Bệnh Tật Là Món Qùa Chân Pháp Đăng

07/12/201212:00 SA(Xem: 50030)
Bệnh Tật Là Món Qùa Chân Pháp Đăng

BỆNH TẬT LÀ MÓN QÙA
Chân Pháp Đăng

Đẹp Lạ thường
Xin trả về thiên nhiên
Những dòng suối yêu thương
Đổi trao từ vô thỉ
Sự sống đẹp lạ thường
Xin trả về quê hương
Tấm thân cát bụi này
Chết như thay chiếc áo
Sống thương yêu mỗi ngày.

Bài thơ này, Lang quán chiếu về cái mong manh của kiếp người lúc còn ở trên núi cao. Đây là một phép quán quan trọng cho các thầy, các sư cô lúc Bụt còn tại thế.

Bạn không thể nào giữ được tâm bình thản trước cái đau nhức khủng khiếp lúc xác thân này tan rã, chỉ có những người có chuẩn bị tinh thần bằng phép thực tập làm quen và nhìn sâu vào cái chết. Bạn phải tập chết mỗi ngày. Bạn không nên tin rằng ‘chết’ là điềm chẳng lành, đừng bị người ta lừa rằng nó là một việc cấm kỵ. Không! Chết là một nghệ thuật tuyệt vời, cao nhất của một kiếp người. Bạn phải tập chết cho thật đẹp, an, lành. Người Tây Tạng để hết cả cuộc đời quán chiếu, chiêm nghiệm, học hỏi về bản chất của cái chết, do vậy họ có nếp sống rất bình thản.

Sự thật, biết bao nhiêu tế bào trong cơ thể đang chết trong từng giây từng phút. Đồng thời, biết bao nhiêu tế bào trong cơ thể đang sinh sôi nẩy nở mỗi ngày. Từ đó, bạn thấy rõ sống chết là chuyện bình thường, đang xảy ra ngay trong cơ thể bạn. Sống chết lưu chuyển, trao đổi với nhau làm cho sự sống thêm linh động như ngày qua đêm, mưa rồi nắng, xuân tới hạ…

Bạn nhớ đừng sống hững hờ với những gì mầu nhiệm đang có mặt trong sự sống và đừng tự che mắt trước sự thật mong manh của mọi sự, mọi vật. Có cái thấy này, bao nhiêu việc khác trở nên không còn quan trọng nữa. Biết đói, bạn mới nếm được cái hạnh phúc khi được ăn no. Biết đau nhức, bạn mới cảm được cái hạnh phúc khi không còn đau nhức. Biết chết, bạn mới thấy được cái hạnh phúc khi được sống thật sự. Hãy sống vui tươi, hạnh phúcyêu thương ngay đi bạn! Đừng đợi niềm vui, hạnh phúc ở ngày mai hoặc nơi nào khác vì nó có thể muộn màng.

Bạn thử tập nhìn sự sống của bạn có ở trong thân tứ đại nhưng cũng có mặt ngoài thân tứ đại. Hãy tập làm quen rằng: Thân này là mảnh vườn, máu này là dòng sông, hơi thở này là không khí, nhiệt lượng này là ánh nắng buổi sớm, trái tim này là mặt trời… Mỗi giây mỗi phút, sự sống bạn liên tục gắn liền, đổi trao mật thiết với nhiều yếu tố khác trong sự sống. Uống nước, bạn là mạch nước từ trong lòng đất, bạn là con suối nhỏ, bạn là đám mây bay… Ăn cơm, bạn là cánh đồng lúa vàng đang hát vi vu trong cơn gió. Thở không khí, bạn trở thành không gian bao la… Nghe dòng sông vỗ vào bờ, bạn nghe được tiếng gọi từ bản thể uyên nguyên của chính mình. Thấy ruộng vườn, núi sông, bạn thấy được tấm thân mênh mông của bạn… Bạn là tất cả vũ trụ bao la. Nhìn đâu, bạn cũng thấy được mặt mũi chân hình.

Sự sống tuyệt vời như vậy đó! Sao bạn cứ mãi nhốt tâm hồn trong ngục tù cô đơn, buồn tủi, giận hờn. Hãy trả về thiên nhiên những dòng suối yêu thương. Hãy trả về quê hương tấm thân cát bụi này. Quê hương sẽ ôm ấp, chở che cho bạn. Bạn sẽ ngủ yên trong lòng đất. Tâm hồn bạn sẽ đi về nơi quê xưa chốn cũ. Hãy tập chết để biết trân quý sự sống và sống sâu sắc từng giây phút hàng ngày. Chết như thay chiếc áo nên bạn tập sống yêu thương mỗi ngày.

Anh không chết đâu!

Anh Lang ơi! Anh hãy cố gắng lên nhé. Anh về với Sư Ông và tăng thân. Anh nhớ tu tập để vượt qua giai đoạn sinh tử này. Đó là lời từ giả của Nguyễn thị Nắng Mai, em của Lang qua điện thoại.

- Vâng! Em đừng lo! Tuy nhiên, anh sẽ nhớ lời em. Anh sẽ sống mãi và sẽ trở về quê hương.

Nắng mai thầm thì:

- Mong gặp lại anh ở Lang Mai.

Chắc chắn thế! Anh không chết đâu!

Lang lên tiếng trả lời điện thoại trong lúc nhìn các bác Phật tử đang rưng rưng nước mắt tiễn đưa, rồi Lang nhẹ nhàng an ủi:

- Các cô, các bác kính thương! Thế nào thầy cũng sẽ lành bệnh và trở về với tăng thân Huế. Các cô, các bác đừng khóc nữa.

Hôm ấy có vài chục người có mặt tại phi trường: gồm các thầy Từ Hiếu, các sư em Diệu Trạm và các cô bác trong đạo tràng tổ đình Từ Hiếu. Các bác đã biết tin Lang bệnh nặng trong buổi giảng hai hôm trước.

Quý thầy mời Lang nói pháp thoại trước khi rời chùa tổ. Lang ngần ngại vì chưa biết mìnhđủ sức hay không. Lang chỉ mới xuất viện hơn tám ngày và mới được ăn cháo có hai ngày. Tuy nhiên, biết bao nhiêu tình cảm dành cho tăng thân suốt năm qua, Lang đồng ý với quý thầy. Các thầy, các sư cô nghe tin Lang nói pháp, ai ai cũng vui mừng! Sáng chủ nhật ấy, các thầy, các sư cô đến nghe thật đông. Lang nói bài pháp ngắn cho các em Thiện Tài Đồng Tử về hoa. Các em hãy dùng hoa để trang điểm cho cuộc đời. Bàn tay cũng là hoa, vì bàn tay có thể làm ra tình thương. Ánh mắt cũng là hoa, vì cái nhìn làm ra tình thương….

Các cô bác trong đạo tràng đâu có biết là Lang đã có mặt tại chùa tổ hơn mười ngày, bởi thế sau ngày chánh niệm, họ đến thăm rất đông. Người này thăm hỏi, người kia góp ý, người nọ quan tâm giúp Lang tìm cách điều trị ung thư. Đa số mọi người đều không muốn Lang điều trị bằng hóa chất. Các thầy đến chơi, an ủi, yểm trợ tinh thần, góp ý kiến về phương pháp trị liệu. Anh em nói chuyện, vui đùa, uống trà biểu lộ biết bao là tình. Lang cảm động nhất là ánh mắt và lời nói của thầy Từ Đạo và thầy Từ Hòa biểu hiện đầy sự quan tâm và tình yêu thương.

Các sư em gái Diệu Trạm và Tây Linh thương Lang không thua gì các thầy, các sư chú ở Từ Hiếu. Mỗi ngày, các em nấu thức ăn thật ngon cho Lang mà Lang đã ăn được gì đâu! Các em hát cho mình nghe. Các em biết mình thích hoa Ti Gôn nên lần nào cũng đem hoa trang hoàng ở phòng của Lang. Hai sư mẹ Đức Nguyên và Thần Nghiêm tổ chức cho Lang ngồi chơi với các sư em. Các sư em nghe tin Lang bệnh nặng, không biết sống được bao lâu nên muốn tạo cơ hội để an ủi Lang. Các sư em mời Lang ăn cơm chiều, và Lang đã hát cho các sư em nghe bài “Ý thức em mặt trời tỏ rạng”. Có em hỏi với ánh mắt xót thương:

- Thầy có buồn không?

Lang trả lời:

- Không đâu! Được ngồi với các sư em trong lúc này, sư anh vui lắm!

Một em khác tâm sự:

Hạnh phúc nào đang có trong lòng thầy?

Lang trả lời:

- Được ngồi bên các sư em. Được nhìn những khuôn mặt tươi sáng tỏa rạng niềm an lạc, thanh thoát từ các sư em là niềm vui của sư anh. Đang còn sống là niềm vui khác.

Một sư em trai tâm sự:

- Sao dạo này sư anh cười hoài. Đúng là có chuyện lớn mới biết rõ sư anh mình.

Một sư em trai khác chia sẻ:

- Bị bệnh ung thư mà thầy thường vui cười suốt thời gian ở chùa Tổ, con mới thấy sự tu tập của thầy thật sâu. Chứ gặp người khác thì họ sẽ lo sợ biết chừng nào. Thầy làm cho con có niềm tin nơi đời sống tu tập.

Sư em có biết không? Khi nghe tin bác sĩ báo mình bị ung thư, Lang hơi trầm lặng một lúc, nhưng sau đó Lang tìm lại niềm vui. Lang thường quán chiếu về phép cửu tưởng, tức là chín giai đoạn tan rã của thể xác, vì thế cho nên Lang chấp nhận cái tin ấy dễ dàng. Lang thấy sống chết đã được ghi rõ ràng trong sách số mạng, xin thêm một phút cũng không được đâu, vì thế mình buồn làm gì cho sầu khổ! Bụt cho mình sống bao nhiêu năm thì mình có cơ hội tu tập và gieo duyên Phật Pháp với mọi người bấy nhiêu. Đời cho mình thêm bao nhiêu ngày thì mình sống vui bấy nhiêu. Sống vui tươiyêu thương suốt hai mươi năm qua trong lòng tăng thân là quá đủ rồi. Lang thật sự thỏa mãn về đời sống của chính mình.
Suốt năm qua, Lang ở ẩn một mình nơi hoang đảo, đã có cơ hội tiếp xúc, hòa nhịp, thâm nhập với nắng mai, rừng cây, lá thu, không khí, thiên nhiên và niềm vui ấy không bao giờ mất đi. Có thể, Lang sẽ chết một ngày gần đây nhưng đó chỉ phần thể xác thôi. Thân thể sẽ về với cát bụi. Tứ đại sẽ về với tứ đại. Còn tâm linh Lang sẽ sống mãi với các sư em, mọi người, thiên nhiênvũ trụ bao la. Nếu ra đi thì Lang sẽ về với cõi an lành. Tâm thức Lang thì thầm đường nét như thế. Đặc biệt, Lang có niềm tin là mình sẽ lành bệnh. Bụt sẽ độ cho Lang sống mãi.

Trong cơn đại giải phẫu, tâm Lang thật bình an và sáng suốt! Thân thể có nhiều đau nhức và cơ thể thật tiều tụy bởi Lang nhịn ăn, nhịn uống hơn hai tuần. Gia đình, ai cũng lo lắng cho Lang. Nắng Mai thường có mặt để chăm sóc và cầu nguyện cho Lang.

Ngày thứ hai sau khi mổ, Nắng Mai đã xuất hiện. Thấy trình trạng của Lang, Nắng Mai lo lắm. Sự sống của Lang mong manh quá! Hình hài gầy yếu, tàn tạ quá độ. Mai an ủi Lang mà nét mặt lộ rõ sự lo lắng. Bỗng nhiên, Lang mỉm cười:

- Anh không sao đâu, Nắng Mai!

Ngày thứ ba sau khi mổ Lang quá yếu. Bác sĩ không để ống dẫn lưu nên dịch và đờm giải ứ đọng trong dạ dày quá tải, làm cho bụng Lang căng lên thật lớn. Lang đau đớn nơi vết mổ và khúc ruột nối. Cuối cùng, bác sĩ phải đặt ống dẫn lưu qua lỗ mũi vào đến dạ dày, vì thế Lang bị ói cả đem. Mỗi lần ói là một đau nhức. Lang vừa đau vừa mất ngủ, do đó thân thể càng thêm tiều tụy. Sáng hôm sau, Nắng Mai vào thăm và hỏi một cách xót xa:

- Anh cảm thấy như thế nào, hở anh!?

Lang trả lời có phần vừa đùa, vừa thương:

- Anh chưa chết đâu em làm cho Nắng Mai bật cười.

Chết chưa chắc là khổ, sống chưa chắc là vui. Khổ là vì thương tiếc, mất mát, lo sợ. Anh thương cho người ở lại.

Nắng Mai ơi! Đau nhức trong thân thì không thể nào tránh được, nhưng đau khổ có thể vượt qua. Qua bờ là không có đau khổ bởi cơn đau, mổ xẻ, bệnh tật. Qua sông là không lo, không sợ, bình tĩnh, sáng suốt trong những lúc thử thách này.

Lang cám ơn biết bao tình thương của gia đình, tăng thân và bạn bè. Tới lúc bệnh nặng, Lang mới thấy tình người có thật trong trái tim mỗi người. Cám ơn những đóa hoa Ti Gôn tươi thắm như tình yêu của mỗi người, tăng thân, bạn bè. Không có tình yêu ấy, khổ đau như thế này không thể nào vượt qua, bởi cơn đau quá lớn mà cũng vì nỗi cô đơn, sợ hãi, lo lắng ở nơi tâm hồn. Vậy, qua sông phải có chiếc đò tâm linh bình lặng và tình thương che chở từ bạn bè, anh em và gia đình.

Bệnh vẫn vui tươi

(BBT mạng EIAB xin trân trọng giới thiệu buổi trò chuyện thân mật giữa thầy Thích Chân Pháp Đăng và BBT. Bạn sẽ được nghe những tâm sự chân thành cũng như kinh nghiệm quý có được khi Thầy vượt qua những giai đoạn khó khăn của bệnh tật.)

Người phỏng vấn: Chân Pháp Lữ là bác sĩ y khoa tốt nghiệp ở Pháp.

Người phỏng vấn: Thưa thầy! Con cảm ơn thầy cho chúng con một buổi tiếp xúc. Con biết thầy là đệ tử lớn của Sư Ông, tu được nhiều năm nhưng thầy không ở làng thường xuyên. Thầy phải trụ trì tu viện Rừng Phong ở Mỹ. Xin thầy cho chúng con biết thầy tu tập theo pháp môn Sư Ông năm nào? Xuất gia đã bao nhiêu năm?

Thầy Pháp Đăng: Mình xuất gia tại Mai Thôn Đạo Tràng năm 1990. Mùa Đông năm 1999 tăng thân gửi mình qua tu tập tại tu viện Rừng Phong. Năm 2006-2007, ba anh em đi tìm đất vùng New York để thành lập tu viện Bích Nham. Mùa đông năm 2008, mình trở về Làng Mai an cư kiết Đông. Hết mùa an cư ấy, mình về chăm sóc mẹ bị tai biến đang ở tu viện Lộc Uyển. Tháng 8, 2008 mình và sư cô Tuệ Nghiêm đưa mẹ về Việt Nam trị liệu. Sư cô ở lại chùa Kiều Đàm chăm sóc cho mẹ, và mình vào tu ở tu viện Từ Hiếu.

Từ đầu năm 2005 đến bây giờ, mình thường về ở Chùa Tổ, có khi 6 tháng, có khi một năm hay có lúc một năm rưỡi. Ngoài thời gian ở Từ Hiếu, mình ở tu viện Lộc Uyển, ở tu viện Bích Nham. Trong thời gian mười năm ấy, mình về Làng Mai chỉ có hai mùa Hè và một mùa Đông. Tính ra cho đến bây giờ, mình đã xuất gia được 21 năm. Nói tới thời gian, mình cảm thấy mắc cở bởi sự tu tập của mình vẫn còn yếu kém lắm.

Người phỏng vấn: Thầy gốc ở Huế. Thầy có duyên tu tập ở Chùa Tổ. Nếu tính từ 2005 đến nay, thầy đã ở đó năm sáu năm rồi. Con nghe gần đây thầy bị bệnh nặng, xin thầy chia sẻ cho chúng con biết chuyện gì đã xảy ra không ạ?

Thầy Pháp Đăng: Dạ vâng! Mình bị bệnh ung thư ruột già. Bệnh này có trong thân thể lâu rồi, ít nhất sáu bảy tháng. Nó đau quằn quại! Mỗi lần đau, mình tuyệt thực hai ba ngày. Mình thường lên cơn sốt vào ban đêm. Lúc đó, mình đang tu tập tại tu viện Cát Tường. Ban đêm ở Cát Tường lạnh lắm thế mà mình đau đến đổ mồ hôi. Mình cứ tưởng đau cái gì thôi như đau ruột thừa, nhưng đau ruột thừa kiểu này chịu cũng không nổi.

Tuyệt thực hai ba ngày thì cơn đau dịu xuống. Lúc ấy mình chỉ uống nước trái cây và ăn cháo oatmeal. Mình không sợ bệnh mà cũng không sợ chết và có khả năng chịu đựng cơn đau nên mình vẫn sống vui, thiền hành, thiền tọathỉnh thoảng vẫn đi hướng dẫn khóa tu nơi này, nơi kia. Hoàn toàn mình không biết cơn bệnh nặng như thế.

Người Phỏng Vấn: Thưa thầy! Tu viện Cát Tường ở bên Mỹ phải không thầy?

Thầy Pháp Đăng: Dạ thưa vâng!

 

Chấp nhận cơn bệnh

Người Phỏng Vấn: Các bác sĩ khám ra được bệnh của Thầy lúc nào?

Thầy Pháp Đăng: Cuối năm 2010, mình về Việt Nam làm trai đàn chẩn tế cầu nguyện cho ba và ông bà tổ tiên. Lý do là có đứa cháu gái dâu thường thấy ba mình xuất hiện. Ba đã mất chừng ba lăm bốn chục năm rồi, thế mà cháu nói là ông ngoại cứ tới thăm đứa con trai của con. Chị mình nói rằng:

- Thầy ơi! Có thể nào ba vẫn chưa siêu thoát không thầy à? Ba đã mất gần bốn chục năm rồi mà.”

Mình trả lời với chị là để thầy về Việt Nam làm trai đàn chẩn tế cầu nguyện hồi hướng công đức cho ba.

Thời gian ấy cơn đau vẫn quằn quại lắm nhưng mình không cho ai biết. Trước khi vào Trai đàn chẩn tế để giải oan cho thập loại cô hồn, mình lạy Lương Hoàng Sám hơn một tuần. Lạy liên tục tuy mình vẫn đau, đôi lúc cơn đau quằn quại, có lúc lạy xuống đứng lên cảm thấy xoàn xoàn muốn té.

May có các thầy Từ Hiếu về yểm trợ, sáng hai thầy, chiều hai thầy và mình đứng làm chủ lễ sám hối. Anh em tu miên mật như vậy đó. Đến khi xong Trai đàn chẩn tế thì cơn đau trở nặng, ăn không được, phải nhịn cả tuần. Không biết tính làm sao, gia đình đưa lên bệnh viện thì họ tìm không ra bệnh. Họ cho ba loại trụ sinh uống vào càng đau kiệt quệ hơn. Cuối cùng, mình nhớ đến bác sĩ Tôn Thất Cầu, trưởng khoa ung bướu bệnh viện Trung Ương Huế. Khi Sư Thúc bị bệnh, bác sĩ chăm sóc hết lòng. Với lại, vợ bác sĩ, chị Ngãi thường lên chùa Từ Hiếu nghe mình giảng pháp. Sau khi gọi, bác sĩ nói thầy phải lên cấp cứu gấp. Họ nội soi, thử máu và phát hiện ra một khối u to bằng quả trứng vịt ở ruột già.

Người Phỏng Vấn: Khi đó, ngoài đau, kiệt sức, nó còn hành hạ gì nữa không? Thầy có sụt cân không?

Thầy Pháp Đăng: Mình sụt cân dữ lắm từ 64 kg xuống còn 50 kg, thiếu máu trầm trọng, hồng huyết cầu bị phá nhiều. Họ giải phẩu khối u trong vòng một tuần. Sau khi thử nghiệm, các bác sĩ cho biết nó là u ác tính ở giai đoạn thứ ba. Để cho chắc ăn, họ mổ khoảng chừng một gang tay hai bên khối u, rồi mới nối ruột già lại với nhau. Chuẩn bị cho cuộc giải phẩu, họ làm nhiều thử nghiệm vì vậy trong thời gian ấy mình phải nhịn đói đến 16 ngày nữa, tổng cộng thời gian nhịn đói là 20 ngày.

Người Phỏng Vấn: Khi mổ, thầy có đi ngang giai đoạn thập tử nhất sinh không?

Thầy Pháp Đăng: Dạ thưa có! Khi vào mổ, mình yêu cầu các bác sĩ không chích thuốc tê. Bác sĩ nói: “Như vậy thầy chịu không nổi đâu, nó đau đớn lắm.” Mình nói tôi sẽ chịu nổi. Mấy tháng nay, tôi đã chịu được cơn đau. Bác sĩ nói: “Con nghe lời thầy nhưng họ vẫn chích thuốc tê như thường.”

Sau giải phẩu một ngày, sư cô Thuần Khánh nói: “Có lúc anh không còn thở nữa, thấy anh tiều tụy quá nên em sợ ghê!” Mình kiệt sức quá vì nhịn đói đến hai chục ngày, và năm sáu tháng cơn đau tàn phá quá nhiều sức khỏe.

Người Phỏng Vấn: Thời gian mổ là bao lâu thưa thầy?

Thầy Pháp Đăng: Dạ! Hai, ba tiếng.

Người Phỏng Vấn: May mắn cho thầy! Họ là những chuyên khoa mổ bướu. Vậy, thầy ở bệnh viện bao nhiêu ngày.

