Thăm Trung Tâm Thiền Làng Mai Ở Thái Lan

12/03/20234:01 SA(Xem: 6969)
Thăm Trung Tâm Thiền Làng Mai Ở Thái Lan
THĂM
TRUNG TÂM THIỀN LÀNG MAI
Ở THÁI LAN 

Tina Hà Giang

lang mai thai lan
Trung tâm tu học Làng Mai tại Thái Lan - Ảnh: Làng Mai Thái Lan

Thiền sư Thích Nhất Hạnh và các đệ tử đã mở rộng hoạt động ở Đông Nam Á qua trung tâm Làng Mai ở một vùng núi của Thái Lan. 

Trong chuyến thăm làng tháng 4/2018, Tina Hà Giang của BBC đã hỏi chuyện thầy Thích Chân Pháp Niệm về Trung tâm Quốc tế Làng Mai tại quận Pak Chong, tỉnh Nakhon Ratchasima. 

Đầu tiên, sư Pháp Niệm cho biết về quá trình hình thành trung tâm này và công tác học tu tập tại đây cho chừng 600 người, gồm không ít tăng ni ngoại quốc, Việt Kiều và người đến từ Việt Nam
 
Sư Pháp Niệm: Trung tâm thiền tập quốc tế Làng Mai Thái Lan được thành lập năm 2013, trước đó cũng đã có đất nhưng chưa xây dựng. Năm 2012 làng bắt đầu khởi công xây dựng, tới 2013 hoàn tất một vài cơ sở căn bản. Từ tháng 3/2013 tăng thân Làng Mai đã di chuyển tới đây từ chỗ ở tạm là hai khu nhà vườn của người Thái. 

 Một số các thầy, các sư cô Làng Mai đã có mặt ở đây từ 2009 và được hai cư sĩ người Thái ở gần đây cách đây khoảng 40km cho mình ở trong khu nhà vườn của họ. Một bên dành cho xuất sĩ nam, một bên dành cho xuất sĩ nữ. Và mình may mắn, nhờ người cư sĩ mua được mảnh đất này có cảm tình với làng, và họ nhượng để cho mình xây dựng khu vườn Làng Mai Thái Lan ở đây.
(Theo BBC tiếng Việt)

Xem tiếp:
Thăm Trung Tâm Thiền Làng Mai ở Thái Lan (PDF)

Xem thêm:

TRUNG TÂM LÀNG MAI QUỐC TẾ THÁI LAN 

Vườn Ươm Trời Phương Ngoại

Tu viện Làng Mai Quốc Tế Thái Lan đang bước vào tuổi lên ba, được Sư Ông thương, đặt nơi đây một Vườn Ươm có cốc tre Nhìn Xa và thiền đường mái lá Trời Phương Ngoại. Đây là nơi đang có hơn 160 quý thầy, quý sư cô chung sống tu học giữa hai xóm Trời Quang và Trăng Tỏ. Mỗi ngày ở đây, đại chúng đang được Sư Bá, quý sư cha, sư mẹ nuôi dưỡng, cùng quý sư anh, sư chị, sư em đang ươm mầm và nuôi lớn sự vững chãi. Nơi đây các sư em như những chồi non bồ đề nhỏ nhất, đông nhất và nhiều người trẻ nhất đang tiếp nhận nguồn năng lượng bình an từ Sư Ông để nuôi lớn hạt giống hiểu thương trong mình và hiến tặng hạnh phúc cho đời mỗi sớm mai. Cánh Đại Bàng đã cất cánh tung bay trên Bầu Trời Phương Ngoại. Làng Mai Quốc Tế Thái Lan là mạch chảy tiếp nối của tăng thân từ Việt Nam ra Châu Á và đi khắp nơi.

Năm 2007, trong chuyến hoằng pháp về Việt Nam, Sư Ông đã cùng 80 vị xuất sĩ đặt chân đến Thái Lan dự lễ VESAK thế giới. Sư Ông và tăng đoàn đã tiếp tục gieo xuống mảnh đất này những bước chân thảnh thơi, hơi thở chánh niệm nhiệm mầu. Hai năm sau, khi nhân duyên hội tụ đầy đủ, vào ngày 9.9.2009, sư cô Linh Nghiêm – người Thái Lan đang tu học từ Làng Mai Pháp Quốc – được Sư Ông và tăng thân cử về Thái Lan cùng với năm thầy và năm sư cô khác từ Việt Nam sang để xây dựng trung tâm tu học mới trước nhu cầu khao khát lớn của những cư sĩ Thái Lan muốn được thực tập pháp môn của Làng Mai ngay trên đất Thái, một đất nước có truyền thống Phật Giáo Theravada lâu đời. Mười vị xuất sĩ đầu tiên ấy là các thầy Pháp Toàn, Pháp Toại, Pháp Tánh, Pháp Anh, Pháp Xứ và các sư cô Hạnh Nghĩa, Tịnh Chánh, Dung Nghiêm, Cẩm Nghiêm và Đài Nghiêm.

Luộng Pi Niramisa

Sinh ra trong một gia đìnhtruyền thống Phật giáo tại Bangkok – Thái Lan, sư cô Linh Nghiêm lúc còn là em bé bảy tuổi, trong lễ đám tang của bà nội, lần đầu tiên được nhìn thấy hình ảnh của những nữ tu sĩ Phật giáo Trung Hoa (ở Thái Lan người nữ xuất gia rất hiếm), em bé ấy thấy lòng mình chấn động mạnh trước vẻ đẹp hiền từ trong sáng, được gieo vào lòng giọt thanh lương cam lộ. Lên 16 tuổi, cô bé đam mê về sách tâm lý học, triết họcmay mắn được tặng cuốn sách “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức” của Sư Ông. Nào ngờ cuốn sách ấy đã có công năng chỉ dẫn cô bé suốt con đường sống với lý tưởng của mình.

Tốt nghiệp ngành Y Tá, cô bắt đầu phụng sự cho người nghèo, người đói, người tha phương tỵ nạn, trẻ em Lào, Campuchia, Việt Nam. Bốn năm sau, cô sang Mỹ theo học thạc sĩ chuyên ngành giáo dục mầm non và tiếp tục phụng sự cho trẻ em trong bảy năm sau đó. Năm 1993, lần đầu tiên cô được gặp Sư Ông tại Đức và năm1994, cô đến được với Làng Mai. Ba năm sau, ngày 4.2.1998 thì cô chính thức được làm con gái của Sư Ông Làng Mai với pháp tự là Chân Linh Nghiêm trong gia đình xuất sĩ Cây Táo cùng tám vị trẻ tuổi khác.

Năm 2001, sau năm năm tu học tại Làng Mai, sư cô Linh Nghiêm lần đầu tiên được về thăm gia đình tại Thái. Hành trang mang về thăm nhà ngoài Y, Bát là cả tấm lòng mong muốn hiến tặng bước chân, hơi thở chánh niệm cho ba mẹ, anh chị em, bạn bè và người Thái thân thương. Chí đã dựng thì nguyện sẽ đạt, sư cô gặp được những người bạn cư sĩ Thái đã từng đến thực tập và yêu thích pháp môn Làng Mai, những người muốn đem pháp môn của Làng đến với nước Thái. Vì vậy mà từ đó, năm nào họ cũng tổ chức những khóa tu học theo pháp môn Làng tại Thái cho đến ngày…

Hội ngộ của 11 vị khai sáng của Làng Mai Quốc Tế Thái Lan

Ngày 9.9.2009, sư cô Linh Nghiêm được Sư Ông và tăng đoàn cử về Thái Lan từ Pháp, cùng với mười sư em đến từ Bát Nhã để bắt đầu “khai sơn lập địa” trên đất Thái. Chân bước đi mà lòng ngậm ngùi, đó là tâm trạng của quý thầy, quý sư cô từ Việt Nam trong giai đoạn này. Họ vừa thương mấy trăm anh chị em mình bên nhà không biết có được cùng tu chung với nhau không, vừa thương mình chân ước chân ráo trên đất khách quê người, tuổi tu còn nhỏ mà tuổi đời chẳng cao.

Ba tháng đầu, có biết bao nhiêu là kỷ niệm vui buồn giữa sư chị người Thái chưa thông thạo tiếng Việt và các sư em người Việt chưa thông thạo tiếng Thái. Nhập gia tùy tục, mười một sư chị sư em mỗi ngày cùng dắt nhau đi đảnh lễ chư vị tôn túc truyền thống Thái khắp nơi, đảnh lễ Ngài Tăng Thống, tổ chức khóa tu cho cư sĩ, mở ngày quán niệm, cho pháp thoại… Khi trở về xóm, tuy ít người, nhưng thời khóa tu học miên mật mỗi ngày như: ngồi thiền tụng kinh, thiền hành, ăn cơm, nghe pháp thoại, học tiếng Anh, tiếng Thái và chấp tác đều đặn. Những ngày quán niệm thứ năm, chủ nhật hằng tuần cho hai xóm, lúc này gọi là Xóm Do Me (quý thầy) và Xóm Pun Lư (quý sư cô) là cơ hội cho mười một chị em cùng tu, cùng học, cùng ăn, cùng chơi, cùng hiểu, cùng thương nhau.

Nhờ năng lượng tu học tinh chuyên, nhờ giữ vững được hơi thở, bước chân qua những cơn sóng, nhờ tình thương và tâm Bồ Đềanh chị em đã ôm ấp được những khổ đau cũ của Bát Nhã, những thách thức ban đầu cho tu viện mới, mặc dù thỉnh thoảng hoặc đêm đêm, đâu đó còn có tiếng nấc vang lên, còn những giọt ngắn giọt dài. Thương và trân quý các sư em, sư chị Linh Nghiêm cùng nhiều cư sĩ Thái Lan đã đưa quý thầy, quý sư cô đi du lịch khắp nơi trên đất Thái trong mỗi chuyến đi ra.

Một sư cô đã chia sẻ: “Mười mấy người đi đâu cũng dắt nhau cùng đi, làm gì cũng cùng làm, ăn cùng ăn, bệnh cùng bệnh, khóc cùng khóc, cười cùng cười, giống nhà con đông mà ba mẹ đi vắng, tự thương nhau, tự nuôi nhau, nếu có lỡ làm nhau đau thì biết được liền, làm mới liền, chuyển hóa liền. Cho nên dù lúc đó thử thách nhiều nhưng tình thương cũng nhiều, ấn tượng lắm.”

Các Vị Cấp Cô Độc – Những người bạn tâm giao

Trời còn để có hôm nay…

(Truyện Kiều)

Những gì diễn ra trên đất Thái như là phép nhiệm màu, ắt phải đã do chư Tổ sắp đặt, chư Bụt dang cánh tay từ bi nâng đỡ. Thế mới biết chỉ có tu thôi, chỉ cần tu thôi thì sẽ còn nhau mãi mãi, sẽ gặp lại nhau. Bác Pun Lư, là tiếng gọi thân mật mà quý sư cô gọi vị Cấp Cô Độc Thái Lan giàu lòng từ bi, đã dang tay đón nhận hơn một trăm sư cô đến vườn nhà bác chung sống và tu học trong lúc tăng thân chưa hề có được mảnh nào để “cắm dùi”. Ngoài chỗ ở, bác đã cúng dường toàn bộ trái cây ngọt lành từ mảnh vườn 13 hécta, nào là xoài, dừa, nhãn, me… cho đại chúng. Như một cơ duyên tiền định, trước đó một năm, tự dưng bác bỏ ra một khoảng tiền lớn để tu sửa lại các gian nhà trong khu vườn của gia đình từ 30 năm nay vốn ít được ngó ngàng tới, mà cũng chẳng biết tu sửa để làm gì vì nhà chính của bác ở Bangkok, thỉnh thoảng bác mới xuống Pakchong này.

Xóm Do Me là nơi có căn nhà nghỉ dưỡng của gia đình sư cô Linh Nghiêm, được sử dụng để quý thầy, quý sư chú đến ở và tu học. Tuy không lớn bằng xóm Pun Lư nhưng cũng đủ không gian để quý thầy đi thiền hành, chơi thể thao, v.v…

Hai xóm cách nhau bởi con đường thiền hành dài chừng 3km rất đẹp, đi ngang qua những bãi mía xanh um.

Thêm vào đó, sẽ không thành công nếu không đủ bốn chúng cùng tu học nhưng may mắn thay, Tăng Thân Làng Mai Quốc Tế Thái Lan đã có được những vị cưnam nữ và 14 vị Tiếp Hiện rất giỏi, ham tu, hết lòng phụng sự Tam Bảo, chăm sóc quý thầy, quý sư cô, giúp đại chúng xuất sĩ hòa nhập được với truyền thồng văn hóa Thái Lan và người dân Thái. Trong tăng thân đã bắt đầu được xuất hiện những bài hát, vũ điệu, những lễ hội mới rất Thái như điệu múa Lòi Cà Thòng, Lễ Tạ ơn nước, Tết Thái… cùng với truyền thống văn hóa Việt.

Dang cánh tay từ bi cứu độ

Khi sự kiện Bát Nhã đi đến hồi bi kịch, tuy cha già ở xa nhưng may thay anh chị em gần kề, mười một vị ấy nay có cơ hội đón anh chị em mình đến Thái. Lúc đó dù chưa có gì, chưa biết phải làm sao, chỉ biết đi tới, cứ giữ cho hơi thở yên, chỉ mong còn tu chung với nhau được ngày nào quý ngày đó, dù ngày mai chưa biết sẽ ra sao.

Nhóm Cam (tức là từ Campuchia), tên gọi thân thương đại chúng dành cho hơn mười quý sư cô lưu lạc cuối cùng của Bát Nhã được sư mẹ Chơn Đệ và sư mẹ Hạnh Liên ôm ấp, rồi cũng về hội tụ ở Thái vào tháng 10/2010. Vậy mà trên chặng đường các sư con lưu lạc, Sư Ông vẫn cho ra đời mười sáu sư em cây Sen Xanh giữa lòng Pakchong Thái Lan với thế hệ mới, mở đầu cho những Bầu Trời với Ánh Trăng, khép lại Pháp và Nghiêm.

Sư Ông về- Sư Ông tiếp tục sinh sư em

Ban đầu, thiền đường là căn phòng nhỏ, nhà mẹ sư cô Linh Nghiêm. Khi quý thầy, quý sư chú qua đông thì một thiền đường nhỏ đã được dựng lên nhanh từ những chiếc chõng tre lều bạt. Đêm sương ngày nắng, quý thầy quý sư chú đều ngồi thiền tụng kinh hay buông thư cũng tại chỗ ấy. Thiền đường này có cái tên rất vui là Hội Ngàn Đinh (thay vì Hội Ngàn Sao như ở Xóm Hạ), do khi ngồi xuống rất dễ bị mấy cây đinh nổi lên trên thân tre móc rách áo quần. Thương tình, Bụt Tổ cho xây thiền đường ván gỗ Tình Huynh Đệ để đại chúng cả trăm vị được vào mùa An cư năm 2010, đồng thời cũng có thêm mấy gian nhà tranh vách cói để tránh nắng mưa, tiếp tục để cho quý thầy tu học.

Tháng 10 năm 2010, được tin Sư Ông về Thái Lan thăm các sư con, những sư cha, sư mẹ, sư anh, sư chị lớn từ Pháp, Mỹ, Đức… khắp nơi về thăm các sư em, và sẽ mở những khóa tu cho cả trăm người đến tham dự. Mọi người nhìn nhau: Chỗ đâu mà ngồi, mà tu nhỉ? Cái khó lại ló cái khôn. Thiền đường Trời Phương Ngoại nền đất, cột cây, vách liếp, mái lá ra đời rộng hơn, đẹp hơn để đón Sư Ông về, đủ sức chứa cho 500 người. Bất cứ ai đến nhìn cũng thấy thương mà hạnh phúc. Đó mới đúng là đời sống đơn giản đầy thiền vị của những người con Bụt.

Sư Ông về Cốc Nhìn Xa, ngồi chơi với các sư con, rồi Sư Ông lại cho ra đời các sư em Trời với Trăng. Anh chị chưa kịp lớn, chưa hết những xao xuyến nhớ quê hương, mà sư em thì cứ tiếp tục ra đời. Từ khắp ba miền đất nước, các tăng thân cư sĩ như Về Nguồn, Xuân Phong, Mây Thong Dong, Hiểu Và Thương, Thiện Tài Đồng Tử… các bạn trẻ tiếp tục náo nức xin tập sự xuất gia, các thầy cô trẻ tiếp tục… bồng em.

Sư Ông cho ra đời các sư em Trúc Vàng giữa khóa tu Xuất Sĩ ngày 17.10.2010 với 10 Trăng và 3 Trời. Cuối tháng 3/2011 Sư Ông lại về thăm Thái Lan, Sư Ông tiếp tục cho ra đời 13 sư em Trúc Xanh, rồi lại 13 Trúc Tím. Sắp sửa Sư Ông cho ra đời các sư em Cúc Đại Đóa tháng 1/2012. Phần lớn các sư em tương lai sẽ được “lọt lòng” tại Thái Lan, không có Sư Ông nhưng các em may mắn sẽ được Sư Bá đón chào trong ngày ra đời. Nhiều Sư em còn nhỏ mới tu, xa Sư Ông, xa quê, xa gia đình, tập khí còn nhiều, cứ phải gõ cửa nương tựa Sư Bá, sư cha, sư mẹ, sư anh, sư chị hoài hoài. Sư Ông đã cho ra đời ở đây nào là Trời Độ Lượng, Trăng Thanh Lương, Trời Tinh Khôi, Trăng Tuổi Thơ, Trăng Huyền Không,Trăng Xóm Mới, Trời Bao Dung, Trăng Đầu Non, Trời Thảnh Thơi, Trăng Tùng Hạc, Trăng Yên Tử, Trăng Đoàn Tụ…

Đất Mới

Con đông nhưng may mắn có nơi tạm trú an ổn, thấy mình phước báu còn tràn trề nhờ ơn đức của Sư Ông. Tuy vậy Làng Mai Quốc Tế Thái Lan vẫn để tâm tìm đất xây Tu viện mới. Quả là một thử thách không nhỏ, nhưng nhờ đại chúng hết lòng tu tập nên tuy có khó khăn trong ngoài, đại chúng Thái Lan đã được chư Tổ phù hộ, cuối cùng cũng mua được mảnh đất mới đẹp, nằm trên vùng đất rộng, có tầm nhìn phóng xa thấy cả rặng núi Khảo Dài trước mặt. Mảnh đất gác lưng bên ngọn đồi nhỏ đón sương, đón gió của vùng núi cao, rất chi là hợp với… tu thiền. Sư Ông về và buổi lễ Sái Tịnh cho Đất Mới được diễn ra, chính thức đặt tên mới là: Làng Mai Quốc Tế Thái Lan.

Cùng tu cùng chơi

Đại chúng Thái Lan đều đặn tổ chức những khóa tu cho người trẻ, khóa tu gia đình, khóa tu trẻ em, ngày quán niệm mỗi tháng tại Bangkok, chương trình Wake Up, cứu trợ lũ lụt cho nước Thái… Đây là cơ hội để anh chị em được ra ngoài để thực hiện lý tưởng phụng sự độ đời, con đường mà Bụt Tổ và Sư Ông đã và đang đi. Những sinh hoạt thời khóa hằng ngày của đại chúng vẫn đều đặn, ngày Sadi được tổ chức hằng năm vào tháng 12, cũng như các lớp học Phật Pháp Căn Bản mở ra thường xuyên, lớp tiếng Thái, tiếng Anh hay là những chuyến đi chơi, đi biển toàn chúng để đại chúng được thay đổi không khí…

Những con chim nhỏ vẫn hát ca, tập thỉnh chuông mõ, hô canh, dâng hương đều đặn dưới những gốc dừa, gốc me, hồ súng, để luôn được nuôi dưỡng và chóng trưởng thành. Em bé Thái Lan chưa đầy ba tuổi, mỗi ngày vẫn đang từng bước đứng lên, bước đi trên đôi chân nhỏ bé của mình, được Sư Ông nắm tay, được các sư anh, sư chị, sư em từ khắp nơi: Hong Kong, Việt Nam, Đức, Mỹ, Úc, Pháp… cùng nắm tay hát ca và dạo bước rong chơi Trời Phương Ngoại.

Đại Chúng Thái Lan

Trời Quang- Trăng Tỏ

Làng Mai Quốc Tế Thái Lan (Thai Plum Village International Practice Center)

PO Box 23

Pak Chong District

Nakhon Ratchasima 30130, Thailand

Địa chỉ email: visitus@thaiplumvillage.org

(Theo Làng Mai)




Tạo bài viết
23/04/2014(Xem: 18493)
31/03/2013(Xem: 12528)
03/04/2014(Xem: 49814)
15/09/2016(Xem: 9724)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…