Bình minh đã rạng

25/07/20142:35 SA(Xem: 11780)
Bình minh đã rạng
BÌNH MINH ĐÃ RẠNG
Nguyễn Tường Bách

blankMorning has broken, like the first morning, Blackbird has spoken, like the first bird”.

Khoảng giữa những năm 70 của thế kỷ trước, lời ca trên được truyền đi trong tiếng hát của một chàng trai 25 tuổi, Cat Stevens.

“Bình minh vừa rạng, như buổi sáng ban đầu, Chim sáo đã lên tiếng, như con chim ban đầu”.

“Buổi sáng ban đầu” là ngày khởi đầu, ngày nguyên đán của vũ trụ, khi người nghe hiểu hết bài ca. Ánh dương vừa rạng, chim vừa cất tiếng, nhưng tâm người lại cảm nhận như buổi sáng tinh khôi của trời đất, như tiếng chim nguyên thủy của thiên nhiên. Kỳ lạ thay!

Tác giả ca từ là Eleanor Farjeon, một văn sĩ người Anh. Bà sinh năm 1881, vốn là một đứa trẻ ốm yếu, mắt kém. Vì sức khỏe quá kém, cha mẹ bà không cho đến trường, dạy bà học ở nhà. Lúc bà lên khoảng năm tuổi, người cha dạy viết văn và làm thơ.

“Praise for the singing, praise for the morning, Praise for them springing fresh from the Word”.

“Tán thán tiếng hót, tán thán buổi bình minh,Tán thán tất cả những gì vừa mới phát sinh từ Ngôi Lời”.

Eleanor Farjeon là người có tâm hồn tôn giáo sâu sắc, bà viết bài này trong độ tuổi già giặn khi đã quá 50. Bà viết vì lòng ngưỡng mộ nơi một nhất thểtruyền thống của bà gọi là “Ngôi Lời”. Mọi hiện tượng trong thiên nhiên mà phương Đông gọi là “sắc”, thì trong bài ca của bà đều xuất phát từ một tự tínhtôn giáo của bà gọi là “Thượng đế”.

“Sweet the rain’s new fall, sunlit from heaven, Like the first dewfall, on the first grass,

Praise for the sweetness of the wet garden, Sprung in completeness where His feet pass”.

“Ngọt ngào thay những giọt mưa vừa rơi, được ánh sáng chiếu từ trời cao,

Như giọt sương ban đầu trên ngọn cỏ ban đầu, Tán thán vị ngọt của khu vườn ướt sũng, Trở thành viên mãn khi chân Ngài bước qua”.

Mọi sắc thể trong trời đất không những xuất phát từ một tự tính duy nhất mà chúng vốn là “viên mãn”, trọn vẹn, sáng rỡ. Chúng mang trọn vẹn tính chất sáng đẹp của nguồn gốc vì mọi hiện tượng đều là “Thân” của Thượng đế cả.

Eleanor Farjeon còn tự thấy mình là một phần của Thượng đế, chính mình là một tiêu điểm, nơi mọi sắc thể hội tụ. Bà kết thúc bài thơ bằng:

“Mine is the sunlight, mine is the morning, Born of the one light, Eden saw play,

Praise with elation, praise every morning, God’s recreation of the new day”.

“Ánh sáng mặt trời là của con, Buổi bình minh là của con,

Sinh ra từ một thứ ánh sáng, thứ ánh sáng đã chiếu Vườn địa đàng,

Tán thán với lòng hân hoan, tán thán mỗi khi trời rạng, Mỗi ngày mới là mỗi lần Thượng đế lại sáng tạo”.

Câu thơ cuối là một chứng nghiệm hiếm có. “Thượng đế” của Eleanor Farjeon không phải sáng tạo một lần rồi thôi, bỏ mặc tất cả tự đấu tranh vật lộn với nhau trong một khung cảnh mà ta gọi là “trần gian” như nhiều người nghĩ. Ngược lại, mỗi ngày đều tinh khôi mới mẻ, dường mọi sự đều mới sinh ra lần đầu, như “buổi sáng ban đầu”, “con chim ban đầu”. Câu thơ cuối của bà chính là ý tưởng nhất quán của toàn thể ca từ.

Đọc Eleanor Farjeon ta không thể không liên tưởng đến nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore. Trong tập thơ Gitanjali (Bài ca dâng hiến), ông cũng tán thán Thượng đế như cách của Eleanor Farjeon, tức là xem Ngài như một thể tính có nhân trạng. Tagore cũng nói về một thứ ánh sáng:

“Light, my light, the world-filling light, the eye- kissing light, heart-sweetening light!”

