Bước tiếp vì ai

24/11/20182:50 CH(Xem: 7731)
Bước tiếp vì ai

Truyện ngắn

BƯỚC TIẾP VÌ AI
Thích Trung Hữu


dai senĐã mười hai giờ khuya rồi mà thầy Huệ vẫn còn ngồi chấm bài kiểm tra của tăng ni sinh một cách say sưa. Thường thì mười giờ là Thầy đã đi ngủ rồi, nhưng hôm nay là một ngoại lệ. Hết bài này tới bài khác như một tiểu thuyết trường thiên nhiều chương hồi. Mỗi chương hồi vừa khác biệt vừa tương tục đã cuốn hút Thầy không sao dừng lại được. Có những bài như có cánh và đẹp như một giấc mơ theo trường phái lãng mạn, nhưng cũng có những bài theo chủ nghĩa hiện thực, miêu tả những khó khăn cũng như tâm trạng chán nản, bất mãn của người trong cuộc, làm cho thầy hết sức băn khoăn. Đó là những vấn đề hết sức tế nhị mà không phải ai cũng dám nói ra. Những bài viết như thế của các học trò làm cho Thầy nhớ lại bản thân mình hai mươi năm về trước.

Thầy được xuất gia ở một ngôi chùa quê. Chùa chỉ có mấy thầy trò, tuy đời sống đơn sơ đạm bạc nhưng mọi người rất yêu thương nhau. Ngoài việc học phổ thông, chú tiểu Huệ ngày ấy còn được sư phụ dạy chữ Nho mỗi tuần một lần vào ngày Chủ Nhật. Cứ như thế, cuộc sống tu hành trôi qua một cách êm đềmhạnh phúc. Tuy là chùa quê, nhưng sư phụ của chú Huệ vẫn thỉnh các giảng sư từ thành phố về chùa giảng mỗi khi có dịp như giỗ Tổ, lễ Vu lan… để cho phật tử hiểu thêm về Phật pháp. Đối với chú Huệ thì đó là những dịp đặc biệt. Tuy Chú không hiểu hết những lời giảng của giảng sư nhưng Chú vẫn ngồi trong giảng đường từ đầu đến cuối để …nhìn vị giảng sư một cách ngưỡng mộ. Thầy ấy trông thật hảo tướngthánh thiện. Nghe đâu Thầy ấy còn làm chức gì nữa rất to trong Giáo hội. Rồi chú Huệ nghĩ chắc là Thầy ấy giỏi hơn sư phụ mình rất nhiều, nếu được làm đệ tử và được học với Thầy ấy thì Chú sẽ hạnh phúc lắm. Chú ước mơ sau này cũng sẽ làm giảng sư như Thầy ấy.

