Đôi Điều Trăn Trở Về Ni Trẻ Và Giáo Dục Phật Giáo Trong Thời Đại Mới - Thích Nữ Huệ Hương

06/01/201312:00 SA(Xem: 9366)
Đôi Điều Trăn Trở Về Ni Trẻ Và Giáo Dục Phật Giáo Trong Thời Đại Mới - Thích Nữ Huệ Hương

ĐÔI ĐIỀU TRĂN TRỞ VỀ NI TRẺ VÀ GIÁO DỤC PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI

Thích Nữ Huệ Hương

Tương lai Phật giáo Việt Nam, còn tồn tại đậm màu sắc dân tộc, và phát triển bền bỉ trong nước và quốc tế hay không, là trách nhiệm ngành giáo dục Phật giáo chúng ta.

Phật giáo được truyền vào Việt Nam trên hai ngàn năm lịch sử, trải qua bao thăng trầm, thạnh suy theo vận mệnh dân tộc và đất nước của mỗi thời đại khác nhau. Đặc biệt là đất nước Việt Nam chúng ta hiện nay hội nhập thế giới, như văn hóa, kinh tế.v.v..mọi mặt đều phát triển, trong đó có Phật giáo chúng ta, và bên cạnh sự phát triển ấy cũng có nhiều thách thức.

Sự phát triển nào cũng luôn luôn tồn tại song song hai mặt, đó là tốt và xấu, nói theo Phật giáoThiệnvà “Bất thiện”. Cho nên ngành giáo dục Phật giáo cũng rất quan trọng. Chúng ta cần phải xác định đúng hướng đi tới mục đích của ngành là gì? Đó là chúng ta phải thật sự hy sinhquan tâm thật nhiều đến chương trình đào tạo thế hệ trẻ kế thừa. Tương lai Phật giáo Việt Nam, còn tồn tại đậm màu sắc dân tộc, và phát triển bền bỉ trong nước và quốc tế hay không, là trách nhiệm ngành giáo dục Phật giáo chúng ta. Đó là kế sách giáo dục Tăng Ni trẻ mà trước kia chư Tổ sư chúng ta đã từng dạy, như Ngài Pháp Loa, Nhị Tổ Thiền Trúc Lâm dạy trong bài “Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn”[1] , trước tiên người xuất gia phải học hai pháp: Thứ nhất, có ba điều: 1. Biết rõ tông sư, 2. Thông suốt chân ngụy và 3. Thấu đạt thiện ác. Thứ nhì là phải học pháp cầu thầy. Vấn đề giáo dục Phật giáo của GHPGVN còn nhiều điều trăn trở, nhưng trong bài này chúng tôi chỉ gởi đến một đôi điều suy nghĩ về Ni trẻ và giáo dục Phật trong thời đại mới mà thôi.

1. Ngành giáo dục Phật giáo của GHPGVN đã thành tựu hiện nay:

Hiện nay cả nước có 04 học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, TP. HCM và TP. Cần Thơ (Phật giáo Nam Tông Khmer), 31 trường Trung cấp Phật học, 03 trường Trung cấp Pàli, 08 lớp Cao đẳng Phật học chuyên khoa, 50 lớp Sơ cấp Phật học và 36 lớp Sơ cấp Pàli. Số Tăng Ni tốt nghiệp Tiến sĩ trên 100 vị và Cử nhân Phật học 4 .826 vị và 476 Tăng Ni đang du học các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Srilanka, Thái Loan, Đài Loan, Nhật Bản v.v..Ngoài ra có 14. 571 Tăng Ni đã được đào tạo cấp đại học và trung cấp. Trên 10.152 Tăng Ni còn đang học từ Sơ cấp Phật học đến Cao đẳng Phật học[2]. Vậy 30 năm qua, ngành giáo dục Phật giáo đã đào tạo cấp đại học và trên đại học cho GHPGVN đã được 10,6 %, so với tổng số Tăng Ni cả nước là 46. 495 vị.

