Tôi Chỉ Nghe Âm Thanh Cứu Độ Nam Mô A Di Đà Phật…

03/07/20182:37 SA(Xem: 5922)
Tôi Chỉ Nghe Âm Thanh Cứu Độ Nam Mô A Di Đà Phật…
BÚT KÝ…

TÔI CHỈ NGHE ÂM THANH CỨU ĐỘ NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT…
Nguyễn Xuân Chiến

TUỔI THƠ NHƯ MỌI NGƯỜI

 

Ngay từ dạo là đứa bé chập chững nói tiếng Mạ Ơi chưa tròn, tôi đã thích dầm mình trong tiếng ru của mạ và ưa thích hát ca, hò vè, các làn điệu dân tộc. Hình như các đứa trẻ dân Huế (và cả những đứa bé Việt Nam) đều như vậy.  Tôi tự nhiên thuộc lòng những câu ca dao do mạ đọc hàng đêm khi dỗ tôi ngủ. Có đôi lần chẳng hiểu lý do nào, Mạ càng hát ca, hoặc ngâm nga thì tôi… vẫn tỉnh rụi, không có chịu vào giấc ngủ để mạ đi mần công chuyện khác. Mạ tức quá, đánh vào mông tôi mấy cái đau điếng: “Tổ cha cái thằng ni, không chịu ngủ cho rồi!”.

Rứa là mạ bỏ đi. Tôi nằm một chắc một mình và lẩm nhẩm học thuộc những câu mạ vừa hát ru.

Lớn lên dần theo năm tháng, tôi đi học và ngọ nguậy viết những lời ru, lời hát thành những bài vào trên những tờ giấy rời đem khoe cùng bầy trẻ hàng xóm. Rồi khi bắt đầu trưởng thành tôi cũng biết mê gái và viết các bài thơ, bài hát đóng thành từng tập vở trắng bóc, trịnh trọng như các tín đồ chép kinh!

Những ngày mê mải với công danh, sự nghiệp, đủ thứ hằm-bà-lằng trên đời này, tôi chỉ biết làm bạn cùng thơ văn và âm nhạc, thực ra chỉ là nghiền ngẫm những ca khúc đương thời đang ầm ĩ trên thị trường. Từ ca khúc Trịnh Công Sơn cho đến bài hát theo giai điệu bolero tình tứ, lãng mạn, ủy mị khiến đắm say biết bao người trong đó có tôi.

Khi thất nghiệp – tôi lại ngồi chồm hổm trên nền gạch, bên cạnh thằng Ân, thằng Chính, thằng Tâm An và cả bầy chen nhau chui vào các ca khúc trữ tình, các bài hát viết theo thể điệu bolero vân vân… để đỡ rầu máu!

BƯỚC VÀO NGHIÊN CỨU KINH SÁCH

Sau khi lên Đà Lạt và thay đổi giấy tờ tùy thân để trốn lính, (không hiểu tại sao) tôi mon men vào cửa Phật bằng mọi ngõ ngách mà mình có được. Mà các bạn biết rồi đó, cửa Phật vốn là một cánh cửa rộng thênh thang, dường như là Cánh cửa Vô Môn. Không có kẻ canh gác và xét giấy tờ chi cả!

Bước đầu là đọc sách. Sách gì? Tất cả mọi cuốn sách nào có chữ Phật và những từ ngữ liên hệ Phật giáo là mượn về và thức đêm cắm đầu cắm cổ vào từng trang mà đọc liên miên. Dĩ nhiên trong số sách ấy phải có tác phẩm và dịch phẩm của Phạm Công Thiện là gây cho chúng tôi những ấn tượng sâu sắc nhất. Dù là lời nói (bao gồm tư tưởng) của Phạm Công Thiện, hay là do ông trích dẫn từ nhiều nguồn khác nhau – tất cả đều đem lại cho chúng tôi những rung cảm tuyệt vời.

