TÍN NGƯỠNG TÂM LINH Minh Mẫn Tâm linh là sự kiện phi vật thể, đối lập với duy vật. Hầu hết các tôn giáo đều mang tính chất tâm linh; tín ngưỡng tâm linh của các tôn giáo không thuần nhất, tùy trình độ, căn cơ và khuynh hướng của mỗi loại tín ngưỡng mà có chánh tín và tà tín. Tà tín còn ở mức độ liên đới đến vật thể như các tín ngưỡng thờ thần vật; thần thánh hóa các vật thể như thờ bình vôi, ông Táo, Thần cây, thần đất thần đá, đồng bóng Tứ phủ, cầu cơ, giải hạn, xin xăm bói quẻ…Tức là loại tín ngưỡng mà đức tin còn tùy thuộc ngoại giới, chịu ảnh hưởng đến năng lực ngoại vật; có đối tượng để van xin cầu khấn, nương tựa. Chánh tín là niềm tin chính mình, một niềm tin không bị lệ thuộc vào bất cứ điều kiện vật thể, hay ngoại lực, mặc dù vẫn tin có ngoại lực (trong một hạn giới tương quan, nhưng vào trạng thái tuyệt đối thì nội lực và ngoại lực chỉ là một). Năng lượng sinh thức, năng lượng siêu thức vẫn tồn tại song hành với năng lượng ngoại biên, tác động hỗ tương mà không chịu áp lực chi phối như một năng lực sáng tạo với vật thụ tạo. Chánh tín là niềm tin vào khả năng trí tuệ và chủ động trước mọi hoàn cảnh của nội lực.(lúc bấy giờ, tuy không khấn cầu nương tựa vào ngoại lực, ngoại lực và nội lực vẫn liên kết hỗ tương lẫn nhau, đó là quy luật đồng tính hấp dẫn) Tín ngưỡng tâm linh chân chánh là một niềm tin tự chủ trong cuộc sống hiện thực và phi hiện thực, thể hiện sự tự do tuyệt đối vượt ngoài vòng kềm tỏa của tập quán, tập khí, truyền thống xã hội mà vẫn không chống chế mọi hiện thực. Việc diễn tiến sự tự do tuyệt đối của tâm linh một cách hài hòa theo chiều hướng đi lên khiến Tâm Từ phát triển một cách tự nhiên, Tâm Từ chủ động hướng dẫn mọi hành sử theo đúng lộ trình chân chính mà không cần đến ý thức phân biệt, vì Tâm Từ tự thân vốn là Trí Tuệ, chúng song hành và hiện hữu trong mọi lúc mọi nơi nếu niềm tin chân chánh vào lĩnh vực tâm linh chân chánh. Chính vì thế kinh điển bảo:”đức tin là mẹ đẻ của mọi công đức”, vì đức tin chân chánh thì mọi hành vi đều chân chánh, hành vi chân chánh đều đem lại lợi ích cho mình và cho người. Đây là xét về luật tương quan nhân quả trong sinh hoạt. Một hành giả có nội lực tâm linh, hay nói cách khác, hành giả đã đạt trạng thái liễu ngộ, vấn đề làm chủ tự thân hay làm chủ ngoại vật chỉ là điều tất yếu – “nhất thiết duy tâm tạo”. Đã làm chủ như thế thì chìa khóa sanh tử cũng đã nắm trong tay. Truyền thống tái sanh theo hạnh nguyện, trong Phật giáo từ xưa nay vẫn thường xầy ra, nhưng ít ai đặt vấn đề, vì vậy, nó không trở thành một truyền thống. Riêng Phật giáo Tây Tạng, hạnh nguyện tái sanh trở thành vấn đề quan trọng để xác định công hạnh của một bậc đã làm chủ sanh tử có thể tái lai để tiếp tục công việc đang còn dang dỡ. Ngoài Ban Thiền Lạt Ma, Đạt Lai Lạt Ma còn nhiều Lạt Ma khác vẫn tiếp tục tái sanh hàng trăm năm nay bảo tồn văn hóa Tây Tạng, đó là nét đặc thù của Kim Cang Thừa được nhân loại công nhận. Khi đã làm chủ tự thân, thì việc muốn tái sanh hay không, đó là quyền lực tâm linh của chính cá thể đương chủ, không có một ngoại lực nào làm chủ, tác động được họ. Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, nước này có đầy đủ các quy định về tôn giáo, bao gồm "Điều lệ sự vụ tôn giáo" và "Biện pháp quản lý Phật sống tái sinh trong Phật giáo Tây Tạng" do chính phủ Trung Quốc ban hành. Chế độ Đạt Lai Lạt Ma hiện vẫn phải được tiến hành theo pháp luật nhà nước và nội quy tôn giáo. "Hệ thống Phật sống tái sinh của các Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được vinh danh hàng trăm năm qua với đầy đủ các nghi lễ và thủ tục tôn giáo, định chế lịch sử. Đạt Lai Lạt Ma tái sinh cũng phải tuân thủ các nghi lễ tôn giáo, định chế lịch sử và quy định của nhà nước", website Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời Hồng Lỗi cho biết. Đây là câu trả lời của người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Cộng khi phóng viên hỏi về việc Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố sẽ chấm dứt việc tái sinh sau khi xả báu thân nầy. "Biện pháp quản lý Phật sống tái sinh trong Phật giáo Tây Tạng" do chính phủ Trung Quốc ban hành. Chế độ Đạt Lai Lạt Ma hiện vẫn phải được tiến hành theo pháp luật nhà nước và nội quy tôn giáo. Cách trả lời theo quan điểm của duy vật áp đặt trong lĩnh vực tâm linh, nghe như khôi hài. Làm gì có biện pháp hành chánh về quy luật tâm linh??? Những Quyền tự do căn bản của con người được hiến chương Liên Hiệp Quốc xác nhận, thế thì quyền chấm dứt tái sinh là quyền cá nhân, tại sao không có quyền từ chối chấm dứt tái sanh của một vị Phật sống? Vả lại chính phủ Tây Tạng lưu vong không chấp nhận sự thống trị của Trung Cộng , sao bắt buộc Ngài phải tuân thủ chính sách quản lý của Trung Cộng đối với quyền chấm dứt tái sanh? Việc Trung Cộng ra lịnh cho Đức Đạt Lai Lạt Ma phải tái sinh quả là hài hước, giống như ra lịnh Trăng phải sáng vào đêm 30, ra lịnh cho gà phải đẻ trứng vàng. Cấm các nước chủ nhà tiếp đón đức Đạt Lai Lạt Ma cũng là chuyện vô lý, xâm phạm quyền riêng tư của quốc gia khác, thái độ độc tài đối với người dân lại đem áp dụng với người không phải công dân của mình, thật trớ treo. Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho Đài Á Châu Tự Do, Đức Cát Mã Ba Lạt Ma nói rằng Ngài tin tưởng Đức Đạt Lai Lạt Ma có đủ quyền năng để tự quyết định có tái sinh hay không. Đó là quyền quyết định cá nhân và là quyền quyết định tối thượng của một hành giả tâm linh đạt đến giai tầng chủ động quyết định việc sanh tử. Người không đứng trong lĩnh vực tâm linh không thể hiểu được quyền năng tâm linh. Người thuần duy vật càng không thể hiểu lĩnh vực tâm linh, không ai có thể quản lý tâm linh theo mô thức hành chánh, nghị quyết…đã là duy vật, không chấp nhận tín ngưỡng tôn giáo, làm sao tin sự tái sanh mà đòi quản lý? Tâm linh là hiện tượng phi vật thể lại càng không thể quản lý! Người có đức tin Tâm Linh và người đang là hành giả Tâm linh tuy hai lĩnh vực riêng biệt, nhưng có một điểm chung là một đức tin hướng đến phi vật thể, khác nhau là đức tin chánh đáng hay tà tín. Người chánh tín về tâm linh là hành giả đang trên đường tiến vào lĩnh vực siêu thức để trở thành hành giả tâm linh. Hành giả tâm linh chân chánh nào cũng sẽ tiến đến lộ trình thoát ly sanh tử. Nếu hành giả đó mang tâm nguyện Bồ Tát độ sanh thì hạnh nguyện tái sanh chắc hẳn phải thành tựu. Đã là một tín đồ Phật giáo, ắt hẳn phải có một đức tin tuyệt đối về việc chuyển hóa phàm tánh để hiển lộ Phật tánh. Việc chuyển hóa không nương vào ngoại vật mà kinh Kim Cang đã dạy: “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thinh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”. Tín ngưỡng tâm linh không phải là tôn giáo, nhưng tùy căn cơ mà cần thông qua tôn giáo để triển khai tâm linh. Một khi tâm linh thông đạt, lòng Từ bi, khả năng trí tuệ và sự an lạc tự tại sẽ đồng hành cùng cuộc sống. Đó là chánh đạo.
MINH MẪN 07/5/2015 |