2. Ngành giáo dục Phật giáo cần quan tâm hơn về chất lượng:

Số lượng thành công của ngành quá lớn như trên đã nói, nhưng cần quan tâm nhiều hơn về chất lượng đào tạo đạo đứckiến thức:

a. Chất lượng về đạo đức: Giáo dục Ni trẻ Phật giáonuôi dưỡng tài năng rường cột cho Đạo pháp, dân tộc và đất nước sau này. Cho nên đào tạo về mặt chất lượng đạo đức là hàng đầu, như Cổ Đức dạy: “Đức là gốc, tài là ngọn .” Đây là điều chúng ta hết sức quan tâm, nhất là thời đại hội nhập kinh tế, văn hóa….làm cho con người chạy theo cái gì đó mới lạ mà quên đi nguồn cội, truyền thống văn hóa đạo đức của chính dân tộ c mình. Điều đó đã xuất hiện, khi đời sống vật chất quá đầy đủ, thì đời sống đạo đức bị sụt giảm đi. Ngoài xã hội ai cũng cảm nhận được điều này, thì trong đạo cũng thế. Vì sự nghiệp―Trăm năm trồng người”, chúng tôi xin đề nghị Chư Tôn Đức Ni bổn sư nên có kế hoạch đào tạo người kế thừa và phải chọn lọc.

Đó là cách giáo dưỡng các Ni trẻ trước tiên, là theo khuôn mẫu truyền thống, như lời Phật dạy: ―16 tuổi sắp lên mới nên làm sa di ni”[3] và giữ 10 giới cấm. Tổ Độc Thể cũng dạy sa di ni phải thông suốtthực hành thuần thục 22 Thiên Oai Nghi: từ kính Tam Bảo, kính Đại Sa Môn, thờ Thầy.v.v…cho đến làm gì cũng (xin phép thầy) không được tự ý[4]. Theo Tổ Vân Thê nói: “Phật qui định, người xuấ t gia 5 hạ về trước phải chuyên học tinh tường về giới luật, 5 hạ về sau mới học hỏi giáo lý, tham cứu thiền học”[5] Chúng ta nghe qua thấy rất là khắt khe với Ni trẻ…nhưng chư vị tiền bối Ni của chúng ta đều thực hành được và rất thành công trên con đường giáo dụchoằng pháp của quý Ngài.

Hơn ngàn năm trước, và nhiều thập kỷ qua, lịch sử Phật giáo Việt Nam đã ghi lại những tấm gương sáng về đạo hạnhtinh thần tu học nghiêm túc, như công chúa Bát Nàn, Bà Thiều Hoa, Vĩnh Huy, Phương Dung…. từ thời Hai Bà Trưng, Ni Sư Diệu Nhân, thời Nhà Lý. Đến thế kỷ XX, đã có nhiều bậc trưởng lão Ni, như Sư bà Diệu Tịnh, Sư bà Hồng Nga, Sư Bà Diệu Kim, Sư Trưởng Như Thanh, Ni Trưởng Đàm Minh, Ni Trưởng Diệu Không, Ni Trưởng Giác Nhẫn……Nhìn lại chư Ni trẻ ngày nay trình độ cấp bằng học vị không thiếu. Nếu so kiến thức chiều ngang (thế học), như là ngoại ngữ, khoa học, hoạt động ngoại giao quốc tế và các cấp bằng học vị thì có thể nói, các Ni trẻ hơn quý trưởng lão Ni thời trước, nhưng kiến thức Phật học uyên thâm và nội lực tu tập, tinh thần khiêm cung còn phải nương vào học tập ở quý trưởng lão Ni tiền bối rất nhiều.

