Vu Lan Tôn Kính Mẹ
VU LAN TÔN KÍNH MẸ
Hôm nay là ngày Rằm Tháng Bảy, ngày tự tứ của mười phương tăng chúng, ngày hoan hỉ của chư Phật, ngày hội Vu Lan để mọi người con Phật làm lễ Tôn kính và Tưởng nhớ công ơn Cha Mẹ.
Đức Phật dạy: “Công ơn Cha Mẹ sâu dầy vô tận. Dù vai phải cõng Cha, vai trái cõng Mẹ mà đi hàng trăm nghìn kiếp, người con vẫn không thể nào đền đáp nổi công ơn ấy!”
Còn công ơn nào to lớn hơn công ơn Cha Mạ! Bởi thế cho nên, dù Phật có dạy rằng: “Được sinh làm người là điều rất khó, nhưng đã sinh làm người mà được gặp Phật Pháp lại còn khó hơn!”, thế mà Ngài vẫn bảo rằng: “Nếu sinh nhằm đời không có Phật, nhưng người con biết thờ Cha Mẹ cho trọn đạo hiếu, thì công đức cũng lớn như thờ Phật vậy!”
Ơn đức sâu dầy của Cha Mẹ được gói trọn trong bốn chữ SINH, THÀNH, DƯỠNG, DỤC. Bốn chữ thật giản dị, nhưng đã nói lên cái công trình vĩ đại, lâu dài, được thực hiện bằng tình thương yêu bao la của Cha Mẹ đối với con cái. Cho nên đã là người thì không ai là không mang nặng công ơn sinh thành dưỡng dục ấy; vì không ai là không có Cha Mẹ.
Cách đây hơn 25 thế kỉ, tôn giả Mục Kiền Liên, tuy bấy giờ đã trưởng thành, đã xuất gia và tu chứng thánh quả A-la-hán, có thần thông siêu việt, nhưng vẫn không quên Mẹ, dù Bà đã quá vãng từ lâu. Nhờ có thần thông, tôn giả đã tìm thấy Mẹ đang chịu đau khổ cùng cực nơi chốn Ngạ-quỉ. Một bên là thánh tăng, một bên là ngạ quỉ, nhưng không vì thế mà có sự xa cách; vì ngạ quỉ ấy vẫn là Mẹ của con, và thánh tăng kia vẫn là con của Mẹ. Kiếp ngạ quỉ đã là quả báo đau khổ do nghiệp chướng quá nặng nề mà Bà đã tạo ra bởi tham sân si trong lúc còn sinh tiền, nhưng không vì thế mà tôn giả lẩn tránh Bà; bởi vì tôn giả trước sau vẫn là con của Bà. Mẹ thì bao giờ cũng thương yêu con, cho nên con bao giờ cũng thương yêu Mẹ; giản dị chỉ có thế. Cho nên nhân ngày tự tứ của chúng tăng vào Rằm tháng Bảy, tôn giả đã thiết lễ Vu Lan để cứu Mẹ giải thoát khỏi kiếp ngạ quỉ. Và kể từ đó, ngày Rằm tháng Bảy hằng năm đã trở thành NGÀY CỦA MẸ.
*
Thưa Mẹ kính yêu!
Hôm nay là NGÀY CỦA MẸ. Noi gương đức Mục Kiền Liên, con làm lễ Tôn Kính Mẹ, tưởng nhớ Mẹ, và báo hiếu Mẹ bằng cách cúng dường chư tăng nhân ngày tự tứ của các ngài. Nhờ tâm ý hoàn toàn thanh tịnh sau giờ phút tự tứ, sự chú nguyện của các ngài sẽ tỏa ra oai lực vô biên để mang phúc báo đến cho Mẹ.
Nhưng không phải chỉ có ngày hôm nay con mới tôn kính Mẹ, tưởng nhớ Mẹ, và báo hiếu Mẹ; mà ngày ngày con đều làm như vậy. Trong tâm niệm con lúc nào cũng có Mẹ. Làm sao con quên được Mẹ trong khi con vẫn đang ăn, đang ngủ, đang làm việc, đang sống trọn vẹn trong tình thương yêu dịu ngọt của Mẹ! Tình thương yêu của Mẹ bao phủ khắp cuộc đời con. Mẹ đã che chở, đùm bọc con ngay từ những ngày đầu tiên con được tượng hình trong bụng Mẹ. Mẹ đã giữ gìn từng bước đi, cẩn thận từng miếng ăn, dè dặt từng lời nói...; thậm chí Mẹ đã nhẫn nhịn trước tất cả các lời sỉ nhục, vì Mẹ sợ cơn nóng giận rất có thể gây ảnh hưởng xấu cho cái bào thai yếu đuối ở trong bụnh mình! Không lúc nào là Mẹ không nghĩ tới con và vì con. Chín tháng mang thai con là cả một thời gian dài đằng đẵng chịu đựng khó nhọc của Mẹ!
Rồi còn đau đớn nào bằng cái đau đớn của Mẹ trong giờ phút sinh ra con. Nỗi đau đớn của Mẹ như cắt da xẻ thịt, và sự nguy hiểm mà Mẹ phải trải qua còn rùng rợn hơn sự nguy hiểm của người vượt đại dương trong cơn giông tố bão bùng. Vậy mà, vừa nghe được tiếng khóc chào đời của con, trên môi Mẹ đã nở ngay nụ cười sung sướng. Hạnh phúc tuyệt vời của Mẹ đấy. Tình thương vô biên của Mẹ đã biểu lộ hồn nhiên trong nụ cười thiêng liêng ấy. Và từ đó, ơn đức của Mẹ, công lao của Mẹ cứ chồng chất mãi trên người con, đến suốt cả cuộc đời; không phải tính bằng năm tháng ngày giờ, mà phải tính bằng sát na giây phút.
Con có thể quên đi mọi lời ca, nhưng câu hát “Lòng Mẹ bao la như biển Thái-bình rạt rào ......” thì không bao giờ con quên được. Tai con lúc nào cũng như văng vẳng tiếng ru của Mẹ ngày nào:
“À ơi,
Công Cha như núi Thái-sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra...”
Nước nguồn thì không bao giờ hết được; vì nếu nước nguồn mà hết, thì sông biển sẽ cạn khô. Tình thương của Mẹ cũng bất tuyệt như nước nguồn.
