Thư Viện Hoa Sen

Phật Pháp Với Tuổi Thơ

03/04/20233:43 CH(Xem: 2430)
Phật Pháp Với Tuổi Thơ

PHẬT PHÁP VỚI TUỔI THƠ
Tiểu Lục Thần Phong

 

tuoi  treTrấn nhỏ nằm bên bờ con sông Hà Thanh, mùa khô trơ đáy cát, mùa mưa thì cuồn cuộn như đất lở trời long. Bọn trẻ con chúng tôi vẫn thường kháo nhau rằng: “Sơn Tinh và Thuỷ Tinh đang oánh nhau đấy!”. Những ngày nước lớn, cả bọn kéo ra mép sông bẻ những que cây, khúc trúc cắm làm mốc theo dõi nước lên hay xuống, cứ như là những nhà khí tượng học vậy. Những đứa lớn hơn thì mạo hiểm dùng những cây sào, cây cù néo vớt củi về cho gia đình, có khi gặp những thân cây to lớn trôi dập dềnh nhưng không biết làm sao kéo vào nên cứ tiếc hùi hụi. Người lớn trong trấn vẫn cấm tụi con trẻ ra sông chơi nhưng làm sao cấm được, “ Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” cơ mà! Có la mắng, có đánh đòn nhưng cũng đâu vào đấy. Người ta cứ bảo khúc sông chảy qua trấn có ma, những hồn ma chết đuối này muốn đi đầu thai kiếp khác thì phải nhận chìm một kẻ nào đó để thế mạng cho mình. Dân trong trấn gọi những hồn ma này là ma Da, chúng nhớt và trắng bệch, tóc dài chấm gót, chúng thường tụ tập bên vũng sâu trước nhà máy nước. Nhiều người khẳng định thường thấy chúng ngồi đu đưa trên những cành cây da, cây cừa nước…

 Năm ấy khi tôi còn là chú bé học trò trường Bồ Đề, tôi và lũ bạn thằng Bình, thằng Nam, thằng Đức…cứ sau buổi học là chạy ào ra sông tắm. Khúc sông trước nhà máy nước rất sâu, con sông  dù khô cạn thế nào đi nữa mà khúc sông này vẫn đầy ắp nước. Bọn chúng tôi cứ leo lên những cây da sà rồi nhảy tùm xuống nước. Cuộc sống sướng hay khổ thế nào không biết, nhưng với chúng tôi những buổi tan học ra sông tắm là cả một thiên đường, cả một trời vui. Ngày đầu tôi chưa biết bơi và rất nhút nhát. Bọn chúng láu lỉnh:

 - Mày muốn biết bơi thì bắt chuồn chuồn voi cho nó cắn rún thì sẽ biết bơi thôi! 

 Tôi nửa tin, nửa ngờ nhưng sợ đau nên không dám làm theo. Một hôm kia tôi leo lên cành cây da sà, còn đang rờn rợn chưa dám nhảy xuống thì thằng Nam ở phía sau xô tôi té một cái ùm. Tôi hoảng kinh vùng vẫy, chân đạp loạn xạ, tay quạt búa xua, miệng ngóp ngóp uống nước no cả bụng, chừng hai phút sa cũng vào tới sát được gốc cây và leo lên, cả bọn vỗ tay ầm ĩ:

 - Thằng Đaị Hàn biết bơi rồi!  tên thường gọi ở nhà, vì hồi nhỏ rất bụ bẫm và thường uống sữa Guigo Đaị Hàn nên mới có tên như vậy. Sữa này do bọn lính đồng minh bán đồ tiếp tế để lấy tiền tiêu xài.

 Tôi cũng mừng hớn hở, vậy là tôi biết bơi, vậy là sau vài lần no nước sông tôi biết bơi. Người ta nói “Điếc hay ngóng ngọng hay nói” vậy mà đúng y chang. Mới biết bơi nên hăng lắm, ngày nào tôi cũng rủ bọn nó ra sông, bơi riết thành ra giỏi tự lúc nào không biết. Ban đầu má nghe tôi đi tắm sông, má la dữ lắm:

 - Sông này ma Da nhiều lắm, coi chừng nó nhận nước có ngày!

