Thiền sư và tướng cướp

26/11/20173:27 CH(Xem: 5894)
Thiền sư và tướng cướp

THIỀN SƯ VÀ TƯỚNG CƯỚP
Nguyễn Xuân Chiến


LÂM VÀO TUYỆT LỘ

Mặt trời vừa khuất sau đỉnh núi xa, bóng tối dần dần bao phủ thành Phúc Châu bằng một không khí ảm đảm lạ kì.

Bốn cửa thành đã bị đóng kín tự hồi chiều. Các trạm canh được bố trí vô số lính tuần, gươm giáo sáng lòa. Thỉnh thoảng, tiếng tù và rền vang như tăng thêm sự khủng khiếp, trong cảnh tượng vốn đã căng thẳng này.

Chợ tan sớm hơn mọi hôm. Đường phố hầu như không còn một bóng người lai vãng. Trong cơn gió chớm thu hiu hiu vần vũ trên mái nhà, tiếng loa lanh lảnh nghe rõ từng câu một:

          “Quan Tổng đốc thành Phúc Châu bố cáo cùng tất cả bá tánh được rõ: Sơn tặc Ngô Mao, tên tử tội nguy hiểm, đã vượt ngục lúc ban trưa. Ai bắt được y, hoặc cắt đầu dâng nộp, sẽ được một trăm lạng bạc. Ai bày chước cho y ra khỏi thành Phúc Châu, sẽ bị tru di tam tộc. Nay bố cáo!”.

          Vào lúc này, tại tư dinh quan tổng đốc, cạnh công đường, đèn đuốc đã đốt lên tự bao giờ. Một chiếc kiệu ngừng trước cổng dinh, một người đàn bà chậm rãi bước xuống.

          - Ừ, công tử thế nào?

          Ả nữ tỳ cung kính:

          - Bẩm, công tử nhà ta đã bớt nóng sốt rất nhiều rồi ạ, hiện đang ngủ rất ngon.              

          - Phải rồi, có thế chứ!

          Đi từng bước ngắn đến dãy cuối hành lang, phu nhân vừa gỡ khăn quàng cổ vừa thong thả bước vào tẩm phòng, nói:

          - À, trưa mai lão hòa thượng Quang Phú sẽ lên đường trấn nhậm một ngôi chùa ở Bạch Cốt Sơn...

          A nữ tỳ rón rén theo sau, hỏi:

          - Thưa phu nhân, Bạch Cốt Sơn thuộc địa phương nào vậy, vừa nghe qua cái tên, đã cảm thấy rờn rợn thế nào ấy...

          Phu nhân phì cười:

          - Bạch Cốt Sơn là tên một ngọn núi sau dãy Tần Lĩnh, gần kề biên giới Tây Vực. Chẳng hiểu sao, một người già nua như lão hòa thượng Quang Phú lại tự nguyện lên đó, để đảm nhận chức trụ trì nơi một vùng đất ma thiêng nước độc. Quả thật, tâm địa của các bậc chân tu mấy ai mà hiểu cho nổi...    

          Phu nhân đến bên giường, vén màn nhìn vào. Trên giường, một cậu bé khoảng chín mười tuổi, da mặt xanh xao, đang thở nhẹ nhàng đều đặn.

          - Quả nhiên công tử hết sốt rồi.

Phu nhân tự tay tháo đôi hài ra, cúi xuống quờ chân tìm đôi dép, vừa ngẩng đầu lên bỗng thấy một bóng đen đứng sừng sững trước mặt. Bóng đen bất động và lặng câm. Một vệt dài trên vách tường lung lay trong ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu phụng. Như một hồn ma trong hang sâu thăm thẳm, như gã khổng lồ thời huyền sử xa xăm...

          Phu nhân khiếp hãi, tiếng hét tắt nghẽn trong cổ họng:

          - Ai? Ai?

          Bóng đen khua tay ra phía sau, khép lại cánh cửa, gằn giọng lạnh tanh:

          - Hừm, người ta bảo đàn bà mau quên. Nhất là một người đàn bà sống trong cảnh lầu son gác tía này!

          Phu nhân giật bắn người lùi ra sau, lắp bắp:

- Các hạ là ai?... là ai? Sao nghe giọng nói quen quen...                      
Bóng đen cười thê lương:

          - Đã gần hai mươi năm trôi qua, cô nương quên ta là phải!

          Phu nhân chập choạng bước lại án thư, run rẩy, hơi thở dập dồn:

          - Ủa, có phải... có phải Ngô đại ca đó ư?

          Người lạ ném chiếc nón rách xuống nền nhà, bước nhẹ đến bên án thư, tự tay khêu ngọn bấc đèn lên một chút. Ánh sáng lan khắp tẩm phòng.

          Đó là một đại hán cao lớn, râu quai nón lởm chởm, cặp mắt sáng như điện, trông có vẻ thiếu ngủ, nhưng không giấu được nét tinh anh tỏa ra từ làn da rám nắng tràn đầy sinh lực. Vầng trán cao rộng, chính giữa trán là bốn chữ Phúc Châu Tử Tội được khắc sâu bằng mực son đỏ. Với cái đầu trọc lóc nhẵn thín, với bộ quần áo tù nhân rách rưới, bất cứ ai nhìn sơ qua cũng nhận ra đây chính là một tên tử tội vừa vượt ngục.

          - Vâng, tại hạ là Ngô Mao, ngoại hiệu là Nhất Kiếm Đoạn Hồn, là đại ca của Yên Chi tiểu thư ngày xưa...       

          Phu nhân quỳ bệt xuống nền nhà, run run:

          - Xin đại ca thứ lỗi cho tiểu muội. Thật ra, tiểu muội không ngờ ngày nay hội ngộ nơi đây. Trời cao có mắt...

          Ngô Mao ung dung kéo chiếc ghế, ngồi xuống. Y lầu bầu:

          - Ta nghĩ rằng, hiền muội chẳng có chi thú vị bởi cuộc tao ngộ bất đắc dĩ như thế này.

          Ngần ngừ giây lát, Ngô Mao tiếp:

          - Nhưng... trong thân phận con hùm xám bị sa cơ, ta biết chắc trong thành Phúc Châu này, chỉ có dinh tổng đốc là nơi an toàn duy nhất cho phép ta ẩn náu dăm ba bữa. Và trên đời này, kẻ đủ khả năng đưa Ngô mỗ vượt thoát thành Phúc Châu chính là tổng đốc phu nhân, tức là Yên Chi tiểu thư ngày xưa...

          - Sao... hiền muội nghĩ sao?

          Yên Chi tức Tổng đốc phu nhân, gục mặt vào đôi bàn tay xinh xắn:

          - Gần tháng nay, nghe đại ca bị bắt giam trong ngục tối, tiểu muội... tiểu muội...

          Yên Chi tủi thân khóc rống lên một hồi rồi kể lể:

          - Làm sao đại ca biết được? Khi đại ca bị câu thúc trong ngục thất Phúc Châu, thì không có ngày nào tiểu muội quên khẩn cầu Bồ Tát gia hộ đại ca sớm ra khỏi lao lung. Mấy hôm rồi, đứa hài nhi của tiểu muội bị thương hàn, nóng sốt mê sảng suốt ngày, tiểu muội viện cớ này, lên chùa lễ Phật, Bồ Tát cầu an cho nó. Nhưng thật ra tiểu muội âm thầm khấn nguyện đại ca sớm thoát nguy, chóng hồi tâm trở lại, tái tạo cuộc sống lương hảo, thì... tiểu muội hân thích biết bao nhiêu.

Trưa nay nhận được tin đại ca vượt ngục tiểu muội mừng vui quá đỗi, tưởng rằng đại ca đã sãi cánh bay khỏi thành Phúc Châu rồi ngờ đâu giờ này lại hội ngộ nơi đây tiểu muội vừa mừng vừa lo...

          Ngô Mao động tâm, trầm ngâm giây lát rồi gật đầu:

          - Thật không ngờ hiền muội còn trân trọng mối giao tình ngày trước. Nhưng hiền muội có cách nào đưa ta ra khỏi thành Phúc Châu chăng? Bốn cửa thành đã khóa chặt, trên tường thành ba bốn lớp quân lính vây quanh dẫu mọc cánh cũng không thể nào bay qua nổi...