Thưa Mẹ kính yêu! Con là con của Mẹ. Từ lúc còn là bào thai, con đã là con của Mẹ; mà mãi cho tới lúc tuổi già sức yếu, đầu bạc răng long, con cũng vẫn là con của Mẹ. Đã là con của Mẹ thì bao giờ con cũng được gội nhuần ơn đức của Mẹ. Dù Mẹ là bậc toàn thiện, hay do nghiệp lực chúng sinh mà trong đời Mẹ đã có phút nào gây nên lầm lỗi, thì Mẹ vẫn là Mẹ của con. Dù Mẹ đang sống bên con, hay đang chia cách, hoặc mai sau Mẹ có mãn phần, thì Mẹ vẫn là Mẹ của con. Ơn đức sinh thành dưỡng dục của Mẹ như trời cao biển rộng, không có thước nào để đo, không có cân nào để lường, không có lời nào để diễn tả cho cùng. Bởi vậy mà bao giờ con cũng tôn kính Mẹ, tưởng nhớ Mẹ, báo hiếu Mẹ.
Nhân Ngày Của Mẹ, kính lạy mười phương Chư Phật chứng giám, con luôn tự nhắc nhở, con đang hưởng hạnh phúc có Mẹ hiện tiền, con luôn hiếu dưỡng và thương kính Mẹ để khỏi ân hận về sau lúc Mẹ qua đời; còn Mẹ đã qua đời thì con luôn luôn cầu nguyện cho Mẹ, phải noi gương Mẹ mà sống ở đời, phải tu thiện tích đức để hồi hướng công đức ấy cho Mẹ được hưởng phước báo nơi cảnh giới an lạc.
Con kính yêu Mẹ đời đời.
NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN BỒ TÁT
MỘNG
MỘT
Khoảng mấy tháng đầu năm 2000,
Một đêm kia, trong giấc mơ, tôi sực nhớ ra một việc, và tự nói (trong giấc mơ ấy): “Lâu nay, hình của Ôn mình thì mình có mấy tấm rồi, nhưng hình của thầy Đỗng Minh thì mình chưa có tấm nào. Sáng mai phải viết thư về xin Thầy một tấm để kỉ niệm.”
Sáng hôm sau thức dậy, tôi vẫn nhớ rõ lời tự nhủ trong mộng ấy. Tôi nói lại ý nghĩ trong giấc mơ ấy cho TK nghe. Buổi sáng hôm ấy tôi có mấy việc phải làm, chưa viết thư được, bèn tự hứa với lòng là để sau khi nghỉ trưa rồi sẽ viết.
Thường thường thì người phát thư bỏ thư vào hộp thư nhà tôi sau 1 giờ trưa. Nhưng ngày hôm ấy, chẳng biết tại sao, trước khi dùng bữa trưa, tôi ra mở hộp thư thì thấy đã có thư rồi. Tôi cầm xấp thư đem vào, thấy trong đó có một cái thư gửi từ VN. Tôi ngạc nhiên vô cùng, vì đó là thư của Thầy Đỗng Minh!
Cái thư nằng nặng, dầy và cứng, chứng tỏ, ngoài lá thư ra, trong đó còn có hình ảnh gì đó nữa. Tay tôi bóc thư mà thấy run. Ôi, thật bàng hoàng, thật xúc động, thật sửng sốt! Quả thật, thầy Đỗng Minh đã gửi cho chúng tôi một tấm hình của Thầy mới chụp, và một tấm hình của Ôn tôi: Ôn Chí Tín! Tấm hình đề ngày 19.9.1999.
Buổi xế hôm ấy tôi đã viết liền một bức thư gửi về trình Thầy việc tôi đã nhận hình, đồng thời cũng kể cho Thầy về giấc mộng ấy của tôi.
Thế là việc gửi hình của thầy Đỗng Minh hồi ấy đã đi thẳng vào giấc mộng của tôi... Giấc mộng đã báo cho tôi biết trước là sắp có hình của thầy Đỗng Minh. Vậy thì giấc mộng ấy của tôi có phải là mộng chăng?
HAI
Edmonton, ngày 30 tháng 5 năm 2004
Kính bạch Thầy Đỗng Minh,
Chúng con đã nhận được xấp bài “Tri Ân” mà Thầy đã gửi cho chúng con qua bưu điện. Chúng con cũng đã nhận được quyển Pháp Tạng PGVN - Tập 2. Chúng con kính ghi ân Thầy.
Kính bạch Thầy,
Đã từ lâu con đã không để tâm đến chuyện “làm thơ”. Vậy mà thỉnh thoảng cũng có một bài thơ xuất hiện một cách bất ngờ, như trường hợp bài “Thông Hành Vô Trụ” vừa mới đây. Con xin kể lại Thầy nghe, câu chuyện cũng khá li kì. Hồi đầu năm nay, 2004, con sang thăm thầy Như Bửu (ở San Diego, Hoa-kì) từ cuối tháng 1, đến đầu tháng 2 thì về. Hơn một tuần lễ sau khi về nhà, một buổi sáng nọ, trong lúc con đang tắm, thì bỗng nhiên 7 câu thơ hiện ra trong đầu. Con cứ lẩm nhẩm (sợ quên), tắm thật lẹ, xong vào phòng làm việc viết liền:
Ngôi sao sáng rỡ trên nền trời xanh
Chắc hẳn là nơi tôi từng cư trú
Tôi còn giữ nguyên tấm giấy thông hành
Từ đó đến đây trải bao thiên lí
Có bằng chiều dầy một sợi tóc mai
Mất khoảng thời gian bao nhiêu niên kỉ
Có bằng thời gian tiếng vỗ bàn tay
Hôm đó có TK ở nhà (thường thì TK ở Calgary để trông cháu ngoại mới sinh). Con đọc cho TK nghe mấy câu thơ vừa mới viết xong, và giải thích ý nghĩa. Con biết rằng bài thơ như vậy là chưa chấm dứt, nhưng con đã bỏ qua, không nghĩ tới nữa. Rồi buổi trưa hôm ấy, sau khi ăn trưa xong, con ngồi nghỉ trên ghế xa-lông, thiêm thiếp ngủ. Con chỉ ngủ một giấc ngắn thôi, thì giật mình dậy, vì có 3 câu thơ vừa xuất hiện trong giấc ngủ, tiếp theo 7 câu trên:
Ngôi sao sáng rỡ trên nền trời xanh
Chắc hẳn là nơi tôi về cư trú
Tôi từng ngày đêm điền giấy thông hành