 Má không cho đi tắm, tôi cũng dạ dạ nhưng vẫn chứng nào tật nấy, cứ học xong thì ra sông. Ba thì hiền, ít khi nào la hay đánh đòn. Má thấy vậy còn la cả ba luôn:

 - Ông phải đánh nó, dạy nó chứ cứ để nó đi tắm sông lỡ ma Da nhận nước thì  lúc đó có hối hận cũng đã muộn.

 Thật tình ba cũng la, cũng  nhắc nhở nhưng không có ồn ào như má. Những ngày đi học không tắm sông thì vào tịnh xá Ngọc Long chơi. Tịnh xá có ngôi chánh điện bát giác bằng gỗ trông đơn sơ mà đẹp, cây bồ đề to lớn che mát rượi cả một khoảng sân, quanh vườn có những cái cốc của mấy vị sư. Tôi lang thang trong vườn ngắm nhìn mãi mà không chán, có khi lại nằm chơi ở mấy bậc tam cấp quanh ngôi chánh điện, gió mát hiu hiu ngủ quên lúc nào không hay biết. Có nhiều lần bọn trẻ hoang đàn sống quanh tịnh xá vào vườn hái trái cây, bẻ hoa và ăn cắp vặt nữa. Tôi thấy sư Phất, người trụ trìtịnh thất này ra la và đuổi chúng đi. Sư Phất miệng lầm bầm” Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Hồi ấy còn nhỏ, chưa hiểu nghĩa là gì nhưng tôi vẫn thấy buồn buồn sao ấy vì cảm thấy oan ức “ Bọn kia là những đứa trẻ hoang đàn, chúng đâu có đi học mà kêu là học trò. Chúng phá phách chứ học trò đâu có phá!”. Những ngày cuối tuần không đi học, ba tôi laị chở tôi lên chùa có khi lên tịnh xá. Tuổi thơ tôi trôi qua êm đềm gắn liền với ký ức về tịnh xá  và những ngôi chùa.

 Bọn trẻ chúng tôi cũng như những người lớn ở trấn này đều quen thuộc với hình ảnh các các vị sư mỗi sáng đi khất thực quanh chợ Cây Da. Ngày ấy trấn còn nhỏ và nghèo chứ không sầm uất như bấy giờ, cứ quãng chín hoặc mười giờ sáng là các vị sư từ tịnh xá ôm bình bát đi ra. Có khi một vị, có khi hai hoặc ba vị cùng đi, tất cả đều đầu trần chân đất từng bước rất chậm rãi, không ai nói năng gì cũng không nhìn ngang liếc dọc. Các sư tuần tự từng bước chân mặc cho quanh mình bao nhiêu âm thanh loạn động. Áo cà sa quấn kín thân, có khi thì thấy hở vai phải. Tôi thắc mắc hỏi ba thì ổng bảo:

 - Các vị sư tu theo hạnh khất thực, đắp y theo phái Nam Tông!

 Nghe thì nghe thế chứ tôi cũng chưa biết Nam Tông là gì. Tôi thấy ba cung kính bỏ vào bình bát gói xôi rồi xá ba xá. Có hôm tôi thấy bà Bảy Phúc có sạp kẹo bánh kế bên má tôi, bà bỏ vào bát những gói cốm nếp và vẻ mặt vô cùng cung kính. Tôi lén quan sát theo nhưng thấy không có ai bỏ gì thêm vào nữa cả. Chợ ồn ào như ong vỡ tổ, tiếng mua bán trả giá xôn xao, tiếng cãi cọ ỏm tỏi, thậm chí tiếng chửi lộn la mắng ầm ĩ… nhưng các vị sư cứ bước từng bước như không nghe, không thấy gì cả! Tôi thầm phục: “ Sao mà các ông sư giỏi thế! vẫn thản nhiên đi qua một cái chợ ầm ĩ mà không một tí động đậy gì!”

. Tôi hỏi ba:

 - Sao mấy ông sư này đi khất thực mà ông thầy ở chùa Bàu Lương không đi khất thực?

 Ba tôi nói:

 - Sư ở tịnh xá tu theo trường phái Nam Tông mới đi khất thực, còn sư ở chùa tu theo Bắc Tông nên không đi khất thực!

 Tôi laị thắc mắc:

 - Taị sao tu theo Nam Tông phải đi khất thực mà không tự làm lấy thức ăn?