Chúng tôi đã đọc hàng chục lần những đoạn văn do Henry Miller viết và do Phạm tiên sinh dịch đại loại như:

Máy bay gieo sự chết, máy phát thanh gieo sự chết, súng máy gieo sự chết, đồ hộp gieo sự chết, trường học gieo sự chết, những luật pháp gieo sự chết, bộ ống thông hơi gieo sự chết, hình ảnh gieo sự chết, dao nĩa gieo sự chết, chính hơi thở của ta gieo sự chết, chính ngôn ngữ của ta, chính tư tưởng của ta, tiền của ta, tình yêu ta, lòng bác ái của ta, sự vệ sinh của ta, niềm vui của ta. Có hề gì đâu nếu ta là bạn hay là thù, có hề gì đâu nếu gọi ta là Nhật, Thổ, Nga, Pháp, Anh, Đức hay Mỹ, mỗi khi ta đi đâu, nơi nào mà in bóng, nơi nào ta thở thì ta đem đến thuốc độc và sự huỷ hoại… Hoan hô văn minh; hoan hô! Chúng tôi sẽ giết chết tất cả các anh, tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi, ở khắp hoàn cầu. Hoan hô thần Chết! Hoan hô! 

Và một đoạn này nữa trích dẫn từ kinh Phật nguyên thủy (Nikaya) như là những đoạn dưới đây:

“Và đây hỡi các ngươi, đây là sự thực huyền diệu thứ nhất, đây là đệ nhất thánh đế; thánh đế về sự đau khổ”. (Kinh Mahàvagga) 
“Làm sao mà ta có thể vui được, làm sao mà ta có thể đắm chìm trong lạc thú được? Những ngọn lửa đốt cháy thiên thu. Bóng tối vây phủ, ta không muốn tìm ánh sáng sao?” (Kinh Dhammapada, tr. 146) 
”Toàn thế giới bốc lửa ngùn ngụt, toàn thế giới vây phủ màn khói,toàn thế giới bị ngọn lửa thiêu đốt, toàn thế giới rung chuyển…” (Kinh Samyutta Nikâya I, tr. 133) 

Thấm nhuần tư tưởng Phật giáo qua những diễn dịch của Phạm Công Thiện và các nhà nghiên cứu khác như Thích Minh Châu, Thích Thiện Hoa, Tuệ Sỹ, Trúc Thiên… vân vân, cá nhân tôi và một số thanh niên Đà Lạt thuở ấy, đã lập nên một nguyên tắc sống của riêng mình. Nghĩa là chúng tôi bắt đầu từ bỏ cái việc nghe radio, xem truyền hình, đọc nhật báo, nghe ca nhạc… những tập tính của nền văn minh đương đại mà các nhà văn, nhà thơ trên thế giới đang chối bỏ. Thật ra, những thứ đó đều là những thói quen nhảm nhí, phù phiếm nhất, mà thiên hạ vì mê say, vì chạy theo thời thượng… nên cứ ngỡ là điều bình thường. Đối với những người nhất quyết theo Phật, phó thác đời mình cho Tam Bảo, thì các thú vui kể trên (như TV, radio, ca nhạc… ) đã làm rối loạn tâm hồn mình và cả cuộc sống mình.

LOẠI TRỪ NHỮNG NHU CẦU KHÔNG CHÍNH ĐÁNG

Đó là nguyên tắc sống. Đối với chúng tôi thì tìm ra nguyên tắc để sống, quả là một kỳ tích, ngàn năm hi hữu. Đâu phải dễ dàng mà bọn thanh niên phàm phu tục tử như chúng tôi đi từ việc đọc sách lam nham, nghiên cứu tùm lum rồi phát hiện ra những nguyên tắc cần thiết cho cuộc sống?

Khi có dịp bái kiến các vị tôn túc, tôi đem những vấn nạn ấy trình lên các bậc thầy đương thời. Chư vị ấy cười:

- Các cậu còn trẻ mà dám nghĩ như vậy thì cũng đáng khen. Cái đó gọi là loại trừ những nhu cầu vô bổ, không cần thiết. Nhưng, cố gắng làm sao thực hiện cho được thì mới khâm phục. Chúng tôi là những người xuất gia cũng chưa làm tròn được và xét rằng đó là vấn đề rất khó.

Vâng. Đúng thế. Làm sao từ bỏ thói quen trong quá khứ lâu xa? Nếu chúng ta bỏ tất cả những thói xấu ấy, thì mình làm gì cho qua những thời gian trống rỗng?   Dẫu biết rằng, trên hành trình trở về tâm linh, nhân loại cần buông bỏ nhiều thứ lắm, không phải chỉ chừng ấy thứ?

