Thích Giác Nguyên
Lưu Chí Lược 刘志略 là một nhà Nho chưa biết ngài kế thừa Tổ vị, thấy ngài tu khổ hạnh khiêm cung, bèn hết lòng hộ trì. Ông có một người cô ruột là Thiền ni Vô Tận Tạng (無盡藏比丘尼) không rõ ngày sanh, chỉ biết bà mất vào năm 676 sau TL. Lúc ấy Lục tổ 38 tuổi. Ni sư người Khúc Giang, họ Lưu, xuất gia tu ở chùa Sơn Giản ( 山涧寺) gần thôn Tào Hầu. Về sau Ni sư làm vị đứng đầu Tỳ-khưu Ni ở Nam Hoa Thiền Tự (南华禅寺). Hằng ngày Ni sư thường tụng kinh Niết Bàn nhưng chưa rõ yếu nghĩa, bèn đem Kinh này hỏi Lục tổ Huệ Năng để nhờ ngài khai thị. Ni Sư cầm quyển kinh hỏi chữ. Tổ bảo không biết chữ nhưng cứ hỏi nghĩa, Tổ sẽ giải thích cho. Ni Sư nói: "Chữ còn chẳng biết, làm sao hiểu được nghĩa" Tổ nói: "Diệu lý của chư Phật chẳng quan hệ gì với văn tự". Nghe qua lời này, Ni Sư vô cùng kinh ngạc và báo cho mọi người trong thôn rõ: "Đây là bậc liễu Đạo, chúng ta nên trân trọng cung thỉnh cúng dường". Một hôm Ni sư lên núi dạo cảnh Xuân về, với đôi hài bện bằng dây gai lội khắp đầu non có mây ngàn giăng phủ, để tìm mùa Xuân mà Ni sư cho rằng một cái gì đó rất đẹp, rất thơ, rất lý tưởng cho cuộc sống tu sĩ của mình. Nhưng đi suốt cả ngày tìm hoài chẳng thấy cái gì là Ý Xuân chân thật. Khi quay gót trở về, đôi hài đã rách nát, chợt nhìn thấy cành mai trên đầu Ni sư đang nở hoa thơm ngát, Ni sư nhận ra đầy cảnh Xuân trọn vẹn ngay nơi tâm mình, đâu cần phải ngao du sơn thủy mới thưởng thức được hương vị mùa Xuân. Lúc ấy Ni sư liền cảm tác một bài thơ “Mai Hoa” được cho là “Ngộ Đạo Thi” như sau: 終 日 尋 春 不 見 春, 芒 鞋 踏 破 嶺 頭 雲; 歸 來偶 把 梅 花 嗅, 春 在 枝 頭 已 十 分。 Chung nhật tầm Xuân bất kiến Xuân. Mang hài đạp phá lãnh đầu vân. Quy lai ngẫu bả mai hoa khứu. Xuân tại chi đầu dĩ thập phân. Trọn suốt ngày tìm chẳng thấy Xuân. Bài thơ này chúng tôi sưu tầm trên các trang mạng tiếng Hoa có nhiều lối sao chép thấy âm vận chữ nghĩa có phần khác biệt đôi chút: 1近日寻春不见春,茫鞋踏遍垄头云,归来笑拈梅花嗅,春在枝头已十分. Cận nhật tầm Xuân bất kiến Xuân. Mang hài đạp biến lũng đầu vân. Quy lai tiếu niêm mai hoa khứu. Xuân tại chi đầu dĩ thập phân. 2竟日寻春不见春,芒鞋 踏破岭头云。归来手把梅花嗅,春在枝头已十分 Cánh nhật tầm Xuân bất kiến Xuân. Mang hài đạp phá lãnh đầu vân. Quy lai thủ bả mai hoa khứu. Xuân tại chi đầu dĩ thập phân. 3尽日寻春不见春,芒鞋 踏遍 岭头云 ,归来笑拈梅花嗅,春在枝头已十分 Tận nhật tầm Xuân bất kiến Xuân. Mang hài đạp biến lãnh đầu vân. Quy lai thủ bả mai hoa khứu. Xuân tại chi đầu dĩ thập phân. 4竟日寻春不见春,芒鞋 踏破岭头云,归来手把梅花嗅,枝头春意已十分. Cánh nhật tầm Xuân bất kiến Xuân. Mang hài đạp phá lãnh đầu vân. Quy lai thủ bả mai hoa khứu. Chi đầu Xuân ý dĩ thập phân. 5尽日寻春不见春,芒鞋踏破岭头云。归来偶把梅花嗅,春在枝头已十分... Tận nhật tầm Xuân bất kiến Xuân. Mang hài đạp biến lãnh đầu vân. Quy lai ngẫu bả mai hoa khứu. Xuân tại chi đầu dĩ thập phân. Mặc dù có sự khác biệt, nhưng nội dung của bài thơ không ngoài yếu nghĩa chỉ cho chúng ta lối về Đại Đạo (phản vọng quy chơn). Trong cuộc sống con người liên quan đến vũ trụ vận hành cứ trôi và trôi mãi, vô biên vô tận. Người ta bắt con tàu thời gian phải dừng lại một bến nào đó gọi là Xuân, Hạ, Thu, Đông. Rồi mỗi độ Xuân về, họ lại đón mừng rôm rả, hoặc thích