PL 2535
Kinh Từ bi thủy sám - thầy Chơn Thức tụng
TỰA
Con người là trung tâm điểm. Hoạt động của con người chi phối hết thảy. Cho nên muốn xây dựng một xã hội mới, trước hết phải đổi mới chính con người. Đó là điều mà khi nào nói đến Đạo Phật ta cũng phải nhớ, bởi vì Đạo Phật là đạo căn bản, chú trọng đến cái căn bản là Con Người. Cho nên hầu hết phương pháp Đạo Phật đều thiết lập trên sự xác nhận ấy. Thí dụ phương pháp SÁM HỐI là một...
Sám hối nghĩa là tự giác đổi mới để đi đến địa vị “hoàn nhân”: một nhân cách hoàn toàn viên mãn, mới mẻ. Mà con người đã là trung tâm điểm thì con người phải mới đã, xã hội, gia đình của con người mới mới. Còn con người bị bỏ rơi, thì cái gì vào tay con người ấy cũng nguy hiểm; và kết quả, con người đã cũ, thì gia đình xã hội con người ấy dù được gọi là hạnh phước, cũng chỉ là đau khổ trá hình.
Cho nên Sám hối là phương pháp, cần thiết giúp cho những người thành thật muốn tự đổi mới, muốn xây dựng một xã hội an lạc. Nhưng muốn Sám hối phải làm sao? Phải có sự tự giác ở trong và phải có sự quy hướng ở ngoài giúp thêm.
Sự tự giác ở trong hệ trọng là 4 điều này:
1. Tâm quí: thấy nhân cách thấp kém là tự sỉ nhục.
2. Yếm ly: thấy thân mệnh là vật đáng hy sinh.
3. Bồ đề tâm: lập chí cứu người cứu vật.
4. Quán thân Phật: đó là một “hoàn nhân” mà ta phải thực hiện cho kỳ được
Sự qui hướng ở ngoài thì không ngoài Tam Bảo:
1. Phật Đà: đấng giác ngộ sự thật.
2. Đạt Ma: sự thật của vạn vật.
3. Tăng già: người thật hành sự thật.
Đức Phật từng dạy: ngã ở đâu chống ở đó mà dạy: tội từ tâm sinh phải do tâm diệt. Cho nên Sám hối thì trong phải có các tâm thù thắng, ngoài phải cầu các Đấng Đại Giác. Cầu nguyện các Đấng Đại Giác là cầu sự chứng minh của các vị hoàn nhân để giúp cho ta bền chí hoàn thành cái địa vị ấy. Còn sự cầu đảo chỉ là cầu đảo...
Do những điều trình bày trên, bây giờ ta đã có thể thấy Sám hối là phương pháp cần thiết cho tất cả mọi người ở trong mọi trường hợp. Một xã hội an lạc có thể thật hiện dễ dàng, nếu tất mọi người đều có chút tự giác trong mỗi một hành động, rằng “ có hợp lý không? ” Và, trong ba tạng Thánh giáo, bộ Thủy sám phổ thông nhất là vì thế.
Nhận thấy sự quan hệ ấy nên trong kỳ an cư năm 2512, pháp hữu tôi, thầy Giảng sư Thích Huyền Dung, vừa hành sám vừa phiên dịch bộ Thủy Sám này ra quốc ngữ. Khi hoàn thành rồi có hai pháp hữu Trí Đức và Trí Nghiễm khảo duyệt. Thật là một công đức viên mãn. Tôi nhất tâm tùy hỷ nên viết mấy hàng để giới thiệu tính cách hệ trọng của phương pháp Sám hối và bộ Thủy Sám này.
Ngày kỷ niệm xuất gia của Bổn Sư năm 2513
THÍCH TRÍ QUANG