Một Vài Vấn Đề Về Phật Giáo, Kitô Giáo Và Khoa Học

01/12/20233:53 SA(Xem: 718)
Một Vài Vấn Đề Về Phật Giáo, Kitô Giáo Và Khoa Học

MỘT VÀI VẤN ĐỀ VỀ
PHẬT GIÁO, KITÔ GIÁO VÀ KHOA HỌC

Tuệ Nguyễn

Lời đầu:

Bài này nói về những vấn đề mà mới nghe thì có vẻ như không liên quanvới nhau, tuy nhiên trong nhà Phật lại có câu “tất cả mọi pháp đều là Phật pháp” cho nên người viết thử liên kết các vấn đề này với nhau, mời các bạn đọc xem thử.

Những trích dẫn nguyên văn được in chữ nghiêng. Ngoài tiêu đề, những chỗ in đậm là do người viết nhấn mạnh.

1_Kinh Lăng Nghiêm và vũ trụ song song.

Khái niệm về vũ trụ song song (hay đa vũ trụ) là giả thuyết về sự tồn tại của nhiều vũ trụ, trong đó có vũ trụ ta đang sống. Đây không phải là chuyện tưởng tượng của các nhà văn hay nhà làm phim mà là một trong những đề tài mũi nhọn của vật lý lý thuyết thế kỷ XXI.

Ta thử coi chuyện này có liên quan gì đến Phật giáo hay không?

Trong kinh Lăng Nghiêm (1) Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi xét chỗ tu hành của 25 vị đại Bồ-tát và A-la-hán để chọn cho ngài A-nan và chúng sanh đời sau một pháp môn phương tiện nào tu dễ thành tựu, ngài Văn-thù-sư-lợi dựa vào uy thần của Phật, đáp lại bằng bài kệ (trích một đoạn):

(...) Hư không sinh ra trong đại giác,
Như một bọt nước sinh trong bể;  
Các nước hữu lậu, như vi trần
Đều nương hư không, mà phát sinh;
Bọt nước diệt, vốn không hư không,
Huống nữa là, hình tướng ba cõi (...)

Theo ước tính của các nhà khoa học thì vũ trụ mà ta đang sống chứa khoảng 200 tỷ (200 000 000 000) thiên hà, mỗi thiên hà lớn nhỏ khác nhau chứa khoảng từ 10 triệu (10 000 000) tới 100 ngàn tỷ (100 000 000 000 000) ngôi sao, thiên hà chứa hệ mặt trờichúng ta đang sống (gọi là dải Ngân Hà) chứa khoảng 400 tỷ ngôi sao, các ngôi sao lại có thể kéo theo một hệ thống nhiều hành tinh và vệ tinh bao quanh nữa. Đó là chỉ kể những phần ta biết chiếm khoảng 5% vật chất trong vũ trụ, còn là 95 % là vật chất tối và năng lượng tối thì hiện nay còn chưa được biết rõ ràng (2).

Như vậy nếu coi các sao, hành tinh, vệ tinh là những thế giới hữu lậu (có sanh, trụ, dị, diệt) trong vũ trụ thì chúng đúng là hình ảnh của những vi trần (bụi nhỏ) lăng xăng trong bầu hư không. Vậy mà theo bài kệ trên, bầu hư không này (chứa vũ trụ chúng ta gồm vô số thiên hà) ở trong biển đại giác chỉ như một bọt nước sanh trong bể, ta có thể nói trong bể có bao nhiêu giọt nước thì trong biển đại giác có bấy nhiêu vũ trụ song song! Quả là không thể nào tưởng tượng nổi, cái từ "hằng hà sa số" thế giới (thế giới nhiều như cát sông Hằng) mà ta thường thấy trong kinh Phật có lẽ cũng chỉ là cái từ tạm gượng đặt mà thôi.

