Dấu son trên hải đảo

27/07/20152:50 SA(Xem: 6324)
Dấu son trên hải đảo

DẤU SON TRÊN HẢI ĐẢO

Truyện ngắn NHỤY NGUYÊN 

 

chua dao truong sa 2Tôi có một cuộc hẹn. Bất ngờ. Như định mệnh. Có lẽ nó sẽ làm thay đổi cuộc đời. Cuộc hẹn giữa mênh mông biển trời. Nơi chỉ có sóng và gió, lại là vùng nóng nhất của Tổ quốc suốt bốn mùa. Tôi đăng ký ra đảo từ năm ngoái, đến bây giờ mới đến lượt. Trong danh sách cùng ra đảo, mỗi người mỗi tỉnh đều là cánh báo chí tôi từng nghe tên mà chưa hề quen. Tất nhiên, không có anh. Nhưng từ đâu nhảy ra, anh đã bên tôi ra đến tận ngôi chùa trên đảo.  

Tôi bắt đầu nhớ lại khuôn mặt anh, lời nói cử chỉ của anh trong cái buổi gặp duy nhất ấy cho đến bây giờ. Tôi tìm trong đó nỗi nghi ngờ suốt thời gian làm việc ở công sở.

Tôi lục email xem lại thư.

Một ngày mưa gió. Tôi tâm sự với chính mình trên bàn phím, ma xui quỷ khiến lại send tới anh. Mấy dòng thư bay vèo trong ân hận. Chơi vơi…

“Không một tin nhắn, không một cuộc gọi nào bứt mình khỏi những thứ này. Cả thế giới bỏ em thành hoang mạc rồi. Mùa đông mới biết mình cần hơi ấm… huhu. Em muốn lang thang. Lên rừng. Em thích ngủ rừng, sục sạo vào các bụi cây ăn quả chín, khát nước thì chặt thân cây sa nhân mà uống...”.

Đợi. Rất lâu. Trưa, mọi người về hết tôi vẫn để máy, chờ con số 1 nằm gọn trong ngoặc đơn hiện sau hộp thư đến dưới thanh màn hình. Chiều. Nóng ruột, tôi đọc lại những dòng chữ mình lỡ gửi. Tự đấm vào đầu. Đồ ngu.

Anh hiện ra. Tôi không cần mở thư cũng đọc được dòng chữ ngắn ngủi: “Ừ. Thú nhỉ “khỉ” nhỉ”.

Vậy là anh đặt thêm cho tôi cái tên mới: Khỉ.

Con khỉ ấy không bay nhảy về rừng, nó lại có một cuộc hẹn trên biển. Tận ngoài đảo xa.

*

Sóng bốc tôi lên cao rồi ném xuống boong tàu. Tôi say, nôn toàn nước dại, lả đi trong vòng tay người khác.

Anh dìu tôi thẳng đến chùa. Chùa mới, cây cối đã nhiều. Thầy tu trẻ, không hơn anh nhiều tuổi bước ra chào. Anh đáp lễ, đưa tôi ra phía sau rửa ráy. Nước mát lạnh. Tôi vốc hai tay áp vào mặt, bảo anh cứ vào trước. Một lúc, tôi đứng dậy, đỡ chóng mặt hơn. Anh ngồi trong thất với sư trụ trì. Sư đã già, gầy, chỉ đôi mắt sáng. Tôi ý tứ vòng ra trước chùa. Anh liền xin phép sư đứng dậy theo ra.

“Ta lạy Phật trước đã”.

Tôi từ nhỏ đến giờ chưa từng lạy Phật. Anh bảo “nhìn mà hành theo. Điều quan trọng là phải thành tâm; vừa lạy vừa niệm A Di Đà Phật, niệm chữ nào phải nghe được chữ đó. Tu là vậy, có khó không?”. Anh quay nhìn tôi.  

