Vào Thiền

30/09/20174:12 SA(Xem: 11328)
Vào Thiền

VÀO THIỀN

Giai Thoại Tùy Bút

Doãn Quốc Sỹ

vao thien doan quoc sy

Cuối tháng 10 qua, trong một buổi họp mặt của Hội Cựu Giáo chức và Thân hữu ở Houston, nhà văn và cũng là nhà giáo Doãn Quốc Sỹ đã nói chuyện về Thiền và kể vài giai thoại trong tập "Vào Thiền" do ông viết trước đây nào năm 1970. Sau đó, hôm 7 tháng 12, ông Sỹ cũng đã nói về đề tài trên với gia đình Phật tử chùa Linh Sơn ở Austin, Texas. Dưới đây, với sự đồng ý của tác giả, chúng tôi đăng lại bài nói chuyện về Thiền trên.

Dùng ngôn ngữ hữu hạn của thế nhân để nói Thiền chẳng khác nào muốn vẽ bướm bằng cành tre, muốn đựng mây hồng trong hộp săn. Do đó xin quí vị thông cảm trước mà thứ lỗi cho những sơ sót lời bất cập ý.

Ôn lại thuở xa xưa, tôi chẳng nhớ mình đã để ý đến Thiền tự bao giờ, chỉ biết chắc rằng những ý tưởng nhuốm màu thiền đã nhật tích nguyệt lũy thấm dần vào tôi như những giọt nước rơi liên tục làm lõm phiến đá. Trên các sách báo gặp bất kỳ đoạn nào, bài nào nói về Thiền tôi cũng đọc, rồi cái gì hợp với mình thì nhớ, nhiều khi chỉ nhớ mang máng; còn cái gì rơi vào quên lãng ắt là những cái vô bổ với tạng mình. Tôi vẫn nghĩ một cách chủ quan rằng thái độ đọc Thiền như vậy mới thật là Thiền! (nghĩa là hồn nhiênvô tưthanh thản).

Nhớ lại -mùa hạ 1967 tôi đương theo học tại FSU- Florida State University, tại ngay Tallahassee, thủ đô tiểu bang và đã được một người bạn Mỹ yêu đạo Phật tặng cho cuốn sách Thiền xinh xinh mang nhan đề Zen Budhism, xuất bản tại New York năm 1959.

Lần đó tôi được đọc những giai thoại nhỏ, dí dỏm về Thiền giữa màu sắc bừng sáng của những loại hoa cúc, hoa hải đường, hoa đỗ quyên (azalea) của miền Nam còn phòng phát mùi hương thanh thanh của hoa mộc lan (magnolia) nữa.

Đôi khi tôi ngồi đọc say sưa dưới bóng rừng ngợp màu rêu, loại rêu ngan ngát tím bao phủ lấy các cành cây và rủ xuống như tơ liễu (quý vị nào đã từng ở, hoặc có dịp qua thăm Florida, hẳn còn nhớ phong cảnh với những màu sắc này).

Những dụ ngôn, những giai thoại về Thiền được đọc vào dịp đó trong khung cảnh đó đã giúp tôi suy tư và tự khám phá thấy cái bất lực thê thảm của lý trí đơn thuần.

Dòng đời như dòng sông, không một sát na nào ngừng trôi chảyNô lệ cho lý trí đơn thuần ham cắt xén thì chỉ thấy được cái ngưng đọng, cái chết. Những khái niệm con đẻ của lý trí chật hẹp và khô cứng kia làm sao chụp được dòng thực tại không ngừng triền miên trong thế tương sinh tương lập - đối tượng của thiền! Mỗi chúng ta là một que diêm sống! Không ai sống hộ ta, ta phải tự sống lấy, tự chiêm nghiệmlấy Thiền. Que diêm khi tắt đi, chút khói xanh để lại. Rồi chính chút khói xanh đó cũng tan loãng nốt và biến hẳn-như vết chân cát xóa!

