Quán đời ảnh hiện

08/05/20155:27 SA(Xem: 7713)
Quán đời ảnh hiện

QUÁN ĐỜI ẢNH HIỆN

Nhụy Nguyên

 

Tôi không dính líu đến dòng đời nữa. Không điện thoại, không ti vi, internet, không con đường trở về. Cơ ngơi mới: ngôi nhà lộng lẫy, mái vòm uốn lối cổ, cửa kính sáng choang, nền gạch bóng, một cái hiên đầy gió mỗi sớm tôi ngồi nhấp trà nhìn ra núi đồi và sông nước mênh mang.

Hành lý ngoài những bộ quần cũ, người ta thương tình dúi cho tôi một gói cơm nắm muối hột, với bộ ấm chén. Tôi ăn hết cơm giữa chặng. Bộ ấm chén na bên mình cứ sợ rơi vỡ, không có nó tôi sẽ trống tênh, quẫn. Lúc mọi người bái biệt trở về, tôi một mình nhấp nhổm. Chạy theo vẫn còn kịp, nếu không tôi có thể mục ruỗng, vì buồn. 

Lão hàng xóm cách mấy chục bước, ngôi nhà lẻ loi cũ nát, chân què chống gậy thường qua chơi rất sớm. Buổi đầu tiên lão mang theo vốc trà kèm luôn nước sôi. Tôi bày ra bộ ấm chén đất màu đà, gã nhìn không lạ, bảo trước cũng có một bộ như vầy, thợ nung chưa tới, được mấy năm đất nhũn ra. Tôi tráng hai lần trà vẫn còn mùi mốc. Tầm nửa buổi, phía đối diện mặt trời có một vị đầu trọc bước ra vươn vai. Lão què bảo, sư. Đến tìm thanh vắng tu tập. Sáng nào ông cũng dậy trước mặt trời ngồi thiền

Tôi bắt đầu chú ý, quan sát vị sư thường xuyên qua khe cửa. Ngôi nhà của ông hình ngôi tháp, cánh cửa chớp phía sau đóng kín, cửa chính thì luôn mở, trong mấy ngày liền ông đều ra sân vào lúc ánh nắng chếch trên nóc nhà. Theo lão què, vị này chuyên tu, không đi đâu, không nấu nướng, mỗi tuần ăn có một lần. Kinh ngạc. Tôi nghĩ phải đến thọ giáo. Nhân hôm ông ra xả thiền, tôi lần đến theo vào luôn. Không giường chiếu, nền mát lạnh nhỉ nước. Nhìn quanh, tôi cố hình dung nơi nằm của ông. Ở đây, ở kia, góc này, hay có cái hầm đâu đó dưới nền? Vị sư khoan thai ra hiệu tôi ngồi, rồi ông ngồi bắt chân kiết già, nếp áo phủ lên. 

- Bác mới đến chắc cũng buồn.

Gọi tôi là bác, trong lúc sư hơn tôi vài chục thu tàn. Phải xưng hô lại thế nào? Băn khoăn, cuối cùng tôi nghĩ đến chữ Thầy, bao hàm được hai nghĩa, thầy giáo và thầy tu. 

- Dạ cũng hơi hơi. Thú thực không tưởng nổi nơi này lại tuyệt tĩnh đến vậy. Thưa, lúc nào rỗi mời thầy qua nhà dùng trà.

Sư cười.

- Mình trước ghiền trà lắm, lúc ra đi họ cũng dúi trà, nhưng quyết tâm ăn cầm hơi, uống trà vào xót ruột. Để rồi mình qua, ngồi bên nghe chuyện cũng thú.

Sư lui múc ra một ly nước trong. Tôi đẩy nhẹ cánh cửa sổ, ánh sáng ùa vào, thấy rõ ngôi nhà mới toanh của mình bên kia, nắng đầy hiên. Tôi uống một ngụm. Không mùi vị. Nước thánh. Ngôi nhà hình tháp của sư chân tường rêu mọc, nhiều vết rạn kéo dài. Chủ nhân của nó chuyển đi, hoặc là họ đã về một thế giới khác. 

- Vùng này nhiều nhà bỏ hoang quá thầy nhỉ.

- Có chủ cả đấy chứ, bác chưa thấy đó thôi.

- Thế à… 

Tôi từng được nghe công phu của vị sư. Có đêm trên đỉnh ngôi nhà hình tháp bốc lửa, lão què hốt hoảng cháy cháy, nào hay đó là hào quang phát khởi từ công phu Tam muội

Không hiểu sao tự dưng tôi lại hỏi: “Thầy chắc sắp xuống núi?”.

Sư nhìn ra, không nói.

