KỶ NIỆM VÍA ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ (17-11 ÂL):
TÔI TIN CÓ PHẬT A DI ĐÀ
Thích Trung Hữu
Hỏi, có cõi Tây phương Cực lạc của Đức Phật A Di Đà không? Câu trả lời dù là có hay không thì cũng chỉ là suy luận, chứ có ai biết chắc là có hay không. Trong quá trình nghiên cứu kinh Đại thừa nói chung và pháp môn Tịnh độ nói riêng, với những gì biết được, tôi cũng “suy luận” ra là có cõi Tây phương Cực lạc của Đức Phật A Di Đà.
Những người phủ nhận cõi Tịnh độ vì họ cho rằng kinh Đại thừa không phải do Phật Thích Ca trực tiếp nói. Đúng là kinh Đại thừa, theo chỗ tôi biết, không phải từ kim khẩu của Đức Phật, nhưng không vì thế mà không có giá trị. Đơn cử như kinh Đại thừa nói vũ trụ có vô lượng thế giới, ngày nay khoa học đã phát hiện là đúng như vậy.
Mấy ngàn năm trước con người chưa có dụng cụ như kính viễn vọng để quan sát vũ trụ, tại sao họ lại biết được vũ trụ có vô số hành tinh, y như thấy biết của khoa học ngày nay? Điều này chứng tỏ họ có tuệ giác, có thiên nhãn, hoặc họ là những vị Bồ-tát có thể qua lại trong các thế giới, nên mới biết đúng như vậy. Họ đã nói đúng về vũ trụ như vậy thì ta có quyền tin rằng họ cũng nói đúng về thế giới Tây phương.
Vũ trụ đã có vô lượng thế giới thì tiếc gì một cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà. Trái đất không phải là hành tinh duy nhất trong vũ trụ, cho nên nó cũng không phải là hành tinh duy nhất có sự sống. Chẳng lẽ chỉ có Trái đất là có sự sống, còn vô lượng hành tinh khác đều là sa mạc? Chúng ta nên nhớ rằng, Trái đất cũng chỉ tồn tại trong một thời gian rồi cũng bị tiêu tan theo quy luật tự nhiên. Nếu Trái đất là hành tinh duy nhất có sự sống vậy sau khi Trái đất bị hủy diệt thì sao, phải chăng vũ trụ sẽ không còn sinh vật, không còn chúng sinh nữa?
Nếu ta thừa nhận rằng các cõi được hình thành là do nghiệp lực của chúng sanh và nguyện lực của chư Phật như kinh nói thì chúng ta phải thừa nhận rằng không có chúng sanh thì cũng không có các cõi, các hành tinh. Nguyện lực và nghiệp lực ấy, có lẽ tương đương với khái niệm luật hấp dẫn vũ trụ của khoa học ngày nay. Không có luật hấp dẫn này thì các hành tinh sẽ không thể di chuyển theo đúng quỹ đạo và vũ trụ sẽ tan rã.
Chúng ta nghi ngờ rằng làm gì có cõi nước toàn vàng bạc đá quý, nhưng thực tế có những hành tinh như vậy, như hành tinh 55 Cancri e, hành tinh 2011 UW-158… Hành tinh 55 Cancri e, được phát hiện bởi các nhà thiên văn học thuộc Trường Đại học Yale (Mỹ), có bán kính lớn gấp 2 lần và có trọng lượng gấp 8 lần Trái đất của chúng ta. Các nhà khoa học nghĩ rằng bề mặt của hành tinh 55 Cancri e được bao phủ bởi kim cương và than chì.
Nghiên cứu mới ước tính rằng 1/3 khối lượng của hành tinh 55 Cancri e - gấp 3 lần khối lượng của Trái đất - có thể là kim cương. Hành tinh này có quỹ đạo quay quanh ngôi sao mẹ rất ngắn chỉ 18 giờ/vòng, trong khi quỹ đạo của Trái đất quay quanh Mặt trời là 365 ngày. Hành tinh này cách Trái đất khoảng 40 năm ánh sáng nên nó có thể được quan sát bằng mắt thường từ hành tinh của chúng ta. Rồi hành tinh 2011 UW-158 chứa rất nhiều khoáng sản bạch kim, một loại khoáng sản hiếm trên Trái đất. Theo ước tính của Công ty khai thác tiểu hành tinh Planetary Resources có trụ sở tại bang Washington (Mỹ), lõi tiểu hành tinh chứa 100 triệu tấn bạch kim. Giá trị tiềm năng của nó lên tới 5,4 nghìn tỉ USD.
Còn về tuổi thọ thì sao? Chắc ta không thể tin là có ai có thể sống đến vô lượng tuổi (biểu thị thời gian dài), nhưng đây cũng là sự thật. Khoa học ngày nay cho thấy rằng thời gian ở các hành tinh rất khác nhau. Thời gian dài hay ngắn phụ thuộc vào khoảng cách từ hành tinh tới Mặt trời, thời gian hành tinh quay quanh Mặt trời (chu kỳ quỹ đạo) và thời gian nó tự quay quanh trục (chu kỳ thiên văn). Ví dụ, 1 năm trên sao Hỏa tương đương với khoảng 2 năm trên Trái đất vì sao Hỏa nằm xa Mặt trời hơn Trái đất. Thông thường hành tinh càng nhỏ thì thời gian càng ngắn, còn hành tinh càng lớn thì thời gian càng dài. Trái đất so với Mặt trời thì chỉ to bằng… hạt bụi. Nhưng Mặt trời cũng chỉ là hạt bụi so với các ngôi sao khác trong vũ trụ.
Các nhà khoa học phát hiện ngôi sao VY Canis Majoris có đường kính là 2.800.000.000km. Hãy thử tưởng tượng bạn ngồi trên một chiếc máy bay Boeing hay Airbus và dạo quanh ngôi sao này ở vận tốc 900km/giờ, bạn sẽ phải mất 1.100 năm để bay vòng quanh ngôi sao này một vòng đấy. Trong khi bay quanh Trái đất của chúng ta chỉ mất khoảng 44 giờ, tức là chưa hết hai ngày. Nếu căn cứ vào kích thước để tính thời gian thì có phải thời gian trên sao VY Canis Majoris là vô lượng so với Trái đất không? Trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật nói với ngài A-nan rằng “Như Lai đủ thần túc có thể kéo dài mạng sống một kiếp hoặc một kiếp còn lại”. Đức Phật Thích Ca làm được (kéo dài thọ mạng) thì Đức Phật A Di Đà cũng làm được.
Chúng ta có quyền hiểu theo cách “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ”, nhưng có lý cũng phải có sự. Nếu chúng ta giải thích lý mà phủ nhận sự tướng thì rất thiếu sót. Ví dụ nói ngu si là súc sanh, vậy không có súc sanh thật sao? Nói nhân nghĩa đạo đức là con người, vậy chẳng lẽ không có con người thật?
Một điều lưu ý là các kinh luận tại Ấn Độ đều không có quan điểm “Duy tâm Tịnh độ”. Chỉ có kinh Duy Ma Cật là nói “Kỳ tùy tâm tịnh tức Phật độ tịnh”, nhưng là nói tâm tịnh thì thấy cõi nước thanh tịnh, chứ không có phủ nhận cõi Tây phương. Nhiều kinh Đại thừa khác đều đề cập đến cõi Tây phương cũng như sự phát nguyện sanh về đó, như trong kinh Hoa nghiêm ngài Văn Thù, Phổ Hiền và 41 vị Bồ-tát đều phát nguyện sinh về Tịnh độ.
Trong kinh Pháp hoa, phẩm Dược Vương, Đức Phật Thích Ca nói : “Người nghe kinh điển này đúng như chỗ kinh dạy mà tu hành, sau khi mạng chung liền được sanh về cõi Cực lạc của Phật A Di Đà. Sanh trong hoa sen trên tòa báu, ở chung với chúng Đại Bồ-tát, liền được Bồ-tát thần thông vô sanh pháp nhẫn. Được pháp nhẫn này rồi, nhãn căn thanh tịnh thấy được trăm vạn hai ngàn ức na-do-tha hằng sa chư Phật Như Lai”. Kinh Dược Sư nói cõi Tịnh lưu ly trang nghiêm không khác cõi Tây phương Cực lạc…
Một lý do mà tôi tin có cõi Tịnh độ là vì tôi tự cảm thấy rằng mình không bằng những vị tiền bối ở Ấn Độ như ngài Long Thọ, Thế Thân…, ở Trung Quốc như Tổ Huệ Viễn, Vĩnh Minh..., ở Việt Nam như Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Sư bà Hải Triều Âm… Các vị đó đã tin thì mình không dám phủ nhận. Các vị đó tin và tu theo pháp môn Tịnh độ có kết quả thì mình cũng có thể tin và tu theo.
Tôi đọc các kinh Đại thừa và phát hiện ra nhiều điều đúng là… bất khả tư nghì. Như chúng ta biết, thật khó mà xác định chính xác trong các kinh Đại thừa, kinh nào xuất hiện trước, kinh nào sau. Tôi làm điều đó dựa vào hai cách. Một là coi năm dịch (từ Phạn sang Hán), và hai là coi các kinh đề cập nhau. Ví dụ kinh Dược Sư đề cập đến cõi Tây phương thì chứng tỏ kinh Dược Sư xuất hiện sau các kinh về Tịnh độ. Cách thứ nhất không đáng tin cậy lắm, vì có thể kinh xuất hiện trước nhưng vì nhiều lý do mà được dịch sau.
Như kinh Lăng nghiêm chẳng hạn, phải mấy trăm năm sau khi xuất hiện mới được mang sang Trung Quốc. Nhưng cách thứ hai thì tôi cho là rất hay, rất chính xác. Ấy vậy mà sau đó tôi lại gặp trường hợp mà làm cho tôi hết sức bối rối. Đó là hai kinh đều đề cập tới nhau. Đó là kinh Vô lượng thọ và kinh Hoa nghiêm.
Kinh Hoa nghiêm đề cập Bồ-tát Phổ Hiền cũng như nhiều vị Bồ-tát nữa phát nguyện sinh về cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà. Nhưng đồng thời kinh Vô lượng thọ cũng có khái niệm “Hoa nghiêm tam muội”. Như vậy thì kinh nào có trước kinh nào đây? Cho nên chỉ có một lý giải duy nhất, đó là tuy các kinh có xuất hiện trước sau, nhưng các vấn đề của các kinh là sự thật hiển nhiên đã có từ vô thỉ rồi. Cõi Tây phương đã có, Hoa nghiêm tam muội đã có… Đó là những sự thật mà bất cứ ai có tầm nhận thức tương đương đều biết đến. Và còn không biết bao nhiêu điều lý thú như thế nữa trong các kinh Đại thừa. Ở đây chỉ là nêu vài ví dụ mà thôi.
- Từ khóa :
- Tôi Tin Có Phật A Di Đà