          Ta tuyệt vọng lắm rồi. Ai nào ngờ được Nhất Kiếm Đoạn Hồn Ngô Mao sẩy tay rơi vào đường cùng như thế này. Đành liều lĩnh đến cầu cứu hiền muội, may ra tìm được diệu kế nào khả dĩ giúp ta thoát nạn. Nếu không...

          Yên Chi nhìn thẳng vào khuôn mặt cố nhân:

          - Lòng dạ tiểu muội đối với đại ca ra sao thì đại ca đã rõ. nhưng phận quần thoa nhi nữ, làm sao bày mưu lập chước cứu đại ca thoát khỏi thành Phúc Châu?

          Ngô Mao gãi nhẹ chiếc đầu trọc hếu:

          - Tình thế khẩn trương lắm rồi, nhưng ta ráng ở đây một vài hôm, chờ hiền muội tìm ra phương kế giúp ta. Ngô Mao này có lẽ không còn một sinh lộ nào khác.

          Yên Chi sửng sốt trố mắt kinh hãi:

          - Đại ca định lưu trú nơi đây ngay trong tòa dinh cơ này?        
Ngô Mao cười xòa:

          - Ha ha, Yên Chi hiền muội chớ ưu lự như vậy. Ngô Mao này xuất thân là một hảo thủ phi hành đại đạo, việc ẩn náu trong dãy dinh cơ đồ sộ này, đối với ta chỉ là trò trẻ nít vặt vãnh...

          Bỗng có tiếng xôn xao ngoài hành lang, Yên Chi vội tắt đèn, hấp tấp mở cửa bước nhanh ra, trái tim đập thình thịch. Quan Tổng đốc vận bộ võ phục gọn ghẽ, theo sau là một bọn thủ hạ tay cầm đèn tay cầm đao loang loáng.

          - Phu nhân đấy ư? Thế nào, công tử nhà ta bịnh tình ra sao?

          Yên Chi gượng cười:

          - Thưa tướng công, hài nhi đã qua cơn sốt.

          - Ta sẽ phái một đội quân hộ vệ cho thêm phần an ổn.

          Phu nhân lắc đầu:

          - Không cần đâu, tiện thiếp đâu phải xông pha trận mạc, mà sai khiến thủ hạ vác gươm giáo theo hầu rầy rà...

          - Được rồi. Đêm nay ta không về, phu nhân cứ an giấc sớm nhé. Mọi việc phòng bị, canh gác cẩn mật bên trong lẫn bên ngoài. Phen này, tên sơn tặc Ngô Mao đừng hòng tẩu thoát.

          Phu nhân cúi đầu:

          - Đa tạ tướng công có lòng quan cố!

          Nàng khép nhẹ cánh cửa, bước vào nhìn khắp tẩm phòng, thì lạ lùng sao, Ngô Mao đã biến mất tự bao giờ.

          Yên Chi thắp lại ngọn đèn dầu phụng, rồi lặng lẽ ngồi bên án thư, chống tay lên cằm. Nàng hồi tưởng ngày còn niên thiếu, là một tiểu thư khuê các, gặp gỡ Ngô Mao, trang nam tử cốt cách cao ngạo và chí khí phi thường. Một cuộc tình nồng hậu, những lời hẹn thề thắm thiết, những đêm day dứt mong chờ. Thế rồi một biến cố xảy ra. Ngô Mao sau đó lên núi chiếm cứ sơn động, chiêu mộ lâu la, trở thành tên sơn tặc lừng danh suốt dải đất rộng lớn phía nam sông Dương Tử, từ Ba Thục, Hán Trung cho đến Cối Kê, Tề Tiết... đến nỗi Minh triều dăm ba phen cất quân đi dẹp vẫn không đạt được thắng lợi. Riêng nàng bị cha mẹ ép gả cho một công tử, con trai của một lão viên ngoại giàu có. Chồng nàng sau này thi đỗ Võ Trạng, làm quan dần thăng lên chức tổng đốc thành Phúc Châu.

          Từ ngày sinh hạ đứa con trai, nàng trút hết tình thươngthì giờ vào việc săn sóc đứa con duy nhất của mình, nên tâm hồn tạm lắng phiền muộn. Ngờ đâu đêm nay, nhân duyên nào đưa đẩy chàng hán tử Ngô Mao ngày xưa đến gặp lại nàng trong một tình cảnh chẳng thú vị chút nào.

Nhưng, làm thế nào để đưa Ngô Mao vượt khỏi thành Phúc Châu dày đặc quan binh?        

Hàng loạt tư tưởng rối rắm ùa đến vẫy vùng trong tâm trí, rồi lại âm thầm biến mất. Càng nghĩ ngợi mông lung, Yên Chi càng mệt mỏi bơ phờ. Nàng thở dài.                    

          Hốt nhiên, Yên Chi ngồi thẳng dậy, chắp tay lên ngực thì thào: Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát phù hộ cho Ngô đại ca sớm thoát hang hùm, mau hối cải tâm tánh, trở lại cuộc sống hiền lương, Nam mô... Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát!Nam mô...

          Một lúc sau, Yên Chi gục đầu lên án thư. Và nàng thiêm thiếp ngủ quên lúc nào không hay. Giữa nhà, ngọn đèn dầu phụng ngốn vài giọt cuối cùng rồi phụt tắt.

Dân chúng thành Phúc Châu đang trải qua  một đêm kinh hoàng. Quan quân tiếp tục tuần tra, lùng sục khắp hang cùng ngõ hẹp. Tiếng kêu la của những người dân vô tội. Xa xa có tiếng ru hờ của người mẹ, tiếng trẻ vùng vằng trong canh khuya, tiếng gươm đao khua rổn rảng, tiếng roi da vụt mạnh xuống lưng trần, tiếng thét ai oán não nuột của nạn nhân. Tất cả hòa trộn thành một khối âm thanh nhức buốt khó chịu.

          Đêm dửng dưng trôi qua. Bóng đêm không hề biết đến những nỗi thống khổ ghê rợn của kiếp người.

 

PHƯƠNG KẾ KHẢ THI

 

          Gà vừa gáy canh năm, Yên Chi chợt thức dậy, day người nhìn sang, tiểu công tử vẫn ngủ ngon, tiếng thở đều đặn. Tạ ơn Bồ-tát!

          Yên Chi gỡ tóc, rửa mặt, bước sang thư phòng. Nàng thắp nhang trước tượng Phật và bắt đầu thời kinh buổi sáng như lệ thường.

          Khi thời kinh mai vừa dứt, Yên Chi cảm thấy tâm hồn thanh thản dễ chịu, nàng bước nhẹ về tẩm phòng thì tiểu công tử đã thức giấc. Ả thị nữ Đông Mai đang dỗ dành tiểu chủ xơi bát cháo nóng. Vừa nhác thấy mẹ, cậu bé reo lên:

          - Má má, hài nhi khỏi bịnh rồi. Má má xem này, đầu và tay của hài nhi không còn nóng hực nữa!   

          - Vâng, hài nhi được khỏe, má má vui mừng quá...

          Nàng ôm chầm thằng bé vào lòng, bỗng trí óc lóe lên một ý tưởng. Nàng thở dài:

          - Ta đành phải làm như thế, may ra cứu được Ngô đại ca! Phải liều thôi, rồi mọi việc đến đấu cũng mặc. Đành phó thác tất cả cho đức Phật và Bồ-tát...

          Yên Chi hôn tới tấp trên trán thằng bé, rồi buông ra:

          - Hài nhi ráng ăn cho hết bát cháo này nhé, má má phải lên chùa tạ ơn Bồ Tát rồi sẽ về ngay về với con...

          Quay sang ả thị nữ, nàng bảo:

          - Đông Mai, mi ra ngoài khiến chúng nó sắp sẵn kiệu cáng, để ta lên chùa ngay lập tức!

          Chân trời dần dần ửng rạng.

          Chùa Báo Ân là một ngôi cổ tự nguy nga đồ sộ, được xây dựng từ đời nhà Đường niên hiệu Trinh Quán thứ chín. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, thời nào cũng có rất nhiều bậc cao tăng thạc đức xuất thân từ nơi đây, phát nguyện đi khắp bốn phương, hoằng hóa Phật Pháp độ khắp dân chúng, làm thiền môn càng thêm rạng rỡ.