“Ánh sáng, ánh sáng của con, ánh sáng tràn đầy trong thế gian, ánh sáng hôn lên đôi mắt, ánh sáng ngọt ngào trong tim”.

Những vần thơ tha thiết của Tagore đã mang lại cho ông giải Nobel văn chương năm 1913.

Tương tự như trong các tác phẩm của Tagore, cảm khái chính của Eleanor Farjeon trong bài thơ Morning has broken là một thứ “ánh sáng” sống động, tinh khôi, soi chiếu từ tầng trời cao nhất đến từng giọt sương ngọn cỏ. Những ai có tu tập Thiền định đều biết rằng, trong một trạng thái nhất định của tâm, sẽ chỉ có một cái “Biết” đang nhận thức. Cái Biết đó làm cho mắt thấy được, tai nghe được, tâm cảm được. Mọi dạng sắc thể hiện lên trong cái Biết đó như ánh sáng soi chiếu mọi vật và tự soi chiếu chính mình. Thế gian mà ta tưởng là có người có ta chỉ là cái Thấy đang thấy, cái Nghe đang nghe chứ không có ai cả. “Ánh sáng” của cái Biết trong Thiền chính là “ánh sáng” của Eleanor Farjeon, của Rabindranath Tagore. Còn cái thể tính mà Farjeon hay Tagore gọi một cách truyền thống là “Thượng đế” thì Thiền gọi là “Không”.

Thế nên nếu Farjeon nói “Mỗi ngày mới là mỗi lần Thượng đế sáng tạo” thì Thiền giả nói Không tạo nên Sắc trong từng sát-na và Sắc chính là dạng xuất hiện của Không, như sóng là dạng xuất hiện của nước. Nhà văn nữ Eleanor Farjeon cũng như Rabindranath Tagore hẳn đã biết điều này, nếu không thì các bài thơ của họ đã không có một sức lôi cuốn như thế.

Bài thơ Morning has broken trở thành một bài thánh ca trong khoảng năm 1931. Bài ca được hát lên trong những dịp lễ tôn giáo hay sinh nhật trong các xứ đạo tại Anh. Thế nhưng bài ca này trở nên nổi tiếng thế giới từ khoảng 1973, khi Cat Stevens, sinh năm 1948, một giọng ca bất hủ người Anh trình bày rộng rãi trong công chúng. Như một duyên nghiệp định sẵn, Cat Stevens cũng lại là một con ngườitâm hồn tôn giáo sâu sắc. Anh hát bài này lúc rất trẻ, với một giọng ca trong trẻo, một khuôn mặt thánh thiện. Chỉ chừng năm năm sau ngày thành danh, Cat Stevens cải đạo theo Hồi giáo, lấy tên mới là Yusuf Islam, bỏ sự nghiệp ca sĩ, bán đàn guitarre lấy tiền đi làm từ thiện.

Cô bé Eleanor Farjeon ốm yếu nọ cuối cùng sống đến 84 tuổi. Cat Stevens xa lánh sân khấu. Mãi đến khoảng 2006 anh đã trở lại thế giới âm nhạc với bộ râu đã bạc, song giọng ca vẫn còn hay như xưa.

Trong mọi Sắc thể của Không thì âm thanhvi diệu bậc nhất. Ca từ được âm thanh chắp cánh và chuyên chở nên những cảm khái sâu xa nhất của Đạo xưa nay chưa bao giờ vắng mặt trong âm nhạc. Với phương tiện hiện đại người nghe có thể nghe lại bài ca của Morning has broken một cách dễ dàng bằng cách gõ từ “cat stevens morning has broken” trên mạng. Trong các youtube hiện ra, người nghe nên chọn bài ca có mang tấm hình của Cat Stevens lúc thanh niên.

Morning has broken, like the first morning, Blackbird has spoken, like the first bird”.

Tiếng ca vang lên, cái Nghe đang tự vận hành! „ (TC. Văn Hóa Phật Giáo)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 20178)
12/10/2016(Xem: 18123)
26/01/2020(Xem: 10628)
12/04/2018(Xem: 18873)
06/01/2020(Xem: 9587)
24/08/2018(Xem: 8425)
12/01/2023(Xem: 2734)
28/09/2016(Xem: 24084)
27/01/2015(Xem: 23249)
11/04/2023(Xem: 1985)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.