Ba giải thích:

 - Truyền thống mỗi môn phái khác nhau, khất thực vốn là một pháp hành có từ lúc Phật còn tại thế; khất thực để triệt tiêu cái ngã của mình, để tạo điều kiện cho người ta gieo phước.

- Vậy sao các sư Bắc Tông không triệt cái ngã của mình? Tôi hỏi tiếp

 Ba bảo:

 - Tu phái nào cũng phải buông bỏ cái ngã cả nhưng mỗi phái có phương pháp khác nhau, có lối hành trì khác nhau.

 Tôi thực sự chưa hiểu cái ngã là gì và cũng không biết taị sao phải triệt nó hay buông bỏ nó nhưng tôi vẫn tò mò:

 - Sao các sư ở tịnh xá chỉ ăn ngày một lần và khi quá ngọ thì không được ăn?

 Ba tôi kiên nhẫn:

 - Ngày ăn một bữa là trì trai, là phương thức sinh hoạt, tu tập có từ thời đức bổn sư còn tại thế.  Ăn bữa trưa là giờ ăn của bậc thánh nhân, còn buổi chiều hay tối là giờ ăn của ngạ quỷ…Các sư tu theo Bắc Tông thì không theo cách này nhưng trước khi ăn đều có thí thực cho kim xí điểu, cho ngạ quỷ…

 Tôi vẫn tiếp tục thắc mắc:

 - Sao các sư Nam Tông ăn thịt được mà các thầy Bắc Tông laị ăn chay?

 Ba giảng giải:

 - Ban đầu Phật chế giới luật cho phép ăn thịt, vì đi khất thực ai cho gì ăn nấy, không sanh tâm phân biệt hoặc giả là thịt “tam tịnh nhục” nghĩa là: Không nghe tiếng con vật bị giết, không thấy con vật bị giết, con vật không phải bị giết vì mình. Các thầy Bắc Tông chịu ảnh hưởng Phật giáo Trung Hoa nên ăn chay. Sở dĩ Phật giáo Trung Hoa ăn chay tương truyền do vua Lương Võ Đế đặt ra!  Ăn chaytôn trọng sự sống, trưởng dưỡng lòng từ bi.

 Tôi thấy ở nhà ngoại hay má nấu chay thường kiêng hành, hẹ, tỏi… nên hỏi:

 - Hành, hẹ, tỏi…là thực vật, sao laị phải kiêng?

 Ba bảo:

 - Phật chế giới như vậy, đành rằng nó là thực vật nhưng ăn vào dễ sanh kích thích dục vọng, thứ nữa là ăn những món đó ma quỷ liếm mép nên tụng kinh sẽ mất trang nghiêm, thanh tịnh

 Thấy ngoaị cũng như dân trong trấn thường hay bảo nhau:” Không được dùng chuối già hương và bông lài để dâng cúng Phật.” Tôi ngạc nhiên:

 - Chuối già hương thơm ngon, bông lài tinh khiết vậy mà sao không được dâng cúng Phật?

 Ba tôi nói:

 - Người ta kể rằng: ngày xưa các cung nữ trong cung bị vua bỏ bê, có người cả đời không được gần gũi nên mới dùng chuối già hương để thủ dâm. Họ nhờ thái giám và những người làm bếp đi chợ mua chuối cho họ, tình cờ vua biết chuyện nên trừng phạt họ và những người liên quan. Vua còn xuống chỉ cấm dùng chuối già hương cúng Phật, còn hoa lài thì dân gian cho rằng nó lẳng lơ nên cũng không được dùng để cúng Phật.

 Tôi cãi:

 - Nếu như vậy thì chỉ những cái chuối ấy thôi, sao laị cấm toàn bộ chuối già hương?

 Ba bảo:

 - Ba không biết, có thể lâu dần thành thói quen vậy thôi!

 Tôi laị nói:

 - Hoa lài thơm và trắng tinh khiết có gì mà lẳng lơ? Con thấy trong phim, Phật tử Thái Lan, Tích Lan, Lào và các nước khác vẫn xâu hoa lài đeo lên cổ tượng Phật để cúng kia mà!

Ba tôi thú thật:

 - Ba cũng không biết taị sao, có lẽ do thói quenquan niệm của cư dân mỗi nơi mỗi khác. Phật chẳng buộc ai phải cúng cái này, không được cúng cái kia; trong kinh Phật dạy cúng dường hương thơm tượng trưng cho đức hạnh, hoa quả tượng trưng cho nhân-quả, nước trong tượng trưng cho thanh tịnh, đèn tượng trưng cho trí huệ… Những quan niệm cuả dân gian nhiều khi không đúng chánh pháp.

 Tôi thấy những điều ba giải thích có cái hay đáp ứng một phần tính tò mò, ham hiểu biết của tôi nhưng có cái cũng chưa làm tôi thõa mãn. Tôi cũng lờ mờ nhận ra nhiều khác biệt giữa tịnh xá và chùa và những điều liên quan tới đạo Phật nhưng chưa đủ hiểu hết. Đó là những câu hỏi đã được giải đáp nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi khác nhưng nhất thời chưa kịp nhớ ra, chưa kịp hỏi.  Ba tôi là một phật tử thuần thành, vẫn thường tụng kinh niệm Phật mỗi ngày. Ba trở thành người khai tâm, ông thầy dẫn đạo đầu tiên của tôi. Ba giải thích nhiều cho tôi nhưng tôi chưa đủ khả năng lĩnh hội hết, tuy nhiên có những cái mà ba giải thích thì sau này lớn lên tôi thấy có phần không thích hợp lắm. Có lần tôi hỏi:

 - Taị sao tịnh xá chỉ thờ có mỗi tượng đức bổn sư mà trên chùa thì thờ quá nhiều tượng vậy? 

Ba bảo:

 - Tịnh xá vốn thờ đức bổn sư là lẽ đương nhiên, chùa tu theo Bắc Tông nên ngoài bổn sư còn thờ Tây Phương Tam Thánh, thờ Bồ Tát…Thờ một vị Phật cũng như là tất cả chư Phật, thờ tất cả chư Phật cũng như thờ đức bổn sư cho nên thờ một tượng hay nhiều tượng cũng không sao cả! mỗi truyền thống có cái khác nhau, ai tu theo truyền thống nào thì y theo cách thức của truyền thống ấy!

 Tôi cứ bám riết theo ba mà hỏi:

 - Tại sao Phật tử đi tịnh xá thì mặc áo trắng mà Phật tử đi chùa thì mặc áo lam hoặc áo nâu?

 Ba nói:

 - Aó trắng tượng trưng cho sự thanh tịnh, tinh khiết. Phật tử mặc áo trắng vốn có từ thời đức Phật và hiện nay Phật tử các nước Thái Lan, Tích Lan…vẫn y như thế! còn Phật tử đi chùa mặc áo lam hay nâu là do truyền thống của nước mình; mặc áo màu sắc nào cũng không quan trọng, quan trọng là mình có hiểu, có tin và có làm theo lời Phật dạy hay không mà thôi! Màu áo là tuỳ theo cái truyền thống và chỉ là tượng trưng.

 Tôi vẫn chưa hài lòng:

  - Vậy mình mặc áo lam đi tịnh xá có được không?

  - Tất nhiên là được, chẳng sao cả! thậm chí quần Tây áo sơ mi cũng tốt! 

 Tôi laị thắc mắc:

 - Tại sao mình phải quy y tam bảo và thọ năm giới mới là Phật tử?

 Ba giải thích:

 - Phật là bậc giác ngộ, pháp là lời dạy của Phật, tăng là đaị diện tiếp nối của Phật. Tam bảo còn có thể hiểu là giác ngộ- chánh- thanh tịnh… Mình quy y tam bảo quay về nương tựa Phật, học và hành theo lời Phật để phát triển từ bi, trí huệ và để giải thoát. Ngũ giới là năm điều mình phải giữ gìn để trở thành một Phật tử, để kiếp sau còn được thân người. Ngũ giới là: sát-đạo-dâm-vọng- tửu, đừng nói rằng chỉ người Phật tử mới cần giữ năm giới này, mà phải nói rằng tất cả mọi người trên thế gian này ai ai cũng cần phải giữ năm giới này cả. Năm giới này hạn độ thấp nhất, là đạo đức căn bản của con người. Nếu mọi người ai ai cũng giữ năm giới này thì thiên hạ thái bình, bốn phương vô sự! Nếu ai ai cũng không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu xã hội sẽ tốt đẹp biết bao. Người với người sẽ tin cậy nhau và tử tế với nhau, người với vạn vật muôn loài sẽ hài hoà với nhau!

 Tôi thôi không hỏi gì nữa nhưng những câu hỏi vẫn còn nhiều lắm ở trong đầu. Buổi tối năm ấy trấn còn thắp đèn dầu, chỉ nhà ông Năm Trình, Bảy Mập là có máy ép mười (F10) chạy điện thắp sáng một góc thị trấn. Những cái máy của Mỹ ngày trước dùng bơm nước ruộng, tối về thắp sáng. Vài nhà lân cận trả tiền thì được câu dây thắp mấy bóng neon sáng trưng. Ba lên lầu châm thêm dầu vào ngọn đèn hột vịt trên bàn thờ Phật rồi công phu. Tôi và anh Hai, thằng Hiếu học bài dưới ánh sáng của ngọn đèn bình ác quy. Mấy anh em tôi cũng như bao thế hệ ở trấn này đều học hành nên người nhờ ngôi trường Bồ Đề Nguyên Thiều. Trường này là trường tư của gia tộc học Trần, sau này bị tịch thu và đổi tên thành trường phổ thông nhưng hầu mọi người vẫn cứ gọi là trường Bồ Đề. Trường nằm kề tịnh xá, chỉ cách nhà ông cai trường và nhà của bác Hữu có nuôi mấy con ngựa để chạy xe thổ mộ. Bọn học sinh chúng tôi thích ngắm nghía những con ngựa này lắm, mỗi khi bác Hữu dắt ngựa ra sông tắm hay thả cho nó ăn cỏ thì chúng tôi bám theo không rời. Bọn tôi hỏi xin:

 - Bác ơi, Cho tụi con rờ nó (ngựa)  một chút có được không?

 Bác cho phép và bảo:” Đứng hai bên hông nó, đừng đứng đằng sau, lỡ khi nó đá bất thần.” thế là chúng tôi sờ mó vuốt ve một cách thích thú. Da lông nó mướt rượt, thịt nó săn chắc vô cùng, lông màu cánh gián, bườm nó như mái tóc trông đẹp và hùng dũng quá. Tôi vỗ vỗ nhẹ mông nó mà tâm cứ tưởng tượng đang cỡi nó phóng vi vút theo triền sông. Tôi còn mơ nó như con chiến mã mà các vị anh hùng ngày xưa đã cỡi, giờ không còn chiến tranh, vả laị bây giờ chiến tranh người ta dùng xe tăng, máy bay, đaị bác… chứ chẳng còn cỡi ngựa nữa, ngựa chỉ còn kéo xe thổ mộ hoặc làm cảnh chụp hình thôi. Những chuyến xe thổ mộ thường bắt đầu từ ba hoặc bốn giờ sáng để đưa các bà, các cô cùng hàng hoá đi các chợ quanh vùng; khi thì lên chợ Quán Cẩm, An Trạch, khi thì về chợ Huyện, chợ Cũ… tiếng vó ngựa lọc cọc trên đường dầu như in vào trong trí nhớ tôi. Hồi ấy nhà bác Hữu là người duy nhất trong trấn có ngựa và chạy xe thổ mộ. Bác ấy tự đóng móng cho ngựa, tự sửa xe trong mắt tôi bác ấy giỏi giang làm sao! Có lần sau khi bỏ hết khách và hàng hoá ở chợ, bác Hữu chạy xe không về. Bọn tôi ùa chạy theo sau đu bám, bác dừng laị và cho bọn tôi lên chở đi một vòng quanh quanh mấy con đường trong trấn trước khi quay về nhà. Thế là bọn tôi được một lần ngồi xe ngựa, coi như đạt được nửa giấc mơ cỡi ngựa tung hoành như mấy nhân vật kiếm hiệp trong phim Hồng Kông. Sân sau trường Bồ Đề giáp với chuồng ngựa của bác Hữu, những phút giải lao giữa tiết học, bọn tôi thường vây quanh ở đấy mà nhìn ngựa; mùi phân, tiểu của nó nồng nặc nhưng hình như chẳng đứa nào ngán, thỉnh thoảng nó khụy hai chân sau và hai chân trước tung lên hí vang. Bọn chúng tôi thấy phấn kích vô cùng!