          Khi Yên Chi đến cổng tam quan chuà Báo Ân thì trời đã sáng tỏ, các chú điệu đang quét sân. Chợt thấy một chiếc kiệu ngừng ngay tam quan, các điệu bỏ công việc, đứng tò mò phóng mắt nhìn. Ủa, tưởng ai xa lạ, té ra là Tổng đốc phu nhân, một nữ thí chủ quen thuộc của bản tự gần mười năm nay. Một chú điệu nhỏ chạy vào bẩm báo cho Phương Trượng trụ trì.

          Yên Chi rón rén bước từng bước nhẹ, dường như không muốn gây kinh động khung cảnh trang nghiêm này. Nàng chậm rãi nhón gót đến thẳng phòng khách, thì Từ Mẫn hòa thượng vừa xuất hiện, với khuôn mặt phương phi trong chiếc áo nhật bình thẳng nếp:

- A Di Đà Phật, chào phu nhân, có việc gì khẩn cấp chăng, khiến phu nhân giá lâm sớm sủa như vậy?

          Yên Chi chắp tay cung kính:

          - Bạch hòa thượng, nhờ ơn Bồ Tát gia hộ, đứa hài nhi đã khỏi bịnh. Nên sáng nay đệ tử thân hành khẩn cầu quý tự thiết giùm một lễ tạ...

          Hòa thượng cười hiền:

          - Chậc, tưởng chuyện gì chứ cái lễ tạ nhỏ mọn ấy thì hãy thư thả...

          Yên Chi rụt rè ngồi xuống ghế. Hòa thượng ung dung chế trà vào chén. Nàng chắp tay vái:

          - Đa tạ phương trượng! Đệ tử mạo muội lên chùa sớm còn có ý bái yết hòa thượng Quang Phú một lần cuối, luôn thể tiễn biệt Ngài và... và cũng còn chút duyên sự riêng tư muốn được chỉ giáo...

          Hòa thượng Từ Mẫn gật đầu:

          - Được. Bần tăng sẽ thỉnh hòa thượng Quang Phú ra đây cho phu nhân hội kiến. Yên Chi đứng dậy, khúm núm:

          - Bạch hòa thượng, đệ tử muốn bái kiến Ngài tại ngay tư phòng, bởi lẽ duyên sự này không tiện trình bày nơi đây!

          Hòa thượng Từ Mẫn nhíu mày:

          - Xin phu nhân cứ tự nhiên. Có lẽ hòa thượng đã hành thiền vừa xong, và đang thu xếp hành trang, kịp lên đường.

          Yên Chi cáo từ, rồi thoăn thoắt đi dọc dãy hành lang quen thuộc dẫn về phía tăng xá. Rồi dừng chân trước cánh cửa cuối cùng. Nàng gõ nhẹ, và chờ đợi.

          Từ bên trong, một giọng nói trầm trầm vọng ra:

          - A Di Đà Phật. Xin mời vào!

          Yên Chi đẩy cửa, lách vào rất nhanh và tiện tay gài chặt lại. Thiền sư Quang Phú đang ngồi kiết già trên sập gỗ, tay trái cầm xâu chuỗi hột, trước mặt là bức tượng Phật A Di Đà. Nàng phủ phục xuống đất cúi lạy. Thiền sư Quang Phú xua tay:

          - A Di Đà Phật, phu nhân có gì chỉ giáo cứ thong thả trình bày, hà cớ nào phải cử hành đại lễ như thế?

          Yên Chi lạy đủ ba lạy, đứng dậy chắp tay:

          - A Di Đà Phật, bạch sư phụ, sư phụ vẫn nhất quyết lên Bạch Cốt Sơn?                        

          Thiền sư Quang Phú cười xòa:

          - Lão nạp Quang Phú này chưa hề thay đổi ý định bao giờ...

          - Tại sao sư phụ không nhường công việc này cho một vị đại đức trẻ tuổi nào đó?

          Thiền sư lắcđầu:

          - Không ai dám tự nguyện đảm trách một công việc khó khăn như thế này. Gần ba năm trước, trên đường hành cước, ta tình cờ ghé lại Bạch Cốt sơn, một thị trấn nhỏ bé nghèo nàn bên kia dãy Tần Lĩnh, dân chúng ước chừng dăm ba ngàn nhân khẩu. Nơi đây là vùng hoang địa mới khai phá chưa bao lâu, người nông dân cực nhọc vô cùng để hái được hạt thóc. Toàn một miền rộng lớn đến thế, mà chỉ có độc nhất ngôi chùa hoang phế. Các vị bô lão và những thiện tín mộ đạo đều khẩn khoản yêu cầu ta thỉnh giúp họ một vị sư trụ trì, tình nguyện lên Bạch Cốt sơn giáo hóa, đem ánh sáng Phật Pháp đến cho dân chúng bản xứ. Nhưng ta đã lặn lội từ Bắc Kinh về Hà Nam, An Huy, Chiết Giang, cho đến Phúc Kiến, gần hết kỳ hạn mà ta lỡ hứa với họ, vẫn chưa tìm ra một tăng sĩ nào phát nguyện dấn thân vào chỗ gian nguy.     

Yên Chi ngước mắt nhìn lên khuôn mặt rắn rỏi rám nắng, vầng trán khôi vĩ, đôi mắt rực sáng dưới cặp lông mày bạc trắng, nàng trìu mến nói nho nhỏ:

          - Đệ tử ái ngại cho sư phụ quá.     

Thiền sư Quang Phú cười xòa:

          - Hành trang của sư phụ vỏn vẹn chỉ có sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật, nhưng cũng thừa sức hộ trì thân tâm trong mọi cảnh trạng nhân sinh... Ha ha, tại sao con lại ái ngại cho ta? Lẽ ra, sư phụ phải rủ lòng thương hại cho con mới phải chứ?

          Yên Chi, con chỉ hơn ta một chút tuổi trẻ, một ít tài sản, tại sao con dám xót thương cho một người xuất gia từng thấm nhuần giáo lý tối thượng Phật Đà, hằng tự trang nghiêm bằng Nam mô A Di Đà Phật? Con hãy gói kín lòng thương hại ấy lại và đem ban cho kẻ khác mới phải.

          Bỏ xâu chuỗi hột xuống mặt bàn, thiền sư hỏi:

          - Sáng nay, con đến đây tiễn biệt, còn có điều chi cầu mong ở nơi ta, phải vậy?

          Yên Chi quỳ xuống:

          - Vâng, nếu sư phụ nhất quyết đi lên Bạch Cốt sơn, thì đệ tử xin sư phụ giúp cho một việc. Việc này rất khó khăn, duy sư phụ mới... mới thực hiện nổi!

          Thiền sư bỡ ngỡ:

          - Thế à! Việc trọng yếu đến chừng nào mà phải cậy lão nạp Quang Phú mới thực hiện nổi?

          Yên Chi xúc động, giọng run run nói:

          - Vâng, thưa sư phụ, việc này... việc này... vừa khẩn yếu, vừa cực kỳ khó khăn, có thể nguy đến tánh mạng nữa. Chẳng hiểu con nên... nói cho sư phụ...

          Thiền sư chắp hai tay lại, nhìn lên bức tượng A Di Đà treo trên vách:

          - Ta chưa hề từ chối lời cầu xin của bất cứ ai. Miễn điều ấy không trái với chánh pháp. Con cứ nói thử xem!

          Yên Chi ngần ngừ giây lát, rồi ấp úng:

          - Bạch sư phụ, đệ tử có một người... bằng hữu cố cựu, của... thời niên thiếu... hiện bị vây hãm trong thành Phúc Châu này. Sư phụ đưa y ra khỏi thành được không?

          Tức khắc, thiền sư gật đầu:

- Được. Chắc chắn là được. Ta tưởng một việc chi khác, chứ việc này dung dị, giản đơn quá mà! Trưa nay, bảo y đến trước sân chùa, cùng đi với ta!      

          Yên Chi lúng túng:

          - Y... y không thể đến... Con không biết nói sao cho phải...

          Thiền sư cười nhân hậu:

          - À, ta hiểu rồi. Nếu y mắc trọng bệnh thì ta sẽ đi đến chỗ của y. Có sao đâu?

