40 NĂM ĐỘC QUYỀN PHẬT GIÁO
(Văn Tâm | Tạp chí Pháp Luật)
Trong một lá thư năm 2008 của Làng Mai, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết: “Ngày xưa, Sư ông Làng Mai đâu có chức vụ gì trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, thế mà cũng đã làm được bao nhiêu việc: thành lập Viện Cao Đẳng Phật Học Sài Gòn […], nhà xuất bản Lá Bối, trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, xuất bản các tuần san […].” [1]
Tuy nhiên, ngày nay, nếu không phải là một nhà sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì bạn khó mà làm được việc gì một cách công khai.
Tháng 12/2020, chính quyền thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã ngăn cản người dân nhận quà cứu trợ từ một phái đoàn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Chính quyền cho rằng giáo hội này là bất hợp pháp, nên việc người dân nhận quà của họ là vi phạm pháp luật. [2]
Tháng 11/2021, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã đề nghị chính quyền xử lý một thiền am tại tỉnh Long An (trước đây có tên là Tịnh Thất Bồng Lai) với lý do đây là cơ sở bất hợp pháp. [3] Đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An còn cho rằng cơ sở mượn danh xưng cơ sở tôn giáo để trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín của Phật giáo thế giới và Phật giáo Việt Nam. [4]
Cách đây hơn 27 năm, một nhà sư tại tỉnh Vĩnh Long đã đi đến quyết định bi thảm nhất sau khi chính quyền buộc ông tháo dỡ ngôi chùa của mình vốn nằm ngoài hệ thống của GHPGVN. Vào ngày 28/5/1994, Đại đức Thích Huệ Thâu đã châm lửa tự thiêu để phản đối quyết định của chính quyền. [5]
Những năm qua, người dân trong nước khi tham gia khóa tu của Làng Mai phải khăn gói ra nước ngoài chứ không phải là đến một nơi nào đó tại Việt Nam. Đến nay, dù Thiền sư Nhất Hạnh đã về ở hẳn Việt Nam nhưng tăng đoàn của ông vẫn chưa được phép hoạt động tại quê nhà.
Những sự việc trên đều liên quan đến một thứ đã diễn ra trong 40 năm qua: sự độc quyền trong hoạt động Phật giáo. Sự độc quyền này đã trở thành một thứ vũ khí cản trở sự phát triển tự nhiên của Phật giáo.
Thống nhất hay “nhất thống”
Vào năm 1981, Hòa thượng Thích Trí Thủ khi khai mạc hội nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tuyên bố đây là lần đầu tiên mà các hội đoàn Phật giáo hoàn toàn thống nhất dưới một giáo hội trong lịch sử 2.000 năm Phật giáo Việt Nam. [6]
Đúng như lời tuyến bố trên, sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã mở ra một thời kỳ chưa từng có trong 2.000 năm trước đó: Phật giáo bị độc chiếm.
Trước năm 1975, dù Tổng hội Phật giáo ra đời hay GHPGVNTN được thành lập thì các hội đoàn Phật giáo vẫn có quyền lựa chọn tham gia hoặc hoạt động độc lập.
Theo Hòa thượng Thích Tâm Châu, sau khi GHPGVNTN được thành lập vào đầu năm 1964, Giáo hội Tăng già Việt Nam và một vài hội Phật giáo khác đã rút tư cách thành viên của mình do giáo hội chủ trương xóa bỏ quyền tự chủ hoạt động của các hội đoàn Phật giáo. [7] Thậm chí, giáo hội này từng tách ra thành hai Viện Hóa Đạo do mâu thuẫn nội bộ. [8]
Trong lịch sử, Phật giáo Việt Nam có nhiều tông phái khác nhau, phương châm hoạt động rất đa dạng. Tuy nhiên, sau năm 1975, các hội đoàn Phật giáo muốn hoạt động tôn giáo hợp pháp thì chỉ có cách duy nhất là gia nhập GHPGVN.
Các lời tuyên truyền về việc thành lập GHPGVN đều thể hiện tính độc lập và tự nguyện của các thành viên, không có sự dàn xếp nào của chính quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này khó mà đúng được. Trong những năm 1980, 1990, các nhà sư không muốn tham gia GHPGVN đã gặp phải nhiều biến cố.
