- Lời Tựa Bởi Aldous Huxley
- I. Giới Thiệu
- Ii. Chúng Ta Đang Tìm Kiếm Điều Gì?
- Iii. Cá Thể Và Xã Hội
- Iv. Hiểu Rõ Về Chính Mình
- V. Hành Động Và Ý Tưởng
- Vi. Niềm Tin
- Vii. Nỗ Lực
- Viii. Mâu Thuẫn
- Ix. Cái Tôi Là Gì?
- X. Sợ Hãi
- Xi. Đơn Giản
- Xii. Tỉnh Thức
- Xiii. Ham Muốn
- Xiv. Liên Hệ Và Cô Lập
- Xv. Người Suy Nghĩ Và Suy Nghĩ
- Xvi. Suy Nghĩ Có Thể Giải Quyết Được Những Vấn Đề Của Chúng Ta?
- Xvii. Chức Năng Của Cái Trí
- Xviii. Tự Lừa Dối
- Xix. Hoạt Động Tự Cho Mình Là Trung Tâm
- Xx. Thời Gian Và Thay Đổi
- Xxi. Quyền Lực Và Nhận Biết
- Câu Hỏi Và Trả Lời
J. KRISHNAMURTI
TỰ DO ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG
THE FIRST
& LAST FREEDOM
Lời dịch: ÔNG
KHÔNG 2010
CHƯƠNG IV
HIỂU RÕ VỀ CHÍNH MÌNH
Những vấn đề của thế giới là những vấn đề quá rộng lớn, quá phức tạp, đến độ muốn hiểu rõ và vì thế giải quyết được chúng người ta phải tiếp cận chúng một cách rất chân thật và mộc mạc; và chân thật, mộc mạc đó, không phụ thuộc vào những hoàn cảnh bên ngoài cũng như không phụ thuộc vào những thành kiến và tâm trạng đặc biệt của chúng ta. Như tôi đã trình bày, giải pháp không thể tìm được qua những hội nghị, những kế hoạch, hay qua sự thay thế những vị lãnh đạo cũ kỹ bằng những vị lãnh đạo mới mẻ, và vân vân. Chắc chắn, giải pháp nằm trong người tạo tác của vấn đề, trong người tạo tác của sự ranh mãnh, của sự hận thù và của sự bất hòa to tát đang tồn tại giữa những con người. Người tạo tác của sự ma mãnh này, người tạo tác của những vấn đề này, là cá thể, bạn và tôi, không phải là thế giới như chúng ta hiểu lầm. Thế giới là sự liên hệ của bạn với một người khác. Thế giới không là cái gì đó tách rời bạn và tôi; thế giới, xã hội, là sự liên hệ mà chúng ta thiết lập hay tìm kiếm để thiết lập giữa hai người.
Vì vậy bạn và tôi là vấn đề, và không phải thế giới, bởi vì thế giới là sự chiếu rọi của chính chúng ta và muốn hiểu rõ thế giới chúng ta phải hiểu rõ về chính chúng ta. Thế giới không tách rời chúng ta; chúng ta là thế giới, và những vấn đề của chúng ta là những vấn đề của thế giới. Điều này không thể bị đẩy đưa một cách chung chung, bởi vì chúng ta quá lờ đờ trong tinh thần của chúng ta đến độ chúng ta nghĩ rằng những vấn đề của thế giới không là trách nhiệm của chúng ta, chúng phải được giải quyết bởi Liên hiệp quốc hay bằng cách thay thế những vị lãnh đạo cũ kỹ bằng những vị lãnh đạo mới mẻ. Chính là một tinh thần rất lờ đờ mới suy nghĩ giống như thế, bởi vì chúng ta phải chịu trách nhiệm cho sự đau khổ và sự hỗn loạn kinh hoàng này trong thế giới, chiến tranh luôn luôn đang đe dọa này. Muốn thay đổi thế giới, chúng ta phải khởi sự từ chính chúng ta; và điều quan trọng trong khi khởi sự từ chính chúng ta là ‘ý định’. Ý định phải là hiểu rõ về chính chúng ta và không buông trôi nó cho những người khác thay đổi chính họ hay tạo ra một thay đổi được bổ sung qua cách mạng, hoặc của phe tả hoặc của phe hữu. Điều quan trọng phải hiểu rõ rằng, đây là trách nhiệm của chúng ta, trách nhiệm của các bạn và trách nhiệm của tôi; bởi vì dù chúng ta có lẽ đang sống trong thế giới nhỏ nhoi đến chừng nào, nếu chúng ta có thể tự-thay đổi chính chúng ta, tạo ra một quan điểm hoàn toàn khác hẳn trong sự tồn tại hàng ngày của chúng ta, vậy thì có lẽ chúng ta sẽ gây ảnh hưởng đến thế giới rộng lớn, sự liên hệ được mở rộng với những người khác.
Như tôi đã nói, chúng ta sẽ cố gắng và tìm ra sự tiến hành hiểu rõ về chính chúng ta, mà không là một tiến hành cô lập. Nó không là rút lui khỏi thế giới, bởi vì bạn không thể sống trong cô lập. Tồn tại là có liên hệ, và không có sự việc như sống tách rời. Do bởi không có sự liên hệ đúng đắn mới tạo ra những xung đột, đau khổ và đấu tranh; dù thế giới của chúng ta có lẽ nhỏ bé đến chừng nào, nếu chúng ta có thể thay đổi sự liên hệ của chúng ta trong thế giới hạn chế đó, nó sẽ giống như một con sóng luôn luôn đang vươn ra phía bên ngoài. Tôi nghĩ rất quan trọng phải thấy được mấu chốt đó, rằng thế giới là sự liên hệ của chúng ta, dù hạn chế đến chừng nào; và nếu chúng ta có thể tạo ra một thay đổi ở đó, không phải một thay đổi hời hợt nhưng cơ bản, vậy thì chúng ta sẽ thay đổi thế giới một cách hiệu quả. Cách mạng thực sự không lệ thuộc vào bất kỳ khuôn mẫu đặc biệt nào, hoặc của phe tả hoặc của phe hữu, nhưng nó là một cách mạng của những giá trị, một thay đổi từ những giá trị thuộc giác quan đến những giá trị không thuộc giác quan hay không bị tạo tác bởi những ảnh hưởng thuộc môi trường sống. Muốn tìm ra những giá trị thực sự này mà sẽ tạo ra một cách mạng cơ bản, một thay đổi hay một tái sinh, điều cốt lõi là phải hiểu rõ về chính mình. Hiểu rõ về chính mình là sự khởi đầu của thông minh, và vậy là sự khởi đầu của thay đổi hay tái sinh. Muốn hiểu rõ về chính mình phải có ý định để hiểu rõ – và đó là nơi sự khó khăn của chúng ta hiện diện. Mặc dầu hầu hết chúng ta đều bất mãn, chúng ta ao ước tạo ra một thay đổi đột ngột, sự bất mãn của chúng ta bị đúc khuôn chỉ để kiếm được một kết quả nào đó; bởi vì bất mãn, chúng ta hoặc tìm kiếm một công việc khác hoặc chỉ đầu hàng đến môi trường sống. Bất mãn, thay vì đang hừng hực trong chúng ta, đang thôi thúc chúng ta, một sống nghi vấn về toàn qui trình của sự tồn tại, lại bị đúc khuôn. Và thế là chúng ta trở nên tầm thường, mất đi động cơ đó, mãnh liệt đó để tìm ra toàn ý nghĩa của sự tồn tại. Vì vậy rất quan trọng phải khám phá những điều này cho chính chúng ta, bởi vì hiểu rõ về chính mình không thể trao tặng cho chúng ta bởi người khác, nó không thể tìm được qua bất kỳ quyển sách nào. Chúng ta phải khám phá, và muốn khám phá phải có ý định, tìm kiếm, thâm nhập. Chừng nào ý định để tìm được đó, để thâm nhập sâu thẳm đó, còn yếu ớt hay không hiện diện; thuần túy khẳng định hay một ao ước ngẫu nhiên để khám phá về chính chúng ta chẳng có ý nghĩa bao nhiêu.
Vẫn vậy sự thay đổi thế giới được tạo ra bởi sự thay đổi của chính một người, bởi vì cái tôi là sản phẩm và một bộ phận thuộc toàn qui trình của sự tồn tại con người. Thay đổi chính mình, hiểu rõ về chính mình là cốt lõi; nếu không biết bạn là gì, không có nền tảng cho sự suy nghĩ đúng đắn, và nếu không hiểu rõ về chính bạn, không thể có sự thay đổi. Người ta phải hiểu rõ về chính mình như người ta là, không phải như người ta ao ước là mà chỉ là một lý tưởng và vì vậy là tưởng tượng, không có thật; chỉ có cái gì là có thể được thay đổi, không phải cái mà bạn ao ước là. Muốn hiểu rõ về chính mình như người ta là, cần một tỉnh táo lạ thường của cái trí, bởi vì cái gì là liên tục đang trải qua sự biến đổi, sự thay đổi, muốn mau lẹ bám sát nó cái trí phải không bị trói buộc vào bất kỳ giáo điều hay niềm tin đặc biệt nào, vào bất kỳ khuôn mẫu hành động đặc biệt nào. Bạn không thể bị trói buộc nếu bạn muốn theo sát bất kỳ điều gì. Muốn hiểu rõ về chính bạn, phải có sự tỉnh thức, sự tỉnh táo của cái trí mà trong đó có tự do khỏi tất cả những niềm tin, khỏi tất cả sự lý tưởng hóa, bởi vì những niềm tin và lý tưởng chỉ cho bạn một màu sắc, làm biến dạng sự nhận biết trung thực. Nếu bạn muốn biết bạn là gì, bạn không thể tưởng tượng hay có niềm tin trong điều gì đó mà bạn không là. Nếu tôi tham lam, ganh tị, hung bạo, chỉ có một lý tưởng của không-bạo lực, không-tham lam, chẳng có giá trị bao nhiêu. Nhưng thấy rằng người ta tham lam hay bạo lực, nắm chặt và hiểu rõ nó, cần một nhận biết lạ thường, đúng chứ? Nó đòi hỏi sự chân thật, sự rõ ràng của tư tưởng, trái lại theo đuổi một lý tưởng tách khỏi cái gì là là một tẩu thoát; nó ngăn cản bạn không phát giác và hành động trực tiếp vào cái gì bạn là.
Hiểu rõ bạn là gì, dù nó là gì chăng nữa – xấu xí hay đẹp đẽ, quỉ quyệt hay ma mãnh – hiểu rõ bạn là gì, mà không biến dạng, là sự khởi đầu của đạo đức. Đạo đức là tối thiết, bởi vì nó mang lại tự do. Chỉ trong đạo đức bạn mới có thể khám phá, bạn mới có thể sống – không phải trong sự vun quén của một đạo đức, mà chỉ tạo ra sự kính trọng, không-hiểu rõ và không-tự do. Có một sự khác biệt giữa ‘đạo đức’ và ‘trở thành đạo đức’. Đạo đức hiện diện qua hiểu rõ cái gì là, trái lại trở thành đạo đức là sự trì hoãn, sự che đậy cái gì là bằng cái gì bạn muốn là. Vì vậy trong trở thành đạo đức bạn đang lẩn tránh hành động trực tiếp vào cái gì là. Qui trình lẩn tránh cái gì là này qua sự vun quén của lý tưởng được nghĩ là đạo đức; nhưng nếu bạn quan sát nó một cách kỹ càng và thẳng thắn, bạn sẽ thấy rằng nó không thuộc loại này. Nó chỉ là một trì hoãn của đối diện cái gì là. Đạo đức không phải trở thành cái gì không là; đạo đức là hiểu rõ cái gì là và vì vậy tự do khỏi cái gì là. Đạo đức là cốt lõi trong một xã hội đang bị phân rã mau lẹ. Với mục đích tạo ra một thế giới mới mẻ, một cấu trúc mới mẻ khỏi cái cũ kỹ, phải có tự do để khám phá; và muốn tự do, phải có đạo đức, bởi vì nếu không có đạo đức không có tự do. Liệu một con người vô luân mà đang cố gắng trở thành đạo đức có khi nào biết được đạo đức? Con người không-đạo đức không bao giờ được tự do, và vì vậy anh ấy không bao giờ có thể tìm ra sự thật là gì. Sự thật có thể tìm được chỉ trong hiểu rõ cái gì là, và muốn hiểu rõ cái gì là, phải có tự do, tự do khỏi sợ hãi cái gì là.
Muốn hiểu rõ tiến hành đó phải có ý định hiểu rõ cái gì là, theo sát mỗi suy nghĩ, mỗi cảm thấy và mỗi hành động; và cực kỳ khó khăn để hiểu rõ cái gì là, bởi vì cái gì là không bao giờ cố định, không bao giờ bất động, nó luôn luôn chuyển động. Cái gì là là cái gì bạn là, không phải cái gì bạn muốn là; nó không là lý tưởng, bởi vì lý tưởng là ảo tưởng, nhưng nó thực sự là bạn đang làm gì, đang suy nghĩ gì và đang cảm thấy gì từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc. Cái gì là là thực tại, và muốn hiểu rõ thực tại cần sự nhận biết, một cái trí nhạy bén, rất tỉnh táo. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu chỉ trích cái gì là, nếu chúng ta bắt đầu chê trách hay chống cự nó, vậy thì chúng ta không hiểu rõ chuyển động của nó. Nếu tôi muốn hiểu rõ một người nào đó, tôi không thể chỉ trích anh ấy: tôi phải quan sát, học hành về anh ấy. Tôi phải thương yêu chính sự việc tôi đang học hành. Nếu bạn muốn hiểu rõ một em bé, bạn phải thương yêu và không chỉ trích em. Bạn phải nô đùa cùng em, nhìn ngắm những chuyển động của em, những đặc điểm của em, cách cư xử của em; nhưng nếu bạn chỉ chỉ trích, kháng cự hoặc chê trách em, không có hiểu rõ về em bé. Tương tự như thế, muốn hiểu rõ cái gì là, người ta phải quan sát người ta suy nghĩ, cảm thấy và làm gì từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc. Đó là thực tại. Bất kỳ hành động nào khác, bất kỳ lý tưởng hay hành động thuộc học thuyết nào khác, không là thực tại; nó chỉ là một ao ước, một ham muốn tưởng tượng để là một cái gì đó khác hẳn cái gì là.
Muốn hiểu rõ cái gì là yêu cầu một trạng thái của cái trí mà trong đó không có sự đồng hóa hay sự chỉ trích, mà có nghĩa một cái trí tỉnh táo nhưng thụ động. Chúng ta ở trong trạng thái đó khi chúng ta thực sự đam mê muốn hiểu rõ về điều gì đó; khi sự mãnh liệt của quan tâm hiện diện ở đó, trạng thái đó của cái trí hiện diện. Khi người ta quan tâm hiểu rõ cái gì là, trạng thái thực sự của cái trí, người ta không cần cưỡng bách, kỷ luật, hay kiểm soát nó; trái lại có tỉnh thức thụ động, cảnh giác. Trạng thái tỉnh thức này hiện diện khi có đam mê, ý định để hiểu rõ.
Hiểu rõ cơ bản về chính mình không xảy ra qua hiểu biết hay qua tích lũy những trải nghiệm, mà chỉ là sự vun quén của ký ức. Hiểu rõ về chính mình là từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc; nếu chúng ta chỉ tích lũy hiểu biết về chính chúng ta, chính hiểu biết đó ngăn cản hiểu rõ thêm nữa, bởi vì hiểu biết và trải nghiệm được tích lũy trở thành trung tâm mà qua đó tư tưởng tập trung và có sự tồn tại của nó. Thế giới không khác biệt chúng ta và những hoạt động của chúng ta, bởi vì chính điều gì chúng ta là mới tạo ra những vấn đề của thế giới; sự khó khăn của đa số chúng ta là rằng, chúng ta không biết một cách trực tiếp về chính chúng ta, nhưng chúng ta tìm kiếm một hệ thống, một phương pháp, một phương tiện của vận hành để nhờ đó giải quyết nhiều vấn đề của nhân loại.
Bây giờ liệu có một phương tiện, một hệ thống, để hiểu rõ về chính mình, hay không? Bất kỳ một người thông minh, bất kỳ một người triết lý, đều có thể sáng chế một hệ thống, một phương pháp; nhưng chắc chắn sự tuân theo một hệ thống sẽ chỉ sản sinh một kết quả được tạo ra bởi hệ thống đó, phải không? Nếu tôi tuân theo một phương pháp đặc biệt để hiểu rõ về chính tôi, vậy thì tôi sẽ có kết quả mà hệ thống đó đòi hỏi; nhưng chắc chắn, kết quả không là hiểu rõ về chính tôi. Đó là bằng cách tuân theo một hệ thống, một phương pháp, một phương tiện mà nhờ đó hiểu rõ về chính tôi, tôi định hình suy nghĩ của tôi, những hoạt động của tôi, tùy theo một khuôn mẫu; nhưng sự tuân theo một khuôn mẫu không là hiểu rõ về chính mình.
Vì vậy không có phương pháp dành cho hiểu rõ về chính mình. Tìm kiếm một phương pháp luôn luôn hàm ý sự ham muốn để đạt được kết quả nào đó – và đó là điều gì tất cả chúng ta đều mong muốn. Chúng ta tuân theo uy quyền – nếu không là uy quyền của một người, vậy thì uy quyền của một hệ thống, của một học thuyết – bởi vì chúng ta muốn một kết quả mà sẽ gây thỏa mãn, mà sẽ cho chúng ta an toàn. Chúng ta thực sự không muốn hiểu rõ về chính chúng ta, những thôi thúc và những phản ứng đột ngột của chúng ta, toàn qui trình suy nghĩ của chúng ta, tầng ý thức bên ngoài cũng như tầng ý thức bên trong; chúng ta thích theo đuổi một hệ thống mà bảo đảm cho chúng ta một kết quả. Nhưng sự theo đuổi một hệ thống luôn luôn là kết quả của ham muốn cho an toàn, cho chắc chắn, và rõ ràng, kết quả không là hiểu rõ về chính mình. Khi chúng ta tuân theo một phương pháp, chúng ta phải có những uy quyền – người dẫn dắt, vị đạo sư, Đấng Cứu rỗi, Bậc Thầy – mà sẽ bảo đảm cho chúng ta điều gì chúng ta khao khát; và chắc chắn đó không là phương cách để hiểu rõ về chính mình.
Uy quyền ngăn cản hiểu rõ về chính mình, đúng chứ? Trong sự ẩn náu của một uy quyền, một hướng dẫn, có lẽ tạm thời bạn có một ý thức của an toàn, một ý thức của hưng thịnh, nhưng đó không là hiểu rõ về toàn qui trình của chính mình. Trong chính bản chất của nó, uy quyền ngăn cản ý thức trọn vẹn về chính mình, và thế là cuối cùng hủy diệt tự do; chỉ trong tự do mới có sáng tạo. Có thể có sáng tạo chỉ qua hiểu rõ về chính mình. Hầu hết chúng ta đều không sáng tạo; chúng ta là những cái máy lặp lại, những máy đĩa đang hát đi hát lại vài bài hát nào đó của trải nghiệm, những kết luận và những kỷ niệm nào đó, hoặc của riêng chúng ta hoặc của người khác. Sự lặp lại như thế không là ‘đang hiện diện’ sáng tạo – nhưng đó là điều gì chúng ta mong muốn. Bởi vì chúng ta muốn được an toàn phía bên trong, chúng ta liên tục đang tìm kiếm những phương pháp và những phương tiện cho sự an toàn này, và thế là chúng ta tạo ra uy quyền, sự tôn sùng một người khác, mà hủy hoại hiểu rõ, sự yên lặng tự phát của cái trí mà trong chính nó có một trạng thái sáng tạo.
Chắc chắn khó khăn của chúng ta là hầu hết chúng ta đã mất đi ý thức của sáng tạo này. Sáng tạo không có nghĩa chúng ta phải vẽ những bức tranh hay viết những bài thơ và trở nên nổi tiếng. Đó không là sáng tạo – nó chỉ là khả năng diễn tả một ý tưởng, mà công chúng hoan nghênh hay không hoan nghênh. Không nên lẫn lộn giữa khả năng và sáng tạo. Khả năng không là sáng tạo. Sáng tạo là một trạng thái của đang hiện diện hoàn toàn khác hẳn, đúng chứ? Nó là một trạng thái trong đó ‘cái tôi’ không còn, trong đó cái trí không còn là một tập trung của những trải nghiệm của chúng ta, những tham vọng của chúng ta, những theo đuổi của chúng ta và những ham muốn của chúng ta. Sáng tạo không là một trạng thái liên tục, nó mới mẻ từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc, nó là một chuyển động mà trong đó không có ‘cái tôi’, ‘cái của tôi’, trong đó tư tưởng không bị tập trung vào bất kỳ trải nghiệm, tham vọng, thành tựu, mục đích và động cơ đặc biệt nào. Có sáng tạo chỉ khi nào cái tôi không hiện diện – trạng thái của hiện diện đó, một mình nó, có thể có Sự thật, sự Sáng tạo của tất cả mọi sự vật. Nhưng trạng thái đó không thể bị hình dung hay tưởng tượng, nó không thể bị định hình hay sao chép, nó không thể kiếm được qua bất kỳ hệ thống, qua bất kỳ triết lý, qua bất kỳ kỷ luật nào; trái lại, nó hiện diện chỉ qua hiểu rõ về toàn qui trình của chính mình.
Hiểu rõ về chính mình không là một kết quả, một kết luận cuối cùng; nó là đang thấy chính mình từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc trong cái gương của sự liên hệ – liên hệ của người ta với tài sản, với những sự vật, với những con người và với những ý tưởng. Nhưng chúng ta phát giác rằng tỉnh thức, nhận biết là việc quá khó khăn, và chúng ta thích làm đờ đẫn những cái trí của chúng ta bằng cách tuân theo những phương pháp, bằng cách chấp nhận những uy quyền, những mê tín và những lý thuyết gây thỏa mãn; vì vậy cái trí của chúng ta trở nên mệt mỏi, kiệt sức và vô cảm. Một cái trí như thế không thể ở trong một trạng thái sáng tạo. Trạng thái sáng tạo đó hiện diện chỉ khi nào cái tôi, mà là qui trình của công nhận và tích lũy, không còn tồn tại; bởi vì, rốt cuộc, ‘trạng thái ý thức’ như ‘cái tôi’ là trung tâm của sự công nhận, và sự công nhận chỉ là qui trình của sự tích lũy trải nghiệm. Nhưng tất cả chúng ta đều sợ hãi khi ‘không là gì cả’, bởi vì tất cả chúng ta đều muốn là một cái gì đó. Một người nhỏ nhen muốn là một người cao quý, người không đạo đức muốn là người đạo đức, người yếu ớt và hèn kém khao khát quyền lực, vị trí và uy quyền. Đây là hoạt động không ngừng nghỉ của cái trí. Một cái trí như thế không thể yên lặng và vì vậy không bao giờ có thể hiểu rõ trạng thái sáng tạo.
Với mục đích thay đổi thế giới quanh chúng ta, cùng những đau khổ, chiến tranh, thất nghiệp, đói khát, phân chia giai cấp và sự hỗn loạn hoàn toàn của nó, phải có một thay đổi trong chính chúng ta. Cách mạng phải bắt đầu trong chính một người – nhưng không phụ thuộc vào bất kỳ niềm tin hay học thuyết, bởi vì cách mạng được đặt niềm tin vào một ý tưởng, hay trong tuân phục đến một khuôn mẫu đặc biệt, chắc chắn không là cách mạng gì cả. Muốn tạo ra một cách mạng cơ bản trong chính người ta, người ta phải hiểu rõ toàn qui trình của tư tưởng và cảm thấy của người ta trong liên hệ. Đó là giải pháp duy nhất cho tất cả những vấn đề của chúng ta – không phải để có nhiều kỷ luật hơn, nhiều niềm tin hơn, nhiều học thuyết hơn và nhiều vị thầy hơn. Nếu chúng ta có thể hiểu rõ về chính chúng ta như chúng ta là, từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc mà không có qui trình của tích lũy, vậy thì chúng ta sẽ thấy một yên lặng hiện diện mà không là một sản phẩm của cái trí, một yên lặng mà không bị tưởng tượng hay bị vun quén; và chỉ trong yên lặng đó mới có thể có sáng tạo.