Tối đến, con đánh máy 10 câu thơ ấy vào máy vi tính để cất giữ. Rồi bẵng đi một thời gian, cho đến ngày 12 tháng 3 tây, cái màn ảnh (monitor) của máy vi tính bị hư, con không viết lách gì được hết. Sang ngày 14.3, con nhận được điện thoại của QT báo cho biết, thầy Như Bửu vừa ra đi khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ! Dù đã biết trước thế nào cái giờ phút này cũng sẽ đến, nhưng khi nhận được tin trên, con lịm người đi không biết bao lâu! (Hôm ấy TK đang ở Calgary.) Sau đó, con ngồi yên lặng niệm Phật và tưởng nhớ thầy Như Bửu. Nửa giờ sau, bỗng nhiên con nhớ đến bài thơ còn dở dang hôm tháng trước, và nẩy sinh ý định làm tiếp cho bài thơ hoàn tất để “tiễn đưa” thầy Như Bửu. Con bèn cố gắng nhớ lại từng câu để chép ra giấy, vì máy vi tính đã hư từ mấy ngày qua, không mở ra được để xem lại 10 câu thơ đó. May mà con cũng nhớ được lõm bõm, sai một số chữ. Chép xong 10 câu trên (thay những chữ “tôi” bằng chữ “Anh”) thì những câu kế tiếp liền xuất hiện một mạch trong đầu, khiến con phải viết thật nhanh (sợ mất):
Từ đây đến đó mấy chiều xa lộ
Có chăng cầu đường đoạn thẳng khúc cong
Có chăng ngựa xe máy bay tàu thủy
Hay là chuyển theo một niệm thong dong
Ngôi sao sáng rỡ trên nền trời xanh
Nào hẳn là nơi Anh về cư trú
Thời không vô biên tâm vô sở trụ
Trống rỗng bàn tay tấm giấy thông hành
Tới đó là hết. Trong óc không còn gì nữa. Và con cũng thấy bài thơ như thế là đã đầy đủ, không cần thêm gì nữa. Con đặt tên cho bài thơ là “Thông Hành Vô Trụ”. Con liền gọi điện thoại ngay cho QT, bảo chú ấy chép ngay bài thơ này, con đọc ngay trên điện thoại cho chú ấy chép, để có dùng ngay trong tang lễ thầy Như Bửu, chứ gửi bưu điện thì không thể kịp. Nhưng rồi, ngày hôm sau, 15.3, buổi sáng con thử mở máy vi tính trở lại, vẫn không được. Rồi buổi tối, con lại thử mở máy, thì, ôi chao là lạ lùng, máy chạy tốt như thường lệ! Con mừng quá, việc trước nhất là lục 10 câu thơ dở dang hôm trước ra, quả là con đã nhớ sai mấy chỗ. Con sửa lại những chữ “tôi” thành những chữ “Anh” (thầy Như Bửu là đàn anh của con), rồi đánh máy tiếp hai đoạn mới chắp vào. Sau khi kiểm soát thật kĩ, con gửi ngay bài thơ “đã hoàn chỉnh” này bằng điện thư sang cho QT. Điện thư vừa gửi đi xong, thì… màn ảnh tối đen trở lại như tình trạng mấy ngày qua! Con ngồi nói thầm: “Chắc Anh Bửu giúp em phải không? Em cám ơn Anh.” (Một tuần sau con mới thay được cái monitor mới.) Con lại điện thoại nói cho QT biết sự việc xảy ra, và chú ấy đã in bài thơ “hoàn chỉnh” đó ra để dùng kịp trong tang lễ.
Kính bạch Thầy,
Đối với con, sự việc trên thật khá mầu nhiệm. Và câu chuyện sau đây càng mầu nhiệm hơn: Năm 2002, vào một đêm kia, như thường lệ, con vào giường ngủ lúc 2 giờ khuya. Con được cái may mắn là ngủ rất dễ, thường thường, cứ nằm xuống khoảng năm phút là ngủ rồi. Khi đặt lưng nằm xuống, con thường quán niệm rằng, có thể đây là giấc ngủ cuối cùng, vì biết đâu sáng mai mình không còn thức dậy nữa! Quán niệm như thế, con bèn bỏ hết mọi ưu tư, quên hết việc hằng ngày, kể cả những công việc đang dang dở, tâm vô tư, thoải mái, rồi ngủ hồi nào không hay… Con xin trở lại câu chuyện: Đêm hôm đó, không biết con đã ngủ được bao lâu, bỗng có 4 câu thơ nổi lên trong ý thức mộng (mộng trung ý thức). Sau khi 4 câu thơ đã hiện ra đầy đủ, ý thức mộng nhắc rằng: “Hãy thức dậy chép ngay đi, kẻo quên.” Con liền bật thức dậy, thật tỉnh táo, mở đèn, tới bàn viết, lấy giấy bút viết liền 4 câu:
Cứ tưởng đến đây là xong nhỉ
Không! Vẫn còn tuyết trắng đọng chân mây
Một nhúm cỏ khô nằm đáy vực
Trải bao nhiêu kiếp bụi chưa đầy
Chép xong, con tắt đèn đi ngủ trở lại. Rồi không biết con đã ngủ được bao lâu, 4 câu thơ khác lại xuất hiện trong ý thức mộng; và ý thức mộng lại nhắc: “Hãy thức dậy chép ngay đi, kẻo quên.” Con lại thức dậy, bật đèn, tới bàn viết, viết tiếp 4 câu:
Đi nữa chứ! Cho cùng khoảng trống
Cuộc lữ này trót hẹn trăng sao
Trên sâu thẳm vô cùng diện mục
Chút bọt bèo gợn sóng lao xao
Chép xong, con nằm xuống ngủ trở lại. Rồi cũng không biết con ngủ đã bao lâu, thơ lại tiếp tục xuất hiện trong mộng, mà lần này tới 8 câu. Và khác với hai lần trước, lần này, khi đã có đủ 8 câu thơ, ý thức mộng bảo rằng: “Cứ ngủ đi, sáng thức dậy sẽ chép lại, không quên đâu mà sợ!” Và con ngủ luôn cho đến 8 giờ sáng, thức dậy liền chép ngay 8 câu thơ tiếp nối với 8 câu trên:
Nơi chân trời có gì không nhỉ
Có khoảng không trùm chứa khoảng không
Rồi sao nữa, còn nơi góc bể
Cũng khoảng không trùm chứa khoảng không
Vật ngã câu vong hề vô nhất sắc
Cảnh tâm giai tại hề biến thập phương
Trong chiêm bao lộ tướng chân thường
Ngoài mộng mị tìm đâu diện mục
Chép xong 8 câu này thì con có bài thơ gồm 4 đoạn 16 câu; dù vậy, lúc bấy giờ con chưa hiểu rõ thâm ý của bài thơ. Chép xong là để đấy, đi làm thủ tục buổi sáng. Đến trưa hôm đó thì con sực nhớ ra rằng, hôm qua là ngày Phật Đản, Rằm tháng Tư âm lịch, chúng con có lên chùa dự lễ vào buổi trưa. Thế là bài thơ đó đã “xuất hiện” trong đêm Rằm rạng 16 tháng Tư, PL 2546. Chiêm đi nghiệm lại, con thấy đây quả thật là một giấc chiêm bao mầu nhiệm. Cho tới bây giờ con vẫn chưa đặt được cái tựa đề cho bài thơ đó, chỉ tạm gọi là “Bài Thơ Từ Giấc Ngủ”.
