Chú Tiểu Tập Truyện Ngắn

28/05/20184:13 SA(Xem: 14213)
Chú Tiểu Tập Truyện Ngắn

Thích Trung Hữu
CHÚ TIỂU
Tập Truyện Ngắn 
Nhà Xuất Bản Phương Đông

 Tập Truyện Ngắn Chú Tiểu


LỜI NÓI ĐẦU

Con người ta, ai cũng có một thời để nhớ. Nhưng nhớ nhất có lẽ là cái lứa tuổi ngây thơ, hồn nhiên của thời thơ ấu. Cái lứa tuổi mà hãy còn nhìn đời bằng đôi mắt trong veo. Cuộc sống với bao điều mới lạ, tinh khôi, với những bài học vỡ lòng về cuộc sống, những trò chơi không thể nào quên, những kỷ niệm có thể theo ta suốt cuộc đời.

Thế còn tuổi thơ của các chú tiểu ở trong chùa thì sao? Có người nghĩ rằng các chú tiểu trong chùa thật tội nghiệp. Họ không biết tuổi thơ là gì, mà chỉ có sáng kệ chiều kinh, không có gì là vui, là đáng nhớ hết. Thật ra thì không hẳn là như vậy! Tất cả tuổi thơ đều ngây thơ và hồn nhiên như nhau. Như con cá dưới nước có niềm vui riêng, con chim trên cành có niềm vui riêng. Tuy không giống nhau nhưng đều vui, đều có ý nghĩa, và đều có những điều để thương để nhớ. Cũng như Trung Hữu đây, những năm làm Điệu dưới mái chùa Sắc Tứ Linh Thứu thân thương, là thời gian không thể nào quên. Làm sao quên được những lần cắt lúa đêm trăng, tráng bánh tráng chuẩn bị năm mới hay cả đám huynh đệ quây quần bên nội để nghe kể chuyện.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, phạm vi vui chơi của các chú tiểu trong chùa có phần hạn chế hơn so với các những đứa trẻ khác ngoài thế gian. Có những món ăn hay trò chơi mà các tiểu không thể tham gia. Điều này làm cho tôi cảm thấy thương các em nhiều hơn, và muốn làm cái gì đó để bù đắp cho các em những mất mát tuổi thơ này.

Hơn nữa, Trung Hữu cũng thấy rằng những người xuất gia từ nhỏ, ngoài một tâm hồn trong trắng chưa nhiểm bụi đời ra, các em còn gắn bó với Phật pháp một cách tự nhiên và sâu đậm hơn là những người xuất gia khi đã trưởng thành. Các em yêu nếp sống Thiền môn và có trách nhiệm đối với vận mệnh Phật pháp. Và có thể nói rằng, hầu hết những người xuất gia từ nhỏ đều là những người làm nên đạo nghiệp, trở thành thành rường cột của Phật pháp trong tương lai. Cho nên đối với các chú tiểu ở chùa, chúng ta vừa thương yêu, vừa ngưỡng mộ, tôn kính.

Một vấn đề nữa là, nói đến các chú tiểu, ta không thể không nói đến các vị thầy, những người trực tiếp nuôi dạy các điệu của chúng ta. Tục ngữ Việt Nam có câu “Không thầy đố mầy làm nên” để nói lên vai trò quan trọng của người thầy trong việc giáo dục đào tạo thế hệ tương lai. Đối với đạo pháp, điểu đó càng quan trọng hơn. Bởi vì người thầy không chỉ là người truyền trao kiến thức, mà con kiêm luôn vai trò của người cha, người mẹ. Thầy được gọi là Sư phụ (thầy và cha); còn trò thì được gọi là Đệ tử (trò và con). Cho nên mối quan hệ của thầy và đệ tử trong đạo pháp là mối quan hệ hết sức đặc biệt. Và thật tế cho thấy rằng, tình cảm và mối quan hệ thầy trò quyết định sự thành công và tương lai của người đệ tử. Nếu người đệ tử gặp được minh sư thì phước vô cùng, chúng sẽ hạnh phúc và nên người; ngược lại, nếu vị thầy có được những đệ tử ngoan hiền và có thể “thừa tự pháp” của thầy thì còn gì cho bằng. Và trong mối quan hệ thầy trò này, tôi cho rằng người thầy giữ vai trò quan trọng hơn, vì chủ động hơn. Nếu người thầy thương đệ tử như con và nuôi dạy một cách có trách nhiệm thì chắc đệ tử không nở phụ công laotình thương của thầy.

Trên tinh thần đó, bằng cảm nhận của bản thân mình, cũng như những câu chuyện của huynh đệ khác, Trung Hữu đã viết một số truyện ngắn về cái “tuổi mười ba đuổi bướm bắt chim” của các chú tiểu cũng như mối quan hệ thiêng liêng giữa thầy và trò. Trước là để ghi lại những kỷ niệm dễ thương và đáng nhớ của một thời làm điệu của bản thân; sau là cũng để chia sẻ tâm tư, tình cảm cũng như quan điểm của mình với quý thầy cô và các độc giả nhí đang ngoan ngoãn tu học dưới những mái chùa yên ả.  Những bài viết này đã được đăng trên các tạp chí hay website Phật giáo. Nay Trung Hữu gom lại in thành sách để đem tặng các em như một món quà tinh thần nho nhỏ. Mong rằng các em sẽ vui khi đọc tác phẩm này, và càng tinh tấn hơn trong tu học.

Tác phẩm này gồm có bảy truyện ngắn. Tất cả đều mang hình bóng và tâm hồn tuổi thơ. Ngoài ra Trung Hữu thấy trên tuần báo Giác Ngộ có đăng một bài nhận xét của một độc giả bút danh là Tiểu Ni về những truyện ngắn của Trung Hữu. Đó là bài “Đọc lão răng vàng – nghĩa về người xuất gia hôm nay”. Trung Hữu thấy bài viết có ý nghĩa nên cũng xin được đưa vào làm lời kết cho tập truyện.

Trong tác phẩm này, Trung Hữu đã lấy một số hình ảnh trên internet để minh họa cho nội của tập sách. Vì đây không phải là sách in ra để bán, thiết nghĩ các tác giả (của các bức ảnh) không đến nỗi hẹp hòi mà không cho. Xin chân thành cảm ơn quý vị. Và trước khi dứt lời, Trung Hữu cũng xin cảm niệm công đức những Phật tử đã tài trợ kinh phí để xuất bản tập sách này. Nguyện cầu Chánh pháp trường tồn, Tăng Già hòa hợp, và nhất là các chú tiểu luôn luôn an vui tu họcthành tựu đạo nghiệp trên con đường giác ngộ, giải thoáthoằng dương Chánh pháp.                                                                                      

Mùa Hạ 2017     
Thích Trung Hữu

Đọc thêm:
Thiên Thần Quét Lá - Vĩnh Hảo

 





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/07/2015(Xem: 7586)
27/07/2016(Xem: 6536)
03/09/2016(Xem: 5953)
11/03/2015(Xem: 10026)
21/07/2022(Xem: 2197)
22/01/2019(Xem: 16275)
27/10/2021(Xem: 2336)
30/07/2014(Xem: 12020)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.