Ví dụ, một thói quen của tôi cũng như các bạn thanh niên là: Vừa đi trên đường vừa hát vang rân, hình như xem chung quanh không có ai! Buổi sáng, sau khi thực hiện công phu sáng ở nhà hoặc ở chùa Linh Sơn, tôi vừa ra phố để cà phê với bạn bè, tôi vừa đi vừa hát. Nhưng bây giờ tự mình bắt buộc bỏ hát thì chỉ có cách là tụng các bài sám quen thuộc như là: Sám quy mạng, Sám Thập Phương, Sám Liên Trì…, và niệm danh hiệu Phật. Tụng trên đường thì tụng nho nhỏ thôi!

Có người tra vấn và hạch xách:

- Can cớ chi mà ông lại bỏ quách việc nghe nhạc, nghe radio, xem VTTH và đọc nhật báo?

Không giải thích là không thể được! Lắm lần tôi cố ý phớt lờ hay đánh trống lảng, nhưng cuối cùng đành nói toạc móng heo:

- Vì sao ư? Vì sao chúng ta không nên nghe radio, thưởng thức âm nhạc, đọc nhật báo và xem vô tuyến truyền hình? Nhiều người bảo: Ăn nhằm gì! Cứ xem một chút chẳng sao? Giải trí mà! ….

Nhưng chúng tôiPhật tử, phải nhìn nhận tùy theo chánh kiến của mình.

Nghe radio, thưởng thức âm nhạc, đọc nhật báo và xem vô tuyến truyền hình… là những phương tiện và công cụ tạo ra vọng tưởng trong tâm ta và trực tiếp làm tâm hồn ta rối loạn thêm nhiều. Tu hành theo bất cứ pháp môn nào của đạo Phật là giữ cho Tâm luôn chuyên nhất, đừng rối loạn. Nếu ta vừa thiền định hay niệm Phật mà vẫn để thì giờ nghe radio, thưởng thức âm nhạc, đọc nhật báo và xem VTTH thì mọi công phu sẽ trôi theo dòng nước! Hoặc nếu còn sót lại thì chẳng bao nhiêu? Anh đồng ý chăng?

Không thể nghe radio, thưởng thức âm nhạc, xem vô tuyến truyền hình thì chúng tôi gia tăng đọc sách nhiều hơn.  Các anh em bạn tôi đều đi đâu cũng lè kè một hai cuốn sách, kể cả lúc vào toilet nữa cũng không quên!

Thời thế đã vô tình tạo thuận lợi cho chúng tôi: Từ những năm 1970 trở về sau, thì các nhà xuất bản mọc lên như nấm và sách vở xuất hiện sung mãn quá mức tưởng tượng của những người yêu chữ nghĩa. Không những văn học, thi ca mà còn tư tưởng, triết học, văn nghệ, đạo lý, minh triết, học thuật… sách dịch lẫn thơ văn sáng tác, đều được xuất bản công khai và bày bán tự do khắp nơi. Chúng tôi khoái thích và hạnh phúc quá, đến nỗi hả hê bảo nhau: “Đây mới thật là thời kỳ trăm hoa đua nở của cả một dân tộc và không biết kéo dài bao lâu?”

Cứ thế, mà chúng tôi sống nhờ đức tin được được Tam Bảo dẫn dắt, đào luyện và học tập hàng ngày trước bàn kinh và cả trong cuộc sống. Thỉnh thoảng, lại đem câu nói của Hermann Hesse ra để sách tấn lẫn nhau:

“Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này!”

Cho đến ngày một ngày kia: Giữa bàn cờ thế lụy, chỉ một bên thắng cuộc.

...

LÀM QUEN VỚI ĐỒNG TIỀN

Sau năm 1975, trước một tương lai dường như mù mịt, mọi người đều sợ đói và sợ bị chết đói. Đồng tiền rất khó kiếm. Ai ai cũng thiếu tiền và bởi thế, mọi người đều suy nghĩ làm thế nào để có tiền. Cho nên đồng tiền được vinh danh là đệ nhất trong các thứ tài sản của nhân loại. Cũng dễ hiểu thôi mà. Tui cũng rứa. Ngó lại, té ra hơn mấy chục năm sống trên đời, mình chưa thực sự sống vì đồng tiền, rứa mới làm khổ bản thân và những người xung quanh!

Muốn có tiền cho nhanh, tôi lao vào đi buôn, với những cách kiếm tiền và làm giàu nhanh nhất. Và tôi đã có “xu hào rủng rẻng” chẳng thua ai, không đủ để trở thành giàu như Chú Hỏa dân Ba Tàu ngày xưa, hoặc Nguyễn Tấn Đời… nhưng tương đối có đồng ra đồng vào trong xã hội vốn trọng tiền bạc!