Picture1H1_Một vùng vũ trụ cực xa do kính thiên văn không gian Webb chụp năm 2022, góc nhìn vùng không gian này xấp xỉ bằng góc nhìn một hạt cát đặt cách mắt chúng ta một khoảng sải tay. Các đốm sáng có hình dạng khác nhau là các thiên hà. (Các đốm sáng có 6 tia gai nhiễu xạ là các sao tiền cảnh ở gần ta, không phải các thiên hà)

Picture2H2_Hình ảnh một số thiên hà (Nguồn: HST) 

Picture3H3_Thiên hà chứa hệ mặt trời ta đang sống có tên là dải Ngân Hà (Milky Way)_Tất cả các sao ta thấy trên bấu trời (các chấm sáng trên hình) đều là các sao thuộc dải Ngân Hà, chúng ở gần nên ta mới phân biệt được bằng mắt thường, còn vô số các sao ở xa (cũng thuộc dải Ngân Hà) ta không phân biệt được mà nhìn thấy chúng chi chít hợp thành một vệt sáng vắt ngang bầu trời, giống như một con sông bạc (ngân hà). Ở thành thị khó thấy được dải Ngân Hà vì bị ánh sáng đô thị che lấp (Nguồn: Mihail Minkov)

Picture4H4_Vũ trụ song song trong biển đại giác (hình minh hoạ)

 

2_Kinh Lăng Nghiêm và computer

Trong kinh Lăng Nghiêm (3) có đoạn ngài Phú-lâu-na thắc mắc, hỏi Phật (trích đoạn):

- Bạch Thế Tôn, nếu như hết thảy các thứ căn, trần, ấm, xứ, giới, v.v... trong thế gian, đều là tính thanh tịnh bản nhiên Như Lai tạng, thì làm sao bỗng nhiên lại sinh ra các tướng hữu vi như núi, sông, đất liền, thứ lớp dời đổi, trước sau quanh lộn (...)

Phật dạy:

(...) Trong tính không đồng, không khác, nổi dậy thành ra có khác; khác với cái khác kia, thì nhân cái khác đó, mà lập thành cái đồng. Phát minh cái đồng, cái khác rồi, thì nhân đó, mà lập ra cái không đồng, không khác. Rối loạn như vậy, đối đãi với nhau sinh ra lao lự; lao lự mãi phát ra trần tướng, tự vẩn đục lẫn nhau; do đó, đưa đến những trần lao phiền não. Nổi lên thì thành thế giới, lặng xuống thì thành hư không; hư không là đồng, thế giới là khác; cái không đồng, không khác kia, thật là pháp hữu vi (...)

Câu trả lời của Phật gồm có phần giải thích nguyên nhân và phần kết quả, ở đây chỉ trích một phần kết quả, bạn nào muốn coi đầy đủ thì coi phần dẫn của chú thích 3, nhưng xin nói trước với các bạn là không dễ mà hiểu đâu, ngay cả khi được những vị cao tăng giảng giải (4).

Trong thế giới quan của kinh Dịch ta cũng thấy có một sự tương tự, ban đầuThái cực rồi phân thành Lưỡng nghi, rồi Tứ tượng, Bát quái, thành 64 quẻ dịch rồi từ đó biến đổi không cùng.

Tóm lại nếu "diễn nôm" cho dễ hiểu thì ban đầu tạm gọi là 1, rồi sau đó phân thành 2, thành 4 rồi thành 8 .........

Nghe thì nghe và tin thì tin, vì làm sao ta có thể nghi ngờ lời nói của các bậc thánh nhân được, tuy nhiên nếu có một ví dụ "update" thì có lẽ sẽ dễ dàng cho chúng ta hơn.

May thay chúng ta sống ở thời đại internet, tôi thử liên kết chuyện này với nhau, các bạn xem coi có ổn không nhé?

Môn tin học, và kết quả là internet, computer đúng là một cuộc cách mạng vĩ đại của loài người, tuy vậy về cơ bản nó chỉ đặt trên sự "phân biệt" (đúng, sai), (có, không), (đồng, khác)... và được tượng trưng bằng hai số 1 và 0. Bất cứ một cái gì cũng có thể quy về một tổ hợp của hai số này.