Thầy Pháp Đăng: Nhập viện đến khi xuất viện là mười sáu ngày. Ngày thứ năm sau khi mổ mới bắt đầu uống nước. Ruột già thông thì mới uống được. Ngày thứ sáu mới ăn cháo thật lỏng. Ăn cháo được là mình muốn xuất viện, bởi vì mình biết không khí, năng lượng rất quan trọng và môi trường Chùa Tổ có năng lượng lành giúp mình hồi phục sức khỏe rất mau.

Người Phỏng Vấn: Theo con được biết những ca mổ thường từ hai tuần đến một tháng. Thầy có năm ngày xuất viện thì thầy có nhiều sức khỏe để hồi phục quá. Thưa thầy! Xin thầy chia sẻ sau đó bác sĩ có muốn thầy hóa trị hay xạ trị gì không?

Thầy Pháp Đăng: Hai ngày sau mổ, mình muốn ngồi thiền dù còn rất đau. Mấy đứa em đỡ mình ngồi dậy ngồi thiền. Ngày thứ ba, mình muốn tập đi để cho vết thương cử động, máu tới vết thương thì nó mau lành. Lúc đang ở Chùa Tổ, bác sĩ Cầu cùng người vợ lên thăm và bác sĩ hỏi: “Ngày hôm nay nữa là thầy mổ đến ngày thứ mấy rồi.” Mình trả lời dạ được tám ngày và mới ăn được có hai ba ngày thôi. Bác sĩ nói: “Trong một tuần nữa, thầy phải vô hóa trị liền.”

Gia đình không có muốn mình hóa trị ở Việt Nam. Họ thật sự không tin tưởng y khoa Việt Nam. Gia đình muốn mình về Mỹ khám lại cho chắc. Nếu cần hóa trị thì điều trị tại Hoa Kỳ, dù sao kỹ thuật bên kia cũng cao hơn. Sư Ông nói với thầy Pháp Niệm và sư cô Chân Không gọi bảo sư anh qua Pháp để tăng thân lo và hóa trị ở Pháp. Bác sĩ Tôn Thất Cầu nói là trong vòng một tháng thì thầy phải hóa trị liền. Nếu trể tế bào ung thư có thể mọc lại thì lúc ấy bác sĩ cũng bó tay.

Tin vào giáo lý của Bụt

Người Phỏng Vấn: Con biết sự nguy hiểm trong việc giải phẩu bướu ác tính vì sau đó bướu nhỏ ở nhiều nơi trong cơ thể có thể đột phát một cách dữ dội, cho nên các bác sĩ khuyên thầy phải hóa trị sớm. Nhưng vì lý do nào mà thầy không theo lời yêu cầu đó?

Thầy Pháp Đăng: Dạ thưa! Mình tin lời bác sĩ nhưng mình tin Bụt hơn. Mình thấy như thế này: Sống chết đều có mạng do nghiệp lực chi phối. Nếu nghiệp mình phải chết sớm thì làm cách gì cũng chết mà thôi. Vậy, sống thêm nữa tháng, mình cảm thấy đủ hạnh phúc.

Thật sự là mình không tin nơi phương pháp hóa trị. Lý do là mình cũng có nghiên cứu sơ qua về các loại hóa chất. Các chất hóa học ấy tàn phá không chỉ riêng tế bào ung thư mà tàn phá hết cả cơ thể. Mình có tham khảo ý kiến của bác sĩ Cầu về phần trăm thành công của bệnh nhân điều trị bằng hóa chất. Bác sĩ nói có khoảng 60-64% thành công về phương pháp hóa trị, và bệnh nhân có thể sống thêm một thời gian từ vài năm đến mười mấy năm.

Mình quyết định không hóa trị dù bác sĩ thúc như thế nào đi nữa. Bác sĩ bảo là điều trị ít nhất là tám ống, mỗi 28 ngày hóa trị một lần. Qua Làng Mai nương tựa Sư Ông và tăng thân, mình quyết định dùng phép hành thiền và ăn cơm gạo lứt theo pháp Osawa để điều trị. Nếu chết thì mình chết trong lòng tăng thân với sự cầu nguyện của Thầy. May mắn là vào Sài Gòn để ngày hôm sau đi Pháp, có một vài bạn nói rằng các lương y có thể trị được bệnh ung thư nên mình đi gặp các lương y ấy. Sau khi bắt mạch, cả hai lương y đều nói: “Con trị được cho thầy trong vòng ba tháng.”

Trị liệu bằng cỏ cây

Người Phỏng Vấn: Dạ thưa thầy! Họ trị bằng thuốc Nam nay thuốc Bắc?

Thầy Pháp Đăng: Cả hai loại thuốc. Theo ông lương y, thuốc Nam có công năng trị bệnh, thuốc Bắc có công năng bồi bổ, điều hòa âm dương, bổ khí thông huyết.

Người Phỏng Vấn: Thầy may mắn uống thuốc lấy từ thảo mộc. Thuốc có khó uống, có hành hạ gì không thưa thầy?

Thầy Pháp Đăng: Thuốc rất dễ uống. Mình uống thuốc của cô lương y này. Cô nói thuốc rất rõ là Tử Linh Chi, Đông Trùng Hạ Thảo, bông củ cải trắng, củ cải đỏ. Tử Linh Chi cô gọi là nấm độc nhưng hình như là nấm Linh Chi con. Cô dùng những thứ đó bào chế ra một loại thuốc và thử nghiệm cho nhiều người bị ung thư rồi, bướu to cũng teo lại. Đặc biệt! Cô nói: “Tuy dùng thuốc nhưng con phải xoa bóp cho thầy mỗi ngày để làm cho khí huyết lưu thông, giúp các mạch máu lưu chuyển và đẩy các độc tố ra khỏi cơ thể.

Người Phỏng Vấn: Thưa thầy! Khi cô ta xoa có sâu và mạnh không?

Thầy Pháp Đăng: Xoa sâu và đúng huyệt! Cô không xoa từng huyệt mà đẩy một đường dài.

Người Phỏng Vấn: Khi xoa như vậy có đau không thầy ạ?

Thầy Pháp Đăng: Không đau! Mới buổi đầu hơi đau đau nhưng quen rồi lại cảm thấy khỏe. Theo lời cô nói: “Con xoa cơ thể cho thông, đẩy các tế bào ung thư núp trong các huyệt đạo ra ngoài và đưa thuốc tới các nơi trong cơ thể.

Tâm quan trọng nhất

Người Phỏng Vấn: Ngoài việc thiền tập, thầy thấy cái gì quan trọng nhất, thuốc men hay các phương pháp hổ trợ khác trong việc trị liệu?

Thầy Pháp Đăng: Quan trọng nhất là cái tâm của mình. Lúc ấy mình nghĩ chắc chắn sẽ lành bệnh cho nên mỗi khi có ai hỏi: “Bệnh tình thầy sao rồi?” Mình thường trả lời là mình đang lành trở lại. Quan trọng thứ hai là sống vui. Bởi không biết rõ sống được thêm bao nhiêu ngày cho nên tự động mình sống sâu sắc. Mình vui cười và yêu đời suốt cả ngày. Tâm hồn thật thoải mái.

Người Phỏng Vấn: Thưa thầy! Về sức khỏe, thầy có luyện tập gì khác không?

Thầy Pháp Đăng: Mình đi bộ đều đặn mỗi ngày hai tiếng đồng hồ, sáng một tiếng, chiều một tiếng. Mình ngồi thiền rất nhiều lần và thực tập phương pháp thở càng sâu càng tốt.

Người Phỏng Vấn: Thầy ngồi thiền nhiều là một giờ hay hai giờ?

Thầy Pháp Đăng: Buổi sáng, mình ngồi khoảng chừng một tiếng đồng hồ. Ăn sáng xong đi thiền hành vài vòng ra bờ sông, rồi mình ngồi thêm một tiếng đồng hồ nữa. Lúc đó, cô lương y mới đến điều trị. Sau buổi trưa nghỉ ngơi một chút, mình ra ngoài dòng sông ấy ngồi thiền thêm một tiếng rưỡi mới trở về chùa trước buổi tụng kinh. Kinh tụng ở chùa là Tịnh Độ, Pháp Hoa, Sám Hối… Tuy chưa có đủ sức để tụng lớn nhưng mình theo dõi hết lòng buổi công phu chiều. Tối lại, mình ngồi thêm một tiếng nữa.

Quan trọng là cái tâm phải yên tĩnh thì nó mới có khả năng trị liệu. Nếu lo sợ nhiều quá thì mất ngủ và cơ thể tổn hao năng lượngnăng lượng rất là quan trọng cho việc điều hành của bộ miển dịch và đề kháng…

Người Phỏng Vấn: Xin thầy chia sẻ cho chúng con biết lúc nào thầy cảm thấy đói. Theo như con học được biết cơ thể bắt đầu phục hồi là mình thấy đói. Như vậy sau khi mổ bao nhiêu ngày thì bắt đầu thấy đói?

Thầy Pháp Đăng: Mình thấy đói thường xuyên lắm nhưng ăn không được vì lý do là cái ruột vẫn đang còn đau nên mình rất cẩn thận. Tu tập chánh niệm giúp mình biết rõ về tình trạng các bộ phận trong cơ thể, nhất là những nơi đau nhức.

Người Phỏng Vấn: Thưa thầy! Thầy ăn kiêng những thứ gì?

Thầy Pháp Đăng: Sau thời gian mổ xong, đa số thức ăn là nước cháo. Ăn mười ngày cháo lỏng rồi ăn cháo đặc từ từ. Vào Sài gòn, trong lúc uống thuốc, mình ăn cơm rất nhão, cơm gạo lứt, cà rốt hầm, đậu hầm, uống nước rau cải. Ăn rất lành mạnh. Ăn liên tục như vậy trong một tháng rưỡi tới hai tháng. Ăn đồ thật mềm, rau củ hấp nhừ, các loại đậu hầm…

Người Phỏng Vấn: Thầy có dùng được trái cây không? Thưa thầy!

Thầy Pháp Đăng: Cô lương y bảo được dùng trái cây nhưng không ăn chung với thức ăn mà dùng riêng, chọn trái cây không có chất độc.

Người Phỏng Vấn: Ăn như vậy, thầy có thấy khỏe trong người không? Không cần ăn nhiều mà vẫn khỏe, phải không thưa thầy?

Thầy Pháp Đăng: Dạ vâng! Thưa ăn ít rất khỏe. Ăn nhiều cũng được nhưng bao tử của mình còn yếu sau một thời gian dài nhịn đói và ruột già mới bị cắt ngang cho nên mình ăn vừa đủ thôi, cỡ chừng một chén. Ăn theo kiểu thiền tức là ăn từ từ, nhai thật kỹ.

Người Phỏng Vấn: Hiện nay, cách ăn uống của thầy có bình thường hay có gì đặc biệt không?

Thầy Pháp Đăng: Mình ăn uống bình thường nhưng có kiêng chút dầu mỡ. Món gì có dầu mỡ thì mình không ăn. Món gì lành mạnh như đồ luộc, cơm gạo lứt, nước canh thì mình ăn. Mình kỵ nhất là ăn trái cây chung với cơm. Mình ăn trái cây riêng, tức là ăn trái cây trước một giờ. Ăn cơm chỉ là cơm thôi. Mình ăn rau cải bình thường, rau cải tươi…

 

 

Không sợ hãi

Người Phỏng Vấn: Thầy có muốn nhắn nhủ với chúng con những gì khi bị bệnh tật không? Như lúc nẩy thầy nói trị liệu có nhiều nhân duyên. Theo thầy nói, quan trọng nhất là tinh thần của mình. Làm thế nào để mình có niềm tin như vậy?

Thầy Pháp Đăng: Mình thấy rõ ràng thời gian tu tập với tăng thân trong 20 năm là cơ hội tu luyện sức mạnh tinh thần, cho nên khi gặp cái bệnh thì mình có niềm tin rất mạnh vào pháp môn. Cái tâm mình cũng rất mạnh mẽ, bình tĩnh, sáng suốt mà không phải ai cũng được như vậy. Có nhiều người khi bệnh là hoảng sợ lắm, chính sự hoảng sợ ấy làm cho người bệnh chết sớm, chứ không phải chính do căn bệnh. Hoảng sợ làm cho mình ăn không ngon, ngủ không yên, mất nhiều năng lượng. Khi mất nhiều năng lượng thì tế bào ung thư sẽ tấn công trở lại. Trị liệu chính yếuđời sống tươi vui, thảnh thơi và sự thực tập chánh niệm hàng ngày thật là quan trọng.

Trị liệu quan trọng thứ hai là bạn có niềm tin vững vào giáo lý nhân quả nghiệp báo. Hễ nghiệp chết sớm thì bạn có xin thêm một ngày cũng không được. Ha ha ha… Nếu nghiệp chưa chết thì không bao giờ bạn chết sớm dễ dàng như thế. Bạn đừng có sợ chết. Hãy chấp nhận đối diện với sự thật. Nếu bạn chỉ còn một ngày, một tháng nữa để sống thì bạn sống cho thật hết lòng, đàng hoàng. Nguyên tắc là vậy.

Sự thật là sự sống của mình tự động sâu sắc khi biết rằng mình chỉ còn sống một thời gian ngắn. Bệnh đúng là một ân sủng, là món quà, báo động cho mình biết trân quý cuộc đời. Đó là cơ hội thay đổi nếp sống. Cuối cùngtin tưởng rằng chắc chắn mình sẽ lành bệnh thì tự nhiên cơ thể tạo ra sức mạnh đề kháng chiến đấu để hồi phục.

Người Phỏng Vấn: Con nghe nói trong thời gian điều trị, thầy vẫn làm việc như thường, đi mọi nơi chia sẻ kinh nghiệm tu học với tăng thân, giúp đỡ được nhiều người có niềm tin vào pháp môn. Xin thầy có thể nói rõ hơn cho chúng con biết không ạ?

Thầy Pháp Đăng: Sau khi mổ, tháng đầu sức khỏe mình còn yếu lắm. Lý do là ung thư công phá quá nhiều sức khỏe. Thứ hai, lúc mổ cũng mất nhiều máu và sức lực. Sau mười ngày ở Từ Hiếu, tức là mình rời khỏi bệnh viện về ở chùa mười ngày, khoảng chừng mười bốn ngày từ ngày mổ, các thầy nói là hai hôm nữa sư anh ra đi thì không biết có trở lại chùa Tổ được hay không, cho nên sư anh phải nói một bài pháp thoại cuối cùng giống như ngày xưa Bụt nhập diệt vậy. Mình trả lời sư anh không có hơi, nói không ra tiếng nữa thì làm sao nói Pháp thoại. Họ nói sư anh ráng đi, đạo tràng ở đây ai cũng thương sư anh, tất cả từ các thầy, các sư cô đến Phật tử rất thích nghe sư anh giảng. Sư anh phải giảng bài cuối! Hôm đó, thầy Từ Hải nói sư anh giảng luôn cho Thiện Tài Đồng Tử một bài ngắn. Bài giảng ngắn đó lại là sâu sắc nhất. Sư cô Thuần Khánh nói: “Đó là bài pháp thoại hay nhất của sư anh.”

Tin sẽ lành bệnh

Khi vào Sài Gòn chuẩn bị bay về Pháp thì mình quyết định ở lại Thủ Đức để trị bệnh như đã nói trên. Thỉnh thoảng, mình có đi hướng dẫn các đạo tràng, bói kiều đầu năm ở chùa Pháp Vân, mồng mười tết, các bạn tăng thân Xuân Phong tổ chức cho mình bói kiều, nghĩa là mình không có lo ngại về chuyện bệnh tật, coi nó bình thường, bởi vì mình tin sẽ lành bệnh. Cho nên tâm hồn thật là thoải mái. Nếu cần giúp cuộc đời là mình sẵn sàng, thế nhưng cái hơi của mình ngắn ngũi, cái sức lực của mình hơi yếu. Tuy nhiên mình không lo ngại chuyện đó, vì biết rằng mình sẽ lành bệnh, sẽ hồi phục nên làm được nhiều chuyện.

Hầu như, mỗi ngày đều có người tới thăm, tham vấn, thăm hỏi, đàm đạo. Mình luôn chia sẻ tận tình giống như không có bệnh tật gì. Nhiều người hỏi: “Tại sao thầy bệnh mà giọng nói của thầy tốt ghê, tiếng sang sảng, đầy năng lượng?” Ai cũng ngạc nhiên!

Người Phỏng Vấn: Dạ thưa thầy! Thầy có trở lại thăm các bác sĩ đã chăm sóc cho thầy không? Hiện nay thầy có theo dõi bệnh tình không ạ?

Thầy Pháp Đăng: Sáng mình trị với cô lương y, chiều mình trị với một ông lương y khác. Ông này nói: “Con chuyên trị về tai biến và ung thư.” Phòng mạch ông ở quận Tám, có hệ thống mát xa, châm cứu, một dãy dài và nhiều người tai biến, ung thư đến điều trị với ông. Đặc biệttai biến, ông trị lành rất nhiều người. Ông bắt mạch và nói: “Con sẽ trị lành bệnh cho thầy”. Ông nói:

“Thầy cứ uống thuốc cô ấy, đến chiều thầy uống thuốc con. Thuốc con là thuốc đơn giản. Thuốc nam là những loại lá thuốc đơn giản nhưng mà biết cách phối hợp thì nó cũng trị được ung thư, không cần dùng các loại thuốc qúa cầu kỳ như Đông Trùng Hạ Thảo, Tử Linh Chi… Những loại này quá mắc!

Mình rất may mắn gặp được hai lương y giỏi. Sau khi rời Việt Nam, cô lương y bổ cho mình ba thang thuốc làm bằng viên để mình tiếp tục uống cho chắc, giúp tiêu diệt sạch tất cả các tế bào ung thư.

Người Phỏng Vấn: Thầy có định trở lại thăm các bác sĩ đã giải phẩu cho thầy hoặc làm các thử nghiệm về Tây y không, thưa thầy?

Thầy Pháp Đăng: Khi điều trị với hai vị bác sĩ đông y thì khoảng chừng hai tháng rưỡi sau đó, mình có đi thử máu thì họ nói máu rất tốt. Mình chọn bác sĩ nội soi rất giỏi thì cô nói không thấy u nào hết. Cô bác sĩ này hỏi:

- Thầy bị gì mà nội soi.

Mình nói:

- Dạ thưa! Bị ung thư đại tràng.

Cô nói đại tràng như thế nào? Mình nói là u ác giai đoạn ba.

Cô hỏi:

- Thầy đã điều trị hóa chất chưa?

Mình trả lời:

- Dạ chưa! Tôi không thích theo phương pháp đó.

Và cô hỏi:

- Thầy trị bằng cách gì?

Mình trả lời:

- Tôi đang trị về đông y thuốc nam và thuốc bắc.

Cô vừa soi vừa nói:

- Ung thư này không dễ trị lắm đâu thầy. Thầy nên vô hóa trị đi! Ung thư này đã làm nhiều người chết. Tuy con soi không thấy khối u nào nhưng nó có thể tái phát bất cứ khi nào không hay. Thầy nên vô hóa trị ngay.

Mình mỉm cười! Sau hai tháng rưỡi điều trị không tìm thầy khối u nào hết. Đó là một tin mừng!

Người Phỏng Vấn: Tức là nó không tái phát trong hai tháng rưỡi. Theo thầy mình phải tiếp tục chữa trị, phòng bằng cách nào? Thầy có phương pháp gì để chia sẻ với chúng con không ?

Thầy Pháp Đăng: Thật sự mình cũng không tin lắm vào các bác sĩ. Có thể có năm hay sáu ông bác sĩ toàn là trưởng khoa, phó khoa hội chẩn. Họ nói: “Đây là ung thư ác tính giai đoạn thứ ba.” Giai đoạn thứ tư là giai đoạn cuối. Mình cũng không tin lắm. Có thể họ lầm, có thể đây chỉ là một khối u thường thôi, không phải là u nhảy. Đó là cách mình suy nghĩchiêm nghiệm.

Nếu thật sự đó là u ác thì trong mười mấy hai chục năm tu tập đã làm cho cái u ấy đứng yên một chổ. Có thể do Bụt, Tổ, ông bà tổ tiên gia hộ nên cái u đó đứng yên trong thân thể khá lâu. Bác sĩ Tôn Thất Cầu nói:

- Nó to như vậy thì tệ lắm đã có mặt trong cơ thể thầy mười năm rồi. Nó ăn máu, hút hồng huyết cầu của cơ thể.

Cắt đứt cái u đi thì có thể nó không còn chân nữa. Mình có niềm tin là đã lành hẳn bệnh. Niềm tin lành bệnh này giúp mình không cần phải đối trị với nó mà chỉ sống vui, điều dưỡng, ngăn ngừa sự tái phát.

Người Phỏng Vấn: Con nghe nói trong vòng ba đến sáu tháng thầy sẽ đi thử nghiệm khi có dịp?

Thầy Pháp Đăng: Dạ vâng!

Bệnh tật là món quà

Người Phỏng Vấn: Con chúc thầy tiếp tục sống vui, sống khỏe để phụng sự cho tăng thân. Thầy là tấm gương sáng cho chúng con đi theo. Nếu chúng con lỡ gặp phải khó khăn, bệnh tật gì thì thầy có muốn chia sẻ gì thêm không ạ?

Thầy Pháp Đăng: Thưa đại chúng! Mình xin nói một điều cuối là khi gặp bệnh tật thì bạn đừng sợ hãi, đừng tuyệt vọng. Hãy xem đây là một ân sủng, món quà mà cuộc đời tặng cho bạn để bạn sống sâu sắc những giây phút còn lại. Nếu bệnh tật quyết định bạn chỉ còn có một năm nữa hay ít hơn thì nó vẫn là một món quà quí. Vấn đề là sống vui. Đôi khi từ giai đoạn chỉ còn một năm, có thể bạn lại sống thọ dài hơn.

Cơ thể chỉ là một phần nhỏ, cái tâm mới mạnh mẽ và vĩ đại hơn nhiều. Cái tâm có thể chuyển được tình trạng của cơ thể. Bệnh tật không thể nào tránh được có khi do nghiệp lực nhưng đôi khi do các chất độc từ thức ăn thức uống tạo ra. Quan trọng là khi đối diện với nó, bạn nhớ đây là món quà, là ân sủng mà đừng lo sợ. Chính cái lo sợ làm cho bạn chết sớm. Bao nhiêu người chết đều do lo sợ, không chấp nhận cái bệnh và cứ suy nghĩ cái bệnh này chắc chắn không có thể trị được.