Sau khi học xong lớp 12, sư phụ định cho Chú Huệ học ở trường TCPH tỉnh nhà. Nhưng Chú Huệ xin sư phụ cho Chú lên thành phố học và làm đệ tử y chỉ với vị giảng sư mà hay về chùa Chú giảng. Sư phụ Chú có vẻ do dự nhưng cuối cùng cũng đồng ý. Chú Huệ từ giả sự phụ và các huynh đệ đi lên thành phố với một tâm trạng vô cùng phấn khởi và một hoài bảo trở thành một giảng sư nổi tiếng. Thế nhưng cuộc sống thị thành chỉ đem đến cho Chú chút mới mẻ trong thời gian đầu ngắn ngủi, nó không hề đẹp như Chú đã tưởng tượng trước đây. Vị y chỉ sư cũng không phải đẹp như Chú nghĩ. Thầy ấy rộng lượng và dễ dàng với người ngoài nhưng lại hẹp hòi và khó khăn với đệ tử. Sau này Chú còn thấy nhiều chuyện khác nữa mà Chú cho là không phải hạnh của một người đệ tử Phật. Ví dụ như một hôm có một thầy đến chùa muốn gặp thầy trụ trì để hỏi gì đó. Chú thấy người tu thì cung kính mời ngồi và pha trà tiếp khách. Thầy trụ trì đi ra nói chuyện với vị thầy kia, rồi sau đó quay lại la Chú, rằng “thứ bá dơ gì đâu mà cũng mời trà”. Sao là bá dơ? Chú không hiểu. Nghèo chăng? Không có địa vị chăng? Chú tưởng đã là người tu thì đều là Chúng trung tôn, đều được tôn kính như nhau. Mà đã là người tu với nhau thì phải tương kính nhau, coi nhau như huynh đệ chứ sao còn phân biệt nghèo giàu, sang hèn? Nhiều chuyện như thế làm cho Chú thấy rất chán nản. Tính ra Chú lên thành phố đã 3 năm rồi và còn một năm nữa là xong Trung cấp Phật học nhưng Chú không muốn học tiếp cũng không còn muốn làm giảng sư gì nữa. Giờ Chú chỉ muốn về chùa quê với sư phụ và những huynh đệ ở đó. Chú nhớ con đường quanh co dẫn vô chùa với một bên là vườn chuối còn bên kia là bờ kinh, nhớ khói làm chiều, nhớ cái cảm giác của bình yên không có thị phi nhân ngã hay tranh đấu hơn thua. Ngay cả tiếng chuông chùa ở quê nghe cũng yên ả hơn. Nói chung là giờ Chú không muốn làm gì cả, kể cả chuyện hoằng pháp, mà chỉ muốn sống một đời sống bình thường của ông thầy quê thôi. “Giờ mà về quê rồi xách cái đãy đi tụng đám cho bà con cũng thấy vui hơn ở trên thành phố này”, Chú nghĩ thầm nhìn ra khung cửa sổ. Vầng trăng tròn vành vạnh đang lơ lững giữa bầu trời, trên những tòa cao ốc. Chú thấy tội nghiệp cho trăng ở đây. Trăng phải nằm trên ngọn cây dừa thì mới đẹp và thơ mộng. Chú quyết định ngày mai về quê.

Chú Huệ về quê và cứ tưởng rằng sư phụ sẽ rất vui với quyết định này của Chú. Nhưng ngược lại với những gì Chú nghĩ, sư phụ không chỉ không tán đồng mà còn khuyên chú không nên bỏ học, thậm chí là học càng nhiều càng tốt.

-        Bây giờ là thời mạt pháp, pháp nhược ma cường, cái xấu các ác lên ngôi, người tốt thì bị tẩy chay, người giỏi thì bị ém tài, có làm được gì đâu mà học, thưa sư phụ.

Sư phụ nhìn Chú nở nụ cười bao dung và thấu hiểu. Người dạy rằng Chú nói không sai. Nhưng chính vì thời đại như thế cho nên mình càng phải tu phải học. Người ta tu ít thì mình phải tu dùm, người la lười học thì mình phải học thay, người ta càng làm ác thì mình phải càng làm thiện để bù vào. Có như vậy thì mới tạo sự cân bằng hoặc ít nhất cũng làm giảm thiểu cái xấu. Nếu thấy xã hội xấu mà mình trốn đời thì xã hội sẽ chỉ còn lại toàn cái xấu. Cũng như trong một khu vườn, nếu chỉ toàn cỏ dại không thì trở thành vườn hoang, nhưng nếu có sự hiện diện của vài bông hoa, dù không thể gọi là vườn hoa nhưng cũng không đến nỗi là vườn hoang. Sư phụ Chú còn nói thêm rằng, dù cho cái xấu cái ác có chiếm ưu thế nhưng vẫn còn không ít người có lương tâm trong sáng, khát khao điều thiện. Hơn nữa cuộc sống không chỉ có hiện tại mà còn có tương lai, không phải chỉ có thế hệ bây giờ mà còn có thế hệ mai sau. Rồi sẽ còn nhiều người, nhiều người khác nữa đi xuất gia. Chúng ta tự cho mình là người tốt mà lại bỏ cuộc thì những người mới này họ sẽ xuất gia với ai, khi mà trong Phật pháp bậc chân tu như lá mùa thu, như sao buổi sớm? Có thể hiện tại chúng ta không làm được gì, nhưng nếu chỉ cần có một người thôi có duyên gặp được mình thì sự hiện diện của chúng ta cũng không phải là vô ích. Chúng ta có thể bỏ mặt hiện tại nhưng chúng ta phải thương thế hệ tương lai. Sẽ có những người cần chúng ta chia sẻ và giúp đỡ. Mà muốn giúp người khác thì chỉ có làm người tốt không thôi chưa đủ, mà còn phải có năng lực. Cho nên sư phụ khuyên Chú nên học tiếp. “Muốn hành tẩu giang hồ, hành hiệp trượng nghĩa thì võ công phải siêu phàm con à”, sư phụ vỗ vai Chú và nở một nụ cười khuyến khích.

Chú Huệ lên thành phố tiếp tục học. Một năm sau thì sư phụ quy Tây. Đó là sự mất mát lớn lao cho Chú và các huynh đệ khác. Vì các huynh đệ đều còn nhỏ nên sư chú đã về làm trụ trì chùa, nhưng sư chú thì làm sao thương cháu bằng sư phụ thương đệ tử được. “Còn cha gót đỏ như son/ Một khi cha mất gót con lấm bùn” thật đúng. Một số huynh đệ của Chú đã hoàn tục. Chú nhớ lời sư phụ dạy, bước tiếp con đường đã chọn dù cũng trãi qua bao nhiêu nghiệt ngã của cuộc đời, bao nhiêu nước mắt đã chảy trong những đêm thanh vắng.

Chùa Chú đang ở cũng là một công ty làm đồ gỗ do thầy trụ trì làm giám đốc, chuyên làm các sản phẩm gỗ để bán và xuất khẩu sang nước ngoài. Chú và những huynh đệ khác trong Chúng phải làm việc cả ngày như những công nhân. Chỉ khác là công nhân thì có lương còn Chúng thì không, chỉ ngày ba bữa cơm. Một hôm người nhà dưới quê lên báo mẹ Chú bịnh (lúc đó Việt Nam chỉ mới có điện thoại bàn, còn người dân quê thì chưa biết điện thoại là gì). Thầy trụ trì cho phép Chú về quê thăm mẹ, nhưng không cho tiền xe. Người nhà đã nghèo rồi mà còn phải bao tiền xe cho Chú về. Chú muốn mua quà về thăm mẹ nhưng tiền xe còn không có thì tiền đâu mua quà. Chú vô cùng tủi thân, bước ra cổng chùa mà nước mắt như mưa.

Học xong Trung cấp Phật học, Chú không vào Cao cấp Phật học như mọi người mà thi vào Đại học khoa học xã hội nhân văn. Chú muốn học văn để viết truyện, vì Chú thấy rằng có rất nhiều điều muốn nói nhưng không biết chia sẻ cùng ai. Chú muốn mượn lời văn để giải tỏa lòng mình cũng như có thể chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ. Chú về nhà xin gia đình cho Chú một công đất để bán lấy tiền đi học. Và rất may là Ba Chú đã đồng ý, nói rằng dù con đã đi tu nhưng tài sản cũng chia đều như các anh chị em khác. Chú phải thuê nhà trọ ở để đi học, vì lúc đó có quan niệm rằng đi tu thì chỉ nên học nội điển ở trong chùa chứ học đại học bên ngoài làm chi. “Bộ định ra đời hả?”, một thầy trụ trì đã hỏi Chú như vậy khi Chú đến xin ở để đi học. Thầy ấy nói rằng nếu học Phật học viện thì được chứ chùa không có nuôi Chúng đi học trường bên ngoài. Theo Chú biết thì ở bên đạo Thiên Chúa, nếu không có bằng đại học thì không thể làm Linh mục, cho nên những chức sắc của tôn giáo bạn đều trình độ đại học trở lên. Dù sao thì Chú cũng đã thực hiện được ước mơ của mình, tốt nghiệp đại học khoa Ngữ văn. Bài báo đầu tiên là Chú viết về sư phụ. Còn tiền nhuận bút của bài báo đó Chú đem cúng dường cho cha mẹ, coi như những đồng tiền đầu tiên do chính sức lao động của Chú kiếm được.

Có thể nói rằng, nếu không có sự khuyến khích của sư phụ ngày ấy thì hôm nay thầy Huệ không thể ngồi đây chấm bài của tăng ni sinh. Sư phụ nói rất đúng, ta không vào địa ngục thì ai vào bây giờ. Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập mà. Thầy Huệ đã đem những lời dạy trước đây của sư phụ truyền đạt lại cho tăng ni sinh trẻ và cũng đã nhận được sự phản hồi tích cực. Một số em bày tỏ rằng nhờ những lời của Thầy mà các em quyết định tu tiếp và học tiếp. Thầy Huệ nghe vậy mà mừng rơi nước mắt, thấy sự nổ lực của mình không phải là vô ích. Ai bảo cuộc đời chỉ có cái xấu cái ác? Vẫn còn đó những đóa hoa lương thiện luôn hướng về ánh dương chân thiện mỹ. Đã 4 giờ sáng. Thầy xếp bài kiểm tra cuối cùng lại và lên chánh điện tụng kinh. Tiếng chuông chùa vọng lên nghe thanh thoát làm sao.

Thấm thoát đã hơn 10 năm kể từ cái ngày đầu tiên thầy Huệ bước lên bụt giảng. Và suốt chừng ấy thời gian Thầy cũng chỉ làm cái nghề gõ đầu trẻ ấy thôi, chứ không làm gì khác như tham gia Giáo hội hay bên chính quyền. Cái nghề gõ đầu trẻ thật sự là một nghề thầm lặng, không có công danh cũng không được lợi lộc gì cả. Cho nên đối với một số người, đây chỉ là nghề tay trái, hoặc công việc bàn đạp cho những thành tựu cao hơn. Thầy Huệ có người bạn cũng học tiến sĩ, nhưng kiến thức thì cũng chỉ thuộc hạng “thường thường bậc trung” mà thôi. Thầy ấy xin được một chân dạy ở một trường Phật học. Thầy ấy thật thà chia sẻ rằng dạy học không phải là công việc yêu thích của thầy ấy, mà thầy ấy chỉ mượn cái danh “giáo sư đại học Phật giáo” để “hành đạo và hoằng pháp” cho dễ mà thôi. Vì nghe giới thiệu là giáo sư đại học thì ai cũng tin tưởngthán phục. Có lần thầy Huệ hỏi đùa rằng, “trình độ huynh như vậy thì vô lớp dạy cái gì?” “Cái đó dễ lắm huynh ơi”, thầy ấy bật mí bí quyết, “chỉ cần mình dạy ít mà cho điểm cao là sinh viên họ thích mình à”. Thầy Huệ nghe vậy mĩm cười mà lòng thấy đau, thương cho đám học trò bỏ thời gian vô lớp mà không học được gì. Đó là chưa kể do nghiên cứu chưa tới, một số giáo thọ còn nhồi nhét những tư tưởng sai lệch vào đầu người học, giết Phật pháp và giết cả một thế hệ!!!

Thầy Huệ đứng lớp, đối tượng chính mà Thầy hướng tới là tăng ni sinh với những đau khổhạnh phúc của họ. Nói thiệt, dù cho Phật pháp có phát triển, Giáo hội có lớn mạnh mà đời sống của tăng ni không an lạc, hạnh phúc thì sự phát triển và lớn mạnh đó cũng đâu có ý nghĩa gì. Cũng như Bác Hồ nói, đất nước có độc lậpnhân dân không tự do, có tự dokhông hạnh phúc thì độc lập để làm gì. Mà suy cho cùng, nếu từng cá nhân tăng ni không an lạchạnh phúc thì Phật pháp có phát triển được hay không? Nếu đằng sau những Đại lễ Phật đản hoành tráng, lễ Kiều Đàm Di Mẩu qui mô, Hội nghị Phật giáo quốc tế tốn bạc tỉ… nhưng khi trở về chùa họ lại đối diện với những thiếu thốn về cả vật chất lẫn tình thương, thì những đại lễ ấy có ý nghĩa gì? Còn nếu đời sống của tăng nian lạc thì Phật pháp tự nhiên sẽ phát triển, mọi người sẽ tìm đến với Phật pháp mà không cần phải hô hào. Cho nên cái đối tượng hướng dẫn, chia sẻ của thầy Huệ chính là tăng ni sinh. Thầy muốn họ thật sự tìm thấy con đường đi và cảm thấy hài lòng, hạnh phúc cũng như ý nghĩa trên con đường đó.

