Hoa đào năm trước

01/12/20143:13 CH(Xem: 6209)
Hoa đào năm trước

tuyentaphuongphapmuaxuan 3
Thử đọc xem: 

“... ở sau một bức tường thấp (...) ló lên một tàng đào lớn, thịnh khai, đỏ thắm. Xe vừa chạy tới thì một cánh cửa gỗ ở nách bức tường đó từ từ hé mở, một thiếu nữ trạc mười sáu mười bảy bước ra: vành khăn nhung bao làn tóc đen nhánh làm nổi nước da trắng mịn, hồng hào; áo the điều, quần lãnh Bưởi. Tôi có cảm giác trời xuân bỗng nhiên bừng sáng. Xe vẫn chạy chậm chậm, và tôi quay lại nhìn cho tới khi khuất bóng, lòng hồi hộp mà bâng khuâng. Bâng khuâng không phải chỉ riêng vì người mà vì toàn cảnh. Ánh xuân trong dịu, đường phố thanh tĩnh, màu câu đối dán bên cửa với màu áo trên mình thiếu nữ, nét mực Tàu với vành khăn nhung, nhất là màu hoa đào kia với nước da nọ, tất cả cùng hiện lên một lúc, hòa hợp với nhau một cách ngẫu nhiêntuyệt diệu.”

Có phải chỉ nghe Nguyễn Hiến Lê kể lại mà ta cũng thấy... tuyệt diệu!

“Hoa đào năm trước” hiện ra bất quá trong chừng vài mươi giây, nhưng “dư hưởng bất tuyệt”. Cái chuyện “phù du, mà lại thọ”, Thôi Hộ bên Tàu biết, Alfred de Vigny bên Tây biết, Xuân Diệu ở Việt Nam cũng biết:

“Mãi mãi là trong những phút giây”!(1)
(Thu Tứ)
(1) Trong bài Mãi Mãi của XD.


HOA  ĐÀO NĂM TRƯỚC


Hồi đó tôi học năm thứ ba hay thứ tư trường Bưởi (sau đổi tên là Chu Văn An), ăn tết ở Phương Khê xong, trở về Hà Nội.

Chiếc xe đò Mĩ Lâm từ Trung Hà xuống, đậu ở bến gần chợ Sơn Tây một hồi lâu rồi mới lại khởi hành, chạy một vòng chậm chậm trong thành phố để đón thêm khách. Trời lạnh, dân chúng còn ăn Tết, các cửa ngõ còn nửa khép nửa mở, vỉa hè còn vắng người và rải rác xác pháo.

Xe quẹo vào một con đường nhỏ nhưng sạch sẽ, trong một khu công chức, và ở sau một bức tường thấp, tôi thấy ló lên một tàng đào lớn, thịnh khai, đỏ thắm. Xe vừa chạy tới thì một cánh cửa gỗ ở nách bức tường đó từ từ hé mở, một thiếu nữ trạc mười sáu mười bảy bước ra: vành khăn nhung bao làn tóc đen nhánh làm nổi nước da trắng mịn, hồng hào; áo the điều, quần lãnh Bưởi. Tôi có cảm giác trời xuân bỗng nhiên bừng sáng. Xe vẫn chạy chậm chậm, và tôi quay lại nhìn cho tới khi khuất bóng, lòng hồi hộp mà bâng khuâng.

Bâng khuâng không phải chỉ riêng vì người mà vì toàn cảnh. Ánh xuân trong dịu, đường phố thanh tĩnh, màu câu đối dán bên cửa với màu áo trên mình thiếu nữ, nét mực Tàu với vành khăn nhung, nhất là màu hoa đào kia với nước da nọ, tất cả cùng hiện lên một lúc, hòa hợp với nhau một cách ngẫu nhiêntuyệt diệu. Chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh xuân đẹp như vậy.

Chiếc xe đã ra khỏi thành phố, bon bon trên con đường Sơn Tây - Hà Nội, tôi ngâm thầm bài Đề Tích Sở Kiến Xứ.

“Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng”.


Và tôi có cảm tưởng ngông ngông rằng thi sĩ như đã tặng riêng tôi bài đó, vì hiểu thơ thì ai cũng có thể hiểu được, mà muốn cảm xúc mãnh liệt thì phải thấy cái cảnh tả trong thơ, có cái tâm sự của người làm thơ. Cả một trời xuân và một tình xuân bàng bạc trong bốn câu của Thôi Hộ.

Từ đó, mặc dầu biết rằng cũng sẽ thất vọng như Thôi Hộ thôi,

“Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong”
(1)


mà Tết nào, đi ngang qua tỉnh lị Sơn Tây, tôi cũng để ý tìm lại cảnh hoa đào năm trước.

Cảnh cũ, người cũ đã không sao cùng gặp lại được, thì thử kiếm cảnh khác, miễn là cũng đủ đào hoa nhân diện? Ở Hà Nội việc đó rất dễ. Từ hai mươi lăm tháng chạp, suốt phố Hàng Đường tới cửa chợ Đồng Xuân như một rừng đào, cái cảnh “hoa chi tự kiểm, kiểm như hoa”(2). 

Đâu phải là hiếm, mà sao tôi vẫn không tìm lại được cảm giác cũ. Tôi nghĩ có lẽ tại đường phố náo nhiệt, mà hoa không còn trên gốc, thiếu vẻ thiên nhiên chăng?

Có lần tôi lên tận làng Yên Phụ, thơ thẩn cả buổi trong các ngõ hẹp, lát gạch bên bờ Hồ Tây. Nơi đây còn vài ngôi đình chùa cổ, trong tiếng gió tiếng sóng như văng vẳng giọng ngâm thơ của Hồ Xuân Hương. Nhà nào cũng có vườn, tuy không rộng nhưng cũng trồng đủ giống hoa như làng Ngọc Hà, nhiều nhất là đào, đỏ ối mỗi khi xuân sang. Các thiếu nữ nửa quê nửa tỉnh, vừa tỉa cành vừa niềm nở chào khách, miệng tươi như hoa, nhưng lòng tôi chỉ vui vui chứ không xúc động; vẫn không phải cảnh sắc năm xưa. Thế thì thiếu cái gì đây? Tôi nghĩ không ra.



Kế đó, tôi vô Nam và năm nào Tết đến cũng ngắm hoàng mai mà bâng khuâng nhớ đào.

*

Rồi một hôm cách đây mười tám năm, vào đầu mùa mưa, đi ngang qua vườn một ẩn sĩ, thấy đẹp, tôi ghé vào thăm. Vườn nằm trên bờ một con kinh, ở vòng ngoài thành phố Long Xuyên, nổi tiếng vì có nhiều loại hồng quí từ Pháp gởi về.

Tôi vào tới giữa sân thì một thiếu nữ tươi cười bước ra chắp tay: “Thưa thầy”. Thiếu nữ vẻ thanh tú, ngừng lại bên một bụi hồng leo màu phơn phớt đỏ. Ánh nắng ban mai chiếu vào chùm hoa và phản ánh làm cho má thiếu nữ cũng ưng ửng. Tôi còn đương cố nhận mặt thì thiếu nữ đã nhắc giùm. Tôi hỏi thăm mấy câu rồi trầm ngâm dạo vườn một lát. Vườn trồng cả chục loài hoa, nhiều nhất là hồng, và hồng có cả chục giống; sương mai lấp lánh mà hương thơm ngào ngạt.

Thật thú vị, khi không cố ý tìm thì ngẫu nhiên gần như gặp lại cảnh cũ. Trong vài giây, lòng tôi lại xúc động như hồi trẻ ở Sơn Tây. Xúc động nhẹ thôi: trời hôm đó dịu nhưng không phải là trời xuân ngoài Bắc, mà hồng cũng không thể sánh với đào được. Có lẽ còn tại cái tuổi, cái tâm trạng của tôi nữa chăng? Nhưng cũng là một phút đẹp trong đời, và ở vườn hồng ra, tôi lại ngâm thầm bài thơ của Thôi Hộ, nhớ lại tuổi xuân, cảm xúc triền miên, dịu dịu.

Hôm sau vào lớp học, thiếu nữ cùng với các bạn, đứng dậy chào tôi, nhưng lạ quá, tôi gần như không nhận ra nữa: cũng chỉ như mọi nữ sinh khác, lễ phép, nhu mì, thế thôi; như bé lại vài tuổi, còn cái duyên hôm trước thì đã biến đâu mất. Tôi bước lên bục mà phân vân tự hỏi tại sao. Tại không khí trong lớp học chăng? Hay tại thiếu bụi hồng dưới ánh dịu ban mai bên bờ nước? A, giá đừng gặp lại!

*

Tôi nhớ đâu như Alfred de Vigny có câu:

“Aimez ce que jamais on ne verra deux fois”.

Trước kia tôi vẫn cho Vigny là quá bi quan, hơi ngược đời nữa. Nay bóng chiều đã xế, tôi nghiệm rằng những cảnh đẹp nhất mà ta được thấy, luôn luôn chỉ thoáng hiện rồi biến mất, không sao gặp lại được lần thứ hai.

Phải, cái buổi sáng ở Sơn Tây kia, cũng như cái đêm tôi qua Đèo Cả, cách đây non ba chục năm, chỉ ngẫu nhiên xuất hiện một lần trong một đời người. Đêm đó, tôi đương ngắm cảnh biển mênh mông nhấp nhô dưới ánh trăng thì xe lửa lượn vào một khúc quẹo và những lớp sóng bạc bỗng biến đâu mất mà trước mặt tôi hiện lên một dãy núi đen tím với một cái vũng lốm đốm mươi ngọn đèn chài đỏ như than hồng trên một làn nước phẳng lặng: cảnh biến đổi thật huyền ảo và trong một phút tôi có cảm giác là mọc cánh mà lên tiên. Có thể rằng sau này tôi được gặp một cảnh trăng trên biển tương tự cảnh đó, nhưng có may lắm thì cũng chỉ phảng phất vài phần như cảnh vườn hồng so với cảnh vườn đào thôi. Vì phải có một sự giao hội kì diệu mà hữu tình của biết bao cái ngẫu nhiên, từ người và vật tới mây nước, ánh sáng, hương thơm, tâm trạng cùng nhau tấu lên một hòa khúc thì mới gây cho ta được một cảm giác hoàn toàn thỏa mãn về tinh thần, một cảm giác phơi phới nửa hư nửa thực, đột ngột mà bâng khuâng. Ta thấy lòng ta nở ra, ngũ quan mẫn tuệ, tinh thần thanh thoát như chơi vơi. Một đời người hưởng được vài ba phút mà dư hưởng bất tuyệt đó, tôi tưởng đã là phước lớn. Nó quí ở chỗ không bao giờ tái hiện và rất ngắn ngủi. Đừng kiếm lại nó, vô ích, mà cũng đừng mong cho nó kéo dài: nếu chiếc xe Mĩ Lâm sáng xuân đó và chuyến xe lửa đêm trăng kia, vì một lẽ gì ngừng lại, thì cái mĩ cảm của tôi tất phải giảm mà dư hưởng tất không bền.

Vigny khỏi phải nhắc: Chúng ta chỉ “yêu cái gì không thấy tới hai lần” mà xuất hiện chỉ trong một nháy mắt. Cái tuyệt mĩ bao giờ cũng phù du, mà lại thọ nhất.


Sài Gòn
Xuân Tân Hợi


_________________________
(1) Bài này đã có nhiều người dịch, nhưng tôi chưa gặp bản nào như ý, cho nên không muốn chép lại. Chỉ có hai câu của Nguyễn Du là xứng với hai câu cuối trong nguyên tác:
“Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.
Ai có tài dịch thêm hai câu đầu cũng thành lục bát, để ghép lại cho đủ bài thì thú lắm.
(2) Thơ của một nữ sĩ đời Thanh: “Cành hoa tựa má, má như hoa”.

(Góc Nhìn)

MỤC LỤC TUYỂN TẬP HƯƠNG PHÁP MÙA XUÂN

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
12/01/2012(Xem: 60771)
18/01/2011(Xem: 88543)
07/02/2015(Xem: 12723)
27/01/2015(Xem: 23436)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.