Bạn luôn nói rõ là bệnh này có thể trị được. Trị bằng nhiều cách, nhưng cái tâm là mạnh nhất. Sức mạnh của tâm có thể thay đổi tất cả những tế bào trong cơ thể. Quan trọng là sống vui tươi và yêu đời.

Tất cả các khó khăn gì trong thân thể và nỗi khổ đau gì trong tâm hồn đều có thể trị lành. Bạn phải có niềm tin như vậy. Thời gian trị bệnh vừa qua, ai cũng nghĩ là hai vị lương y đó đã trị lành cho mình nhưng vẫn có những người khác uống thuốc với hai lương y ấy vẫn không vượt qua được. Vậy, bạn phải tin vào sự tu tập, niềm vui, lòng tự tin. Niềm tinphương pháp trị liệu cao nhất, tin rằng bạn sẽ lành bệnh.

Cảm ơn thầy Pháp Lữ cho Pháp Đăng cơ hội nói chuyện với mọi người.

 Điều trị bằng sinh tố D

Bạn trẻ thân mến!

May mắn, Lang có nhiều bạn bè và tăng thân khắp nơi gửi nhiều tài liệu về cách điều trị ung thư. Một trong những tài liệu có liều thuốc được chế bằng lá cây da đam, mật ong và rượu. Lúc ấy, Lang đang ở Việt Nam nên không thể tìm ra rượu nguyên chất, bởi vì người ta pha chế rượu bằng các loại hóa chất hoặc cồn… Tuy nhiên có người chế biến rượu nguyên bằng ngũ cốc nhưng Lang không quen ai để nhờ mua dùm loại rượu này nên đành dùng lá da đam và mật ong. Bác sĩ nói rượu sẽ đưa thuốc vào trong máu dễ dàng hơn.

Mỗi ngày, Lang đều có uống một viên sinh tố tổng hợp trong ấy có sinh tố B (B complex) bồi bổ máu, nâng cao đề kháng, có sinh tố D điều trị ung thư. Dưới đây là tài liệu về ung thư và sinh tố D mà bác sĩ Lương Vinh Quốc Khanh trả lời trong một cuộc phỏng vấn.

“Chu Tất Tiến.

 Trong tuyển tập nghiên cứu về bệnh Ung Thư (Critical Reviews in Oncology Hematology) được ấn hành bởi Elsevier, nhà xuất bản lớn nhất thế giới về khoa học và y khoa, có một chương nói về cách điều trịphòng ngừa ung thư của hai Giáo Sư Y Khoa người Việt Nam: Bác Sĩ Lương Vinh Quốc Khanh và Bác Sĩ Nguyễn Thị Hoàng Lan.

 Bác sĩ Lương Vinh Quốc Khanh là Hội Viên (Fellow) của 6 trường Đại Học về Chuyên Khoa Y Khoa và 1 trường Đại Học Y Khoa Anh Quốc. Ông là Giáo Sư Thỉnh Giảng của Đại Học Y Khoa UCLA, Giáo Sư của trường USC, Keck School of Medicine, Los Angeles.

 Bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Lan là Hội Viên của 3 trường Đại Học Chuyên Khoa Y Khoa và là Giáo Sư trường USC, Keck School of Medicine, Los Angeles.

 Nhân một cơ hội được đọc chương về Cách Dùng Sinh Tố D để trị Bệnh Ung Thư nói trên, người viết đã làm một cuộc phỏng vấn ngắn ngủi với Giáo Sư Bác Sĩ Lương Vinh Quốc Khanh.

-Hỏi: Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân nào dẫn tới việc nghiên cứu về Sinh Tố D để trị và ngăn ngừa bệnh ung thư.

-Đáp: Tôi đã nghiên cứu về sự liên hệ của sinh tố D và bệnh ung thư từ 20 năm nay. Tôi đã từng hợp tác nghiên cứu với một giáo sư nổi tiếng về Sinh tố D của Mỹ. Lý do dẫn tôi tới việc nghiên cứu này là một khám phá tình cờ. Trong lúc điều trị cho những người Việt Nam bị bệnh ung thư, tôi nhận thấy những bệnh nhân này có một đặc điểm chung là cùng thiếu Sinh tố D. Trước đó, tôi đã chia xẻ điều khám phá này với các vị thầy cũng như đồng nghiệp của tôi nhưng rất ít người đồng ý với ý kiến của tôi, có khi còn cho ý kiến ngược lại. Tôi nhớ khi tôi còn ở Đại Học UCLA và bắt đầu nghiên cứu về sự liên hệ giữa sinh tố D và căn bệnh quái ác này, ông thầy tôi gọi điện thoại cho tôi, chê trách là tôi không hiểu gì về sinh tố D cả. Ông thầy cho rằng người dân ở California không bao giờ thiếu Sinh tố D. Nhưng kêt quả thực tế do tôi khám phá là các người bệnh ung thư ở California đều thiêu sinh tố D. Mãi sau này, ông thầy tôi mới xin lỗi vì không bao giò ông nghĩ là các bệnh nhân ung thư đều thiếu sinh tố D.

-Hỏi: Điều đáng mừng là sinh tố D có thể mua tại bất cứ dược phòng nào, phải không?

-Đáp: Thật ra không phải cứ là sinh tố D thì có thể mua tự do tại các dược phòng. Có nhiều loại sinh tố D. Loại sinh tố D dùng để chữa bệnh ung thư phải có toa bác sĩ mới mua được. Loại cần toa bác sĩ này tốt gấp 10 lần các loại thông thường. Mấy loại mua ngoài chợ không có giá trị. Bản thân tôi khi chữa trị cho người mắc bệnh ung thư, đều dùng loại cần toa bác sĩ. Yếu tố này, thoạt đầu, cũng không được các đồng nghiệp khác đồng ý. Ngay chính ông thầy tôi cũng phản ứng khi được biết tôi chuyên dùng loại sinh tố D cần toa bác sĩ. Ông Thầy tôi cũng thắc mắc hỏi tại sao tôi chỉ cho toa mua loại này, sao không cho họ xài loại bán ngoài chợ. Các khảo cứu sau này cho thấy chỉ có loại sinh tố D cần toa bác sĩ, vì chỉ có loại ấy mới bám vào tế bào và tác dụng trên tế bào ung thư. 

-Hỏi: Khi tôi còn đi học, tôi được nghe nói là các yếu tố tiền sinh tố D nằm dưới da, có đúng không?

-Đáp: Đúng thế, các yếu tố tiền sinh tố D3 nằm dưới da. Nhờ tia ultra violet của mặt trời, các yếu tố này biến thành 25-sinh tố D3. Các chất 25-sinh tố D3 này vào tới thận biến thành 1,25-sinh tố D3. Chính 1,25-sinh tố D3 này mới có tác dụng trên cơ thể. Chất tiền 24,25-sinh tố D3, nếu không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thì không thể biến thành 1,25-sinh tố D3. Nhưng cũng có trường hợp luôn ở dưới ánh nắng mặt trời nhưng vẫn thiếu sinh tố D3. khỏang 1/3 đến phân nửa dân số sinh sống ở Sub-Sahara Phi Châu và Trung Đông được xem là thiếu sinh tố D. Như những người da đen, họ thường thiếu sinh tố D vì da họ đen quá làm cản tác dụng biến tiền sinh tố D thành sinh tố D3. Mũ che nắng, Sunblock cũng cản tia tử ngoại (UV) nữa. Da của người lớn tuổi cũng cản tia tử ngoại. Tế bào da của người lớn tuổi cũng không phát triển, thì người lớn tuổi cũng sẻ thiếu sinh tố D.

-Hỏi: Còn yếu tố nào làm thiếu sinh tố D không?

-Đáp: Người Việt Nam thường bị viêm gan, các tế bài gan giảm đi, thi việc thay đổi từ 25-sinh tố D sang 1,25-sinh tố D3 cũng giảm đi. Đau thận cũng làm giảm thiểu sự biến hóa 1,25-sinh tố D3. Một điều cần lưu ý là có nhiều người phơi nắng rất nhiều cũng thắc mắc tại sao tôi thiếu sinh tố D. Phơi nắng nhiều quá, thì lại làm một lớp da ngoài bị cháy đi, biến thành lớp cản không tiếp nhận tia hồng ngọai tuyến (UV) nữa. Do đó việc đem người bệnh ung thư đi phơi nắng cũng gặp môt trở ngại là không biết độ nắng là bao nhiêu thì tốt.

-Hỏi: Bác sĩ có thể nói thêm về quan hệ giữa sinh tố D và bệnh ung thư như thế nào được không?

-Đáp: Sinh tố D liên quan đến ánh nắng mặt trời. Vùng nào nhiều ánh nắng mặt trời thì ít ung thư. Vì thế những vùng càng xa xích đạo bao nhiêu thì càng thiếu sinh tố D, như vùng cực bắc âu thì thiếu sinh tố D rất nhiều, Người ta thấy có một liên hệ mật thiết giữa sinh tố D và bệnh ung thư, những người thiếu sinh tố D thì có tỷ lệ bị ung thư cao hơn người có nhiều sinh tố D. Như ở Norway, có nhiều county, những county ở cực Bắc thì tỷ lệ ung thư cao hơn vùng county phía nam, nơi mà người ta giầu sinh tố D hơn người cực bắc. Ngoài ra, còn có ảnh hưởng của thời tiết: Mùa đông ít ánh nắng mặt trời, nên số người bị ung thư tăng lên rất nhiều, Mùa hè thì giảm đi. Điều quan trọng là nếu dùng sinh tố D trong việc điều trị thì hy vọng khỏi bệnh càng cao.

 Cám ơn bác sĩ. Mong rằng đây là một khám phá mới đem lại nhiều hy vọng cho những người mắc phải cơn bệnh của thần chết này.

Thiên nhiên trị liệu

Lang vẫn khỏe và mập hơn lúc còn ở Việt Nam. Có lẽ, Lang lành hẳn cơn bệnh rồi, bạn ạ! Trước đây, Lang luôn luôn suy nghĩ và có niềm tin rằng mình sẽ lành mạnh, bởi thế Lang sống vui trong suốt thời gian ba tháng điều trị ở Thủ Đức.

Mùa xuân năm nay, Lang trở về Làng Mai sau khi đi ngang qua một cơn đại giải phẫu với nhiều đau nhức và điều trị một thời gian tại Việt Nam. Lang bị ung thư ruột già. Bác sĩ Tôn Thất Cầu trưởng khoa ung bứu ở bệnh viện Trung Ương Huế bảo Lang phải điều trị bằng hoá chất, nhưng Lang muốn trị bằng thiền địnhcác loại thuốc cỏ cây thiên nhiên. Sau hơn hai mươi năm tu học, Lang tin tưởng nơi Bụt và pháp môn của Bụt do Thầy trao truyền. Lang dùng năng lượng chánh niêm để sống vui trong lúc điều trị. Lang tin các bác sĩ chứ nhưng Lang tin ở giáo lý của Bụt nhiều hơn, nghĩa là sống chết đều do nghiệp, xin thêm một ngày cũng không được thì hơi đâu mà lo lắng.

Hơn nữa Lang đã quán chiếu về cái chết nhiều năm, và sống chết chỉ là việc thay áo cũ thành áo mới, đổi xác trà cũ thành trà mới. Chỉ thế thôi! Sống được ngày nào vui ngày đó, do thế Lang vui tươi và trở nên yêu đời hơn trước nhiều.

Bây giờ ở Pháp, Lang đi bộ mỗi ngày, vừa nhìn cảnh đẹp núi đồi thiên nhiên, vừa thở không khí trong lành và đợi mặt trời xuống để thưởng thức cảnh hoàng hôn hồng tím. Vào ngày đẹp trời, Lang đi bộ dài hơn 8 cây số theo con đường đến ngã ba Xóm Hạ, quẹo qua lâu đài, đi đến đường qua Xóm Mới, quay trở lên đường về lâu đài Thenác. Ngày nào có nhiều mây, Lang đi bộ qua Xóm Đoài; con đường dài khoảng 2 cây số rưỡi, đi về cũng được hơn 4 cây số.

Đi bộ giúp cơ thể Lang tiếp nhận được nhiều sinh tố D từ tia nắng mặt trời để điều trị ung thư. Lang đang thực tập theo đề nghị của bác sĩ Lương Quốc Khanh. Ở Pháp mặt trời thật quý! Nó thuộc về vùng Bắc Âu, cho nên mặt trời có nhiều tia hồng ngoại gửi theo trong nắng nhiều sinh tố D. Mặt trời ở đây không nóng thiêu đốt mà cái nắng ấm áp chứ không gay gắt như nắng ở quê nhà. Lang vừa đi vừa mở tung hết cánh cửa tâm hồn và cơ thể cho thiên nhiên đi vào nuôi dưỡngtrị liệu.

Lang thấy rõ nắng có công năng trị liệu. Gió chiều, không khí, trời xanh, lá rừng, bông hoa đều có công năng trị liệu… Tóm lại, tất cả năng lượng trong thiên nhiên đều có công năng trị liệu. Thiên nhiên là thuốc quý nhất trong các loại thuốc.

Chánh niệmnăng lượng tỉnh táo, ý thức, bén nhạy nên sự cảm nhận của thân tâm với các loại năng lượng như nắng, gió, không khí, bình an, tươi mát, tĩnh lặng trở nên rõ rệt. Cho nên khi tâm ý không còn hoạt động lao xao trở về với trạng thái yên tĩnh thì nó có thể tiếp xúc được với mọi hiện tượng hình sắc, kể cả năng lượng trong sự sống. Khi tâm thức xao động thì nó mờ ám bởi sự rung động (vibration), do đó nó không thể bắt được làn sóng trị liệu của thiên nhiên và sự sống. Lang tập sống với tâm không suy nghĩ, không lo âu, không tính toán. Luôn luôn nhớ rằng mình chỉ còn một ngày cuối để sống, vì vậy Lang thực tập trân quý sự sống thật sự.

Không biết thiên đàng của Chúa Trời có đẹp hay không? Nhưng cảnh tượng ở nơi đây sao đẹp đến lạ lùng! Nó đẹp đến huy hoàng, mây trời màu sắc rực rỡ, thiên nhiên xanh mướt mát mẻ, đồi núi chập chùng yên tĩnh! Xóm thượng là thiên đường tuổi thơ của Lang. Về đây, Lang tiếp xúc lại nhiều kỷ niệm của thời còn là một sư chú. Sư Ông đặt tên cho Lang là sư chú Pháp Đăng, và Lang tự đặt cho mình nhiều tên khác nữa trong ấy có sư chú Thạch Lang, sư chú Châu Linh, Suối, Lang, Tuyết Sơn… Ngồi đâu, Lang cũng bắt gặp bóng hình của sư chú Thạch Lang. Sư chú đã từng ngồi ngắm mặt trời lặn, đã từng đi chơi khắp nơi, đã từng ngồi thiền nơi đồng cỏ, bên hồ sen, dưới cây tùng… Sư chú đã từng ngồi hàng giờ vẽ cái hồ số tám dưới thung lủng của nhà thờ Thenác bằng sơn màu…

Tuy nhiên, Lang không đánh mất mình trong quá khứ đâu mà an trú thật bền trong hiện pháp cho nên Lang cảm thấy vui và thấy rõ thân tâm càng ngày càng khỏe mạnh.

Suy nghĩ lành mạnh

 

Lang đang dùng phương pháp tư duy tích cực, lành mạnh, trong sáng để điều trị ung thư. Suy tư là một loại hoạt động của tâm, có thể gọi là năng lượng. Suy tư là tiếng nói âm thầm trong tâm ý, có ảnh hưởng tới đời sống nội tâm, thân thểtác động lên mọi người, mọi loài chung quanh.

Sau nhiều năm tu luyện, Lang thấy mỗi tư duy đều có ảnh hưởng rõ rệt tới hoạt động của thân thể. Suy nghĩ dễ thương thì cơ thể nhẹ nhàng, bình an. Suy nghĩ dữ dằn, lo sợ, thù ghét thì cơ thể bức rức, tạo năng lượng sôi sục trong máu huyết, tim đập nhanh và thường đưa tới mệt mỏi, đau nhức. Suy nghĩ xót thương thì cái nhìn dịu hiền làm cho cơ thể ấm áp. Suy nghĩ bậy bạ, trần lụy, dâm dục thì cơ thể lên cơn sốt dục vọng, bất an, căng thẳng. Suy nghĩ trong sáng thì cơ thể thảnh thơi, nhẹ nhàng. Vậy, lấy cái tư duy trong sáng, dễ thương, lành mạnh, bạn giúp cho cơ thể lành mạnh, bình an, tạo ra năng lượng đề kháng để trị bệnh. Lang rất tin vào phương pháp suy tư lành mạnh này.

Giáo sư Emoto Masaru là người Nhật Bản để ra mấy mươi năm nghiên cứu về nước. Giáo sư nói: “Nước là nền tảng, bản chất của sự sống.” Đời sống con ngườiliên hệ mật thiết tới phẩm chất của nước. Con người mạnh khỏe hay bệnh tật đều do nước trong hay nước đục. Điều công bố này ai cũng tin, bởi vì con người tiêu thụ nước nhiều nhất trong đời sống hàng ngày, nhưng giáo sư đưa ra các hình ảnh chụp từ các nguyên tử nước càng làm cho mọi người tin tưởngkinh ngạc hơn.

Nước bị ô nhiễm có nguyên tử không lành lặn, nó bị méo mó, bị bể ra từng mảnh nhỏ. Nước sạch sẽ, trong lành có nguyển tử nguyên vẹn, hình đẹp như một bông hoa, một hạt tuyết, một ngôi sao.

Hiện giờ có nhiều dòng sông trên thế giới đang bị ô nhiễm trầm trọng do con người thải vào sông quá nhiều chất độc, hóa học, dầu mỡ, rác rến, nhất là các nước chậm tiến với đa số người dân không có trách nhiệm, không có kiến thức về môi trường. Nước bị ô nhiễm thì các loài thủy tộc sống trong đó cũng bị bệnh, vì thế khi con người ăn các loài ấy thì con người cũng bệnh. Lấy nước trong dòng sông ô nhiễm ấy để tưới vườn rau cải thì rau cải mang theo các chất độc hóa học, vì thế con người cũng bệnh.

Giáo sư làm cuộc thí nghiệm về nước với việc cầu nguyện. Lấy một ly nước ở dòng sông ô nhiễm, giáo sư cho các học sinh cầu nguyện khoảng 20 phút bằng bất cứ tín ngưỡng nào. Giáo sư bỏ ly nước ấy ở phòng đong lạnh, rồi lấy vài hạt băng trong ly nước ấy chụp hình thì nguyên tử nước trở lại nguyên hình, đẹp như một bông hoa, nghĩa là nước cũng cảm nhận năng lượng an lành của sự cầu nguyện.

Giáo sư thử nghiệm nuớc với các loại âm nhạc. Lấy một ly nước ‘nguyên chất’ gọi là ‘distilled water’ cho nước nghe ‘nhạc dân ca’ thì nguyên tử nước biến thành hình bông hoa, cho nước nghe ‘nhạc rock’ in roll’ thì nguyên tử nước run rẩy bể từng miếng nhỏ…

Giáo sư lại thí nghiệm nước bằng cách dán lên ly nước các chữ khác nhau như ‘cám ơn nước’ thì nguyên tử nước hạnh phúc đẹp hẳn ra, ‘tao giết mày’ thì nước sợ hãi nên nguyên tử nước méo mó….

Do thế, nước thật sự nhạy cảm! Nước có tâm thức vì vậy nước biết được ngôn ngữ, nghe được lời nói, âm thanh, cảm được năng lượng, ba động của suy tư, lời nói của con người. Bạn có thể nói rằng: Sự sống con người ảnh hưởng sâu đậm trên bản chất của nước và ngược lại. Nếu tâm con người lành mạnh thì nước trong trẻo hơn. Nếu con người biết cầu nguyên, khen ngợi, hát dân ca thì nước trong lắng trở lại. Và nếu con người biết cám ơn, biết bảo vệ, không xả rác, không thải các chất độc hại vào nước thì các dòng sông sẽ tự nhiên trong lành trở lại.

Thân thể con người chứa gần 70 phần trăm nước. Nếu nước ở ngoài nhạy cảm với ngôn ngữ, âm thanh, lời nói, suy tư, tình cảm thì nước trong thân thể con người cũng như thế. Điều này chứng minh rõ là môi trường, cách sinh hoạt, suy tư, nói năng của con người có nhiều nguồn năng lượng không lành mạnh tạo ra bệnh tật, bởi vì thời nay con người mang bệnh quá nhiều. Càng ngày bệnh tai biến càng nhiều do căng thẳng. Càng ngày bệnh ung thư càng nhiều do các chất độc hại. Càng ngày bệnh tâm thần càng nhiều…

Tóm lại, ngoài bảo vệ môi trường sinh sống, bạn nên thực tập tư duy lành mạnh. Bạn gửi càng nhiều tình thương cho mọi người càng tốt. Bạn hãy nhớ tới hình ảnh cầu nguyện, lời ‘cảm ơn’ của giáo sư Masaru mà nguyên tử nước trong lại, huống hồ gửi năng lượng an lành, tình thương, biết ơn tới con người thì chắc chắn con người sẽ mạnh khỏe. Bạn hãy suy tư lành mạnh như thế cho người thân, bạn bè, mọi người, mọi loài và thiên nhiên nữa nhé. Năng lượng lành mạnh sẽ làm cho cỏ xanh hơn, nước trong hơn, hoa thắm hơn, chim hót hay hơn, mẹ vui hơn, em khỏe hơn…

Quan trọng hơn hết là mỗi ngày bạn hãy nhớ suy tư lành mạnh, dễ thương, tha thứ, vui tươi đối với chính bạn, bởi vì năng lượng tình thương, lành mạnh, sự tha thứ, niềm vui tươi sẽ tuôn chảy khắp châu thân, giúp cho thân thể mạnh khỏe, hệ đề kháng gia tăng, máu huyết lưu thông thì thế nào bạn cũng sẽ khỏe mạnh. Bạn hãy thử nghiệm vài suy tư lành mạnh xem thế nào!

