Hãy là ngọn đèn cho chính mình

11/04/20164:08 CH(Xem: 13628)
Hãy là ngọn đèn cho chính mình

HÃY LÀ NGỌN ĐÈN CHO CHÍNH MÌNH
Larry Rosenberg | Phạm Chánh Cần dịch

 

ngọn đèn chánh phápThực hành Phật pháp là học cách sống, và đó là con đường vừa đầy niềm vui vừa đầy thách thức. Việc này đòi hỏi chúng ta phải mở rộng tâm thức để có được một cái nhìn mới mẻ về những nhận định hay ý kiến của chính mình và để không chấp nhận bất kỳ điều gì chỉ dựa trên niềm tin thuần túy.

Khi thực hành Phật pháp, hành giả sẽ được khuyến khích kiểm chứng thật kỹ ngay cả những niềm tin chắc chắn nhất vẫn được ấp ủ, kể cả niềm tinhành giả có sẵn về giáo pháp. Thật là may mắn, con đường đó có thể là cuộc hành trình không bao giờ kết thúc về việc tự khám phá vào mọi khía cạnh trong đời sống của hành giả.

Về mọi giáo pháp của Đức Phật, kinh Kalama là bản kinh mà tôi ưa thích nhất, chính vì kinh này cổ vũ sự quan tâm sâu xa đối với giáo pháp. Người Kalama là một bộ tộc sống tại Ấn Độ dưới thời Đức Phật; họ đã tham vấn Đức Phật về cách làm thế nào để nhận biết đâu là những lời dạy minh triết và đáng tin cậy. Quả thật, nếu Phật giáo không thấm đẫm tinh thần của kinh này – tinh thần truy vấn và kiểm chứng – hẳn là ngày nay tôi đã không thực hành Phật pháp.

Tôi đã được nuôi lớn trong cái điều mà người ta có thể gọi là truyền thống hoài nghi. Người đầu tiên dạy cho tôi về tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi chính là cha tôi, và ông là người thuộc đời thứ mười bốn của một giòng họ toàn là các giáo sĩ Do Thái giáo. Nhưng, cũng giống như người cha từng là một giáo sĩ chối đạo của mình, ông đã từ bỏ giáo đường – mặc dù cái thời hạn từ bỏ ấy không đáng kể. Ông thường xuyên bày tỏ sự coi thường không chỉ với Chính thống Do Thái giáo mà còn với mọi tôn giáo. Trước những lớp học dạy ngôn ngữ Hebrew, ông thường kéo tôi qua một bên và nói những điều đại khái“Hãy hỏi vị giáo sĩ xem làm thế nào mà tổ phụ Moses có thể rẽ được nước sông”. Như quý vị có thể đoán được, giáo sĩ Minkowitz không thể nào hài lòng khi bị truy vấn theo kiểu ấy. Tôi nghĩ cha tôi là người đầu tiên trong lịch sử đã trả tiền cho một vị giáo sĩ để vị này đừng thuyết giảng tại bàn nghe giảng luật Chúa cho đứa con trai của mình. Cha tôi bảo, “Xin Cha vui lòng. Tiền đây. Cha đừng giảng nữa”. Nhưng vị giáo sĩ tiếp tục giảng, và cha tôi nổi dóa!

Cha tôi đã truyền thụ cho tôi niềm tin của ông vào sự cần thiết của lối tư duy phản biện. Nếu tôi lâm vào một tình trạng rắc rối – ở nhà thì tôi vẫn là một đứa trẻ ngoan, nhưng tại trường và với hàng xóm thì tôi lại là một kẻ ranh mãnh – cha tôi đưa tôi ra xét xử khi ông đi làm về. Ông vẫn có mong muốn trở thành luật sư hay thẩm phán, nhưng ông chỉ là một người lái xe, cho nên ông đã phải thiết lập một tòa án gồm có thêm mẹ tôi và tôi. Phiên tòa của ông có sự thông cảmtính cách khoan dung: ông cho phép“bị cáo” được phát biểu, và đôi khi, sau lúc lắng nghe, ông bác bỏ điều cáo buộc. Dĩ nhiên, mẹ tôi thường mỉm cười: hai ông bà đều hài lòng khi thấy tôi được “tha bổng”.

Nhưng cha tôi luôn luôn giải thích tại sao tôi nên có hành động khác hơn thế. “Khi con làm như vậy, dì Clara của con tất nhiên phải bực mình; thế rồi dì ấy bảo với mẹ con, và bố lại phải nghe nói về chuyện ấy. Lần sau, con chỉ việc cầm lấy những chiếc bánh mì rồi về nhà. Điều đó không gây rắc rối”. Ông chỉ cho tôi thấy rằng hành vi của tôi có những hậu quả xấu. Trên hết, ông dạy cho tôi biết là mọi người đều có quyền truy vấn về mọi việc và từng việc một. Quyền đó kéo theo tinh thần trách nhiệm: nếu ta đặt vấn đề về hành động của người khác, ta cũng phải sẵn lòng đặt vấn đề về hành động của chính mình.

Giống như cha tôi, những người Kalama trong kinh Kalama là những kẻ hoài nghi nhưng có tinh thần trách nhiệm. Họ nhận thức được tầm quan trọng của những vấn đề tâm linh nhưng lại bị tràn ngập bởi những vị thầy thường cạnh tranh nhau để giành giật thính giảbiện hộ cho những triết thuyết khác nhau. Môi trường của họ chẳng khác mấy môi trường mà chúng ta sống ngày nay. Chúng ta cũng bị tràn ngập bởi những lựa chọn: “Có tin vào tôn giáo hay không? Loại nào? Phật giáo chăng? Phong cách nào? Thiền minh sát tuệ à? À, đã thử rồi à? Có phải là hơi khô khan và có lẽ là nói quá nhiều về đau khổ với vô thường, phải không nào?  Có lẽ bạn sẽ thích Đại viên mãn hơn, sự hoàn thiện nhờ vào cách sắp xếp cấu trúc nội tại của tâm. Lại nữa, hầu hết các giảng sư Thiền minh sát tuệ đâu có phải là tu sĩ; họ còn mặc cả quần thụng nữa. Ít ra thì những vị sư Tây Tạng, trong cái trang phục màu mè của họ, cũng có vẻ là đạo sư. Hay là thử tìm hiểu Thiền Nhật Bản xem. Tuyệt vời! Những câu truyện ngụ ngôn của Thiền vừa dạy được bạn vừa làm cho bạn bật cười. Còn cái khuynh hướng Viên giáclối tu bao quát mọi trường phái thì thế nào?”.

Chúng ta đang sống trong một thị trường tâm linh hết sức hỗn độn, đầy những tuyên bố và hứa hẹn. Chẳng lạ gì khi hầu hết chúng ta đều cảm thấy rối trí. Hơn hai mươi lăm thế kỷ trước, người Kalama cũng hoang mang như thế trước sự quá phong phú những con đường đưa đến trí tuệan lạc.

Mặc dù người Kalama đã biết đến danh tiếng của Đức Phật như là một vị thầy hết sức minh triết, họ cũng vẫn lo ngại rằng chính Ngài cũng chỉ là một trong các vị giảng sư đang giữ một quan điểm có tính cạnh tranh. Tôi thán phục một cách sâu xa mức độ hoài nghi lạ thường của họ. Lịch sử nhân loại cho thấy rằng hầu hết chúng ta bị lôi kéo đến với những người mang lại một giáo pháp mạnh mẽ không thỏa hiệp và những kẻ nói hoặc hàm ý “Vấn đề là vậy đó, và tất cả ai nói khác đều sai lầm”. Chắc chắnchúng ta đã thấy được cái mô thức nguy hiểm đó trong nền chính trị hiện hành. Nhưng điều đó cũng hiển hiện trong môi trường tâm linh, nơi mà cùng những câu hỏi được đặt ra là: “Quý ngài có thực sự mong muốn sự giải thoát không? Quý ngài có thể vận dụng được tinh thần trách nhiệm không? Hay quý ngài chỉ ưa thích những vị thầy gây ấn tượng cung cấp mọi câu trả lời và làm hết những công việc khó nhọc giúp quý ngài?”.

Mặc dù có hàng loạt những vấn đề ở những trung tâm giáo lý Phật pháp trong vòng vài chục thập kỷ qua, tôi vẫn thấy một số thiền giả ký gửi sự thông minh của họ tại cửa trung tâm, và hầu như nằm phục dưới chân vị thầy, cầu khẩn“Chỉ cần nói cho con biết con phải sống như thế nào?”. Ngay cả với niềm tin sắt đá của tôi về việc phải truy vấn, chính tôi cũng đã vài lần thể hiện sự tuân phục một cách lầm lẫn như vậy. Còn vể phần bạn? Tôi đã khao khát một vị thầy riêng của mình với con đường duy nhất tiến vào chân lý. Có một cảm tưởng phi thường khi được là đệ tử của vị thầy như thế. Đời sống tâm linh của tôi được chăm sóc. Tôi được xóa tội về những băn khoăn và tinh thần trách nhiệm có mặt cùng với việc thể hiện quyền đặt câu hỏi. Nhưng, tất nhiên, tôi vẫn chưa được giải thoát.

Câu trả lời của Đức Phật trước những băn khoăn và bối rối của người Kalama mang lại cho ta một liều thuốc giải độc về việc thực hiện những lựa chọn không khéo léo. Ngài hướng dẫn người Kalama, và cả chúng ta nữa, việc lựa chọn một vị thầy và cũng là việc thiện xảo trong sự truy vấn về mọi lãnh vực của đời sống:

“Như vậy, này các người Kalama, điều ta vừa nói với các người: các người Kalama, các người đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa-môn là thầy mình. Nhưng này các người Kalama, khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là bất thiện, các pháp này là đáng chê, các pháp này bị người trí chỉ trích, các pháp này nếu được thực hiện, chấp nhận thì dẫn đến bất hạnh, khổ đau, thời này các người Kalama, các người hãy từ bỏ chúng đi. Điều đã được nói như thế là do nhân duyên như thế”.

“Này các người Kalama, đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa-môn là thầy mình. Nhưng này các người Kalama, khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là thiện, các pháp này là không đáng chê, các pháp này được người trí khen ngợi, các pháp này nếu thực hiệnchấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc an vui, thời này các người Kalama, các người hãy đạt đến và an trú”.


Trước khi tìm hiểu sâu hơn những lời dạy đó trong kinh này, tôi muốn kể lại một câu chuyệnCâu chuyện này được cho là đã xảy ra tại một ngôi làng ở Trung Quốc nơi mà các Phật tử từ nhiều nơi đến tụ tập để nghe pháp được truyền giảng bởi một vị pháp sư trẻ tuổi rất nổi tiếng. Một hôm, một vị thầy già đáng kính tham dự buổi giảng pháp với đám đông. Khi vị pháp sư trẻ nhận ra vị thầy già, ông nói, “Mời trưởng lão lên đây. Hãy ngồi cạnh tôi trong lúc tôi giảng pháp”. Nghe vậy, vị thầy già đáng kính tiến đến ngồi gần vị giảng sư trẻ. Vị giảng sư trẻ tiếp tục bài giảng và mỗi lời vị này nói ra đều được trích dẫn từ kinh điển hay từ một vị tổ Thiền. Vị thầy già đáng kính bắt đầu ngủ gà ngủ gật trước đám đông. Mặc dù vị giảng sư trẻ đã nhận thấy điều ấy qua khóe mắt, ông vẫn tiếp tục bài giảng. Ông càng trích dẫn những điều có thẩm quyền, vị thầy già càng chìm sâu vào giấc ngủ. Cuối cùng, vị pháp sư trẻ dừng lại và hỏi, ‘Có gì nhầm lẫn không? Bài giảng của tôi quá chán, quá tệ, quá sai lạc hay sao?’ Vào lúc đó, vị thầy già nghiêng người về phía người giảng sư trẻ và véo ông ta một cái thật mạnh. Người giảng sư trẻ kêu lên ‘Ái cha!’ Vị thầy già nói, ‘Thế đấy! Đây mới là điều mà tôi đã phải từ xa đến để được nghe. Lời giảng tinh túy vừa rồi. Lời giảng “Ái chà!” ấy’.

Giống như vị thầy già trong câu chuyện thiền vừa kể, câu trả lời của Đức Phật dành cho người Kalama nhấn mạnh đến tính ưu việt của kinh nghiệm trực tiếp. Đức Phật hiểu rõ rằng con người phải nương tựa vào nhiều loại thẩm quyền, có những thẩm quyền nội tại, một số là ngoại tại, một số đáng tin cậy, một số khác là những con đường sai lạc. Ngài khuyên họ rằng chỉ vì một giáo pháp nào đó là cổ xưa, hay được ghi nhận lại trong các kinh điển, chưa chắc đã là chân thực. Chỉ vì một giáo pháp nào đó tỏ rahợp lý hoặc vì con người bị thu hút bởi người đã giảng giải điều đó, chưa chắc đã có nghĩa đó là điều minh triết.

Vậy thì câu hỏi trở nên là: Bằng cách nào ta phân biệt được điều đáng tin cậy với những điều sai lầm hay những hướng dẫn lạc lối? Đâu là nơi ta có thể chuyển hướng theo những chỉ dẫn để học được cách sống đúng nghĩa?

Trong kinh Kalama, Đức Phật không hề phủ nhận sự suy xét hay luận lý. Ngài cũng không cho rằng những giáo pháp cổ xưa là không thích hợp, hoặc con người phải phát hiện lại bánh xe pháp mỗi khi họ đối diện một sự lựa chọn. Không, Đức Phật cung cấp cho người Kalama – và cho tất cả chúng ta – những chỉ dẫn tổng quát mang tính cách phòng ngừa chứ không phải là cấm đoán. Ngài lưu ý chúng ta đừng tuân phục một cách mù quáng trước mọi thẩm quyền của truyền thống hay của các đạo sư, hoặc thẩm quyền của những ý tưởng của chính mình. Ngài cũng cảnh giác phải chống lại mọi sự tuân phục mù quáng trước những suy xét và luận lý.

Với những hành giả mới bước vào đời sống thực hành giáo pháp, những điều căn dặn này đặc biệtý nghĩa. Ở bước đầu trong việc thực hành, ta sẽ thấy rằng những niềm tin được khơi gợi bởi giáo pháp, bởi các vị đạo sư cũng như sự hỗ trợ của cộng đồng tu tập giúp đỡ ta rất nhiều trong việc thúc đẩycung cấp năng lực cho ta để ta bắt đầu tu tập. Tuy nhiên, niềm tin đó chỉ có tính cách tạm thời. Hãy nhớ, Đức Phật bảo ta phải kiểm chứng mọi giáo pháp và mọi ý tưởng như là những “giả thuyết có thể chấp nhận được” trong phòng thí nghiệm. Có một “thời điểm hết hạn” khi một niềm tin dựa trên sự hỗ trợ bên ngoài phải nhượng bộ trước những niềm tin xây dựng trên kinh nghiệm cá nhân. Tại thời điểm đó, sự hiểu biết của ta không còn là sự hiểu biết vay mượn của người khác. Đó là sự hiểu biết chân thực và là của chính mình. Điều đó xảy ra khi ta phát triển được khả năng nhận thức rõ và giữ được sự ổn định của chánh niệm.

Cho dù là người mới hay kẻ đã có kinh nghiệm thiền định, khi thực sự tìm hiểu kỹ về lòng tin và những niềm tin chắc chắn của mình, có khi nào bạn thấy điều đó thách thức bạn và khiến bạn cảm thấy đuối sức? Điều đó chắc chắn đã từng là kinh nghiệm của tôi. Giáo pháp có thể gợi hứng cho bạn. Chỉ cần nghe giáo pháp không thôi cũng có thể làm thỏa mãn trí tuệnuôi dưỡng cảm xúc của bạn. Ngay cả như vậy, hãy nhớ phải đặt câu hỏi: Điều đó đưa ta đến đâu? Có phải việc thực hành thiền định gợi cho ta đi theo hướng hành động với từ bitrí tuệ hơn? Phải tìm hiểu kỹ điều này. Nhưng đừng dừng lại ở đó. Để cho giáo pháp trở thành kinh nghiệm thật của chính mình – để cảm nhận được cái “ái chà” của giáo pháp – bạn phải sống miên mật với giáo pháp, nắm lấy giáo pháp để nghiên cứu thật cẩn thận, và để cho giáo pháp nắm lấy bạn để xem xét bạn thật cẩn thận.Đức Phật đã nói, “Hãy làm ngọn đèn cho chính mình”. Những câu hỏi của bạn thắp sáng con đường. Đó chính là điểm cốt lõi của kinhKalama.

Cuối cùng, mọi ý niệm của bạn về chân lý phải được đưa vào để kiểm chứng trong những kinh nghiệm sống động. Trong suốt những lời giảng của Ngài, Đức Phật cung cấp một công thức đơn giản để dẫn dắt chúng ta đi theo hướng đó: hãy xem xét mọi sự về phương diện nhân quả. Bất kỳ điều gì thô tháo vụng về dẫn tới tai họa hoặc đau khổ cho mình và cho người, ta phải nhận biếttừ bỏ. Bất kỳ điều gì khéo léo tinh tế đưa đến an lạchạnh phúc cho mình và cho người, ta cần phải theo đuổi.

Hãy nhớ rằng ngay từ đầu trong cuộc sống của một bậc Đạo sư, Đức Phật đã nói, “Ta chỉ giảng dạy một điều duy nhất, đó là sự khổ và cách thoát khổ”. Thế rồi, Ngài trao cho chúng ta một bộ cẩm nang thực hành nhấn mạnh đến việc học cách sống và cách làm giảm bớt đau khổ, được gọi là Tứ diệu đế: “Đây là khổ; đây là nguyên nhân của khổ, gồm có tham ái và bám chấp; đây là trạng thái chấm dứt khổ; và đây là con đường dẫn đến trạng thái chấm dứt những đau khổ đó”.

Tứ diệu đế là kim chỉ nam của chúng ta trước mọi hình thái của cuộc sống, cho dù đó là lúc ngồi trong thiền đường hay khi chạm trán một người xa lạ ngoài phố. Trải qua hàng ngàn năm, giáo pháp đó vẫn được chia sẻ bởi mọi giáo phái Phật giáo và đã hướng dẫn vô số hành giả. Tứ diệu đế mang lại một phương tiện giúp con người học được những biện pháp khéo léo nhằm làm giảm đau khổ trong cuộc đờigiải thoát từng con người khỏi mọi khổ đau trong cuộc sống.

Nhưng ngay cả những giáo pháp căn bản nhất của Đức Phật như Tứ diệu đế cũng cần phải được đặt dưới ánh sáng của sự truy vấn được nói trong kinh Kalama. Tôi đã học được điều này trong thời gian bắt đầu trở thành một hành giả, khi Đại sư Ajahn Chahngười Thái đến thăm Trung tâm Thiền Insight Meditation Society tại Barre, bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Vào lúc ấy, hầu hết hành giả sơ cơ chúng tôi đã bị mê hoặc bởi năng lực giải thoát của hạnh buông xả. Trong những câu chuyện của chúng tôi, ai cũng nói đến việc buông xả điều này, buông xả điều nọ – và hầu như buông xả “tất cả mọi sự”. Khi nghe những điều ấy, ngàiAjahn Chah có vẻ càng lúc càng ngờ vực. Ngài khuyến khích chúng tôi từ tốn hơn, cô đọng hơn, và xem xét thật cẩn thận những khoảnh khắc khi chúng tôi thực sự cảm thấy đau khổ. Thay vì vội vàng buông xả, ngài nhắc nhở chúng tôi phải đối mặt trực tiếp với đau khổ và nghiệm kỹ xem có phải điều đó có nguyên nhân là những hình thức tham ái và bám chấp hay là vì thiếu những thứ mà đáng ra phải có. Ngài cho rằng việc buông xả thực sự phải học được từ việc thấy rõ cái giá mà chúng ta phải trả trong việc bám giữ hay chống đối và từ niềm vui mà chúng ta được hưởng khi chúng ta đã được giải thoát khỏi gánh nặng của việc bám chấp.

Việc chú ý đến những kinh nghiệm của chính mình về đau khổ, thay vì quan tâm đến những ý tưởng mang tính khái niệm của việc buông xả, cho chúng ta cơ hội thấy rõ lợi ích của Tứ diệu đế trước những thử thách gắt gao trong cuộc sống của chính mình. Sự chuyển hóa đau khổ đến từ nhận thức sẽ có năng lực mạnh mẽ nhất khi sự chuyển hóa đó là thiết thân với kinh nghiệm trong cuộc sống của chính chúng ta. Hãy truy vấn, đặt câu hỏi và kiểm chứng những hiểu biết của mình về giáo pháp để sự hiểu biết đó được ghi khắc trong tâm khảm của mỗi người.

Tác Giả

Larry Rosenberg là người Nga gốc Do Thái di cư sang Hoa Kỳ, nghiên cứu về Tâm lý học Xã hội tại University of Chicago và đã từng là giáo sư tại Harvard. Không hài lòng về học thuật phương Tây, ông tìm hiểu đạo Phật, thực hành với các vị thiền sư Đại HànNhật Bản, rồi trở thành một học giả chuyên về Thiền Nhập tức Xuất tức niệm (Anapanasati). Ông là tác giả một số tác phẩm Phật giáo được ưa chuộng

Trích:  Three   Steps   to   Awakening:   A   Practice   for Bringing Mindfulness to Life, Larry Rosenberg, Shambala Sun Publications Inc. 2013
Theo: Be a Lamp Unto Yourself, Shambala Sun Magazine
(Văn Hóa Phật Giáo)



Bài đọc thêm:
Tự mình là ngọn đèn cho chính mình (Quảng Tánh)




Tạo bài viết
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…