          Yên Chi xoa hai bàn tay vào nhau, lắp bắp từng tiếng lí nhí trong yết hầu:

          - Y... y...

          - Con cứ thẳng thắn nói đi, chớ e ngại. Hiện thời y ở đâu?

          Yên Chi thu hết mọi can đảm của mình, cố gắng nói một hơi dài:

          - Thưa sư phụ, hiện thời y lén lút trốn tránh tại dinh Tổng đốc và ẩn thân đâu đó trong tư thất con...

          - Dù y là một phạm nhân, ta vẫn không từ chối giúp đỡ y...

          - Y vừa vượt ngục trưa hôm qua, và đang nôn nóng thoát khỏi trùng vây của quan binh càng sớm càng tốt!

          Thiền sư Quang Phú thản nhiên sắc mặt:

          - À, ta biết rồi. Có phải y là Ngô Mao ngoại hiệu Nhất Kiếm Đoạn Hồn?

          - Chính thị. Y đúng là một tên tử tội nguy hiểm đệ nhất của triều đình, đang bị quan binh truy lùng ráo riết.

          - Chẳng hề gì! Dưới cặp mắt của nhà tu niệm thì tất cả chúng sanh đều bình đẳng, đáng được cứu giúp như nhau. Nhưng, lão nạp phải làm gì để thực hiện ý định của y?

          Yên Chi nghĩ ngợi rất lâu, thưa:

          - Sư phụ vẫn sử dụng chiếc xe ngựa cũ kỹ ấy?

          - Vâng.

          - Đệ tử bày chước thế này, xin trình bày để thỉnh thị ý kiến sư phụ.

          Nhìn sắc mặt hoan hỷ của thầy mình, Yên Chi càng thêm phấn chấn, hăng hái bộc bạch mưu kế táo bạo mà nàng vừa nghĩ ban sáng:

          - Trưa nay, trên đường đi, sư phụ ghé tạt qua tư dinh Tổng đốc. Quãng đường bên cạnh công phủ rất gồ ghề, sư phụ nên đánh xe chậm lại. Đệ tử và mấy đứa thị nữ sẽ đợi đón sư phụ ngay trước cổng dinh, cung thỉnh sư phụ vào dinh để cúng dường thực phẩm độ đường. Khi ấy, sư phụ từ chối không chịu xuống xe, tỏ ý phải đi gấp vì trời đã quá trưa. Đệ tử đành khiêng một cái túi thực phẩm rất lớn, đặt gọn phía trong thùng xe. Thật ra, trong cái túi ấy chỉ có Ngô Mao mà thôi.                     

          Thiền sư Quang Phú gật đầu:

          - Phương chước ấy kể ra cũng tạm được, nhưng phải sắp xếp thật kín đáo, an toàn, chớ gây nên những sơ suất nhỏ nhặt nào.

          Yên Chi quả quyết:

          - Đây là lần đầu tiên trong đời, đệ tử lớn mật đánh một ván bài sinh tử, dám đặt cả tánh mạng và hạnh phúc của mình lên trên chiếu bạc. Nhưng đệ tử không hề ân hận một chút nào, chỉ mong sao cho Ngô đại ca thoát nạn, còn đệ tử dẫu chết cũng chẳng lấy chi làm tiếc.

          Dù sao, đệ tử phải nỗ lực thu xếp thật cẩn mật, để có hiệu quả chắc chắn, đừng gây trở ngại cho cuộc thanh tu của sư phụ. Mong sư phụ yên tâm, đệ tử sẽ đích thân đưa tiễn ra khỏi cổng Bắc thành Phúc Châu. Với sự hiện diện của tổng đốc phu nhân, đương nhiên bọn lính canh không dám tra hỏi và làm khó dễ sư phụ đâu.

          - Ta chẳng tham tiếc tánh mạng già nua mỏng mảnh này. Nhưng đã lâu, hễ bỏ công thực hiện một việc dù lớn dù nhỏ, ta phải nỗ lực hết sức để đạt hiệu quả như ý, hầu mang lại lợi ích thiết thực cho tha nhân.

          - À, sư phụ đừng quên, khi vượt khỏi cửa Bắc môn vài chục dặm, hãy dừng xe tháo mở miệng túi ra, kẻo Ngô đại ca bị chết ngộp. Sau đó, y muốn đi đâu thì cứ mặc tình.

          - A Di Đà Phật, lão nạp này vô cùng hoan hỷ vì có dịp giúp con.

          Những giọt nước mắt bỗng lăn dài trên đôi má, Yên Chi nức nở:

          - Biết đến bao giờ, đệ tử mới gặp lại sư phụ?

          Thiền sư lại mỉm cười:

          - Con muốn gặp gỡ cái xác lão nhược này để làm gì kia chứ? Chẳng qua, nó chỉ là cái đãy da thối tha mà thôi.

          Nếu con quyết tâm hạ thủ công phu cần mẫn, bằng cách niệm Phật không gián đoạn, thì xem như luôn luôn có sư phụ bên cạnh, và chẳng hề rời xa chư Phật một khắc một giây nào. Đây là lời sách tấn tối hậu của sư phụ, con hãy ghi nhớ. Ta thương con, nhưng ta cũng còn thương xót cả chúng sanh. Thôi con ở lại, hãy hành thiền niệm Phật kiên trì, dũng mãnh, nghe con!

          Yên Chi cúi đầu:

          - Đệ tử xin bái lĩnh lời huấn hối của sư phụ!

* * *

THOÁT KHỎI TRÙNG VÂY

* * *

Như vậy, kể từ chiều qua và suốt cả đêm qua, Triệu tổng đốc trực tiếp chỉ huy bốn mươi đội quân, lục lọi hết thảy xó xỉnh của thành Phúc Châu... vẫn chưa phát hiện tung tích kỳ bí của y.

          Và, trưa nay, nơi ngả tư đường cái dẫn ra cửa Bắc, một đội lính tráng giữ nhiệm vụ tuần tra đang xét hỏi những kẻ bộ hành bỗng thấy một nhà sư ngồi trên cỗ xe ngựa, chạy chậm rãi. Một tên lính bước ra giơ tay định quát nạt như lệ thường, chợt thấy sau lưng nhà sư là chiếc kiệu lộng lẫy của Tổng đốc phu nhân cùng một một tốp cơ ngũ thân binh dưới trướng quan Tổng đốc, tên lính này bèn bảo mấy gã đồng bọn lui ra.

          Nhà sư vẫn giục ngựa phi nước kiệu, đôi mắt nhìn thẳng phía trước, đợi bọn lính gác cổng khẽ đưa ngọn giáo ra hiệu, nhà sư bèn thắng ngựa lại, im lặng. Chiếc kiệu lúc này đột nhiên vụt lên, bọn phu khiêng kiệu rảo chân chạy nhanh tới sát cổng thành, một bàn tay trắng muốt từ trong kiệu khẽ vén rèm, thò ra ngoắc gã đội trưởng lại gần.

          Phu nhân điềm tĩnh ngồi yên vị trong kiệu, đợi tên đội trưởng đến, khẽ nói mấy câu mệnh lệnh, rồi giục bọn xa phu quày kiệu trở lại. Không bao lâu, cổng thành mở toang toác.

          Bọn lính gác cổng ra hiệu, nhà sư giật nhẹ dây cương. Cỗ xe ngựa lăn bánh tức thì. Lúc này, phu nhân khiến xa phu hạ kiệu xuống bên vệ đường, hối hả bước xuống mặt đất, cúi đầu vái lạy nhà sư.

          Cứ thế, hai cánh cửa Bắc môn từ từ khép lại, con ngựa theo thói quen tung vó chạy nhanh hơn. Lão hòa thượng Quang Phú ngẩng đầu phóng mục quang về phía trước, lâu lâu đưa tay vỗ nhẹ lên mông con ngựa trung thành.

          Riêng hòa thượng Quang Phú giục ngựa chạy ngang khu chợ sầm uất nằm ngay trước cổng Bắc, qua khỏi quãng đồng trống, chiếc xe cọc cạch lăn bánh theo đại lộ dẫn đến thị trấn Tuy An, một địa điểm mà sư dự định phải ghé lại đêm nay.