Chính vì chỉ có kiến thức bên ngoài, thích hoạt động bề nổi nên đưa đến Ni trẻ ngày nay nhiều thất bại. Một bằng chứng cho thấy các Ni trẻ có học vị cao, có tài năng thật sự được nhiều nơi mời giảng dạy, ngay cả vào học viện TP. HCM dạy cả Tăng sinh….nhưng công việc không được tồn tại bền lâu, như ánh lữa rơm bùng cháy lên rồi vội tắt. Kể cả thầy bổn sư các vị Ni trẻ đó còn từ chối họ. Đó là kết quả đào tạo thiếu nền tảng, hành điệu và chất liệu đạo đức khiêm cung của các Ni trẻ ngày nay.

b. Chất lượng về kiến thức: Số lượng Tăng Ni đã có bằng cấp đại học và trên đại học gần 4.900 vị[6], nhưng mọi hoạt động các ngành của Giáo hội vẫn còn thiếu, ngay cả đội ngũ giảng dạy cấp trung học và đại học vẫn còn hạn chế. Cho nên có dư luận nói rằng: “Bằng thật mà học giả”, nghĩa là bằng cấp là thật nhưng trình độ thì còn yếu, không xứng với học vị của cấp bằng, lại thêm đào tạo thiếu tính chất quy hoạch. Từ đó dẫn đến hệ quả kém chất lượng, hoặc có việc thì thừa người, và có việc lại thiếu người đảm trách. Qua thực tế trên chúng tôi xin đề nghị ngành Giáo dục Phật giáo nên đào tạokế hoạch lâu dài.

- Lập trường nội trú riêng cho Ni : Hiện nay Ni giới rất đông[7] và Ni giới được sự quan tâm của HĐTS đã thành lập được Phân ban đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng sự trung ương GHPGVN và nhiều hoạt động trong và ngoài nước của Phân ban Ni giới cấp trung ương và một số tỉnh cũng đạt được thành quả tốt. Vậy xin cho lập trường nội trú dành riêng đào tạo chư Ni. Tùy tình hình mỗi địa phương có khác nhau, nhưng trước tiên xin lập trường nội trú 2 cấp (Trung cấp và Lớp Sơ cấp Phật học). Sau thời gian thử nghiệm có kết quả tốt, tiếp tục xin lập trường nội trú cấp đại học dành riêng cho Ni giới. Hiện nay tỉnh Đồng Nai đã có trường riêng Trung cấp nội trú Ni, hoạt động bao năm qua rất ổn định.

- Cần có chương trình giảng dạy áp dụng chung cho cả nước : 30 năm qua, ngành giáo dục Phật giáo của GHPGVN phát triển rất mạnh nhưng đến nay Ban giáo dục trung ương chưa soạn thảo hoàn thành bộ giáo án chung cho các cấp học, có hệ thốngáp dụng chung cho cả nước, chỉ có các bộ giáo án mang tính cách cá nhân từng trường và từng miền, vùng. Đây không phải là thiếu nhân tài, lại không phải thiếu tài chánh, mà là ngành chưa có kết nối được thế hệ trước và sau quý trường khu vực ngồi lại để biên soạn. Ni giới chúng con kỳ vọng nhiệm kỳ (2012 - 2017) tới đây ngành giáo dục Phật giáo trung ương cho ra đời bộ giáo án hoàn chỉnh của các cấp ở các trường trong cả nước. Được như vậy, việc dạy và học mới thống nhất thành một hệ thống giáo dục.

- Giáo dục của vị Bổn sư : Đây được xem là giáo dục cơ sở hay nói chính xácxây dựng nền tảng. Có thể nói sự thành đạt tương đối của Ni trẻ là 50% do sự giáo dục của vị Bổn sư tại tự viện, 30% yếu tố tính tấn tu tập và 20% học vấn ở trường lớp. Vị Ni gương mẫu là phải tài đức song toàn, thực sự hy sinh cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo ở tương lai. Cho nên 50% thời gian sống với Bổn sư là học nội điển thâm hậu, còn 20% học trường lớp là hợp thức hóa bằng cấp. Cho nên trách nhiệm vị Bổn sưyếu tố rất quan trọng. Vị Thầy bổn sư phải thể hiện được lòng từ bi, vị tha, có tâm huyết, sự nhiệt tình và hy sinh. Nhất là phong cách sống hằng ngày phải thể hiện được tinh thần thân giáo, khẩu giáo, ý giáo để cho Ni trẻ hậu tấn noi theo. Điều quan trọng không nên để đệ tử trẻ học chạy theo bằng cấp học vị cử nhân hay tiến sĩ Phật học quá sớm. Không khéo chính vị thầy Bổn sư hại đệ tử lúc nào không hay, như ánh sáng lữa rơm không bền, mà trên chúng tôi đã nêu.