Tôi đứng bên Bồ tát Quán Thế Âm. Hồi nhỏ mẹ xem bói, thầy phán “con chị rồi sẽ được Ngài cứu độ”. Anh đối diện với tượng Phật lớn, chắp tay xá từ trên đầu xuống ngực và quỳ, ngồi dưới gót, gan bàn chân áp sát nền; lúc trán chạm nền thì ngửa lòng tay, kín đáo và đầy tôn kính. Sau đó anh úp tay đứng lên bằng cả hai chân một lúc. Tôi hành theo, đến lần thứ ba mới thấy tự tin. Anh còn lạy thêm nhiều nữa. Nhìn xuống, nền lát gạch hoa sáng trưng mòn khuyết dáng dạy. Mới hay các sư lạy Phật nhiều đến nhường nào. Anh khuyên, em ngày đêm niệm Phật A Di Đà nghĩa là bắt sóng với Ngài, chắc chắn sau này sẽ được đón về Tây phương Cực lạc. Tôi chưa hình dung nổi cõi ấy ra sao. Nhưng cõi trần… Cuộc đời vì miếng ăn, vì chút lợi lạc bản thân mà trở nên tàn tệ. Quốc gia này với đất nước nọ, vì lợi ích khoáng sản, thủy sản, dầu mỏ, dùng vũ lực chèn ép nhau. Có đáng không? 

Lễ Phật xong anh bảo sư trụ trì vẫn còn chờ… Tôi bước qua phía trái điện thờ vái Bồ tát Quán Thế Âm, rồi bước ra trước sân chùa. Cây bồ đề người ôm không xuể được bứng từ đất liền đã đâm lớp lá non. Gần cổng và quanh khuôn viên chùa trồng nhiều cây bàng vuông xanh rợp. Tôi muốn lại xem cho biết loại cây này, vẫn còn hơi mệt nên ngồi xuống bên cội bồ đề.

- Mời thí chủ uống nước.

Trên chiếc bàn đặt gần đó, dưới gốc bồ đề khác có bộ bàn ghế đá màu xám. Tôi nhẹ nhàng tới ngồi đầu mép ghế dài hình cong. Khay trà và dĩa trái cây; tôi mau mắn đưa tay “Thầy để con gọt”. Vị sư trẻ không trao cho tôi mà đặt dao và táo xuống dĩa rồi nâng bình trà rót nước. Tôi hiểu. Nhớ ngày trước ở quê có lệ, cha chồng không bao giờ bế cháu từ tay con dâu. Lặng lẽ gọt vỏ táo, tôi không dám nhìn trực diện mặt vị sư trẻ. Thầy ngồi, lặng phắc. Loáng thoáng lần nào đó anh nói: đừng xem thường một vị sư trẻ hay một ngọn lửa nhỏ; ngọn lửa nhỏ sẽ cháy bùng thành biển lửa… Tôi lên tiếng “Mời thầy dùng trà”. Vị sư trẻ khẽ gật, vén tay nâng li trà. Vô tình tôi thấy ngón tay út của thầy không còn… Vị sư trẻ nhấp trà, bắt gặp câu hỏi trên nét mặt tôi.  

- Thí chủ ăn táo đi. Ở đây mùa nào cũng gió và sóng. Thầy nhớ câu thơ của ai đó “chòi ngắm sóng thì hiền, sóng ngắm chòi thì hiểm”. Sóng ở đảo khởi nguồn từ xan tham của người con ạ. Khoa học nay khám phá ra nước có biểu cảm. Con người bảy mươi phần trăm là nước. Ta hiền hòa, nước trong ta sẽ hiền hòa. Ta đầy sân hận, khuôn mặt xấu xí và thân bệnh. Sóng vỗ đảo giờ đây là sóng cuồng si của lòng người từ phía ngoại lân con ạ.

Giọng vị sư trẻ êm đềm, rõ. Tôi nhìn lại con người ấy. Thấy yên tâm làm sao. Anh từng dạy, người sâu đạo tâm thì sự hòa ái toát ra mặt, nhục nhãn chúng ta không thấy, chỉ cảm giác gần gụi ruột rà thôi. Sư trụ trì tuổi cao. Cái tuổi nếu là người thường cũng bớt nhiều ham muốn huống hồ chân tu. Những chiến sĩ trên đảo cách xa nghìn trùng vẫn còn bao nỗi để mơ về: vợ con, cha mẹ, anh em bè bạn… Vị sư trẻ này lẽ nào đã dứt nhân duyên phiền nộ, không còn vướng dục trần lao. Ra đến đảo là “dìm thuyền”… Một tiếng chuông, một câu kinh ở đây sẽ lan truyền theo sóng nước, an ủi bao sinh linh giữa trùng khơi lạc lối quay về.

Tôi không hỏi vị sư trẻ quê ở đâu mà thưa:

- Thầy trước tu ở chùa nào ạ?