 

Hơi thở nuôi dưỡng

Sống giữa cái xã hội bận rộn, ồn ào hiện nay, bạn nên biết dừng lại để thở thường xuyên. Không phải chỉ vào thiền đường bạn mới tập thở. Bạn nên tập thở ngay trong lúc đang làm việc, lái xe, ngồi trên xe buýt. Bất cứ ở đâu, bạn cũng nên tập thở. Tại sao phải thở? Bởi hơi thở là người bạn luôn ở bên bạn, thở giúp tâm bạn trở về, thở giúp bạn bớt căng thẳng, thở giúp bạn nhiếp tâm.

Cuộc đời là một chuyến đi. Bạn đừng bị thụ động trong chuyến đi ấy. Bạn phải là người tự chủ. Hãy nắm lấy tay lái của con tàu đời mình. Nên đi về hướng mặt trời, hướng tỉnh thức, hướng lành mạnh, có hoa lá xanh tươi, có trời xanh mây trắng, có tình yêu tha thứ, bạn sẽ nếm được niềm vui, hạnh phúc trên ngay lối đi.

Có nhiều bài thi kệ có thể giúp bạn thực tập thở nhưng bài ‘vào ra, sâu chậm’ là dễ nhất, căn bản nhất, dễ đưa đến hiệu quả. Mỗi chữ là một hơi thở vào hay một hơi thở ra. Bạn hãy thử nhé:

“Vào, ra

Sâu, chậm

Khỏe, nhẹ

Lặng, cười

Hiện tại, tuyệt vời “.

Câu cuối là” hiện tại, tuyệt vời “. Bạn có thể đọc trong hai hơi thở vào và hơi thở ra. Bạn cũng có thể thực tập với bài thi kệ sau đây:

“Thở vào, tâm tĩnh lặng
Thở ra, miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giờ phút đẹp tuyệt vời”

“Thở vào, tâm tỉnh lặng.”

Tâm bạn đã tỉnh lặng chưa? Nếu chưa thì bạn nương nơi hơi thởtrở về. Cái tỉnh lặng ấy luôn có trong tâm hồn bạn. Vấn đề là bạn cảm nhận, bắt gặp nó. Đọc xong câu này như uống được ngụm nước mát lạnh thấm dần cả cơ thể. Vừa thở vào vừa đọc thầm câu này, bạn cảm thấy cả thân tâm êm dịu lại và bệnh tật trong bạn được trị liệu từ từ.

“Thở ra, miệng mỉm cười.”

Ý thức về nụ cười cũng giúp bạn trở về. Nụ cười cũng có công năng an tịnh lại tâm hồn bạn. Bạn biết rằng khi mỉm cười, bạn làm thư dãn những bắp thịt trên mặt, ảnh hưởng lành mạnh tới toàn thân. Thư dãn là cánh cửa mở ra cho tế bào, mạch máu, huyệt đạo thu hút thức ănnăng lượng để mạnh khỏe. Bạn mỉm cười là bạn làm chủ được thân tâm.

“An trú trong hiện tại.”

Bạn ngồi đây. Bạn biết bạn đang ở đây. Ý thức rõ bạn đang thở, bạn không nghĩ đến điều gì khác. Bạn làm được mà, thử đi.

” Giờ phút đẹp tuyệt vời “.

Ngồi yên tỉnh như hồ thu, vững vàng như núi xanh. Bạn trở về với hơi thở, với nụ cười, với con người chân thật. Còn niềm vui nào lớn hơn, hởi bạn!”

Hơi thở là công cụ đo được độ rung của cảm thọ và tâm tư. Hơi thở báo cho bạn biết bạn đang vui, buồn, thương, ghét… Động lực của tâm ý, tình cảm có ảnh hưởng rõ ràng đến tim mạch, thần kinhtoàn bộ cơ thể của bạn. ‘Hơi thở vào’ cung cấp dưỡng khí và đem năng lượng an lành của trời đất đi vào cơ thể của bạn để trị liệu những cơn đau, bất an, tật bệnh. ‘Hơi thở ra’ đẩy ra các chất thán khí, bệnh tật, căng thẳng, lo âu, phiền não ra ngoài. Bởi vậy, thở có công năng trị liệu thân thể mà cũng làm lắng dịu lại cảm thọtâm hồn. Tâm đang bất an chỉ cần bạn thở vài hơi thì tâm bạn an lạc lại liền. Thân đang mệt mỏi chỉ cần thở cho sâu thì thân bạn khỏe khoắn trở lại.

Hơi thở còn là nhịp cầu nối liền thân với tâm. Tập thở là dựng lên một cây cầu cho thân bắt gặp được tâm và tâm tìm thấy được thân. Tâm không còn bỏ thân đi hoang nữa. Và thân không còn cảm giác cô đơn, trống vắng nữa.

Thở trong một giây đồng hồ hay ít hơn, bạn có thể đưa thân tâm về trạng thái hợp nhất. Sự trở về ấy nhanh như chớp. Thân tâm hợp nhất là nền tảng của thiền. Thân tâm hợp nhất là sức mạnh tâm linh, là năng lượng căn bản để bạn hội ngộ với sự sống ngay bây giờ ở đây. Tập thở giúp bạn có khả năng hút năng lượng trong lành của thiên nhiên, trái đất và trời cao để làm ra sức sống cho bạn. Vì thế, thiền tập không phải là một công việc lao nhọc hay có tính thần quyền cao siêu, huyền hoặc hay ảo tưởng gì cả mà là tập thở, trở thành một với hơi thở, mở tung cánh cửa của thân tâm cho ánh nắng đi vào, cho cơn mưa đi vào, cho vẻ đẹp thiên nhiên đi vào…

Gọi tên hởi thở là tu rồi. Không phải chỉ trong tư thế ngồi thiền bạn mới gọi tên ‘ra vào’ mà bạn gọi tên hơi thở thường xuyên khi bạn giặt áo, tưới rau, lái xe, rửa bát, đi cầu, v.v… Chắc chắn bạn sẽ đạt tới cái nghệ thuật cao nhất về thiền an ban. Bạn sẽ an trú mãi trong trạng thái thân tâm nhất như, nơi con người toàn vẹn.

Trị bệnh bằng thiền định

 

Thiền địnhphương pháp trị liệu tuyệt vời nhất. Thiền địnhsức mạnh tâm linh giúp gạn lọc tâm tiêu cực như phiền não, sợ hãi, lo lắng, đam mê, sầu muộn… Thiền định thắp sáng ý thức, tập trung tâm ý, dự trữ năng lượng giúp cơ thể phục hồi sức khỏe. Thiền địnhnếp sống chánh niệm trong đời sống hàng ngày, tức là đi biết đi, ngồi biết ngồi, đau biết đau, buồn biết buồn…

Ngồi thiền là cuộc trở về với bạn, sự sống và hiện tại. Ngồi thiền là đưa tâm rong ruổi trở về hợp nhất với thân ở trong trạng thái tĩnh lặng, do thế bạn trở thành sự sống, thâm nhập sự sống, cảm được chất liệu nuôi dưỡng từ sự sống. Cả con người bạn tỏa ra một sức sống tràn đày từ đôi mắt, nụ cười, dáng ngồi.

Tuy nhiên, một số đông các bạn đang gặp nhiều khó khăn về phép ngồi thiền. Có lẽ, các bạn này chưa nắm rõ tư thế và cách thực tập của phép ngồi thiền. Ngồi thiền là ngồi chơi. Ngồi chơi là ngồi thở. Nếu ngồi mà bạn không theo dõi hơi thở thì tâm ý bạn sẽ lén lút ra đi. Vì vậy ‘hơi thở là dây neo’ giữ chiếc thuyền tâm ở lại với thân. Ngồi chơi cho vui tức là ngồi không gồng gượng, không cố gắng, không gò bó, không căng thẳng, không mong cầu, do thế bạn sẽ ngồi được lâu, không bị nghẹt thở, không đau nhức, không mỏi mệt, không buồn ngủ. Phong cách ngồi chơi làm cho buổi ngồi thiền trở nên thoải mái, nhẹ nhàng, an lạc.

Thế ngồi vững nhất là ngồi kiết già, hai bàn chân chéo vào nhau, chân phải đặt trên bắp vế trái và chân trái trên bắp vế phải, gọi là liên hoa tọa. Bạn ngồi xếp bằng hai chân trên một cái gối dày vừa đủ để giữ vững toàn thân. Nếu ngồi kiết già quá khó thì bạn có thể ngồi bán già, chỉ chân này chéo vào chân kia hay ngược lại. Nếu ngồi bán già vẫn còn khó thì bạn có thể ngồi khép hai chân đặt về phía trước hoặc muốn ngồi như thế nào cũng được miễn là cảm thấy thoải mái. Bạn cũng có thể ngồi trên ghế, hai bàn chân đặt trên sàn nhà và hai tay chạm vào nhau bắt ấn thiền định.

Quan trọng là giữ lưng cho thẳng, buông thư mà không gồng cứng ngắt. Ngồi sao mà phần trên từ bụng trở lên của cơ thể hoàn toàn thư dãn, nhẹ nhõm. Bạn có cảm giác cơ thể nhẹ như một sợi tơ. Nếu ngồi mà tư thế nặng nề, mệt nhọc, khó thở thì bạn phải điều chỉnh lại tư thế. Có thể, sóng lưng cong quá, bụng bị ép, cơ thể gồng gượng cho nên máu huyết, tim mạch, hệ hô hấp không lưu thông. Hai bên sóng lưng là hai luồng năng lượng, có những dây thần kinh và nhiều huyệt mạch điều khiển tất cả hoạt động trong cơ thể. Bạn phải trả xương sống trở về trạng thái cong tự nhiên của nó. Hãy để xương sống thả lỏng như lúc bạn đi hay đứng thì thần kinh, máu huyết, mạch huyệt mới đả thông. Lúc ấy năng lượng trong cơ thể mới lưu chuyển giúp cho tâm thức thông suốtan lạc.

Tại một vài thiền viện, thiền sinh không được động đậy trong khi ngồi thiền, dù chân bị tê nhức thế nào họ cũng phải cố gắng chịu đựng. Điều này không cần thiết! Ngồi thiền là để có an lạchạnh phúc. Nếu một phần nào của thân thể bị đau nhức, tức là thân thể bạn muốn báo động điều gì đó. Bạn phải biết lắng nghe nó, không nên bắt cơ thể chịu đựng quá sức, vì làm thế có thể bộ phận ấy sẽ bị tổn thương.

Nếu chân bạn bị tê đau trong khi ngồi, bạn có thể tự động sửa lại thế ngồi cho thoải mái hoặc đổi chân dưới lên trên. Bạn vừa làm một cách nhẹ nhàng chậm rãi, vừa theo dõi hơi thở và từng cử động của thân thể thì tâm bạn vẫn an trú trong định. Nếu chân vẫn không hết đau làm bạn chịu hết nổi thì bạn có thể đứng dậy, đi thiền hành từng bước chậm rãi, đến lúc bạn thấy có thể ngồi lại được thì bạn ngồi xuống. Miễn sao, bạn đừng làm động niệm đến các bạn khác. Điều này không đến nổi gây trở ngại gì cho thiền tập mà ngược lại giúp bạn thực hành ngồi thiềnhiệu quả hơn. Tuy nhiên, bạn được khích lệ ngồi yên cho đến lúc hết giờ thiền tập.

Có lần, Lang đang ngồi chờ máy bay tại phi trường Narita, thành phố Đông Kinh. Máy bay chuyển tiếp từ Việt Nam đến California cách nhau gần mấy tiếng đồng hồ. Lang liền xếp hai chân lại và ngồi thiền ngay trong phòng đợi. Lang dùng áo khoác để làm gối ngồi thiền. Phi trường này có nhiều không gian nên ít người đi qua đi lại, vì thế Lang ngồi thiền một cách yên ổn. Các phi trường khác như New York. Boston, Chicago thường đầy nghẹt cả người, không có một chỗ nào yên ổn. Bạn hãy tập ngồi yên ngay nơi chốn ồn ào như phi trường, siêu thị, phố xá. Dĩ nhiên, không ai dại gì ngồi thiền giữa chốn đông người, nhưng dù ở đâu và trong tư thế nào, bạn nhớ theo dõi hơi thở thì bạn sẽ phục hồi được con người của bạn, không bị chi phối bởi hoàn cảnh náo nhiệt. Thực tập ngồi chơi là bạn có tự chủ trong mọi hoàn cảnh.

Đôi khi bạn ngồi thiền là để chạy trốn cuộc đờichạy trốn chính mình, giống như con thỏ chui vào hang của nó. Làm như vậy, bạn có thể tạm yên ổn trong một thời gian ngắn, nhưng khi ló đầu ra khỏi hang, bạn vẫn phải đối diện với những vấn đề thường nhật của bạn. Giống như khi bạn tu hành ép xác, bạn mệt nhoài và có ảo tưởng là bạn chẳng còn vấn đề gì nữa. Nhưng khi cơ thể được phục hồisinh khí trở lại thì những vấn đề kia cũng ùa về theo.

Bạn không cần tu rút, chỉ cần tu cho thảnh thơi, đều đặnhạnh phúc. Tu là một chuyến đi. Chuyến đi vô cùng tận. Chuyến đi không có đích. Bạn hãy biết đi chậm rãi trong thanh thản. Mỗi ngày bạn nhớ quán chiếu nhìn sâu vào lòng mọi sự mọi việc đang xảy ra. Thực tập như thế bạn mới có thể tiếp xúc được sâu sắc với cuộc sống muôn hình vạn trạng và biến đổi vô thường.

Hãy nhớ bí mật ngồi thiền là ngồi chơi, ngồi thở, vì vậy bạn tập ngồi thiền khắp mọi nơi. Khi ngồi tại văn phòng hay trong xe hơi, bạn hãy nhớ ngồi thở. Ngay cả khi đi mua sắm tại một siêu thị đông người hay đứng chờ hàng dài trước nhà băng, ga tàu lửa, trạm xe buýt, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, bực dọc, bất an thì bạn có thể tập thở và mỉm cười để đừng bị chìm trong hoàn cảnh đó. Bạn hãy giữ sự thăng bằng cho thân tâm. Muốn có khả năng đối diện với bao phiền toái của cuộc đời, bạn cần trở về với bạn bằng hơi thở ý thức. Ở đâu, trong tư thế nào, đi, đứng, nằm, ngồi, bạn cũng nhớ tập thở. Tu là thở. Tu là chơi, tu như chơi.

Ngồi thiền, bạn không suy nghĩ, không tính toán, không tạo tác gì hết mà chỉ thở mở cửa tâm thức cho các hạt giống lưu chuyển. Bao nhiêu tâm ý đều được bạn nhận diện, bao nhiêu tình cảm đều cho tuôn chảy thông thương. Tâm thức bạn có nhiều dòng sông. Ngồi thiền như ngồi chơi bên bờ sông, bạn thấy rõ những gì đang trôi trên dòng sông ấy như cái thùng, cành cây, con thiên nga, cánh bèo… Ngồi thiền cũng thế! Bạn ngồi bên bờ sông tâm linh để nhìn dòng sông tâm ý cho rõ. Bờ sông tâm linh ấy là ánh sáng chánh niệm, thiền định được dựng lên từ hơi thở ý thức, bước chân tĩnh lặng, câu niệm Bụt, câu trì chú.

Ngồi thiền đúng cách giúp tâm sáng suốt nên bạn thấy biết rõ mọi hoạt động trong tâm ý. Bạn không xua đuổi mà không bám víu vào tâm ý nào dù đó là an lạc hay hạnh phúc, buồn tủi hay khổ đau. Bạn giữ tâm ý thoáng như hư không, sáng như buổi bình minh, yên như hồ nước tĩnh lặng. Bạn giữ lấy tâm hồn nhiên, tâm bản nhiên sáng lạng để nhận diện suy tư, tâm ý, cảm thọchuyển hóa đi những bế tắt, buồn đau, muộn phiền. Càng yên càng nhẹ, càng sáng càng thông, càng vô tư càng thoải mái.

Có người nói thiền định đâu phải chỉ là ngồi, vì vậy bạn tập làm việc gì cũng là cơ hội sống thiền. Dù sao thế ngồi vẫn là tư thế vững chãi dễ đi sâu vào thiền định khai mở suối nguồn an lạc, thanh tịnh, thảnh thơi làm ‘thuốc an dưỡng’ trị liệu cho thân thểtâm hồn.

Niềm tinthần dược
New biology có thể dịch ra tiếng Việt là ngành sinh học mới. Các nhà sinh học mới vừa khám phá ra một điều bí mật là di thể không phải quyết định về tất cả phẩm chất của con người, mà chính là niềm tin (belief). Đây là cái thấy trái ngược với các nhà sinh học trong quá khứ, bởi ai ai cũng tin rằng di thể là nền tảng, làm ra thực chất của đời sống con người. Vui buồn, thương ghét, mạnh khỏe, bệnh tật, hạnh phúc, khổ đau, thông minh, chậm hiểu, cao thấp… đều do di truyền.

Các nhà sinh học mới đại diện là Bruce Lipton, làm các cuộc thí nghiệm và thấy rằng di thể hay DNA không thể tự nó hoạt hóa (activate) để tạo ra các sinh hoạt trong đời sống con người mà chính là niềm tin. Họ nói:

Nếu lấy một cậu bé có di thể thông minh bỏ vào một môi trường thiếu học thì cậu bé ấy sẽ lớn lên không có sự thông minh nào. Như vậy, rõ ràng là sự thông minh của một con người không hoàn toàn do di thể quyết định mà còn môi trường, đặc biệtsức mạnh niềm tin.

Họ nói tiếp:

Niềm tin phát xuất từ đâu? Niềm tin phát xuất từ nhận thức (perception), mà nhận thức nghĩa là sự giao cảm, sự tiếp xúc của tế bào và môi trường. Bruce nói mỗi tế bào đều có cái antena rà được tín hiệu của môi trường chung quanh.

Các nhà sinh học mới nói rằng tế bào rất thông minh. Tới gần chất độc thì nó dé lui, tránh bị nhiễm độc. Tới gần thức ăn thì nó tìm tới để được bồi dưỡng. Nếu bạn căng thẳng thì tế bào co rúm trở lại nên cơ thể bạn không lưu thông, máu không đến được các bộ phận của cơ thể, vì thế căng thẳng tạo ra nhiều đau nhức, tật bệnh. Nếu bạn thư giản thì tế bào thoải mái, vui chơi nên cơ thể lưu thông, máu huyết đi khắp mọi nơi giúp nuôi dưỡng, trị liệu làm cho cơ thể được mạnh khỏe. Sống thư giản, bình an giúp cho các tế bào hạnh phúc, vui cười thì tự nhiên bạn được mạnh khỏe. Giống như thư giản, bình an, nếu tin rằng bạn sẽ mạnh khỏe thì cơ thể mạnh khỏe. Các tế bào, các hệ miễn dịch thông minh, nhạy cảm có thể tiếp nhận bất cứ tín hiệu gì của bạn gửi đến.

Các nhà sinh học mới nói:

- Nếu bạn suy nghĩ là bạn còn trẻ thì tự động tế bào khỏe mạnh nên bạn trẻ mãi. Ngược lại, nếu bạn suy nghĩ là bạn già rồi thì tự nhiên tế bào già yếu teo đi cho nên bạn mất sức, già đi rất nhanh.

Theo Duy Biểu học, nhận thức là sự xúc chạm giữa sáu căn và sáu trần tạo ra cái thấy, cái nghe, cái ngửi, vị nếm, xúc chạm, ý thức. Con mắt thấy thấy ngọn lá, đó là cái thấy. Lỗ tai nghe cơn mưa, đó là cái nghe. Lỗ mũi ngửi hương sen, đó là cái ngửi…

Tuy nhiên, công năng của các căn được cấu tạo trong sự giới hạn nhỏ bé của cơ thể cho nên chúng chỉ tiếp xúc với thế giới hạn hẹp, chứ sự sống linh động, sâu sắc, bao la có nhiều hiện tượng như âm thanh, hình sắc, ba động, làn sóng, năng lượng ngoài khả năng cảm nhận của các căn. Cọng với cái nhận thức luôn đi ngang qua trung gian suy luận, so đo, phỏng đoán và bị ảnh hưởng sâu đậm về các loại tình cảm, ký ức, thành kiến trong tâm thức, bởi vậy cho nên nhận thức cũng bị nhiều hạn chế và thường sai lầm. Thấy sợi dây mà tưởng con rắn nên sợ quýnh lên. Nghe tiếng gió rì rào nơi lá rừng mà tưởng âm thanh của loài ma quỷ nào đó nên sợ đến nổi da gà… Vậy, nhận thức cần tu tập, xét nghiệm bằng sự quán chiếu của ánh sáng chánh niệm, thiền định mới có thể gạn lọc được sự hạn hẹp và sai lầm của nó. Vì thế, phần căn bản của vui buồn, thương ghét, khổ lạc, sức khỏe, tật bệnh đều phát sinh từ nhận thức. Tu tập để thay đổi nhận thức làm cho nó lành mạnh, sáng sủa, nhẹ nhàng là than thuốc thần diệu nhất trong việc trị liệu.

Trong Duy Biểu học, nhận thức là nền tảng đưa tới trí tuệ, tình thương và cố nhiên niềm tin. Niềm tin sâu sắc hay cạn cợt đều tùy thuộc vào phẩm chất của nhận thức. Khi nhận thứctrí tuệ hoặc gần với trí tuệ thì niềm tin ấy là sự thật, là sức mạnh, tạo ra sự cảm thông, tin yêu, bao dung, hạnh phúc, lành mạnh. Ngược lại, khi nhận thức có nhiều sai lầm, u mê, kỳ thị thì niềm tin ấy tạo ra chia rẽ, hận thù, đố kỵ, bệnh hoạn, khổ đau. Vậy, khổ đau hay hạnh phúc, khỏe mạnh hay tật bệnh đều phát xuất từ nhận thức, nền tảng cho niềm tin.