Kính bạch Thầy,
Ngày Mồng Một Tết Giáp Thân năm nay, trường hợp cũng gần giống như vậy. Lúc bấy giờ, chúng con vừa cúng Giao thừa xong. Giờ Giao thừa đã qua, TK đã vào phòng ngủ. Thời khắc thật yên tĩnh, không khí trong lành, con bèn ngồi trước máy vi tính, định viết mấy chữ gửi sang cho QT để vừa chúc Tết, vừa báo cáo danh sách vài đạo hữu vừa cúng dường tịnh tài cho quĩ Ban Bảo Trợ. Ý định thì như thế, nhưng con chưa viết gì hết, chỉ ngồi thật yên lặng, theo dõi hơi thở, tâm ý trống rỗng, rồi chập chờn như mộng... Khoảng một thời gian ngắn trôi qua, đột nhiên, nguyên một bài thơ xuất hiện trong đầu, con liền đánh máy ngay lập tức, một mạch, trọn bài, và đặt đầu đề là “Như Vậy”. Hôm Tết, con có gửi bài thơ này về trình Thầy xem, nay con xin chép lại nơi đây:
NHƯ VẬY
Xuân sinh Hạ trưởng
Thu liễm Đông tàng
Chim đã xa rừng
Còn lời vang vọng
Quá khứ im lìm huyễn tượng
Tương lai một khoảng trống không
Hiện tại hình hài hư ảo
Đến đi một chấm vô cùng
Từng không mây vẫn bay
Biển khơi nước vẫn đầy
Núi đồi cây chen đá
Chúng sinh còn ở đây
Đuổi bắt mặt trời chi thế nhỉ
Hình hài đã đủ cả trăng sao
Chân bước không mong cầu tới đích
Thức dậy rồi là hết chiêm bao
Cả ba bài thơ trên đây, con đều tự thấy bằng lòng, và cảm thấy rằng, chúng đã từ đâu xuất hiện, chứ như ngày thường thì khả năng của con không “làm” được; hay nói cách khác, chúng đã không được “sáng tác” bằng Ý THỨC của con, hoặc có ý thức góp vào, nhưng không phải là vai trò chủ động.
Con hi vọng, khi đọc ba bài thơ trên, Thầy cũng bằng lòng như con. TK đương nhiên là rất vui. Chúng con kính xin Thầy hoan hỉ đọc trọn lá thư này cho Ôn Chí Tín của chúng con nghe với. Và cũng xin Thầy cho chúng con kính dâng lời vấn an Ôn Chí Tín. Chúng con đội ơn Thầy, và thành tâm cầu nguyện Tam Bảo gia hộ Quí Thầy thân tâm thường an lạc.
Kính thư,
Chúng con hctk
BA
Thường thường tôi đi ngủ sau 1 giờ khuya, cho nên những giấc mộng cũng thường xảy ra vào khoảng 7 giờ đầu tiên của một ngày.
Ngày 1 tháng 10 năm 2004. Tôi thấy tôi, nhà tôi, cùng một số bạn bè khoảng sáu bảy người, ngồi trong một chiếc phi thuyền, bay lên không trung, vượt ra ngoài trái đất, và đáp xuống một hành tinh lạ. Chúng tôi ra khỏi phi thuyền. Quang cảnh chỗ này, ngoài một vài ngọn đồi ở hướng mặt trời lặn và một khu phố nhỏ ở hướng đối diện, còn thì toàn là bãi cỏ mênh mông, màu xanh ngút ngàn. Lúc đó mặt trời đã xuống thấp, chỉ còn cách đỉnh đồi khoảng một thước tây. Chúng tôi bước vào một căn phố rộng, có chưng bày nhiều tranh, tượng, như đây là một phòng triển lãm nghệ phẩm. Bỗng dưng một hiện tượng lạ bắt đầu xuất hiện trước mắt tôi: Mọi người có mặt trong căn phòng đều cầm mỗi người một chiếc khăn ướt sũng nước, bôi xóa lên các tấm tranh, các pho tượng. Chúng tôi cũng có trong tay mỗi người một chiếc khăn ướt, và cũng bôi xóa như vậy. Chiếc khăn ướt đi tới đâu thì các tấm tranh, các pho tượng liền mềm nhũn đến đấy…, cuối cùng thì biến mất hoàn toàn. Rồi chính những người cầm khăn bôi xóa ấy, kể cả những chiếc khăn ướt ấy, cũng tiêu biến tất cả, không còn ai, không còn gì. Rồi đến lượt căn phố ấy, cũng tiêu đi, biến mất. Rồi tất cả khu phố cũng vậy, dần dần cũng tiêu đi, cũng biến mất…, cả chiếc phi thuyền của chúng tôi cũng tiêu biến, không còn một thứ gì! Chỉ lạ một điều, bọn chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn, nhưng chiếc khăn ướt trong tay thì đã tiêu biến tự lúc nào. Trước mặt chúng tôi bây giờ chỉ còn là một khoảng trống mênh mông!
Lúc này mặt trời đã lặn ở phía sau những ngọn đồi. Chúng tôi vẫn im lặng, thanh thản, và bắt đầu bước tới. Trong ánh sáng lờ mờ, tôi thấy rõ, bọn chúng tôi bây giờ chỉ còn có 5 người, gồm 4 người đàn ông và một người đàn bà. Trong tâm thức, tôi chỉ biết có tôi trong số ấy, còn ba người đàn ông và người đàn bà kia, tôi không biết rõ là ai; mà tôi cũng không thắc mắc gì về điều này. Bỗng chúng tôi thấy khó thở, hình như nơi đây không có không khí. Người chúng tôi bắt đầu mềm đi; dù vậy, chúng tôi vẫn bước tới (sau lưng là mấy ngọn đồi), bước tới mà không có ý định đi đâu. Chúng tôi thấy mình cũng sắp bị tiêu biến đi như mọi người trong khu phố hồi chiều này. Dù vậy, chúng tôi không lo âu, không sợ hãi, mà vẫn thản nhiên chờ đợi sự hủy diệt mình đang tiến đến từ từ. Cả bọn chúng tôi vẫn im lặng, không ai nói với ai lời gì, nhưng tôi thấy rõ tâm ý của mọi người đều như thế.
