BẮC TÔNG LÀ TỊNH ĐỘ?
Thích Trung Hữu
Có một lần tôi bảo đứa sư cháu trong chùa rằng hãy tập ngồi thiền. Cháu, người đang học Trung Cấp Phật Học, liền trả lời một cách thật thà rằng, Bắc Tông tu tịnh độ, Nam Tông mới ngồi thiền. Trong lúc chuyện trò với nhiều vị thầy và phật tử, tôi cũng thấy rằng, quan niệm chung của họ là các chùa Bắc Tông, đều là chùa Tịnh Độ, để mà phân biệt với những chùa Nam Tông và những thiền viện thuộc phái Thiền Trúc Lâm của Hòa Thượng Thanh Từ. Một số người còn “ngoan đạo” đến mức cho rằng Tịnh Độ là truyền thống của Bắc Tông, Tổ mình đã vậy từ bao nhiêu thế hệ, gần đây như Hòa thượng Thích Hành Trụ, HT. Thích Thiện Hoa, HT. Thích Thiện Hòa... Thì mình phải theo. Nếu tu thiền thì là thay đổi truyền thống, là đua đòi, bắt chước, chạy theo thời thượng...
Trên cơ sở tự do tín ngưỡng, tôi không có ý phân biệt pháp môn nào. Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật cũng dạy rằng, giáo pháp của Phật như mật trong chén, dù ở giữa chén hay ở xung quanh chén đều đồng một vị ngọt như nhau. Pháp môn Phật có tám muôn bốn ngàn, nếu chịu tu thì pháp nào cũng đưa đến giải thoát như nhau. Cho nên không có pháp môn nào là cao hay thấp, vi diệu hay bình thường. Tu theo pháp nào là cái duyên của mỗi người. Nhưng vì do có một số người hiểu phiến diện như trên, cho nên tôi xin có đôi lời chia sẻ, gọi là “Kiến hòa đồng giải” vậy.
Để cho dễ hiểu, tôi xin đi hơn xa về nguồn cội một chút. Thật ra, sự bắt đầu của Đạo Phật là Thiền. Một số người không thích Thiền xin đừng sốt ruột khi nghe kẻ hèn này khẳng định như vậy, mà hãy tĩnh tâm từ từ theo dõi. Vâng, sự bắt đầu của Phật giáo là Thiền, Đức Phật do tu thiền mà chứng đạo. Điều này trong kinh nói rất rõ, rằng ngài tu khổ hạnh bao năm không đem lại kết quả như mong muốn, sau đó Ngài đến cội cây Bồ Đề ngồi thiền 49 ngày thì giác ngộ, Ngài tuyên bố đã thoát khỏi lưới ma, thoát khỏi sự ràng buộc của sinh tử, và đây là kiếp sống cuối của Ngài. Suốt những năm còn lại của cuộc đời, Đức Phật đem cái đã chứng ngộ dạy cho người khác. Cho nên có thể nói rằng, thời đức Phật chưa có cái gọi là Tịnh Độ Di Đà.
Trong các kinh A Hàm Đức Phật cũng có dạy pháp môn Niệm Phật, nhưng không phải là niệm Phật để vãng sinh qua cõi Tây Phương của Đức Phật A Di Đà như ngày nay ta thấy. Thời ấy niệm Phật là niệm công đức của Phật Thích Ca Mâu Ni để trừ các loạn tưởng, đạt đến Niết Bàn. Như trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, Ngài dạy: “Nếu có Tỳ kheo nào chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, chuyên tinh Niệm Phật, không có niệm tưởng nào khác. Quán hình của Như Lai, mắt không hề rời. Trong khi mắt không rời, niệm tưởng công đức Như Lai” (Đại chính 2, tr.554). Có câu chuyện kể về hoàng hậu Vi Đề Hi. Rằng trong khi Bà bị Thái tử A Xà Thế nhốt trong ngục, Đức Thế Tôn đến và phóng hào quang sáng chói hiện ra tất cả thế giới trong mười phương để cho hoàng hậu chọn, và Bà đã chọn cõi Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà, nhân đó Đức Phật dạy cho bà pháp môn Tịnh Độ là chuyên niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà để cầu vãng sanh theo chí nguyện. Câu chuyện này không có trong các kinh A hàm mà là trong kinh Niệm Phật Ba La Mật, một trong những kinh Tịnh Độ sau này. Trong bài Tịnh Độ tông và pháp môn niệm Phật trong giáo pháp của Phật tổ của tác giả Tâm Tịnh cũng có đoạn như sau: “Kinh Bát Chu Tam Muội, Đại Vô Lượng Thọ Kinh góp phần hình thành tư tưởng Di Đà Tịnh Độ vào thời kỳ sơ khai. Tuy nhiên, mãi đến thế kỷ thứ tư, pháp môn Niệm A DI ĐÀ Phật mới hình thành ở Trung Hoa bằng sự ra đời của Huệ Viễn Đại sư, Sơ Tổ Tịnh độ là một Cao tăng Trung Quốc đời nhà Tấn(334 -414).”[i] Qua đó ta thấy tín ngưỡng Di Đà là sự phát triển của Phật giáo Đại Thừa về sau này. Trong các kinh A Hàm, chỉ có một vị Phật được đề cập, đó là Phật Di Lặc với thọ ký là vị Phật tương lai mà thôi.
