Chữa Bệnh Đủ Kiểu - Tác Giả : Trần Khải

25/04/201212:00 SA(Xem: 46640)
Chữa Bệnh Đủ Kiểu - Tác Giả : Trần Khải

Chữa Bệnh Đủ Kiểu
Tác giả : Trần Khải

Trong tình hình viện phí tăng liên tục, các bệnh viện lại quá tải, nhiều người đân đành phải tìm chữa bệnh từ những cách phi truyền thống. Và đa số các trường hợp, có thể gọi là hầu hết, là dẫn tới tai họa.

Chỉ hên lắm, nhờ ảnh hưởng tâm lý, một số người thoát bệnh. Thế là tiếng đồn về thần y, rồi thần dược... tung ra, lại thêm nhiều người tới xin chữa bệnh kiểu quái chiêu. Mới biết, quê nhà bệnh cũng thê thảm, không chỉ vì viện phí, vì đau đớn, mà còn vì mê tín. Họ không biết rằng rất nhiều trường hợp gặp hên mà hết bệnh, y khoa gọi đó là hiệu ứng thuốc vờ, hay hiệu ứng giả dược, hay hiệu ứng thuốc trơ – tên gọi chính thức là “placebo effect.” Bất kỳ bác sĩ nào, dù là tại VN, cũng đều biết tới hiệu ứng này. Thời xưa, ông bà mình quen gọi thuốc dỏm mà chưã được bệnh là nhờ “ông thầy nước lạnh.” Hay lịch sự hơn, gọi là “phước chủ, may thầy.”

Báo Người Lao Động mới tuần này có bản tin “Suýt chết vì chữa trị bậy,” trong đó kể về những kiểu chữa bệnh quái chiêu trong nước hiện nay.

Bản tin viết:

“Có những kiểu chữa bệnh dù chưa được khoa học công nhận nhưng nhiều người vẫn tin tưởng dẫn đến suýt mất mạng. Gần đây, rất nhiều cơ sở y tế phải tiếp nhận cấp cứu nhiều ca chấn thương, ngộ độc… do trước đó được điều trị bệnh theo những kiểu phi khoa học. Chữa bệnh bằng… đấm, đá.”

Bi thảm là hôm cuối tháng 3-2012, thai phụ Nguyễn Hồng N., 24 tuổi, mang thai tháng thứ 6, được chở cấp cứu vì thủng cơ hoành, toàn bộ nội tạng từ ổ bụng trào ngược lên trên lồng ngực gây chèn ép tim và xẹp phổi, nguy kịch, thở gấp, mạch và huyết áp tăng gấp 3 lần so với bình thường, nôn ói, không nằm được. Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ đã mời các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực của Bệnh viện Chợ Rẫy sang hội chẩn và phẫu thuật cấp cứu.

Lý do: chị bị thương tích nội tạng vì gia đình kêu thầy cúng tới chữa bệnh bằng đấm đá.

Bản tin Người Lao Động cũng kể về trường hợp một cậu bé 4 tuổi đưa lên Hà Nội cấp cứu bị ngộ độc cấp tính hiếm gặp, vì nghe thầy lang nên sắc lá trầu hôi cho uống, thế là em bé tái xanh, tiểu ra máu... may lên Bệnh Viện Bạch Mai cứu kịp.

Hay như trường hợp, báo Tiền Phong kể chuyện một võ sư dỏm ở Quảng Ngãi chữa bệnh bằng... điện thoại. Nhiều con bệnh nhờ chữa, mua thuốc dỏm của thầy này. Thế là công an tới bắt.

Hay trường họp đầu tháng 4-2012, thông tấn VnExpress kểvề một thầy lang vườn bán thuốc đông y dỏm chữa viêm khớp. Thuốc này được kiểm lại, có độc chất:

“...Sau gần một tuần phân tích mẫu thuốc đông y, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm tỉnh Quảng Ngãi kết luận, trong 650 gói thuốc đông y do ông Khoan bán cho người dân đều có chứa paracetamol. Đây là chất giảm đau, nếu dùng trong thời gian dài sẽ gây suy gan.”

Hay như trường hợp báo Đời Sống & Pháp Luật hôm 22/3/2012 kể về chuyện “Thực hư chữa bệnh ung thư bằng đá quý?”

Bản tin viết:

“Nói về trường hợp giường đá chữa bách bệnh, chữa được cả ung thư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, trưởng bộ môn Ung bướu Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đặt nghi vấn: "Thế giới đã tốn bao nhiêu công sức, tiền của để nghiên cứu mà chữa khỏi được bệnh ung thư còn là một vấn đề nan giải, người bán loại giường đá không phải là chuyên gia ung thư, kiến thức về căn bệnh này đến đâu mà dám tuyên bố như vậy? Điều trị bệnh ung thư, các bác sĩ phải căn cứ theo từng loại ung thư để biết được do virus nào gây ra mà sử dụng phác đồ điều trị thích hợp. Khác với những căn bệnh khác, nếu phát hiện hoặc điều trị chậm trễ, bệnh nhân ung thư sẽ phải trả giá bằng cả mạng sống.”...” (hết trích)

Hay như các trường hợp tin rằng đền này, miễu nọ có thể giúp chữa bệnh. Vậy mà có khi linh ứng chữa bệnh được, thế là người thoát bệnh liền ca ngợi thần thánh cõi bên kia, rằng có người chết này đã làm nên phép lạ này, rằng có người chết kia đã làm nên phép lạ kia...