 Ngày tháng êm đềm trôi qua, trường Bồ Đề không được chăm sóc nên ngày càng hư hao, những cánh cữa long rụng, mái dột, nền bong tróc hầm hố…Không biết do sự may mắn  hay do sự đãng trí của người ta mà bốn chữ Bồ Đề Nguyên Thiều đắp bằng xi măng trên nóc phía trước của văn phòng vẫn còn nguyên không bị đục phá như những nơi khác! mặc dù tháng năm làm cho nó cũ xì, đóng rêu mùa mưa và bạc thếch vào mùa nắng. Sân trường vẫn còn mấy cội bồ đề và phượng vĩ. Nó to đến độ phải hai hoặc ba đứa chúng tôi mới ôm giáp vòng thân, có lẽ nó được trồng từ khi trường được lập ra!  Nhà tôi cách trường chừng non cây số, mỗi ngày hai buổi đi về, đi ngang qua tịnh xá.Tôi vẫn nhớ như khắc đồng tạc đá hai câu đối đắp nổi ở hai bên trụ cổng của tịnh xá:

 Khất sĩ y bát chơn truyền đạo

 Ta Bà du hoá độ nhơn sanh

 Nhớ như in vào tận tâm can mà ngày ấy có biết nghĩa nó là gì, chỉ biết thuộc và nhớ thế thôi. Tôi có hỏi ba và ba cũng giải thích nhưng không hiểu gì, ấy vậy mà vẫn nhớ mặc dù thời gian đã bào mòn, đã làm phai nhạt nhiều kỷ niệm, nhiều bóng hình, nhiều chuyện xưa, nhiều bài học hoặc công thức lý, hoá…

 Ngoài những buổi học ở trường Bồ Đề, ngày nghỉ bọn trẻ con trong trấn thướng kéo vào ngôi đình Vân Hội trong trấn chơi đùa. Ngày ấy trong con mắt bọn tôi, ngôi đình to lớn và linh thiêng lắm. Ngôi đình trong trấn tên chữ rất đẹp, rất hay. Khi gọi tên là hiện lên hình ảnh rất đẹp và nhiều ý nghĩa: mây tụ. Nếu qúy vị đọc sử xưa thì thường thấy những dấu hiệu như: mây ngũ sắc, rồng bay lên, hương toả, kỳ lân xuất… để làm điềm báo tin trước một vị vua anh minh hay một thánh nhân ra đời. Có lẽ cũng từ cái kiểu thức này mà đình làng tôi có cái tên đẹp như vậy! Mặc dù làng tôi chẳng có quới nhân xuất, chẳng có hào kiệt hay anh thư nào cả (may ra có những kẻ ngớ ngẩn). Mỗi năm vào dịp Thanh Minh là ngày cúng đình rất long trọng, linh thiêng. Các bô lão người thì áo dài xanh đậm chữ thọ, người thì áo the khăn xếp đứng ra tế lễ. Bọn con nít chúng tôi: thằng Tèo, thằng Tí, thằng Đực… hễ nghe tiếng trống chầu là chạy vô đình coi cúng đình và chờ được ăn cháo lòng, bánh hỏi. Thằng Tí lanh chanh chỉ vào tượng Nam Tào- Bắc Đẩu giải thích:

 - Hai ông naỳ ghi tên và tuổi thọ của con ngườinhân gian đó!

 Tôi bắt bẻ:

 - Sao mầy biết?

 Nó thanh minh:

 - Tao nghe nội tao nói vậy!

 Thằng Tèo thì tỏ vẻ nghiêm trang hơn, chỉ tượng Quan Công nói:

-         Quan Thánh linh lắm đó, ai ăn thịt chó sẽ bị ông quở!