Trong khi chúng tôi đang lạng quạng bước tới trong bóng đêm dầy đặc, thân hình mềm nhũn, xiêu vẹo đang chờ đợi phút hủy diệt cuối cùng, thì ánh sáng mặt trời lại xuất hiện sau lưng, ở phía những ngọn đồi mà tối hôm qua mặt trời lặn xuống. Chúng tôi nhìn thấy rõ nhau thoáng chút ngạc nhiên. Chúng tôi lại cảm thấy như có luồng khí mới, ấm áp, dễ chịu. Chúng tôi cùng hít thở những hơi thở thật sâu, thật dài, và cùng thấy khỏe khoắn trở lại. Thân hình chúng tôi trở nên cứng cát, sức lực sung mãn còn hơn cả ngày hôm qua chúng tôi đến đây. Tuy vậy, chúng tôi không hề có ý niệm hân hoan mừng rỡ về sự hồi sinh ấy. Chúng tôi vẫn yên lặng, thản nhiên. Rồi bỗng dưng một đứa bé khoảng bảy tám tuổi xuất hiện giữa đám năm người chúng tôi. Tôi liền nẩy sinh ý nghĩ: Đây là thế hệ thứ hai của chúng tôi nơi hành tinh này! Dù vậy, trong tâm ý chúng tôi lúc bấy giờ không hề có ý niệm gì về nam nữ.
Sau đó, trong những phút giây kế tiếp, cả khu phố từng tiêu biến không còn dấu vết hồi chiều hôm qua, dần dần tái hiện nguyên vẹn; người ta cũng tái hiện đầy đủ, sinh hoạt trở lại bình thường; cả chiếc phi thuyền của chúng tôi cũng hiện lại nguyên hình ở chỗ cũ. Trong khi đó thì thân hình của chúng tôi bỗng cao to hơn lên đến cả chục lần. Và mọi người địa phương ở đây cũng vậy, đều cao to hơn gấp chục lần so với ngày hôm qua khi chúng tôi mới đặt chân đến. Nhìn hình dáng, chúng tôi cũng phân biệt có đàn ông, đàn bà, nhưng trong tâm ý thì hoàn toàn không có niệm luyến ái về nam nữ như lúc còn ở địa cầu. Chúng tôi hòa nhập vào nếp sinh hoạt của người bản địa. Mà cũng lạ, người bản địa, cũng chẳng ai nói chuyện với ai, chỉ tươi cười, thầm lặng nhìn nhau, mà mọi hành động đều ăn khớp nhịp nhàng, không trái ý nhau. Trước mắt chúng tôi, tự dưng nhiều thứ thức ăn xuất hiện, thức ăn rất nhiều, thơm ngon, màu sắc đẹp đẽ. Tôi nghĩ đến món ăn gì thì tức khắc món ấy hiện bày trước mặt. Tôi cầm lên một cái chảo nhỏ, tức thì cái chảo ấy to ra, lớn hơn chiếc mâm đồng, cán dài như cán cuốc, trong đó đựng nhiều món ăn màu mè, thơm lừng, tinh khiết. Rồi bao nhiêu thứ đồ dùng khác cũng vậy, tự có, khỏi cần đi đâu tìm kiếm, mua sắm. Có một cảm giác thật đặc biệt, li kì, là chúng tôi không hề có ý niệm rằng mình có hay không có mặc áo quần; không hề thắc mắc rằng mình nên làm gì và không nên làm gì; không thấy có nhu cầu cần thiết phải ăn uống (mặc dù đồ ăn vẫn ê hề); không thấy có việc gì cần kíp phải đi đến đâu; v.v… mọi việc, mọi sinh hoạt đều diễn ra tự nhiên, tĩnh lặng, êm đềm, thong dong, tự tại…
Tôi hoàn toàn hòa nhập trong nếp sống an nhiên tự tại ấy cho đến khi thức dậy.
BỐN
Trong đêm ngày 2 rạng ngày 3 tháng 3 năm 2007, tôi cũng có một giấc chiêm bao mà tự mình rất lấy làm thú vị. Tôi thấy mình được tham dự một đạo tràng giảng kinh do chư Tôn Đức Tăng tổ chức. Địa điểm tổ chức là một ngôi chùa nhỏ trong một khuôn viên rất rộng. Số tăng ni và Phật tử tham dự đạo tràng đông đến vài ngàn, nên Ban Tổ Chức phải cất rạp lớn ở khu sân cỏ sau chùa. Đại chúng vừa học giáo lí, vừa thực tập tu niệm lễ sám trong thời gian nửa tháng, từ ngày Mồng Một đến ngày Rằm âm lịch.
Bên cạnh nơi tu học, tôi thấy Ban Tổ Chức còn dựng một cái sân khấu rất chắc chắn. Nhưng suốt thời gian tu học, tôi chẳng thấy cái sân khấu ấy được sử dụng để làm gì cả. Cho tới ngày chót, trong buổi lễ bế mạc, vị Thượng Tọa Trưởng Ban Tổ Chức tuyên bố rằng, có một câu lạc bộ Đô Vật địa phương yêu cầu Ban Tổ Chức cử người ra đấu đô vật với họ; trận đấu sẽ diễn ra ngay trên cái sân khấu kia. Ban Tổ Chức đã hoan hỉ nhận lời, và Chư Tôn Đức đã đồng thuận cử tôi đại diện cho đạo tràng ra thi đấu.
Lúc đó tôi đang mặc chiếc áo tràng lam, ngồi ở một góc cuối rạp, liền “dạ” một tiếng lớn, rồi khoan thai bước từng bước ra khỏi rạp, tiến tới sân khấu. Tôi tự biết mình không biết võ nghệ, nhưng sao vẫn thấy đầy tự tin. Tôi bước lên sân khấu, thấy trước mặt là một ông võ sĩ to lớn, cao nghệu, mặc quần đùi, người để trần, tay chân bắp thịt nổi cuồn cuộn, đang đứng chống nạnh nhìn tôi tiến lên “võ đài”. Tôi nhìn ông ta mà sao lòng không chút gì sợ sệt. Tôi nghĩ là tôi nhất định sẽ thắng ông võ sĩ này. Nghĩ vậy, tôi liền đứng lại trước mặt ông ấy, hai tay chắp lại, cúi đầu xá một xá, và mỉm cười chào ông ta. Rồi đứng im, không tỏ một vẻ gì hết.
Thế rồi không biết tại sao, ông ta cũng đứng im nhìn tôi, cũng phải tới một phút. Rồi ông ta chắp hai tay xá tôi một xá, và lặng lẽ bước xuống “đài”. Tôi còn đứng lại trên đài. Và ông trọng tài tuyên bố, đối phương đã bỏ cuộc, nên tôi đã thắng cuộc thi đấu. Tiếng hoan hô vang dậy khắp sân chùa.
Tôi lại khoan thai bước từng bước xuống sân khấu. Và... thức dậy.
NGƯỜI ĐÃ LƯỢM TÔI VỀ
Câu chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi, cũng phải gần 60 năm về trước.