“… Tôi từng đến nhiều chùa. Nhưng ngôi chùa [làng] gần chỗ trọ ấy đã hút tôi bởi tượng Quán Thế Âm. Ngài có khuôn mặt thật hiền và đẹp. Tôi có cơ duyên đứng trước hàng chục bức tượng ngài, không tượng nào đẹp và phúc hậu hơn. Lần ấy tôi đang xá, thấy “sư” ra thắp hương. Sau này mới biết ông chỉ là người ở từ trong ngôi nhà tạm bên nách chùa cùng vợ con. Ông nhắc, ngài linh lắm, rồi mời tôi vào uống nước.

Trước, đây chỉ là miếu âm linh, sau được dòng họ làm nghề Kim hoàn góp tiền xây thêm điện, thỉnh tượng Phật và chuông về nên thành chùa làng. “Tui bị tai biến…”. Đang dở chuyện thì người phụ nữ ấy bưng nước lên.

Thời gian sau tôi năng lui tới. Nghĩ mình học Phật, tạm gọi có chút tín tâm, đến đó lạy Phật, niệm Phật nhiều chắc khuyên được âm linh nghe theo hầu mong siêu thăng, chùa cũng bớt âm khí. Tôi cũng có ý định lấy đây làm chốn tu sau này. Một nơi quá ư yên tĩnh. Chùa dung chứa hàng vạn linh hồn oan ức phiêu tán, sợ không đủ căn cơ nên dẫu Giáo hội có gợi ý, (người tu cao thì phải nhận trọng trách ở các chùa lớn) người sơ cơ thì ngại đến.

Tôi rời nhà. Và đến chùa lúc ông ở từ nằm liệt giường. Tôi thu vén nằm luôn ở sau bàn thờ âm linh (phía trước là bàn thờ Phật). Sự tu thật lắm chướng. Chưa đầy một tháng, tôi tập mua hoa quả về ăn, từ chối cơm do cô vợ người ở từ mang lên. Chùa vừa thờ âm linh vừa thờ Phật nên thỉnh thoảng dân bưng đồ tới cúng, mặn chay lẫn lộn. Cô vợ nhỉnh hơn tôi chút tuổi kia mặt hiền lắm, chỉ tội chưa hề gieo nhân Phật. Lần cô ta bưng lên đồ mặn, tôi nghĩ cổ thử lòng hay có ý gì đây; băn khoăn rồi tự nhủ, thôi cứ ăn xem như hóa duyên vậy. Chiều đó từ góc vườn vào, tôi thấy cô đang làm cá sống, bảo để nấu canh bồi dưỡng cho thầy, nom thầy xanh quá. Tôi chắp tay niệm Phật.

“Phật dạy không hại vật, không thấy vật bị giết và không nghe tiếng con vật kêu khi bị giết, thí chủ có thể ăn thịt nó. Sát sanh nặng nghiệp lắm cô ơi!”.

Tôi vào chùa đọc kinh, được khoảng tiếng cô vào vít vai dơ trước mặt một ngón tay đen xẫm, hỏi trong chùa này có bức tượng Phật nào gãy ngón tay út không, chẳng hiểu sao nằm trong nồi cá kho. Con thấy nó giống y cá bống, gắp lên ăn chút nữa bể răng. Tôi lắc đầu, gõ mõ to hơn và tiếp tục đọc kinh”.

*

Vị sư trẻ xin phép, một mạch bước vòng về phía sau chùa. Chiều đã vỡ. Mặt trời đỏ au sau màn mây vàng ọng đang lún xuống biển. Tôi chỉ kịp lưu lại vẻ đẹp trong trí não chứ không đủ thời gian móc máy ảnh. Ngón tay cụt của vị sư trẻ cứ chập chờn.