 Trong trấn có nhiều nhà thờ Quan Thánh, (sau này lớn lên tôi lấy làm ngạc nhiên khi biết ông này là võ tướng vô cùng kiêu căng ngạo mạn, coi người như rơm rác. Ông ta nổi danh với câu nói: “ Hổ tử sao có thể lấy khuyển tử” khi đáp laị lời cầu hôn của sứ giả do Tôn Quyền cử đi. Cũng vì câu nói kiêu căng, bậy bạ này mà ông chết thảm bởi quân Ngô. Sử gia và triều đình Tàu tô vẽ đôn lên hàng thánh nhằm định hướng tư tưởng con dân trung thành với chúng. Vậy mà người Việt cũng mê muội thờ cúng, tin sái cổ!)

 Xem các cụ già tế lễ lâu quá cả bọn mau chán bèn chia phe rượt bắt chạy quanh đình. Đình lớn và rộng lắm, cữa chính quay mặt ra cánh đồng, ngoài ra còn có cữa hậu và cữa hai bên. Bọn tôi thấy kinh thành trong các phim Hồng Kông đều liên tưởng đến đình Mây Tụ sao mà giống nhau thế, buổi tối có hát bội miễn phí cho người trong trấn và các làng bên cùng coi. Tôi với thằng Nuôi nhà gần nhau nhất nên ngày ngày thường vào đình thơ thẩn dạo chơi, khi thì nhặt bông sứ rụng xâu chuỗi, khi thì đá dế và đặc biệt thích làm những mâm cỗ giả với phẩm vật bằng đất sét, hoa lá  và bắt chước cúng tế như các cụ già. Nhà thằng Nuôi là lò rượu, thường đem những cái nong, cái nia cơm bóp men rồi phơi nắng ở sân đình. Anh em nó được giao việc mỗi ngày phải đem những cái vò bằng gốm ra phơi nắng trước khi cho cơm đã nhồi men vào ủ, những cái vò gốm phơi chật cả sân đình. Tuổi thơ chúng tôi trôi qua êm đềm bên đình. Rồi một ngày kia bỗng  nhiên đình bị đóng cữa, không ai được vào trong, tiếp đó là người ta đập những phù điêu, những tượng trên nóc đình, quận cho xe đến chở Nam Tào- Bắc Đẩu cùng toàn bộ trống, chiêng, cờ, xí… đi đâu mất tiêu! rồi đình bị lấy làm nơi sản xuất mành trúc. Bọn chúng tôi chưng hửng, thế là mất một chỗ chơi, thế là từ nay không còn được coi cúng đình, không còn được ăn cháo lòng bánh hỏi miễn phí. Nhân chuyện đình Mây Tụ, tôi laị nhớ thêm chuyện này, năm ấy phong trào bài trừ mê tín dị đoan lên cao, quan quyền bên trên ra lệnh triệt hạ chùa chiền, đình, miếu…khi  việc đập chùa phá miễu lan về Phù Dung trấn, người  người hoang mang lo sợ, không ai dám làm gì cả nhưng lệnh trên cũng không thể cãi laị! Trong lúc dùng dằng ấy thì ông Bảy Mộc hăng hái đứng ra:

-“ Không ai dám đập thì tôi đập cho, nếu có ai bắt thì bắt tôi đây!”

  Nói là làm, ngày ngày ông Bảy Mộc cùng nhóm người của quận mang búa đi đập phá hết đình, miễu, dinh… của xóm chợ, xóm chùa và xóm đình. Đặc biệt chùa Minh Hương cực kỳ linh thiêng, xưa nay không ai dám phá phách. Bà tôi căn vặn con cháu:

 -“ Đi ngang qua chùa Minh Hương phải lấy nón xuống, cúi đầu mà đi!”

  Ấy vậy mà cũng bị đập phá, bao nhiêu đồ tế lễ, tượng mang về quận sạch trơn. Những ngày sau đó nhìn thật điêu tàn, thảm thương. Miễu Kê, Đình Mây Tụ… Cũng cùng chung số phận, trước đẹp đẽlinh thiêng là thế mà giờ trống huơ trống hoác.

  Rồi không biết là bị “vật” hay trùng hợp vô tình mà ngay sau đó ông Bảy Mộc ngã bệnh, bệnh trầm trọng đi khắp các nhà thương mà không nơi nào tìm ra bệnh, đã vậy trở nên dở khùng dở điên. Vợ con khổ sở chạy thuốc thang, cầu đảo khấn vái khắp nơi. Ai bày chi cũng làm, “ thuốc tra ma cầu” mà! Người khắp xóm đình, xóm chợ… đều kinh sợ. Họ xì xầm:

 - Vô lễ nên bị phạt!