Buổi sáng hôm ấy, tận trong bìa Bắc của làng Ma-nương (tức là làng Đắc-nhơn, thuộc tỉnh Ninh-thuận, nằm trên quốc lộ 11, cách thị xã Phan-rang 10 cây số về hướng Tây), một bọn trẻ con đang tụ tập chơi đùa trước cổng một ngôi nhà tường gạch mái ngói. Chủ nhân ngôi nhà này thuộc hạng giàu có nhất nhì trong làng. Hôm đó, chủ nhà có thỉnh Quí Thầy trên chùa xuống tụng kinh tại nhà, nên lũ trẻ con rủ nhau đến đó, vừa chơi đùa, vừa “coi thầy chùa tụng kinh”. – Làng Ma-nương vào thời đó, ngoại trừ một số vị lớn tuổi có học chữ Hán, theo đạo Nho, và một ông “thầy pháp”, còn thì tất cả đều theo đạo Phật, coi chùa như nhà thờ chung của cả làng, coi Quí Thầy như cha, như bác chú, như anh em. Quí Thầy và dân làng (chỉ trừ một hai ông nhà Nho cố chấp) đối xử với nhau thật chân thành, thân thiết, như trong một đại gia đình. Dân làng có việc gì cũng lên chùa nhờ Thầy; chùa có việc gì cũng nhờ dân làng (bất cứ ai, tùy công việc và khả năng) lên giúp.
Bọn trẻ hôm ấy có sáu bảy đứa, tuổi từ 6 đến 9, toàn con nhà nghèo, quần áo rách rưới, bẩn thỉu; trong đó có tôi.
Vào khoảng xế chiều, trong khi chúng tôi đang đùa giỡn ở trước cổng ngôi nhà đó, bỗng một “ông Thầy” từ trong ngôi nhà ấy đi ra, tiến tới chỗ tôi đang ngồi, ngó thẳng mặt tôi, hỏi:
“Em tên gì?”
Ông Thầy ấy lớn hơn tôi nhiều lắm, dám bằng các anh lớn ở trong làng. Tôi vừa sợ, lại vừa cảm thấy như thân thiện, bèn lí nhí trả lời:
“Thưa Thầy, em tên Côi.”
Ông Thầy lại hỏi:
“Em có muốn ở chùa không?”
Thật là một việc “thình lình”! Lúc đó, trước cặp mắt trẻ con và trong ý nghĩ non nớt của tôi, mấy “ông thầy chùa” đang tụng kinh ở trong nhà kia thật là sung sướng! Nào chuối nào xôi, nào kẻ bưng nước, nào người cúi đầu, nào gõ mõ đánh chuông, nào tán tụng ê a…; ở ngoài “thá” (*) có ai được sung sướng như thế đâu! Cho nên nghe câu hỏi ấy thì mừng lắm, tôi trả lời liền, không sợ sệt gì hết:
“Dạ thưa Thầy, em muốn!”
“Nhà em ở đâu?”
Tôi liền dẫn ông Thầy đi về một mái nhà tranh. Tôi kêu: “Mẹ!” Mẹ tôi từ mái nhà tranh bước ra: “Nam Mô A Di Đà Phật. Dạ chào Thầy.” Rồi ông Thầy nói gì đó với mẹ tôi, tôi không nghe rõ. Tôi thấy mẹ tôi vừa dạ dạ vừa gật đầu, mặt lộ nét vui. Ông Thầy xoa đầu tôi, rồi đi trở lại ngôi nhà kia.
Mấy ngày sau, một buổi sáng, mẹ tôi cho tôi mặc bộ đồ bà ba đen, “mới toanh!” – Quả là một chuyện lạ chưa từng có! Dẫn tôi lên chùa, giao tôi cho ông Thầy đã gặp tôi hôm trước. Ông thầy lại dẫn tôi lên nhà Tổ lạy “Ông Thầy Cả” 3 lạy. “Ông Thầy Cả” gật đầu mỉm cười. Ông Thầy lại dẫn tôi ra bờ giếng, dội nước lên đầu tôi cho ướt tóc, rồi cạo tóc cho tôi; cạo sạch hết, chỉ chừa một cái “vá” ở mỏ-ác. Ông Thầy bảo: “Bắt đầu từ hôm nay em được ở chùa!” Tôi không còn nhớ được cái cảm giác của tôi lúc đó thế nào; có lẽ là mừng lắm. Tôi thấy hôm đó người ta tới chùa đông đúc, hoa trái dâng đầy khắp các bàn thờ, ai ai cũng vui vẻ, dù rất bận rộn. Người lớn cho tôi biết, hôm ấy là ngày “Phật Đản”…
Nghiệp lực lâu đời đã xô tôi xuống dòng sông mê, trôi lăn các nẻo, bơ vơ giữa cảnh đời mê muội. Hôm đó ông Thầy đã “nhìn thấy” tôi, và đã lượm tôi về. “Ông Thầy” hồi đó chính là Hòa Thượng Thích Đỗng Minh ngày hôm nay – sư huynh của tôi. Chính NGƯỜI ĐÃ LƯỢM TÔI VỀ, đã lượm tôi ở giữa chợ đời tối tăm để đem về đất Phật, chỉ bảo cho tôi cách nhìn lại diện mục của mình. Nhưng tôi chưa chuyển được nghiệp mình, lại vẫn trôi nổi trong thường tình thế tục, cũng chưa làm nên sụ nghiệp gì gọi là xứng đáng với tình thương và lòng trông cậy của Người.
Kính lạy Giác Linh Thầy,
Con thật là kẻ bất tiếu,
Tùy nghiệp trôi lăn,
Biển đời hụp lặn.
Hôm nay Thầy đã về Tây,
Sực nhìn lại mình,
Con vẫn nghiệp chướng sâu dầy;
Lại bỗng giật mình,
Con chưa đáp đền công ơn cứu độ.
Giờ đây trước Giác Linh Thầy,
Con xin tâm thành sám hối,
Nguyện sửa đổi thân tâm,
Chuyên cần Phật sự.
Kính mong Thầy từ bi chứng giám.
Kính lạy Giác Linh Thầy,
Pháp đệ (cư sĩ) Hạnh Cơ
Miền Tây Gia-nã-đại,
mùa Phật Đản PL 2550 (2006)
(*) Ở làng tôi, vào thời đó, dân làng gọi “ngoài đời” là “NGOÀI THÁ”; trái lại là “trong chùa”.
MỘT NIỆM SẴN SÀNG
Bây giờ là 11g30 đêm, ngày 14 tháng 12 năm 2010, tôi ghi lại đây cái cảm giác đặc biệt tôi vừa trải nghiệm hồi sáng nay.
