Phần Ix: Bát Kính Pháp (S. Guradharmā [1]; P. Aṭṭha Garudhammā Chỉ Áp Dụng Cho Tỳ-kheo-ni)

05/09/201012:00 SA(Xem: 10157)
Phần Ix: Bát Kính Pháp (S. Guradharmā [1]; P. Aṭṭha Garudhammā Chỉ Áp Dụng Cho Tỳ-kheo-ni)

Phần IX: Bát Kính Pháp 
(S. Guradharmā [1]; P. Aṭṭha Garudhammā 
 Chỉ áp dụng cho Tỳ-kheo-ni) 
*******

Tôi đã khảo sát các giới của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni trong các phần trước. Hơn nữa, cả Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đều có một số giới chỉ áp dụng cho riêng họ. Như Tỳ-kheo thì có tụ Bất Định Pháp đã được trình bày ở trên. Các giới mà đặc biệt chỉ áp dụng cho Tỳ-kheo-ni thì không thể nói là do chính họ mà các giới này được chế định, tôi sẽ bàn thảo sau. Các điều luật ấy được biết như Bát Kính Pháp. Bát Kính Pháp có nội dung hầu như giống nhau trong hai bộ Luật tiếng Hoa và Pāli, mặc dù chúng có thứ tự khác nhau. Trong kinh Pāli, Kinh Gotamī [2] và Cullavagga [3] cả hai đều nói đến việc chế định Bát Kính Phápcâu chuyện xuất gia của di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahāpajāpatī Gotamī - bà vừa là dì, vừa là kế mẫu của đức Phật).[4] Sau 5 năm đức Phật thành đạo,[5] đức Phật nhận lời thỉnh cầu của di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề và đoàn tuỳ tùng của Bà, Ngài viếng thăm Vườn Cây Banyan ở Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu). Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề xin đức Phật cho phépxuất gia. Đức Phật từ chối ba lần nhưng không giải thích lý do tại sao, rồi đức Phật đi đến Tỳ-xá-li (Vesālī). Di mẫu và đoàn tuỳ tùng buồn bã khóc lóc. Tuy buồn bã nhưng cả đoàn quyết chí chọn đời sống của người xuất gia, dù không có sự chấp thuận của đức Phật, họ đã cạo đầu và đắp y vàng. Bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề và đoàn tùy tùng đi theo đức Phật từ Ca-tỳ-la-vệ đến nơi đức Phật dừng chân là Tỳ-xá-li.

Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề và đoàn tùy tùng đang đứng bên ngoài giảng đường Đại Lâm (Mahāvana) gần Tỳ-xá-li, họ gặp Tôn giả Ānanda - người bà con của đức Phật. Tôn-giả Ānanda vô cùng thương cảm khi thấy di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề đứng bên ngoài giảng đường buồn bã đẫm lệ với đôi chân sưng phồng và thân thể rũ rượi vì đi bộ. Tôn giả quyết định thuyết phục đức Phật để giúp di mẫu Gotamī. Dù đức Phật đồng ý cho phụ nữ gia nhập Tăng đoàn, nhưng Ngài quy định rằng phụ nữ phải tuân theo Bát Kính Pháp. Di mẫu Gotamī chấp nhậntrở thành Tỳ-kheo-ni đầu tiên trong Phật giáo. Luật Tạng tiếng Hoa cũng giải thích chi tiết về việc xuất gia của di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề và việc chế định Bát Kính Pháp giống như vậy.[6] Bát Kính Pháp được dịch sang tiếng Hoa là pa pu k’o wei fa (bát bất khả quá pháp) [7] nghĩa là “Tám Điều Luật không được vi phạm.” Bát Kính Pháp được trình bày như dưới đây:

Người dịch mặc ước như sau: Số La-tinh là thứ tự của Bát Kính Pháp, kế đến là nội dung [8] và cuối cùng là số thứ tự tương đương của giới Ba-dật-đề nếu có. [9]

1. Tỳ-kheo-ni dù trăm năm tuổi hạ cũng phải tôn kính, chào hỏi, xá bái một vị Tỳ-kheo dù mới thọ giới một ngày. Tỳ-kheo-ni phải tuân giữ tôn kính giới này suốt đời không được vi phạm [175].

 2. Tỳ-kheo-ni không được trách mắng hoặc sỉ vả các sai lầm, hoặc các tà kiến, phẩm hạnh, nuôi mạng sống của các Tỳ-kheo bằng bất cứ cách nào. Tỳ-kheo-ni phải tuân giữ tôn kính giới này suốt đời không được vi phạm [145].