du lịch đó đây để tìm kiếm, thưởng ngoạn mùa Xuân ở những nơi danh lam thắng cảnh hữu tình. Họ biểu lộ nét hân hoan, tươi mới của núi non hùng vĩ. Hoặc sông hồ, mây nước thênh thang, qua những ngày vui tạm bợ trong không khí dương Xuân ngắn ngủi. Hoặc hưởng thụ những bữa tiệc, rượu thịt ê hề của những sinh vật bị giết mổ trong những tiếng kêu than hận hờn ai oán. Hoặc mải miết ham vui trăng gió bị cảnh cuốn lôi, không tự chủ được nên dễ sanh tâm loạn động tình trần. Khi Xuân qua rồi họ cũng buồn vui theo ngoại cảnh, lặn hụp giữa cuộc sống đời thường, bon chen trong vòng tục lụy. Họ chỉ thấy có mùa Xuân sanh diệt vô thường, có đến, có đi; có đưa, có đón; có mừng, có tiễn. Chứ nào ai biết: “Lá rơi là để cho cành trổ hoa.” Trong quy luật tự nhiên của đất trời, trải qua quá trình sanh-trụ-dị-diệt hoặc thành-trụ-hoại-không. Đối với thời tiết phân định Xuân sanh, Hạ trưởng, Thu thâu, Đông tàng. Con người cũng theo chu kỳ sanh-lão-bệnh-tử không ai tránh khỏi. Nếu chúng ta được tuần tự sanh rồi già, già rồi bệnh, bệnh rồi chết, như thế cũng đã là hạnh phúc lắm rồi, nhưng có biết bao người đâu dễ được vậy? Có một phú ông đến xin Hòa thượng Tiên Nhai chữ viết để mừng thọ vào đầu Xuân. Ngài hạ bút: Ông chết, cha chết, con chết, cháu chết, chắt chết. Phú ông xem qua không mấy hài lòng: – Trời! Tôi nhờ ngài viết chúc thọ, mong được phước lành mừng Xuân, sao lại đùa giỡn như thế? Hòa thượng từ tốn bảo: – Chữ tôi viết có ý nghĩa tốt lắm đó. Giả như con trai ông chết trước ông, chắc là ông đau khổ hết sức. Và nếu cháu nội ông chết trước con ông, thì ông và con ông cũng rất đau lòng. Nếu như nhà ông đời nào cũng chết có thứ tự như chữ tôi viết. Đó gọi là hưởng tận tuổi trời, mới thực sự hưng vượng. Phú ông đổi buồn thành vui liền nói: – À! Có lý. Thói thường ở đời, khi sanh ra thì người vui, nên họ tổ chức ăn mừng sinh nhựt. Chết thì người buồn sợ, làm lễ tang ma, khóc kể thảm thiết. Khi cúng giỗ chạp gọi là kỵ. Song, sanh tử là quy luật tự nhiên. Nếu ai ai cũng hưởng tận tuổi trời theo thứ tự không phải là phước đức lớn sao? Với năm mới, chúng ta thường chúc mừng cho nhau có thêm một tuổi, như câu đối của người xưa để lại: Thiên tăng tuế nguyệt, nhơn tăng thọ. Xuân đáo càn khôn, phúc đáo gia. “Trời tăng năm tháng, người tăng thọ. Xuân đến nhân gian, phước đến nhà”. Điều đó chỉ là sự ước mơ và tham muốn của con người cầu mong được sống lâu và hưởng phước. Nhưng phước hay thọ đâu phải từ trời ban? Mà do chính con người biết ăn ngay ở lành, biết tu nhân tích đức, biết gieo nhân để hái quả. Tuy nhiên trong cảnh giới vô thường, duyên sanh như huyển, không gì bền vững lâu dài. Ông bà ta đã từng nhắc nhở: “Mỗi năm mỗi tuổi, như đuổi Xuân đi,” thì đâu có gì giữ mãi nét thanh xuân duyên dáng, hồn nhiên, thơ mộng như thuở ban đầu. Đại sư Thiên Tùng (千松大師 1531—1588) thế danh Minh Đắc, hiệu Nguyệt Đình, Tổ đời thứ 28, Tông Thiên thai ( 天台 宗) từng bảo: 今 朝 盡 道 添 一 歲。