SEN VÀ CÁ MẶC
Mặc Phương Tử
Chiều nay, một chiều thật an bình, dưới bóng râm mát diệu của những tàng cây xanh, lồng lộng tiếng chim như trĩu thanh âm vào phòng khách bên trong một ngôi đạo tràng. Bình trà đã rót nhiều lần, nhưng hương vị trà hãy còn thấm đậm theo dòng thế sự hoài niệm cổ kim.
Chúng tôi, mấy huynh đệ và đạo hữu trong buổi gặp gỡ, thường là không hẹn truớc, bởi giấc đi miên man thì biết đâu mà hẹn cuộc tương phùng. Bây giờ ngồi tính lại thời gian đã hơn năm mươi năm (50) trôi xa và rồi sẽ còn trôi xa hơn thế nữa. Hôm nay ngày nầy năm xưa, Bồ Tát Quảng Đức đã thắp lên ngọn lửa “vị pháp thiêu thân”, một trái tim đã ươm mầm cho hằng triệu triệu trái tim, hồng lên cho muôn trùng cõi vô minh của một thời hoang vu bạo tàn của dòng tâm thức con người. Thế rồi, trái tim xưa vẫn tươi sắc hồng bất diệt, mà dòng đời thì cứ nặng nề lê mình qua từng khúc quanh nắng quái chưa tan. Vẫn biết rằng :
“Chổ người ngồi một thiên thu tuyệt tác
Trong vô hình sáng chói nét Từ Bi”
(Vũ Hoàng Chương.)
Có người lại hỏi: “Bây giờ trái tim của Bồ Tát ở đâu, vì sau …?” Ở đâu và vì sau! Câu hỏi ấy lại dâng lên một nỗi mang mang của màu khói sương ảo hóa, khi đã trôi xa, và đã trôi đi hơn năm mươi năm của ngày xưa ấy…!
-------------------------
Thế rồi, câu chuyện được chuyển sang một cung bậc khác, một ý thức sống thực trong cuộc đời. Một đạo hữu kể rằng: “ Có vị sư nhờ tìm cho một ít loài sen trắng để trồng, để điểm vào không gian của ngôi chùa với sắc màu tinh trắng của sen, vẫn biết rằng loại sen nầy khó trồng hơn những loại sen hồng, sen xanh.
Thời gian nghĩ quanh đây đó, chợt nhớ và vội tìm đến nơi ấy, thì ra khung cảnh hồ xưa, nay chỉ còn là một trũng nhỏ còn đọng lại một ít nước, trông thấy lúc nhúc mớ cá lon con còn xót lại trong hồ, phần diện tích hồ đã san lấp gần đầy.
Nỗi buồn giây phút khi biết ra nay sen không còn, lại tiếp nỗi lòng trắc ẩn khi phát hiện sự sống mong manh của một số cá con còn lại nơi trũng nước nhỏ kia. Không câu nệ bùn dơ, từng cái thau nhỏ múc đổ dần vào cái sô to, rồi nhọc nhằn đem ra thả xuống dòng sông lớn cho cá được tiếp tục sự sống mới, thoát đi cái cảnh ao tù, chắc chắn rằng chúng được tự do hơn, thoải mái hơn nơi bến rộng sông dài. Ơn ấy, công ấy, cá biết đâu mà đền mà trả, nhưng chỉ mong rằng cá lo sống tốt cho đời của cá mà thôi. Chuyện kể là như thế !
Vấn đề là đi tìm sen trắng đem về trồng trong ao vườn chùa. Vâng ! vì rằng sen có nhiều đặc tính thanh cao, sự thanh cao ấy mà chư Phật và chư Thánh, những bậc hiền thiện thường ca ngợi tự ngàn xưa cho đến cả ngàn sau, cái đạo lý vô nhiễm vẫn trang nghiêm tịnh hóa giữa cuộc đời tạp nhiễm. Trước đây, đức Phật đã cho chúng ta thấy rằng:
“ Như giữa đống rác nhớp
Quăng bỏ trên đường lớn
Chổ ấy hoa sen nở
Thơm sạch, đẹp ý người” (Kinh Pháp Cú.58).
Trồng sen là chọn lấy, khắc họa một biểu tượng cho cái sống thanh cao của tâm hồn, cái đẹp, cái thẩm mỹ, sự trong sáng vượt thoát không phải từ đầu non đỉnh núi, mà phải từ cõi lạc thú phàm tâm. Chính vì vậy, Đức Phật xác chứng qua lời dạy tiếp :
“ Cũng vậy, giữa quần sanh
Uế nhiễm, mù, phàm tục
Đệ tử bậc Chánh Giác
Sáng ngời với tuệ trí.” (Kinh Pháp Cú.59.)