Sáng nay, sau khi lau chùi hai phòng vệ sinh trong nhà, tôi thấy người hơi mệt. Tôi uống một tách trà nóng, rồi ngồi trước máy vi tính, dịch kinh Thủ Lăng Nghiêm. Được chừng nửa tiếng đồng hồ, bỗng tôi thấy nhói trên trán, và có cảm giác như đang có con gì chạy từ trán bên phải sang trán bên trái. Cảm giác ấy chỉ kéo dài khoảng 2 giây đồng hồ, rồi thôi. Nhưng một cảm giác khác lại kéo theo ngay lập tức: Tôi thấy mình sắp sửa “ra đi”!
Tôi ngưng ngay việc dịch kinh, đứng dậy đi vào phòng vệ sinh, tiểu tiện, rửa tay, rửa mặt, đi thay bộ quần áo mới; rồi vào phòng thờ, đứng yên lặng, chiêm ngưỡng các hình tượng Phật, Bồ-tát, hình các đấng sinh thành... Rồi tôi ra phòng khách, nhìn sau lưng TK (lúc đó đang ngồi may ở bàn ăn nơi nhà bếp, lưng quay về phía tôi). Mọi động tác của tôi trong giờ phút ấy đều diễn ra trong lặng lẽ, ung dung, thoải mái.
Rồi tôi ngồi xuống chiếc ghế bành có chỗ duỗi chân, đặt nơi phòng khách (chỗ tôi ngồi nghỉ trưa mỗi ngày), lấy tấm chăn nhỏ đắp lên hai bàn chân, hai tay để xuôi theo hai bên hông, rồi nhắm mắt, ngưng hết mọi tư duy, để tâm hoàn toàn trống lặng; chỉ còn một niệm duy nhất: niệm Phật và sẵn sàng chờ cơn vô thường! Lúc đó vào khoảng 10g30 sáng.
......
Nhưng rồi, tôi chỉ đã thiếp đi một lúc. Đó là một giấc ngủ thật ngắn, thật an lành, hoàn toàn không mộng mị. Khi tôi mở mắt ra, nhìn thấy đồng hồ chỉ 11g10. Tôi tỉnh táo hẳn ra, thấy mình khỏe hơn lúc nãy. Tôi mỉm cười, đứng dậy, vào bếp sửa soạn cho bữa ăn trưa.
PHÁP VÂN LÀ ĐÁM MÂY LÀNH
RƯỚI MƯA PHÁP NHŨ THẮM CÀNH VIỆT NAM
Ở thành phố Mississauga (Ontario – Canada) có ngôi chùa Pháp Vân; đó cũng là một trung tâm văn hóa, gọi là Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam Pháp Vân.
Danh hiệu “Pháp Vân” của ngôi chùa mang một ý nghĩa cực kì quan trọng, tóm thâu tất cả hạnh nguyện và quá trình tu tập trọn ba a-tăng-kì kiếp của một vị Bồ-tát. Hành giả tu tập Bồ-tát hạnh, từ lúc mới phát tâm cho đến ngày quả mãn, phải trải qua 52 địa vị, mà địa vị thứ 50 được gọi là “Pháp-vân địa”; tức là địa vị cao nhất (địa vị thứ mười – Thập-địa) của hàng Thập Địa Đại Bồ Tát. Ở địa vị này, hành giả đã có đầy đủ tuệ giác, đầy đủ muôn hạnh, đầy đủ khả năng du hành giáo hóa khắp nơi với tâm bình đẳng, không phân biệt người đáng hay không đáng được cứu độ; như đám mây lành, tưới mưa cam lồ pháp nhũ xuống khắp các nơi để làm nẩy sinh thiện căn nơi tất cả chúng sinh. Có thể nói, đó là địa vị mà đức Bồ-tát đã sẵn sàng để thành Phật, trước khi tiến lên địa vị Đẳng-giác (địa vị thứ 51) để dứt trừ một phẩm vô minh vi tế cuối cùng; lúc đó thì công hạnh viên mãn, đức Bồ-tát thành Phật (địa vị thứ 52 – Diệu-giác).
Trong ý nghĩa đó, khi quyết định lấy danh hiệu “Pháp Vân” để đặt tên cho ngôi chùa, vị thầy khai sơn đã tự nguyện đảm lấy trọng nhiệm của một hành giả đại thừa: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”; hoặc cũng có thể nói cách khác, ngài đã phát tâm bồ đề rộng lớn của người tu tập Bồ-tát đạo: tự lợi lợi tha, tự độ độ tha, tự giác giác tha. Mà quả thật như vậy, trong quá trình hóa đạo suốt gần mười năm qua, –kể từ ngày an vị Phật, năm 2001; rồi khánh thành chùa Pháp Vân, năm 2002,– những pháp lạc mà Thượng tọa Trú Trì Thích Tâm Hòa cùng Chư Tăng bản tự đã đem lại cho quần chúng Phật tử, thật không thể kể hết. Tại chùa Pháp Vân, đời sống tâm linh của đồng bào địa phương được chăm sóc thường xuyên; phước đức và trí tuệ của Phật tử được nuôi lớn hằng ngày. Pháp Vân ngày nay đã nghiễm nhiên trở thành một biểu tượng tinh thần cho mọi người quay về nương tựa.
“Pháp Vân”, đối với Phật pháp nói chung, nó đã mang ý nghĩa quan trọng như vậy; riêng đối với Phật giáo Việt-nam, nó còn mang thêm cái tính cách đặc thù, do sự hòa nhập văn hóa Phật giáo vào nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt-nam, để làm thành nền văn hóa Phật giáo Việt-nam. Thật vậy, danh hiệu “Pháp Vân” này đã xuất hiện khá sớm trong lịch sử Phật giáo Việt-nam.
Giữa thế kỉ đầu Tây-lịch, sau khi vua Trưng bại trận, nước ta bị nhà Hán Trung-hoa thôn tính, đặt thành quận Giao-chỉ (đầu thế kỉ thứ 2 TL đổi thành Giao-châu), cử thái-thú sang cai trị. Vào hạ bán thế kỉ thứ 2 TL, viên thái thú người Hán cai trị nước ta là Sĩ Nhiếp (137-226), trị sở là thành Luy-lâu (trong địa phận tỉnh Bắc-ninh ngày nay). Chính trong thời gian cai trị của viên thái thú này (187-226), một tượng Phật gỗ được mang danh hiệu Pháp Vân đã xuất hiện; và một ngôi chùa, cũng mang tên Pháp Vân, đã được kiến lập để thờ tượng Phật này.