吾 道 如 今 減 一 年 Kim triêu tận đạo thiêm nhứt tuế. Ngô đạo như kim giảm nhứt niên. Sáng nay người bảo thêm một tuổi. Tôi nói ngày này bớt một năm. Quả thật như vậy, tình yêu nào rồi cũng ra đi và niềm hy vọng nào rồi cũng tan theo bọt nước. Nhưng người ta vẫn phải yêu và vẫn phải hy vọng, vì đó là lẽ sống của con người. Vì thế con người sống trong hoài vọng và khái niệm nhiều hơn là nhận rõ sự thật. Đâu phải mỗi Tết đến là được thêm một tuổi. Nào ngờ từng sát na sanh diệt, từng bước thời gian tiến dần về hố thẳm tiêu vong! Họ cứ loanh quanh cho đời thêm mõi mệt. Không có phút giây im lặng chịu lắng dừng để nghe tiếng thở bên trong buồng phổi và nhịp đập con tim đang nhảy múa suy cạn yếu dần. Do đó, không thể là cách thưởng Xuân trọn vẹn. Trở lại Bài Thơ Ngộ Đạo, Ni sư Vô Tận Tạng muốn nhắn nhủ chúng ta đi tìm Xuân chẳng khác gì đi tìm Đạo: “Trọn suốt ngày tìm chẳng thấy Xuân. Giày gai đạp nát đỉnh mây ngần”. Tâm trạng người tầm đạo cũng thế, buổi đầu thường hâm hở, đi học chỗ này, hỏi chỗ kia, tìm kiếm chỗ nọ, thấy chỗ nào có linh có nghiệm thì liền tới. Họ chạy theo phong trào tu học như chạy theo thời trang, cho rằng pháp môn này cao siêu hơn lối tu kia. Thầy kia thuyết pháp hay hơn thầy nọ, đuổi bắt ngôn từ chữ nghĩa, cố chấp theo kiến giải của mình. Mặc dù mình có Tâm Bồ đề, có Tánh Phật, có thể thành Phật, có kiến thức về giáo điển, giải thông về Phật pháp, nhưng cũng phải nhờ thiện hữu tri thức khai thị mới được Tâm thông nhận ra Chân lý. Nhưng Chân lý là tự trải nghiệm từ tâm mình. Có trải nghiệm chúng ta mới thấu rõ các pháp vốn Như thị. Ngoài tâm không có Phật, không có Pháp, không có mùa Xuân, không có tất cả. Nếu mỗi người chúng ta đều biết dừng lại để trải nghiệm đôi chút về ý nghĩa thực tại của mùa Xuân là gì? Hoặc tự hỏi, Ai tạo ra mùa Xuân? Xuân từ đâu tới? Xuân lại về đâu? Phải biết bốn mùa vận hành thay đổi là do duyên sanh của vạn vật đất trời. Trong sanh có diệt, trong diệt có sanh. Sanh rồi lại diệt, diệt rồi lại sanh. Kiếp sống con người khi trẻ, lúc già là do duyên khởi của tấm thân tứ đại giả hợp, có sống phải có chết; có tươi nhuận phải héo tàn. Nhưng trong thân sanh tử này vốn có Vô vị Chân nhân, là Ông chủ không sanh không diệt, cho dù muôn duyên biến đổi, vạn kiếp vô thường, chẳng có gì làm ta sợ hãi lo âu. Do vậy, Ni sư nhắc cho chúng ta biết Đạo, cầu Đạo không ở nơi non cao hay rừng thẳm, cũng không phải là chỗ phố chợ rộn ràng. Đạo là Pháp thân chân thật, là Tánh thể thường nhiên có sẵn nơi mỗi người chúng ta; ở thánh không thêm, nơi phàm chẳng bớt. Chớ nhọc công hướng ngoại tìm cầu, hãy quay về chính mình thì nhận ra ngay. “Trở về bỗng thấy hương mai rộ. Rõ thật đầu cành trọn ý Xuân.” Hương mai là cây mơ đã trỗ hoa trắng tỏa hương thơm ngát vào mùa Xuân. Ý nói Tâm Bồ đề đã thuần thục sáng rỡ thơm hương Tuệ giác, như cây mơ đúng thời tiết nở hoa vậy. Câu này cũng đồng nghĩa với hai câu cuối trong bài Cáo Tật Thị Chúng của Thiền sư Mãn Giác đời Lý: Mạc vị Xuân tàn, hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. “Chớ bảo Xuân qua hoa rụng hết, Ngoài sân đêm trước nở cành mai”. Chớ bảo xuân qua hoa rụng hết là Pháp tánh thường nhiên. Ngoài sân đêm trước nở cành mai là Pháp