Ví dụ chữ a được biểu thị bởi 01100001, tương tự A = 01000001, b = 01100010, B =01000011

Từ hai số này nó tổ hợp, biến hóa, biểu thị ra tất cả thế giới, chúng sinh. Bạn không tin ư? Bạn thử móng lên một niệm khởi phân biệt, click vào một nút trên bàn phím (5) là hằng hà sa số thế giới hiện ra trước mắt bạn (H1), và kết quả là trần lao phiền não sẽ nổi lên làm cho bạn khóc hết nước mắt (ví dụ click vào một bộ phim tình cảm mấy chục tập của Hàn Quốc, Trung Quốc chẳng hạn).

3_Adam, Eva, và tội tổ tông

Bây giờ sang tới kinh ... Thánh, tôi thì chưa đọc kinh Thánh, kiến thức của tôi về đạo Chúa cũng chỉ như bất cứ một người bình thường nào khác, nghĩa là cũng biết đại kháiban đầu Chúa tạo ra Adam và Eva là thủy tổ loài người, sống ở vườn địa đàng, sung sướng, suốt ngày chỉ ăn với chơi, chẳng phải lao động vất vả gì cả.

Nhưng sướng mà không biết sướng, Adam và Eva bị một con rắn (Satan) dụ dỗ, bất tuân mệnh lệnh của Chúa, nên ăn trái cây biết phân biệt điều thiện và điều ác, từ đó chàng và nàng mới biết phân biệt thế nào là trai gái, bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, sinh con đẻ cái, và có lẽ do cái "gen" di truyềnloài người phải gánh chịu cái tội tổ tông của 2 vị này.

Các bạn nghe câu chuyện này có thấy cái gì bất ổn không? Nó có vẻ khó tin phải không? Nhưng vấn đề là ở chỗ nào?

Theo tôi nghĩ nó khó tin vì chúng ta đã phạm phải một cái lỗi mà trong nhà Phật gọi là "y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết" (6), nếu kinh nói thế nào mà ta giải thích nguyên văn (nghĩa đen) như vậy thì oan cho ba đời chư Phật.

Tương tự như vậy, trong câu chuyện trên nếu "y kinh ... Thánh mà giải nghĩa thì đúng là oan cho ba ... ngôi Chúa". Theo tôi nghĩ Adam và Eva chỉ là những hình ảnh biểu trưng, ban đầu ở trong vườn địa đàng (Như Lai tạng, Thái cực) thì không có chuyện gì, nhưng khi ăn trái cây nhận thức thì mới biết phân biệt, chia thành hai (thiện ác, nam nữ, đồng khác, lưỡng nghi, số 1 và 0), và khi đã chia thành hai thì kể từ đó mới thiên biến vạn hóa thành cái thế giới, cái computer và cái loài người như chúng ta đây, báo hại chúng ta phải trôi lăn trong vòng lục đạo mãi không có ngày ra. Thật đúng là:

Ma đưa lối, quỷ đưa đường,

Lại tìm những chỗ đoạn trường mà đi (7).

Tóm lại cái tội tổ tông chỉ là cái sự ban đầu khởi vọng tưởng phân biệt, chia hai mà thôi, mà cái điều này ai cũng mắc phải từ vô thuỷ kiếp luân hồi, nghĩa là ai cũng mang một cái tội tổ tông dù người đó là tín hữu Kito giáo hay là Phật tử. Điều này cho ta thấy pháp tu của thiền tông (pháp môn bất nhị) nhắm thẳng vào việc chấm dứt cái vọng tưởng phân biệt, chia hai, chấm dứt luân hồi để trở về cái Như Lai tạng, Thái cực, địa đàng, bản lai diện mục.

4_Thiền tông

Để dẫn chứng điều trên ta lấy một vài ví dụ:

Ví dụ 1_Lục tổ Huệ Năng khai thị cho Huệ Minh bằng câu: "Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?" Huệ Minh ngay câu nói đó liền đại ngộ (8).

Ví dụ 2_Ngay mở đầu bài Tín Tâm Minh của Tam tổ Tăng Xán có câu:

Chí đạo vô nan,

Duy him giản trạch.