Năm 1982 tôi may mắn trở thành “chủ tiệm sửa đồng hồ” ở đầu đường Đinh Tiên Hoàng, tình cờ gặp Cao Hữu Điền trên phố Thượng Tứ, hắn là bạn cũ thân tình. Hai thằng đeo nhau như đĩa chưa dính vôi! Bọn tui nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Tôi mới phát hiện: Té ra mình chưa biết âm nhạc là gì và ca khúc là cái chi chi. Mà họ Cao xuất thân là dân nhạc viện quốc gia Huế đồng thời vừa là dân sư phạm chánh ngạch, khóa Nguyễn Khuyến!

Tui bèn tôn Cao Hữu Điền làm sư phụ, để dạy âm nhạc và quan trọng nhất là làm sao viết nổi một ca khúc! Ngay tức thì, Cao Hữu Điền dạy ngay tại quán cà phê. Học trò thì siêng năng, ham học mà Ông Thầy thì dạy có khoa sư phạm, dễ hiểutận tâm.

Không bao lâu, tôi viết một ca khúc đầu tay và kính cẩn trình lên Sư Phụ cũng tại một quán cà phê nào đó. Bởi vì đầu óc toàn là tư tưởng Phật giáoniềm tin A DI ĐÀ nên tôi chỉ viết được các ca khúc tán thán đức Phật và tôn vinh Niềm tin của mình mà thôi, chỉ phổ biến trong chính mình và lưu truyền trong giới anh em niệm Phật. Có những ca khúc được hát trước bàn Phật và sau khi công phu hàng ngày, (tức là tụng kinhxưng niệm Nam mô A di đà Phật). Một mình với A Di ĐÀ.

Nói  chuyện dài dòng như rứa là để các bạn thấy tôi là đứa mê hát, mê thơ và say sưa các ca khúc bằng âm thanh Việt Nam chứ không phải tiếng mỹ tiếng tây nào khác.

MỘT MÙA XUÂN NÀO

Một chiều nọ. Mùa xuân.

Thành phố Huế bỗng bừng lên những màu sắc tươi tắn mà ấm áp, gần gũi. Trong âm thanh dịu dàng cùng trăm ngàn cỏ cây đang liên tục trở giấc, có tiếng quen quen “Nam mô a di đà Phật” từ ngoài đường vọng vào. A! Ai lạ rứa? Một người bạn từ “nghìn muôn năm cũ” bỗng bước vào. Xa nhau lâu quá đến nỗi tôi đã quên béng tên anh. Anh gì nhỉ? Ở Mỹ về hay ở Saigon ra? Anh đi mô lâu quá. Hình như là mấy chục năm trời biền biệt… Chúng tôi vẫn ôm chầm lấy nhau.

Xong, chỉ vì quá cảm hứng với mấy chữ “biền biệt”, tôi đọc bài thơ sau:

Biền biệt bóng cà sa

Nam mô A di đà…

Mộng ngàn chưa trở lại,

Song lạnh, ánh trăng tà…  

Bạn hỏi:

- Thơ của ai mà nghe quen quen vậy?

Tôi cười:

- Không quen đâu! Tác giả bài thơ này, “Chờ Đợi”, có lẽ chờ đợi một người bạn xuất gia đã lâu không gặp. Thi sĩ này là một người rất lạ, ở thế kỷ trước. Chắc anh chưa biết đâu. Bút danh y là Lưu Kỳ Linh tên thật là Lưu Trọng Lai (1907-1974), là nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến,  anh ruột nhà thơ Lưu Trọng Lư.

Ông là một thi sĩ thuộc thế hệ Thơ mới những năm 30 của thế kỷ 20, đã đăng thơ trên Hà Nội báo, Tao Đàn, Tiểu thuyết thứ bảy...

Từ năm 1927 đến năm 1944, Lưu Kỳ Linh là một người cư sĩ Phật giáo, sống ở làng quê (có thể làng quê Thừa Thiên hoặc Quảng Bình), gần gũi với nông dân, với ruộng vườn; cho nên thơ ông từ này về sau thường đơn giản, thuần phác, tự nhiên, có cái nhạc điệu của ca dao và cái phong vị của Đường thi. Ở đó, ông tự học, tự tu, không thầy, không bạn. Từ năm 1944 cho đến nay, làm nghề dạy học và tiếp tục sống an bần lạc đạo… Lưu Kỳ Linh mất năm 1974, thọ 67 tuổi. Tác phẩm của Lưu Kỳ Linh đều là thơ và thơ.