Chánh điện, nơi sư trụ trì tiếp anh giờ còn sư ngồi đó như bức tượng sáp. Thiền. Anh thì ở đâu? Tôi bối rối, hoang mang, vòng ra sau chùa tìm vị sư trẻ, chẳng thấy. Ô, lạ. Hay mình lạc vào ngôi chùa trên thượng giới? Quành lại, tôi bước trên dãy hành lang có rất nhiều tượng La hán, mặt đều vui tươi. Nhẹ lòng, tôi tự an ủi chắc anh quanh quẩn đâu đây thôi. Bước vào điện. Sư trụ trì mắt nhắm, mặt còn lưu dấu một nụ cười chưa tản hết. Hơi thở rất chậm. Nhẹ nhàng, tôi bước tới bàn thờ Phật, lạy Phật trước. Tôi vòng cả phía sau soi xét cặn kẽ. Chụp ảnh. Tính chụp sư trụ trì, nghĩ lại, thôi. Xem hết các tượng Phật và đồ thờ phượng, thời gian chậm dần. Góc chùa, có một thanh xà được chạm khắc đầu rồng; chính con mắt rồng ánh lên trong hốc tối ấy đã hút tôi. Sẵn máy nên tôi chụp. Đèn tự động sáng choang, lộ ra hai họng súng. Giật mình. Tôi quay lại nhìn sư trụ trì, vẫn tư thế ấy, đôi mắt vẫn nhắm ấy. Định thần. Đây là đảo, nơi đứng trước nguy cơ bị xâm hại. Vũ khí là để phòng vệ… Lẹ làng tôi bước khỏi điện. Sư trụ trì vẫn trong định, chẳng biết khắc nào mới xả.  

Anh chưa xuất hiện. Ở đâu? Anh lẫn vào đâu? Màn đêm buông rồi. Không một tin nhắn hay cú gọi, anh tắt luôn điện thoại và… biến. Anh có biến khỏi trái đất này - điều có thể không ảnh hưởng lắm đến cuộc đời tôi. Nhưng ít ra anh phải có lời để lại, hay chí ít trước mặt tôi với cái gật đầu. Dẫu biết anh chẳng có nhiệm vụ gì với tôi cả. Anh “vô tình” cùng tôi trên một chuyến tàu công tác ra đảo. Hỏi thêm thì anh chỉ bảo “xin theo như một người khách”. Tôi biết không thể đơn giản vậy, song có lẽ niềm vui đã xóa đi cái bản tính “tìm đến tận cùng sự việc” vốn có của mình.

Nhìn trời. Ngoài xa mặt biển vẫn hắt lên vùng sáng úa vàng, chuyển dần qua sẫm. Tôi bước nhanh tới dãy nhà phía sau cùng, cách chánh điện khoảng sân lớn nhiều cây kiểng. Tôi dừng trước một phòng khác, cửa sổ khép hờ. “Có người” - hai từ mọc lên trong đầu tôi bất ngờ. Đang nằm. Sân vắng. Tôi đẩy cửa. Hai người đàn ông nước ngoài, một nằm li bì, khăn đắp trán, người còn lại băng bó ở chân. Tôi ngồi xuống ở chiếc ghế bên giường, bàn tay ốp gối. Một phút hơn. Người băng chân mở mắt, dựng dậy, vẻ hoài nghi. Tôi ân cần đỡ họ nằm xuống lại. Anh từng nhận xét tôi “thông minh hơn mức cần thiết”. Và trong giây lát tôi liên tưởng ngay tới hai khẩu súng trong góc chùa. Tôi đoán được hai người này, họ là ai. Là ai cũng tuyệt nhiên không phải ngư dân lạc vào vùng biển nước mình…

- Mời thí chủ về bếp chùa dùng cơm.    

Vị sư trẻ lên tiếng trước lúc đặt cơm chay lên bàn cho hai người đàn ông, rồi chắp tay hướng về phía họ “A Mi Thô Fô” (sư đọc theo âm tiếng Tàu). Người băng chân chắp tay gật đầu, còn người kia vẫn nằm.

Tôi theo chân vị sư trẻ, hỏi có biết anh ở đâu? Sư lắc đầu. Hỏi sư trụ trì còn thiền không? Sư trẻ gật, dẫn tôi đến bếp.

- Thí chủ vào dùng cơm.

- Dạ, thưa thầy con ăn một mình à?

Sư trẻ gật, nói thêm:

- Ở chùa không ăn tối. Khoảng chín mười giờ sư trụ trì xả thiền, sẽ uống một ly sữa rồi tiếp tục công phu.

Sư trẻ bước lên thiền đường.

