Chiêu Quân

23/01/20194:02 SA(Xem: 5787)
Chiêu Quân

CHIÊU QUÂN
Huệ Trân

 

huong khoiKhông thấy một gạch nối nào vào thời điểm giao mùa, giữa hình ảnh người đẹp Chiêu Quân của Hán-quốc phải gạt lệ sang Hồ. Vậy mà tôi cứ bâng khuâng, phảng phất đâu đây tiếng nức nở của giai nhân:

          “Tuyết lạnh che mờ trời Hán-quốc

          Tỳ-bà lanh lảnh buốt cung thương

          Tang tình năm ngón, sầu dâng lệ

          Chiêu Quân sang Hồ, xừ hồ sang” (*)

          Có lẽ không gì ảo não cho bằng khi phải xa rời quê hương bất đắc dĩ. Huống chi, một vương phi phải vĩnh biệt quân vương xứ mình vì bị chọn làm quà tặng cho vua xứ khác.

          Có ai phải xa quê, trên đường biên giới, nhìn về đất mẹ mới cảm thông phần nào nỗi lòng Chiêu Quân:

          “Đây Nhạn-Môn-Quan đường ải vắng

          Trường Thành xa lắm, Hán Vương ơi!

          Chiêu Quân che khép mền chiên bạch

          Gió bấc trời Phiên thấm lạnh rồi        

          Ngó lại xanh xanh triều Hán-Đế

          Từng hàng châu lệ thấm chiên nhung

          Quân Vương chắc cũng say và khóc

          Ái Khanh! Ái Khanh! Lời nghẹn ngùng” (*)

          Lòng người đi sầu muộn như thế. Còn kẻ ở thì sao? Chia lìa nào mà không đứt đoạn:

          “Hồ xang, hồ xang, xừ hồ xang

          Chiêu Quân nàng ơi, lệ dâng hàng

          Lã chã trời Phiên mưa tuyết xuống

          Chiêu Quân sang Hồ, xừ hồ xang” (*)

 

          Người yêu thơ biết đến Quang Dũng ở những bài bất tử như Đôi Mắt Người Sơn Tây, Đôi Bờ, Tây Tiến, nhưng bài Chiêu Quân, tương đối ít người nhắc hơn.

Tôi cũng ở trong số này. Nhưng đêm nay, trong chuyển tiếp lặng thầm của trời đất, lòng tôi bỗng quặn lên hình ảnh một người phải gạt lệ xa quê. Biết bao người đã tức tưởi xa quê, sao phút giây này tôi lại chỉ mơ hồ thấy bóng dáng Chiêu Quân, một nhân vật, đối với tôi vẫn chỉ là huyền thoại?

 

          Người thi sỹ như con tằm, khi nhả tơ là nhả chính nỗi lòng mình. Quang Dũng gửi gấm gì qua tiếng khóc Chiêu Quân, tôi không rõ, nhưng tiếng khóc đó đang chiêu cảm lòng người xa quê giữa giờ phút giao mùa, là tôi.

          Quê nội tôi, làng Phương Viên, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông mà  đó cũng chính là nơi Quang Dũng chào đời. Thi sỹ sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, nghĩa là cùng huyện, chỉ khác làng thôi, mà làng quê Việt Nam thì nhỏ bé, nhiều khi chỉ cách nhau một lạch sông, một bờ đê hay dăm bụi tre ngăn con đường đất đỏ. Phương Viên và Phượng Trì là hai, trong số tám làng nhỏ mà địa danh được gọi chung là Tổng Phùng.

          Khi khám phá ra điều này tôi mới thấp thoáng nhớ về những ngày thơ ấu. Mỗi mùa hè nghỉ học, được về quê chơi, tôi thường đong đưa nằm trên chiếc võng mắc ở nhà ngang, nhìn qua khung cửa thấy rặng núi xanh rì. Ngờ đâu, đó chính là rặng núi Ba Vì đã gợi niềm xúc cảm để Quang Dũng viết nên bài thơ nổi tiếng “Đôi Mắt Người Sơn Tây”, mở đầu với những câu:

          “Em ở thành Sơn chạy giặc về

          Tôi từ chinh chiến cũng ra đi

          Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt

          Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì” (*)

          Bài thơ này được cố nhạc sỹ tài danh Phạm Đình Chương phổ nhạc và tự hát. Thơ và nhạc đã cất cánh bay suốt ba miền đất nước từ nhiều thập niên qua.

Dù là người biết nhạc hay không, nhưng khi thưởng lãm Phạm Đình Chương chậm rãi nâng ly rượu sóng sánh, nhấp một ngụm, rồi với tay, lấy cây đàn tây ban cầm, dạo nhẹ dăm cung bậc và hào sảng cất tiếng:

          “Đôi mắt người Sơn Tây

          U uẩn chiều luân lạc

          Buồn viễn xứ khôn khuây” (*)

thì tâm hồn người nghe không thể nào không xao xuyến. Huống chi, quê  người nghe lại ở ngay miền đất thơ mộng đó!

         

          Viết tới đây tôi mới mơ hồ thấy cái gạch nối giữa tấm lòng Chiêu Quân và thời khắc giao mùa.

          Thì ra, chẳng phải Chiêu Quân khiến tôi bâng khuâng, mà là tác giả bài thơ Chiêu Quân, người gửi gấm tâm sự qua nỗi lòng kẻ sang Hồ.

Tác giả bài thơ - người biết rõ quê nội tôi như chính tôi - là người đang khơi dậy hồn quê chan chứa trong tôi. Thế nên chiều nay, tiếng nấc Chiêu Quân không chỉ là tiếng gọi hồn Quang Dũng mà còn đưa tôi về quê cũ, nơi ông bà, cha mẹ đã nằm xuống.

Quang Dũng gọi, hay chính tôi đang gọi mình:

          “Em ơi! Em ơi! Đêm dần vơi,

          Vọng về phương ấy ngóng trông người

          Trăng có soi qua đầu tóc bạc

          Nẻo chừng cố quận, nhớ thương ơi!” (*)

          Vâng, nhớ quá và thương quá, quê ơi! Tôi vẫn biết ngày nay, bờ đê đó, đường làng xưa đã đổi khác nhưng hồn quê, hồn đất, ngàn năm thấm xương máu Cha, Ông, đã thành linh địa trong bạn, trong tôi thì không gì đổi thay được:

          “Khói thuốc xanh dòng, khơi lối xưa

          Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ

          Thoáng hiện em về trong đáy cốc

          Nói cười như chuyện một đêm mưa” (*)

 

          Năm cũ đang qua.

          Năm mới đang tới.

          Tôi thắp ba nén nhang, bước ra sân, vọng về quê hương.

          Cắm nhang bên gốc ngọc-lan, tôi ngước nhìn trời đêm, nhớ về Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, nhớ về bao người đã vun bồi Quê Hương, đã đến rồi đi như giòng sông, chỉ CHO mà không chờ NHẬN.

          Trong bóng đêm, tôi lặng lẽ sụp lạy đủ chuỗi hạt 108. Mỗi hạt là một  lạy.

          Nền đất lạnh buốt gối quỳ không làm tôi run rẩy lời thành khẩn cầu xin an lạc tới khắp nơi khổ hạnh.

                                                                

                                                                  Huệ Trân

                                      

          (*)Thơ Quang Dũng:

           Chiêu Quân. Đôi mắt người Sơn Tây. Cố quận. Đôi bờ.

                 

     

 

           

         

         

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
17/10/2014(Xem: 16874)
27/07/2018(Xem: 8908)
21/02/2017(Xem: 7753)
09/09/2018(Xem: 5153)
16/05/2023(Xem: 1765)
13/08/2013(Xem: 23643)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.