Thầy Huệ bây giờ không còn đi dạy nữa. Thầy muốn chuyên tu và vui thú điền viên. Hơn 10 năm đứng lớp, dù không có lợi lộcdanh vọng gì nhưng Thầy thấy rất thỏa mãnhạnh phúc. Thầy đã gieo hạt giống niềm tin vào nhiều thế hệ học trò và Thầy tin rằng những hạt giống ấy cứ nhân rộng, nhân rộng thêm ra, theo bước chân hoằng hóa của họ. Bằng chứng là thỉnh thoảng cũng có một vài học trò cũ ghé thăm Thầy và kể cho Thầy nghe họ đã sống và tu tập như thế nào.

Một buổi sáng nọ khi thầy Huệ đang tỉa kiểng trước chùa thì thầy H đến, xưng là học trò cũ của Thầy: “Thưa thầy, con là tăng sinh mà 10 năm trước thầy và các huynh đệ khác đã đến bệnh viện để thăm đấy ạ”. Thầy Huệ lấy tay che ánh mặt trời đang chiếu ngược vào mặt Thầy, nheo nheo mắt nhìn vị khách. Sau khi đã nhớ ra đứa học trò năm nào của mình, Thầy bật cười, hai tay đặt lên vai H: Đã ra dáng một cao tăng rồi, nhớ hồi đó con chỉ ốm nhôm như cây sậy. Nếu con không nhắc thì không thể nhận ra. Đi. Đi vào trong thầy trò nói chuyện”. Thầy Huệ đi trước, H bước theo sau. Mười năm rồi mà Thầy Huệ cũng không thay đổi gì nhiều. Vẫn cái dáng khoan thai nhẹ nhàn, vẫn cách nói thân tình và gần gũi như ngày nào. Mười năm mới gặp lại mà H thấy thân thiết như chưa từng xa cách. Thầy vẫn luôn luôn đem đến cho người khác một cảm giác an toàn và bình yên đến lạ. Nếu không có Thầy thì chắc cuộc đời H đã rẽ theo một hướng khác. Chính tình thương và những lời động viên của Thầy đã nâng đỡ H vững bước trên con đường Đạo. Ký ức của 10 năm trước nhẹ nhàn trở về theo từng bước chân êm ả của một buổi sáng vào Thu. Lúc đó H bị bệnh nặng cần phải giải phẩu. Nhà thì nghèo, sư phụ thì không cho tiền. Thông qua bài kiểm tra mà thầy Huệ biết được tình cảnh ngặt nghèo ấy của đứa học trò. Thầy đã vận động đủ số tiền và đưa H vào bệnh viện điều trị. Đã hơn 10 năm rồi mà những lời đầy yêu thương và khích lệ của Thầy vẫn còn rõ mồn một trong tâm trí H khi Thầy và các huynh đệ trong lớp đến bệnh viện thăm H: “Con không hề cô đơn. Thầy và các huynh đệ luôn ở bên cạnh con”. Và cái thông điệp yêu thương ấy, H phải có trách nhiệm giữ gìn và truyền lại cho những thế hệ tiếp theo. H lặng lẽ bước theo Thầy vào chùa, cũng là bước theo một đời đạo hạnhvị tha của Thầy. Thầy ơi, Thầy có biết không, con đã vì thầy mà bước tiếp trên con đường Đạo, và con cũng sẽ bước tiếp, vì thế hệ mai sau…

Thích Trung Hữu

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 20178)
12/10/2016(Xem: 18124)
26/01/2020(Xem: 10629)
12/04/2018(Xem: 18873)
06/01/2020(Xem: 9588)
24/08/2018(Xem: 8425)
12/01/2023(Xem: 2734)
28/09/2016(Xem: 24084)
27/01/2015(Xem: 23249)
11/04/2023(Xem: 1985)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.