Chúng ta cũng nên nhớ rằng, Phật Giáo Bắc Tông hay còn gọi là Phật Giáo Đại Thừa không phải chỉ có một tông phái Tịnh Độ, mà có đến 10, gọi là 10 tông phái đại thừa, đó là:
1. Niết Bàn tông;
2. Địa Luận tông;
3. Nhiếp Luận tông.
4. Thiền tông.
5. Luật tông
6. Thiên Thai tông;
7. Pháp tướng tông (Duy Thức Tông)
8. Hoa Nghiêm tông;
9. Tịnh Độ tông;
10. Mật tông.
Như vậy, ta thấy Tịnh độ tông chỉ là một tông phái trong nhiều tông phái khác của cái gọi là Phật giáo Đại thừa/Bắc tông. Có nghĩa là người hành giả Bắc tông vẫn có thể tu theo những pháp môn khác như Thiền tông, Mật tông... Cho nên không thể đồng nhất Chùa Bắc tông là Chùa Tịnh độ hay người tu theo Bắc Tông nhất thiết phải là niệm Phật. Chùa Bắc tông cũng có thể là chùa Thiền, chùa Mật, chùa Luật... và tăng ni tại chùa Bắc tông cũng có thể niệm Phật hoặc ngồi thiền hoặc trì chú...
Chúng ta cũng cần tránh một lối suy nghĩ nữa rằng, thiền Việt Nam là thiền của Hòa thượng Thanh Từ, cho nên tu thiền là bắt chước Hòa Thượng. Thật ra, Thiền của Thiền Phái Trúc Lâm của Hòa Thượng Thanh Từ là Thiền gì? Có phải thuộc 10 tông phái Đại thừa không? Có phải là Thiền của Phật Thích Ca không? Hay là cái gì khác? Ai cũng biết rằng Hòa Thượng Thanh Từ sáng lập Thiền Phái Trúc Lâm, một phần là để phục hưng và phát huy truyền thống Phật giáo dân tộc Việt Nam, rằng Phật giáo Việt Nam cũng không kém gì Phật giáo Trung Hoa, các Tổ Việt Nam cũng có nhiều vị chứng đạo chứ không riêng gì các Tổ Trung Hoa. Đây là niềm tự hào dân tộc, rất đáng trân trọng. Tuy nhiên phải khẳng định một sự thật rằng, không có pháp môn nào đi ra ngoài đường lối của Đức Phật của chúng ta cả. Kỷ thuật có thể có khác chút ít, nhưng mục đích vẫn quy về nhất tâm mà thôi. Xét trên mọi phương diện, đâu có thiền nào ra ngoài thiền Tứ Niệm xứ (Thiền quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp) mà đức Phật đã dạy từ xa xưa. Thiền Việt Nam không phải là độc quyền của Hòa Thượng Thanh Từ. Chỉ có điều trong thời đại ngày nay, tín đồ Phật giáo đa số tu theo tịnh độ, duy Hòa Thượng Thanh Từ phát khởi Thiền tông nên người ta mới đồng nhất, nói đến Thiền là nói đến Thiền phái Trúc Lâm của Hòa Thượng. Đây là cực kỳ phiến diện. Đến đây chúng ta có thể thấy rằng chúng ta tu thiền là tu theo Đức Phật, không phải tu theo một cá nhân nào vậy.Bây giờ tôi xin nói qua Tịnh Độ. Như đã nói, một số vị cố chấp rằng, tu tịnh độ là theo truyền thống của thầy tổ, hoặc thầy tổ của thầy tổ mình... Nhưng thử hỏi cái gì gọi là truyền thống? Có một vị tăng hỏi thiền sư Bankei rằng: Những bậc thầy ngày trước như Engo và Daie sử dụng công án để dạy môn đệ. Tại sao Ngài không dùng công an? Bankei trả lời rằng: Còn những thiền sư trước cả Daie và Engo thì sao, họ có dùng công an không? Lại hỏi: Đức Sơn có gậy, Lâm Tế có tiếng hét, tất cả các bậc thầy ngày xưa đều sử dụng gậy và tiếng hét, tại sao ngài không sử dụng gì cả? Sư nói: Đức Sơn và Lâm tế biết cách sử dụng gậy và tiếng hét, còn tôi thì biết cách sử dụng ba tất lưỡi.