Tuy nhiên cũng nên chụp lấy chút ít khói xanh còn trong giây phút phiêu lãng đó, bởi dù cho khái niệm không chuyên chở được thực tại, nhưng người ta vẫn có thể nương vào khái niệm để tìm đến thực tạiVì vậy vào năm đó tôi mới quyết tâm viết tập sách mang tên Vào Thiền và cho xuất bản lần đầu vào năm 1970, thấm thoát cách đây đã ngót 30 năm, hơn một phần tư thế kỷ rồi!

Vào Thiền cuốn sách mỏng xinh có 60 trang thuở đó khi vừa được ấn hành đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt, và tôi đã phải cho tái bản đi tái bản lại khoảng 6, 7 lần trong vòng chưa đầy hai năm. Tôi xin thuật lại một vài giai thoại trong tập Vào Thiền.

1. Một cách đạt ý vô ngôn hảo diệu

Một thiền viện mới được thành lậpthiền sư Hyakujo cần tuyển chọn một người trong đám môn đệ để trông nom thiền viện đó. Tiên sinh cho gọi đám môn đệ tới, chỉ một chiếc bình chứa đầy nước và nói: "Trong các con hiện có ai giải thích được cái này là cái gì mà không cần gọi đến đích danh nó?"

Thiền sinh trưởng tràng được phép phát biểu trước. Anh chàng nói:

- Nó đứng thẳng, nó rỗng lòng nhưng chẳng phải là chiếc giầy bằng gỗ!

Một thiền sinh khác dùng lời nói gợi ý:

- Nó chẳng phải là cái ao, bởi người ta khênh nó được.

Thiền sinh em út phụ trách việc bếp nước, lẳng lặng đứng lên lấy chân đạp chiếc bình vỡ lăn chiêng, nước tung toé ra sàn.

Một cách đạt ý vô ngôn hảo diệu! Ý thức dính liền với thực tại khi bình vỡ lăn chiêng, nước chảy lênh láng?

Sư phụ ưng ý! Thiền sinh được cử trông coi Thiền Viện!

2. Chân Không Diệu hữu

Nói đến Thiền là nói đến không tâm. Nhưng đừng quên phần đi song hành với không tâm là diệu hữu. Bởi vì nếu chỉ đơn thuần có không tâm thôi, thì đó là ngoan không cái không trống rỗng, không có gì!

Một thiền sinh trẻ tuổi huênh hoang kia, lần đầu tiên tới thăm một thiền sư. Vừa ngồi xuống ghế, anh chàng đã cất giọng thao thao:

Làm gì có tâm trí, làm gì có thân xác, làm gì có thiện làm gì có ác! Thầy chẳng có, trò cũng không; chẳng có cái cho đi, cũng chẳng có cái nhận về; có cái gì trên đời này mà là thật đâu. Cái chính thật là Hư Vô!

Vị thiền sư ngậm ống điếu bình thản ngồi nghe không thốt nửa lời. Chợt tiên sinh với lấy chiếc roi bất thần giáng một cái thật mạnh lên người thiền sinh.

Thiền sinh hốt hoảng vùng dậy, không giấu được về giận dỗi, nhưng còn lúng túng chưa biết nói sao.

Thiền sư điềm tĩnh cất lời:

- Nếu quả thực chẳng có gì trên đời này là thực và tất cả là hư vô, thì sự giận dữ của người từ đâu đến? Hãy suy nghĩ về điều đó!

Thiền sư âu hẳn đã muốn dạy thiền sinh đệ tử thêm bài học về Chân không diệu hữuđồng thời còn hàm ý nhắc lại tinh thần phá chấp của Thiền!

Từ xưa Không Tâm vẫn là đề tài cơ bản trong Thiền Học. Trước đây chừng ngót nửa năm, khoảng tháng 5 năm nay (1997) tôi đã có dịp thuyết trình về Không Tâm tại chùa Việt Nam ngay tại Houston.