3. Tỳ-kheo được phép rầy la các Tỳ-kheo-ni, chứ Tỳ-kheo-ni không được phép rầy la một vị Tỳ-kheo. Tỳ-kheo-ni phải tuân giữ tôn kính giới này suốt đời không được vi phạm.

4. Thức-xoa muốn thọ giới phải đến cầu xin nhị bộ Tăng Ni. Tỳ-kheo-ni phải tuân giữ tôn kính giới này suốt đời không được vi phạm. [giống với giới 124 hay giới thứ 126].

5. Tỳ-kheo-ni phạm giới Tăng-già-bà-thi-sa hành pháp Ma-na-đoả [10] nửa tháng trước nhị bộ Tăng Ni. Tỳ-kheo-ni phải tuân giữ tôn kính giới này suốt đời không được vi phạm.

6. Mỗi nửa tháng Tỳ-kheo-ni phải cầu giáo giới chư Tăng. Tỳ-kheo-ni phải tuân giữ tôn kính giới này suốt đời không được vi phạm [141].

7. Tỳ-kheo-ni không được an cưmột trú xứ không có Tỳ-kheo. Tỳ-kheo-ni phải tuân giữ tôn kính giới này suốt đời không được vi phạm [143].

8. Sau an cư, Tỳ-kheo-ni phải đến nhị bộ Tăng Ni cầu xin tự tứ (trình 3 việc: thấy, nghe, nghi). Tỳ-kheo-ni phải tuân giữ tôn kính giới này suốt đời không được vi phạm [142]. 

Theo như sự trình bày ở trên, chúng ta thấy sáu giới (1, 2, 4, 6, 7 và 8) giống hay tương tự với các giới ở tụ Ba-dật-đề (175, 145, 124 hay 126, 141 và 142) trong Tứ Phần Luật. Như tôi đã trình bày trong phần giới thiệu, một số học giả, nhà nghiên cứu Phật giáo và các hành giả thường cho rằng vị trí phụ nữ trong Phật giáo thể hiện qua phần Bát Kính Pháp

Anne Bancroft nói: “Ngày nay người ta tranh luận gay gắt về Bát Kính Pháp có phải thật sự là do đức Phật chế định hay do các vị Tăng thêm vào sau này. Tám điều luật này thật là quá vô lý, và khó có thể tưởng tượng được đức Phật đã chấp nhận khả năng chứng quả A-la-hán của phụ nữ lại nói như vậy. Ngay cả đến ngày nay Bát Kính Pháp đã và đang tiếp tục đóng vai trò chính trong cách ứng xử của Tỳ-kheo-ni đối với Tỳ-kheo.”[11] 

Nancy Schuster Barnes viết: “Bát Kính Pháp được nói là do đức Phật chế định khi Ngài thành lập Ni đoàn là quá đáng và quá áp đặt.”[12]

Gross nói: “Tuy nhiên, chư Ni bị yêu cầu phải chấp nhận tám giới đặc biệt như là điều kiện cần để được gia nhập Tăng đoàn; tám giới này đặt Ni đoàn dưới Tăng đoàn.”[13]

“Nhiều người thích cho rằng thái độ tiêu cực của đức Phật đối với Ni đoàn là ý tưởng được thêm vào sau này, điều đó thể hiện khuynh hướng của các đệ tử trong giai đoạn sau bảo thủ hơn.”[14]

Susan Murcott cũng nói: “Tám Giới Đặc Biệt được thừa nhận như là điều tiên quyết đối với việc xuất gia của phụ nữ, có lẽ chúng là bức tường để ngăn chặn tính liều lĩnh có thể phát sinh trong tương lai. Nhưng Tám Giới Đặc Biệt này rõ ràng đặt phụ nữvị trí thứ hai. Di mẫu Ma-ha-bà-xà-ba-đề chấp nhận các điều luật này để đạt được mục đích tối cao của bà là thành lập Ni đoàn.”[15]

Dhamacharini Sanghadevi vạch ra rằng: “Cuối cùng đức Phật đã đồng ý phụ nữ có thể xuất gia, nhưng họ phải chấp nhận Bát Kính Pháp (Garudhammā), mà trên thực tế Bát Kính Pháp khẳng định là Ni đoàn không những bị thua thiệt đối với Tăng đoàn mà còn bị lệ thuộc vào Tăng đoàn nữa.”[16]

Lorna Devaraja cũng nói: “Giá phải trả cho sự xuất gia của các Tỳ-kheo-ni là phải chấp nhận Tám Điều Luật (Aṭṭha Garudhammā) bất công, tất cả các điều luật này nhằm đưa vị trí của nam giới lên. Điều thứ nhất nói rằng Tỳ-kheo-ni dù trăm tuổi hạ cũng phải tôn kính, đứng dậy vái chào một vị Tăng dù vừa mới thọ giới.”[17]