Đói, tôi ăn nhanh, rất ngon. Dĩa đậu kho nhạt với măng, bát canh rong biển. Thú thực hằng bữa tôi chưa ăn đơn giản như thế bao giờ. Tôi vừa ăn vừa nghĩ đến vị sư trẻ - đầu bếp của bữa cơm này. Sư nấu cho tôi trong lúc đói, sư lại nhịn, không động tâm trước món ăn mình chăm chút. Đói ăn, đói dục… đói gì cái phần con trong tôi đều lộ mặt. Tôi mơ hồ cảm nhận mình thường vẫn chiều chuộng phần con nên nó càng lớn mạnh. Những kẻ muốn chiếm đoạt cái không phải của mình, chung cuộc cũng vì bị cái phần con sai khiến…

Tới phòng của hai người đàn ông lấy chén bát về rửa, thực chất tôi có mục đích khác. Tôi nhớ đến hai khẩu súng trong góc chùa. Họ đã ăn xong, tôi sắp lại chén bát trong khay nhựa, để vậy. Khoảng lặng. Người đàn ông đắp khăn trên trán nằm, mắt nhắm hờ, nét mặt tỉnh táo hơn lúc nãy. Tôi thăm dò tâm ý của người đàn ông băng chân. Anh ta khoảng gần năm mươi, sáng sủa. Tôi vốn “nhạy cảm”, nhận ra nỗi buồn phảng phất qua nụ cười không tròn và đôi mắt thăm thẳm như cánh buồm heo hút giữa đại dương ấy.

- Anh xa nhà lâu chưa?

- Đã gần một tháng.

Tôi không giỏi tiếng Anh, giao tiếp ở mức bình thườngthực dụng, khiến ngôn ngữ cuộc hội thoại thiếu biểu cảm.

- Trung đoàn đánh cá của anh có nhiều thuyền gặp phải bão không?

Tôi bộ khờ khạo thêm chữ “trung” trước chữ “đoàn”… Anh ta chau mày. Có thể anh nghĩ tôi là người của quân đội.

- Họ trở về hết rồi. Tàu của chúng tôi va phải đá ngầm.

- Anh là một trí thức, thừa biết trên bản đồ nước anh khởi nguồn đã không hề có hòn đảo này.

- …

Cúi mặt.

Tôi nhìn ra. Ánh sáng xẻ cửa lệch bóng vươn dài. Tôi nhớ đến lời anh giảng. Thiền, ví như tôi bây giờ nhìn ánh sáng hình chữ nhật giữa sân, mọi vật trôi qua ta đều biết; biết mà không khởi tâm phân biệt, biết như một sự kiểm soát mà tâm chẳng móng khởi suy xét tường giải. Tôi lúc này thì “thiền loạn”. Mới thấy dáng vị sư trẻ đã rối bời tâm can, vội đứng dậy bưng khay chén bát, chào và chúc hai vị khách ngủ ngon.

- Thí chủ hãy để thầy dọn.

Tôi khư khư giữ chặt khay mà bước. Rồi rửa ngay chén bát, đầu soạn tiếp những câu hỏi.

*

“Vấn đề trở nên nghiêm trọng: sức khỏe ông già ở từ ngày càng giảm sút, và những biểu lộ tình tứ của cô vợ... Tôi lạy Phật nhiều hơn, lòng dặn lòng còn bao sức đưa ra lạy Phật bằng hết. Có đêm tôi lạy từ tối đến khuya, đầu chạm nền và không đủ sức dậy nữa. Tôi lăn ra chiếu, gắng lật qua một bên, bò về phía sau bàn thờ âm linh vùi luôn vào giấc ngủ.

Sáng dậy hơi muộn, tôi ra giếng giặt y phục, thấy một mớ cá tràu đen thùi lụi, tất cả đều sống bò lốp ngốp. Tôi muốn quỳ luôn xuống đó, xin chúng nhận một lạy trước lúc sẽ chết. Theo lời Phật, biết đâu trong mớ cá có người thân của tôi từ nhiều đời kiếp, do nghiệp lực đưa đẩy mà phải nhận thân bọt bèo. Người người nhầm tưởng bỏ thân này là hết cũng đồng với chấp thân này “của ta” nên vô biên oan oan tương báo… Tôi thấy cô từ cửa bếp bước tới thì vén luôn y phục thẳng vào chùa, tay run, miệng lầm rầm niệm Chú Đại Bi, cố không để tâm khởi sở bất thiện.