  Người thì bảo bị “Vật” ( tiếng địa phương chỉ việc bị qủy thần quở trách, làm cho đau ốm bệnh tật)

  Bà tôi thì nói: “ Có cữ có thiêng, có kiêng có lành”, trên có trời Phật, dưới có thánh thần, đất có Thổ Công, sông có Hà Bá. Ông ấy phạm nên bị quở!

  Sau một thời gian chạy chữa, cầu đảo, cúng kiếng… có lẽ phước ông ta vẫn còn nên bệnh dần thuyên giảm, quan trọng là ông ấy từ đây biết sợ. Tự thân ông đóng laị cái khám thờ dựng lên ngay chỗ cũ của dinh Cây Me, ngày ngày ông ra quét dọn tu bổ laị đình Mây Tụ. Người trong trấn thấy ông thành tâm đốt nhang quỳ khấn vái thì họ ngạc nhiên lắm:

 - Cuối thì ông ấy cũng biết sợ!

 Trấn Phù Dung nhỏ bé như muôn ngàn trấn nhỏ khác trên đất nước này, số phận gắn liền với vận nước. Vận nước thăng trầm thì người trong trấn cũng lênh đênh theo; đình, chùa, miếu mạo… vốn là chốn linh thiêng, là nơi người dân gởi cả tâm mình, nơi nương tựa giữa giòng đời, ấy vậy mà cũng bị họa lây; gặp thời thịnh trị thì hưng long, gặp đời mạt thì cũng tàn phá phế phong. Trong trấn Phù Dung có một cái gò mà dân vẫn gọi là gò Yến. Tôi nghe nhiều cụ lớn tuổi thường kể rằng: “Nơi này ngày xưa là đất Chiêm Thành, chỗ gò Yến bây giờ ngày trước là hành cung vua Chàm. Người Chàm vẫn thường tổ chức yến tiệc linh đình lắm, thời gian vô thường, sự đời bể dâu…Nước Chiêm Thành bị diệt và nhập về Đaị Việt. Ngày nay mọi người vẫn thường nhặt được vàng và nhiều món đồ cổ của người Hời mà ngày xưa dùng cho yến tiệc, nên người mình mới gọi là gò Yến”. Gò Yến nổi tiếng nhiều ma, người ta kháo nhau:  những đêm trăng sáng, ma Hời thường ca hát và khóc lóc nỉ non lắm! Không biết ma các xứ khác thế nào chứ ma ở Phù Dung trấn này lãng mạn thiệt đó, nhất là ma Hời, cứ những đêm trăng sáng là xuất hiện ca hát ỉ ôi. Mà tiếng ca của ma Hời mới nỉ non ai oán làm sao, tiếng ca của người con mất nước, tiếng ca nhớ về dĩ vãng vàng son nên nghe u uất lắm, còn những đêm không trăng người ta bảo: đuốc ma Hời chập chờn xanh lè, cộng với đom đóm lập loè, có cho tiền cũng không dám ra đồng. Tuy nhiên có người ra vẻ rành khoa học bảo: ấy là lân tinh cháy trong không khí! Tuy nhiên trong những lúc trà dư tửu hậu thì laị vô tình tiết lộ: Những đêm tối trời mà thấy ánh sáng xanh là sợ lắm, không dám ra vườn đái! Thế đấy, đời có người cũng mắc cười thật, khi nói thì những tưởng hay lắm nhưng khi đụng chuyện thì mới biết là thật hay giả. Từ Phù Dung trấn đi về hướng Tây chừng ba cây số có một cái gò Đu, gọi là gò Đu vì ở gò này nhiều ma, bọn chúng thường đánh đu ở những cây to quanh đấy. Ma gò Đu là ma Việt, nghĩ cũng kỳ, chết rồi vẫn còn phân biệt!

(Trích đoạn từ bút ký CUPDT)

Tiểu Lục Thần Phong

Ất lăng thành, 2022



Tạo bài viết
17/02/2015(Xem: 11204)
23/02/2017(Xem: 7221)
13/11/2015(Xem: 9119)
26/07/2016(Xem: 13741)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: