Thư Viện Hoa Sen

Sư bà Đàm Thảo là người dại?

04/05/20169:33 SA(Xem: 10329)
Sư bà Đàm Thảo là người dại?

SƯ BÀ ĐÀM THẢO LÀ NGƯỜI DẠI?
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng

 

Tôi sinh ra ở xã Đông Hòa, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Tôi lớn lên ở đó và đến 13 tuổi mới chuyển về Hà Nội sống và học tập. Vậy mà tôi vẫn đau đáu hướng về quê tôi. Cả xã Đông Hòa của chúng tôi chỉ có 1 ngôi chùa nhưng do một ông thầy cúng phụ trách. 2 xã trên là Đông Thọ và Đông Dương cũng có 2 ngôi chùa nhưng lại vẫn không có nhà sư. Vậy nên, hồi nhỏ, tôi có được thực sự đến chùa bao giờ đâu.

Chùa Cát Hộ xã Đông Thọ TP Thái Bình 2
Chùa Cát Hộ xã Đông Thọ TP Thái Bình

Đùng một cái tôi nghe tin chùa Cát Hộ tại xã Đông Thọ có sư bà về chăm sóc, xây dựng. Thế là tôi mò lên thăm chùa, thăm sư bà. Lòng tôi vui như mở hội. Vui vì quê tôi đã có Pháp của Phật về rồi. Phật Pháp về làng thật rồi.

Lần trước tôi về quê và lên thăm. May thay gặp sư bà Đàm Thảo. Bà đang lăn lộn lo xây chùa. Tôi thì ngạc nhiên vì chợ Hộ - cái chợ ngày xưa đã được chuyển vào bên trong. Bây giờ chùa đã rộng ra nhiều. Như một phép màu.

Sư bà Đàm Thảo kể rằng sư bà trụ trì chùa Lan Thành trên xã Đông Phong cách đây quãng chục km. Có lần đi qua tình cờ nói chuyện thấy dân kêu khổ. Khổ là không có pháp của Phật. Khổ là chùa thì nát mà không được nghe pháp, không được tu.

Ngày nhận chùa, nơi đây không có điện, không nhà ở, không bếp, chùa hết đất, chỉ có ngôi tam bảo cũ nát và 1 chút sân. Sư bà Đàm Thảo đi mua ngay 25 ngàn tiền dây điện về thắp sáng nơi cửa Phật. Thế là chùa Cát Hộ được sống lại.

Tôi hỏi sư bà về lịch sử ngôi chùa và biết đây là câu chuyện rất dài. Sư bà Đàm Thảo bảo rằng ngôi chùa  này có thâm niên đến 300 năm đấy. Tôi giật mình. Nhà tôi cách đây có vài cây số mà không hề biết về lai lịch ngôi chùa.

Su bà Đàm Thảo chùa Cát Hộ xã Đông Thọ TP Thái Bình 1 (1)
Su bà Đàm Thảo chùa Cát Hộ xã Đông Thọ TP Thái Bình

Việc lớn  của sư bà Đàm Thảo là xin lại khu nhà kho phía sau và khu chợ để làm thiền đường.  Xin rất khó. Nhưng sư bà không nản. Tìm mọi cách. Gặp mọi cấp. Miễn là làm sao có nơi để tổ chức các khóa tu, để mời được các quý thầy về giảng pháp.

Sư bà Đàm Thảo kể về chuyện xây nhà mẫu. Câu chuyện kiện cáo thật phức tạp,  lên tận trung ương. Rồi lãnh đạo tỉnh về. Tất cả công nhận đây là khu mộ và sư bà đã làm lễ chuyển các ngôi mội ra nghĩa trang để xây dựng nơi đây thành nhà mẫu khang trang, ấm cúnglịch sự.

Sư bà kể cho tôi nghe cảnh người ta cởi trần mặc quần đùi đánh bóng ngay trước chánh điện. Nói mãi cũng không được, nói bã bọt mép họ vẫn cở trần đánh bóng. Bóng bay lên vỡ cả ngói chùa. Chiều nào cũng vậy. Tôi hỏi sao họ lại như vậy. Và giật mình: Họ làm cho sư bà chán và phải bỏ chùa ra đi.

Chuyện là quý vị có thể không biết rằng quanh 2 xã Đông Hòa và Đông Thọ quê tôi có đến 120 thầy cúng. Thầy cúng thì không muốn có nhà sư. Các sư thì làm lễ cầu an, cầu siêu rất đơn giản, không tốn kém. Còn nếu mời thầy cúng về thì có giá tiền hẳn hoi. Nhiều khi rất nhiều tiền.

Chuyện kể rằng, ngày đó,  có ông thầy cúng nọ đến làm lễ cho một đám tang. Sau khi làm lễ xong, gia chủ không có đủ số tiền là 300.000 mà chỉ có 1 nửa, tức là 150.000. Ông thầy dọa sẽ ra tận mộ đào lấy cái phù về. Thế là gia chủ sợ. Nếu khôngsư bà ra tay thì chuyện gì sẽ xảy ra. Nhiều nhà nghèo quá phải bán đất, bán ruộng đi, hoặc đi vay mượn để mời thầy cúng về cúng. Không mời thầy cúng, không làm lễ thì tâm không an. Đất lề quê thói. Quen rồi. Bao năm nay đều vẫn thế mà.

