Lời Ban Biên Tập: Nói đến Hòa Thượng Thích Minh Châu là phải nói đến Viện Đại Học Vạn Hạnh, nói đến một trong những nhà giáo dục xuất sắc nhất đã kiên trì và tận tụy cả đời cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giáo dục thế học trong tinh thần của Phật Giáo Việt Nam. Nhân ngày 1 tháng 9 ngày Hòa thượng Minh Châu viên tịch (Húy kỵ lần thứ 3), chúng tôi xin được giới thiệu bài viết “Vai trò của Viện đại học Vạn Hạnh trong hệ thống giáo dục bậc đại học ở Việt Nam” của Tỳ kheo Thích Giác Chinh như để tưởng niệm ngài, tưởng niệm đến công đức lớn lao của Ngài đối với sự nghiệp giáo dục và hoằng pháp. (BBT TVHS) VAI TRÒ CỦA VIỆN ĐẠI HỌC VẠN HẠNH
1. Khái niệm về Viện đại học trong hệ thống giáo dục quốc tế Viện đại học là cơ sở giáo dục đại học đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực, và thường có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao[1] trong hệ thống giáo dục. Viện đại học xuất phát từ danh từ University, nhưng có nguồn gốc từ tiếng Latinh: Universitas; có nghĩa là cộng đồng của giáo viên và các học giả,[2] là nơi đảm nhiệm hai việc: dạy và học, cũng là nơi cung cấp các chương trình bậc đại học và sau đại học. Ở Việt Nam, trước năm 1975 có nhiều Viện đại học theo mô hình như thế này, ví dụ như Viện đại học Đông Dương (thành lập vào năm 1907), Viện đại học Sài Gòn (thành lập năm 1957), và Viện đại học Vạn Hạnh (thành lập năm 1964), v.v… Các Viện đại học này là cơ sở giáo dục đại học đa cấp, đa ngành và đa lĩnh vực, là những cơ sở giáo dục bậc cao tiếp theo bậc trung học dành cho những học sinh có khả năng và nguyện vọng học tập tiếp lên trên. Viện đại học ở Việt Nam trong giai đoạn này cung cấp cho sinh viên học vấn cao và cấp các bằng cấp khoa học trong nhiều lĩnh vực ngành nghề. 2. Nội dung 2.1. Tên gọi, lịch sử hình thành của Viện đại học Vạn Hạnh Viện đại học Vạn Hạnh là viện đại học tư thục được thành lập vào năm 1964 dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa (ở miền Nam Việt Nam). Nơi đặt cơ sở đầu tiên của Viện đại học Vạn Hạnh là chùa Xá Lợi. Đây là viện đại học tư thục đầu tiên ở Việt Nam. Vạn Hạnh là tên của một vị Thiền sư Việt Nam, là Quốc sư, thầy của vua Lý Công Uẩn thời nhà Lý (1009 - 1225). Viện đại Học này lấy tên Thiền sư Vạn Hạnh để đặt tên cho cơ sở giáo dục đại học của mình, được Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa cấp giấy phép vào ngày 17 tháng 10 năm 1964 do HT. Thích Minh Châu làm viện trưởng.[3] Bên cạnh HT. Thích Minh Châu còn có những vị khác tham gia thành lập Viện đại học Vạn Hạnh như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, và các ông Hồ Hữu Tường – Phó Viện trưởng, Đoàn Viết Hoạt – phụ tá Viện trưởng, là những người đã từng tham gia làm việc tại Viện đại học Vạn Hạnh. Sau khi chính thể Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ năm 1975, Viện đại học Vạn Hạnh bị giải thể, đóng cửa[4] và một phần của nó đã trở thành một cơ sở của trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. 2.2. Vai trò của Viện đại học Vạn Hạnh trong hệ thống giáo dục bậc đại học 2.2.1. Hòa thượng Thích Minh Châu và Viện đại học Vạn Hạnh Đề cập đến Viện đại học Vạn Hạnh là phải đề cập đến Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012), một trong những nhà giáo dục xuất sắc nhất đã kiên trì và tận tụy cả đời cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giáo dục chính quy trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam. Niên khóa đầu tiên khai giảng vào năm 1964-1965, Hòa thượng Thích Minh Châu đã ký quyết định tuyển sinh và đào tạo hai phân khoa đại học gồm: Phân khoa Phật học và phân khoa Văn học & Nhân văn. Đến năm 1967-1973 thì Viện mở thêm phân khoa Khoa học xã hội, phân khoa Giáo dục, phân khoa Khoa học ứng dụng và một Trung tâm ngôn ngữ gồm bốn ban: Ban Anh ngữ, Ban Pháp ngữ, Ban Đức ngữ và Ban Nhật ngữ. Từ năm 1964 đến năm 1973 Viện đại học Vạn Hạnh đã có 5 phân khoa đào tạo, cấp bằng cấp trong lĩnh vực Khoa học xã hội cho đến Khoa học ứng dụng[5]. Số lượng sinh viên từ 696 sinh viên năm 1964-1965 đến 1973 đã lên đến 3.661 sinh viên[6]. Thư viện Viện đại học Vạn Hạnh cũng là một trong những thư viện lớn, có giá trị cao ở Việt Nam. Viện còn cho thành lập các câu lạc bộ trực thuộc viện như: Câu lạc bộ thiền tập, võ thuật, âm nhạc, thi ca, thư quán Vạn Hạnh, v.v… để sinh viên có cơ hội học hỏi, giao lưu, phát triển thể chất lẫn tinh thần. Khảo sát các phân khoa điển hình thì nhận thấy Viện đại học Vạn Hạnh đã cung cấp cho sinh viên học vấn cao ở cấp bậc đại học, rất đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung đào tạo. Phân khoa Văn học và Khoa học nhân văn gồm có 7 Ban[7] như: Ban Văn học Việt Nam, Ban Đông phương, Ban Triết học, Ban Tâm lý học và thực nghiệm, Ban Sử Địa, Ban Văn học Anh Mỹ và Ban Báo chí học. Phân khoa Khoa học xã hội, gồm có 5 Ban[8]: Ban Xã hội học, Ban Chánh trị học, Ban Kinh tế học, Ban Thương mại học và Ban Nhân chủng học. Về lĩnh vực xuất bản văn hóa phẩm, Viện đại học Vạn Hạnh cho thành lập Ban Tu thư để xuất bản sách, ấn phẩm tài liệu giảng dạy và nghiên cứu… Đặc biệt, Viện còn cho xuất bản Tạp chí nghiên cứu Tư tưởng do Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ làm chủ bút, ngày nay vẫn còn lưu trữ ở Thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Như vậy, Viện đại học Vạn Hạnh đã xây dựng và phát triển đúng chuẩn của một University trong hệ thống giáo dục học. Tức là, Viện đại học Vạn Hạnh đã đáp ứng được mô hình của giáo dục đại học đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực, và có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trong hệ thống giáo dục, được phép cấp bằng trong lĩnh vực mà Viện đào tạo. Viện đại học Vạn Hạnh còn làm kim chỉ nam định hướng xây dựng - phát triển cho các cơ sở giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay như: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, tại TP. Huế và tại TP. Cần Thơ. Ngoài ra còn có các cơ sở và hệ thống giáo dục Cao đẳng Phật học, các trường Trung cấp và các loại hình giáo dục cư sĩ của Phật giáo Việt Nam hiện nay. 2.2.2. Vai trò của Viện đại học Vạn Hạnh Viện đại học Vạn Hạnh đã chú trọng đến việc thiết lập cơ sở vững chắc cho loại hình giáo dục bậc đại học khả thi và bền vững như sau: Giáo dục Phật giáo Việt Nam là giáo dục trí tuệ Đúng với phương châm “Duy Tuệ Thị Nghiệp”, mọi hoạt động của cơ sở giáo dục Phật giáo đều nhằm mục tiêu cốt yếu là để phát triển trí tuệ. Giáo dục Phật giáo Việt Nam đã xuất phát từ phương pháp giáo dục Từ bi - Trí tuệ và nhân bản của Đức Phật, thừa kế một cách tinh tế và phát triển một cách thuần túy tinh hoa phương pháp giáo dục Giới - Định - Tuệ. Điển hình tại phân khoa Phật học, sinh viên sẽ được nhận thức rõ trí tuệ là kết quả đạt được của đời sống đạo đức – giữ giới luật, nội tâm được chuyển hóa – thành tựu định, là cơ sở cho tuệ phát sinh. Trí tuệ là kim chỉ nam nhập thế của người xuất gia. Giáo dục Phật giáo Việt Nam là giáo dục nhân bản, là giáo dục dân tộc Triết lý nhân bản, tức là triết lý chủ trương lấy con người làm căn bản, đối tượng và mục tiêu để hoàn thành sự nghiệp giáo dục. Thừa kế tinh thần và triết lý nhân bản của Đức Phật, giáo dục Phật giáo đề cập và khẳng định con người có địa vị quan trọng trong thế gian này; lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái hay tổ chức nào khác. Từ triết lý ấy, ta chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc... Mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục. Điều này giải thích vì sao giáo dục Phật giáo đã tích cực tham gia vào việc định hướng và phát triển giáo dục của đất nước, bảo tồn và phát triển tính độc lập trong giáo dục, góp phần định hướng và phát triển tính truyền thống nhân văn, nhân bản của dân tộc. Đó chính là mục tiêu của Viện đại học Vạn Hạnh, được thể hiện rõ trong các phân khoa đào tạo các lĩnh vực khoa học xã hội, dân tộc, khoa học tự nhiên,… góp phần phát triển tinh thần dân chủ, tinh thần khoa học trong học tập và nghiên cứucủa sinh viên khi ra trường. 3. Kết luận Theo nhận định của Hòa thượng Viện trưởng Thích Minh Châu, Viện đại học Vạn Hạnh được thành lập với hai mục tiêu là “xây dựng nhà giáo dục, làm sống dậy lòng tin cho tuổi trẻ... với châm ngôn Duy Tuệ Thị Nghiệp”, tức là mọi hoạt động của Viện đại học Vạn Hạnh cốt yếu là để phát triển kiến thức, trí tuệ cho sinh viên. Là nơi cung cấp nghề nghiệp cao cấp (bậc đại học) cho các sinh viên khi ra trường phục vụ cho sự phát triển của xã hội. Tiếp nối tinh thần giáo dục của Hòa thượng Viện trưởng Thích Minh Châu, ngày nay Học viện Phật giáo Việt Nam đã xây dựng, “HVPGVN tại TP.HCM là cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học của Phật giáo, thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của nước CHXHCNVN, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập theo quyết định của UBND TP.HCM, số 160/QĐ-UB ngày 17/10/1983. Học viện có tư cách pháp nhân tự chủ về tổ chức bộ máy, tuyển dụng lao động và tài chính”[9]. Ngày 4/11/2012, tại ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM đã diễn ra chương trình lễ đặt đá xây dựng HVPGVN tại TP.HCM.HT. Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại TP.HCM đã nhận xét như sau: “Lễ động thổ đặt đá khởi công xây dựng Học viện PGVN tại TP.HCM hôm nay đánh dấu bước ngoặc cho sự phát triển cơ sở vật chất, mở ra một hướng đi khả thi, phát triển tương lai trong việc đào tạo Tăng Ni có đủ khả năng kế thừa và xiển dương Phật pháp”. Tài liệu tham khảo: 1. Encyclopaedia Britannica: A Dictionary of Arts, Sciences, Literature and General Information, Volume 27 (1911), Editor: Hugh Chisholm, Harvard University. Publisher Encyclopaedia britannica Company. 2. Viện Đại học Vạn Hạnh, Sách-văn bản văn thư lưu trữ Viện Đại học Vạn Hạnh, Các Phân Khoa Của Viện Đại Học Vạn Hạnh, Ấn bản sách điện tử - Lưu trữ. 3. Dommen, Athur J. The Indochinese Experience of the French and the Americans, Nationalism and Communism in Cambodia, Laos and Vietnam. Bloomington, IN: Indiana University Press, 2001. 4. Higher Education. Viet Nam Magazine, Vol IV. No 5, 1971. 5. Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Quy chế Tổ chức và Hoạt động của HVPGVN tại TP.HCM, Điều 1. Chú thích: [1] Ngày nay, trong giáo dục học thường đề cập đến quyền này là quyền tự quyết của trường Đại học. Ở Việt Nam thì quyền tự quyết của trường Đại học còn hạn chế và không bằng các trường Đại học ở các nước trên thế giới như Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, v.v…, không bằng các nước trong khu vực như Singapore, Thailand… [2] Encyclopaedia Britannica: A Dictionary of Arts, Sciences, Literature and General Information, Volume 27 (1911), “The word university is derived from the Latin universitas magistrorum et scholarium, which roughly means community of teachers and scholars”, Editor: Hugh Chisholm, Harvard University. Publisher Encyclopaedia britannica Company. [3] Viện đại học Vạn Hạnh, Sách-văn bản văn thư lưu trữ Viện Đại học Vạn Hạnh, Các Phân Khoa Của Viện Đại Học Vạn Hạnh, Ấn bản sách điện tử - Lưu trữ. [4] Dommen, Athur J. The Indochinese Experience of the French and the Americans, Nationalism and Communism in Cambodia, Laos and Vietnam. Bloomington, IN: Indiana University Press, 2001, P. 956. [5] Khoa học ứng dụng là khoa học chính xác sử dụng các kiến thức thuộc một hay nhiều lĩnh vực của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội để giải quyết những vấn đề thực tế như Toán học, Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Kỹ nghệ… [6] Higher Education. Viet Nam Magazine, Vol IV. No 5, 1971. [7] Sđd, Viện Đại học Vạn Hạnh, Sách-văn bản văn thư lưu trữ Viện Đại học Vạn Hạnh, Các Phân Khoa Của Viện Đại Học Vạn Hạnh. [8] Sđd, Viện Đại học Vạn Hạnh, Sách-văn bản văn thư lưu trữ Viện Đại học Vạn Hạnh, Các Phân Khoa Của Viện Đại Học Vạn Hạnh.
|