Tôi định hỏi thêm: “Sư đến đây làm gì?” Và tưởng đến cảnh sư hỏi lại tôi đúng câu đó. Còn nói: “Ai đến đây chẳng với mục đích giống nhau”. Lúc đó trong đầu tôi xuất hiện hình ảnh lão què, chẳng lẽ với mục đích như tôi và sư? 

Hơn ai hết, vị sư hiểu hai chữ “xuống núi” trong câu hỏi của tôi, bèn tránh đi và dẫn một câu chuyện thiền: 

- Ngày xưa Huệ Năng chứng ngộ, được Hoằng Nhẫn trao y bát; lúc đó ngài còn trẻ, ngũ tổ bèn khuyên nên tạm trốn. Ngài nghe theo ẩn mình trong đám thợ săn mười sáu năm. Lần nọ ngài ngang qua một ngôi chùa, thấy đám người xúm lại tranh luận gió động hay phướn động chẳng bên nào chịu thua, ngài mới thả một câu: Là tâm các ngươi động. Nghe vậy sư trụ trì lập tức mời ngài vào an tọa. Cơ duyên hóa độ của lục tổ xem như đã chín. 

- Lỗi phép cho hỏi, trước thầy ở chùa nào?

- Mình dạy học, giáo án không, toàn giảng ngoài khuôn phép nên bị đình chỉ, phân vào thư viện trông sách. Mấy năm trời làm mọt; chạm đến Đại trí độ mới biết những gì học trước nay đều thừa thãi. Được phân dạy trở lại, mình thường tranh thủ đem Phật pháp ra giảng, đối sánh với thượng tầng xã hội, mở cái nhìn về chân tướng vũ trụ nhân sinh, thế là tai vạ ập đến… Bỏ trường. Có lẽ túc nghiệp quá nặng, mình xuất gia nhầm một nơi thầy trò đều mê tín, bóp méo lời Phật. Tuổi trẻ thật nông nổi…  

Vị sư cúi mặt trầm tư, tiếng thở dài chừng được nén lại. Nắng chiếu vào khung cửa sổ, bóng sư vươn dài. Cuộc đàm đạo kéo đến giữa ngọ. Tôi trở lại nhà trong cơn đói, còn sư tiếp tục cuộc thiền. Cánh cửa sổ mở vẫn nguyên như vậy, sư không đóng lại. Tôi nhớ tới công án thiền giữa nhà trí thức và một vị sư. Anh ta đến xin thỉnh giáo, được tiếp trà, vị sư cứ rót nước vào ly tràn trề. Nhà trí thức liền nhắc, vị sư mới ngừng tay, nói: “Trong đầu anh chứa đầy kiến giải thế gian, giờ thầy nói gì cũng như với ly trà này thôi. Thưa thí chủ, điều vi diệu luôn được sanh khởi từ cái không…”. Bao năm tôi đắp bờ thành ao tát nước thiên hạ vào, lâu ngày tù đọng ô nhiễm. Không như thứ trí huệ lòng giếng càng múc càng trong. Tôi muốn dốc mình đổ hết ra. 

Đêm trăn trở. Tại sao phải nằm trên giường chực chờ giấc ngủ. Tôi bật dậy khoác áo dạo quanh nơi mình mới nhập cư. Đúng là có một số nhà toang hoang, nhìn vô nào có ai, hay họ tạm thời đi vắng? Nhớ lời vị sư: “Bác chưa thấy đó thôi”; mắt tôi có vấn đề, hay họ ở trong cảnh giới khác. Tôi rảo tới ngôi nhà hình tháp. Ánh trăng rọi ngược cửa chính. Ở đấy hiển hiện một hình khối mảnh mai, vẻ nghiêm trang toát ra loại từ trường ấm áp khiến chân tôi bủn rủn muốn khụy. Vị sư chắp tay. Không ai lên tiếng. Tôi vào ngồi cũng lặng lẽ, mãi mới mở miệng xin được làm đệ tử. Sư lắc đầu.

- Không dám. Nếu bác muốn mình có thể truyền dạy Phật pháp.

- Dạ. Tri ân thầy. Học thiền có khó không ạ?

Sư lại cúi mặt chiêm nghiệm

- Mình chuyên tu Thiền Minh Sát. Nhưng xét thấy bác chắc không theo nổi. Kính dâng một lời: bác nên trì Chú. Có câu: tụng kinh không bằng trì chú, trì chú không bằng niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Lại xét thấy bác thuộc hàng trí thức tiêu biểu thường nghĩ mình tài giỏi hơn cổ đại đức, chắc xem thường pháp môn Niệm Phật thậm thâm, nên sẽ truyền cho bác câu chú Án ma ni bát di hồng trong Mật tông. Chẳng cần hiểu nghĩa, bác cứ suốt ngày miệng niệm câu nào tai nghe rõ câu đó, tâm với khẩu hợp nhất, chắc sẽ nhiệm màu. 

