Rong chơi cõi ngoài

01/04/20183:41 CH(Xem: 11562)
Rong chơi cõi ngoài
RONG CHƠI CÕI NGOÀI
Thích Nguyên Tịnh

Tiếng gọi

Ngồi trên chuyến bay về Huế để có mặt cho đám tang ông nội, tôi thấy Thầy cùng có mặt bên tôi rất rõ ràng. Gần mười hai giờ khuya hôm trước, lúc tôi và sư chú Trời Trong Sáng đang làm thị giả cho Thầy, Thầy thức dậythiền hành quanh trong thất Nhìn Xa. Tôi đến quỳ và xin phép Thầy được về Việt Nam sáng sớm hôm sau. Thầy lắng nghe rất chăm chú, ánh mắt đầy tình xót thương. Thầy gật đầu cho phép và đưa tay lên xoa đầu tôi, chạm vào má của tôi. Lòng tôi tràn đầy niềm biết ơn khi ý thức rằng trong cuộc đời mình đã may mắn được gặp Thầy. 

thich nhat hanh 1Trên chuyến bay hôm đó, có một khoảng thời gian tôi ngồi yên nhìn ra bên ngoài khung cửa sổ và bắt gặp hình ảnh của Thầy đang ngồi lặng yên nhìn từng dòng sông, từng ngọn đồi, từng thửa ruộng trong chuyến về Việt Nam gần đây nhất. Chín năm rồi Thầy mới trở về thăm đất nước. Chín ngày Thầy có mặt với quê hương. Một chuyến đi đầy tuệ giác và huyền thoại của Thầy. Mọi chuyện vẫn còn đó, như chưa bao giờ trở thành quá khứ.

Cánh diều đất Việt

Có những buổi trưa, sau giờ cơm của đại chúng tu viện Vườn Ươm, nếu ai để ý nhìn ra cổng thất Nhìn Xa thì sẽ thấy một bóng áo nâu chậm rãi đi tới, dừng lại, chắp tay và lạy xuống ba lạy thật cẩn trọng, thành kính hướng về Thầy. Sau ba cái lạy, bóng áo nâu đó lại nhẹ nhàng thiền hành trở về phòng dành cho khách tăng. Đó là một sư chú, từ Việt Nam qua xin ở lại tu viện một tháng để theo đại chúng học hỏi nếp sống mà Thầy đã hướng dẫn.

Anh em thị giả chúng tôi quán sát, cảm được lòng thành của sư chú nên xin phép Thầy để sư chú được lên hầu thăm Thầy. Một buổi trưa, chúng tôi mời sư chú lên thất. Sư chú đảnh lễ Thầy và xin được cúng dường Thầy một con diều giấy tự tay sư chú làm trong những ngày ở tu viện. Trên thân diều, sư chú vẽ chân dung của sư chú Phùng Xuân và đề bốn chữ thư pháp “Cánh diều đất Việt”. Thầy gật đầu nhận món quà dễ thương đó. Con diều đã được anh em chúng tôi treo lên bức tường gỗ trong thất.

Một hôm Thầy chỉ vào con diều nhiều lần, đó là lần rõ ràng nhất chúng tôi biết rằng Thầy quyết định đi Việt Nam.

Chúng tôi rất cảm động về món quà mà người xuất sĩ trẻ dâng lên cúng dường Thầy. Trước đó, sư chú chỉ gặp Thầy qua những trang sách, qua những bài pháp thoại, và chính những trang sách, những bài pháp thoại đó đã nuôi dưỡnggiữ gìn sự thực tập cho sư chú ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Sư chú quyết định đi tìm Thầy. Cuối cùng, sư chú đã gặp Thầy bằng xương bằng thịt. Trong lòng tăng thân, sư chú nói sư chú đã tìm thấy con đường, tìm thấy quê hương.