Thoắt cái, sư bà Đàm Thảo đã về với chùa Cát Hộ được 15 năm rồi. Cứ thế cụ xây dựng dần dần. Dân ở đây nghèo nên cụ kêu gọi mỗi người đóng góp 2 bao xi măng. Người không có nhiều tiền thì chỉ cần góp 10 ngàn, 20 ngàn cũng quý. Tích tiểu thành đại. Vậy mà ngôi chùa dần được tái phục dựng.

Tôi hỏi rằng cụ đang trụ trìxây dựng chùa nào nữa.  Sư Bà Đàm Thảo liệt kê một loạt, nhiều lắm mà tôi không nhớ hết. Nào là chùa Tràng xã Trọng Quan, chùa Kim Sa xã Lịch Động, chùa Hội Châu xã Đông Huy, chùa Cần Tu xã Đông Dương, chùa Phúc Khánh xã Vũ Phúc, … Tôi giật mình. Tuy nhiên sư bà Đàm Thảo cho biết bà đã giao chùa cho các học trò hết rồi, mỗi trò lo mỗi chùa. Buông cho nhẹ. Mong cho các trò hoằng pháp tốt nhất.

Hóa ra sư bà Đàm Thảo là người xây chùa. Tôi thầm nghĩ rằng công đức của sư bà rất lớn. Như đọc được suy nghĩ của tôi sư bà thốt ra “Thế mới dốt”. Tôi hoàn toàn không hiểu bà nói gì nên hỏi. Sư bà trả lờiChùa nội tâm không xây cứ đi xây chùa thiên hạ”. À ra vậy. Sư bà tự nhận mình là người dốt. Dốt hay giỏi nhỉ quý vị!

Đang nói chuyện thấy có 1 cậu bé chạy vào hỏi sư bà cái gì đó. Tôi cứ ngỡ rằng cháu bé nhà ở gần đây. Nhưng không. Chuyện rằng có một người phụ nữ không chồng mà có con. Chị ra chùa xin sư bà làm lễ để phá thai. Cô gái bảo, nếu không phá thì cả 2 mẹ con chết đói, chết cả lũ à. Sư bà quyết không cho phá thaichu cấp vẹn toàn để mẹ nuôi con. Sư bà Đàm Thảo đặt tên cho cháu bé là Thiên Phúc với thông điệp là trời cho làm người. Khi tôi hỏi mẹ cháu đâu, sư bà Đàm Thảo cho biết mẹ cháu đã đi lao động bên Mã Cao. Cháu Thiên Phúc sống trong chùa này. Cháu đã 9 tuổi và đang học lớp 2. Học muộn nhưng còn hơn thất học. Cháu đã được nhập khẩu về đây và được đi học thật rồi. Tôi ngồi lặng người đi, nếu cô gái kia không gặp sư bà thì đã không có Thiên Phúc, cậu bé đang chạy quanh sân kia, trên đời này. Phúc của con lớn như trời thật rồi, con có biết không!

Chùa Cát Hộ xã Đông Thọ TP Thái Bình 4
Chùa Cát Hộ xã Đông Thọ TP Thái Bình

Sư bà Đàm Thảo nói rất nhiều lần về nạn đói nơi đây. Đói ở đây là đói pháp. Đói này là đói trí tuệ của Phật. Dân làng ở đây, dân vùng này đa phần theo thầy cúng. Tôi lại giật mình nghĩ đến mình sư bà Đàm Thảo nơi đây đối diện với 120 ông thầy cúng trong 2 xã. Cuộc chiến không cân sức. Một bên là cơm áo gạo tiền. Bên kia là bình an miễn phí.

Sư bà Đàm Thảo thật thà bảo tôi rằng bà quyết tâm bám trụ nơi này để giảng giải cắt nghĩa cho bà con. Chính các ông thầy cúng làm lu mờ Đạo Phật. Chính các ông thầy cúng dẫn người dân vào mê tín dị đoan, làm nghèo đi cuộc sống của người dân thôn quê, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Khi tôi hỏi sư bà về tâm nguyện của mình, sư bà Đàm Thảo cho biết rằng bà mong cho toàn dân 2 xã Đông Thọ và Đông Hòa biết đến Phật Pháp. Sư bà mong giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, quý cư sỹ và Phật tử hỗ trợ để người dân biết đến câu Pháp. Sư bà muốn tôi mời giúp quý Hòa thượng, Thượng tọa về đây giảng pháp. Sư bà Đàm Thảo mong sao dân quê nơi đây thấm nhuần lời Phật dạy. Sư bà nói câu cuối cùng trước khi chia tay mà tôi nhớ mãi “Nghèo của nghèo tiền còn đỡ chứ nghèo Pháp khổ lắm. Biết đến Pháp của Phật sẽ bớt khổ”.

Tôi ra về mang theo gánh nặng: mời quý thầy về quê tôi tổ chức khóa tu lớn. Tôi ra về mà vẫn canh cánh nghĩ suy, phải chăng sư bà Đàm Thảo dại! Tôi mang theo về Hà Nội và ngồi gõ những dòng này. Mong sao quý vị cùng sư bà Đàm Thảo và chúng tôi chia bớt gánh nặng hoằng pháp. Để sư bà Đàm Thảo có thời gian xây chùa tâm. Để sư bà hết dại!

Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng  

Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 21566)
12/10/2016(Xem: 19492)
26/01/2020(Xem: 12163)
12/04/2018(Xem: 20443)
06/01/2020(Xem: 11247)
24/08/2018(Xem: 9634)
12/01/2023(Xem: 4153)
28/09/2016(Xem: 25342)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: