Linh Long
Vừa mua cuốn lịch 2011, thế mà lúc này đã có cuốn lịch 2012. Nhanh thật! Tự nhiên trong đầu có bao nhiêu ý nghĩ về thời gian. Thời gian là gì, nên hiểu thời gian như thế nào? Thời gian có phải có mặt ở khắp nơi? Thời gian có phải trên chiếc đồng hồ? trên những quyển lịch? Thời gian của người đang yêu thì như thế nào nhỉ? Thế còn của người đang xem phim trong rạp? của người chơi chứng khoán hay bất động sản? Thời gian của người chơi xổ số mong biết kết quả? của người thất nghiệp? của người trong tù? Thời gian với các loài động vật, thực vật? thời gian trên một chuyến bay? Thời gian trên “Niết bàn”? vv…
Cứ mỗi năm, ta lại thêm một tuổi. Thời gian còn đi học, sao thấy người lớn sướng thật!. Người lớn chẳng sợ cô giáo, người lớn chẳng phải làm bài tập, chẳng phải xin phép ai khi thích ăn bánh, ăn kẹo, khi xem phim hoạt hình… Nhưng khi lớn lên thì người lớn hình như sợ nhiều thứ hơn hẳn, phải làm nhiều thứ hơn hẳn trẻ con. Người lớn sợ những điều bí mật của mình bị lộ, sợ người khác hiểu sai về mình, sợ người khác hiểu đúng về mình, sợ sếp, sợ vợ, sợ con ốm, sợ đưa đón con muộn giờ, sợ đến ngày trả tiền thuê nhà, sợ đến ngày trả tiền ngân hàng, giật mình với cả cô thu tiền điện, tiền điện thoại, tiền ga, tiền nước, tiền truyền hình cáp…và nhiều lúc sợ chính bản thân mình. Nói chung là sợ đủ thứ! Còn người lớn tuổi thì hình như sợ ít thứ đi! Nhưng nỗi sợ lại tăng lên. Người lớn tuổi sợ mình già đi, sợ mình yếu hơn, sợ bệnh tật và sợ nhất là… sang “thế giới bên kia”! Điều này ai mà chẳng sợ? Thế nên, không biết vào giai đoạn nào, trẻ con, người lớn hay người lớn tuổi thì ít sợ nhất nhỉ?
Khái niệm về thời gian thường được nhắc đến như quá khứ, hiện tại, tương lai. Quá khứ hay được nhắc đến trong các bài hát với các tâm trạng tiếc nuối, buồn đau, chia ly…ít thấy các bài hát nói về hiện tại hay tương lai. Tương lai thì luôn mang trong nó bao nhiêu hy vọng?. Khi muốn quên đi hiện tại, người ta hay nghĩ tới tương lai? Tương lai vào mỗi dịp đầu năm hay được các chuyên gia trong mọi lĩnh vực dự báo: tình hình kinh tế năm nay, tình hình giáo dục, tình hình ý tế, tình hình giao thông, tình hình biến đổi khí hậu. Âm nhạc, hội họa, văn học có sẽ những xu hướng gì? vv… Còn thời gian trong hiện tại khi ta nghe đi nghe lại một bài hát yêu thích, đọc đi đọc lại một quyển truyện yêu thích, xem đi xem lại một bộ phim yêu thích, khi ta thực sự có mặt trong hiện tại, ta thực sự có mặt trong bài hát, trong quyển truyện thì ta dễ dàng thấy được sự khác nhau giữa đọc truyện với xem truyện và thấy được nhiều thứ nữa mà mình vẫn thường bỏ qua …Có lúc chợt nhận ra, hình như chỉ có thể giao tiếp với mọi thứ ở hiện tại, và thật khó để giao tiếp mọi thứ trong quá khứ và tương lai…
Có phải thời gian chỉ là gạch nối giữa hai con số nào đó (1942-2008) hay không? Nếu phải gọi thời gian bằng một cái tên thì có thể gọi là “Duyên” được không nhỉ?
Có rất nhiều cách hiểu về thời gian. Mỗi người đều có cách hiểu về mọi thứ cũng như về thời gian căn cứ vào những trải nghiệm của riêng mình. Thế nên cái lý nào cũng có chân của nó chăng? Thời gian của con cá trong bể kia thì sao nhỉ? Nó dành cả cuộc đời mình cho sự yên lặng? càng lắng nghe nó càng yên lặng. Thời gian của em bé một tuổi cũng hay! Đói là khóc đòi ăn ngay, thích ngủ là ngủ luôn, không để ý là ngày hay đêm. Thích tè là tè luôn, không cần biết là trên ghế sofa hay trên giường. Người lớn mà cũng chẳng bị thời gian chi phối như vậy thì hay nhỉ? Cứ khát là uống, đói là ăn, quan trọng gì quả trứng có trước hay con gà có trước. Thời gian có thể biến một điều quan trọng trở nên chẳng quan trọng và ngược lại, biến một người quan trọng trở thành bình thường và ngược lại (Điều bình thường có khi lại quan trọng). Quan trọng mà chẳng quan trọng. Quan trọng là ta ít khi bị thời gian điều khiển, chi phối, ta nhiều khi khéo léo sử dụng và làm chủ thời gian. Khi đó là ta sống trong thời gian chứ không phải sống cho thời gian?
À, thế thì thời gian trên chiếc đồng hồ, trên những quyển lịch có phải là thời gian vật lý?. Còn thời gian chi phối những cảm xúc của ta là thời gian tâm lý? Hay không thể tách rời hai khái niệm này. Thời gian vẫn là nó. Thời gian có phải là khái niệm do con người đặt ra? Nói cách khác, có phải nó là sản phẩm của tâm trí con người? Hình như thời gian không phụ thuộc vào ai nghĩ gì, định nghĩa nó theo cách nào, căn cứ vào điều gì, nó trôi nhanh hay chậm, muộn hay sớm, đúng lúc hay không, nó vẫn như vậy, như trước kia nó đã vậy, bây giờ nó vẫn vậy. Vẫn vậy! Năm hết Tết đến! Và theo quan kiến này, mọi thứ dường như đang diễn ra thật tự nhiên?
Thời gian đã và sẽ trả lời cho ta mọi câu hỏi nhưng cũng đã và sẽ đặt ra cho ta tất cả các câu hỏi. Mà các câu trả lời thường nằm ở chính những câu hỏi thì phải? nên ta việc gì phải đi tìm cho mất thời gian. Thế thì… thời gian để làm gì nhỉ? Có gì dễ mất như thời gian không? Tại sao thời gian lại được ví là vàng là bạc nhỉ?
Và sau một năm với bao nhiêu nhanh chậm, buồn vui, sớm muộn, đúng lúc và không đúng lúc… dường như điều đọng lại sau cùng lại là tình cảm giữa con người với nhau. Lúc này đây, khi những cuốn lịch đỏ rực các sạp báo ven đường, khi những cành Đào, cây Quất thi nhau khoe sắc báo hiệu mùa xuân, hòa mình vào dòng người như hối hả hơn, trong đầu lại vang lên câu hát của Trịnh Công Sơn: “…Hãy yêu nhau đi cho ngày quên tháng…”
Linh Long