Nhìn sư chú, tôi cũng đồng thời nhìn thấy tôi lúc còn là một sư chú trẻ. Tôi, một người trẻ lớn lên trong chùa, ăn cơm chùa, đi học trường Phật học suốt mấy năm, thu gom được một số kiến thức, hấp thụ được một số kỹ năng sống, nhưng tôi cảm thấy rất trống vắng và nghèo nàn trong sự thực tập. Có khi tôi đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng và có nguy cơ ngã gục. Lúc đó, tôi được gặp nhiều tập sách của Thầy. Càng đọc, con đường càng mở ra. Càng đọc, tâm thức tôi càng sáng và có thể đưa những sự thực tập căn bản của Thầy dạy vào đời sống hàng ngày. Những ngôn ngữ đơn giản ấy và sự thực tập bước chân, hơi thở chánh niệm đã cứu tôi thoát ra khỏi tình trạng bế tắc. Tôi thường đi thiền ra ngọn đồi Kim Sơn, có khi nằm dài trong lòng hương hoa chổi hay hoa chiều để cho thân tâm được lắng dịu, để đất Mẹ đón nhận, ôm ấp và chuyển hóa những khó khăn trong tôi. Tôi hay gọi ngọn đồi với nhiều cây thông rất đẹp, với những cụm hoa chổi trắng nhỏ hay những cành hoa chiều như tuyết là đồi Trị Liệu. Lúc đó, trong lòng tôi đã chuẩn bị cho một chuyến trở về bên Thầy. Lúc đó, tôi biết, tôi cần phải trở về bên Thầy.

Chúng ta mất cả chỉ còn nhau

Ngày 29 tháng 8 năm 2017, chuyến bay từ Bangkok đưa Thầy về Đà Nẵng. Thầy nằm nghỉ ngơi trên máy bay cho đến khi thị giả thông báo là máy bay đã vào không phận Việt Nam và hạ độ cao. Thầy ra hiệu ngồi dậy, qua ngồi ghế và Thầy trò chúng tôi cùng nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Những dãy núi bạt ngàn trùng điệp, những dòng sông uốn quanh hai bên những ngọn đồi xanh, hoặc là những cánh đồng lúa được phân thành từng ô nhỏ. Lòng chúng tôi ai cũng bình lặng. Quê hương chúng tôi đây rồi. Quê hương chúng tôi là núi đồi tươi tốt, là biển rộng sông dài, là ruộng đồng trù phú trải dài như tấm y chở che dân tộc. Bao nhiêu thời đại đi qua, bao nhiêu nhiễu nhương phải đối diện, bao nhiêu chông gai thử thách giữa lòng đất Mẹ, chúng tôi vẫn cứ nguyện nhận nơi này làm quê hương.

Quê hương tôi là đây
Chỉ có dòng sông, hàng cau, bụi tre, vườn chuối
Mặt trái đất dù mang đầy cát bụi
Nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm Rằm.
(Chỗ đứng – thơ Thầy)

 thich nhat hanh 2

Thầy đã ngồi yên như vậy ngắm nhìn quê hương, thỉnh thoảng nhìn quanh các thị giả một vòng và ra hiệu cùng thưởng thức vẻ đẹp của đất trời với Thầy. Thầy trò tôi đã ngồi bên nhau như vậy, trong niềm hạnh phúc và những xúc động thâm sâu. Thầy về Việt Nam hẳn là một phép mầu. Máy bay đáp xuống đường băng, chúng tôi vẫn cứ ngồi quan sát Thầy. Đây không phải là một giấc mơ. Chuyện Thầy về thăm quê hương là một sự thật. Thầy là một món quà lớn mà hồn thiêng sông núi Đại Việt đã mang đến cho cuộc đời. Hôm nay, chúng tôi cảm nghe một cách thiết tha tiếng của hồn thiêng sông núi gọi Thầy trở về với quê cha đất tổ. Hơn năm mươi năm trước, Thầy đã mang thông điệp yêu thương lên đường đi khắp năm châu bốn biển để kêu gọi hòa bình, để kêu gọi chấm dứt cuộc chiến đệ huynh đã gây bao nhiêu thảm khốc trên mảnh đất hình chữ S. Hôm nay Thầy trở về, xứng đáng với hồn thiêng dân tộc. Thông điệp thương yêu, thông điệp tình huynh đệ và nghĩa đồng bào ấy, mười năm trước Thầy đã có lần đọc ngay giữa lòng đất Việt:

