Chim thuyết pháp

09/09/20183:37 SA(Xem: 5827)
Chim thuyết pháp


 CHIM THUYẾT PHÁP
Huệ Trân

 

          Đất lành, chim đậu.

          Đất vườn sau nhà tôi chẳng biết có lành không nhưng rất nhiều chim thăm viếng. Từ giống Hummingbird nhỏ xíu, giống Sẻ hiền lành, tới Oanh, Yến và cả những con Cu Đất lông đen mượt, lớn hơn những loài kia nhưng lại nhát như cáy!

          Không biết ở những nơi khác chúng có đánh nhau hay không, nhưng khi đến vườn sau nhà tôi thì tuy khác giống, chúng đều có vẻ rất “biết điều”. Con nào hót cứ hót, con nào đậu bên cạnh rỉa lông cứ rỉa lông. Con đang hót không bất mãnTôi hót hay như thế, anh không biết thưởng thức mà đứng rỉa lông hả?”  Ngược lại, con đang rỉa lông cũng không phiền “Tôi đang bận rộn chải đầu rũ áo, anh đi chỗ khác hát hò được không?

          Khi tôi rải cơm nguội trên bờ tường thì đám Sẻ bao giờ cũng xà xuống trước nhất. Chúng rất lịch sự, con tới trước ăn trước, con tới sau ăn sau, kiên nhẫn xếp hàng như người Mỹ vậy. Oanh và Yến thì chê cơm, chờ tôi rắc hột ở vườn rau, bên hông hồ sen. Chỉ có đám Cu Đất là ăn tạp, bánh trái gì còn dư tôi thảy ra bãi cỏ hay trên mái nhà là chúng gọi nhau thanh toán ngay.

          Đất nơi đây không chỉ lành với chim mà có lẽ lành cả với tôi vì từ khi lưu lạc xứ người, luôn luôn nay dọn, mai dời, thì căn nhà này là nơi tôi “đậu” lâu nhất, gần hai mươi năm rồi.

          Cứ cho như thế là lành đi!

          Vì “đậu” lâu nên có những hàng cây trồng từ hột, vừa nhú mầm lên khỏi mặt đất, chúng đã nhìn thấy tôi. Chúng tôi thấy nhau, tưởng như tình cờ (nhưng vạn hữu mầu nhiệm này làm gì có tình cờ, phải từ những duyên ngầm mới thấy được bằng mắt ưa phân biệt, bằng tâm ưa lý luận).

Không chỉ những hàng cây mà những bờ cỏ, những viên sỏi, những ụ đất ...... Tôi biết chúng và chúng biết tôi rất rõ, có khi biết hơn cả những người tưởng là thân yêu, ruột thịt!

Nghe có vẻ hơi cay đắng nhưng bình tâm một chút thì thấy sự thật này rất khách quan. Vì sao ư? Vì giữa tôi và chim muông, cây cỏ có đòi hỏi gì nhau đâu! Nghĩ đến nhau thì tử tế với nhau, không thì cũng chẳng ai trách ai! Vì không đòi hỏi nhau, ta mới có nhau một cách nhẹ nhàng hơn, dễ chịu hơn, thân thiện hơn.

          Thế giới của chúng tôi ở nơi “đất lành” này, vì thế mà tương đối êm đềm.

          Nơi đây, tôi thích mùa hè hơn mùa đông vì nắng ấm tôi có thể thơ thẩn ngoài vườn nhiều hơn trong nhà. Thường thì buổi sáng, rải thức ăn cho chim và rắc bỏng cho cá xong, tôi đãi mình một ly cà phê hoặc trà xanh; rồi ôm một, trong những cuốn sách đang đọc dở, ra ghế xích đu dưới gốc bưởi ngồi đọc.

          Thế là đủ thấy Thiên Thai, cần gì phải “lạc lối” mới tới được Thiên Thai như hai ông Lưu Nguyễn lơ mơ nào đó!

          Cũng từ những sinh hoạt thầm lặng với vạn hữu nơi đất lành này mà thỉnh thoảng tôi may mắn bắt gặp những “tia chớp cảm xúc”. Tôi gọi là những tia chớp, vì cảm xúc khi có, đều tới rất mạnh và qua rất nhanh. Sau đó, tôi thường ngồi thừ ra, chảy nước mắt vì cảm động. Chẳng hạn như, trong Kinh A Di Đà, tôi đã tụng ngàn lần câu:

“ Phục thứ Xá Lợi Phất! Bỉ quốc thường hữu chủng chủng kỳ diệu, tạp sắc chi điểu: Bạch-hạc, Khổng-tước, Anh-võ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cộng-mạng chi điểu, thị chư chúng điểu, trú dạ lục thời, xuất hòa nhã âm, kỳ âm diễn xướng: ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần, như thị đẳng pháp, kỳ độ chúng sanh, văn thị âm dĩ giai tất niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”

Vì tụng nhiều lần, tôi đã thuộc lòng. Chính sự thuộc lòng này là con dao hai lưỡi; nghĩa là thuộc, nên miệng nhanh nhẹn đọc lên mà tâm chưa đọc kịp! Nếu tôi sớm đọc được trọn vẹn bằng tâm thì ngay đoạn kinh này cũng đã quá đủ để kẻ vô minh như tôi nhận ra là tôi đang được sống trong cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà. Ngay nơi đây, ngay nơi “đất lành chim đậu” này chứ có phải phương Đông, Tây, Nam, Bắc nào đâu!

          Sau khi làm lễ cầu siêu tuần thứ tư cho Mẹ, từ chùa về, tôi ra vườn ngồi.

Không đọc sách,
Không uống trà.
Chỉ ngồi im như pho tượng.
Trong im lắng cả thân và tâm ấy, tôi nghe thấy tiếng chim.

Tiếng chim ư? Chắc chắn là thế. Tôi đã từng nghe tiếng chúng gần hai mươi năm nay rồi mà. Chúng đang trên cành bưởi, cành trúc kia! Những chiếc mỏ nhỏ xíu đang ríu rít làm lay động lá trúc, làm ngạt ngào hương bưởi.

Hôm nay chúng hót rất dịu dàng, trầm bổng như một ban hợp xướng đang chăm chú theo một giòng nhạc nào. Rồi tiếng chúng bỗng nhỏ dần .... và ngưng. Không gian bỗng vút lên âm thanh trong trẻo và réo rắt của giòng nhạc khác.  

A! đó là cặp chim yến vừa ghé cánh trên khóm quỳnh lan. Chúng chờ đám sẻ im tiếng mới cất giọng hót, hay là tất cả đã cùng nhau tập dượt bản hợp xướng này? Bản hợp xướng này là gì mà có thể khiến người-thính-giả-tình-cờ cảm thấy như có giòng suối mật chảy lan trên từng tế bào? Ôi, thật là ngọt ngào! Thật là kỳ diệu! Thật là từ bi! Thật là ... bất khả tư nghì! Thính giả mơ màng nghe thấy đâu đây:

          “Này Xá Lợi Phất, ở nước Cực Lạc của Phật A Di Đà thường có những loài chim mầu sắc xinh đẹp như Hạc-trắng, Khổng-tước, Anh-võ,Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cộng-mạng. Những giống chim đó ngày đêm sáu thời, thường hót lên tiếng hót thanh tao, diễn xướng các pháp môn như Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần v...v... khiến người nghe được những âm thanh ấy đều khởi lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”.

          Đó là đoạn kinh mà tôi đã thuộc lòng bằng Hán văn, giờ phút này, tâm tôi lại đang khởi lên rõ ràng từng nét chữ Việt, như có ai vừa phiên dịch và trải ra trước mặt. Chẳng những thế, những giòng kinh không chỉ im lìm trên mặt phẳng của giấy mực mà tận cùng sâu thẳm tâm thức, tôi tưởng như mình đang nghe tiếng tụng kinh A Di Đà.

          Khu vườn vắng lặng.

          Chỉ có bầy chim quen thuộc và tôi, với lòng thương nhớ mẹ dạt dào, đứt đoạn … Lời kinh này từ đâu mà mỗi lúc mỗi rõ nét như vậy?

          Phút giây, tôi bỗng sửng sốt.

          Ồ, có phải Mẹ vừa sàng sẩy những ưu phiền, buồn bã trong con, để con nghe được tiếng CHIM THUYẾT PHÁP?

          Vẫn bầy chim nơi vườn sau.

          Vẫn những tiếng hót ấy

          Vẫn lá trúc lay.

Vẫn bông hoa nở.

Nhưng Mẹ ơi, bằng tâm không ô nhiễm, con như đang được ở đất Phật.

Chim đang thuyết Pháp.

Gió đang hòa nhạc.

Con chắc chắn đang được nghe chim thuyết Pháp vì chỉ những lời pháp diệu âm mới chan hòa ánh sáng, thức tỉnh con và cho con những lạc thọ vô biên này, khi lòng con đang quằn quại bi thương vì xa mẹ, xa mãi mãi, thiên thu, nghìn trùng …  

Mẹ đã từng dạy con “Nếu biết nhìn sâu sắc thì vạn hữu, muôn loài đều có ứng thânpháp thân. Ứng thân là thân hiện hữu nơi cõi ta-bà, nhin thấy được bằng mắt trần. Pháp thân là biểu hiện nhiệm mầu mà khi tâm đạt tới thể trong sáng nguyên thủy thì ta sẽ cảm nhận được. Sự cảm nhận này là kinh nghiệm của từng cá nhân, không ai diễn tả lại cho ai mà cảm được”

Ôi, Mẹ nói khó hiểu thế, con nghe rồi, và cũng tưởng đã quên rồi. Có ngờ đâu, lời Mẹ là những hạt bồ-đề gieo xuống ruộng-tâm-con đầy cỏ dại. Một lúc nào tỉnh ngộ, khai quang thì hạt lành ấy có cơ duyên nẩy mầm, phải không Mẹ?

Tôi thầm hứa với Mẹ là tôi sẽ cố gắng thanh tịnh thân tâm, nương lời Phật dạy, nhìn sự việc bằng sự tỉnh giác và sâu sắc hơn để sau bốn mươi chín ngày, Mẹ tôi có thể tạm yên tâm về đứa con vô minh, đã mạnh dạn tự thắp cho mình một ngọn đuốc, dù mới chỉ là ngọn đuốc nhỏ như đốm lửa. Tôi cũng xin Chư Phật, Chư Bồ Tát gia hộchứng minh cho lời hứa từ sơ tâm này.

Hỡi bầy chim thân yêu ngoài vườn sau, các bạn không cần phải mang những tên gọi đẹp đẽ như Bạch-hạc, Khổng-tước, Anh-vũ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già ..... nhưng tôi cũng đã nghe được các bạn thuyết pháp rồi.

Còn các bạn, có cảm nhận được sự biết ơn của tôi không?

Vạn hữu mênh mông, không gian vô tậnchúng ta có được sự giao cảm này - dù chỉ như lằn chớp – cũng đủ để trân quý là tặng phẩm bất khả tư nghì, là điều chúng ta đã từng được nghe lời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên thuyết trong Pháp-hội Liên-Trì:

“Xá Lợi Phất! Ngã kiến thị lợi, cố thuyết thử ngôn, nhược hữu chúng sanh văn thị thuyết giả, ưng đương phát nguyện, sanh bỉ quốc độ”.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Huệ Trân

(Như-Thị-Am, ngày không còn Mẹ!)





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 21197)
12/10/2016(Xem: 19140)
26/01/2020(Xem: 11761)
12/04/2018(Xem: 19971)
06/01/2020(Xem: 10846)
24/08/2018(Xem: 9364)
12/01/2023(Xem: 3768)
28/09/2016(Xem: 25034)
27/01/2015(Xem: 26082)
11/04/2023(Xem: 3032)
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.