HT Thích Thanh Từ giảng:

Chí đạo là chỗ tột cùng, vô nan là không khó, duy là chỉ, him là không bằng lòng, giản trạchlựa chọn. Chí đạo tột cùng không khó, mà khó ở chỗ còn lựa chọn. Chí đạo có chỗ gọi là chơn tâm, Phật tánh, đại đạo. Đối với chơn tâm, Phật tánh chúng ta muốn sống được không phải khó. Sở dĩ khó là tại chúng ta quen lựa chọn, nghĩa là đối cảnh lin sanh tâm phân biệt tốt xấu, hay dở... Đó là trái với đạo. Vì vậy nên nói Chí đạo vô nan, duy him giản trạch, tám chữ này nói đến chỗ tột cùng, muốn sống được với tâm thể chơn thật không khó khăn gì, chỉ đừng chạy theo tâm lựa chọn. Vì chọn lựa là tâm hư vọng, nếu không sống với tâm hư vọng thì tâm chơn thật hiện ra (9).

Ví dụ 3_(Pháp Loa) hỏi:

- Hữu cú vô cú như bìm leo cây, khi ấy thế nào?

Ngài (Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông) bèn nói kệ: (10)

Bài kệ này rất dài, gồm 9 đoạn, mỗi đoạn 4 câu, đầu mỗi đoạn chỉ lập đi lập lại một câu duy nhất là "hữu cú vô cú" và 3 câu kế mỗi đoạn là hậu quả của việc chấp vào sự phân biệt "hữu, vô". Bạn có thể coi toàn bộ bài này theo chú thích 10 dẫn.

Để giảng bài kệ này, mở đầu, HT Thích Thanh Từ nói:

"Hữu cú vô cú" là câu có câu không. Nói có nói không là đại biểu cho tất cả lời nói đối đãi có không, phải quấy, hơn thua...; những gì hai bên đều nằm trong nghĩa có và không này.

Sau khi giảng hết bài kệ HT kết luận:

Như vậy chúng ta thấy việc tu hết sức là giản đơn. Nói thì nhiều kinh sách nhưng đều gốc ở không chấp hai bên, có không, phải quấy (11).

Bạn có thể coi toàn bộ bài giảng này theo chú thích 11 dẫn.

Kết luận:

Như vậy, trái với ý nghĩ thông thường là ba lãnh vực Phật giáo, Kitô giáo và khoa học không hợp nhau mà trái lại, ta thấy về căn bản chúng không những không khác biệt mà lại rất tương đồng nữa, nghĩa là “tất cả mọi pháp đều là Phật pháp”.

Montréal, 12 Fév 2023

Tuệ Nguyễn

_________________________

Chú thích:

(1) Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Tâm Minh dịch và chú thích), Tập 2, trang 515.

(2) Trích dẫn số liệu lẻ tẻ trong một số trang Wikipedia.

(3) Kinh Thủ Lăng Nghiêm (sđd), Tập 1, trang (274-275) và 286.

(4) Một vài trang nhà có phần giảng giải kinh này, ví dụ:

Kinh Thủ Lăng Nghiêm (HT. Thích Thanh Từ giảng) - YouTube

Kinh Thủ Lăng Nghiêm (TT. Thích Thông Phương giảng) - YouTube

(5) Vào thăm trang nhà của kinh thiên văn không gian Webb:

Webb’s First Deep Field (NIRCam Image) | ESA/Webb (esawebb.org)

(6) Câu này được truyền tụng trong nhà Phật, không biết có nằm trong một bài kinh nào không  hay chỉ là kinh nghiệm trong quá trình truyền bá đạo Phật?

(7) Nguyễn Du, truyện Kiều.

(8) Thích Thanh Từ, Kinh Pháp Bảo Đàn Giảng Giải, nxb. tpHCM, 1999, trang 20, dòng (12-15).

(9) Tín Tâm Minh Giảng Giải - Phật Học - THƯ VIỆN HOA SEN (thuvienhoasen.org)

(10) HT. Thích Thanh Từ, Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải, Thiền viện Thường Chiếu, 1997, trang (61-65).

(11) HT. Thích Thanh Từ (sđd), trang (106-115).

 

 Bản PDF
Một vài vấn đề về Phật giáo, Kitô giáo và khoa học

 

 

 

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/07/2016(Xem: 8075)
26/12/2018(Xem: 15719)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.