Bạn có niềm tin nơi Bụt, bởi bạn thấy được tượng Bụt, nghe nói về Bụt, học về giáo lý của Bụt và thực hành theo lời Bụt dạy. Bạn đã nếm được phần nào pháp lạc của thiền tập. Bạn có kinh nghiệm về sự thật khổ đau, thấy được nguyên nhân khổ đau và có con đường vượt thắng khổ đau nên bạn không sợ khổ đau. Gặp khổ đau, bạn biết cách thực tập chấp nhận để chuyển hóa mà không la mắng, không đánh trả, không giận hờn… Trái lại, bạn có thể phát khởi lòng xót thương cho người làm khổ bạn, vì thế bạn khôi phục lại niềm vui, sức khỏehạnh phúc. Đó là sức mạnh tâm linh do niềm tin đem lại. Niềm tin của bạn không ai có thể lung lạc được. Đó là chánh tín.

Một người khác cũng có niềm tin nơi Bụt nhưng người này chưa nghe nói về Bụt, có ít cơ hội học hỏi giáo lý của Bụt và chưa từng thực tập theo giáo Pháp ngày nào cả. Vì không tu tập nên người này không nếm một chút gì an lạc của giáo pháp. Người này chưa biết gì về khổ đau, không thấy nguyên nhân khổ đau, không có con đường chuyển hóa khổ đau. Gặp khổ đau, người này chỉ biết la mắng, giận hờn, đánh trả, than trời, trách đất. Gặp bất bình, người này dễ nổi giận… Nên người này mang trong tâm nhiều nỗi bất an, giận hờn, phiền não, vì thế đời sống của người này ít có hạnh phúc, thiếu mất tình thương. Có thể niềm tin của người này do chỉ thấy qua tượng Bụt hoặc tin theo cha mẹ… Thấy Bụt như là một hình tượng bằng xi măng, đá hoa, vàng, ngọc thì cái thấy ấy còn cạn, và nếu tin Bụt qua hình tượng có thể gọi là tà tín. Nó không dính líu gì về giáo lýbản chất của Bụt. Niềm tin này dễ bị lung lạc và có thể đưa tới mê tín, dị đoan.

Cũng đều là niềm tin nhưng hai niềm tin trên hoàn toàn khác nhau. Một bên biết chấp nhận khổ đau để quán chiếu mà chuyến hóa để đưa tới hạnh phúc, tha thứ, xót thương. Một bên không biết gì về tứ diệu đế, không chấp nhận khổ đau, chỉ biết đánh trả, trách móc, hơn thua, đưa tới thêm nhiều cay đắng. Vậy, niềm tin có nhiều cấp bậc. Niềm tin làm bằng trí tuệ có thể đưa tới hạnh phúc, khỏe mạnh, giải thoát. Niềm tin làm bằng mù quán, mê tín, cố chấp chắc chắn đem lại đau khổ, não phiền, buộc ràng.

Gặp phải khó khăn, bạn suy nghĩtin tưởng rằng mình sẽ vượt qua khó khăn này thì cơ thể bạn sẽ tạo ra khích thích tố, đẩy mạnh hệ miễn dịch, biến thành năng lượng giúp bạn tiếp tục chiến đấu để vượt qua khó khăn ấy. Học hành cũng thế! Nếu bạn quyết tâm thành công ngành y khoa thì bạn có sức mạnh chú tâm học hết tất cả các môn chuyên ngành dù khó cách mấy để trở thành một bác sĩ. Ngược lại, không có niềm tin, bạn chẳng học hành và không làm được việc gì. Vậy, niềm tin cực kỳ quan trọng. Niềm tinsức mạnh. Có niềm tin, bạn có năng lượng có thể làm tất cả mọi việc khó làm.

Niềm tin là một thần dược giúp Lang đang điều tri được ung thư. Lúc ấy, Lang không nghĩ là mình đang mang bệnh nặng, chỉ biết sống vui, mỉm cười, thảnh thơi, vô tư từng giây từng phút. Lang thường nghĩ thế nào mình cũng mạnh khỏe. Niềm tin tích cực ấy của Lang là do cái cảm nhận về sự phục hồi trong cơ thể và sự thiền tập hàng ngày đưa tới. Lang không tin mù quán đâu, bởi có một nguồn năng lượng, một sức sống đang tràn dâng trong cơ thể.

Hơn nữa, bao nhiêu năm quán chiếu về sự mong manh của kiếp người nên Lang có khả năng buông bỏ mọi vương vấn, nhất là bỏ được hạt giống sợ chết. Sự thật, tâm Lang thanh thản, không suy nghĩ, không sợ sệt gì cả, mà sẵn sàng chấp nhận tình trạng sức khỏe đang có mặt với trái tim nhẹ nhàng và tâm hồn bình thản. Bụt đã dạy rõ, và mình đã quán chiếu về giáo lý ‘một là tất cả’. Mình là nắng mai, là cây, là lá, là cơn mưa, là đại địa, là dòng sông, là cha mẹ, ông bà, tổ tiên… bằng hình ảnh thai nhi nối liền với nhiều bà mẹ qua những cuống nhau vô hình thì có gì phải sợ.

Có lẽ, các tế bào trong cơ thể của Lang tiếp nhận năng lượng niềm tin mạnh khỏe và niềm vui sống nên nó hồi phục thật nhanh. Chỉ trong vòng ba tháng, Lang cảm thấy cơ thể mạnh khỏe hẳn trở lại như trước. Cố nhiên, sự hồi phục này cũng nhờ thuốc men, thức ăn, sự quan tâm, sự cầu nguyệntình thương của nhiều người.

Lang xin hết lòng cám ơn Thầy, các tăng thân, gia đình, bạn bè, các bác sĩbà con làng xóm giúp Lang vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo. Có thể, Lang sẽ sống lâu lắm. Phải nói ‘không có lẽ’ gì hết mà chắc chắn là như thế. Lang phải dùng tâm lực và suy tư lành mạnh để sống mạnh khỏe như sự khám phá về ‘niềm tin’ của các nhà sinh học. Bạn và Lang hãy cứ vui tươi, yêu đời, tha thứ, bình an, thanh thản. Tại sao không? Bởi vì, bạn và Lang đang còn sống mạnh khỏe. Còn niềm vui nào bằng.

 

Thái độ bao dung

 

Bạn trẻ thân mến!

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe nên bạn đừng bị kẹt vào một yếu tố nào, một phương cách nào. Cố nhiên, khi đau ốm bạn nên đi thăm bác sĩ, bởi họ là những người có phần nào kiến thức về cơ thể, bệnh tật và cách điều trị. Khi nghe mọi người chia sẻ về cách trị liệu này hay trị liệu kia thì bạn đừng rơi vào thái độ cố chấp hay chống đối, xem thường bác sĩ và thuốc men. Hãy thong thả thử nghiệm, áp dụng đúng mức các phương pháp ấy để dò xét kết quả như thế nào.

Tuy nhiên, thân tâm là một. Đó là một sự thật mà bạn nào cũng có lần trải nghiệm trong đời sống. Có gì xảy ra trong thân đều ảnh hưởng tới tâm, và có gì xảy ra trong tâm cũng ảnh hưởng tới thân. Bụt dạy: “Ba nghiệp, ý là căn bản. ‘Tam giới duy tâm’ nghĩa ba cõidục giới, sắc giớivô sắc giới đều từ tâm. ‘Vạn pháp duy thức’ nghĩa là tất cả mọi hiện tượng đều phát xuất từ tàng thức.”

Dục giớithế giới của các ham muốn, thế giới của mọi loài trong ấy có loài người. Sắc giớithế giới hình sắc, hình ảnh, âm thanh mà các căn có thể xúc chạm được. Vô sắc giớithế giới không có hình thể, thế giới năng lượng, âm ba, làn sóng… Chỉ cần một suy tư giận hờn đã làm nong nóng, bất an trong thân thể rồi. Bỗng nhiên, mạch tim đập mạnh hơn, máu huyết kích thích chảy mạnh hơn, cơ thể xáo trộn liền. Ngược lại một suy tư tha thứ thương yêu tạo ra cảm giác bình yên, thoải mái, khỏe khoắn trong cơ thể, bởi trái tim, máu huyết, thần kinh và tế bào đều nhạy cảm với suy tư, cảm giác, nhận thức…

Thái độ (attitude) còn được gọi làm phong cách, phong thái, trạng thái được huân tập lâu ngày bởi cách tư duy, mà suy tư có ảnh hưởng rõ rết trên thân thể thì thái độ cũng thế. Bạn phải thực tập thay đổi thái độ tiêu cực, bệnh hoạn thành thái độ tích cực, lành mạnh. Một thái độ ưu ái, cởi mở, bao dung, dễ thương.

Ưu áitình thương có lòng lân mẫn. Có tình thương là có mạnh khỏe. Tình thương tạo ra năng lượng lành mạnh làm cho trái tim bình yên, máu huyết bình thường, thân thể nhẹ nhàng, giấc ngủ an lành thì tự động bạn cảm thấy mạnh khỏe.

Cởi mở là thái độ rộng lượng, không cố chấp, không lên án, không chê bai. Cởi mở là không dính vào bất cứ cách suy tư, cảm nhận hay bất cứ gì. Một trạng thái bình an thật sự trong tâm hồn cho nên cơ thể hoàn toàn được nghỉ ngơi, buông thư. Cởi mở chỉ có trong tâm hồn không cố chấp, vì vậy nên cái nhìn, cái nghe thật vô tư, nhẹ nhàng.

Bao dung là khả năng ôm ấp của tâm hồn. Bao dung xuất phát từ cái nhìn cởi mở, không phe phái, không bạn thù, không cố chấp, không phản ứng. Có một bạn thiền sinh bị dị ứng với cây linden. Mỗi khi cây này nở hoa là bạn ấy rất đau khổ vì nghẹt thở. Vào khóa tháng sáu năm nay, bạn ấy được chia vào gia đình pháp đàm của Lang sinh hoạt ngay dưới cây linden ở Xóm Thượng. Tháng sáu là tháng mà hoa linden nở rộ, thơm nồng. Không còn cách hơn, bạn ấy thực tập chấp nhận cây linden. Mỗi lần tới gần cây, bạn gửi năng lượng ưu ái, bao dung, thương yêu đối với cây. Bạn nói thầm bằng suy tư: “Cây ơi! Tôi thích cây. Tôi mến cây. Cám ơn cây!…” Và chuyện lạ xuất hiện là chỉ vài ngày trong khóa tu, bạn ấy hết bị dị ứng với hoa linden. Khi bạn chia sẻ về chuyện này thì mọi người trong nhóm pháp đàm đều thích thú.

Bao dungtrạng thái không chống đối, không phản ứng. Vì không chống đối nên cơ thể không tạo ra chất đề kháng cho nên cơn dị ứng không còn nữa. Tuy nhiên dị ứng không phải là việc xấu mà ngược lại nó chứng tỏ cơ thể bạn mạnh khỏe. Hệ miễn dịch tốt do đó cơ thể phản ứng lại với các loại phấn hoa, các chất hóa học lạ, các tế bào vi khuẩn trong không khí giúp bạn khỏi bị bệnh. Tuy nhiên, khi sự phản ứng này quá mạnh, nó tạo ra bệnh dị ứng. Bạn chỉ cần tập thái độ bao dung, chấp nhận mọi hiện tượng, mọi con người trong sự sống, kể cả bệnh tật thì sức khỏe bạn sẽ được yên ổn, mạnh khỏebình thường. Bạn không nên có thái độ “xem thường mọi bệnh tật”[1]. Hay nói rằng:

“Cái đau ở đầu hãy cút đi, thân phải khỏe lại bình thường.”[2] Này bệnh mày chẳng làm được gì tao…

Bạn phải có thái độ ưu ái, nhẹ nhàng, chấp nhận bằng phép ‘nhận diện đơn thuần’ nghĩa là gọi tên cơn bệnh như gọi tên người thân yêutin chắc rằng bệnh này sẽ được điều trị. Càng chống đối càng căng thẳng, càng căng thẳng càng dễ tăng thêm bịnh tật.

Thái độ lành mạnh sẽ đưa tới sự lành mạnh cho thân thểtâm hồn. Bạn đừng nên tin Lang mà hãy thử nghiệm đi thái độ ưu ái, dễ thương đối với chính mình, bạn bè, người thân và cuộc sống!

Là một

Khi nắng mai gõ cửa tâm hồn

Mở mắt ra em sẽ thấy

Ngàn hoa mỉm cười

Lá rừng lấp lánh

Trời xanh ngắt

Mây trắng bay

Ánh nắng long lanh

sưởi ấm lòng em.

Khi yêu thương rung động con tim

Mở mắt ra em sẽ thấy

Tuổi thơ bơ vơ

Tuổi trẻ lạc loài

Mẹ già cô đơn

Tất bệnh lan tràn

Đời người mong manh

Em sẽ thấy

Khổ đau và hạnh phúc là một.

 

Ước mơ của Lang

 

Trái tim thương

Bạn trẻ thân mến!

Sống có lý tưởng bạn mới thật sự có hạnh phúc lâu dài. Lý tưởng có nhiều nghĩa nhưng sâu sắc nhất vẫn là có tình thương trong trái tim, có bình an trong tâm hồn và có ước mơ giúp đời bớt khổ. Lý tưởng ở đây không phải dành sự yên ổn, hạnh phúc, giàu sang, thoải mái riêng cho bạn mà dành mọi thứ ấy cho người nghèo khổ nhất trong các người nghèo. Người nghèo nhiều vô kể nhưng có những người nghèo thật sự. Con đường lý tưởng là cứu giúp những người khốn cùng này để họ không chìm trong tuyệt vọng, rồi nằm chết bơ vơ. Muốn sống theo con đường lý tưởng này bạn phải có ước mơ hy sinh, trái tim thương yêu.

Mẹ Theresa dạy: “Con đường phụng sự Chúa Trời không mỏi mệt là thương yêu, cứu vớt con người nghèo khổ nhất trong những người nghèo. Muốn giữ trọn trái tim thương, bạn cần thực tập hàng ngày: im lặng (silence), cầu nguyện (prayer), niềm tin (faith), thương yêu (love), phụng sự (service) and bình an (peace)”. Lang thích sáu phép thực tập này của mẹ Theresa. Và đây là cái thấy của Lang về sáu cách thực tập cho một người lý tưởng có trái tim thương bất tận.

Thực tập ‘im lặng’ giúp bạn gìn dưỡng được sức khỏe, sống vui, ít tốn hao năng lượng và không nói lỡ lời làm khổ người khác. Nói ít rất tốt, bạn ạ! Bạn sẽ có cơ hội sống thật sự và tiếp xúc với sự sống sâu hơn. Bạn sẽ thường xuyên thấy được màu trời xanh với các cụm mây trắng bay. Bạn sẽ nghe được tiếng gió rì rào qua cành trúc… Vì sao? Bởi vì bạn không nói chuyện nên cảm nhận tất cả sự linh động thường xảy ra trong sự sống. Nói nhiều, tâm bạn dễ bị lộn xộn, tạo thêm bất an.

‘Cầu nguyện’ là phương pháp tu luyện thương yêu thật tế, rõ ràng. Cầu nguyện là cách gửi tín hiệu, năng lượng yêu thương, lành mạnh, bình an qua lời nói, thân thểchú tâm. Ba nghiệp đều là năng lượng, và mỗi khi ba nghiệp hoạt động thì nó tạo ra những làn sóng ảnh hưởng tới mọi loài, mọi người và sự sống. Bạn cầu nguyện mọi sự an lành, may mắn, bình an, hạnh phúc, mạnh khỏe cho mọi người, mọi loài và thiên nhiên. Cầu không có chiến tranh, không có buồn đau, không có đói kém, không có bạo động…

‘Niềm tin’ là sức mạnh giúp bạn có ý chí phụng sự vượt thắng khó khăn, thử thách. Niềm tin được làm bằng trí tuệ. Bạn tin vào tình thương, tin vào cái tốt, lành và đẹp, tin vào lòng nhân từ, tha thứ, bao dung. Bạn tin vào ánh sáng tỉnh thức thắp mãi tâm hồn, trái tim trong sáng trên con đường phụng sự để bạn nuôi dưỡng tình thương.

‘Thương yêu’ là nguồn năng lượng phát xuất từ trái tim và tâm hồn, biểu hiện ra thành lời nói, hành động và tư duy với mục đích giúp người bớt khổ. Cũng như niềm tin, nền tảng của tình thươngtrí tuệ. Thấy cuộc đời có nhiều đau khổ, bạn quyết hy sinh sự hưởng thụ, an nhàn, sung sướng, dành hết thời giờ, tuổi trẻ, tâm lực và con tim cứu giúp người bớt khổ bằng hai bàn tay chăm sóc, hai bàn tay lân mẫn.

‘Phụng sự’ là con đường thực hiện tình thương ấy. Bạn dùng hai bàn tay đi vào mọi nẻo đường bệnh viện, trại cùi… giúp đỡ mọi người bớt khổ, cứu lấy các trẻ sơ sinh, những người bệnh tật… Đây là con đường thực nghiệm lý tưởng thương yêu. Bạn không chỉ còn cầu nguyện mà vừa cầu nguyện, vừa làm việc cứu khổ.

‘Bình an’ là căn bản, nền tảng cho lý tưởng thương yêu. Đời sống bình an mới đem lại hạnh phúc và có thể phụng sự lâu dài, không mỏi mệt. Bình an đem lại tình thương, vì thế việc phụng sự không còn là công tác xã hội, từ thiện nữa mà làm bằng cả con tim yêu thương. Trái tim ấy chỉ có nơi tâm hồn bình an. Bất an không thể giúp được cuộc đời bền lâu. Bạn trở thành một với người nghèo khổ, tật bệnh. Nhờ họ, bạn thực hiện được lý tưởng thương yêu của mình.

Lang có ước mơ thành lập một tăng thân chuyên lo cho người thật nghèo, tật bệnh, đau khổ nhưng chưa có điều kiện thực hiệnquê nhà. Nhưng không sao! Một số các bạn đang âm thầm làm một phần mà Lang mơ ước.

Các bạn trong tăng thân này phải thực sự sống nghèo, đơn giản, im lặng, cầu nguyện, thiền tập, vâng lời tình thương, hết lòng phụng sự, thanh tịnh, cứu đời bớt khổ. Các bạn này có thể người xuất sĩ hay tại gia, Phật tử hay không Phật tử mọi thành phần. Có hai cách phụng sự, một là thường trú dành cho các bạn độc thân ở luôn tại trung tâm, hai là bán trú dành cho các bạn đã có gia đình muốn hiến dâng nữa phần đời còn lại cho lý tưởng. Tất cả đều chịu sống theo các nguyên tắc trên, không lương, không có tư lợi gì mà chỉ một lòng tu tập im lặng, cầu nguyện, tin tưởng, yêu thương, phụng sự người khốn khổ nhất trong xã hội. Lấy lý tưởng cứu đời bằng cả trái tim thương yêu làm mục tiêu của đời mình.

Bạn hãy theo con đường đẹp này. Mẹ Theresa là một vị thánh yêu thương hiếm có. Theo Lang, mẹ là hiện thân của hai vị Bồ Tát Quan ÂmPhổ Hiền. Người ít nói nhưng cần cù giúp cuộc đời bớt khổ suốt cả kiếp người. Ở quê nhà chắc chắn có nhiều con tim đang thổn thức muốn theo con đường phụng sự những kẻ khốn cùng, bệnh tật bằng tình thương. Sự thật đã có nhiều nhà trẻ mồ côi, trại cùi… nhưng người lãnh đạo và người phụng sự chưa biểu lộ được tình thương. Thật tiếc quá!

Bạn có cần nhiều tiền mới thực hiện được lý tưởng này không? Không! Bạn chỉ cần trái tim và hai bàn tay yêu thương. Có trái tim ấy sẽ có người yểm trợ bạn. Bạn có thể nhận sự giúp đỡ từ những người nghèo khác dù chỉ là bó rau, mắn gạo, củ khoai cũng đủ cho bạn nấu nồi cháo cứu người khốn khổ vượt qua cơn đói. Con đường lý tưởng này không cần xin xỏ người giàu có, người chức quyền, các hội đoàn nước ngoài mà nhận tất cả sự giúp đỡ từ mọi người.

Trái tim bạn thật sự trong sáng, không có một chút tư lợi, tính toán gì cả thì mới nuôi dưỡng được năng lượng yêu thương. Bạn cũng ăn đơn giản như những người nghèo. Bạn thường trú phải sống thật đơn sơ như họ. Các bà mẹ chỉ nuôi dưỡng có mấy đứa con mà hạnh phúc đến thế, huống gì bạn chăm sóc, yêu thương biết bao nhiêu người và làm cho họ bớt khổ.Thế nào bạn cũng sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc.

Muốn làm được như mẹ Theresa, bạn phải thực tập thường xuyên sáu phép tâm linh như trên. Nó không khác gì đời sống thiền tập của đạo tỉnh thức.

Thế nào Lang cũng thực hiện ước mơ phụng sự bằng trái tim thương yêuquê nhà, bởi người khốn khổ càng ngày càng nhiều như các bé sơ sinh bị bỏ rơi, các trẻ mồ côi cả cha mẹ không một người thân, người già không nhà cửa không gia đình… Họ khổ nhiều mặt nhưng khổ nhất là thiếu bàn tay yêu thương, trái tim lân mẫn.

Bạn phải lấy trái tim đau xót giúp cuộc đời thì bạn mới cảm nhận hết niềm hạnh phúc ứa ra từ tấm lòng của chính bạn. Lang cần rất nhiều bàn tay và trái tim cho ước mơ này.

Sống vô tư

Bạn trẻ thân mến!

Mình không có máy chụp hình. Mấy tấm hình vừa đăng lên mạng là mình chụp từ máy của sư em Pháp Hữu. Gần đây, sư em đi Đức cho nên mình không thể chụp được tấm nào mới cho các bạn nhưng mình chụp bằng tâm trong sángtâm chú ý. Bây giờ hoa sen trắng nở thật rực rỡ. Tiếc quá!

Mỗi sáng mình đều có ngồi thiền ở cốc Ngồi Yên của Sư Ông. Ngồi thật yên! Ngồi thật khỏe! Mình không còn dùng thiền ngữ như khỏe nhẹ, lặng cười nữa mà tâm mình thiệt tĩnh lặng và khỏe nhẹ. Dòng tâmlặng lẽ, yên tĩnh như nước hồ thu phẳng lặng. Niềm an lạc lưu chuyển khắp châu thân nên mình cảm thấy khoan khoái. Có lúc Lang không muốn xuất thiền chút nào vì ngồi thiền khỏe quá.