          Khoảng thời gian tàn một nén nhang, chiếc xe ngựa đã ngốn một đoạn đường hơn ba chục dặm. Đến khu rừng rậm, nhìn xung quanh không một bóng người. Lác đác nghe tiếng vượn hú từ xa vọng về, nhà sư giục ngựa rẽ vào một vòm cây rậm rạp. Con ngựa dường như hiểu ý chủ nhân, thả bước chầm chậm rồi đột nhiên ngừng lại cạnh bờ cỏ xanh rì.

          Nhà sư già bước nhẹ xuống xe, xoa đầu ngựa vài cái, rồi đi ra phía sau. Trên sàn xe là một cái túi rất lớn. Sư vén ống tay áo, lần mở những mối thắt ở miệng túi.

Không bao lâu, một đại hán đầu trọc vạm vỡ, áo quần rách bươm, lồm ngồm bò ra. Y ngơ ngẩn một chốc vì bị ánh nắng trưa làm quáng mắt, rồi nhảy vụt xuống đất. Đại hán đưa cặp mắt sáng quắc hướng về nhà sư, cúi đầu cung tay thi lễ:

          - Tại hạ là Ngô Mao, xin tham kiến đại sư, đội ơn cứu mạng!

          Nhà sư gật đầu cười nhẹ:

          - Lão nạp kính chào! Xin chớ khách khí, hãy ngồi cạnh đây cho lão tăng hầu chuyện.

          Ngô Mao lùi lại ba bước, chắp hai tay, khấn đầu, nằm rạp sát đất:

          - Ơn đức này thật to lớn quả thật, tại hạ chẳng biết lấy gì đền đáp, xin đại sư nhận cho ba lạy!

          Lão hòa thượng Quang Phú vội vàng nắm vai Ngô Mao đỡ dậy, nhưng y vận nội công, cố lạy cho kỳ được. Sư đành thúc thủ, thu hai tay về cười lớn:

- A Di Đà Phật! Hãy đứng dậy cùng nhau trò chuyện, có phải hay hơn chăng? Đại trượng phu chớ nên bận tâm đến món ơn nghĩa nhỏ nhặt ấy mà chi?

          Ngô Mao ngồi chồm hổm trên bờ cỏ bên cạnh nhà sư, nhếch môi cười nhạt. Lấy gói lương khô ra, sư Quang Phú trao cho Ngô Mao một phần:

          - Lão tăng mời Ngô tráng sĩ dùng đỡ chút lương khô dằn bụng.

          Vừa nhai, Ngô Mao vừa hỏi:

          - Nghe nói đại sư lên Bạch Cốt sơn phải không ạ?

          - Vâng. Chuyến đi này, mục tiêu lão tăng là phải đến được Bạch Cốt sơn, và lưu lại đó vô thời hạn.

          - Đại sư là người tu hành, là già yếu nữa, việc gì phải lặn lội tới một nơi xa xôi như thế?

          - A Di Đà Phật, bao giờ người dân cùng khổ còn cần đến, thì lão tăng phải chịu khó xuất lực gánh vác! Vả lại, đây là một trọng trách phù hợp với hoài bão bình sinh của mình. À, còn Ngô tráng sĩ, tráng sĩ định đi đâu bây giờ?

          Ngô Mao trầm ngâm, không nói. Y ngước mắt nhìn bầu trời xanh đầy những đám mây lửng lơ trên đỉnh núi cao. Trời chớm sang thu. Gió xa thổi về lồng lộng, khiến bộ quần áo rách bươm bỗng bay phần phật và như xoáy sâu vào tâm hồn trống vắng của y những cơn nhức buốt. Y giơ đôi bàn tay thô nhám sần sùi lên ngắm nghía hồi lâu, bất giác y thở dài:

          - Thưa đại sư, thú thật hiện nay tại hạ chẳng biết đi về đâu và nên làm gì...

          Sư nói bâng quơ:

- Nhân sinh chỉ là trò hí lộng của vô thường, thú hướng đến nơi vô định, sao không sớm chọn một chốn để về?

          Ngô Mao lẩm bẩm:

          - Sơn trại đã bị thiêu hủy, các đầu mục lớp bị giết, lớp bị bắt. Bọn lâu la nửa thì đầu hàng, nửa thì chạy trốn tứ tán. Với hai bàn tay trắng, tiền không túi rỗng, tại hạ khó lòng gầy lại sự nghiệp như xưa được...

          Thiền sư Quang Phú quay lui nhìn khuôn mặt cương dũng của tên thảo khấu khét tiếng vừa vượt ngục. Trên từng vết nhăn giữa vầng trán, dưới gò má, hoặc ẩn hiện bên khóe mắt thiếu ngủ, người ta dễ dàng nhận ra những sát khí hung tàn, những tham vọng cuồng si - nhưng với nhãn lực của một người thực hành thiền định lâu năm, sư phát hiện những chứng tích của nỗi dày vò, niềm ưu uất đáng thương hại. Sư ái ngại:

- Hay là... hay là Ngô tráng sĩ cùng đi với lão tăng một đoạn đường, rồi sau đó sẽ tùy cơ liệu định?         

 

TRÊN MỘT NẺO ĐưỜNG

 

Đưa hai tay xoa cái đầu trọc hếu của mình, Ngô Mao lại thở dài:

          - Với bộ dạng như thế này…. Huống hồ...

          Thiền sư Quang Phú vớ lấy một cái bao nhỏ mà các nhà sư hành cước thường đeo trên vai, lôi ra một chiếc mũ và một con dao mỏng:

          - Ngô tráng sĩ hãy dùng lưỡi giới đao này cạo sạch mấy chòm râu trên mặt và đội cái mũ này lên đầu, trùm kín bốn chữ son kia, thì chẳng ai có thể nhận ra…

          Ngô Mao cười bẽn lẽn:

          - Thế còn bộ quần áo dơ dáy này thì ...

          Thiền sư ngắt lời:

          - Lão tăng cho tráng sĩ mượn đỡ bộ y phục tăng đồ, để khoác lên người, che mắt bọn quan nha nhất thời, về sau hãy hay...

          Vừa nói, sư vừa lôi ra một bộ tăng bào gồm một chiếc áo rộng tay và một cái quần màu vàng sậm. Ngô Mao lúng túng quỳ xuống đưa hai tay đỡ lấy nhẹ nhàng, cảm động nói:

          - Thôi, được phép của đại sư, tại hạ xin ăn mày sự sống nơi thiền môn một thời gian. Lão Phật ắt sẽ rộng lòng khoan thứ...

          Sư ân cần vỗ vai tên tướng cướp: 

- Chúng ta ngộ biến thì phải tùng quyền, tráng sĩ chớ nên câu chấp thái quá mà lỡ đại sự. Từ nay trở đi, tráng sĩ nhớ đóng vai một vị tiểu sư phụ theo hầu lão tăng vậy nhé. Tới một địa phương nào đó, tráng sĩ có thể cùng lão tăng từ biệt. À, trời đã gần chiều, chúng ta lên xe là vừa...

          Nhìn con ngựa đang gặm cỏ non bên cạnh chiếc xe gỗ cũ kỹ và còi cọc, Ngô Mao lắc đầu:

          - Thưa đại sư, con ngựa và chiếc xe này không thể chở một lúc hai người như đại sư và tại hạ nổi. Ắt tại hạ phải đánh cướp thêm một con ngựa nữa, để cỡi theo đại sư, có lẽ tiện lợi hơn.

          Thiền sư vội xua tay:

          - Không nên! Không nên! Trộm cướp giữa ban ngày là một trọng tội, phạm vào cấm giới nhà Phật. Chúng ta chớ hành động càn rỡ như thế.

          - Phật gia quả thật rắc rối, đặt ra quá nhiều luật lệ. Tại hạ xưa nay, hễ muốn thì làm, chẳng hề quản ngại thiện ác, thị phi gì cả...

          - Hôm qua, tổng đốc phu nhân biếu lão tăng mấy lạng bạc, đêm nay, ghé lại Tuy An, lão tăng sẽ tậu một con ngựa thật khỏe để tráng sĩ dùng tạm.

          Ngô Mao gật đầu, lẳng lặng dẫn ngựa và chiếc xe quay ngược ra đường lộ, rồi chui nhanh vào thùng xe. Sư Quang Phú leo lên, kéo mạnh dây cương. Con ngựa hí một tiếng dài, từ từ cất vó nhịp nhàng.