Hôm nay đế minh họa thế nào là Không Tâm, xin phép quý vị cho tôi được nhắc lại ba giai thoại về Không Tâm đã được dùng trong buổi thuyết trình đó. (Sự thực những giai thoại về Thiền cũng hệt như lời Niệm Phậtchúng ta có nghe đi nghe lại, nói đi nói lại cũng chỉ thêm tác dụng thẩm thấu có lợi cho phản ứng tâm bịnh được phần nhuần nhuyễn mà thôi).

Giai thoại Một

Có hai thiền sinh, sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ do Sư phụ giao phó, đương cùng đi sát bên nhau trên đường về. Cả hai vui vẻ đàm thoại về một vài đề tài quen thuộc, gần gũi với nếp sống hàng ngày.

Chợt cả hai ngừng nói chuyện! Phía trước mặt: một thiếu nữ xinh đẹp bận đồ mới tinh đương đứng khựng trên vỉa hè, nhìn thẳng xuống bên dưới mặt đường ngập nước. Rõ ràng nàng đương lúng túngkhông biết làm cách nào qua được sang bên kia đường để trở về nhà mà không bị vấy bẩn bùn nước.

Thiền sinh A lẳng lặng tới bế nàng trên hai cánh tay bước xuống, lội qua khoảng bùn nước, đặt nàng sang bên kia vỉa hè cao ráo, để sau đó nàng thảnh thơi cất bước trên đường về.

Suốt trên quãng đường còn lại trở về thiền việnthiền sinh B không tươi vui trò chuyện với bạn như vừa rồi nữa, trái lại khuôn mặt đăm chiêu cố nén điều bực bội. Không khí im lặng thật nặng nề!

Chỉ còn một quãng nhỏ nữa là về đến Thiền Việnthiền sinh B không thể nhẫn nại hơn được nữa, bèn cất giọng vô cùng bất mãn thống trách thiền sinh A:

- Tôi xin hỏi đạo hữu: Là một người tu hành mà đạo hữu đi bế một thiếu nữ đẹp trên tay qua quãng lội, đặt nàng sang bên kia đường. Như vậy coi có được không.

Thiền sinh A vẫn giữ nguyên vẽ bình thản-rất Thiền- chỉ hơi mỉm cười đáp lại:

Đạo hữu ơi, tôi đã giúp nàng qua khoảng lầy lội, đặt nàng sang bên kia đường để nàng trở về rồi! Ai ngờ đạo hữu còn tiếp tục cõng nàng về đến tận đây!

Quý vị vừa chứng kiến trường hợp một không tâm hàm thụ thái độ hồn nhiên, bình thản. Giúp người xong, giữ lòng buông thả thung dung! Đúng với ý bài thơ Thiền tứ tuyệt:

Nhạn quá trường không
Ánh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Tôi đã dịch sang thơ Việt như sau:

Nhạn vỗ cánh cao bay miết mải
Hình nhạn chìm dưới đáy nước kia
Nhạn nào lưu dấu làm chi
Nước trôi cũng mặc kẻ đi người về.

Giai thoại hai

Giai thoại này minh họa về không tâm trong một trường hợp đặc biệt như sau:

Hôm đó vị thiền sự có một người bạn đến chơi. Người bạn nói là đến để hỏi ý kiến về một chuyện cần giải quyết.

Nhưng từ lúc được mời ngồi xuống trước bàn trà, người bạn nói liên chi hồ điệp về câu chuyện đã làm mình thắc mắc: Câu chuyện đã xảy đến ra sao; mình đã nghĩ gì; mình dự định đối phó ra sao, dự địnhgiải quyết ra sao ...

Trong khi nghe người bạn cứ tiếp tục thao thao bất tuyệt như vậy, thiền sư lẳng lặng đặt một tách trà trước mặt bạn và bắt đầu rót trà ... tách trà đầy tràn ... đầy tràn ... Thiền sư vẫn tiếp tục nghiêng bình rót ... rót hoài ...

Người bạn phải tạm ngưng câu chuyện để nhắc thiền sư:

- Kìa, đạo hữu không thấy tách trà đầy tràn rồi sao?!

Thiền sư vẫn nghiêng bình tiếp tục rót, mỉm cười đáp:

- Thì nào có khác gì đạo hữu tới hỏi ý kiến tôi rồi cứ tiếp tục nói hoài về những ý nghĩ của riêng đạo hữu!