“Nếu có tiền thì tôi đã không có thơ. Âu cũng là cái nghiệp của tôi... Bởi vậy, tôi luôn cố gắng tu luyện cho đạt tới chỗ "Thi thiền nhất vị". Sau đây là mấy câu thơ tôi thường ngâm để tự nhắc nhở mình:

Nước mắt người tuôn vạn nẻo đường

Lấy gì ngăn được, hỡi tình thương?

Tu bao kiếp nữa thành thi sĩ

Hóa đạo ra thơ để cúng dường.'

Năm 1941, Hoài Thanh - Hoài Chân đã viết trong cuốn Thi nhân Việt Nam về sự nghiệp Lưu Kỳ Linh như sau:

Lưu Kỳ Linh là anh ruột Lưu Trọng Lư. Nhưng thơ em nhiều người biết mà thơ anh ít ai hay. Kể cũng đáng tiếc. Thơ Lưu Kỳ Linh tuy mới nhưng đôi bài có cái nhẹ nhàng, cái kín đáo, cái vi diệu của những vần thơ xưa. Nó không huy hoàng, lộng lẫy. Trong vườn thơ nó chỉ là những bông hoa màu nhạt, hương thanh, e lệ nở trong một góc tường. Nhưng ai dám bảo là những bông hoa không quý?

Nói đến đây, tôi bỗng giật mình, “một người từ trong thế giới thơ đi trở ra với cõi người ta”:

- Ui chào! Ham nói chuyện về nhà thơ Lưu Kỳ Linh mà quên hỏi chuyện anh. Ở Saigon ra đây bao lâu rồi? Ra Huế có việc gì không?

Anh bạn vừa mở túi xách vừa nói vui:

- Ờ… mình ra Huế có chút việc. Này nhé. Mình vừa hoàn thành tập thơ duy nhất của đời mình. Đặt tên là “Tình Yêu Một Kiếp Với Em”. Được không?

Tôi lật đật chìa tay ra:

- Hừm, “Phải có em mới thành tình yêu” chứ? Đâu? Tập thơ của tác giả đề tặng mình đâu?

Người bạn trao vào tay tôi một cái đĩa VCD và cười:

- Ông bạn! Mình đã thuê người ta phổ nhạc và làm thành đĩa VCD. Toàn là ca sĩ loại 1 của thành phố Saigon cả đấy! Đã chơi thì phải chơi cho ra dân xịn chứ! Ông cứ nhét cái đĩa này vào đầu máy VCD hoặc laptop và nghe thoải mái. Nhớ nghe thơ phổ nhạc của mình xong, ông nhớ cho mình biết ý kiến.

Tôi chân thành mời bạn đi cà phê:

- Bây giờ chúng ta lên Kim Luông uống cà phê nhé? Lâu rồi mới gặp nhau mà!

Người bạn lắc đầu:

- Mình bận lắm. Thôi, dịp khác vậy!

Tôi vẫn chưa nhớ ra tên bạn, cũng vẫn tiễn bạn ra tới lề đường. Bịn rịn một lúc rồi mới giã từ.

CHỈ CÒN NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT…

Trời ngả về chiều.

Ngó ra, nắng xuân buông những sợi tơ vàng trên cây “thầu đâu” bên kia đường (mà người Bắc gọi là cây hoa soan, còn người Huế đôi khi gọi là cây sầu đông). Tôi pha cà phê rang xay và chế bình trà Thái Nguyên để thưởng thức thơ của người bạn, vẫn chưa nhớ ra tên anh ta là gì. Bực mình thiệt!

Vừa nhắp trà vừa uống cà phê vừa cố gắng hết mình để nghe thơ của người bạn qua “giọng hát của một ca sỹ loại 1 của Saigon”. Ngoài tinh thần yêu quý nghệ thuật, anh ta phải tốn vài chục triệu để làm nên đĩa VCD rồi đem tặng không cho một số bạn bè. Thật quý hóa!