          Vào khoảng cuối giờ Dậu, khi bóng tối đổ sầm khá lâu, thì họ đến Tuy An.

          Tuy An chỉ là một hương thôn nhỏ bé, chỉ với vài trăm nóc nhà tranh bao quanh khu chợ nhỏ, dọc ngang vài đường phố buôn bán đủ thứ, đó đây rải rác vài ba tiệm ăn, vài ba tiệm thuốc bắc, vài ba khách điếm nhỏ, mà kẻ ngủ trọ phần nhiều là khách thương từ nơi xa ghé lại.

          Giờ này, phố đã lên đèn. Thiền sư như quen thuộc mọi ngõ ngách ở thị trấn này, bèn chọn một quán ăn có luôn phòng trọ.

Sau khi dắt ngựa ra phía sau nhờ bọn mã phu cho ăn cỏ, Ngô Mao bước vào quán, thấy thiền sư Quang Phú đang chuyện trò cùng lão chủ quán.

          Ngô Mao bỡ ngỡ, nhớn nhác ngó xung quanh rồi giật mình, khựng đôi chân lại, chưa biết phải nói năng như thế nào, bỗng sư Quang Phú nhanh nhảu giới thiệu:

          - Đây là đệ tử của lão tăng, pháp hiệu của y là... là...

          Lão chủ quán hả miệng cười xởi lởi:

          - Ủa. Mời ngồi, mời ngồi...

          Ngô Mao cùng lão hòa thượng Quang Phú mới ngồi vào bàn, thì một gã phổ ky bưng lên một mâm đầy ắp, với một thố cơm trắng nóng sốt, và ba món ăn chay.

          Sư nói rất nhỏ:

          - Mời tráng sĩ dùng cơm.

          Không còn giữ vẻ khách sáo như trước, Ngô Mao cầm đũa, xới cơm vào bát, nói:

          - Kính mời đại sư. Mấy ngày rồi, tại hạ chẳng biết mùi cơm là gì.

          Nói xong, y nhai lấy nhai để, ra vẻ ngon lành. Y xới cơm liên tục, gắp thức ăn lia lại, miệng ngồm ngoàm nuốt vội vàng - trong khi nhà sư chắp tay lẩm nhẩm niệm Phật một lát, rồi thủng thẳng gắp thức ăn và nhai từng miếng nhỏ.

          Ngô Mao buông đũa, đưa tay vỗ vào cái bụng no cứng của mình, thở phào:

          - Té ra cơm chay cũng ngon ra phết!

          Y rót nước trà, vói tay lấy cây tăm bỏ vào miệng, ưỡn lưng, xỉa răng chậm chậm và đăm đăm nhìn kỹ từng nét trên khuôn mặt già nua, rắn rỏi nhưng không kém phần cương nghị của nhà sư. Y gật gù:

          - Ái chà! Diện mạo của đại sư tàng ẩn nhiều quý tướng...

          Sư Quang Phú, đặt chén cơm lên bàn, hỏi:

          - Ngô tráng sĩ cũng có học bốc phệ và Ma y thần tướng à?

          Ngô Mao cười đắc ý, đáp:

          - Thưa đại sư, tại hạ thuở ấu thơ, cũng học hành dăm ba chữ, nhưng ít đọc sách. Nhưng trải qua hơn hai chục năm lăn lộn trong giới giang hồ, tại hạ cũng thu thập nhiều kinh nghiệm nên có thể nhìn qua tướng mạoước đoán được tính tình, năng lực và hậu vận của người khác.

          - À, ra thế. Tráng sĩ thử đoán xem lão tăng là người thế nào?

          Ngô Mao lúng túng:

          - Tại hạ vô cùng ngạc nhiên khi thấy một người như đại sư mà lại... xuất gia đầu Phật!

          Sư buông đũa, hỏi:

          - Sao? Tráng sĩ phát hiện những gì trên khuôn mặt lão tăng, mà lại có ý tưởng kỳ dị như thế?

          - Thưa đại sư, qua diện mạo, giọng nói và nhân dạng của đại dư tại hạ dám quả quyết rằng: Đại sư bẩm sinh là một nhân vật thông tuệ phi thường, tài năng xuất chúng, và đức tự tín vô bờ.

          Vào thời niên thiếu, nếu đại sư chịu khó vác lều chõng vào trường thi, thì chắc chắn cướp được khôi nguyên. Nếu chen chân bước vào hoạn lộ, ắt được liệt vào hạng nhất phẩm nhị phẩm của bản triều. Còn nếu gia nhập giới giang hồ, thì đại sư phải là một cao thủ tuyệt đỉnh, có thể làm chưởng môn nhân của một phái.

          Sư Quang Phú tỏ vẻ thú vị về nhận định bất ngờ của người bạn đồng hành bất đắc dĩ:

          - Tráng sĩ cứ nói nữa đi ...

          - Vậy thì, tại hạ xin hỏi đại sư một câu: Tại sao đại sư bỏ phí cuộc nhân sinh xán lạn của mình, tự nguyện cạo đầu xuất gia làm một ông thầy chùa tầm thường như thế này?

          Sư cẩn thận dẹp chồng bát đĩa qua một bên, chăm chú nhìn Ngô Mao rất lâu, rồi thong thả nói:

          - Tại sao ư? Tại sao lão tăng không làm trạng nguyên, tể tướng, thủ lãnh... mà lại trở thành một vị tỳ-kheo ư? Điều này khó giải thích quá?

          - Hừm, đại sư phải trình bày minh bạch, để tại hạ hiểu rõ nguyên cớ xuất gia của đại sư.

          - Lão tăng chẳng biết nói năng làm sao để tráng sĩ thấu hiểu tâm tình của mình. Đại để, lão tăng xuất gia theo Phật là một việc tự nhiên, chẳng có nguyên lai gì cả. Cũng tựa như tráng sĩ sinh ra để trở thành một trang hảo hán!

          Ngô Mao lắc đầu cười nhạt:

- Tại hạ không chấp nhận lối giải thích tránh né đó. Thiết nghĩ, trần gian này sẵn đủ biết bao khoái lạc, như cưỡi ngựa, múa kiếm, ăn ngon, mặc đẹp, tiền rừng bạc bể, rượu hảo hạng, gái đương xuân... có ai dại dột chối từ những thú vui kỳ tuyệt, vô cùng hấp dẫn ấy! Thế thì tại sao đại sư dám phủi bỏ tất cả, để trở thành một lão thầy chùa, bốn mùa khoác áo vải, ngày hai bữa cơm rau dưa. Rồi nào là phải giữ cấm giới, gõ mõ tụng kinh… chẳng có chi thú vị. Tại sao? Đại sư phải trần thuật thật khúc chiết, minh bạch, thì tại hạ mới hài lòng.

         

          THIỀN SƯ LUẬN ĐẠO KHÊU CHƠN TÁNH

 

im lặng.

          Dường như sư muốn nói một điều gì đó, nhưng chưa tìm ra ngôn từ cụ thể, dễ hiểu để trần thuật thật rõ ràng cho một tên thảo khấu suốt đời chưa hề cầm lấy một cuốn sách, hoặc một cuốn kinh Phật. Đưa tách trà lên môi, sư nhấm từng ngụm nhỏ, thì thầm niệm Phật. Ngô Mao nóng nảy:

          - Đại sư! Đại sư nói đi…

          Sư cứ từ từ nhấp cạn tách trà, cười dịu dàng:

          - Vâng. Lão tăng sở dĩ cạo đầu xuất gia, rũ bỏ tất cả lạc thú thế gian, thực hiện nếp sống giới hạnh, chẳng qua... chẳng qua lão tăng cảm mộ nhân cách kỳ vĩ, tuyệt thế của một người...

          Ngô Mao ngơ ngẩn:

          - Ai? Kẻ nào có một nhân cách cao cả, xuất chúng đến nỗi đại sư cam chịu nếp sống cô liêu, tĩnh mịch như thế này?              

          Sư cười khoái trá, đưa ngón tay cái lên cao.

          - Đức Phật!

          Ngô Mao ngỡ ngàng:

          - Lão Phật ấy à? Có phải lão Phật Thích Ca không? Thưa đại sư?