Tuy nhiên, bảng liệt kê ở trên đã vạch ra sự không ăn khớp của Bát Kính Pháp với câu chuyện thành lập Ni đoàn và cách trị phạt các tội thuộc Ba-dật-đề. Roykan Nagasaki tranh luận rằng dù Bát Kính Pháp là những điều luật quan trọng nhất cho bất cứ phụ nữ nào muốn xuất gia đều phải tuân giữ, nhưng các điều luật này được đức Phật chế định ra khi di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề xuất gia thì rất hồ nghi, vì lúc bấy giờ Ni đoàn chưa thành lập, và sáu giới quy định cho một vị Thức-xoa-ma-na phải tuân giữ và tu tập trong 2 năm chưa có chế định. Tuy nhiên, các vấn đề này lại được đề cập trong 4 điều (4, 5, 6 và 8) của Bát Kính Pháp. Dường như Bát Kính Pháp có lẽ được thêm vào sau khi thành lập hai bộ Tăng Ni.” [18]

Sư Cô Hae-ju Chun, vừa là Tỳ-kheo-ni và cũng là giảng viên của trường đại học Tonguk tại Seoul, Triều Tiên chứng minh có 6 điều luật (1, 2, 4, 6, 7 và 8) trong Bát Kính Pháp thuộc các giới trong tụ Ba-dật-đề của Tỳ-kheo-ni, vì các giới trong Bát Kính Pháp tương tự hay giống như các giới trong tụ Ba-dật-đề. Chúng ta có thể so sánh sự khác nhau trong cách trị phạt của Bát Kính Pháp với cách trị phạt trong Ba-dật-đề. Vi phạm Bát Kính Pháp thì người nữ không được xuất gia, Bát Kính Pháp phải được tuân giữ suốt cuộc đời của Tỳ-kheo-ni. Tuy nhiên, các điều luật Ba-dật-đề (175, 145, 124, hay 126, 141, 143, 142) chỉ yêu cầu sám-hối, vì các tội này của Tỳ-kheo-ni được xem nhưvi phạm “giới nhỏ.” Dựa trên mức độ khác nhau quá nhiều của các tội giữa Bát Kính Pháp và các giới Ba-dật-đề, Sư Cô đã khẳng định có lẽ Bát Kính Pháp được thêm vào sau này.” [19]

Điều luật thứ nhất trong Bát Kính Pháp dường như không có trong Luật Tỳ-kheo-ni Pāli. Tôi không tìm ra điều luật này trong văn học Pāli, nhưng nó được lập lại ở giới 175 thuộc tụ Ba-dật đề của Tỳ-kheo-ni trong Tứ Phần Luật tiếng Hoa. Điều luật thứ nhất trong Bát Kính Pháp thường được mọi người đem ra để tranh luận về vị trí của phụ nữ trong Phật giáo. Có lẽ nó được các soạn giả thêm vào trong Giới Bổn tiếng Hoa, họ muốn thêm vào kinh điển những ý tưởng không tốt đối với phụ nữ. Đề cập về điều luật này tôi hồ nghi rằng trong thời đức Phật các vị Tỳ-kheo vừa mới thọ giới lại có được tám phẩm hạnh[20] có thể nhận sự tôn kính từ nhiều vị trưởng lão Tỳ-kheo-ni đã chứng A-la-hán hay không.

Nancy Auer Falk khẳng định: “Rõ ràng đầu dây mối nhợ của mọi chuyện là do Bát Kính Pháp đặt chư Ni dưới quyền điều khiển của chư Tăng. Điều này ám chỉ là chính đức Phật đã không đồng ý thành lập Ni đoàn để cho phụ nữ xuất gia. Nếu chúng ta tin theo lời khẳng định của đức Phậtphụ nữ có khả năng chứng đạt quả A-la-hán, thì câu chuyện này có thể là một sự lừa gạt, vì nó không được xếp vào loại văn học Phật giáo thời kỳ đầu, nhưng lại được lưu hành rộng rãi như là câu chuyện đáng tin cậy về việc thành lập Ni đoàn, vì vậy câu chuyện ấy ắt hẳn đã là bóng đêm phủ trùm lên mọi nỗ lực của chư Ni.” [21]

Như tôi đã cố gắng minh hoạ ở trên, mục đích đầu tiên của đức Phật hoàn toàn khác. Tính không nhất quán của các điều luật về phương diện tình thương và sự hiểu biết dành cho chư Ni như đã được diễn tả trong các giới chế định, cũng như các yêu cầu quá khắc khe của Bát Kính Pháp thì khó mà chấp nhận được. 

Tôi hoàn toàn nhất trí với Harikawa: “Bát Kính Pháp có 8 điều. Theo Bhikkhunīkhandaka [S. Bhikṣunī-skhandhaka] (Kiền-độ cho Tỳ-kheo-ni), khi đức Phật chấp thuận lời cầu xin xuất gia của di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề để trở thành Tỳ-kheo-ni, Ngài cũng chế định Bát Kính Pháp. Tuy nhiên, nội dung của Bát Kính Pháp cho thấy rằng các điều luật này thật sự được chế định sau này.” [22]

Như Harikawa tuyên bố, tôi tin rằng chỉ có một cách giải thích hợp lýBát Kính Pháp được thêm vào sau này. Bằng chứng có sức thuyết phục mạnh mẽ nhất cho cách giải thích này là nhiều điểm quá khác nhau về cách trị phạt các tội Ba-dật đề và Bát Kính Pháp. Phạm giới Ba-dật-đề chỉ có sám-hối, trong khi đó Bát Kính Pháp buộc Tỳ-kheo-ni phải tuân giữ suốt đời
 
 

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Các học giả dịch từ Gurudharmā bằng nhiều cách khác nhau: Tám Giới Đặc Biệt, Tám Giới Phụ, Tám Điều Kiện Quan Trọng, Tám Giới Lớn, Tám Giới Chủ Yếu,Tám Điều Luật Đặc Biệt, Tám Giới Chính, Tám Giới. Tôi thích cách dịch “Tám Giới.”

[2] The Book of the Gradual Sayings (Aṅguttara-Nikāya), Vol. IV (London: P.T.S.), pp. 181-5. 

[3] Sacred Buddhist Books. Tập. XX, pp. 352 - 6, hoặc Đại Chánh Tạng, Tập XXII, pp. 922-3. 

[4] Câu chuyện xuất gia của di mẫu Mahāpajāpatī trong một số bản luật có vài điểm khác nhau nhưng căn bản là giống nhau, ngoại trừ một vài chi tiết quan trọng.

[5] Horner, Women Under Primitive Buddhism, p. xxii. 

[6] Đại Chánh Tạng, Tập XXII, pp. 922-923. 

[7] Sách đã dẫn, p.923.

[8] Sách đã dẫn, Tập XXII, pp. 646, 649, 923, 1045 và Tập XXIII, p. 345.

[9] Ryokan Nagasaki, "A Study on the Ordination of Mahāpajāpatī Gotamī Bhikṣuṇī," in The Journal of Indian and Buddhist Studies. Vol. 52 (Tokyo: University of Tokyo, 1978), p. 656. Nagasaki so sánh Bát Kính Pháp của Luật Pāli với Bát Kính Pháp của các bộ Luật khác. Còn tôi thì so sánh Bát Kính Pháp với các giới trong phần Ba-dật-đề dựa trên Luật Tứ Phần tiếng Hoa.

[10] Xem cước chú 16 phần Tăng-già-bà-thi-sa.

[11] Anne Bancroft, "Women in Buddhism," Women in the World's Religions, ed. Ursula King (New York: Paragon House Publishers, 1987), p. 83. 

[12] Nancy Schuster Barnes, "Buddhism," in Women in World Religions, ed. Arvind Sharma (Albany: State University of New York Press, 1987), p. 107.

[13] Gross, p. 9. 

[14] Sách đã dẫn, p.33.

[15] Murcott, p. 17.

[16] Dharmacharini Sanghadevi, "The History of the Ordination of Women in Buddhism," in Dakini Issue 7, Summer 1991 (Glasgow: Ink Print and Design, 1991), p. 4. 

[17] Heidi Singh, "The Value of Precepts," in Sakyadhītā: International Association of Buddhist Women Vol. 4, No. 1 (Honolulu: Sakyadhita, 1993), p. 7.

[18] Nagasaki, p. 656. 

[19] Hae-ju Chun, "A View of Women in Buddhism" in The Dharma Newspaper (Pubpo Sinmun) Nov. 16, 1992, p. 8. 

[20] Bậc thánh đã chứng quả A-la-hán. Đây là quả thánh tối cao của Phật giáo Thương Toạ Bộ. Trong Trưởng Lão Ni Kệ (Therīgāthā) có 73 bài kệ của các vị Trưởng Lão Ni. Nhiều Tỳ-kheo-ni đã chứng quả A-la-hán trong thời đức Phật còn tại thế

[21] Falk, p. 162.

[22] Hirakawa, p. 37.
 
 
 
 
 
 

Đọc Thêm: Tứ Phần Luật, Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
09/03/2014(Xem: 6304)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.