Trưa ấy tôi đang đọc Kinh Nhật Tụng, khoảng gần trăm biến thấy cô ta cầm lên một vật. Thêm một bộ phận “người”. Nó màu xám, nhìn qua thì không khác mấy cá tràu hồi trưa, cũng có cái miệng nhỏ xinh… Tôi liếc qua và tiếp tục lật trang kinh tụng tiếp. Cô ta đứng bên nhìn thấy ngón tay cụt của tôi… Hình như cô đã bước, nghĩ sao quay lại, phía sau lưng tôi, sụp xuống”.

*

trụ trì nhấp trà. Buổi sáng tinh sương. Hôm nay trời dịu, gió nhẹ. Những đàn chim đã bay về trên dãy bàng vuông và vài tổ chim trên cội bồ đề phủ kín lá xanh mơn mởn.

- Sư trẻ bước vào cửa Phật chưa lâu mà định lực thâm sâu lắm con ạ. Người tu tuổi ấy quả hiếm hoi, chí ít là lần đầu thầy gặp. Tối qua sư trẻ xin được nhập thất; thầy khuyên mới đầu nên “nhốt” mình dăm ngày đã song sư trẻ xin miên mật hai tuần.

- Dạ. Con có học kinh, thật lấy làm xấu hổ vô cùng trước Phật. Hy vọng sau này tiến bộ hơn sẽ xin làm đầu bếp cho hai thầy.

trụ trì nhìn tôi rất vui.

- Xưa lục tổ Huệ Năng cũng là người lui cui dưới bếp… À, nữ thí chủ lên đảo sớm quá nhỉ.

- Dạ. Cô ấy muốn chụp mặt trời trên đảo, nhưng sáng nay không may rồi.

Tôi nhớ đến di động, mở nguồn. Hai phút sau một tin nhắn hiện lên báo có 7 cuộc gọi nhỡ, cuộc gần nhất lúc năm giờ mười ba phút sáng. Tôi gọi lại. Đồng hồ tính tiền nhảy. Sóng nhiễu. Không nghe được lời nào. Tắt máy. Bên kia gọi tới. Vẫn nhiễu sóng, méo giọng, ngắt quãng.

- Nữ thí chủ sốt sắng từ hôm qua đến giờ…

Tôi “dạ”, cố lờ qua chuyện “hai ngư dân”.

- Chốc nữa con gói súng trả lại cho họ kẻo quên, cả đạn nữa, không thiếu một viên.

Tôi im lặng, nhấp trà.

- Con ạ, cái lý đạo Phật là gác lại thân sơ quyến thuộc nhằm siêu phàm nhập thánh. Cần nhất là tấm gương chói sáng. Một tấm gương chói sáng luôn đủ cho vô số người soi chung.

Tin nhắn đến: “Có thể chiều nay tàu rời đảo… Em lại chưa muốn về, thấy thương các anh ở đây quá!”.

“Anh phải ở lại có việc hệ trọng. Em nên về trước”.

- Con ạ… - Sư trụ trì thấy tôi bỏ di động vào túi mới nói: Nhiệm vụ lần này phải gắng làm cho trọn… Sư cũng ngại bởi họ, người đang bệnh người lại bị thương, thuốc men ở đây cũng hạn chế trong lúc họ chưa tin Phật…

- Con hiểu thưa sư.

trụ trì tiễn tôi ra bến. Sóng ồ oạp. Mưa nhỏ. Hai “ngư dân” nước ngoài chắp tay xá sư rồi lên thuyền.

Sư vỗ nhẹ vai tôi.

- Thầy thấy nữ thí chủ là người có căn duyên…

Tôi dạ, và thú thực, không muốn nghe thêm. Tôi ngầm đoán sư muốn giao cho tôi một nhiệm vụ mới quá nặng nề… Nhìn về phía đảo, Nhỏ tôi quen đang trên đó cùng những người lính dũng cảm. Hòn đảo thiêng liêng nhô ra như một tấm bình phong của Tổ quốc. Máy nổ ầm ào. Chùa xa dần. Tôi đưa tay vẫy. Sư trụ trì khoác chiếc áo phước điền đã bạc đứng trên bờ cát mênh mang. Dáng sư như một tàu lá chuối chỉ mới vừa khô, nhưng gió chẳng thể cuốn đi.   

N.N 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
03/10/2014(Xem: 9144)
21/08/2014(Xem: 9940)
04/01/2017(Xem: 12829)
02/11/2023(Xem: 1254)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.