thân thường tại. Nhân ngày đầu Xuân, vua Lý Nhân Tông vào núi vãn cảnh, gặp Thiền sư Thiền lão bèn hỏi: –Hòa thượng năm nay bao nhiêu tuổi rồi? Sư đáp: –Đản tri kim nhật nguyệt Thùy thức cựu xuân thu ! “Chỉ biết hiện tại thôi, Năm trước nào ai nhớ!” Sở dĩ ngài trả lời như thế là vì thiền sư đâu có sống với tâm hoài niệm về quá khứ, hoặc mơ ước ở tương lai, ngài sống ngày nay chỉ biết có ngày nay. Sống với ngày nay đó là sống với tâm sáng suốt và lặng lẽ tại đây và bây giờ, gọi là hằng tỉnh, hằng giác. Nói theo kinh Kim Cang là: “Nên sanh tâm không vướng mắc”(Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm). Nhà vua hỏi tiếp: Hòa thượng ở đây làm gì? Ngài trả lời: –Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh. Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân. “Trúc biếc hoa vàng đâu ngoại cảnh. Trăng trong mây bạc hiện toàn chân”. Với tâm Thiền sư, mùa Đông có trúc xanh, mùa Xuân có hoa vàng, mùa Hạ có trăng trong, mùa Thu có mây bạc, không phải là ngoại cảnh phân biệt tiền trần, mà tất cả đều hiển lộ Xuân chân thường trong tánh thể bản nhiên thực tại. Đó mới gọi là Xuân bất sanh, bất diệt trong tâm mỗi người chúng ta được thể hiện qua Bài Thơ Ngộ Đạo này. Thích Giác Nguyên CON TÀU THỜI KHÔNG Có con tàu chẳng do ai sáng tạo. Vượt thời gian và xuyên khắp không gian. Không điểm khởi đầu cũng không đích cuối. Cứ đi qua và đi mãi ngút ngàn. Rồi từ khi tâm chúng sinh xuất hiện. Tạo lập Ga đời, dựng mốc thời gian. Bắt con tàu phải tạm dừng mỗi bến. Chở khách trần và chở cả thương tang. Mỗi chiếc vé đến - đi, ôi quá đắt ! Dù thoáng qua trong khoảnh khắc cuộc đời. Vẫn gánh lấy khổ đau tràn nước mắt. Một trăm năm, kiếp sống của con người ! Đâu phải một, hai, ba thiên niên kỷ ? Tàu trải qua hằng triệu triệu năm rồi. Mỗi Tết đến, mỗi Xuân sang “ Cung Hỉ ”. Bao chúng sinh chịu máu đổ đầu rơi ! Làm sao đếm giòng thời gian vô tận, Và không gian to rộng đến vô cùng? Loài người ơi, chớ gây thêm thù hận. Nhân quả xoay vần, nghiệp báo khó dung! Hãy tỉnh thức cùng lên tàu tiến tới. Xây dựng Tình Người, mở rộng Tình Thương. Dẫu thực tại vô thường luôn biến đổi. Hành tinh này vốn một mái nhà chung. Hãy tưởng nhớ đến cội nguồn Nhân bản. Hãy quay về trong Thể tánh Đại đồng. Cho cuộc sống ngày càng thêm tươi sáng . Hạnh phúc an bình, tự tại thong dong . Saigon Xuân Tân Tị 2001 XUÂN TÂM Thử hỏi năm nào năm mới sang ? Bốn mùa hoa nở với thời gian Trong bầu Xuân sắc đi rồi đến. Từ thuở xưa sau vẫn ngút ngàn ! Như vậy có gì phải đón đưa ? Với lời chúc tụng biết sao vừa ? Trăm hoa, trăm cảnh, trăm ong bướm. Chớ đuổi tâm theo ý lọc lừa ! Đêm lại ngày qua những tháng năm. “Bình thường là Đạo”, khỏi đi tầm . Ngoài Tâm không Phật, không cầu khẩn. Y giáo phụng hành Đức với Nhân. Chân lý ngàn xưa vẫn tiếp truyền. Thiền tâm vằng vặc ánh trăng huyền. Xưa nay Tự Tánh hằng soi chiếu. Nếu biết quay đầu, thấy Bổn nguyên. Một niệm không cầu, cũng chẳng mong, Xuân đi, Xuân đến, mặc xoay vòng. Giữ lòng thanh thản, không lo nghĩ. Ấy buổi êm đềm nơi cửa Không. Xuân Bính Dần’ 86
Thích Giác Nguyên |