“… Chúng tôi hôm nay mới có cơ hội đến với nhau một cách chính thức, chắp tay nguyện cầu Tam Bảo, nhờ pháp lực gia trì thỉnh cầu tất cả liệt vị trở về đoàn tụ, cùng nhau cầu nguyện để giải trừ nghiệp cũ, mở ra một vận hội mới, nhìn nhận nhau, ôm lấy nhau, thương lấy nhau như đồng bào ruột thịt, không còn phân biệt Nam Bắc, gái trai, già trẻ, chủng tộc, tôn giáo, đảng phái và ý thức hệ. Tất cả chúng ta đều là đồng bào của nhau, gặp vận nước rủi ro, trên đường đấu tranh cho độc lập, cho tự do, bị dồn vào thế đối lập nhau, vì tự vệ mà phải chống đối nhau. Nhưng phước đức tổ tiên để lại vẫn còn, cho nên hôm nay tất cả chúng ta mới được về lại với nhau để nhìn nhận nhau như con một nhà, để cùng hứa với nhau là sẽ học cho thật thuộc bài học của đau thương trong quá khứ.

Chúng tôi và các con cháu nguyện sẽ lên đường tiếp tục chí hướng của liệt vị hương linh, chúng tôi nguyện mang quý vị trong trái tim để đi về hướng tình huynh đệ và nghĩa đồng bào và luôn luôn nhớ rằng bầu và bí đều có thể leo chung một giàn, gà cùng một mẹ không bao giờ đá nhau, và tuệ giác ấy của tổ tiên sẽ soi đường chỉ lối cho con cháu chúng ta bây giờ và mãi mãi.”

(Lời khấn nguyện trong Đại trai đàn chẩn tế Bình đẳng giải oan)

Mỗi bước chân là huyền thoại, mỗi bước chân là trị liệu

Máy bay chạm đất, Thầy đưa tay nắm lấy tay chúng tôi, trên khuôn mặt Thầy vẫn giữ một nụ cười bình thản. Thầy Đồng Trí ở lại trên máy bay với Thầy; tôi và những thị giả khác xuống trước để lắp chiếc xe lăn. Tôi bước lên lại máy bay, Thầy vẫn đang ngồi ở ghế nhìn ra khung cửa nhỏ. Đến bên Thầy, tôi thưa: “Thưa Thầy, Thầy trò mình cùng đi bộ xuống máy bay được không Thầy?” Thầy nhìn tôi bằng ánh mắt rất sáng, và gật đầu. Thầy đi rất thẳng, rất đẹp. Đứng ở cửa máy bay, Thầy đưa mắt nhìn xung quanh và đưa tay lên chào mọi người. Chúng tôi giúp Thầy xuống cầu thang máy bay. Đặt chân trên mặt đất, Thầy tiếp tục bước những bước chân đầu tiên giữa lòng quê hương. Thầy đi thật thản nhiên, vững chãian tịnh. Hình ảnh đó sẽ nuôi dưỡng tất cả mọi người dù người đó thuộc tầng lớp nào trong xã hội. Mỗi bước chân ấy đã đi vào huyền thoại. Mỗi bước chân ấy, với tôi, đã trị liệu rất nhiều thương tích trên quê hương Việt Nam. Và bước chân chánh niệm ấy, bây giờ đây đã in dấu trên khắp quê hương, trên khắp thế giới nơi biểu hiện của hàng trăm ngàn học trò xuất giatại gia của Thầy.

Tại sao Thầy cần phải về Việt Nam trong tình trạng sức khỏe như vậy? Câu hỏi đó đã xuất hiện ở nhiều nơi. Tôi càng thấy thương kính Thầy hơn khi nhớ lại những ngày chuẩn bị cho chuyến về Việt Nam. Thầy rất thích ngồi yên và nghe học trò của mình đọc lại bài thơ Xin cúi đầu đưa về, bài thơ Thầy đã làm trước lúc về lại Việt Nam của gần năm mươi lăm năm trước. Bài thơ của một người con trai khờ dại, tuy biết rằng những thương tích phải gánh chịu nơi chốn cũ vẫn chưa lành lặn nhưng vì tình thương, vì chí nguyện hàn gắn tình nghĩa huynh đệ đồng môn mà người con trai ấy vẫn trở về như một kẻ đầu hàng ngoan ngoãn. Dù có bị đối xử thế nào, người con trai ấy vẫn xác quyết một điều rằng: Không có gì quý hơn Tình Huynh Đệ.

… Đây hai bàn tay tôi
Xin trả về cho em
Kẻ thương yêu, mẹ dạy, không bao giờ tính toán
Cỏ mộ úa vàng, cũng như hoa hồng đương lứa
Thương yêu muôn đời vẫn hạt sương trong
Đây hai bàn tay tôi
Xin cúi đầu đưa về
Em nhìn xem: những vết thương ngày xưa vẫn chưa lành dấu máu
Mười ngón đơn sơ hồn em xin đậu
Như những giọt sương ngời đầu ngọn cỏ rung rinh
Đây hai bàn tay tôi
Một kiếp luân hồi không xóa nhòa thương tích
Nụ cười còn đây, tôi không bao giờ oán trách
Còn đây tâm hồn thơ dại ngày xưa…”
(Xin cúi đầu đưa về – thơ Thầy)

Thầy đã từ chối không ngồi xe cứu thương để về chỗ nghỉ ngơi. Thầy chỉ chiếc xe bên cạnh của một người cư sĩ đến đón Thầy tại sân bay. Chúng tôi đưa Thầy lên xe. Vừa ngồi vào ghế, thắt dây an toàn, Thầy đưa ngón trỏ lên miệng làm dấu, hình ảnh của sự im lặng hùng tráng, nhìn một lượt các anh em thị giả chúng tôi, và ra hiệu cho xe chạy về chỗ nghỉ. Sáng sớm hôm sau, ngồi uống trà nơi hành lang của một căn phòng nhìn ra bờ biển với vườn dừa yên ả, anh em thị giả chúng tôi phát hiện trên bầu trời có một đám mây ngũ sắc rất đẹp, rất sáng. Thầy cũng đã dậy từ sáng sớm, thiền hành quanh hành lang và thưởng thức trà cùng các học trò.

Những ngày ở Đà Nẵng, chúng tôi đã mời Hòa thượng Chí Mãn đến thăm Thầy. Hòa thượng là sư em của Thầy, đang bệnh và phải ngồi xe lăn. Hòa thượng Chí Mãn gặp Thầy như một người sư em gặp sư anh, đồng thời cũng như một người học trò gặp thầy, có rất nhiều hạnh phúc. Huynh đệ nắm tay nhau, có khi Thầy lắng nghe Hòa thượng nói vài câu chuyện vui, có khi tay trong tay với sự im lặng tuyệt đối, hình ảnh ấy thật đẹp trong lòng mỗi chúng tôi. Vài hôm sau, tôi nghe tin Hòa thượng viên tịch. Hòa thượng đã gặp được vị sư anh đáng kính của mình trước lúc mất, hẳn nụ cười an ổn sẽ chẳng bao giờ tắt trong tâm hồn Hòa thượng.

Rong chơi thật địa

Một buổi chiều Chủ nhật, ngày 03 tháng 9 năm 2017, Thầy quyết định về Huế ghé thăm chùa Tổ Từ Hiếu. Thầy là người tự sắp xếp tất cả lịch trình của chuyến đi. Chúng tôi, những thị giả của Thầy, hoàn toàn nương tựa vào tuệ giác của Thầy và làm theo tất cả những gì Thầy chỉ dạy. Thầy không mặc áo trànganh chị em thị giả chúng tôi đã thưa nhiều lần, kể cả lúc xe sắp đến chùa Tổ. Thầy chỉ mặc áo vạt hò. Thầy là con của chùa Tổ. Thầy không phải là khách vãng lai. Tôi hình dung ra hình ảnh Sư cố Chân Thật chống chiếc gậy tre dạo chơi vườn chùa trong chiếc áo vạt hò giản dị.

Gần hai mươi bốn giờ ở Tổ đình, Thầy đã dành gần như toàn bộ thời gian để thăm lại tất cả những nơi chốn kỷ niệm một thời hành điệu của sư chú Phùng Xuân. Thầy nghỉ ngơi rất ít. Thầy dạo quanh thất Lắng Nghe với cây vả sai trái, tiếng muôn trùng càng khiến cho không gian thêm khảng khoát và thanh vắng. Khuya hôm đó, Thầy cùng thị giả ra thăm thiền đường Trăng Rằm, nơi có chân dung của thiền sư Tánh Thiên Nhất Định, bậc cao tăng khai sơn Tổ đình. 

thich nhat hanh 3

Hơn tám giờ sáng ngày hôm sau, thứ Hai, ngày 04 tháng 9 năm 2017, ánh mặt trời thắp trong vắt trên các ngọn cây và thả từng vạt mỏng trên nền vườn chùa Tổ, Thầy đã có gần hai giờ đồng hồ dạo chơi quanh khuôn viên Tổ đình Từ Hiếu nơi đã gắn bó sâu sắc với những năm đầu tiên Thầy xuất gia học đạo

Đây, ngôi tháp cổ phủ rêu phong theo năm tháng, nơi bóng hình của Tổ khai sơn Tánh Thiên Nhất Định vẫn còn đó bài học hiếu đạo và công trình dựng tăng đã lưu xuất nhiều thế hệ xuất sĩ, nhiều bậc cao tăng tài đức.

Đây, con đường đất sỏi đi ngang Tàng Tháp, nơi những bức tường sạm màu ấy, sư chú Phùng Xuân ngày xưa đã cùng với các huynh đệ khác gom lá thông nướng nấm nướng măng.

Đây, trên con đường từ Tổ đình qua ni xá Diệu Trạm, hồ Sao Hôm cuối Hạ vẫn còn cho những đóa sen hồng tươi thắm. Nơi thư quán, Thầy đã dừng lại ngắm nhìn từng tác phẩm của mình trên kệ sách, thăm coi phòng ở của các sư cônơi sinh hoạt có được thoải mái không.

Đây, khu Lăng Viện nơi sư chú Phùng Xuân nhiều buổi trưa đã từng ra nằm đọc sách trên nền lá mát rượi. Hôm nay, Thầy đến thăm và dừng lại đọc rất nhiều tấm bia bằng chữ Hán trong Lăng Viện.

Đây, cổng tam quan cổ kính, gần hồ bán nguyệt, nơi đã không biết bao nhiêu buổi chiều sư chú Phùng Xuân ngồi nhổ cỏ và nghe tiếng tụng kinh công phu của chú Tâm Mãn từ Đại Hùng Bảo Điện vọng xuống. Trong khung cảnh mầu nhiệm ấy, sư chú Phùng Xuân lắng tai nghe cho đến khi bóng tối phủ đầy mà vẫn chưa chịu bước xuống hồ rửa tay. Được nuôi mình trong không khí thanh bình ấy, sư chú Phùng Xuân không thể nào không trở thành thi sĩ.

Đây, hồ bán nguyệt, nơi sư chú Phùng Xuân đã từng mang những trái mít non tươi xuống gọt vỏ để cho dì Tư hay chính sư chú sẽ nấu một nồi canh mít thơm ngon với lá lốt hoặc lá sân. Hôm nay, Thầy đã ngồi chơi rất lâu nơi những bậc cấp dẫn xuống hồ. Thầy thưởng thức trà, ngắm nhìn hồ nước, ngắm nhìn cổng tam quan, nghe quý thầy quý sư cô và những Phật tử cư sĩ hát thiền ca. Có lúc, Thầy dạy tất cả mọi người ngưng hát, cùng im lặng để có mặt nơi thực tại mầu nhiệm trong phút giây huyền thoại này, phút giây thầy trò hiện hữu nơi chốn Tổ linh thiêng.

Buổi chiều, Thầy cũng ra ngoài dạo chơi, thăm giếng nước xưa, thăm đồi thông cổ, thăm lại những cây bùi già đã cho rất nhiều trái ngon, ngon nhất xứ Huế. Từ nơi khoảng sân đất quen thuộc bên hông chánh điện, Thầy ra thăm tháp Bổn sư là Sư cố Thanh Quý Chân Thật. Thầy đã đi thiền quanh tháp một vòng, dừng lại đọc bài kệ bằng chữ Hán in nơi bức tường thành, thật chậm rãi và kính cẩn trước khi qua thăm tháp của Sư thúc Chí Mậu và về lại thất nghỉ ngơi. Nơi bốn trụ lớn trước tháp Sư thúc, lúc Thầy dừng lại thăm, có những con chim bồ câu bay đến đậu rất yên bình.