Ngoài sự ca ngợi của chư Phật, chư Thánh đệ tử và các bậc Thiền Tổ.v.v… Còn có sự ca ngợi trong kho tàng Ca dao, Dân ca Việt Nam, đã được truyền tụng qua bao đời của Ông, Cha và rồi cũng sẽ truyền đi bất tận cho đến tận mai sau. Bởi :
“ Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng lại chen nhụy vàn
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” ( Ca Dao VN).
Thanh cao quá ! như một câu kinh huyền nhiệm, như một tâm hồn không vết xước trầm luân. Nhưng có xa rời đâu cái “Thực-hữu” ở đây và cả bây giờ !
Chuyện của cái ao (đời) dù nay có bị lấp cạn đi, và cho dù hiện nay, nơi chốn ấy đã không còn sen nữa, không thỏa mãn được những ước mong tìm sen về trồng. Thế nhưng, điều gì lại giúp cho chúng ta có một cung nhịp mới, một cơ hội mới cho việc đi tìm một hướng đi trong muôn vàn hướng đi, một sự ẩn trú bình an trong muôn vàn sự ẩn trú. Đó là, chợt thấy sự sống mong manh của một ít cá còn lại nơi trũng nước đục cạn. Điều ấy, nếu không phải “thực” là gì ? Thay vì ta phải thênh thang đi tìm một “chơn lý, lý tưởng” đôi khi những ý niệm ấy lại rơi vào ảo hư mơ hồ vô vọng, phi thực…
Nếu như ta cố son phấn cho việc làm, thì việc làm sẽ chỉ là son phấn, Đạo lý cuộc sống đâu nhất thiết phải cần đến chất liệu son phấn giả tạm ấy ! Và trái lại, loại chất liệu son phấn cũng không cần phải vẽ lên sắc màu đạo lý của bậc Thánh Hiền.
Đến đây, chúng ta còn nhớ đến một sự việc khác nữa, qua một câu chuyện sống đẹp được kể rằng: “… Có một cậu bé, một hôm dọc theo bờ biển, cậu nhặt từng con sao biển trên tay rồi lần lượt quăng từng con ra biển xa, cứ như thế, mỗi khi cậu có dịp ra bờ biển.
Một lần nọ, có người trông thấy cậu làm như vậy và bảo với cậu rằng; trông cậu làm một việc không ích lợi gì cả, vì sau đó sóng biển cũng sẽ đưa chúng trở lên bãi cát khô. Thế nhưng, cậu bé kia trả lời rằng; ít ra cậu cũng giúp cho chúng có thêm một ít thời gian sống dưới biển…”
Như vậy, tất cả việc làm là cốt để phát sinh thêm sự sống sao cho được tươi mát lành mạnh là cần, sự sống được nuôi dưỡng tốt bởi những chất liệu có ý thức, có thiết thực đạo lý, có nhân tính.v.v… Chính điều đó, ở đây và bây giờ là sự tồn tại thanh cao, sự hướng thượng trong sáng, sự an bình mầu nhiệm một cách nghiễm nhiên hơn bao giờ hết.
Vì vậy, một chiều bình an, không phải là một chiều chỉ cho khái niệm, không phải là cầu an lẫn tránh, nhưng lại càng không phải là một mơ hồ đề cao những ý tưởng xa xôi, cũng không phải là sự mệt mõi, chán chường trong bùn dục của thói đời, để rồi phải chịu bao khổ lụy. Nếu như có những ý niệm hành động trên, thì khác gì như một tâm hồn hoang mạc, hoang vu cọc còi tư duy, mục nát với thời gian.
Trái lại, có một chiều thật sự tìm và trồng sen và thật sự có giúp cho bao nhiêu con cá nơi trũng nước cạn đục kia được tự do thong dong ngược xuôi nơi bến rộng sông dài. Điều ấy có khác gì đã và đang tưng bừng bởi những sắc hương hoa và lá của sen. Đi và tìm bao “kỳ hoa dị thảo”, thế nhưng trên vạn nẻo đời, ở đâu lại không có (hoa thơm cỏ lạ) vẫn nở muôn trùng trong ta và trong cả cuộc đời.
MẶC PHƯƠNG TỬ.