Vậy đó! Với những trường hợp này thiền sư muốn khuyên mình hãy giữ cho được không tâm, tránh đầy ắp tư kiến có vậy mình mới có cơ lãnh hội trọn vẹn những gì người đối thoại muốn truyền đạt cho mình!

Hãy như chiếc chén rỗng sẵn sàng tiếp nhận nước trà thơm ngát rót vào!

Giai thoại ba

Giai thoại ba giải thích sâu xa hơn nữa, tinh tế hơn nửa về không tâm.

Một chàng trai trẻ tự cảm thấy mình có đạo tâm, tới bái yết một thiền sư xin làm môn đồ của Ngài. Thiền sư nói với chàng trai:

- Con hãy về rũ bỏ hết, không còn giữ một chút gì trong lòng rồi hãy đến đây xin thụ giáo ta!

Sau đó chàng trai đã nhiều lần tới trình diện, thưa với thiền sư là mình đã thục hiện không tâm, đã rũ bỏ hết rồi không còn giữ một chút gì trong lòng. Nhưng chàng trai vẫn bị thiền sư từ chối và bảo: Con hãy về rũ bỏ cho thật hết đi, rồi hãy tới đây!"

Sau cùng chàng trai đành thống thiết cung kính trình lại với thiền sư:

Thưa Thầy, con thực tình đã trút bỏ hết rồi mà không hiểu sao Thầy vẫn chưa cho con được nhập môn?!

Thiền sư giữ nguyên thái độ bình thản đáp:

- Con phải rũ bỏ cái biết mình đã rũ bỏ mới thật là rũ bỏ hết!

Đúng với ý nghĩa câu: Bồ Tát không biết mình là Bồ Tát mới thật là Bồ Tát!

Bình thản hồn nhiênvô tư của không tâm trong Thiền học là như vậy đó. Nào khác gì chuyện Kosen tiên sinh chuẩn bị viết mấy chữ đại tự để sẽ cho khắc trước cổng lớn ngôi đền Oaku tại Kyoto. Tiên sinhphải viết những chữ đó lên giấy rồi tự giấy khắc vào gỗ. Một đệ tử ngồi hầu, mài mực và chăm chăm muốn được theo dõi nghệ thuật bút thiếp của thầy. Điều này làm thiền sư cảm thấy tâm trạng bất an làm sao ấy!

Lần đầu, tiên sinh vừa viết dứt, người đệ tử lắc đầu:

Thưa thầy chưa được!

Tiên sinh sử dụng bút đại tự lần nữa. Người đệ tử nói:

Thưa thầy lần này còn tệ hơn lần trước!

Tiên sinh viết lại lần nữa ... Cứ như vậy tới lần thứ sáu mươi tư thì thực là bút cùn mực cạn!

Thấy mực gần hết người đệ tử chạy vào nhà kiếm thêm. Còn lại một mình, không bị phân tâm bởi cái nhìn soi mói của kẻ ngồi bên, tiên sinh chấm bút vào nghiên, dùng chút mực ít ỏi cờn lại thảnh thơiphóng bút một lần cuối cùngVừa lúc người đệ tử trở lại, ngắm hàng chữ còn tươi nét mực và reo lên:

Thưa thầy thật là tuyệt bút!

Nào có khác chi chuyện con rết đương nhịp nhàng bò lanh lẹ qua đây qua đó, bỗng gặp con cốc tinh nghịch hỏi đùa:

- Này chị Rết, chị bò lẹ như vậy thì chân nào trước, chân nào sau nhỉ?

Thế là nàng Rết ta bị phân tâm trở thành vụng dại nằm bò lê bò càng dưới rãnh, cố nghiên cứu phân tích, tìm hiểu xem chân nào chuyển động trước, chân nào chuyện động sau ... Tội nghiệp!

Bình thản, hồn nhiênvô tư trong Thiền học là như vậy đó!