Tôi nhẩm lại từng chữ Án - ma - ni - bát - di - hồng

- Hễ ý niệm nào khởi lên bác liên tục niệm, ba câu, năm câu làm thành một khối. Rồi những thứ rác rưởi trong tâm sẽ tự khắc được chuyển hóa. Một khi tâm trong lặng, trí huệ lòng giếng sẽ khơi thông. 

Tôi mừng khôn xiết, nhẩm niệm không ngừng câu chú, lắng tâm nghe rõ từng chữ. 

- Đó là yếu quyết. Nếu miệng niệm tai không nghe, tức tâm lăng xăng vọng động. Ý niệm phát xuất từ tâm, là một dạng sóng dao động không ngừng trong vũ trụ. Tâm khởi điều thiện là tâm thánh, chiêu cảm phước đức; tâm khởi điều xấu ác là tâm phàm, chiêu cảm nghiệp lực.

Vội chào ân sư, tôi về ngồi ngay ngắn giữa nền, nhắm mắt trì niệm. Án ma ni bát di hồng. Án ma ni bát di hồng… Lạ. Hoàn toàn tác dụng ngược. Bao cảnh xưa người người cũ phút chốc ùn ùn hiện lên. Tôi theo lời vị sư niệm thành khối ba câu, năm câu, cố lắng nghe, nhưng càng niệm vọng tưởng càng trỗi dậy mạnh mẽ. Những trường đoạn nối nhau. Rồi nguyên một cuộn phim chiếu qua màng não.

Tôi ngồi trong lớp nghiên cứu sinh. Vẫn gã giáo sư ấy, vẫn bộ dạng ấy, chừng ấy kiến thức cũ mòn. Gã đang say sưa giảng, tay huơ lên đầy nhiệt huyết: “Sau thời gian trèo cây, loài vượn xuống đất kiếm ăn, đi bằng chân, đôi tay được giải phóng để hái lượm…”. Trong bài tiểu luận, tôi đưa vào “hạt của Chúa”, về ngành vật lý lượng tử khám phá vật chất vốn là kết tinh ý niệm phóng chiếu từ a-lại-da thức. Con người theo đó vẫn tồn tại khi xác thể hư hoại v.v. Điểm một đau đớn. Lúc nhận bài tôi nã pháo ngay giữa lớp học. Gã giáo sư trừng mắt đứng như cây khô. 

Rồi những hoạt cảnh khác xen vào. Tôi vẫn lọt tai rõ ràng mấy lượt Án ma ni… Rồi câu thần chú nhòa chữ, trôi dạt bồng bềnh tan vào hư không. Rồi tôi thấy mình lạc vào phòng trọ của nàng. Những đôi dép thường gợi lên chủ nhân hơn hết. Đàn ông. Lớn tuổi. Tôi toan đánh tiếng, lại thôi. Không hiểu nổi. Tâm người nhiều lúc thật kinh khủng. Ý nghĩ muốn xem nàng đang làm gì với ai nhắc tôi cần bình tĩnh. Lén dò tìm. Một vết nứt ở cửa, không soi toàn cảnh nhưng, đủ khiến tôi rùng mình. Gã, một cơ thể trần truồng bèo nhèo đang vồ vập... Tôi không tin nổi mắt mình. Có ai tin nổi không. Cái đuôi. Còn nguyên cái đuôi dài chưa tiến hóa của loài vượn trên thân gã. 

Tôi quay người vụt chạy khỏi con vượn sau mấy ngàn năm vẫn chưa rụng đuôi, vụt chạy khỏi tấm thân của nàng đã tởm lợm trong tâm trí. Nhưng. Gã giáo sư có linh cảm kỳ diệu. Biết tôi. Gã có thể lòi dốt, lòi tất thảy nhược điểm kể cả mặt sinh lý song không thể… lòi đuôi. Gã, với một kế hoạch phi tang hoàn hảo được vạch ra chớp nhoáng...

Mở choàng mắt, hơn cả ác mộng. Câu thần chú rơi đâu mất. Chưa bao giờ tôi tưởng đến cảnh rụng rợn như thước phim vừa chạy qua não. Tôi chân trần chạy qua ân sư thuật lại. Sư cười, chút mỉa mai.

- Bác nghĩ tu dễ vậy sao! Trước nay vọng tưởng vô biên nhưng bác đâu để ý, nay đưa câu chú vào cũng như dùng chổi quét nhà vẩy lên bao bụi bặm, như soi kính hiển vi vào nước thấy tám vạn con vi trùng. Vọng tưởng mạnh bởi Án ma ni bát di hồng còn non yếu, lúc câu chú được nuôi lớn vạm vỡ tâm sẽ như gương.

*

Buổi sớm sau nhiều năm. Những cây chè già cỗi, vào mùa hè tôi nhẫn nại hái, phơi và gói kỹ dùng dần đến sang xuân, thời điểm chúng nở hoa trắng muốt. Lão què bưng qua ấm trà vừa pha.

- Trà thiệt ngon. Cái thằng cha này giàu có nên mang đến đây trà xịn.

Câu hỏi trong tôi vụt hiện tức thì: “Ai? Đâu?”.

Lão què chỉ tay về phía đông, chếch ngôi nhà hình tháp của ân sư 60 độ. Tôi căng mắt nhìn, thấy một khối tròn mờ mờ.

Nước trà xanh biếc, đặc sánh, thơm mùi tinh khiết rất lạ. Tôi tính qua mời ân sư cùng thưởng. Nhưng phải đợi. Đến tầm non bữa như thường lệ, vẫn không thấy sư bước ra

- Tui muốn thõng tay vào chợ một phen.

Lão què nghe vậy ngước nhìn tôi như với kẻ lạ. Rất lâu mới nói khẽ: “Từ từ, từ từ… Sáng quá… mấy ai chịu che mắt mình? Họ tắt cái đèn!”. Rồi lão gác cái chân què lên ghế, ý nhắc tôi nên nhớ lão từng là vận động viên số một.

- Mà… qua sông ắt “dìm thuyền” Bát Nhã. Chú hồi đến đây còn neo thuyền ngoài bãi sao?

- Đã dìm! 

Tôi nhìn vói qua ngọn núi để thấy dòng sông rộng ngút bao quanh. 

- Nghĩa là chú nghĩ phen này mình đủ định lực qua sông mà không cần thuyền?

Tôi lặng thinh, nhìn về phía ngôi nhà hình tháp. Hồi đêm tôi có hành thiền ngang qua song không thấy ân sư. Còn ngôi nhà của một nhân vật mới đến bây giờ trông rõ hơn. Trắng xóa.

- Từ ngày tới đây chú cứ quẩn quanh lối mòn nhỉ. Hay ta trèo lên ngọn núi kia cho khuây khỏa. 

Tôi hơi ái ngại với cái chân què của lão. Nhưng đằng khác chợt nghĩ, ai đến đây cũng mang theo bí kíp; mà cầm bí kíp đương nhiên phải luyện trong bí mật. Tôi biết gì về lão hàng xóm này? 

Theo lão què mấy ngày liền, không mang theo bất cứ gì, đói khát tôi phải tự kiếm lá lay, củ quả. Lúc hạ sơn người nhẹ bẫng đến mức có thể bay lên. 

Đến hiên nhà, tôi sững sờ. Bó hoa ai gửi lại? Linh cảm mách bảo nàng đã đến, dẫu trong quá khứ tôi chưa từng nghĩ sẽ có con tàu vĩ đại nào đó đưa nàng tới đây. Hình ảnh xưa cũ hiện về. Phải đánh tan ký ức buồn tủi này. Phải xóa hình ảnh nàng. Tôi lập tức trì chú. Án ma ni bát di hồng. Án ma ni bát di hồng… Thêm một mảnh giấy, đã đốt. Tôi vẫn đọc được: “Em để lại con thuyền, đợi anh trở về…”.

Án ma ni... Tôi vừa trì chú vừa hướng mình theo những dấu chân thon. Câu chú dẫn đến bờ sông, tôi phóng tầm mắt rất xa, không bóng một cánh buồm. Nàng đi rồi. Án ma ni bát di hồng. Có cái gì trỗi dậy thật mạnh mẽ. Phải, nỗi buồn. Tôi đang sở hữu nỗi buồn. Không giết được nỗi buồn. Nỗi buồn còn lại trong sâu thẳm cõi hồn…

Tôi liêu xiêu trên cát. Những viên sỏi nhấn vào gan bàn chân đau buốt. Biết hướng về đâu. Thôi xóa đi. Quên đi. Án ma ni bát di hồng… Khoảnh khắc tâm tôi trong lặng không khởi ý niệm, từ đâu rơi xuống một thông điệp: Nàng không thể dối thêm nữa. Không ai nói dối với linh hồn bao giờ. Tôi liền quay lại bờ sông. Kia rồi. Nơi những que nhang vừa tàn lụi, đúng như lời hứa trên mảnh giấy đã thành tro: nàng để lại cho tôi một con thuyền. 

Con thuyền bằng giấy sũng ướt đang dần chìm vào mênh mang sóng nước. 

N.N 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 21159)
12/10/2016(Xem: 19114)
26/01/2020(Xem: 11740)
12/04/2018(Xem: 19941)
06/01/2020(Xem: 10816)
24/08/2018(Xem: 9336)
12/01/2023(Xem: 3747)
28/09/2016(Xem: 25009)
27/01/2015(Xem: 26053)
11/04/2023(Xem: 3010)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.