Mỗi nơi Thầy đi qua, chúng tôi cảm thấy Thầy đã tiếp xúc rất sâu sắc với năng lượng thương yêu, bình an và có mặt. Nghĩa tình, hiếu đạo, tha thứbao dung trọn vẹn nơi sự có mặt của Thầy. Mỗi nơi Thầy đi qua, Thầy để lại đó ánh mắt của sự tự do. Một người con xứng đáng về thăm chốn Tổ. Chỉ có vậy thôi.

Cũng ngay trong buổi chiều cùng ngày, sau khi dạo chơi một vòng quanh hồ bán nguyệt, Thầy quyết định rời Huế, lúc 15 giờ 40 phút. Hình ảnh Thầy ra hiệu thị giả dừng lại, Thầy hướng về cổng tam quan, xa xa là những nơi chốn ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm êm đềm trong cuộc đời sư chú Phùng Xuân, Thầy chắp tay, cúi đầu xá chào trước khi lên xe, đã in đậm trong lòng mỗi chúng tôi. Lúc ngồi trên xe, chúng tôi nghe tin nhiều vị xuất sĩ chuẩn bị lên thăm Thầy. Chúng tôi mỉm cười. Thầy đã dời chân cõi ngoài khi ánh tà dương vẫn thắp sáng núi rừng…

Mây trắng thong dong
Hiện hữu không kêu gọi tình thương
Hiện hữu không cần ai phải thương ai
Nhưng em phải là em
Là đóa hoa, là bình minh hát ca không đắn đo suy tính…
(Bướm bay vườn cải hoa vàng – thơ Thầy)

Trong lễ tang ông Nội tôi, có một đêm, tôi đã mời tất cả những người thân tập trung trước di ảnh Nội để tổ chức lễ tưởng niệm. Đó là cơ hội hiếm hoi giúp tất cả mọi người buông bỏ hết những công việc, những lo lắng để thật sự trở về, thật sự có mặt cho nhau. Sau lúc ngồi yên theo những lời thiền hướng dẫn, tôi đã mời Thầy có mặt và đọc cho cả gia đình nghe Bướm bay vườn cải hoa vàng, nhiều người đã khóc khi nghe bài thơ trong không khí im lặng được tuyệt đối tôn trọng đó, tôi nhận thấy đã có sự trị liệu và kết nối trong gia đình huyết thống của chúng tôi trải qua nhiều thế hệ. Chúng tôi có dịp chia sẻ cho nhau nghe những kỷ niệm vui về Nội. 

Tôi rất biết ơn Thầy đã cho tôi con đường. Con đường ấy đã giúp tôi trở về nhà, ngôi nhà tâm linh mà tận sâu thẳm tâm thức tôi luôn luôn khát khao được gặp dù có trải qua vạn nẻo luân hồi. Con đường ấy đã giúp tôi có truyền thông với gia đình huyết thống và nuôi dưỡng nhau trong sự thiện lành. Về với Thầy, tôi biết rằng tôi cũng đã về lại được với ngôi nhà thân thiết đó, ngôi nhà đích thực ngàn xưa. Những bước chân, những hơi thở của Thầy giúp cho tôi tiếp xúc và trân quý được hiện hữu.  Hôm nay đây, tôi muốn thưa với Thầy rằng: Con đã tìm thấy đường về nhà. Con đã về nhà.
Thích Nguyên Tịnh
(Trích: Lá Thư Làng Mai số 41 năm 2018)







Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 21206)
12/10/2016(Xem: 19154)
26/01/2020(Xem: 11779)
12/04/2018(Xem: 20000)
06/01/2020(Xem: 10870)
24/08/2018(Xem: 9383)
12/01/2023(Xem: 3801)
28/09/2016(Xem: 25051)
27/01/2015(Xem: 26113)
11/04/2023(Xem: 3052)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :