đêm giao thừa sao mà thiêng liêng quá. Ai cũng cảm nhận sự rung động của tâm hồn mình, ai cũng mở lòng ra với đất trời với tha nhân, tạm quên những nhọc nhằn oan khốc của đời thường. Ai cũng cảm thấy sự giao thoa của đất trời, của thời gian. Ai cũng cảm nhận dường như tổ tiên cũng vui vầy với con cháu…Thời khắc giao thừa thiêng liêng lắm, mọi người chờ đợi và hy vọng, bao nhiêu tâm nguyện ước mơ đều hiện rõ trên gương mặt, trong lời thì thầm khấn vái.

 Ngoại mặc áo dài lễ Phật, cúng tế tổ tiên. Ba mẹ cũng áo dài thẳng thớm để nối gót ngoại. Tuị trẻ con thì cứ quắn quýt bên tràng pháo ngoài hiên. Pháo giao thừa nhất định phải chờ đúng thời khắc mới đốt, tuy nhiên trước đó pháo vẫn nổ râm ran khắp xóm làng, phố phường. Đêm giao thừa mọi người thầm cầu mong cho năm mới an lành tốt đẹp, mọi người tương thân tương ái nhau. Bọn con trẻ thì đơn giản hơn nhiều, chỉ mong tết để khỏi học bài, được đi chơi thả ga, ăn hàng tới bến luôn. Đúng mười hai giờ, pháo giao thừa đồng loạt bùng lên, tiếng nổ giòn giã vang khắp đất trời, tiếng pháo đì đùng, ùng oàng, lép bép… đủ các loại thanh âm và nhịp điệu. Pháo nổ giàn trời, ánh sáng từ pháo lóe lên khắp đó đây, mùi thuốc pháo bay nồng trong không gian, xộc vào mũi người ta. Cái mùi thuốc pháo cay nồng ấy lại làm cho người ta thích thú và nó in sâu vào trong ký ức của mỗi con người. Tiếng pháo làm cho lòng người phấn chấn hưng phấn hẳn lên, tiếng pháo kích vào những tiềm ẩn sâu trong tâm thức con người. Tiếng pháo giao thừa vừa quen thuộc thân thương lại vừa thiêng liêng huyền hoặc hằn sâu vào tạng thức của bao nhiêu thế hệ người Việt Nam.

 

**

Sáng mồng một tết, Steven chở con gái đi viếng những chùa gần trong vùng, tuy dịch dã vẫn còn, trời vẫn lạnh căm căm… nhưng những tà áo dài vẫn tha thướt khắp sân chùa. Người Việt xa quê ai cũng mong mỏi ngóng trông về nguồn cội, nguồn cội giờ xa quá, chỉ có lên chùa mới có thể sống lại chút dĩ vãng ngày xưa, lên chùa lễ Phật, cầu chúc năm mới an lành. Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng biết đến hai câu thơ của nhà sư – thi sĩ Huyền Không:

“ Mái chùa che chở hồn dân tộc

  Nếp sống muôn đời của tổ tông”

Mùa xuân hải ngoại không thể rộn ràng vui như cố quận mình nhưng cũng giữ được chút ít cái hồn dân tộc, cái truyền thống dân tộc ở xứ người. Tiếng pháo mừng xuân mới lại nổ rộn ràng ở sân chùa, lá cờ năm màu bay phất phới trong gió gợi lên cả một cung trời quê hương, nơi đó có những lễ hội làng quê, nơi đó có những truyền thống bao đời dù rằng cũng đã mai một ít nhiều. Những đồng hương gặp nhau ở chùa dù thân quen hay xa lạ ai cũng cười vui tươi tắn, chúc nhau an lạc, chúc xuân hạnh phúc thịnh vượng, chúc năm mới với những lời tốt đẹp nhất, hy vọng tương lai tươi sáng và thịnh vượng hơn những ngày tháng qua.

Ngày cuối tuần, hội xuân dân tộc thật vui, cũng có múa lân, đốt pháo, lì xì, bầu cua cá cọp...Những tà áo dài đủ kiểu cách, màu sắc, hoa văn… lại thướt tha trẩy hội giữa vùng ngoại phương. Những gương mặt tươi như hoa xuân giữa mùa đông hải ngoại.

Tết dân tộc dù ở cố quận hay ở hải ngoại cũng vậy. Người Việt ai cũng nhớ đến chiến công hiển hách lẫy lừng có một không hai của tộc Việt. Mùa xuân Kỷ Dậu, vua Quang trung và nghĩa quân Tây Sơn đã đánh tan đội quân xâm lược Mãn Thanh, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, khôi phục nền độc lập dân tộc. Hình ảnh vua Quang Trung mặc áo bào vàng sạm khói súng lẫm liệt cỡi voi vào thăng Long là một hình ảnh hào hùng đẹp đến nao lòng. Mùa xuân Kỷ Dậu là đỉnh cao của bản anh hùng ca dựng nước và giữ nước, là  mùa xuân rực rỡ nhất của tộc Việt, là mùa xuân đẹp nhất trên mảnh đất hình chữ s bên bờ trùng dương

Mùa xuân tưng bừng với muôn hoa, rộn ràng với pháo đỏ bánh chưng xanh, mùa xuân mãi còn vang vọng trong đất trời, trong hồn người. Bài hịch đánh giặc Mãn Thanh của mùa xuân Kỷ Dậu vẫn còn dư âm đến muôn đời:

“ Đánh cho để dài tóc

   Đánh cho để đen răng

   Đánh cho nó chích luân bất phản

   Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

   Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ”

Mùa xuân hải ngoại trời lạnh lắm nhưng lòng người ấm áp vì nhớ về những mùa xuân dân tộc. Những người con Việt thầm mong những mùa xuân mới của nước nhà được tự do, dân chủthịnh vượng. Mùa xuân dân tộc ước nguyện quốc gia phải toàn vẹn, độc lập chủ quyền được giữ gìn, nhân quyền được tôn trọng, người trong ngoài tương ái tương thân.

 

Tiểu Lục Thần Phong

Ất Lăng thành, 09/22

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/12/2014(Xem: 19245)
24/12/2014(Xem: 12624)
24/12/2014(Xem: 13723)
23/02/2015(Xem: 8224)
06/02/2016(Xem: 6089)
13/01/2011(Xem: 72559)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.