Màu nắng rực sáng

11/02/20159:11 SA(Xem: 12255)
Màu nắng rực sáng

blank
MÀU NẮNG RỰC SÁNG

Phan Tấn Hải

 

blankTôi đã ưa thích màu nắng ở quê nhà từ những ngày thơ ấu. Nó không thực sự là màu gì nhất định. Có thể gọi màu nắng là màu trắng ngà. Không, không hẳn thế. Bạn không thể nói cho đúng, rằng màu nắng là màu gì. Vì bạn chỉ nhận ra màu nắng khi nó chiếu rọi vào một cái gì, và nó không còn là cái mà chúng ta muốn nói nữa.

Tôi  đã từng thử nhìn thẳng vào mặt trời. Lúc đó, tôi học xong lớp 9, tức là lớp đệ tứ, đang chờ lên lớp đệ tam ở Chu Văn An. Trong một buổi chiều chủ nhật, đạp xe tới xóm tên bạn ở gần nhà, nhìn thấy màu nắng chói trên các bức tường trên những căn phố người Hoa gần chợ Bình Tây, màu nắng rực rỡ hiện lên màu vàng của tường, dưới những mái ngói đỏ ngả màu cũ kỹ. Tôi ngây ngất nhìn màu nắng, và rồi nhìn thẳng vào mặt trời – chói kinh khủng, chẳng thấy gì. Phải đứng một chỗ, nhắm mắt cả mười phút, mới thấy đường trở lại. Lúc đó mới biết, tôi chỉ có thể nhìn được màu nắng trên mọi thứ khác. Lúc đó, tôi đã thấy rằng có một cái không thấy được, nhưng nó là cái làm cho mọi thứ hiện lên. Thế nhưng, tại sao lại nói chuyện này nhỉ? Tôi chỉ đang muốn kể cho bạn nghe một chuyện tình thôi -- nếu gọi được, thì đó là chuyện tình, nhưng nói cho nghiêm túc, cũng chỉ gần gần là một chuyện tình.

*

Màu nắng Sài Gòn đó vẫn còn rực rỡ mãi trong tôi, nhiều thập niên sau. Tôi vẫn nhớ màu nắng như dường nghiêm trang hơn trong sân trường, như dường ngả nghiêng đùa cợt trên các lối đi xe đạp chen nhau khi tan trường, như dường loang vữa tường rêu ở các hẻm Phố Tàu gần nhà tôi, và cũng như dường nhảy múa dịu dàng trên mái tóc mấy cô nữ sinh trường Bác Ái đi xe đạp trên đường Nguyễn Trãi.

Nhà tôi  trong một khu chung cư gần Chùa Ông Bổn. Quanh chung cư đầy những hẻm phố, và rồi các hẻm biến thành chợ, có nơi biến thành chợ vải, nơi thành chợ giày, nơi là những ván cờ tướng với các cao thủ thi đấu ăn tiền, nơi là chỗ tụ họp cùa mấy anh thợ làm con dấu và sửa đồng hồ. Những âm thanh quanh các phố thị luôn luôn là khúc nhạc gì bí hiểm, và thường là, khi tôi ngẩng người nghe, hay nhìn, lại thấy một mùi dễ chịu của xe hủ tiếu  từ dưới phố thoảng tới. Hay là khi đi ngang Tang Nghi Quán, tiếng kèn đám ma thê thiết, tiếng tụng kinh vang không ngừng, và mùi nhang khói bay ra tận hè phố trong những ngày nơi đây bận rộn.

Trở lại, nói chuyện Chùa Ông Bổn, nơi ai ở Chợ Lớn cũng đều biết ngôi chùa này ở phố Hải Thượng Lãn Ông. Chùa này gọi đúng là miếu, vì thờ Ông Bổn, một vị thần trong tín ngưỡng người Hoa, được tin tưởng là rất mực linh thiêng. Trong những lễ hội hàng năm, chùa này tưng bừng đủ thứ -- không kể chuyện cúng lễ, mà tôi chẳng hiểu gì, chỉ ưa chạy theo xem múa lân, xem múa võ, xem rước kiệu… dần dà, lớn một chút mới thôi, khi tới tuổi học thi Tú Tài 1, mới thấy thực ra mình không ưa lễ hội tí nào.