Sự cố gắng của người yêu thơ cũng không thay đổi tình hình. Giọng hát của ca sĩ thì rất hay – nhưng thơ thì sướt mướt, như giọng nghẹn ngào của người tình lứa tuổi đôi mươi. Tôi nghe chưa hết một bài mà cảm giác sầu não lan dần ra choán chật không gian của một chiều xuân bi lụy. Ngôn ngữ có vẻ vật vã và chán chường của những người sắp sửa tự sát! Té ra, phiền não cũng có uy lực vô biên và dễ sợ đến như vậy!

Tôi tự hỏi: Sao mình thế này? Sao mình phiền muộn rứa ni?

Dại chi mà cứ ở dằng dai trong phiền não? Mình phải thoát ra nỗi buồn này. Trong lúc bốc đồng nhất thời, tôi định ném đĩa VCD vào thùng rác nhưng nghĩ lại xét thấy mình không nên cư xử tệ bạc như thế. Bề nào đi nữa, thì anh ta cũng là bằng hữu năm xưa, đã bỏ công sáng tác và chuyển thành đĩa nhạc VCD lãng mạn, mượt mà, ai oán đến vậy. Tôi cất kỹ đĩa nhạc ấy dưới chồng sách cũ và không bao giờ lấy ra lần nữa.

Đó là đĩa nhạc VCD cuối cùng mà tôi đã nghe và là thứ âm nhạc cuối cùng mà tôi đã thưởng thức trên cõi trần gian đầy gió chướng này.

Từ đó về sau, tôi đã bỏ quách những ca khúc trữ tình, những vần thơ réo rắt, những âm điệu đắm say lòng người? Chỉ còn giữ lại danh hiệu Nam mô A di đà Phật mà thôi. Ca khúc tuyệt vời nhất mà tôi yêu, đó là ghép những câu Nam mô A di đà Phật lại với nhau.

Nhiều vị lớn tuổi đôi khi tình cờ ghé thăm nhà, rất ngạc nhiên khi thấy “Thằng cha ni sao chẳng có thấy nghe nhạc để giải trí, nghe các ca khúc nổi tiếng cho đỡ buồn chi cả?”

Bây giờ, tui không biết trả lời răng đây?

Tôi chỉ biết nói:

- Từ giờ trở đi, tôi chỉ nghe âm thanh cứu độ của đức Phật A DI ĐÀNam mô A di đà Phật, mà thôi!

Có vài người bạn hỏi nhỏ:

- À, có những người vì không có nhân duyên với Đức Phật A Di Đà nên không thể nghe sáu chữ Nam mô A di đà Phật thì làm răng bây chừ?

- Dễ ợt! Nếu bạn không thể nghe Nam mô A di đà Phật từ ngày ni sang ngày khác – thì tôi xin giới thiệu nhiều phương pháp khác.

Bạn nên nghe danh hiệu Nam mô Quán thế âm Bồ tát hoặc NAM MÔ BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM.

Bạn có thể nghe ÚM MA NI PAD ME HUM hoặc ÁN, MA NI BÁT MINH HỒNG cũng đều có lợi ích như nhau.

Hoặc bạn có thể nghe và tụng bài kinh MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT TÂM KINH. Hay là nghe thần chú Đại Bi Tâm Đà Ra Ni.

Có vài người thắc mắc, đưa ra câu hỏi:

- Chí nghe như vậy thôi ư? Có cần tìm hiểu ý nghĩa của nó hay không?

Tôi kính cẩn thưa rằng:

- Vừa tụng niệm các câu mật chú như trên mà vừa tìm hiểu ý nghĩa thâm sâu của các câu ấy – thì là một điều tốt đẹp nhất, chẳng có gì bằng! Còn nếu chúng ta chỉ cắm đầu cắm cố mà nghe và tụng niệm theo, chẳng cần tìm hiểu gì cả - thì vẫn tuyệt vời như thường!

Và ai hiểu thì hiểu – và ai không hiểu thì không hiểu. Chẳng sao cả. Thế thôi!

Nam mô A di đà Phật

Nam mô A di đà Phật

Nam mô A di đà Phật 

Nguyễn Xuân Chiến
Thư Viện Hoa Sen



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/07/2015(Xem: 7587)
27/07/2016(Xem: 6537)
03/09/2016(Xem: 5954)
11/03/2015(Xem: 10026)
21/07/2022(Xem: 2198)
22/01/2019(Xem: 16275)
27/10/2021(Xem: 2337)
30/07/2014(Xem: 12021)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.