Năm 1982, hai thành viên cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là Hòa thượng Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ bị trục xuất khỏi TP. Hồ Chí Minh. [9]
Hòa thượng Thích Quảng Độ (bên trái ảnh) thăm Hòa thượng Thích Huyền Quang đang nằm dưỡng bệnh vào năm 2006. Hòa thượng Thích Huyền Quang viên tịch vào ngày 05/07/2008 tại tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định. Ảnh: Phật tử Việt Nam.
Năm 1984 đến năm 1988, nhiều nhà sư từ các ngôi chùa khác nhau không thuộc GHPGVN như Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải, các hòa thượng Trí Siêu, Nguyên Giác, Như Minh, Tuệ Sỹ, Tâm Quang, Đức Nhuận (giáo sư của Viện Đại học Vạn Hạnh, biên tập viên của Tạp chí Vạn Hạnh), v.v. đã bị bắt giữ. Hai hòa thượng Tuệ Sỹ và Trí Siêu từng bị tuyên đến mức án tử hình vào năm 1988 (sau đó được giảm án) vì tội tham gia hoạt động lật đổ nhà nước và thành lập một tổ chức cách mạng. [10]
Đến tháng 5/1993, vụ giằng co giữa cán bộ chính quyền và các nhà sư chùa Thiên Mụ thuộc GHPGVNTN đã khiến bốn nhà sư bị tuyên án từ ba đến bốn năm tù giam. Năm 1994, 49 nhà sư tuyên bố sẽ tự thiêu nếu chính quyền không cho họ tái lập GHPGVNTN. [11]
Đáng lẽ, GHPGVN vẫn có thể thành lập, GHPGVNTN vẫn có thể tiếp tục hoạt động, các hội đoàn tôn giáo khác vẫn có thể tham gia hoặc không vào hai giáo hội này. Tuy nhiên, chính quyền đã không để một viễn cảnh như vậy xảy ra. Sự can thiệp của chính quyền cho thấy việc thống nhất Phật giáo vào năm 1981 thực chất là cưỡng ép các hội đoàn Phật giáo chịu sự thống trị của một giáo hội duy nhất mà nhà nước có thể kiểm soát được.
Hai thái độ của chính quyền
40 năm qua, chính sách của chính quyền đối với Phật giáo đã có những thay đổi rất tích cực so với giai đoạn ngay sau năm 1975.
Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ vào tháng 9/2021, GHPGVN hiện nay có bốn học viện đào tạo Phật giáo, 18.544 tự viện, và 54.169 tăng ni. [12] Nhiều sự kiện Phật giáo quốc tế đã được tổ chức tại Việt Nam. GHPGVN là giáo hội có quy mô hoạt động lớn nhất nhì trên cả nước.
Những thành quả trên của GHPGVN sẽ khó đạt được nếu thiếu đi thứ mà cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng nói với Thiền sư Nhất Hạnh vào năm 2007 (khi các trai đàn của thiền sư được phép tổ chức tại Việt Nam): “[…] Quý vị có biết là sở dĩ quý vị làm được như thế cũng là nhờ chúng tôi đã cho phép hay không? Nếu chúng tôi không cho phép thì không có cách gì các vị có thể làm được.” [13]
Tuy nhiên, đối với hoạt động Phật giáo không thuộc GHPGVN, chính quyền áp dụng một thái độ khác.
Năm 2007, báo chí nhà nước tổ chức một chiến dịch bôi nhọ Hòa thượng Thích Quảng Độ cùng GHPGVNTN khi giáo hội này mở Quỹ Cứu tế dân oan để trợ giúp những người khiếu kiện về đất đai. Mặt khác, các nhà sư của GHPGVNTN bị chính quyền hạn chế tối đa các hoạt động. Hòa thượng Huyền Quang và Hòa thượng Quảng Độ bị giam lỏng cho đến lúc qua đời. [14]
Theo Thiền sư Nhất Hạnh, mỗi khi các nhà sư của Tăng đoàn Làng Mai muốn xin thị thực về Việt Nam hoặc xin gia hạn thị thực tại Việt Nam thì đều rất khó, có khi phải chờ đợi đến sáu tháng mà vẫn chưa xin được. [15]
Tháng 1/2019, một ngôi chùa không thuộc GHPGVN ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum bị chính quyền cưỡng chế sau nhiều lần yêu cầu vị trụ trì tháo dỡ ngôi chùa nhưng bất thành. Vị trụ trì cho biết chính quyền từng khuyên ông tham gia GHPGVN. [16]
Một số địa điểm xây dựng chùa trong 20 năm qua dưới sự hợp tác giữa GHPGVN, nhà nước và các doanh nghiệp. Minh họa: Luật Khoa.
Trong một tài liệu vừa mới đăng tải dành cho các cán bộ tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ đã nói rõ cách ứng xử với Phật giáo cũng như các tín ngưỡng, tôn giáo khác: “(1) Tạo điều kiện giải quyết nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng nhân dân; (2) Đấu tranh với việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, thành tựu cách mạng và công cuộc đổi mới đất nước của Đảng, Nhà nước và nhân dân”. [17]
Tài liệu này đã khẳng định chính sách tôn giáo của nhà nước không đặt quyền tự do tôn giáo lên hàng đầu mà phụ thuộc vào sự đánh giá tốt, xấu của chính quyền đối với các hoạt động tôn giáo. Nếu tổ chức tôn giáo nào được đánh giá là phù hợp thì sẽ được quyền hoạt động, mở cơ sở tôn giáo, và ngược lại.
Chiếc thước đo vô chừng đó của chính quyền đã giúp nhà nước trở thành một giáo hội của các giáo hội, nắm mọi thẩm quyền ban phát, cấm đoán, trừng phạt, sai khiến, chỉ đạo đối với các tôn giáo.
Và đương nhiên, chiếc thước đó cũng tạo ra sự phân biệt đối xử giữa những giáo hội được và không được nhà nước công nhận, để rồi dẫn đến tình trạng độc quyền tôn giáo. Nó không chỉ ảnh hưởng đến quyền tự do tôn giáo mà còn cản trở quyền tự do hiệp hội. Vì sao một hiệp hội như GHPGVN thì được hoạt động còn các hội đoàn tôn giáo khác thì không?
Hòa thượng Thích Tâm Châu, lãnh đạo của khối Việt Nam Quốc tự (đối lập với khối Ấn Quang), viết trong một bức thư: “Phật giáo tôn trọng tự do dân chủ tuyệt đối, không chủ trương ‘tập quyền’ cho một cá nhân hay một nhóm người. Vì, hễ có tập quyền là có độc tài, có bè phái, có những thủ đoạn để củng cố quyền lực.” [18]
Ban Tôn giáo Chính phủ trao tặng cờ tổ quốc cho GHPGVN để treo thường xuyên tại các cơ sở của giáo hội. Ảnh chụp năm 2020. Hoạt động này tương tự việc làm của chính quyền Trung Quốc vào năm 2018. Trong các tổ chức tôn giáo, GHPGVN rất nhiệt tình tham gia phong trào này. Ảnh: Ban Tôn giáo Chính phủ.
Cái giá của độc quyền
40 năm qua, tình trạng độc quyền Phật giáo và sự ưu tiên của nhà nước đã mang lại vô số lợi ích cho các nhà sư của GHPGVN.
GHPGVN sở hữu số lượng cơ sở đồ sộ, trong đó có hàng loạt ngôi chùa khổng lồ được dựng lên từ sự hợp tác giữa nhà sư, nhà nước và doanh nghiệp. [19] Những cơ sở này ít nhiều đã thúc đẩy việc sinh hoạt tôn giáo cởi mở hơn. Đặc biệt, cán bộ chính quyền có thể sinh hoạt tôn giáo mà không bị phán xét nặng nề như ngày xưa.
Mặt khác, ai cũng có thể thấy sự ổn định của Phật giáo ngày nay so với Phật giáo trước năm 1975. Không có nhà sư kéo Phật tử đi biểu tình, không có nhà sư chỉ trích chính quyền, không có xung đột giữa Phật giáo và các tôn giáo khác. 40 năm qua, vì GHPGVN là tổ chức Phật giáo duy nhất được công nhận, họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho các hoạt động trượt ra ngoài khuôn khổ mà nhà nước cho phép.
Tuy nhiên, những lợi ích trên đương nhiên kèm theo cái giá phải trả của nó.
Mối quan hệ quá khắng khít giữa nhà chùa và nhà nước dễ dẫn đến việc cấu kết giữa các nhà sư và chính quyền, cụ thể là các cán bộ được trung ương bật đèn xanh để cởi mở hơn đối các nhà sư của giáo hội.
Cư sĩ Minh Mẫn đã viết (được một lá thư của Làng Mai trích dẫn): “Đa số các vị trong Ban Tôn giáo các cấp liên kết với các thành phần dễ bảo và tha hóa trong Giáo Hội. Những thành phần đó lại dựa vào Ban Tôn giáo để lũng đoạn Ban Tri sự Giáo Hội, mưu lợi dưới mọi hình thức để bảo vệ vị thế nên họ lót tay cho các quan chức và các cơ quan liên hệ trực tiếp với Ban Tôn giáo, trở thành một gắn bó nguy hại cho chính sách của nhà nước, làm suy giảm tiềm lực của Phật giáo […].” [20]
Giáo sư Ngô Đức Thịnh, một nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng có uy tín của nhà nước, từng nói với BBC News Tiếng Việt rằng để có thể thu lợi từ hoạt động tôn giáo, các nhà sư sẵn sàng dựa vào lực lượng của chính quyền. [21]
Hiện nay, GHPGVN đã thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cổ phần Thiện Tài để kinh doanh tour du lịch tâm linh, hành hương, xuất bản kinh sách, tài liệu về Phật giáo. [22]
Hòa thượng Thích Thanh Quyết, một thành viên cấp cao của GHPGVN, cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang tham gia lễ dựng cột chùa Tây Yên Tử tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Báo Bắc Giang.
Độc quyền Phật giáo đồng nghĩa với việc đánh mất sự đa dạng. Trong 40 năm qua, người dân có thể sinh hoạt ở các ngôi chùa khác nhau nhưng tất cả đều nằm dưới quyền quản trị của GHPGVN.
Vì sự độc quyền như vậy nên người dân không có sự lựa chọn trong việc sinh hoạt tôn giáo của mình. Điều này làm thui chột tính cạnh tranh trong các hoạt động Phật giáo, mục tiêu phục vụ nhu cầu tôn giáo của người dân chỉ còn là thứ yếu. Thay vào đó, các nhà sư lấy chính quyền làm trung tâm để đổi lấy những đặc quyền cho bản thân.
Không chỉ người dân, tăng, ni nếu muốn hoạt động tôn giáo công khai thì không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia giáo hội này.
Trong một lá thư năm 2007 của Làng Mai, Thiền sư Nhất Hạnh chia sẻ góc nhìn của ông về tăng, ni tại Việt Nam: “Khi về năm ngoái, tôi thấy biết bao nhiêu là thanh niên tăng ni đã đánh mất Bồ Đề Tâm của mình, do những hư hỏng xảy ra trong xã hội, trong chính quyền, trong giáo hội của mình. Thấy rất tội nghiệp.” [23]
Cũng trong lá thư trên, Thiền sư Nhất Hạnh nêu quan điểm của ông về hoạt động Phật giáo tại Việt Nam: “Bây giờ, tu học được coi như một sinh hoạt mê tín. Những người xuất gia, đại diện cho cái nền văn minh đạo đức ngày xưa đó, được coi như là những người đang làm ăn, như đang có một ‘cái nghề’, nên cái tối đa họ làm được chỉ là những ngôi chùa lớn, hay một chức vụ nào đó trong giáo hội.” [24]
Trong 40 năm độc quyền Phật giáo, dù chấp nhận hay không, GHPGVN đang đánh mất uy tín của mình trong một bộ phận công chúng và ngay cả trong chính những tăng, ni của họ. Nếu tình trạng độc quyền này còn tiếp tục thì vai trò của nhà nước với GHPGVN không còn là bảo hộ nữa, mà là bảo kê.
(Bản văn gốc: https://www.luatkhoa.org/2021/11/40-nam-thanh-lap-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-40-nam-doc-quyen-phat-giao/)
Bài đọc thêm:
Khủng Hoảng Phật Giáo Việt Nam Và Sự Suy Tàn Đế Chế Chính Trị (Nguyễn Hữu Liêm)
Đại gia xây chùa, thiên tài kinh doanh siêu lợi nhuận
Đánh Mất Tính Độc Lập Của Phật Giáo Việt Nam
40 Năm Thành Lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam: Hơn 20 Năm Xẻ Núi Xây Chùa
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Sau 40 Năm Thành Lập: Thuận Theo Chính Quyền, Nghịch Lại Chân Kinh