          - Chính thị! Chỉ có Đức Phật Thích Ca mà thôi, chứ không thể một ai khác.

          - Thật vậy à?

          - Không sai! Vì cảm mộ nhân cách vĩ đại của Ngài, vì thấm nhuần lời dạy trác tuyệt của Ngài, mà lão tăng phải từ bỏ hết thảy lạc thú, trần lụy, noi theo Ngài, thực hiện sinh hoạt giải thoát, hướng đến ánh sáng giác ngộ, rắc rải lẽ đạo cho muôn người.

          Ngô Mao nhún vai, tỏ ý bất bình:

          - Theo chỗ tại hạ được biết, lão Phật chẳng có chi thú vị, chẳng có chi đáng cho tại hạ  khâm phục!

          Thiền sư Quang Phú nhẫn nại mỉm cười rồi nói ôn tồn hòa nhã:

          - Có lẽ tráng sĩ chưa hiểu rõ lai lịch của đức Phật, nên mới phẩm bình như vậy.

Ngô Mao gật đầu hoài nghi:

          - Được. Xin đại sư cho phép tại hạ thỉnh giáo đôi chút, về lai lịch của lão Phật ấy, nên chăng?

          - A Di Đà Phật! Xin tráng sĩ tùy tiện, chẳng việc gì phải e ngại cả.

          Ngô Mao tằng hắng mấy cái, rồi dõng dạc:

          - Lão Phật có phải là một hảo hán không?

          Sư gật đầu:

          - Chính thị! Đức Phật Thích Ca vốn là một hảo hán. Ngài xuất thân là một tướng sĩ thuộc dòng tướng Sát-đế-lợi tại Thiên Trúc, làu thông binh pháp, võ nghệ cao cường, cưỡi ngựa rất thành thạo, bắn cung bách phát bách trúng, sử dụng hoàn hảo mười tám thứ binh khí…

          Dường như chưa hài lòng, Ngô Mao hỏi:

          - Lão Phật có phải là một hào kiệt không?

          - Chính thị! Đức Phật Thích Ca quả là một đại anh hùng, đại hào kiệt, là một bậc kỳ tài đệ nhất. Chưa một ai đấu ngang sức với Ngài, về phương diện võ thuật cũng như sức mạnh vô song của Ngài đã khiến cho tất cả địch thủ đều ngưỡng mộ và thán phục.

          Ngô Mao cảm thấy lão Phật là một anh hùng hảo hán có nhiều điểm tương đồng với hành trạng của mình, nhưng y vẫn bướng bỉnh căn vặn:

          - Nếu thế, lão Phật quả là một hảo thủ có tuyệt nghệ võ công phi phàm, và nội công đáng kể. Vì xuất thân võ tướng, chắc hẳn lão Phật không bao giờ để tâm đến chữ nghĩa, sách vở, thi phú, đúng không đại sư?

          Sư Quang Phú lắc đầu:

          - Không. Năm Ngài lên bảy tuổi, phụ hoàng thỉnh năm trăm vị Bà La Môn tài đức, vào hoàng cung để dạy Thái tử về các món thiên văn, địa lý, toán số, kỹ thuật, nghị luận, văn học, binh pháp... Trí thông minh của Ngài rất phi thường, không ai sánh kịp. Học chẳng bao lâu, mà Ngài đã thấu triệt mọi ngành. Các thầy dạy của Ngài lần lần đều thấy sự học vấn của mình có hạn, mà chỗ hiểu biết của Thái tử lại sâu rộng vô cùng. Rốt cuộc, các ông vừa tự thẹn, vừa khen ngợi bái phục, trở lại tôn xưng Ngài là bậc thầy.

          Hơn thế nữa, cái hiểu biết của Đức Phật thật vô lượng vô biên, không thể lấy cái gì để đo lường nổi. Đã hơn hai ngàn năm trôi qua, cái hiểu biết của Ngài vẫn còn đầy đủ năng lực khiến cho bao người mê muội như lão tăng này, chỉ nhờ nương tựa một phần ngàn vào cái hiểu biết của Ngài mà thoát được khổ đau của kiếp nhân sinh, rồi đạt được hạnh phúc chân thật lâu dài...

          Ngô Mao nhấc tách trà nốc ừng ực một hơi khoái trá, hỏi:

          - Nếu đúng như lời đại sư vừa kể, thì lão Phật quả nhiên là một nhân vật lợi hại, một cao thủ đáng cho tại hạ dập đầu bái phục! Hay lắm! Nhưng vốn là bậc võ nghệ siêu quần, văn chương trác tuyệt, kiến thức thâm viễn, tại sao lão Phật không làm thủ lãnh quần hào, hay là chưởng môn nhân của môn phái?

          Thiền sư Quang Phú cười xòa:

          - Ha ha, trên trần gian này có vị thủ lãnh đại ca nào có thể sánh kịp Đức Phật? Có vị chưởng môn nhân nào có thể ngang hàng Đức Phật? Tại sao?

          Xưa kia, đức Phật là vị thái tử độc nhất của vua Tịnh Phạn, sẵn sàng kế vị phụ hoàng. Dưới bàn tay Ngài, là hằng trăm đại tướng, hằng vạn binh lính. Quyền lực của Ngài trải rộng của một quốc gia hùng mạnh nhất Bắc Thiên Trúc vào thời ấy. Nếu không xuất gia, thì Ngài sẽ trở nên một vị Chuyển Luân Thánh Vương cai trị bốn châu thiên hạ, uy đức đầy đủ, bảy báu dư thừa. Trên cõi đất này, có ai dám sánh kịp Ngài về phương diện quyền lực và sang giàu?

          Ngô Mao nở một nụ cười hòa hoãn:

          - Chà. Lão quả nhiên là một bậc đế vương cao sang và quyền quý, như vậy, ông ta nếu không biết hưởng thụ mọi lạc thú trần gian, thì quá uổng phí...

          - Đúng thế. Đức Phật lúc còn là một thái tử, ngài đã từng hưởng thụ mọi lạc thú trần gian. Ngài có vợ chánh, là công nương Gia Du Đà La, ngoài ra, còn có hàng ngàn cung tần mỹ nữ, rượu hảo hạng chứa đầy kho, yến tiệc linh đình cả đêm ngày, hội hè ca múa không ngớt. Ngài lập gia đình khi mười sáu tuổi, trong mười ba năm sau ngày hôn lễ, Ngài hoàn toàn sống cuộc đời vương giả, không hay không biết đến những nỗi thống khổ của nhân loại bên ngoài ngưỡng cửa của cung điện.

          Đời sống của Ngài thật tế nhị, vô cùng tinh vi, sang trọng. Trong hoàng cung, chỗ Ngài ở, phụ hoàng sai đào ao xây những đầm sen. Khi sen xanh đua nhau khoe màu ở đây, thì sen đỏ vươn mình phô sắc phía bên kia, và trong đầm bên cạnh, sen trắng đua nhau tranh đẹp dưới ánh nắng ban mai.                   

Trầm hương của Ngài dùng đều là loại hảo hạng từ xứ Kasi đưa về. Khăn và xiêm áo cũng may toàn bằng hàng lụa bậc nhất từ Kasi chở đến. Ngày cũng như đêm, mỗi khi Ngài bước chân ra khỏi cung điện đều có tàng lọng che sương đỡ nắng. Phụ hoàng cũng kiến tạo riêng cho Ngài ba tòa cung điện, một để ở mùa lạnh, một để ở mùa nắng, và một để ở mùa mưa. Trong suốt bốn tháng mưa hàng năm, Ngài lưu lại tại một biệt điện đầy đủ tiện nghi, giữa những cung tần phi nữ trẻ măng và xinh đẹp, tiếng hát và giọng cười không bao giờ dứt giữa những vũ khúc hấp dẫn độc đáo...

          Ngô Mao gật gù, như bị lôi cuốn theo giọng nói hùng hồn. Y đứng dậy, đưa ngón tay cái lên:

          - Ngô Mao này, xưa nay chỉ tâm phục những nhân vật cốt cách phi thường như Lão Phật vậy. Quả nhiên, Lão Phật bắt đầu chiếm được đôi chút cảm tình của tại hạ rồi. Thế thì dưới trướng của Lão Phật, bọn thủ hạ có đông lắm không?

          Thiền sư Quang Phú phì cười, nhưng cố nén lại trước câu hỏi ngờ nghệch này. Sư ôn tồn nói:

          - Ồ! Đức Phật không có thủ hạ, mà chỉ có những người đệ tử. Đệ tử của đức Phật thì đông lắm, làm sao kể xiết!

          Này nhé, đệ tử của Ngài gồm có: một ngàn hai trăm năm mươi ba vị trưởng lão chứng quả A-la-hán, chư vị Bồ-tát theo hầu thì vô số, các vị tì kheo chứng bốn thánh quả khác thì đông không thể tính đếm được.

          Với một bình bát, ba chiếc y màu vàng, đức Phật cùng chư vị đệ tử đi khắp các quốc gia, thuyết pháp giáo hóa biết bao nhiêu người.

          Ngô tráng sĩ đã từng bôn tẩu giang hồ, dọc ngang dải đất phía nam Trung nguyên, nhưng so sánh với Đức Phật, thì vẫn chưa đáng kể gì. Thật vậy, dưới ánh nắng cực độ của miền nhiệt đới, ngài rảo khắp mọi nơi, và Ngài tiếp xúc với đủ hạng người. Ngài đã từng tham dự những yến tiệc linh đình do các bậc vua chúa cúng dường, nhưng Ngài cũng thường chia xẻ những bữa cơm tồi tàn của những người nghèo nàn rách rưới, những kẻ cùng đinh trong xã hội, bị bỏ rơi và khinh rẻ.

          Từ một gã thợ cạo ít học, cho đến một vị đại đế thống lãnh chư hầu, từ một ả giang hồ cho đến một vị công nương lầu son gác tía, từ một tên sát nhân hung bạo cho đến một ông hoàng bà chúa cao sang, từ một gã hạ tiện gánh phân mướn cho đến một vương tôn trong thân tộc - tất cả đều được Ngài giáo hóa, bằng chánh pháp tối thượng mà Ngài chứng ngộ dưới gốc cây bồ đề.

Mặc dù sinh trưởng trong một gia tộc cực kỳ quyền quý, nắm trong tay vương vị cao sang tột cùng, nhưng đức Phật đã từ bỏ tất cả. Cạo đầu, khoác bộ y vàng bằng vải thô, đi lang thang khắp các hang cùng ngõ hẹp để ban bố hương vị giải thoát và ánh sáng tâm linh. Không ngại sương gió, chẳng quản khó nhọc, chẳng nệ sang hèn. Như vậy, Đức Phật có phải là một nhân vật giang hồ vĩ đại nhất, kỳ lạ nhất đầy trí tuệ nhất trần gian?

          Điều đáng kể nhất, là trong mỗi bước chân giang hồ của Đức Phật, đều đem lại nguồn sống và niềm hạnh phúc chân thật cho hết thảy chúng sinh. Một kẻ giang hồ của võ lâm Trung Nguyên thì đi đến đâu, gieo rắc máu, nước mắt và sự khủng khiếp cho kẻ khác. Riêng đức Phật, sự nghiệp giang hồ của Ngài là gieo rắc sự giác ngộ tâm linh, cuối cùng là làm cho mọi người an lạc, giải thoát khổ đau, xa lìa mê chấp, trừ tận não phiền, chỉ bày tri kiến tối thượng để ai nấy đều thành Phật như Ngài.

          Ngô Mao vỗ tay, hét lớn:

          - Ha ha, quả thật Lão Phật là một hảo thủ giang hồ chân chính, có sự nghiệp phi thường, xuất chúng. Bái phục! Bái phục! Nhưng tại hạ còn vài điểm thắc mắc, chưa thỏa dạ. Vì sao Đức Phật không chịu an hưởng phú quý vinh hoa đầy khoái lạc, mà lại cạo đầu xuất gia làm chi, cho thêm phần cực nhọc, rồi lại rủ rê những kẻ khờ dại như đại sư xuất gia theo, thật là hỏng bét?

          Sư Quang Phú đáp ngay:

          - Điều này dễ hiểu quá mà! Nhưng trước khi giải đáp những vấn nạn ấy, cho phép lão tăng hỏi tráng sĩ vài câu nhé?

          - Ngô tráng sĩ đã từng nếm trải sự đời, xin cho lão tăng ngu muội này biết điều gì xảy ra sau cuộc truy hoan thâu đêm suốt sáng?

          Ngô Mao luống cuống, xoa hai bàn tay thô nhám vào nhau, lắp bắp:

          - Thưa đại sư, sau cuộc truy hoan là nỗi chán chường mỏi mệt, thể xác rã rời tâm tư phờ phạc. Thật chẳng có chi vui thú cả!

          - Sau một bữa yến tiệc linh đình, rượu thịt no say, thì điều gì xảy ra?

          - Ờ, ờ... sau một bữa rượu rôm rả, chè chén túy lúy, thì ai nấy nôn thốc ói mửa, hoặc đầy bụng khó chịu, tâm trí bất thần dã dượi. Thật chẳng có chi vui thú cả...

          Sư Quang Phú tiếp lời:

          - Và sau những dạ hội, ca vũ tưng bừng, nhạc tấu réo rắt, giọng hát mê ly gợi dục gợi tình, sẽ là những nỗi sầu muộn nặng nề, những chán chường day dứt, có gì vui thú chăng?

          - Thật chẳng có chi vui thú cả...

          - Thì đức Phật cũng thế. Lúc Ngài còn là thái tử, sống trong nhung lụa mà Ngài nhận định được đời là phiền não. Trong niềm vui vẫn dấu kín mầm mống khổ đau. Trong cơn say sưa rượu nồng dê béo, vẫn ẩn tàng lưỡi dao sầu muộn. Trong cơn đùa reo theo tiếng nhạc lời ca điệu múa, vẫn sắp sẵn trái đắng âu lo. Đời sống của con người đầy rẫy những khổ đau, chồng chất khổ đau, và khổ đau dày xéo lên đau khổ.

          Đức Phật xác nhận kiếp người toàn là khổ đau: khổ vì được sinh ra, khổ vì sự sống phải vật lộn tranh giành chém giết lẩn nhau, khổ trong lúc tuổi già, khổ vì cơn đau yếu bệnh tật, khổ vì trong lúc chết thân xác bị hành hạ đau đớn ê chề, khổ vì gần gũi kẻ oán thù, xa cách người thân, khổ vì mong cầu không toại ý...

Ngài bảo: “Đời sống tại gia rất tù túng chật hẹp, là chỗ ẩn náu của bụi trần dơ bẩn, những đời sống của bậc xuất gia, quả thật là cảnh trời mênh mông bát ngát...” và sau đó Ngài từ bỏ ngai vàng, vợ đẹp con thơ và bỏ cả giang sơn gấm vóc để vào rừng cạo đầu, xuất gia tìm đạo Giải ThoátGiác Ngộ cho tất cả chúng sinh.

          Ngô Mao bất động trên ghế, lắng tai nghe rõ từng lời từng câu, trong khi đôi mắt như nhìn về phía xa xăm. Y muốn nói một điều gì đó, nhưng thiền sư dường như thấu hiểu ý định của y, sư khoác nhẹ bàn tay:

          - Khuya quá rồi, chúng ta nên đi nghỉ.  

Ngô Mao giật mình, ra khỏi cơn trầm tư :

          - Vâng, thưa đại sư!

          Người hầu phòng bưng cây đèn, dẫn hai người leo lên căn gác gỗ, bước vào một cái phòng nhỏ, sắp sẵn mùng màn. Ngô Mao ngã lưng xuống giường, đánh liền một giấc say sưa, tiếng ngáy khò khò vang  đều  trong đêm lặng. Ở giường bên kia, nhà sư thay áo ngoài vắt lên ghế, thong thả xếp chéo hai chân lên nhau, tay trái cầm xâu chuỗi dài, bắt đầu niệm PhậtNam mô A di đà Phật…

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
16/03/2019(Xem: 6926)
02/07/2023(Xem: 2315)
23/03/2019(Xem: 9308)
05/03/2017(Xem: 6365)
13/01/2019(Xem: 6282)
30/10/2021(Xem: 3073)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.