Cảnh bình minh rực rỡ không thua gì cảnh hoàng hôn. Trước mặt cốc là một cánh rừng xanh rì, xa xa là núi đồi thoai thoải, bao phủ nhiều lớp sương mờ mờ ảo ảo. Cứ đúng bảy giờ sáng là mặt trời lên sưởi ấm tất cả vạn vật trong ấy có Lang. Cơ thể nhạy cảm của Lang cứ hút năng lượng âm ấm của mặt trời tạo thành cảm giác thật mạnh khỏe.

Mình luôn nhớ đi vòng ngang qua hồ sen để ngửi hương vị quê hương trước khi đi uống trà và làm công việc. Gần đây Lang tập sống thoải mái, tâm hồn trở thành em bé. Mình chơi với thiên nhiên, chăm sóc cây cảnh chung quanh tăng xá. Chăm sóc các con mèo. Lang vừa mới xây một cái hồ nhỏ để trồng hoa súng và nuôi cá màu. Mình tập sống vô tư, nghe chim hót, gió reo, suối chảy, nhìn trời, nhìn lá, cảm nắng ấm…

Khi bạn thở, bạn có mặt, bạn thưởng thức được sự sống. Bạn trở thành một với trời xanh, nắng mới. Tâm tư dừng lại. Thời gian ngừng trôi. Bạn bước vào một cõi mênh mông toàn là ánh sáng tỉnh thức và bình lặng. Bạn có muốn thử không? Thế nào bạn cũng sẽ trải nghiệm như Lang. Tuyệt vời lắm!

Sống chậm để yêu thương

Bạn trẻ thân mến!

Trong lúc uống trà sáng nay, mình cảm thấy thương bạn trẻ. Sống sâu sắc từng giây từng phút trên đời này có mấy người làm được đâu! Đa số bạn trẻ dễ bị lôi theo thói quen lăng xăng, lật đật, lo lắng, lãng quên.

Hôm qua thứ Bảy, tu viện thật vắng người! Tất cả thiền sinh đã trở về với đời sống của họ, nhưng vẫn có một số bạn trẻ tới thăm tu viện, có ba bạn người Việt, một bạn người Tây Phương. Mình tiếp đón các bạn trẻ, mời họ đi thăm đường thiền hành chạy quanh cánh rừng. Đi chưa được bao lâu, họ đã muốn trở về tu viện. Cả bốn bạn trẻ này nằm dài trong thiền đường. Họ nói rằng:

Thầy hướng dẫn buông thư cho bọn con đi! Please help us relax!

Sẵn có tình thương cho bạn trẻ, mình hướng dẫn sơ về thiền buông thư và mở nhạc thiền tiếng Anh cho các bạn này nghỉ ngơi. Có lẽ, các bạn trẻ này thiếu nghỉ ngơi, cuộc sống đã làm cho họ mệt nhoài, căng thẳng, hết năng lượng… Cuộc sống của các bạn này là một cuộc chạy loanh quanh, là một chuyến đi tìm hạnh phúc vô định và họ không biết cách trở về tìm lại chính mình. Tội nghiệp cho họ quá!

Lang thích câu hát của anh Trinh Công Sơn:
“Về đâu cuối ngõ
Về đâu cuối trời
Xa xăm tôi ngồi
Tôi tìm lại tôi.”
Mình tạm dịch tiếng Anh cho các bạn trẻ này.
“Where am I going to the end of the road?
Where am I going to the end of the horizon?
In the vastness, I just sit
So that I can look for myself.”

Trong lúc các bạn trẻ buông thư, Lang xuống bếp nấu nước sôi làm mì gói. Khoảng 20 phút sau, Lang mời các bạn thức dậy ăn mì. Vừa ăn xong tô mì thì có thêm hai người bạn khác đến tu viện và đồng một cái họ kéo nhau đi ngay. Có thể, các bạn này hẹn hò với nhau đi chơi đâu đó ở vùng này, luôn tiện họ ghé thăm tu viện. Họ đến rồi đi như cơn gió!

Còn lại một mình, Lang trở về với bước chân. Lang đi vào rừng theo con đường thiền hành. Con đường này thật yên tĩnh, xanh tươi, có rừng sồi, có rừng thông, có hoa lá, có ong bướm… Từng bước, Lang an trú trên bước chân, cảm nhận lòng đất và thấy tâm hồn vui vui. Vui vì tu viện là nơi cho mọi người trở về khi mệt mỏi. Về đây ai cũng có cảm giác trở về nhà, về cõi bình an và Lang có cơ hội chăm sóc cho mỗi người. Vui là Lang có thể đi từng bước thảnh thơi.
Lang thực tập tìm lại mình trong từng giây phút trên mỗi bước chân, mỗi hơi thở. Lang nghĩ không có cách nào dễ hơn. Nói như thế không phải Lang muốn ca ngợi pháp môn đâu mà có nghĩa là tu tập có nhiều pháp môn, nhưng hơi thở và bước chân dễ thực tập nhất. Đi đâu, chỗ nào, hơi thở và bước chân cũng có mặt như người bạn thân thiết.

Lang tập sống chậm lại để thở, giúp bàn chân chạm thiệt vào lòng đất, “lắng nghe nhịp đập của trái tim, lắng nghe nhịp chảy của cuộc sống”, nhìn rõ mặt thiên nhiên, hoa lá, người thân. Lang tập sống chậm để yêu thương, trân quý sự sống thêm một chút nữa. Bác sĩ bảo: “Có thể Lang không sống được bao lâu.” Lang không sợ hãi, không lo lắng! Ai mà biết được chuyện tương lai. Trái lại, Lang trân quý từng ngày, yêu từng ngọn lá, từng tia nắng, từng cụm mây. Mỗi ngày, Lang đều ngồi thiền thật nhiều lần để trị liệu bệnh tật và thưởng thức sự sống. Lang thích ngồi thiền buổi sáng chiều ở ‘hiên trăng lên’ nơi cốc Ngồi Yên của Sư Ông. Lang thích câu nói của bạn: “Chậm lại để không hời hợt, chậm lại để nuôi chín cảm xúc, để nhận ra điều gì thực sự là cốt lõi, điều gì chỉ là thoáng qua… Chậm lại để nhìn lại. Chậm lại để… nhanh hơn.”

Nhờ chậm, Lang bắt gặp được chính mình. Bắt gặp chính mình là gặp sự sống. Bắt gặp sự sống thì còn có gì đẹp hơn nữa đâu, hởi bạn! Bạn trở thành người tình của sự sống. Bạn trở thành người tình của thiên nhiên. Bạn có một tình yêu sâu thẳm (intimate love) với thiên nhiêncon người. Bạn yêu từng ngọn lá, từng nụ hoa, mỗi giọt nắng, từng cơn mưa, từng ánh mắt, mỗi nụ cười… Làm sao cảm giác cô đơn, trống trải có mặt trong tâm hồn của một người sống hết cả tâm hồn! Hôm trước, hoa quỳnh biểu lộ hết cả cái đẹp tinh khiết của nó, và Lang đã ngồi chơi với hoa quỳnh hết lòng từ chín giờ đêm đến hai giờ sáng. Đó là một cuộc hội ngộ nhiều cảm nhận yêu thương, trân quý. Càng mong manh, càng tươi đẹp, càng trân quý.

Hôm nay, Lang nghe Sư Ông giảng lại về kinh ‘chiếc lưới ái ân’. Ái ân là một cái lưới lớn có thể vớt mình lên như vớt một con cá. Con cá bị mắc lưới xem nhưxong đời. Nó sẽ bị người ta nấu nướng để ăn. Người tu bị mắc lưới ái dục sẽ bị nướng trong lửa dục vọng và đam mê. Người đời tuy đã có gia đình cũng có thể bị mắc lưới ái ân như con cá bị mắc lưới. Dính vào lưới ấy là khổ đời mình mà còn làm tan nát gia đình. Chiếc lưới ái ân này không chừa ai đâu.

Bạn trẻ hãy cẩn thận nhé! Lòng ân ái, tâm dục vọng của con người không bao giờ thỏa mãn được đâu! Tuy nhiên bạn không nên phủ nhận, đè nén, lên án năng lượng ái ân mà chỉ nhận diện, mỉm cười với nó. Hãy nhớ nguyên tắc càng xa lánh ái dục, càng khát khao nó, càng đè nén ái dục, ái dục càng mạnh mẽ. Xem nó là người bạn để bảo vệ tình yêu và hạnh phúc. Ái ân có thể trở thành năng lượng chăm sóc, kính trọng, yêu thương giống như bùn làm ra sen, rác thành hoa… Phương phápmỉm cười, gọi tên, nhận diện.

Bạn có biết không?

Thỉnh thoảng, Lang cũng nhớ mẹ, em, gia đình, bạn bè và quê hương. Có lúc nỗi nhớ thật mạnh, thật da diết! Làm người không thể nào không có sự nhớ thương mà Lang là con người bằng xương, bằng thịt, có con tim và có tâm hồn, vì vậy nhớ thương là chuyện tự nhiên. Quan trọng là gửi nỗi nhớ vào trong nắng ấm, thở với nó, cười với nó, đi chơi với nó thì nỗi nhớ sẽ sâu sắc, và đời sốngý nghĩa. Lang không muốn mình trở tảng băng lạnh lẻo hay khúc gỗ khô khan… Sống không có tình cảm thì đời sống chán lắm! Lang muốn nói nhỏ điều ấy với người xuất gia trẻ. Lang học cách chấp nhận tình cảm của mình, tập sống thật với tất cả con người của mình và không xua đuổi bất cứ một tình cảm nào, tâm tư nào, ý nghĩ nào. Vì thế, Lang cảm thấy thực sự an lành trong thân tâm.

Lang thích ngồi chơi với thiên nhiên để nghe chim ca, nhìn con sóc nhảy, ngắm hoa lá, chiêm ngưỡng rừng cây… Lang thấy rõ mình không sống lẽ loi cô độc trong khu rừng này mà đang sống chung với thiên nhiên và muôn loài.

Bạn hãy thử mở tâm hồn ra để thiên nhiên đi vào. Hãy cảm nhận sự sống với tất cả nguồn năng lượng của nó thì thế nào tâm hồn bạn sẽ ấm lên. Những giọt yêu thương sẽ tuôn chảy từ mạch tâm hồn của bạn, và bạn sẽ hết cô đơn ngay. Bạn làm được mà!

Chúc bạn một ngày vui.

 

 Bạn sáng ngời

Tên thơ của Lang là Tuyết Sơn, nghĩa là núi tuyết. Nó xuất phát từ nhiều năm sống với núi tuyết. Mùa thu năm 1999, Sư Ông và tăng thân gửi Lang qua tu tậptu viện Rừng Phong thuộc tiểu bang Vermont vùng Đông Bắc nước Mỹ. ‘Ver’ viết tắc chữ vert nghĩa là xanh, và mont viết tắc chữ mountain nghĩa là núi. Vậy, vermont là núi xanh.

Tu viện Rừng Phong nằm ở trên đỉnh núi cao, quanh năm yên tĩnh. Chung quanh tu viện có nhiều núi rừng chập chùng trùng điệp. Đa số cây rừng là phong, thông, tùng, bách, dâu, dẻ… Mỗi năm từ tháng mười một cho đến cuối tháng tư, đầu tháng năm, núi vermont bao phủ đầy tuyết trắng. Lang thích tuyết bởi nó đẹp một cách bình lặng, tinh khiết. Đêm nào có ánh trăng chiếu vào tuyết thì núi rừng biến thành một màu sáng vằng vặc, sáng lạng, thiêng liêng.

Tâm hồn Lang được thanh thản, trong sáng như hôm nay nhờ Lang nhìn màu xanh của núi rừng và màu trắng của tuyết suốt mấy năm dài. Chính ở tu viện này, Lang viết hai cuốn sách ‘Thì thầm tiếng đá’, ‘Mẹ là dòng sông’. Mỗi độ tuyết tan, núi biến mình thành những dòng suối lớn nhỏ tuôn chảy, ca hát suốt ngày đêm. Lang thích ngồi yên bên suối, vừa thở, vừa nghe tiếng suối thầm thì. Có lúc, tâm hồn Lang thích phiêu bạc nơi này nơi kia, nhưng Lang biết trở về với hơi thở để nghe lại lời ca của suối. Tất cả những âm thanh và màu sắc của núi rừng đã ăn sâu trong tâm hồn của Lang.

Vừa rồi, Lang được đi chèo thuyền cùng với tăng thân trên dòng sông Dordogne. Con sông này tuôn chảy từ mạch nguồn trên núi tuyết Pyraneyes ở tận Tây Nam nước Pháp gần ranh giới Tây Ban Nha. Lang yêu dòng sông Dordogne, bởi nó thật trong vắt, sạch sẽ, mát mẻ. Nó mang theo hồn thiên núi rừng nên nước sạch, mát, lành. Trên dòng sông mọc một loại rong nở hoa màu trắng tinh như hoa bạch mai. Màu trắng của hoa tỏa sáng lung linh nổi bềnh bồng trên dòng sông xanh. Có lần, đắm mình trong nước giữa ngàn hoa, Lang có một cảm giác thật mát rượi, thanh khiết và trong lành.

Mùa này đang là mùa giao thoa giữa mùa Hạ và nàng Thu, vừa có nắng, vừa có mây, vừa có sương. Mỗi chiều, gió từ phương Bắc thổi về mang theo hơi mát của vùng băng tuyết. Thật là một mùa dễ chịu! Lát đát trên những tàng cây cao, nhiều ngọn lá đang đổi màu, mặc cho mình chiếc áo mới. Lá vàng chín đong đưa, vây vẫy trong gió đang đời chờ cuộc trở về cội nguồn uyên nguyên.

Mùa thu không phải chỉ là mùa lá chín mà cũng là mùa trái cây chín. Ở đây, tất cả trái cây bắt đầu chín rồi, bạn ạ! Sáng nào và chiều nào, Lang cũng hái thật nhiều trái cây đặt vào ngọn lá sen. Lá sen xanh tươi, mềm dẻo, sạch sẽ dùng đựng trái cây thật đẹp, sạch, thơ. Nào là trái mận, sung, lê, dâu đen (black berry), dâu đỏ, táo, cà chua và nhiều loại hạt như hạt hạnh nhân, dẻ, bồ đào, hướng dương, thông… Trái cây nào, loại hạt nào cũng thơm tho, ngọt lịm.

Người phương Tây biết bảo vệ ruộng vườn, thiên nhiên nên hoa màu, rau cải, ngũ cốc, trái cây nhiều vô kể, dư dã cho con người và các loài thú. Nước Pháp đâu lớn gì hơn Việt Nam nhưng người ta có văn minh, biết bảo vệ đất đai, biết lo cho dân, lo cho đất nước, vì thế người dân không bao giờ sợ thiếu thức ăn.

Bạn có bao giờ thấy những giọt nắng long lanh chưa? Hồi ở Việt Nam có bạn trẻ hỏi Lang:

Làm sao bắt được màu nắng, hởi thầy?

Ở đây, Lang không những bắt được màu nắng mà còn trở thành nắng. Lang thích nhìn nắng xuyên qua lá rừng, nắng nhấp nhô trên dòng sông, nắng lấp lánh nơi giọt sương… Chung quanh Xóm Thượng là một cánh rừng bao la đủ các loài cây sồi, thông, tùng, bách, bạch dương, cây dâu, hạt dẻ… Xóm Thượng, nơi các thầy các sư chú ở thật xanh tươi, mát mẻ! Mỗi ngày, Lang ngồi hàng giờ mở mắt nhìn nắng. Nắng rơi từng tia, từng mảng làm cho lá rừng sáng lốm đốm. Có khi nắng rơi loang lổ khắp cả cánh rừng. Những lúc mỏi chân đứng lên đi thiền, Lang cũng bắt gặp những vũng nắng tỏa chiếu sáng ngời. Nắng đưa tâm hồn phiêu bạc của Lang trở về với hiện tại, với sự sống, với chính mình. Thấy nắng là gặp tỉnh thức. Có lẽ, cả con người Lang trở thành màu nắng.

Theo Lang, nắng là Bụt A Di Đà bởi A Di Đà có nghĩa là ánh sáng vô lượng mà nắng chính là ánh sáng ấm áp, rực rỡ, thiêng liêng. Ngoài ra, Lang còn bắt gặp nắng trong bó rau xanh, nơi trái mận ngọt, nơi trái cà đỏ tươi…

Bạn có muốn trở về với nắng, với thiên nhiên không? Về nơi ấy, bạn sẽ tìm thấy tuổi thơ, cái tuổi hồn nhiên, ngây thơ, vơ tư bởi vì bạn là nắng. Bạn không còn lo sợ gì nữa. Bạn không còn suy tư, tính toán gì nữa. Cả tâm hồn bạn trở nên sáng lạng. Bạn sáng ngời. Về với thiên nhiên, bạn trẻ mãi vì nắng không có tuổi. Bạn sống vui tươi như hoa lá. Tuổi bạn là tuổi xanh như tuổi nắng mai.

Cái nghệ thuật cao nhất của thiền là trở thành một với sự sống. Tâm hồn bạn sẽ sáng rực lên. Bạn sẽ cảm thấy bình an, tỉnh táo, sáng lạng lạ kỳ. Anh Trịnh Công Sơn có làm một bài ca tên là ‘Nắng Thủy Tinh’. Có lẽ, anh đã thấy màu nắng, vì vậy lời ca của anh hay, đẹp, sáng như những hạt kim cương.

Nắng đưa bạn vào vườn hoa tâm linh, có lá xanh mơn mởn, có ngàn hoa rực thắm, có trời xanh mây trắng… Bạn sẽ tìm thấy tình yêu, một mối tình thiên nhiên, thánh thiện, trong sáng, không cần điều kiện.

“Màu nắng hay là màu mắt em. Mùa thu mưa bay cho tay mềm, chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua bên thềm, rồi có hôm nào mây bay lên.

Lùa nắng cho ‘ngời màu’ tóc em. Bàn tay yêu thương đón ‘nhau về’. Ngày xưa sao lá thu không vàng. Và nắng chưa vào trong mắt em.

Em qua công viên, bước chân âm thầm, ngoài kia gió mây về ngàn, cỏ cây chợt lên màu nắng.

Em qua công viên, mắt em ngây tròn, lung linh nắng thủy tinh vàng, chợt hồn ‘bình yên thênh thang’…”

Những từ ca này, Lang giúp cho tâm hồn anh Sơn có một tình yêu sáng lạng, có một màu nắng thủy tinh và có một tâm hồn ‘bình yên thênh thang’. Bạn có thấy tâm hồn có nắng thường sáng lên hay không? Tỉnh thức là gì, hởi bạn? Tỉnh thức là thấy nắng long lanh, bắt gặp sự sống, yêu thương cuộc đời này.

 

 Sống sâu sắc

Bạn trẻ thân mến!

Theo thường lệ, sau công phu sáng, Lang pha một bình trà nóng để thiền trà. Hồi còn ở Làng Mai hay Từ Hiếu, mình thuờng uống trà với anh em, nhưng ở Cát Tường, mình uống trà với Bụt. Ly trà thơm tho đầu tiên, mình dâng lên Bụt, và ly thứ hai dành cho mình.

Uống trà cũng là cơ hội thực tập sống sâu sắc. Tại sao gọi là sống sâu sắc? Bởi vì sự sống có nhiều mức độ. Có khi, bạn sống nhưng không sống. Thân ở đây nhưng tâm đã đi mất rồi. Có khi, bạn sống chỉ trong giây lát thôi, tâm ý lại chạy rong ruổi về tương lai hay quá khứ. Có khi, bạn sống nữa chừng, nghĩa là sự cảm nhận và ý thức về sự sống có vẻ mơ hồ, không thật lắm, giống như ăn mà không cảm thấy ngon, bởi tâm bạn bận lo nghĩ nhiều chuyện, vướng vấn về cái gì đó. Sống sâu sắc là thân ở đâu thì tâm ở đó. Thân tâm nhất nhưtrạng thái căn bản của thiền tập. Thực tập bất cứ phương pháp nào mà đưa tâm về với thân trong giây phút hiện thực thì bạn đạt được thiền. Lúc ấy, bạn mới thật sự sống sâu sắc. Sống sâu sắc bạn sẽ có một đời sống khỏe mạnh. Còn nếu tâm ở một nơi, thân ở một nẻo thì bạn có thể không sống hoặc sống rất ít hoặc sống nữa vời, vì vậy sự sống ẩn hiện như một bóng ma. Bao nhiêu năng lượng đều bị tiêu hao. Thân tâm rã rời, mệt mỏi, chán nản. Bạn không làm chủ được thân tâm. Hoàn cảnh và sự lo toan cuốn phăng sự sống của bạn như một cánh bèo trôi dạt lênh đênh. Nói theo kinh Kim Cương, sự sống của bạn là mộng, huyển, ảo…

Hôm nay trời mưa, Lang đi vào trường học giúp bài học cho bạn Việt, rồi mình đi thăm một người bạn từ Việt Nam trở về Mỹ cho đến chiều mới trở lại tu viện. Về tu viện, mình cảm thấy thật khỏe trong lòng. Ra ngoài hiên, mình ngồi chơi để nghe mưa hát. Cơn mưa ở đây nặng hạt như cơn mưa ở Huế. Bỗng dưng, mình nhớ quê hương, nhớ chùa Tổ, nhớ mẹ, nhớ em, nhớ bạn bè, nhớ ngôi nhà “Ân Tình”, nhớ hồ cá, nhớ hòn non bộ, nhớ vườn rau… Đúng như lời ca: “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa”. Anh Sơn viết đúng tâm sự của mình quá!

