ĐỆ TỬ CHÂN THẬT CỦA PHẬT
Nguyễn Xuân Chiến
1.- LỜI THƯA
Ngày nay, những bậc ưu thời mẫn thế và quan hoài đến vận mệnh nhân loại, đều thấy rằng, tất cả thế giới đang thừa hưởng thành quả tối ưu của nền công nghiệp vi tính và dĩ nhiên cũng bị nhận chìm trong khói bụi ghê rợn của nền văn minh tột bậc này, với những hiện trạng đang làm mai một những tinh hoa của nhân loại. Trong chiều hướng ấy, thảm họa đã đổ ập xuống những gì thuộc về tâm linh và có lẽ tâm linh là một cái gì dễ bị xói mòn và lãng quên trước nhất! Tâm linh? Tạm gọi là: Thiền học, Niệm Phật, phương pháp dưỡng sinh Ohsawa, Yoga, triết học Vedanta, Đạo học Ấn độ, Mật tông Tây tạng…
Mặc dù đã xuất hiện những trào lưu phục hồi tâm linh của một số người muốn vực dậy những tinh túy của con người, nhưng tất cả đều như tiếng nói cất lên giữa hoang mạc vô vọng và cô liêu. Nhưng, chúng ta là những người yêu thích Phật giáo và sùng bái những món quà cao quý, thiêng liêng do đức Phật ban tặng, thì chúng ta vẫn cực lực tìm tòi, tu tập và trao truyền cho nhau.
Đây là một bài sưu tầm tổng hợp trong các tác phẩm của ngài Suzuki, bậc “đã dẫn nhiều người đến cửa” và những tác giả Nhật lừng danh như Taitetsu Unno, (tác giả Sông Nước Sông Lửa), Hisao Inagaki (Đạo Viên Cửu Hùng), Sakurazawa Noiti tức Giáo sư Ohsawa (Anh Trạch Như Nhứt thượng nhơn),Kosho Otani, em họ của Hoàng đế Hirohito và cựu lãnh đạo Phật giáo Nhật Bản, đã hướng dẫn 10 triệu thành viên của Tịnh độ Chân tông từ năm 1927 đến năm 1977. Otani cũng từng giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Nhật Bản năm 1955, 1961 và 1969. Và ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo các tác giả đương đại khác.
2.- "TÔI LÀ MỘT TÍN ĐỒ CỦA TỊNH ĐỘ CHÂN TÔNG"
Trước khi thanh thản từ giã cuộc đời này, ngài Suzuki nói trước mặt các nhân chứng một câu nói đáng ghi nhận như sau:
- Tôi là một tín đồ của tịnh độ Chân tông!
Một câu nói ấy đã khiến làm ngạc nhiên không biết bao nhà nghiên cứu và rất nhiều người yêu mến đạo Thiền phải tỏ ra choáng váng, sững sờ. Quả vậy, một bậc trọn đời mình bôn ba khắp nơi để xây dựng nền tảng Thiền học trong lòng người Tây phương, và làm đủ mọi cách để sáng giá đạo Thiền, té ra trong giờ phút quan trọng nhất lại tuyên bố lạ lùng và kỳ dị như vậy! Nhưng đối với những người thấm đẫm sâu sắc những lời dạy trong sách vở của Suzuki suốt hành trình tu học của ngài thì đó là minh chứng cho kiến giải: Thiền là Người Cha và tịnh độ Chân tông là Người Mẹ - hay nói cách khác, đối với ngài Suzuki, thì đạo Thiền mà ngài đã nỗ lực trình bày qua cuộc đời và tác phẩm của mình, thật không thể tách riêng với niềm tin và kiến giải về Niệm Phật (còn gọi là Chân tông Tịnh độ)! Ai đã từng nghiền ngẫm bộ sách THIỀN LUẬN, sẽ thấy rằng, ngài Suzuki đã để ra Tập II để viết, so sánh, đối chiếu và bình giảng về Niệm Phật một cách rất tâm huyết! Chưa kể các tác phẩm khác.
Ngài Suzuki còn được biết đến với tên Suzuki Teitaro Daisetz, là một học giả lừng danh người Nhật, người đã góp công rất nhiều trong việc truyền bá Thiền tông sang Tây phương. Ông viết rất nhiều sách về thiền và nổi danh nhất có lẽ là bộ Thiền Luận (Essays in Zen-Buddhism), gồm ba quyển. Ngoài ra, ông còn viết những tác phẩm quan trọng như Nghiên cứu kinh Lăng-già (Studies in the Laṅkāvatāra-Sūtra), Thiền và phân tâm học (Zen-Buddhism and Psychoanalysis).
Ông chẳng phải là một Tì-kheo chính thức, chỉ là một Sa-di nhưng con đường đời kinh nghiệm, học thức uyên bác đã giúp ông trở thành một nhà thuyết giảng độc nhất vô nhị của Thiền Ấn Độ, Trung quốc, Nhật bản… cho thế giới hiện đại. Không ít người trong giới Thiền tại Nhật đã lắc đầu e ngại vì những lời giảng tỉ mỉ của ông mà người ta cho là quá liều lĩnh, táo bạo cho một tông phái đặc biệt đề cao đến việc "Bất lập văn tự", "Bất khả thuyết". Ngay chính ông cũng thú nhận rằng, việc làm này của mình là "một tội lỗi lớn" của cuộc đời. Dù sao đi nữa, Thiền học nhờ ông được lan tràn khắp năm châu, ngày càng được nhiều người chú trọng và người ta có thể cảm nhận được ảnh hưởng này của ông đến ngày nay.
Nhưng vì ảnh hưởng về Thiền quá rộng lớn, nên người ta bỏ qua một sự nghiệp quan trọng nhất của đời Ngài, đó là giới thiệu và truyền bá một phương thức tu tập của chính Ngài cũng như của phần đông dân chúng Nhật Bản, đó là Tịnh độ Chân tông, gọi là Niệm Phật, qua những tài liệu về Diệu Hảo Nhân, một người Phật tử chân chính theo cách nhìn Tịnh độ Chân tông.
3.- SUZUKI ĐÃ VIẾT NHỮNG TÁC PHẨM VỀ TỊNH ĐỘ CHÂN TÔNG:
Qua niên biểu và Văn Tịch Chí mà người ta soạn ra để đánh dấu những năm tháng nào mà ngài Suzuki đã làm công việc gì, chúng ta biết:
Từ năm 1906, khi mới 36 tuổi, ngài đã dịch tác phẩm Amitabha của Paul Carus, do nhà xuất bản Tokyo: Heigo-sha, 1906.
Sermons of a Buddhist Abbot (Những Bài Pháp thoại của Phương trượng) Bản dịch Anh ngữ tác phẩm của Shaku Sôyen. Chicago: the Open Court Publishing Co., 1906.
Năm 1910, Suzuki đã viết cuốn The Life of the Shonin Shinran (Cuộc đời của Thân Loan Thượng nhân) Cùng dịch với Gessho Sasaki. Tokyo: The Buddhist Text Translation Society, 1911.
Jôdo-kei shisô-ron (Luận về hệ tư tưởng Tịnh độ) Kyoto: Hozokan, 1942;Tokyo: Shunjusha, 1954, 1961.
Từ năm 1952 đến năm 1961, ngài Suzuki đã tập trung viết và xuất bản cuốn: Myôkônin (Diệu hảo nhân), Tokyo: Otani Shuppan-sha, 1948; Shunjusha, 1952, 1961.
- 36 tuổi. Soạn cuốn sách Amidabutsu (A-di-đà Phật).
- Dịch ra Anh văn cuốn Chân tông giáo nghĩa (Shinshù kyôgi) và những trước tác khác của Tịnh độ Chân tông (Jôdo Shinshù).
41 tuổi. Ấn hành luận án đầu tiên về Tịnh độ tông, cuốn Jiriki to tariki (Tự lực và Tha lực).
- 87 tuổi. Nghỉ hưu ở Đại học Columbia.
- 91 tuổi. Hoàn tất bản thảo dịch tác phẩm Kyogyoshinsho (Giáo Hành Tín Chứng), văn bản cốt tủy của Thân Loan, đặt nền móng cho Chân tông.
94 tuổi. Ngài Suzuki viết và cho ra mắt cuốn Shinran no sekai (Thế giới của Thân Loan) đồng thời cuốn Triệu Châu Ngữ lục.
- 95 tuổi. Từ trần tại bịnh viện St. Luke’s, Tokyo, lúc 5 giờ 05 ngày 12 tháng 7. Truy tặng danh hiệu Chánh tam vị.
- Góp nhặt tư tưởng Daisetz, Nên sống như thế nào, và Thi tuyển của Saichi (Thiển nguyên Tài thị, nhà thơ độc đáo của Chân tông). Cả hai cuốn sách này đều được xuất bản sau khi ông mất.
Mặc dù vô cùng bận rộn viết và soạn thuật các tác phẩm về Thiền, nhưng Suzuki vẫn không quên niềm tin mà bản thân đã gởi gắm ở Tịnh độ Chân tông và ngài vẫn muốn xây dựng một cái nhìn cao rộng và đúng đắn cho người Tây phương vốn không quen với những cách diễn giải chân lý siêu hình bằng trực giác như người Đông phương chúng ta.
4.- THẾ NÀO LÀ ĐỆ TỬ CHÂN THẬT CỦA PHẬT.
Như chúng ta đã biết, khi có người thắc mắc, thế nào là một người đệ tử chân thật của đức Phật, thì ta có rất nhiều câu trả lời.
Đạo Phật là đạo giải thoát nên ta có thể nói: Một người đệ tử chân thật của đức Phật là một người giải thoát. Giải thoát là đoạn tận tham sân si, cho nên một người đệ tử chân thật của đức Phật phải là người đang trên đường đoạn tận tham, sân, si. Nhưng, người tín đồ của Tịnh độ Chân tông thì có một cách diễn tả thú vị và rõ ràng hơn:
Theo giáo sư Taitetsu Unno trong cuốn “Sông Lửa Sông Nước” thì, Một người đệ tử chân thật của đức Phật là một người:
• Một thân và tâm mềm dẻo, nhu nhuyến khác với tư thế cứng cỏi và tâm không thể uốn nắn của một người kiêu mạn. (tức là “Một số chúng sanh dễ cứu độ”, từ ngữ trong kinh Pháp Hoa)
• Một thân và tâm tràn đầy an lạc, được ánh sáng của lòng bi chạm đến.
• Một người biểu lộ niềm vui ở trong Pháp và xứng đáng là một người đồng hành hoàn hảo của Phật.
• Một đệ tử biểu hiện sự sáng tỏ của trí huệ và sự tuyệt hảo những của đức hạnh, cái hiểu bao la và sâu thẳm, và những đức hạnh hùng vĩ.
• Một người biểu lộ lòng đại bi, có được lối vào cõi nước của chư Phật, thể hiện sự biết ơn với Phật bằng cách hướng dẫn những người khác vào con đường giác ngộ và đi lên mười địa của bồ tát.
• Một đệ tử được Phật ôm ấp, che chở, không bao giờ bị bỏ rơi và có huệ quán vào tánh vô sanh của tất cả sự vật.
• Một đệ tử được ca ngợi là “người tuyệt hảo nhất giữa con người, người diệu kỳ, tốt nhất trong những người tốt nhất, người hiếm hoi, người tốt đẹp nhất” và được Quán Thế Âm và Đại Thế Chí hộ trì, che chở.
• Một người thức tỉnh cao nhất, tương tự với Bồ tát Di Lặc, nhận sự thọ ký giác ngộ tối thượng, và đồng đẳng với Hoàng hậu Vi Đề Hy trong sự đạt đến hoan hỷ, thức tỉnh và tỏa sáng.
...
5.-ĐỆ TỬ CHÂN THẬT CỦA PHẬT ĐƯỢC GỌI LÀ MYOKONIN (DIỆU HẢO NHÂN)
Cũng theo Taitetsu Unno, thì: Những người thực hành niệm Phật kiểu mẫu – như Saichi, Kichibei, Ichitaro, Genza và những người khác – được gọi là myokonin. Từ ngữ này dịch ra nghĩa đen là một “người tốt đẹp hiếm hoi”. Nó phát sinh từ cách dịch Trung Hoa của chữ Sanskrit “pundarika”, hoa sen, tượng trưng sự giác ngộ. Trong thời tiền hiện đại, họ thường từ những giai cấp thấp của xã hội Nhật, với rất ít sự giáo dục trường lớp. Trong sưu tập tiêu chuẩn sớm nhất về những myokonin, được góp lại trong thế kỷ mười chín, có 64 người làm nghề nông, 28 người buôn bán trong khoảng 140 tiểu sử. Chẳng hạn, Genza là một nông dân, dù ông có vẻ sở hữu một số đất; Kichibei là một người bán rong; và Saichi vốn là một thợ mộc sau này thành thợ làm guốc.
Như hoa sen nở trong nước bùn, “người tốt đẹp hiếm hoi” nở trong xã hội rác rưởi, tràn đầy tham, sân, si. Hoa sen của giác ngộ sẽ không cắm rễ trên cao nguyên của sự trừu tượng, cũng không trong không khí hiếm hoi của những chốn ẩn cư nhập thất. Nó mọc trong đầm lầy của cuộc đời thường nhật, đầy tiếng trẻ con kêu réo, nợ nần chưa trả, hàng xóm ồn ào, những người ganh đua nhỏ nhặt và những người chủ phi lý. Myokonin vốn là người thường, đàn ông và đàn bà, họ lao động để sống, không có phương tiện để ẩn cư và không thể đọc những kinh văn khó khăn.
Tuy nhiên, là một con người như ai khác, họ tìm kiếm những câu trả lời cho “những câu hỏi về sống và chết”. Được hướng dẫn bởi những vị thầy vô danh cả tu sĩ lẫn cư sĩ, họ cảm kích và biết ơn Phật Pháp đã đánh thức họ với ý nghĩa của đời sống không thể lập lại này.
Nghi thức đọc vào lúc bắt đầu nghi lễ của một Phật tử là Tam Bảo – quy y Phật, Pháp và Tăng. Nó được mở đầu bằng câu sau :
Khó khăn thay được sanh làm người,
giờ đây chúng ta đang sống trọn vẹn bản chất người của mình.
Khó khăn thay được nghe lời dạy của Phật,
giờ đây chúng ta đang nghe những pháp âm vi diệu của đức Phật.
“Nhân thân nan đắc”
“Phật pháp nan văn”
Dòng thứ nhất có ít ý nghĩa cho đến khi chúng ta nhận thức hàm ý cốt yếu của dòng thứ hai. Khi chúng ta được thức tỉnh nhờ lời Phật dạy để thật sự trở thành người, chúng ta lần đầu tiên nhận ra chúng ta may mắn biết bao nhiêu khi có được cuộc đời này. Sanh làm người, chúng ta được ban cho cơ hội để giải thoát khỏi hữu hạn vô cùng của sanh tử. Myokonin, không kể địa vị trong đời sống, là thí dụ gương mẫu cho một người như vậy trong Phật giáo Chân tông.
Myokonin không là một loại đơn điệu. Một số thông tuệ và sâu xa trong sự ngu dốt của họ; những người khác thì dí dỏm và hài hước theo những cách tự xóa mình.
Một số khác thì năng nổ và hoạt động trong xã hội; những người khác trầm tư và ẩn dật. Một số thì phục tùng và thuận tòng, những người khác thì chỉ trích và nổi loạn. Họ biểu lộ những tiềm năng nghiệp báo tương ứng, từ chối mọi sao chép đơn điệu.
Sự kiện mỗi người là độc nhất và khác biệt phù hợp với quan điểm của Phật giáo Đại thừa vốn xác nhận những thực thể vô số. Một công án nổi tiếng của Thiền làm rõ điểm này: “Vạn pháp quy về Một; Một quy về đâu?” Cái Một dĩ nhiên quy về và xuất hiện trong vô số hiện tượng cá biệt chúng nở hoa trong cõi giới của sự thức tỉnh.
Con người tốt đẹp hiếm hoi không phải là giác ngộ hay thánh thiện theo nghĩa bình thường. Hơn nữa, ông ấy hay bà ấy chỉ đơn giản khẳng định lòng bi vô biên trong đó cái ta hữu hạn và nghiệp báo đạt được thức tỉnh hoàn toàn. Một người như thế nở hoa và phong nhiêu trong sự rỗng rang và tình thương do đại bi cung cấp. Đây chính là không gian vô biên cho một người sống vượt ngoài những hậu quả của nghiệp quá khứ và không bao giờ gieo trồng thêm những hạt giống của khổ đau tương lai.
Mẫu số chung của mọi myokonin, dù sự đa dạng và những khác biệt lớn lao của họ, là một cảm thức tạ ơn sâu thẳm.
Cảm tạ bao nhiêu!
Khi tôi nghĩ về nó, tất cả là do ân huệ của A Di Đà.
Ôi Saichi, điều ấy nghĩa là gì với ngươi?
Ồ, vâng, ân huệ của ngài là một sự kiện có thể nhìn thấy trước mắt,
Saichi này làm bằng ân sủng đó.
Áo quần tôi mặc,
Thức ăn tôi ăn,
Giày dép tôi mang,
Mọi sự khác chúng ta có trong cuộc đời này
được làm bởi lòng bi A Di Đà.
Kể cả chén đũa, rau đậu.
Kể cả tiệm mộc nơi tôi làm ra những đôi guốc gỗ.
Thực sự không có cái gì mà không làm bởi “Nam mô A Di Đà Phật”.
Tôi hạnh phúc biết bao nhiêu vì tất cả điều này!
Nhưng đây không phải là lòng mộ đạo theo nghĩa thông thường, và sự biết ơn không thể tạo tác ra được. Saichi phá hủy mọi ý niệm về biết ơn được giảng trong ngôn ngữ giáo điều hay ý thức hệ:
Biết ơn không phải là an tâm
Không có gì xảy ra là không có gì xảy ra.
Là biết ơn tức là một kẻ lừa đảo –
Đúng thế, đúng thế.
6.- NGÀI SUZUKI NÓI GÌ VỀ DIỆU HẢO NHÂN?
(Xin nhắc lại rằng, Kosho Otani, em họ của Hoàng đế Hirohito và cựu lãnh đạo Phật giáo Nhật Bản. Trong bài viết Tưởng nhớ D. T. Suzuki, được trích dẫn theo cuốn sách TUYỂN TẬP TƯỞNG NIỆM SUZUKI, Bản dịch: HẠNH VIÊN)
Ông KOSHO OTANI trong bài TƯỞNG NHỚ D. T. SUZUKI đã viết về Suzuki như sau:
Tôi còn một kỷ niệm cuối cùng nữa về Bác sĩ Suzuki. Mùa xuân năm ngoái, ông đã thuyết trình trong một giới nhỏ về kinh nghiệm tôn giáo của "Diệu hảo nhân" (myòkònin) trong Tịnh độ chân tông. Như thông lệ, ông đã đọc và bình luận các bài thơ của Saichi Asahara (Thiển Nguyên Tài Thị).
Asahara Saichi (Thiển Nguyên Tài Thị 1851 - 1933) khi còn thiếu niên đã hướng về Phật giáo. Sau 5 hay 6 năm, ông ta đã nghe rất nhiều buổi thuyết giảng về Phật pháp, nhưng sau khi suy nghĩ sâu sắc về khả năng giải thoát của bản thân, ông quyết định từ bỏ Phật giáo. 10 năm sau, sự khát vọng của ông đối với Phật giáo lại lần nữa xuất hiện, lúc đó ông đang làm thợ mộc trong ngành đóng thuyền. Saichi sau những giờ làm việc rảnh rỗi, không bao giờ bỏ qua bất cứ cơ hội nghe thuyết pháp. Để hoàn toàn hiểu rõ tha lực giáo, ông đã nỗ lực tìm kiếm và đến năm 50 tuổi, lòng tin đã thức tỉnh trong ông. Ông đã đổi nghề làm người thợ giày.
Sự hoan hỷ của Saichi đối với Đức Phật lúc nào cũng từ trong tâm tuôn chảy ra. Ông đã dùng thi ca để biểu đạt pháp hỷ của mình. Saichi tuy không biết tiếng Hoa, nhưng ông dùng tiếng Nhật viết những bài thơ trên những miếng gỗ bỏ và ban đêm viết vào vở. Trong rất nhiều bài thơ của ông, dưới đây dẫn chứng vài bài để cho chúng ta hiểu rõ cảm xúc của ông đối với lòng tin.
Nam mô A Di Đà Phật và Nam mô A Di Đà Phật,
Là một chứ không phải là hai.
Nam mô A Di Đà Phật là chính ta,
Và A Di Đà Phật là cha mẹ tôi.
***
Đó chính là nhất thể hóa
mà Đức Phật A Di Đà thể hiện,
Đối với sự đãi ngộ này,
tôi vô cùng hạnh phúc,
Nam mô A Di Đà Phật.
***
A ! Saichi, Tịnh độ Cực lạc của bạn ở đâu?
Tịnh độ của tôi chính là ở đây.
Thanh âm của bạn chính là Nam mô A Di Đà Phật,
Tôi vô cùng cảm kích,
***
Tôi, Saichi đã được danh hiệu của Ngài cứu độ
Bạn và tôi là một thể với Nam mô A Di Đà Phật
***
Danh hiệu Phật trong miệng tôi lúc nào cũng có thể tìm được,
Đây quả thật là một vị Phật tuyệt vời
Đây là cha mẹ tôi
A Di Đà kêu gọi tôi
Tôi, Saichi đã được trói buộc vào trong đó.
***
Lòng tin này thật là lòng tin kỳ diệu
Phật đã nghe được âm thanh của Phật
Ở đây không có chỗ cho Saichi tôi nhúng tay vào
Tôi vô vàn cảm kích ân huệ Đức Phật đối với tôi
Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật.
***
Đối với Saichi và những người có lòng tin chân thành, niệm Phật và lòng tin đã hòa nhập thành một thể. Niệm Phật không phải nỗ lực tu trì, mà là pháp hỷ tự nhiên tuôn trào từ lòng tin chân thành. Vì thế, Nam mô A Di Đà Phật có nghĩa là cảnh giới Đức Phật A Di Đà và tín giả hòa nhập thành một thể, vì “Nam mô”là lòng tin của tín đồ, mà “A Di Đà Phật” là sức cứu độ tuyệt đối vô ngại của Đức Phật.
7.- NHỮNG BÀI THƠ CỦA SAICHI, MỘT DIỆU HẢO NHÂN
Chắc chắn rằng, một MYOKONIN (DIỆU HẢO NHÂN) chẳng phải là thi sĩ và đời sống thực sự của hắn thì không bao giờ gắn bó với thơ văn, chữ nghĩa, nghệ thuật… bởi vì hắn sinh ra đâu phải để làm thơ hoặc làm một cái gì vớ vẩn như vậy! Hắn biết mình sinh ra để sống trong lòng đại bi của Phật, và niệmPhật, Nam mô A di đà Phật. Thế thôi.
Những gì mà người ta còn giữ lại là những đoạn văn rời rạc, viết theo lối nói gần gũi dễ nghe của người Nhật Bản thuộc tầng lớp ít học, tay làm hàm nhai. Tuy nhiên, có những lúc rỗi rãnh, cũng lấy tập vở giấy xấu ra viết cho vui. Nào ngờ rơi vào tay của một người đồng điệu trong hàng ngũ Chân tông, và cuối cùng là một bậc như ngài Suzuki. Dĩ nhiên, ngài Suzuki đã thích thú biên tập và nối kết thành văn bản, và công bố trên sách vở sau đây:
PHẦN A.-
KONO – MAMA (TA LÀ CÁI TA LÀ)
I
Tâm của Saichi giống như quả bầu trên mặt nước,
Lúc nào cũng bềnh bồng,
Gió thổi đi, nó tiếp tục trôi nổi
Đến cõi Tịnh độ của đức A di đà.
II
Khi tôi niệm “Nam mô A di đà Phật”
Tôi thấy những niệm tưởng và trở ngại của mình giống như tuyết mùa xuân,
Chúng tan chảy ngay khi rơi xuống mặt đất.
III
Không hiểu tại sao, không hiểu tại sao,
Đó là sự chống đỡ của tôi,
Không hiểu tại sao,
Đó là câu “Nam mô A di đà Phật”.
IV
A Di Đà là như vậy: “Hãy nhìn ta đây này!”
Nam mô và A Di Đà,
Làm thành câu “Nam mô A di đà Phật”
Ô đức Như Lai, đây là điều con viết,
An lạc làm sao!
V
Phật trí vượt qua tư tưởng,
Đưa tôi đến Tịnh độ!
“Nam mô A di đà Phật!
VI
Tôi hoàn toàn lãnh đạm!
Không niềm vui, không ân nghĩa,
Nhưng chẳng có gì đáng than van vì thiếu sự cảm kích.
VII
Chẳng làm gì cả, Chẳng làm gì cả, Chẳng làm gì cả,
Đức Như Lai dẫn tôi theo Ngài!
Tôi sung sướng!
VIII
Chẳng còn lại gì cho Saichi,
Ngoài một trái tim vui vẻ, chẳng còn lại gì cho hắn,
Hắn chẳng còn có thiện hay ác, tất cả đều bị lấy đi khỏi hắn,
Chẳng có gì cả, thật là thỏa mãn hoàn toàn!
Tất cả đều bị đem đi bởi câu “Nam mô A di đà Phật”!
Hắn hoàn toàn tự nhiên với chính mình,
Đó quả thật là “Nam mô A di đà Phật”!
IX
Ô Saichi
“Vâng, tôi đây”
Bạn lứa của ngươi đâu?
Bạn lứa của tôi là Phật A Di Đà,
Ngươi ở đâu?
Tôi ở trong A Di Đà
“Ô Saichi”
Vâng,
Tất cả bị lấy đi và chẳng còn lại gì, có nghĩa là gì?
Có nghĩa là tóm được tất cả!
Cảm kích làm sao!
“Nam mô A di đà Phật!”
X
Tất cả những dục vọng của tôi đều bị lấy đi,
Và toàn thể thế gian là câu:
“Nam mô A di đà Phật !”
XI
Saichi, tất cả đã bị tước khỏi ngươi,
Và ngươi được ban cho lời niệm Phật:
“Nam mô A di đà Phật!
XII
Không một phiền não nào trong 84.000 phiền não còn lại với tôi,
Tất cả đều bị tước đi bởi câu “Nam mô A di đà Phật!”
XIII
Toàn thể tâm tôi bị cầm tù,
Giờ đây dã được tước đi cùng với phiền não.
Tâm được gói gọn trong câu “Nam mô A di đà Phật!”
Xin cảm tạ câu “Nam mô A di đà Phật!”
XIV
Saichi chẳng có gì cả, đó là niềm vui
Ngoài đó ra không có gì cả
Cả thiện lẫn ác, tất cả đều bị tước đi
Chẳng còn lại gì,
Không có gì cả, đó chính là giải thoát, đó chính là bình tịnh.
Tất cả đều bị tước đi bởi câu “Nam mô A di đà Phật! ”
Đó quả thật là sự bình tịnh,
“Nam mô A di đà Phật!”
XV
Câu Nam mô A di đà Phật thì vô cùng tận,
Dù ta có tụng nó bao nhiêu lần đi nữa, nó vô cùng tận,
Trái tim của Saichi vô cùng tận,
Trái tim của đấng Từ phụ vô cùng tận,
Trái tim đấng Từ phụ và trái tim Saichi,
ki và ho, thuộc về một thân thể chính là Nam mô A di đà Phật,
Dù ta có tụng đọc câu này bao nhiêu lần đi nữa, nó vô cùng tận.
XVI
Khốn nạn làm sao!
Điều này tự nhiên phát sinh,
Tôi mang ơn đức Phật làm sao!
Điều này cũng một cách tự nhiên,
Ki và ho, cả hai là hành động của Từ phụ,
Tất cả phát sinh viên mãn.
XVII
Đức Như Lai của Saichi,
Ngài ở đâu?
Đức Phật Như Lai của Saichi chả là gì khác hơn sự hợp nhất của ki và ho,
Tôi cảm kích làm sao! “Nam mô A di đà Phật”
“Nam mô A di đà Phật, Nam mô A di đà Phật”
XVIII
Thật là một đức Phật!
Ngài mới là một vị Phật tốt!
Ngài theo tôi bất cứ nơi nào tôi đi,
Ngài nắm lấy trái tim tôi,
Tiếng nói cứu khổ gồm sáu âm,
Được nghe như là sự hợp nhất của ki và ho,
“Nam mô A di đà Phật!”
Tôi chẳng biết nói gì về câu này,
Lòng từ bi mới dịu dàng làm sao!
PHẦN B.-
GHI CHÚ VỀ “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT”
I
Qủa thật, tôi là một người sung sướng!
Tôi viếng Tịnh độ bao nhiêu lần tùy thích,
Tôi đến đó và tôi trở về
Tôi đến đó và tôi trở về
Tôi đến đó và tôi trở về,
“Nam mô A di đà Phật! Nam mô A di đà Phật!”
II
Tôi sung sướng làm sao!
“Nam mô A di đà Phật!”
Tôi là cõi Cực Lạc,
Tôi là đấng Từ phụ,
“Nam mô A di đà Phật! Nam mô A di đà Phật!”
III
Cõi Tịnh độ của Phật chiếu sáng rực rỡ,
Và đó là Tịnh độ của tôi,
“Nam mô A di đà Phật! Nam mô A di đà Phật!”
IV
Ô Saichi, đâu là Cực Lạc của ngươi?
Cực Lạc của ta ngay tại đây,
Đâu là biên giới?
Giữa thế gian này và cõi Cực Lạc?
Con mắt chính là biên giới!.
V
Khi con đảnh lễ lên ngài, hỡi đức Phật,
Đây là một vị Phật đảnh lễ một vị Phật khác.
Và chính ngài đã khiến con rõ được sự kiện này, hỡi đức Phật!
Saichi rất cảm kích ân huệ ấy!
VI
Ô Saichi, cái gì khiến ngươi làm việc?
Tôi làm vì “Nam mô A di đà Phật!”
“Nam mô A di đà Phật! Nam mô A di đà Phật!”
VII
Tôi thấy cảm kích làm sao!
Tất cả những gì tôi làm trên thế gian này
Công việc hàng ngày để sinh nhai của tôi,
Tất cả đều chuyển thành việc xây dựng Tịnh độ!
VIII
Tôi làm việc trên thế gian này cùng với tất cả chư Phật,
Tôi làm việc trên thế gian này cùng với tất cả chư Bồ-tát,
Tôi sống ở đây được sự che chở bởi đấng Từ phụ,
Tôi biết nhiều người đã đi con đường này trước tôi.
Tôi du hý trong câu Nam mô A di đà Phật.
Tôi sung sướng làm sao với ân huệ!
“Nam mô A di đà Phật!
IX
Tôi hoàn toàn lãnh đạm,
Không niềm vui, không cảm kích!
Nhưng chẳng có nỗi đau nào thay chỗ cho niềm cảm kích,
X
Ô Saichi, là nhà ngươi ấy,
Ngươi có mang ơn đức A Di Đà không?
Tôi chẳng có cảm giác đặc biệt gì,
Dù tôi có lắng nghe (những bài thuyết pháp) bao nhiêu lần,
Và chẳng có lý do gì cả!
XI
Ô Saichi, ta là kẻ may mắn nhất!
Tôi hoàn toàn thoát khỏi mọi thứ khổ não,
Không còn bị quấy rầy bởi bất cứ gì thuộc về thế gian này,
Tôi cũng chẳng buồn niệm “Nam mô A di đà Phật!”
Tôi được cứu vớt bởi lòng từ bi của ngài,
Hỡi đức A Di Đà!
Tôi mới hài lòng với ân huệ của ngài làm sao!
“Nam mô A di đà Phật!”
XII
Khi đi dọc theo con đường núi, tôi thích hút thuốc làm sao!
Tôi ngồi xuống bên đường một lát,
Tôi bình thản rút ống điếu ra và tâm trí không chút phiền não,
Nhưng giờ đây ta hãy về nhà, ta đi cũng khá lâu rồi,
Bây giờ ta hãy về nhà,
Những bước chân của tôi mới nhẹ nhàng làm sao
Khi chúng bước về nhà!
Đầu óc tôi chỉ nghĩ đến cuộc hành trình trở về xứ Phật A Di Đà,
“Nam mô A di đà Phật! Nam mô A di đà Phật!”
PHỤ CHÚ,
BÁCH KHOA TOÀN THƯ ĐÃ CHO BIẾT RẰNG:
Myokonin (妙 好人 myōkōnin) là những tín đồ tôn giáo nổi tiếng của phái Chân tông Tịnh độ của Phật giáo Nhật Bản.
Myōkōnin có nghĩa đen là "người kỳ diệu, xuất sắc, được sử dụng cho một tín đồ tôn sùng của Jōdo Shinshū, người sống một cuộc đời cống hiến hết mình cho A Di Đà, và những hành động và lời nói của họ, mặc dù chúng thường đi ngược lại ý nghĩa thông thường, măc dù mang tính cách nhân loại đích thực "[1].
Myōkōnin hầu như không được nghe đến ở phương Tây cho đến khi chúng được giới thiệu bởi D.T. Suzuki trong bài giảng và bài viết của ông về Tịnh độ Chân tông. Hầu hết myōkōnin để lại rất ít bài viết, nhưng trong trường hợp của Saichi, ông để lại một số lượng lớn các bài thơ thể hiện sự tôn sùng của ông về đức Phật A Di Đà.
Asahara Saichi (1850-1932)
Thư Viện Hoa Sen
Bài đọc thêm:
12/09/201012:00 SA
Tịnh Độ Chân Tông Và Ngài Thân Loan
12/09/201012:00 SA
Tìm Hiểu Giáo Nghĩa Của Tịnh Độ Chân Tông Nhật Bản
09/11/201012:00 SA
Sông Lửa, Sông Nước - Giới Thiệu Truyền Thống Phật Giáo Tịnh Độ Chân Tông Nhật Bản
16/12/201012:00 SA