Tất cả những trường hợp gặp hên mà hết bệnh, y khoa đều gọi là “placebo effect,” nghĩa là “hiệu ứng thuốc vờ.” Độc giả có thể đọc rất nhiều nghiên cứu về hiệu ứng thuốc vờ bằng cách vào mạng www.google.com và gõ “placebo effect” sẽ ra nhiều ngàn bài nghiên cứu y khoa về thuốc vờ chữa bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức cũng có bài viết công phu nhan đề “Thuốc Vờ - Hiệu quả Placebo,” trong đó có những thông tin quan trọng về ảnh hưởng này. Bài viết trích như sau:

“... Hiện nay, hiệu quả placebo được hiểu rộng rãi hơn và bao gồm tất cả các phương thức được áp dụng để trị bệnh mặc dù từ bản chất chúng không có tác động nào. Đây có thể là một viên đường, một cục kẹo, một dung dịch nước pha muối, đường, một bữa ăn đặc biệt hoặc một phẫu thuật “cuội”.

Nghiên cứu về placebo

placeboĐã có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của thuốc trơ.

Năm 1955, bác sĩ chuyên khoa tê mê Henry K. Beecher tại Đại học Harvard, Boston đã phân tích 26 nghiên cứu về thuốc trơ và thấy 35% trong số 1,082 bệnh nhân bị đau nhức, buồn rầu, đau bụng có đáp ứng thỏa mãn với loại thuốc vô thưởng vô phạt này. Ông đã công bố kết quả trên Tạp san của Hội Y Học Hoa Kỳ dưới tiêu đề “The Powerful Placebo”, được nhiều người tham khảo, nhắc nhở.

Năm 1960, một nghiên cứu khác cho hay khi bệnh nhân uống một chất được nói là có tác dụng kích thích thì huyết áp của họ lên cao, nhịp tim nhanh. Trái lại khi nói là thuốc ngủ thì có phản ứng ngược lại.

Trên báo The New York Times Magazine ngày 9 tháng 1 năm 2000, tác giả Margaret Talbot đã kể lại kết quả nhiều quan sát về thuốc trơ, trong đó có trường hợp một số bệnh nhân bị viêm đại tràng dùng thuốc vờ và 52% bệnh nhân cho biết họ cảm thấy khá hơn.

Hai khoa học gia Asbjorn Hrobjartsson và Peter C. Gotzsche phân tích 114 nghiên cứu từ năm 1946 tới 1998 với ba nhóm người có 40 loại bệnh khác nhau: nhóm 1 chữa bằng thuốc đặc nhiệm cho bệnh, nhóm 2 chữa với chất trơ, nhóm 3 không thuốc không giả dược. Kết quả là nhóm 3 có người cũng lành bệnh như nhóm thứ 2.

Một số nghiên cứu cho hay, người bị nhức đầu, đau lưng, viêm khớp, trầm cảm nói có thể thuyên giảm khi dùng giả dược. Hoặc placebo cũng có thể làm hạ cao huyết áp, nhiệt độ trên da, nhịp tim, cholesterol trong máu.

Ngày 4 tháng 1, 2008, nghiên cứu do bác sĩ John Hickner cho hay 45% bác sĩ tại ba bệnh viện ở Chicago đều cho bệnh nhân dùng giả dược và 95% các bác sĩ cho biết là bệnh nhân thấy dấu hiệu bệnh giảm rất nhiều...

...Ngoài thuốc vờ, còn có phẫu thuật trị liệu vờ (Sham surgery). Cách đây hơn 40 năm, bác sĩ chuyên khoa tim Leonard Cobb tại Seattle thực hiện thử nghiệm rạch lồng ngực, nối hai động mạch để tăng máu tới tim. Kết quả là 90% bệnh nhân cho hay bớt đau ngực.Trong khi đó, một số bệnh nhân chỉ được rạch ngực mà không nối động mạch cũng cảm thấy bớt bệnh...” (hết trích - toàn văn lưu ở đây: http://www.yduocngaynay.com/2_2NgYDuc_placebo.htm)

Một điều có thể thấy rằng, các diễn đàn điện thư người Việt trước giờ có rất nhiều email nói rằng nấu lá này hay nấu lá kia sẽ chữa được bệnh ung thư, hay thậm chí dược thảo này hay dược thảo kia chữa được bá bệnh, hay trái cây này hay loại rau kia chữa được ngàn bệnh... Dưới mắt y khoa, hầu hết đều là dỏm hết, đều là thuốc vờ hết, tuy nhiên sẽ có người hết bệnh vì cơ duyên nào đó hay vì tác dụng tâm lý, và rồi lại đồn nhau về trái cây thần dược bá bệnh lung tung.

Điều nguy hiểm hiện nay là tại quê nhà có quá nhiều “ông thầy nước lạnh” chữa bệnh kiểu quái chiêu, mặc dù họ không có kiến thức chút nào về y học hay về thuốc vờ. Và kiểu chữa bệnh như đấm đá bệnh nhân, hay sắc lá trầu hôi để uống để bị ngộ độc thấy rõ cực kỳ nguy hiểm.

Còn chuyện đi cúng đền cúng miễu để xin phép lạ chữa bệnh thôi thì chẳng dám bàn nhiều, vì cũng là đức tin tín ngưỡng. Dù vậy cầu xin thì được, nhưng đừng đi xa tới mức gọi hồn hay áp vong thì không còn là chữa bệnh nữa. Cảnh giác, cảnh giác.

Trần Khải

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/04/2023(Xem: 3010)
19/10/2016(Xem: 11921)
08/08/2010(Xem: 109873)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.