[ii] Như vậy đâu có cái gì gọi là truyền thống. Còn nếu nói truyền thống thì phải kể từ thời Đức Phật kìa. Mà thời Đức Phật thì như đã nói, chỉ có truyền thống thiền chứ chưa có khái niệm Di Đà Tịnh Độ.Hơn nữa, thiệt tình mà nói, các chùa bây giờ nói rằng tu theo Tịnh Độ, nhưng có thật sự đúng với tinh thần của Tịnh Độ Tông chưa? Tịnh Độ Tông chủ trương vãng sinh bằng cách quán tưởng cỏi Tây Phương và Niệm danh hiệu Phật A Di Đà cho đến mức nhất tâm bất loạn. Nhưng tôi lại thấy rằng, đa số các chùa bây giờ, thời gian bỏ ra cho việc quán tưởng và niệm Phật lại quá ít so với thời gian bỏ ra cho việc cúng kiến, đám xá, họp hội, xây dựng, và thậm chí buôn bán. Và thử hỏi trong số đó có ai thật sự có phát nguyện vãng sinh. Như vậy thì sao lại nói rằng mình tu theo Tịnh Độ? Ngày này qua ngày nọ, mình cứ chạy theo những cái gọi là “Phật sự” bên ngoài như thế, thì lấy gì để làm nền tảng tâm linh.Tôi biết rằng, nói ra những điều này thật không dễ dàng chút nào. Nhưng tôi cũng biết rằng, ngoài những người thích làm những “phật sự” bên ngoài, cũng có những người thực sự khao khát con đường tâm linh, chứng nghiệm tâm linh. Và những khao khát như thế là chính đáng, vì suy cho cùng, mục đích của đi tu là giác ngộ và giải thoát kia mà! Họ muốn nhưng họ không làm được, vì tìm đâu ra một môi trường thích hợp cho việc trao dồi tâm linh như thế trong các chùa hiện nay. Chùa đám xá càng nhiều, khách thập phương tham quan càng nhiều thì được coi là chùa hưng thịnh. Và chùa, thay vì là chổ người ta tu tâm dưỡng tánh thì lại trở thành khu du lịch lúc nào không hay. Ở một số chùa, tăng chúng, nhất là ni chúng phải nấu nướng, bưng bê đãy ăn cho phật tử, cho thập phương bá tánh suốt ngày. Đâu rồi những chốn thanh u tịch nhã của chốn thiền môn, đâu rồi những cảnh giải thoát như thế này:
Thỏ thẻ rừng Mai chim cúng trái
Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
(Chu Mạnh Trinh, Hương Sơn Phong Cảnh).
Có một giảng sư đã giảng rằng, người tu hành ngày nay không thể giác ngộ. Vị nào sống mô phạm, đạo đức là đáng quý rồi. Đành rằng trong hàng tăng ni ngày nay có những vị không mô phạm, đạo đức, nhưng cho rằng tu hành ngày nay không thể giác ngộ, không có người giác ngộ là không thỏa đáng. Nếu yêu cầu mô phạm, đạo đức thì Nho giáo, những người bình thường cũng làm được, cần gì phải là người xuất gia. Nếu chặn con đường giác ngộ giải thoát lại thì đạo Phật không còn là đạo Phật nữa rồi.Thiền là con đường độc nhất mà đức Phật đã dạy để đưa đến nhận thức tự thân và nhận thức thế giới. Khi thiền, tâm hồn ta yên tịnh, an lạc. Nhờ an lạc và yên tịnh mà ta nhận thức được những vô minh, phiền não còn tồn động và đang khởi lên trên biển tâm thức mình, từ đó chuyển hóa chúng dần dần, dần dần cho đến hết. Đành rằng, trong tụng niệm cũng có thiền, nhưng tụng kinh chủ yếu là trừ tai, cầu phước, còn niệm Phật là để vãng sanh hoặc cầu Phật gia bị. Khi tụng niệm người ta cũng có thể đạt được nhất tâm, nhưng không thể tự nhận thức mình để có thể thể chuyển hóa phiền não.
Không phải ngẩu nhiên mà chùa Phật được gọi là Thiền môn. Vì Thiền là phát minh vĩ đại của đức Phật, là gia tài mà Ngài đã để lại cho chúng ta, cũng là đóng góp to lớn của Phật giáo đối với nhân loại. Thiền là hạnh phúc an lạc tối cao mà người con Phật có quyền hưởng thụ. Vậy nên, tôi tha thiết kêu gọi các vị trụ trì các tự viện, ngoài những “phật sự” bắt buộc phải làm, cần nên tạo điều kiện cho Chúng có cơ hội ngồi thiền, ít nhất một lần mỗi ngày. Có như thế mới không uổng phí cái chí nguyện của người xuất gia vậy. Mong thay!
Thích Trung Hữu
Thư Viện Hoa Sen