Ngẫm ra, lúc nhỏ ham vui, chỉ là chạy theo mấy đứa trong xóm thôi, trong đó nhiều đứa gốc Hoa, phảỉ tập luyện gian nan và rồi trình diễn trong lễ hội Chùa Ông Bổn -- bọn con trai gốc Hoa phảỉ luyện võ, tập múa lân, bọn con gái mặc trang phục thướt tha để múa, hay xếp hàng cúng lễ gì đó. Có những buồi chiều, tôi đứng ở hành lang lầu hai chung cư, nơi bây giờ là đường Trần Hưng Đạo B, nhìn xuống dưới phố, bọn thiếu niên bước đi tung tăng trên phố để sang Chùa Ông Bổn tập luyện, con trai mặc võ phục, có đứa cầm côn, có đứa cầm kiếm… con gái mặc kiểu áo cổ truyền như trong phim Tàu xưa. Có lúc đi nhanh, có lúc như chạy vội, màu nắng lấp lánh trên lưỡi kiếm của mấy cậu con trai, trên các tua kim tuyến trên trang phục mấy cô con gái. Lúc đó, tôi thấy nắng chói thật đẹp trên các tường vôi ngả vàng của tường phố, và thấy lòng mình như chết trong màu nắng. Không hiểu sao lại thấy thế.

*

Kỳ lạ, tôi muốn kể một chuyện tình, nhưng sao cứ mãi nói chuyện nắng, rồi lại kể chuyện lễ hội với chuyện chuẩn bị lễ hội.  Nói cho đúng ra, thời thơ trẻ của tôi chẳng hề có cái gì gọi là mối tình. Kể cả khi làm thơ cho báo xuân trường Chu Văn An, cũng chưa từng nắm tay một cô nào, chớ đừng nói gì tới  -- thế mới lạ.

Một lần, tôi có làm một bài thơ, kể về những âm vang tiếng guốc của một cô bé theo tôi vào giấc ngủ, những âm vang này ru tôi ngủ, y hệt như lời ca dao mẹ ru con. Bây giờ không nhớ được bài thơ này. Mấy tên bạn trong nhóm làm báo xuân cho trường gọi đó là tình chay, vì chẳng có con nhỏ nào thật đâu. Mà, ai lại làm thơ, viết là như mẹ ru con -- bộ con nhỏ tưởng tượng của mày là má của mày hay sao. Lúc mấy tên kia giễu như thế, tôi chợt nhớ mấy đứa con gái gốc Hoa trong khu Phố  Tàu tôi đang ở. Thực ra, mấy tên bạn tôi nói đúng, vì tôi làm thơ tình là vì đặc san nhà trường cần mấy bài thơ. Lúc đó, tôi chỉ say mê đọc sách, và dĩ nhiên, học thi.

Tôi không nhớ tên nào giễu tôi như thế. Chỉ nhớ mấy tên trong ban biên tập đang ngồi uống cà phê ở quán, nơi lối vào Ký túc xá Minh Mạng, gần trường Chu Văn An. Nơi đó, tôi cũng thích ngồi nhìn nắng trên mái ngói nhà thờ đối diện, giữa một công viên thơ mộng. Nơi đó, gió thổi cây lá xao động, và nắng lung linh trong lá.

*

Cũng nên kể thêm chuyện này. Một thời tôi say mê ngồi thiền. Hồi đó học thi căng thẳng lắm. Tên nào cũng sợ thi rớt, vì tin chiến sự hàng ngày lúc nào cũng sôi động. Lúc đó, tôi say mê đọc sách Krishnamurti. Dĩ nhiên là đọc bản dịch Việt ngữ. Thấy khó hiểu kinh khủng, chỉ lờ mờ thấy rằng ngôn ngữ Krishnamurti đầy sức mạnh như Kinh Phật, nghe âm vang như Thiền Tông khi nói rằng chân lý là mảnh đất không có lối đi. Không hiểu cách nào để tập thiền như thế, lúc đó cũng không  rõ rằng ông Krishnamurti có thực sự dạy thiền hay không.

Thế rồi gặp một cuốn sách mỏng dạy Thiền Chỉ Quán, tôi mua từ một tiệm sách cũ. Thời đó, tiệm sách cũ đầy khắp Sài Gòn, và dĩ nhiên, cả Chợ Lớn, nơi tôi ưa thích lang thang đi bộ, và có khi lang thang đi xe đạp quanh phố phường, để nghe đủ thứ âm vang ngôn ngữ và tiếng xe, tiếng hô phủ ky, tiếng gõ hủ tiếu, ngấm vào da thịt tôi.

Không phảỉ tôi nghe bằng tai đâu. Tôi nghe bằng cả da thịt, nghe bằng mắt, nghe bằng mũi, nghe bằng trọn cả gân xương tóc tai da thịt. Có những khi học thi với mấy tên bạn ở sân Chùa Xá Lợi xong, là đi xe đạp về Chợ Lớn, và cứ mải mê thấy cuộc đời ngấm lạnh vào da mình, mà lòng như say hương đời. Tôi yêu thích cuộc đời này biết là bao nhiêu.

Tôi ngồi quay mặt vào vách tường để tập thiền mỗi đêm, và phê biết là bao nhiêu. Những lúc thấy lòng mình lặng như tờ, hạnh phúc vô cùng tận. Thế rồi có một lúc, trong khi chạy nhảy, bị té vấp chân, móng chân cái bên phảỉ văng luôn, đau kinh khủng. Hễ đụng tới là đau. Lúc đó đang học thi, đau chân thế là phiền lắm, vì di động hạn chế. Nhưng tối về, tôi ngồi trên ghế, tập thiền. Và khám phá ra rằng ngồi, đứng, hay đi cũng thế, nhiều khi tâm lặng như tờ. Cái đầu đỡ căng thẳng, đỡ lo âu.

 

Nghĩa là, một tuổi thơ của tôi ngập nắng, lòng cực kỳ hồn nhiên, và các phố Tàu Sài Gòn – nơi vẫn quen gọi là Chợ Lớn – là một phần đời của tôi, một mảng da thịt tim óc của tôi. Đó cũng là lý do sau này, khi từ Virginia về thăm Quận Cam, nhìn thấy màu nắng trên các hè phố Bolsa, màu nắng chói rực rỡ trên thương xá Phước Lộc Thọ, nơi có tên tiếng Mỹ là  Asian Garden Mall, tôi biết ngay là bằng mọi giá là phải dọn về Quận Cam định cư. Không  hoàn toàn vì sợ tuyết lạnh tiểu bang Virginia, nhưng khi tôi nhìn thấy màu nắng nơi này, tia nắng hắt trên những pho tượng  nghiêm và buồn kiểu Chợ Lớn như thế, chân tôi đã đứng khựng lại nhiều phút sững sờ.

Tôi biết rằng, tôi yêu màu nắng này. Tôi thấy ngay lúc đó, rằng tôi sẵn sàng ngồi trên ghế đá ở phố Bolsa, chỉ để suốt đời ngồi nhìn nắng thôi. Định phận của tôi là ở đây, gần như là một Chợ Lớn thời niên thiếu của tôi. Chỉ thiếu có Chùa Ông Bổn với những thiếu niên võ phục và áo thướt tha phim bộ, chỉ thiếu có sân Tinh Võ với những bích chương dán đầy hình ảnh về các trận võ đài, chỉ thiếu một Tang Nghi Quán thê thiết tiếng kèn đám ma… và thiếu nhiều nữa. Nhưng làm sao bây giờ, cũng đâu có cần nhiều: tôi chỉ muốn nhìn màu nắng trên phố Bolsa này.

*

Suýt nữa là tôi quên kể câu chuyện tình. Đúng ra, chỉ là mặc định thôi, vì trong truyện ngắn, hễ có nhân vật nam và nhân vật nữ, thế nào cũng có chuyện tình xảy ra. Tôi cũng đoán chuyện của tôi như thế.

Đầu tiên là chuyện ngồi thiền. Nơi đây, tôi ở một phòng nhỏ, trên lầu hai, ở một khu chung cư cho người cao niên -- định nghĩa cao niên của Quận Cam ở trường hợp này là trên 55 tuổi. Căn phố này nằm ẩn sau lối đi ngang nhà hàng Song Long.  Tôi ưa thích những buổi sáng ở đây, cả buổi trưa, buổi chiều, buổi tối. Ngàỳ và đêm là một phần cơ thể tôi.

Nhiều đêm ngồi thiền, trong căn phòng tắt đèn tối mịt. Thỉnh thoảng có tiếng xe chạy dưới phố vọng lên, có khi có hàng xóm nào mở truyền hình vọng tiếng nhạc sang. Tôi không bực dọc với những âm thanh đó từ lâu rồi, một thời tôi xem tiếng động là những gì quấy rối mình, và rồi bây giờ xem âm thanh đó, xem mọi thứ hiện tới đều là một phần than thể mình. Có lẽ, đó là lý do tôi không bực dọc với những tiếng động lạ đó nữa -- kể cả, đôi khi, vài người say lướt khướt đi trên phố la om xòm, giọng nhừa nhựa.

Năm ngoái, tức là năm 2013. Liên tục nhiều đêm, hễ ngồi thiền một chặp, tôi lại thấy trước mắt hình ảnh một nhóm thiếu niên đi trong nắng về hướng Chùa Ông Bổn, nghĩa là những hình ảnh nhiều thập niên trước tái hiện trước mắt tôi. Tôi nghĩ, thế là bệnh rồi. Lúc đó, tôi mở mắt ra, nhìn thẳng vào vách tường. Chặp sau, bức tường trong phòng tối có lúc như bật sáng. Tôi nghĩ, đây là màu nắng quê nhà. Nắng hiện rực rỡ trong tâm tôi. Những lúc đó, tôi bật đèn sáng, lấy sách ra đọc, có khi lấy giấy mực ra vẽ. Lúc đó, niệm gì cũng biết là hỏng, niệm thân thọ tâm pháp… niệm gì cũng thâý màu nắng hiện ra trước mắt. Đức Phật đã dạy rồi, khi thấy màu nắng, chỉ là màu nắng thôi. Khi nghe tiếng xe chạy, hay khi nghe bất kỳ tiếng ai dưới phố say rượu om xòm… thì chỉ là tiếng xe chạy thôi, và chỉ là tiếng say rượu om xòm thôi. Thế nhưng, bây giờ tôi biết mình bị vướng. Tôi lấy tạ ra, tập thể dục nặng… tới khi mệt thì nằm ngủ.

*

Mấy hôm sau, tôi tới xem Lễ Hội Vu Lan ở chùa Nhật Bản. Chùa này ở trên đường Dale, thành phố Anahiem. Lễ Hội Vu Lan là nói theo tiếng Việt, chùa Nhật gọi là   Obon. Chùa này năm nào cũng làm Lễ Vu Lan thật lớn, có đủ thứ triển lãm cắm hoa, triển lãm cây bonsai, triển lãm kiếm cổ, văn nghệ, vân vân. Năm nào tôi cũng tới chùa này xem lễ hội, và xem kinh sách trưng bày, thường bán với giá rất rẻ.

Một phụ nữ trong trang phục kimono bước ra từ chiếc bàn trưng bày hoa, dưa tay chào trước mắt tôi. Tôi không thể nhớ được rằng đó là ai, chỉ nói một chữ  “Hi” để chào.

Tôi thấy ngay hình ảnh như từ thơ cổ Đường thi, một phụ nữ tuyệt sắc từ những chiếc bàn trưng bày cắm hoa bước ra chào bằng nụ cười tươi tắn. Và trong bộ trang phục kimono trắng, điểm hoa đào thêu trên vải.

“Chào anh Hải.”

Trời ạ, cô Nhật Bản này nói tiếng Việt, giọng y hệt dân Sài Gòn.

Trong khi tôi còn đứng khựng người, cô giải thích thêm. Rằng cô là hàng xóm của tôi. Không phảỉ là cùng khu chung cư đâu, nhưng là ở trong ngõ hẻm  tôi thường gọi là chợ vải Soái Kình Lâm vì gần đối diện nhà hàng này.

Tôi gật gù, chưa biết nói gì, nghĩ được rằng đây là một cô Tàu hàng xóm. Tôi đoán, với giọng nói này, hẳn là cô chào đời ở Sài Gòn, dĩ nhiên tiếng Việt phải giỏi.

Ờ, lâu quá hen, mấy chục năm rồi, làm sao cô nhớ mặt tôi được. Tôi nói một cách vụng về, hẳn là mặt tôi nghệt ra, kiểu mà mấy tên bạn thời trung học đã từng giễu cợt rằng các nàng thơ của tôi chỉ là “một con nhỏ tưởng tượng” khi cả đám ngồi duyệt lại bài cho báo đặc san.

Không, không hề tưởng tượng đâu, Đứng trước mắt tôi, cô cươì tươi như hoa, lại có mùi hương từ bộ áo kimono cô mặc như áo mới ngoài tiệm.

Tôi hỏi, vậy là cô thường đi  tập văn nghệ ở Chùa Ông Bổn, chắc tôi nhớ mang máng như thế.

Cô nói, em đọc bài anh viết hàng ngày, đọc anh đủ thứ bài chính trị, văn nghệ, Phật học…

Tôi ngạc nhiên, tự nghĩ, sao lại có ai mê đọc mình như thế.

Tôi đáp, như thế cũng là cái nghiệp.

Cô hỏi, sao là nghiệp hả anh.

Tôi đáp, không nên như thế, vì mê văn, đọc văn, quyến luyến văn là sẽ ở mãi cõi này; chỉ nên đọc cái gì làm mình không dính vào chữ nào nữa.

Cô nói, anh nói khó hiểu quá.

Tôi hỏi, cô tên gì, sao lại làm việc ở Lễ Hội Obon của Nhật Bản, sao không kiếm Chùa Ông Bổn sinh hoạt như thời nhỏ.

Cô nói, anh biết rồi, thời đó, người Hoa chạy tan tác, mà người Việt mấy anh cũng chạy nữa. Em đi ghe vượt biên, gió thổi sang Nhật, lấy chồng Nhật, bây giờ sang Mỹ, mà… hai vợ chồng em trục trặc rồi.

Tôi ái ngại, không biết nói gì. Nhìn quanh, chỉ ngại chồng cô ta thấy, rồi ngộ nhận.

Người xưa nói, tình cũ không rủ cũng tới. Tôi nghĩ thầm, tôi đã nhận ra cô này rồi, cô là một phần tuổi thơ của tôi, cô là màu nắng, là vạt áo gái Tàu trên đường Đồng Khánh năm xưa. Cô không hề là “tình cũ,” nhưng tôi vẫn sợ.

Đúng vậy, tôi sợ. Cô là màu nắng hiện ra trên vách tường, khi tôi ngồi thiền mấy hôm trước.

Tôi hỏi, cô tên gì.

Cô nói, em tên Michelle Chen.

Tôi nói, vậy là trùng tên với một ca sĩ Đàì Loan.

Cô nói, vâng, trùng tên, mà em cũng thích nghe cô ta hát.

Tôi nói, tôi không hiểu nhạc Đàì Loan, chỉ ngồi dịch tin tức mới biết cô đó… thôi tạm biệt nhen, cô Michelle Chen. Rồi tôi bước đi.

Cô nhìn tôi, cười (trời ạ, tươi như hoa đấy) và vẫy tay chào từ biệt.

*

Hôm sau, cô tới gặp tôi ở tòa soạn. Cô nói, cô muốn xin mấy cuốn sách về Thiền tôi dịch mấy năm trước. Tôi mời cô ngồi, trong khi lục tìm sách để ký tặng.  Hôm nay, cô mặc trang phục áo đầm chấm đầu gối, màu xanh trang nhã.

Tôi nói, sách này viết để cúng Phật, nên chủ yếu để tặng, đừng bận tâm gì, hễ anh còn là sẽ tặng tự nhiên.

Tôi bất ngờ nhận ra, ngôn ngữ của mình đổi khác, xưng anh và gọi cô là em. Thực sự, tôi vẫn ngại, không dám nhìn thẳng vào mắt cô ta, vì nhan sắc này hy hữu quá.

Tôi tự nhiên vẫn sợ, không dám hỏi thêm về gia cảnh của cô. Có vẻ như, tôi sợ câu trả lời có thể làm hỏng câu chuyện.

Cô nói, em đọc anh trên mạng rồi, nhưng muốn có cuốn sách có chữ ký, để cầm đọc.

Tôi nói, hễ lúc nào xuống phố Bolsa chơi, cứ tự nhiên vào thăm anh. Tôi ngớ người, không hiểu tại sao mình lại nói như thế. Có cái gì rất là ngu ngốc của tôi đã hiển lộ.

đưa mắt nhìn ra cửa phòng, như sợ có ai nghe, rồi nói, đó là anh nói đó nhen, em đang muốn ngồi đây, ngồi trong văn phòng này, trong tòa soạn này, cả đời em.

Tôi giựt mình, im lặng. Dù cô nói chơi hay nói thiệt, tôi cũng chết thê thảm. Tôi nhìn thấy nụ cười của cô, và đúng là như thơ cổ viết, đó là nụ cười đẹp như hoa nở. Trời ạ, chữ nghĩa của tôi cải lương như thế đấy, nhưng đúng sự thật là thế đấy.

Thiệt sự, tôi chỉ sợ, cô ngồi luôn trong văn phòng này… Em mà ngồi bên bàn làm việc của tôi thế này, sẽ tới một lúc tôi vỡ tim mà chết. Hoặc là, tôi sẽ đứng lên và ngả vào cô.

May quá, một chặp sau, cô đứng dậy, nói thôi em về, để anh làm việc. Tôi mừng kể gì.

*

Thứ Bảy kế đó, cô tới căn chung cư của tôi. Tôi đoán, hẳn là cô hỏi dò địa chỉ từ những người bạn tôi ưa ngồi ở quán Song Long. Hôm nay, cô mặc quần jeans, áo lạnh mấy lớp.

Cô nói, em muốn trọn ngày Thứ Bảy ở đây với anh, nấu cơm cho anh, đọc thơ, ngồi nghe anh nói chuyện, hay bất cứ thứ gì.

Tôi gặp cô, lòng tôi vui biết mấy. Nhưng tự nhiên vẫn lo sợ. Mình sống độc thân trọn đời rồi, xử thế cũng vụng về, chỉ có niềm vui là chữ nghĩaPhật pháp. Không hể biết xử thế với phụ nữ ra sao. Huống gì, cô này có chồng, tình trạng không rõ ràng vì chữ cô ta nói “trục trặc” có thể không có nghĩa gì cả.

Tôi nghĩ, tôi không dám nói chuyện nhiều với cô, vì sợ lòng tôi sẽ buồn biết mấy khi cô đứng lên ra về.

Thêm nữa, trời ạ, rủi cô đòi ở đây với tôi, đòi ngủ lại đêm nay thì sao. Tôi nghĩ, chỉ có nói lời chánh pháp mới cứu được cô này, cứu được cả tôi nữa.

Chuyện này mà kể ra, sẽ có đứa bạn nói mày là nhà văn mà sao ngu thế, phảỉ hiểu phụ nữ chứ, không lẽ họ nói thẳng ra. Rồi cũng sẽ có tên nói, cô này là đặc công bông hồng đỏ của Bắc Kinh, chắc là có âm mưu chiếm Biển Đông bằng cách chinh phục Bolsa.

Tôi để rộng cửa, để không ai ở ngoài suy nghĩ gì bất minh.

Cô nói rằng cô bệnh nặng lắm, bị ung thư… Thường mệt, gặp anh là giả bộ tỉnh thôi, chứ mệt lắm.

Tôi nói, bác sĩ nói làm sao.

Cô nói, kệ bác sĩ, em tới đây, chỉ muốn nghe anh nói chuyện, chuyện gì cũng được. Em vẫn nhớ hồi mấy chục năm trước, anh đứng ở lầu 2 ngó xuống, trong khi bọn em đi ngang, em con nít mười hai, mười ba tuổi đâu biết gì, nhưng không hiểu sao vẫn nhớ hình ảnh anh đứng. Nhà em bây giờ ở khu Little Tokyo trên Los Angeles, ngày mai em sẽ về, và nhập viện trên đó. Nhỏ em của em sẽ tới chở em sáng mai lên đó.

Tôi hỏi, vậy rồi đêm nay em ở đâu.

Cô nói, em ở trong phòng của anh chớ ở đâu, vì em muốn nghe anh nói – vì người viết về chánh pháp, tất sẽ nói được lời của Đức Phật.

Cô cười tinh quái, như kiểu bắt bí tôi.

Tôi nhìn ra cửa, băn khoăn rằng có thể vài người hàng xóm đi ngang qua, liếc vào hẳn là ngạc nhiên.

*

Chiều tới, rồi đêm tới… Tôi đóng cửa cho khỏi gió, nhưng để cửa sổ mở, kéo màn xuống để  người bên ngoài có thể nhìn qua khung kính.

Tôi bật mấy ngọn đèn sáng, để không ai suy nghĩbất thiện. Tôi bảo cô lên giường nằm, và đắp hai lớp mền cho cô.

Tôi ngồi dưới sàn nhà, dựa lưng vào bờ giường, lấy cuốn Kinh Pháp Cú, đọc thật chậm từng chữ, để cô nghe không sót chữ nào. Thỉnh thoảng, tôi ngừng một chút, rồi giảng vài chữ khó.

Khi lật từng trang kinh, tôi nghĩ, ngày mai, ngày mốt, ngày kia… có tên nhà báo nào dám nói tầm bậy về một phụ nữ tuyệt sắc đã tới đây, đã chui lên giường mình nằm ngủ qua đêm, mình sẽ vặn cổ tên nào dám suy nghĩ tầm bậy.

Nghe được  mấy trang Kinh Pháp Cú, cô nói, em muốn nắm tay anh, và tự cô chìa tay qua lớp mền, nắm một bàn tay của tôi.

Tôi vẫn ngồi dưới sản, liếc thấy mắt cô như buồn ngủ, trong khi bàn tay cô nắm tay tôi, dịu dàng nồng ấm… Tôi siết nhẹ tay cô, rồi đọc tiếp, thật chậm, những trang kinh.

Trong khi lần giở từng trang, tôi thấy rực rỡ màu nắng  trên từng trang Kinh Pháp Cú, và rồi tay cô buông tay tôi, cô có vẻ như ngủ gục rồi. Lúc đó là 1 giờ sáng Chủ Nhật.

Tôi vẫn đọc tiếp, thỉnh thoảng nhìn ra cửa sổ, xem có người hàng xóm nào tò mò nào nhìn vào không. Tôi vẫn đọc, chậm rãi,, rõ ràng từng chữ. Tôi tin rằng, trong giấc ngủ, cô vẫn nghe được Kinh này.

Tôi cố gắng đọc từng dòng chữ, với màu nắng chói sáng rực rỡ từ lời của Đức Phật để lại, cho tới khi tôi ngủ gục trên sàn thảm.

Đêm phủ khắp nơi, trên người cô, đang nằm trên giường, và trên cả người tôi, kiệt sứcđọc kinh và đang nằm gục trên sàn. Đèn nơi cửa sổ vẫn bật sáng.

Và lòng tôi rực sáng, một màu nắng chưa bao giờ tắt.

Phan Tấn Hải

Báo Xuân Việt Báo 2015
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
12/01/2012(Xem: 61379)
18/01/2011(Xem: 89408)
07/02/2015(Xem: 13187)
27/01/2015(Xem: 26050)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.