Thay lời kết:

Ni giới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển rất nhanh. Đó là nhờ sự giúp đỡ của các ngành có liên qua và trung ương Giáo hội đã cho tái lập Phân ban đặc trách ni giới thuộc Ban Tăng sự trung ương GHPGVN. Điều này đã đánh giá được tầm nhìn sáng suốt của quý vị lãnh đạo nhà nước Việt NamChư Tôn Đức lãnh đạo GHPGVN, đã kịp thời thành lập Phân ban đặc trách ni giới để chấp cánh cho Ni giới Việt Nam đi vào bầu trời thế giới hội nhập. Từ đó Ni giới đã tổ chức thành công tốt đẹp Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới Sakyadhita lần thứ 11 năm 2010 tại TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam. Qua hội nghị trên, Nữ giới Phật giáo thế giới biết nhiều về Ni giới Việt Nam chúng ta.

Năm 2011, Ni giới Việt Nam đã được mời tiếp tục Hội nghị Nữ gi ới Phật giáo Thế giới Sakyadhita lần thứ 12 tại Bangkok, Thái Lan…..Tương lai Ni giới sẽ còn tham gia các hoạt động khác trong và ngoài nước. Hiện nay, có thể nói Ni giới của GHPGVN đủ điều kiện phát triển, nhưng điều quan tâm ở đây là phát triển như thế nào cho được vững chắctồn tại lâu dài. Điều này là mong đợi cách giáo dục của Thầy Bổn sư (cơ sở) và chương trình giáo dục đào tạo của ngành, nên kết hợp như nào vừa giáo dục chương trình truyền thống (khuôn khổ); vừa chương trình hiện đại, thì mới đáp ứng được nhu cầu xã hội hiện tại. Thực hiện được điều này, là chờ đợi ngành giáo dục Phật giáo trung ương, hoạch định chương trình đào tạo cụ thể. Nhưng trước tiên, mong quý trưởng lão Ni quan tâm nhiều hơn về giáo dục thế hệ Ni trẻ kế thừa ở tương lai./.

 

Tỳ kheo ni THÍCH NỮ HUỆ HƯƠNG

y viên HĐTS GHPGVN

Phó Phân ban đặc trách ni giới thuộc BTS TW

Phó Ban Trị Sự kiêm Trưởng Phân ban đặc trách ni giới thuộc BTS tỉnh ĐN

Trụ trì Bửu Phong Cổ Tự

 


[1] Thích Thanh Từ, TAM TỔ TRÚC LÂM GIẢNG GIẢI, Nxb Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh, 2008, tr. 424-425.

[2] Xem thêm HỘI THẢO KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP GHPGVN (1981 – 20110), Nxb VP2 TƯ GHPGVN, 2011, tr. 16-17.

[3] Tỷ kheo Trí Quang biên tập, TỔNG TẬP GIỚI PHÁP XUẤT GIA, Tập 2, Nxb Văn hóa Sài gòn, 2010, tr. 1533

[4] Xem thêm như trên, tr. 1561 – 1637.

[5] Tỷ kheo Trí Quang biên tập, TỔNG TẬP GIỚI PHÁP XUẤT GIA, Tập 2, Nxb Văn hóa Sài gòn, 2010, tr. 1219 - 1220

[6] Theo báo cáo HỘI THẢO KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP GHPGVN (1981 – 20110), Nxb VP2 TƯ GHPGVN, 2011

[7] Tăng Ni cả nước là 46.495 vị (Tăng: 25.924, Ni: 20.571)

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/04/2012(Xem: 34455)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.