Tương truyền, một ngày nọ, trên núi bỗng nhiên nổi mưa to gió lớn, xô ngã một cây đại thọ; nước lụt cuốn trôi cây ấy đổ về sông Long-biên, đến thành Luy-lâu thì dừng lại, quanh quẩn ở đó, không trôi đi đâu nữa. Dân trong thành chạy ra xem, thấy có ánh sáng rực rỡ từ cây phát ra, lại nghe thoang thoảng có tiếng nhạc, và mùi hương thơm bay phảng phất. Người ta đem sự việc ấy trình lên Sĩ Nhiếp. Ông ra xem, lòng lấy làm lạ, bèn bảo lực sĩ kéo cây vào bờ, ý muốn dùng mà chưa biết dùng vào việc gì. Có người trình ý kiến rằng, đây là gỗ thiêng, nên tạc tượng thần để thờ phụng. Ông y lời, cho tìm thợ khéo, cưa cây đại thọ ra làm bốn khúc, tạc bốn tượng Phật. Đồng thời ông cũng lập tức cho xây bốn ngôi chùa ở bốn phường trong thành Luy-lâu, đặt tên là Thiền Định, Thành Đạo, Phi Tướng và Trí Quả, để thờ bốn tượng Phật ấy. Ngày khánh thành chùa gặp nhằm lúc nắng hạn lớn. Ông âm thầm cầu xin. Khi vừa chuẩn bị cung nghinh tượng Phật vào chùa để an vị, thì bỗng nhiên trời kéo mây đen, rền vang sấm sét, rồi cơn mưa lớn đổ xuống, mọi người đều vui mừng. Nhân đó bốn ngôi chùa liền được đổi tên thành Pháp Vân (mây), Pháp Vũ (mưa), Pháp Lôi (sấm) và Pháp Điện (sét); và bốn tượng Phật cũng được tôn danh hiệu là Phật Pháp Vân, Phật Pháp Vũ, Phật Pháp Lôi và Phật Pháp Điện. Từ đó, hễ khi gặp hạn hán, người ở bốn phương đều đến lễ bái cầu mưa, không lúc nào là không ứng nghiệm. Trong bốn tượng Phật này thì tượng Phật Pháp Vân được nổi tiếng là linh thiêng hơn cả, đã ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài đến lòng tín ngưỡng của từ trên các vua chúa xuống đến dân gian Việt-nam, suốt dòng lịch sử gần hai ngàn năm (từ thời Sĩ Nhiếp cuối thế kỉ thứ 2 TL, trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lí, Trần, v.v..., cho đến giữa thế kỉ 20, khi chế độ cộng sản cai trị miền Bắc Việt-nam).
Chùa Pháp Vân, nơi thờ Phật Pháp Vân, do đó, cũng là một ngôi đạo tràng nổi tiếng, và có thời đã là một trung tâm Thiền học quan trọng của Phật giáo Việt-nam. Sử chép rằng, vào năm 580, thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi (?-594, người Nam Ấn-độ, sang Trung-hoa năm 574) đã từ Trung-hoa sang Việt-nam, đến làng Cổ-châu (tức địa phận thành Luy-lâu thời thái thú Sĩ Nhiếp nói trên), trú tại chùa Pháp Vân, giáo hóa đồ chúng, sáng lập Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi. Lúc đó, chùa Pháp Vân đang là một trung tâm Thiền tập lớn, do thiền sư Pháp Hiền trú trì.
Tượng Phật Pháp Vân và chùa Pháp Vân, như vậy, đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong nền văn hóa PGVN trải qua nhiều thế kỉ; và cho đến hôm nay, chùa Pháp Vân lại duyên tùy vận nước, theo làn sóng tị nạn của quần chúng Phật tử Việt-nam mà có mặt tại hải ngoại, nơi thành phố Mississauga này.
Cùng sánh vai với các chùa và trung tâm văn hóa Phật giáo Việt-nam khác của chư Tăng Ni Việt-nam đang sống lưu vong ở hải ngoại trên khắp thế giới, chùa Pháp Vân ở đây thật xứng đáng hãnh diện đích thực là một TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM. Từ ngày sáng lập cho đến nay, ngoài các sinh hoạt thuần túy Phật giáo của riêng chư Tăng Ni và Phật tử, người ta còn chứng kiến biết bao lễ hội, tập tục thuộc truyền thống văn hóa Việt-nam đã được diễn ra nơi ngôi đạo tràng này, đem lại cho đồng bào Việt-nam cái không khí ấm cúng trong tình tự dân tộc; an ủi nỗi đau mất nước của đồng hương; mang an vui, hạnh phúc và niềm hi vọng tươi sáng đến cho mọi người. Hàng năm, với sự hiện diện hỗ trợ hướng dẫn tu tập của chư Tăng đến từ các quốc gia khác, chùa Pháp Vân đã tổ chức những khóa tu định kì hay bất thường dành cho đồng bào Phật tử, –không phải chỉ riêng ở địa phương tỉnh bang Ontario, mà họ còn đến từ các tỉnh bang khác như BC, Alberta, Quebec, v.v... của Canada, thậm chí còn có cả từ Hoa-kì,– hoặc ở ngay trong phạm vi bản tự, hoặc ở những khu lâm viên tĩnh mịch cách thật xa thành phố. Chính những sinh hoạt này đã trưởng dưỡng tín tâm, un đúc lòng tinh tấn, và tưới tẩm hạt giống bồ đề ngày càng lớn mạnh trong mỗi người con Phật. Những lợi lạc tinh thần, những thăng tiến tâm linh mà chùa Pháp Vân mang lại cho Phật tử nói riêng, cho đồng hương Việt-nam nói chung, trong bao nhiêu năm qua, là điều mà ai ai cũng trông thấy hiển nhiên, không gì có thể phủ nhận được.
Tất cả những công hạnh trên đây, chùa Pháp Vân đều thi thiết trong tinh thần vô tướng vô tác, đúng như hạnh nguyện của Bồ-tát Pháp Vân, tâm không sở đắc; chỉ một lòng phụng sự đồng bào Phật tử và đồng hương Việt-nam, đúng như đức thiêng của Phật Pháp Vân, tâm không sở thủ.
Quả thật, chùa Pháp Vân lúc nào cũng cố gắng hết sức mình để làm tỏ rạng và xứng đáng với danh hiệu “PHÁP VÂN”, cả trong ý nghĩa chung của Phật pháp là “Bồ-tát Pháp Vân”, lẫn trong ý nghĩa đặc thù của nền Văn-hóa Phật-giáo Việt-nam là “Phật Pháp Vân”.
Dòng suối Pháp Vân đang âm thầm chảy, lặng lẽ thấm nhuần vào lòng từng lượn người đã nghe, đã biết, đã tới với Pháp Vân.
Mùa Lễ Hội Phật Đản PL 2553 (2009)