Mình trở về với hơi thở ý thức để an trú trong sự sống hiện tại. Cơn mưa đang hát, và mình đang thở. Mình có mặt cho cơn mưa, nghe cơn mưa hát, và mình vui trở lại liền. Có khi, nỗi nhớ, nỗi buồn là một tâm trạng cô đơn. Có khi, nỗi buồn, nỗi nhớ chỉ là ký ức, kỷ niệm. Bạn có thể làm kỷ niệm ấy đẹp hơn trong giây phút linh thiêng của hiện tại. Nghe mưa để yêu thương mẹ, yêu thương em thêm đậm đà. Vì sao? Bởi mình thực sự đang nghe tiếng hát của cơn mưa. Cơn mưa đưa mình về với sự sống sâu sắc, trong ấy mẹ và em vẫn có mặt nơi trái tim. Mình có cảm tưởng có thể sờ được mẹ và em.

Bạn trẻ ơi! Mình ở đây một mình giống như đang nhập thất bởi chẳng có ai trong khu rừng mênh mông này. Mình yêu cánh rừng này lắm. Nó yên tĩnh quá, xanh tươi lạ, sống động ghê! Lắng nghe sâu hơn, cánh rừng này có biết bao là chim chóc, sóc, nai, sâu, bướm… Như thế, mình đâu có ở một mình. Cảm giác một mình là một ảo tưởng do mặc cảm cô đơn tạo nên. Sự sống ở cõi này đâu phải chỉ có loài ngoài. Ý thức sự có mặt của muôn loài, mình sống cẩn trọng và có trách nhiệm, biết tôn trọng sự sống thiêng liêng của muôn loài, và cái cảm giác cô đơn tan biến liền.

Từ từ, mình sẽ khám phá ra bí mật của cánh rừng, bắt đầu thương yêu và gần gũi với nó. Mình đã đi khắp hết ngõ ngách của khu rừng. Nó rộng hơn mình tưởng, phía sau là cả cánh rừng ngàn mẫu không người ở. Mình đã từng đi ‘hiking’ một mình vào một buổi hoàng hôn. Hôm thứ Bảy, mình hướng dẫn bọn trẻ thám hiểm trong khu rừng ấy, và chính vì thế các bạn trẻ đã tìm ra được cái hồ thiên nhiên với biết bao là loài chim chóc, nai sóc, ếch nhái, cá tôm, muôn thú như một thế giới thú vật sống động (disneyland).

Bạn trẻ ơi! Thế nào mình cũng sẽ khám phá khu rừng tâm linh. Mình bắt đầu thấy rõ đường đi nẻo về của tâm ý hơn mỗi ngày và biết tạo dựng năng lượng bình anthảnh thơi cho nên sức khỏe mình mỗi ngày mỗi tốt hơn. Mình đang có cảm giác chân cứng đá mềm trên con đường điều trị thân tâmkhám phá khu rừng mới. Bạn hãy chờ đợi sự khám phá này nhé.

Đất là mẹ

Bạn trẻ thân mến

Chắc bạn đang theo dõi từng bước của Lang. Bạn bè đã hơn bốn mươi năm mà chúng mình vẫn còn giữ được tình bạn thật là diễm phúc, thật là quí báu. Thời bây giờ, tình thương bẻ bàng lắm. Người ta thương nhau rất ngắn ngủi. Chỉ cần một chút phật ý là người ta trở thành khách xa lạ. Bạn có biết ở đây số lượng li dị lên tới mất không thể tưởng được! Tội nghiệp cho những đứa con thiếu tình thương của cha hoặc mẹ. Thiếu tình thương là thiếu cái qúi nhất của một đời người. Biết bạn luôn nâng đỡ, thương tưởng, ủng hộ nên Lang cảm thấy ấm áp.

Bây giờ, Lang tâm sự tiếp về Cát Tường nhé. Hôm nay là lần đầu tiên mình thấy một chú nai xuất hiện nơi hồ nhỏ gần Pháp Thân Tạng. Lúc ấy, mình đang ăn trưa dưới rừng tùng (cedars). Mình định đi lấy máy chụp một tấm hình để làm kỷ niệm, nhưng con nai liền đi ngay vào rừng. Vậy là, mình phải rào vườn rau cho thật kỹ, bởi ban đêm các con nai này thường xuất hiện ngay ở sân cỏ của tu viện.

Bạn có biết không? Tuần trước, mình đã cuốc đất và gieo hạt cải, ngò, tần ô và xà lách. Vậy mà chỉ trong một tuần, những hạt giống ấy đã nẩy mầm thành những cây con lú nhú. Nhìn vườn rau, mình cảm thấy vui lắm. Như vậy, mình sắp có rau ăn rồi. Tổ tiên thường nói: “Đất là bạc, là vàng.” Đúng như thế! Có một mảnh vườn là không sợ đói. Mảnh vườn này là do chủ trước khai hoang, có rào sẵn lưới sắt chung quanh nên Lang chỉ việc cuốc đất, đợi cho nắng sưởi ấm lòng đất, gieo hạt xuống là có vườn rau xanh.

Lang rất thích làm vườn, bởi mình cảm thấy gần gủi với đất mẹ. Có khi, dùng hai bàn tay bóp nát cho đất xốp, mình cảm thấy vui lắm. Một niềm vui đơn sơ, bình dị do cảm được tình thương của đất mẹ. Bao nhiêu rau cải, ngũ cốc, hoa quả đều từ đất mẹ. Thế mà, ít người tiếp xúc được với tình thương của đất mẹ. Trái lại, ta sống hững hờ, cô đơn. Ta không tiếp xúc được tí nào với thiên nhiên, trái đất. Ta còn xả rác, sống vô ý thức đã tạo ra các chất ô nhiễm cho trái đất. Ta không nhớ rằng đất cũng là mẹ. Không có đất thì rau cải, hoa trái, gạo cơm đâu mà ăn để sống còn.

quê nhà, bạn hãy giữ đất để trồng rau nhé, đừng có trán xi măng hết vườn nhà. Bây giờ, dân số quá đông nên thiếu thực phẩm, vì vậy cho nên người ta trồng rau cải không sạch sẻ lắm. Họ cứ xịt thuốc hóa học cho rau mau lớn, như thế chúng mình ăn toàn chất hoá học, chứ có ăn rau xanh từ đất mẹ đâu! Đưa những chất hoá học ấy vào cơ thể lâu ngày sẽ bị ung thư. Thật tội nghiệp cho đồng bào! Bạn cứ lên các bệnh viện để thăm một lần cho biết cái khổ của bệnh tật do con người sống thiếu trách nhiệmlương tâm.

Ngoài làm vườn ra, Lang cũng làm rừng để tu viện có thêm không gian. Mình đã cắt gần hết bụi cây chung quanh hồ nhỏ, bởi thế con nai mới tới thăm và uống nước. Sau này, mình định đào rộng hơn để hồ nhỏ trở thành cái hồ lớn thiên nhiên. Chung quanh là cây, lối đi và đá để các bạn trẻ có nơi ngồi chơi, bà con có nơi ngồi thiền. Mình sẽ bắt một cây cầu cho tụi nhỏ chạy chơi, đứng trên hồ nhìn xuống để thầy trời xanh, mây trắng phản chiếu trong lòng hồ.

Mình khám phá thêm những con đường mòn và đang khai mở để tu viện có nhiều con đường mòn. Tha hồ cho chúng mình đi thiền. Hôm nay có thầy Minh Tuyền và Vũ đến thăm. Đúng vào lúc mình vác kéo và máy quất trở về tu viện thì gặp thầy trên đường mòn vào rừng. Thầy hoan hỷ lắm! Mình mời thầy và Vũ ngồi chơi để đi pha trà. Việt và ba Việt cũng đang có mặt ở tu viện để làm công quả. Việt không làm được nhiều ở ngoài vườn, bởi Việt bị ngứa ngáy. Mình bảo:

- Con có thể đi chơi chung quanh tu viện. Miễn sao Việt vui là đủ rồi.

Mình tìm cách để hiểu Việt thêm và tưới tẩm những hạt giống Phật pháp trong lòng Việt. Đa số các bạn trẻ ở bên này bị lạc loài nên họ bơ vơ lắm. Đời sống vật chất dư dã nhưng có làm cho họ hạnh phúc chút nào đâu! Như vậy, mới biết tình thương, tâm linh, quan tâm, biết sống là quan trọng cho con người đến mất nào!

Thầy Minh Tuyền là người xuất gia dễ thương. Thầy chỉ muốn tu. Thầy không có chùa chiền gì cả chỉ ở cốc chuyên tu. Thầy bảo: “Con thích không khí yên tịnh và xanh tươi của Cát Tường. Cảnh thiên nhiên giúp mình khỏi cố gắng giữ chánh niệm mà tự động mình có chánh niệm. Hồi qua Bồ Đề Đạo Tràng, con không có ý niệm hoặc cố gắng muốn tu, thế mà con tu rất tự nhiên.” Mình tâm sự rằng tu viện này là của Tam Bảo. Anh em nào về đây tu cũng được hết. Ý định của mình thành lập tu viện là chú trọng thêm sự thực tập, bởi vì mình quán chiếu về cái chết thường xuyên. Khi chết, mình đâu có mang theo được cái gì. Cả đời tu, chết đến mà còn bất an, đau đớn, vướng mắc, không tự do, không giải thoát mọi ràng buộc của nghiệp lực thì uổng một đời tu.

Cho nên, mình không quan tâm đến số lượng Phật tử về tu viện. Mình quan tâm đến sự hành trì mỗi ngày. Ai có duyên đến với tu viện thì mình hướng dẫn tận tình. Nếu không có người tới tu viện thì mình cũng vui. Sự thật là càng ít người đến tu viện thì mình càng có thêm thì giờ để sống và thực tập. Mình không muốn tu nữa vời, tu văn nghệ mà muốn đào sâu vào mảnh đất tâm để chuyển cho được những hạt giống khổ đau, dục vọng, luân hồi, sinh tử.

Chưa giác chưa về

Bạn trẻ thân mến!

Mấy ngày qua trời mưa liên tục. Hôm nay, ra thăm vườn rau, mình thấy các cây con lớn lên một chút. Hai ngọn lá non vươn lên cao xanh tươi hơn. Thật dễ thương quá! Các loại hạt như cải, tần ô, xà lách và ngò đã nẩy mần hết cả rồi, bạn ạ! Khoảng hai tuần nữa, cải con lớn lên, mình sẽ trồng ra nơi khác, bởi loại cải này lớn lắm. Nếu có không gian, có đất và nắng ấm thì nó lớn lắm.

Hồi ở Làng Mai, cải bẹ xanh này lớn ghê. Nó nặng tới vài ký. Những chiếc lá của nó lớn như cánh quạt. Mỗi khi hái rau, mình cắt từng lá để cho cây tiếp túc lớn lên, sinh ra thêm nhiều lá khác. Lá cải bẹ xanh nấu canh thơm và ngọt lắm. Cải bẹ xanh cũng có thể xào, ăn sống hoặc làm dưa muối để kho. Mình cũng làm như thế với xà lách. Cây nào cũng cần không gian mới to lớn được. Con người cũng cần không gian mới lớn lên mạnh khoẻ, chứ ở trong một nơi tù túng thì người ấy cằn cỗi và héo mòn. Tình thương và sự chấp nhậnkhông gian cho con người. Ở đâu thiếu tình thương, thiếu sự chấp nhận nơi ấy thiếu không gian cho con người.

Mình thích ăn canh tần ô lắm. Thỉnh thoảng, chị mình cúng dường một bó tần ô, và mình nấu được hai nồi canh ăn với cơm nóng. Hồi còn nhỏ, mình đã thích canh tần ô rồi. Có lẽ, trời ở quê hương nóng nực được ăn canh tần ô thật là mát. Hồi đó, nhà mình có trồng một vườn cải bẹ xanh và vườn tần ô. Mùa Đông, bữa cơm nhà mình luôn có nồi canh tần ô với cá kho. Cơm ngon thật tuyệt! Nhờ canh mà mình có thể và cơm thật sướng. Đến mùa xuân, hoa cải và hoa tần ô nở vàng rực rỡ cả một khung trời. Mình thích hoa cải và hoa tần hơn cả hoa mai, bởi hai loại này giữ được màu vàng tươi lâu lắm. Hoa mời ong và bướm lại chơi, bay vù vù, lượn quanh co, làm cho sân trước vui hẳn lên. Hồi nhỏ mình đã thích cảnh tượng thiên nhiên, hiền hòa như thế, cho nên bây giờ mình thích cảnh núi rừng thiên nhiên và thích làm vườn.

Tuần này, Cát Tường không có ai đến thăm nên mình có thì giờ tu tập và làm rừng. Mình đã dọn thêm hai con đường mòn cho đến cuối đất của tu viện. Từ từ, mình sẽ tiếp tục cắt bụi cây để hai con đường mòn này nối nhau giúp cho tu viện có một con đường thiền hành dài vô tận, đi thiền gần cả tiếng mới hết đường. Đi càng sâu vào rừng, không khí càng yên tĩnh và có càng nhiều cây bách (cedars) lớn kinh khủng. Trong các loài cây, mình thích cây bách, bởi dáng của nó hùng tráng, mạnh khỏe không giống như liễu mềm yểu điệu. Mình đã chọn nơi cao nhất để làm thiền đường sau này. Chỗ này nằm sâu trong tu viện, có nắng, có gió bao bọc bởi rừng cây, lại ở trên cao có thể thấy được đồi, rừng cây và chân trời xa xa.

Bạn có biết thầy Vô Ngại sẽ về ở với tu viện Cát Tường trong tháng này hay không? Thứ sáu tuần trước, thầy gọi về bảo rằng thầy sẽ về Cát Tườngtu tập lâu hơn. Mình vui lắm! Mình tâm sự: Tu viện này là của các sư em. Khi nào các sư em về cũng được. Tu tập có anh em thì vui hơn, và ta có cơ hội chăm sóc cho nhau lúc đau ốm. Thầy Vô Ngại xuất gia một lần với Lang cùng với sư chị Bảo Nghiêm và sư anh Nguyện Hải. Hai vị này hiện đang ở Làng Mai. Chỉ có mình ra thành lập tu viện, còn Vô Ngại đã đi nhập thất gần ba năm. Hồi đó, thầy Vô Ngai ở tu viện Rừng Phong với mình. Thầy cứ thao thức làm sao tu tập để được giải thoát, giác ngộ. Trước khi rời chúng ra đi, thầy bảo với mình: “Chừng nào giải thoát, sư em mới trở về.” Lời tuyên bố rất hùng tráng như lời tuyên bố của thái tử Tất Đạt ở dưới cội bồ đề: “Chừng nào ta chưa giác ngộ thì ta sẽ không rời khỏi nơi này.”

Mình luôn luôn sẵn sàng đón nhận các anh em về Cát Tường tu tập. Ở đây có đầy đủ mọi phương tiện để tu tậphọc hành. Mình vẫn tiếp tục nghe pháp thoại của bổn sư, và mình được nghe pháp thoại của các vị tôn túc khác. Bây giờ, lên mạng thì thiếu gì là Phật pháp, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Mình khám phá ra một điều là nghe pháp thoại với nhiều vị thầy khác nhau thích thú hơn. Cũng giống như ăn các món khác nhau thì nó ngon miệng hơn. Hồi trước chưa đi tu, nghe nhạc cũng thế, mình nghe nhiều ca sĩ khác nhau, chứ nghe riết Duy Khánh hoặc Khánh Ly thì mình cảm thấy chán dù hai ca sĩ ấy hát rất hay.

Có một điều lạ kỳ là trong lúc thực tập các pháp môn, mình không cảm thấy chán. Càng thở càng khỏe. Càng đi thiền càng thấy thảnh thơi. Càng ngồi thiền càng yên tĩnh. Có lẽ, sự thực tập đưa tới Phật pháp sống động nên thân tâm được nuôi dưỡng. Do đó, mình không cảm thấy mệt mỏi, chán nản mà trái mình lại cảm thấy được trị liệuđưa tới sự nhẹ nhàng thật sự trong thân tâm. Mình vẫn thực tập pháp môn chánh niệm theo tình thần của Bát Chánh Đạo bằng hơi thở ý thức, bước chân thiền hành và an trú trong hiện tại của Bổn Sư trao truyền. Cố nhiên, những pháp môn này vốn là của Bụt thuyết giảng, nhưng Bổn Sư trực tiếp trao lại cho mình qua ngôn rất dễ hiểu, đầy thuyết phục và mình đã thực tập một thời gian qua. Bởi thế, mình tin tưởng vào pháp môn thực tập hàng ngày. Nó không phải là triết lý viễn vông mà những công cụ thiền tập thực tiển có thể áp dụng và kiểm chứng được liền. Thở thì ai cũng thở, nhưng duy trì hơi thở ý thức càng lâu thì tự động tâm ý dừng lại sự rong ruổi và tâm ý sáng lên, giúp mình ý thức về sự sống hiện thực trong phút hiện tại. Mình cảm thấy được nuôi dưỡng ngay trong lúc thực tập. Vậy mà, ít ai thực tập pháp môn an ban thủ ý này. Thật uổng ghê!

Đây là món quà mình tặng bạn. Bạn thử trở về với hơi thở. Thở thật nhẹ và ý thức mình đang còn sống. Bạn sẽ cảm thấy đời sống khác liền. Mình tặng bạn bài thơ về vườn cải hoa vàng nhé! Hẹn lại lần sau nhé. Chào bạn thân mến!

Vườn xuân

Nắng lên rồi

Lá tùng lung linh màu ngọc

Theo gió đong đưa

Như vẫy gọi, như múa ca

Chiều qua, em đến thăm

Mang theo lá ngò, hương quế,

Thơm ngát tình quê.

Nhớ mẹ!

Lòng con ngậm ngùi ngấn lệ.

Mấy mươi năm xa cách,

Làm kẻ kiếm khách phong trần

Nung nấu lòng son tìm kiếm…

Nơi nao là lối đào nguyên

Chốn nào là cõi tịnh

Cành mai nào nở hoa vàng bất diệt.

Mười năm dãi dầu sương gió,

Bảy năm lặn lội tuyết sơn.

Hôm nay, ánh nắng về

Sưởi ấm lòng son.

Những nụ hoa vẫn còn chưa chớm nở,

Những ngọn lá còn ẩn mình trong giấc ngủ bình yên,

Mà tâm con rào rạt một mùa Xuân

Có mẹ, có mai vàng, đào thắm

Có pháo đỏ, mức thơm

Có đôi mắt ngây thơ đầy mộng đẹp.

Mẹ ơi! Hai mươi năm qua

Bướm lạc quê hương

Nay tìm về

Nơi vườn cải hoa vàng.

An trú nơi sự sống

Bạn trẻ thân mến

Chiều hôm qua mình đến thăm nhà anh chị và layout tờ quảng cáo cho cái nhà cho anh chị. Mình đã từng có kinh nghiệm design nên không cần vội vàng. Mình đi thăm vườn và ngồi chơi trên cái võng gần bên hồ. Vườn đẹp quá! Hồ lặng yên, phản chiếu màu sắc hoàng hôn. Mây trời giăng như tấm áo lụa hồng. Mùa này, cây cối đã nở hoa rực rỡ.

Tháng trước đây, đi đâu mình cũng thấy hoa anh đào nở rộ, nhưng bây giờ tất cả các loài hoa đủ các màu đang khoe sắc. Ai cũng bảo Nhật Bản là xứ anh đào, nhưng anh đào ở Washington còn nhiều hơn mấy lần xứ ấy. Anh đàogia đình cây cherry, tức là loại trái ‘cherry’ tròn trịa, đỏ thắm, ngọt lịm. Cây cherry ở xứ này nhiều vô kể. Ngoài anh đào ra, Washington còn có hoa quincy, là một loại hoa mọc từng bụi, có hình dáng như hoa anh đào, nhưng màu đỏ thắm. Ở trước ngõ Xóm Hạ có một bụi Quincy thật lớn. Vào khoảng tháng 4, đại chúng đi thiền hành qua cỗng sẽ thấy hoa quincy nở lốm đốm long lanh màu đỏ hồng trong nắng sớm.

Washington là xứ của muôn ngàn loài hoa. Hầu như, tất cả cây cỏ ở đây đều nở hoa, kể cả rong riêu. Xứ này mưa nhiều nên rong riêu mọc khắp nơi trên vỏ cây, cành cây, tảng đá, nơi bãi cỏ, trên vách tường và trên tầng nhà. Có một ngôi nhà cổ ở Tacoma rêu mọc xanh rì phủ hết mái nhà. Mình gọi là mái nhà màu ngọc bích. Bích có nghĩa là mùa xanh đó bạn. Mình thích hoa và dễ trở một với hoa, ngắm hoài chẳng biết chán. Hoa nở trên đất như tấm thảm, tiếng Anh gọi là ground cover. Hoa này tươi và rực rỡ lắm.

Nói tới đây, mình nhớ ngay tới Tuệ, một thiền sinh trẻ về Cát Tường. Tuệ mới mười 17 tuổi, thông minh cứ theo mình hỏi nhiều câu hỏi, trong ấy có một câu: “I am bore at everything. Why?” Con chán tất cả mọi thứ trên đời. Tại sao vậy?””

Mình nhìn Tuệ! Không nhạc nhiên gì bởi cậu này đôi mắt lung linh biểu lộ sự thông minh, nhưng tâm ý vọng động quá!

Mình chia sẻ:

Bạn có biết không? Sự sống luôn là tươi đẹp, nhưng tâm bạn không có khả năng dừng lại để thưởng thức cái đẹp ấy. Chán nản là do tâm ý bất an. Nó cứ chạy nhảy từ đối tượng này qua đối tượng khác. May mắn lắm, tâm bạn dừng lại với cái đẹp chỉ trong giây lát thật mong manh, rồi lại rong ruổi nữa. Bạn thương mẹ nhưng không có khả năng nuôi dưỡng hạnh phúc đang được ở bên mẹ. Đi đâu một hồi, bạn nhớ mẹ đến nổi bất an trong lòng. Đến khi về nhà thấy được mặt mẹ, bạn cảm thấy sung sướng. Nhưng chỉ trong vài phút, tâm bạn lại cảm thấy trống trải, do đó bạn nhảy lên xe đi tìm bạn bè, tâm sự qua loa, đi chơi này nọ, rồi lại cảm thấy chán. Bạn lại lên xe đi nữa. Đó là tâm trạng chung cho các bạn trẻ.

Bây giờ, thầy đang dọn dẹp rừng của tu viện. Mỗi lần, thầy chỉ cắt được một bụi cây. Có bụi quá lớn mọc chằng chịt thật khó dọn. Bạn xem! Cánh rừng này có biết bao nhiêu bụi cây sum suê, rậm rạp như bụi này. Nếu khôngkiên nhẫn thì thầy sẽ mau chán nản. Bởi thế cho nên thầy cứ làm tà tà, thong thả, dọn rừng giống như chơi, như thở, như uống trà… Mệt tới đâu, thầy nghĩ tới đó. Có khi, thầy cho phép mình uống vài ly trà nóng, nhìn trời mây, nhìn cành cây, nhìn hoa vàng trong bãi cỏ. Khi nào cảm thấy khỏe, thầy tiếp tục làm. Có lúc, làm chưa được hai giờ, thầy dừng công việc đi thiền hành, bởi có tiếng gọi từ trái tim và cánh rừng nên thầy đi thiền, đi chơi.

Trong lúc làm, tâm thầy hiện diện cho thiên nhiên, nắng ấm, hơi thở, nghĩa là thầy thực tập sống thật với những gì đang xảy ra trong hiện tại. Đó gọi là an trú. Có sự sống, có an trú thì làm sao chán nản được. Nếu không có sự sống thì làm gì cũng dễ chán lắm bạn ạ!

Nhìn lại tháng qua, biết bao bụi cây được dọn sạch nên vườn tu viện sáng lên và thoáng hẳn ra. Bao nhiêu con đường được mở rộng cho các bạn đi chơi. Vậy, sống an trú nơi hiện tại với phong thái từ từ, lắng sâu, đậm đà thì bạn có hạnh phúc ở bất cứ nơi nào, dù hạnh phúc ấy nhỏ bé. Khi nhìn lại, bạn sẽ có một chuổi hạnh phúc dài vô tận giống như con đường mòn này.

Bạn có hiểu không? Nếu không hiểu mời bạn về đây tập thở, tập ngồi yên, tập đi thiền với thầy trong một thời gian thì thế nào bạn sẽ hiểu.

Bạn trẻ thân mến! Bạn có thấy gì không? Mình hướng dẫn thiền cho bạn trẻ này mà không dùng một danh từ thiền gì cả, bởi vì bạn này đâu có hiểu về chánh niệm, chánh định, thực tại…

Chúc bạn sống bình yên.

 

Không có pháp môn duy nhất

Bạn thân mến,

Hai hôm nữa, thầy Vô Ngại sẽ đến tu viện Cát Tường. Đó là một niềm vui cho Lang. Thầy Vô Ngại và Lang là hai anh em, xuất gia cùng một ngày với thầy Nguyện Hảisư cô Bảo Nghiêm, gọi là bốn con sư tử. Bấy lâu nay, thầy Vô Ngại tu nhập thất, nhưng thương Cát Tường nên về đây nâng đỡ cho Lang. Trong đời sống tu tập, bạn luôn luôn cần sự nâng đỡ của tăng thân, dù bạn có tài năng gì nữa, có sức mạnh gì đi nữa, so với năng lượng của tăng, bạn vẫn luôn cảm thấy nhỏ bé.

Thầy Vô Ngại rất thích tu theo phương cách riêng của thầy. Cát Tường là nơi thích hợp cho thầy. Cát Tường có đầy đủ không gian và thời khóa phù hợp với thầy. Ngoài ra, thầy có thể tu tập theo nhu yếu riêng. Lang cũng đang cố gắng thực tập. Lang may mắn đã từng ở tu viện Rừng Phong hơn 7 năm nên tự đào luyện cho mình một nếp thực tập tự lực, nghĩa là mình không cần phải nương tựa quá nhiều nơi người khác. Lang cố gắng thực tập khi ở trong rừng một mình, khi ở trong phòng ngủ, và cố nhiên là giữ đều công phu thời khóa. Lang có một chút niềm vui, an lạc trong lúc ngồi thiền, thiền hànhtụng kinh nên không bị lờn.

Đời tu dễ rơi vào các trạng thái lờn, lười, dãi đãi, phóng túng dù cho hoàn cảnhthuận tiện tới đâu. Trạng thái của tâm là căn bản. Mọi phẩm chất đời sống đều tuỳ thuộc sâu đậm nơi tâm. Tâm bất an, bạn ở đâu cũng không an. Có nhiều tiền lắm của nhưng nếu tâm bạn buồn chán, căng thẳng, bất an thì bạn cũng không có hạnh phúc. Biết thế, Lang dồn hết tấm lòng chăm sóc cho vườn tâm.

Lang thích uống trà một mìnhthực tập nuôi dưỡng ý thức rằng ‘đây là giây phút hạnh phúc’. Nếu khônghạnh phúc thì dù làm gì, đi đâu, Lang cũng sẽ buồn chán. Tóm lại, sống từng giây từng phút là quan trọng nhất của đời người.

Lang quí thầy Vô Ngại lắm. Từ ngày xuất gia, hai anh em luôn có liên hệ tốt. Lang kính trọng sự tha thiết trong đời sống thực tập của thầy. Thầy luôn bước từng bước chân thiền hành. Dáng dấp của thầy tỏa lộ nét thong dong. Thầy lại thích ngồi thiền, lạy Phậttụng kinh. Chỉ như vậy, thầy có đủ tư cách làm thầy cho Lang. Thầy là món qùa quí cho tu viện. Có nhiều người có tài tổ chức, thuyết giảng, làm văn phòng, viết văn, làm thơ, nhưng cái quí của người tu là sự vững chãi trong sự thực tập. Tới khi gần chết, tài năng, giảng hay, tổ chức không thể giúp được gì cho sự thông suốt nội tâm, chỉ có công phu thực tập thiết tha mới có thể cứu vớt linh hồn khỏi đọa vào nơi đen tối của nghiệp lựcvô minh.

Thầy Vô Ngại bảo với Lang. “Sư anh ơi! Sư em thích hợp với pháp môn tịnh độ hơn thiền. Sư em cần niệm Phật A Di Đà thì mới định tâm.” Lang biểu lộ niềm vui và tán thán rằng pháp môn nào cũng mầu nhiệm cả. Niệm Phật được định tâm là quí lắm, còn hơn ngồi đó mà suy nghĩ lung tung. Lang chia sẻ tiếp.

Mỗi người có một căn cơ khác nhau nên ta phải tìm cho được pháp môn thích hợp, có hiệu quả trong sự thực tập. Quan trọng là thực tập có nội dung, chứ không nên bị kẹt vào pháp môn nào đặc biệt. Ta nên cởi mở để học hỏi. Trong lúc thực tập, ta cần có sự uyển chuyển để thích nghi với căn cơpháp môn hành trì.

Lang hợp với sự thực tập an ban thủ ý do Bổn Sư trao truyền. An ban giúp Lang dễ định tâm, và nó làm cho Lang cảm thấy khỏe nhẹ. An ban đưa dưỡng khí vào thân và đẩy thán khí ra ngoài. Cố nhiên an ban giúp định tâm. Tuy nhiên, định tâm không hẳn phải nhất định theo an ban. Tâm định là sự chú tâm vào một đối tượng mà đối tượng ấy có thể là một vị Phật hoặc một hình ảnh nào cũng được.

Thông thường, đối tượng thích thú mới dễ đưa tới định. Định nghĩa là chú tâm, nhất cảnh, tập trung, tức là ngược lại với tán loạn. Nếu đối tượng không thích thú thì tâm dễ chán, vì thế nó chạy lung tung, nhất là người có đời sống phóng đãng, lăng xăng. Bởi thế, ta phải tìm ra đối tượng thích thú để kích thích định tâm. Có định tâm thì làm gì cũng vui và có ý nghĩa.

 

 

Bụt có trong tâm

Bạn trẻ thân mến!

Hôm nay thứ Hai, ngoài trời đang mua. Cơn mưa nặng hạt reo vang trên mái hiên, bên thềm gỗ! Mình ngồi yên ngoài hiên để nghe mưa và thưởng thức ly trà nóng. Bây giờ, Cát Tường đã trở lại không khí yên tĩnh. Các bạn trẻ và bà con Phật tử đã trở về đời sống của họ. Buổi lễ Khánh Đản thật dễ thương. Cát Tường chỉ mới biểu hiện trong ba tháng mà đã để lại trong lòng mỗi người một kỷ niệm tươi đẹp.

Bạn có biết hay không? Suốt tuần qua mưa rơi tầm tả, thế mà bỗng nhiên vào thứ Bảy, nó ngưng lại để cho các bạn trẻ và các Phật tử giúp hai bàn tay dọn dẹp tu viện. Chủ Nhật là ngày đại lễ thỉnh thoảng mới có mưa phùn. Những hạt mưa li ti bay trong gió như những hạt sương làm cho không khí tu viện trở nên mát mẻ, nên thơ, thiêng liêng. Ông trời thương tu viện Cát Tường nhiều lắm. Suốt tuần qua và hôm nay nửa, trời mưa như xối, vậy mà Ông chịu để dành hai ngày cuối tuần không mưa. Thời tiết ở xứ này thay đổi thường xuyên, không ai có thể đoán được nên Lang chỉ có biết cầu nguyện. Có lẽ, Bụt, Bồ Tát, Thiên Long Hộ Pháp thiêng liêng đã bảo ông trời đừng mưa cho đại chúng làm lễ.

Buổi lễ tổ chức ngoài trời dưới những cây cổ thụ nơi Pháp Thân Tạng. Lễ đài được các bạn trẻ trang điểm bằng chất liệu thiên nhiên. Chú Sung đã căn tấm ra thật lớn che mưa, và nó trở thành mái thiền đường thiên nhiên. Chị Hoa mang đến thật nhiều hoa, phần cúng Bụt, phần trang điểm cho kiệu rước Bụt sơ sinh và phần dùng cho các bạn trẻ tung hoa cúng Bụt.

Trước buổi lễ, Lang hướng dẫn thật kỹ ý nghĩa Phật Đản cho các Phật tử:

Chúng ta thực tập rước Bụt trong sự bình antỉnh thức để tìm lại chính mình. Hãy cho phép đức Bụt sơ sinh trong tâm mỗi người có cơ hội giáng sinh trên cõi đời này.

Bụt là ánh sáng tỉnh thức, tức là ánh sáng chánh niệm, thiền địnhtrí tuệ. Tỉnh thức là nguồn năng lượng giúp bạn thấy biết rõ ràng. Ăn biết ăn, uống biết uống, vui biết vui, buồn biết buồn, tự do biết tự do, ràng buộc biết ràng buộc… Ai cũng có cái biết trong vắt, hồn nhiên đầy trí tuệ này, dù đó là một em bé, bởi em bé cũng có Bụt trong tâm.

Có ánh sáng là bạn có trí tuệ nên bạn thấy bông hoa, nghe gió hát, ngửi hương thơm một cách như thật. Như thật là cái thấy trực tiếp, không thêm không bớt, không qua trung gian suy luận. Hoa là hoa, gió là gió, anh là anh, chị là chị mà không phải anh của ký ứ, chị của thành kiến nên cái thấy này không tạo ra cảm thọ buồn đau, hờn giận và không có nhận thức thương ghét, đúng sai. Trái lại, cái thấy này trong suốt chứa đầy không gian bao la của vô tâm. Một cái thấy thoải mái, nhẹ nhàng, bao dung, cởi mở…

Đức Thích Ca chỉ là một vị Bụt trong muôn ngàn vị Bụt. Ngài đã công nhận rằng tất cả chúng sinh đều có tính Bụt. Như thế, bạn cũng có tính Bụt, và tính ấy chính là ánh sáng tỉnh thức.

Hôm nay, chúng ta sẽ đi trong thanh thản, thở những hơi thở nhẹ, bước những bước chân an lạc và mời Bụt về ngư trong tâm. Có Bụt là có an lạc, có thanh tịnh, có tình thương, có tỉnh thức. Lúc ấy, chúng ta sẽ chữa lành tất cả mọi khổ đau, bệnh tật trong đời.

Các bạn trẻ giúp việc, tập múa, chơi banh, ca hát tạo cho Cát Tường một cảnh sinh hoạt ấm áp, tươi vui. Anh Noãn đốt lên lò lửa sát bên lễ đài làm cho không khí thêm ấm cúng. Lang thật may mắn được nhiều bàn tay và trái tim nâng đỡ, chứ một mình làm sao có thể tổ chức được buổi lễ. Lang rất biết ơn các bạn trẻ và mọi người.

Khi lễ rước Bụt sơ sanh tới lễ đài, mưa rơi lách tách trên tấm bạc nghe như nhạc trời ca ngợi sự ra đời của Thế TônMọi người rước Bụt trong im lặng chung quanh cánh rừng. Có hai bác vừa đi vừa rơi nước mắt vì sung sướng. Hai bác tâm sự:

- Ở núi rừng xa xôi này có được một ngôi chùa Việt Nam cho mọi người hưởng ít nhiều an lạc trên mỗi bước chân. Bạch thầy! Con chưa bao dự một buổi lễ Phật Đản thanh tịnhý nghĩa như hôm nay.

Lễ Phật Đản đầu tiên như thế là quá mức dễ thương. Không khí yên tĩnh của núi rừng làm buổi lễ trang nghiêm, thấm vào lòng mỗi người, đặc biệt các bạn trẻ tham dự thật tha thiết và chú tâm. Lang mong sao các bạn hiểu được ý nghĩa lễ Bụt ra đời này để có thể sống trong ‘tỉnh thức’ làm vốn liếng cho một cuộc sống đầy thử thách trong tương lai.

Chết về đâu?

 

Ba kính thương;

Hôm nay là ngày kỵ ba. Mấy ngày qua, Lang thường nhớ cầu nguyện với Tam Bảo, Bồ Tát Quan Thế Âm gia hộ cho ba. Ba là người tốt lành. Ba là đứa con hiếu thảo nhất gia đình bên nội. Ba thương bà con hàng xóm. Năm mậu Thân, ba vào Đà Nẳng xin gạo cứu giúp không biết bao nhiêu người đói khát. Ba ăn ở có đức nên chúng con mới có được đời sống hạnh phúc hôm nay.

Ba không may sinh ra với nghề nghiệp đánh cá. Vì gia đình, vợ con, ba đã bắt không biết nhiêu loài cá nên ba phải trả tấm thân lại cho cá. Mình bắt người ta thì người bắt lại mình. Mình làm khổ người ta thì người ta làm khổ lại mình. Mình mắt nợ người ta thì người ta đòi mình phải trả. Có vay thì có trả. Đó là luật đương nhiên trong trời đất, là giáo lý nhân quả rất quan trọng trong đạo Bụt.

Lúc còn sống, ba thích xây nhà lầu. Thời ấy xây nhà lầu không phải dễ lắm! Ba đã sắm sửa đầy đủ mọi thứ vật liệu như sắt, xi măng, gạch, ngói, nhưng chưa kịp xây thì ba mất trong cơn bảo năm 1970. Mạ không có đủ sức nuôi năm đứa con thơ dại nên phải bán từ từ các vật liệu ấy, vì thế ba rất luyến tiếc cái nhà. Mười năm sau, gia đình vượt biên qua Mỹ, do đó cái nhà bị bỏ trống. Người hàng xóm kể lại, thỉnh thoảng họ nghe tiếng động trong nhà, và họ nói đó là ba về thăm nhà.

Chắc chắn, người mất vẫn thường về thăm căn nhà, con cháu, bà con. Đó là chuyện đương nhiên cho nên người Việt mới có tục lệ thờ ông bà, cha mẹ và người thân. Ba thương con cái nhiều như thế thì làm sao không trở về để thăm viếng, che chởbảo vệ cho con cái được.

Sau này không ai còn nghe tiếng động nữa. Có lẽ từ ngày, hai anh em Lang đi tu thì ba cũng đi theo các con về Lang Mai tu tập. Lang tin như thế. Năm rồi, chị mua lại lô đất từ một người hàng xóm đang ở trên ngôi nhà cũ và xây lên căn nhà hai từng. Lang hết sức ủng hộ ý kiến này, bởi Lang biết ba rất vui.

Sau khi chết, người mất vẫn tiếp tục sinh hoạt bằng tâm thứctâm thức có thể đi khắp mọi nơi. Thông thường, tâm thức người quá cố đi theo con cháu, vì con cháu có liên hệ trực tiếp với họ. Tuy thể xác đã đầu thai, nhưng tâm thức vẫn có thể còn theo bên con cháu để che chở. Do thế, con cháu đi đâu thì ông bà, cha mẹ đi theo đến đó. Lúc nào, con cháu gặp phải tai nạn thì ông bà, cha mẹ ra tay bảo vệ cho con cháu.

Trong trường hợp tai nạn xe hơi, chiếc xe tan nát thế mà người lái xe không bị thương tích gì cả, như có bàn tay vô hình đưa người ấy ra khỏi chiếc xe. Chiếc xe bằng sắt tan tành thế mà thân thể không bị thương tích gì cả, mới biết cái thiêng liêng của sức mạnh yêu thương. Mình không thấy chứ thế giới vô hình của tâm thức luôn ở sát bên mình.

Người Việt di cư qua Mỹ giống như được sinh qua một thế giới khác. Tuy, thân thể không còn ở Việt Nam, nhưng tâm thức vẫn thường nghĩ về người thân ở quê nhà. Cũng vậy, thể xác của người mất có thể đã hóa kiếp, nhưng tâm thức có thể vẫn dõi theo con cháu, bởi vì thương, muốn bảo vệ. Ba là người có rất nhiều tình thương cho gia đình, vì thế tâm thức ba luôn muốn bảo hộ cho con cháu. Đó là sự may mắn cho anh chị em và các cháu của Lang.

Các chị của Lang hỏi:

- Có người vẫn còn thấy ba. Như vậy, ba chưa đầu thai hay sao?

Lang trả lời:

- Họ thấy ba là thấy tâm thức ba, chứ thân xác theo luật vô thường thì không còn nữa. Ba có thể đã sinh về cõi phù hợp với nghiệp thức của ba rồi.

Lang tin chắc từ ngày hai anh em của Lang đi tu thì ba cũng được đi tu. Dù ở phương trời nào, ba cũng theo hai con tu tập, do đó nghiệp của ba đã nhẹ vơi phần nào. Hơn nữa, ba đã giúp biết bao nhiêu người trong cơn đói Mậu Thân thì chắc chắn ba sinh về cõi lành. Ít nhấtcõi người trong một gia đình hạnh phúc nào đó, có niềm tin nơi Tam Bảo.

Một chứng cớ rành rành là từ ngày ba mất, gia đình đã hướng về Phật pháp. Tự nhiên, hai anh em đi tu, hai người cháu của ba cũng đi tu ở Việt Nam, cả nhà Lang qua Mỹ đều qui y Tam Bảo. Gia đình bên nội đã chuyển nghề nghiệp, nghĩa là tất cả mọi người không còn làm nghề đánh cá nữa. Sự ra đi của ba đã thay đổi tâm thức của cả gia đình bên nội. Do vậy, Lang tin tưởng nơi tâm thức tốt lànhtình thương của ba dành cho con cháu.

Hôm trước, Lang đã qui y cho ba ngay ở tu viện Cát Tường với pháp danh Nguyên Trí. Sự thật, ba đã qui y Tam Bảo từ lâu vì cả gia đình đều quy y thì ba cũng qui y. Tuy nhiên, Lang vẫn muốn quy y cho ba để ba có cơ hội nghe giáo pháp của Bụt, có pháp danh rõ ràng.

Ba ơi! Mấy mươi năm trời, ba vẫn thương yêu con cháu. Đó là một đức tính tốt đẹp. Bây giờ, ba đã là đệ tử của Bụt. Bụt dạy: “Sông ái dài muôn dặm, biển mê sóng vạn tầm, cõi luân hồi muốn thoát, niệm Bụt hãy nhất tâm.” Nghĩa là tình thương vướng mắc và sự u mê không có bờ bến. Ba hãy buông bỏ mọi vương vấn, lo âu, sợ hãinhất tâm niệm Bụt. Ước mơ có nhà hai tầng của ba đã được toại nguyện. Mạ cũng đang ở nhà để trị bệnh. Con cái đã lớn và biết tự lo cho bản thân. Ba hãy thong dong ra đi, hãy đi về với Bụt, với cõi sáng, với tình thương bao la, không vương vấn, lo âu, lụy sầu. Các con nguyện sống đẹp cho ba.

Sự thật giữa cõi sống và cõi chết có gì xa cách đâu! Bởi không thấy thôi, chứ sáu cõi luân hồi luôn biểu hiện bên nhau. Vì thế, phận làm con cái, chúng con nguyện thương yêu nhau, tha thứ cho nhau, thương yêu người nghèo khổ, biết kính mẹ thờ cha, cầu nguyện cho ông bà, tổ tiên quá cố để nhớ về cội nguồn của chúng con. Nhớ tới ba, chúng con cố gắng sống đẹp lành, có trách nhiệm về đời sống, tiếp nối những đức tính tốt đẹp của ba. Không có gì qúy hơn là tu tập. Tu tập là cách đền đáp công ơn lớn lao nhất cho cha mẹ. Tu là sửa đổi ba nghiệp càng ngày càng tốt đẹp, nhẹ nhàng như thế nghiệp của cha mẹ cũng được nhẹ nhàng.

Hôm nay, Lang thắp lên nén tâm hương cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho hương linh ba Nguyễn Đầu pháp danh Nguyên Trí đuợc siêu sinh miền cực lạc, sinh ra được gặp Bụt, Pháp, Tăng, phát tâm xuất gia, tu tập chuyển hóa mọi khổ đau nghiệp chướng để tiếp tục hộ trì cho con cháu.

Kính bút!

Lang


(CÙNG TÁC GIẢ)
ĐỜI SỐNG THẢNH THƠI - Chân Pháp Đăng
EM HỒN NHIÊN Truyện ngắn cho thiếu nhi - Chân Pháp Đăng & Chân Pháp Nhật
MÓN QÙA NÀO CHO CON - Chân Pháp Đăng
NGHỆ THUẬT SỐNG - Chân Pháp Đăng
THÌ THẦM TIẾNG ĐÁ - Chân Pháp Đăng
TÌNH YÊU BẤT DIỆT - Chân Pháp Đăng

 

 


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/04/2023(Xem: 1985)
19/10/2016(Xem: 11112)
08/08/2010(Xem: 108689)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.