Nếu phải dịch không tâm sang Anh văn, tôi sẽ chọn danh từ Equanimity chỉ sự điềm tĩnhthanh thảnthư thái hồn nhiên trong sáng!

Tới đây chúng ta cần minh xác một điểm cuối cùng nữa để tránh ngộ nhận:

Không tâm không hề là ngoan không!

Ngoan không là cái không trống rỗng, không có gì! Trái lại không tâm trong Thiền học là không tâm, diệu hữu! Không tâm để có được thái độ phá chấpthức tỉnh hồn nhiên, do đó mới thoát mọi ngã chấpngã mạn mà bình thản tiếp nhận sáng suốt tất cả những gì xẩy đến để bình tĩnh giải quyếtbình tĩnh đối phóhữu hiệu, hợp tình, hợp lý trong hoàn cảnh đó.

Để kết thúc câu chuyện hôm nay, tôi xin được kể thêm một câu chuyện ngắn gọn nữa, nhưng không kém phần sâu sắc, đề cập tới tư tưởng Tri và Hành một đề tài thường xuyên cập nhật, sốt dẻo trong nhịp sống hàng ngày của chúng ta.

Tri và Hành

Vào thời Tetsugen, kinh Phật chỉ mới có ở Trung Hoa mà chưa hề được ấn hành tại Nhật, Tetsugen quyết định đi hết tỉnh này đến tỉnh nọ quyên tiền để chuẩn bị in kinh Phật bằng mộc bản.

Sau mười năm lặn lội vất vả đi khắp nước Nhật, Tetsugen thấy rằng số tiền quyên tương đối đã đủ. Nhưng việc cho khắc bản gỗ vừa sắp bắt dầu thì xảy ra vụ thiên tai: Nước lụt lớn, mùa màng hỏng sạch, dân chúng bị đói.

Tetsugen dùng số tiền ký cóp quyên trong mười năm qua mua gạo phát chẩn cứu dân đói.

Sau đó Tetsugen lại đi quyên nữa cho việc dự định ấn hành kinh Phật. Ít lâu sau, số tiền quyên cũng tạm đủ như lần trước. Rủi thay, lần này khắp nước Nhật bị dịch thời khí. Hàng ngàn gia đình không thể sống qua ngày được, nếu không được cứu trợ! Tetsugen lại đổ số tiền quyên được ra giúp đỡ đồng bào bị dịch thời khí.

Khi tai qua nạn khỏi xong xuôi. Tetsugen khỏi sự công việc lận đận đi quyên tiền lần thứ ba. Lần này ước nguyện của Tetsugen mới được thành tựu. Kinh Phật đã được khắc và in, Tetsugen nhắm mắt lìa đời hài lòng!

Nhưng với những người hiểu biết, họ đồng ý với nhau rằng: Kinh Phật của Tetsugen như vậy thực đã được ấn hành ba lần lận! Hai lần ấn hành trước, dưới hình thức cứu đói và cứu dịch thời khí, tuy chưa có kinh in thành chữ mà đọc, nhưng giá trị xem ra lại vượt xa bản kinh đã được thực sự ấn hành vào lần sau cùng.

Vì bản ấn hành tuy sau cùng thực hiện được đấy, nhưng nếu chỉ có vậy thì cũng chỉ là Những giòng chữ in suông trên trang sách mà thôi, đâu có thể hiện thành sự kiện cụ thể?

Tri mà không Hành hỏi ích lợi gì cho đời, ích lợi gì cho nhân quần xã hội?!

Doãn Quốc Sỹ

(Ngày Nay Minnesota số 205, ngày 15-12-1997

 


pdf_download_2
Vào Thiền Doãn Quốc Sỹ
 Doãn Quốc Sỹ


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 20178)
12/10/2016(Xem: 18124)
26/01/2020(Xem: 10629)
12/04/2018(Xem: 18873)
06/01/2020(Xem: 9588)
24/08/2018(Xem: 8425)
12/01/2023(Xem: 2734)
28/09/2016(Xem: 24084)
27/01/2015(Xem: 23249)
11/04/2023(Xem: 1985)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.