Mùa Thu này, xin cúng dường chư Phật

24/10/20191:03 SA(Xem: 5637)
Mùa Thu này, xin cúng dường chư Phật
MÙA THU NÀY, XIN CÚNG DƯỜNG CHƯ PHẬT
Hoàng Mai Đạt

Thu vàng ở Bishop, CA
October 2019, Bishop, California. (Courtesy of Bùi Đức Nhượng)
Sáng sớm bước ra sân, tính hưởng một chút không khí lành lạnh của mùa thu trước khi mặt trời quơ tay xua tan lớp sương mỏng, rọi chiếu những luồng khí nóng xuống trần gian ở nam California đây, thì gặp anh đang đi ngược lại trong khoảng sân rộng chừng chục thước vuông. Anh thuê căn phòng ở phía sau, tôi ở phía trước, sống chung nhà vậy mà chúng tôi rất ít khi gặp nhau. Anh đi làm buổi sáng, tôi đi buổi chiều. Thường chỉ có ngày Chủ Nhật thì may ra còn thấy nhau, như sáng hôm ấy chúng tôi tình cờ diện kiến trong miếng sân còn có chút cây xanh, chưa bị tráng lấp hết với xi-măng như mấy căn nhà ở cùng khu phố.

“Đêm qua có nghe tiếng mở cửa bên phòng. Anh về khuya quá ha,” tôi gợi chuyện, có biết anh đã xin nghỉ làm vài ngày để lái xe từ thành phố Westminster đây lên thị trấn Bishop ở phương bắc, săn tìm mấy tấm ảnh mùa thu thay lá trên cao nguyên miền trung California. Anh chụp hình phong cảnh rất đẹp, dù không sống bằng nghề nhiếp ảnh.

Nghe hỏi, anh liền bắt ngay vào câu chuyện, “Đẹp quá anh ơi. Đẹp quá, không thể ngờ mùa thu trên ấy lại đẹp đến như vậy. Tôi muốn ở lại trên ấy, không muốn về đây chút nào. Vừa lái xe về mà thấy tiếc nuối quá.”

Biết anh đang có hứng kể tiếp, tôi chỉ cần hỏi thêm, “Vậy hả anh?”

Thế rồi người đàn ông trên sáu mươi sống một mình trong căn phòng nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi đã tả cho tôi nghe về những hàng cây dầy đặc lá vàng tươi rói, sáng lấp lánh bên cạnh một con suối, những cây phong phô diễn rực rỡ màu hung đỏ chạy quanh bờ hồ, tương phản với màu xám tro lạnh lùng của mặt nước phản chiếu một đỉnh núi cũng cùng một màu xám, nhưng đậm hơn, và cũng lạnh hơn.

“Họ nói tôi may lắm đó anh, vì trong vài ngày tới sẽ có gió lớn, thổi bay hết những tàng lá vàng kia, không còn đẹp như bây giờ,” anh nói, mắt lim dim như đang sống lại những giây phút hạnh phúc nhất đời ở thị trấn Bishop, hồ Mammoth Lake, rừng Sierra.

Anh đang bận đi đâu đó, nên không thể cho tôi xem hình hay kể gì thêm, chỉ có thể để lại cho tôi câu nói ban nãy, được lập lại với tình cảm còn sâu dày hơn trước, “Mùa thu trên ấy đẹp quá anh ạ. Đã ở đó rồi thì không muốn về đây chút nào.”

Tôi cũng tiếc nuối, hồi tưởng về bao mùa thu đẹp mà tôi đã từng có ở Pennsylvania, Maine, bắc California, Oregon, Washington trong gần nửa thế kỷ sống lưu vong ở xứ Mỹ này. Tôi tưởng mình đã hiểu lời Phật dạy trong Kinh Nhất Dạ Hiền Giả:

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai lại chưa đến
Chỉ có Pháp hiện tại
Tuệ quán chính là đây…

Nhưng mà tôi đã quên thực hành lời dạy của Ngài, lại nhớ về quá khứ, hồi tưởng những kỷ niệm đẹp và thấy tiếc nuối những gì mà mình biết sẽ không bao giờ có lại một lần nữa trong cuộc đời. Và cũng như anh bạn ở chung nhà, có lúc tôi ao ước được rời bỏ nơi đây, đi thật xa, không muốn dính dáng gì thêm nữa với cuộc sống ở chốn Bolsa. Tìm về thiên nhiên, về nơi hoang dã, sống một mình giữa nơi cô tịch, không phải lên Facebook để phải xem những khuôn mặt quen thuộc từng ngày bám víu vào những khoảng khắc phù phiếm ở nơi đây, chốn nọ, cố nắm bắt hạnh phúc ở bên ngoài thay vì quay trở về bên trong chính mình.

Nhưng, tuệ quán chính là đây, Phật nhắc. Tôi lỡ quên.

Trưa hôm ấy, ngồi ôm tô cơm ăn ở ngoài vườn, thấy mấy con chim xà xuống sân tìm những hạt gạo, tôi lại thảy cho chúng một nắm gạo. Không rõ là chim quen hay chim lạ, vì con se sẻ nào cũng giống nhau, mắt đen láy, bé tí, cũng vừa ăn vừa bay nhảy, vui mắt. Ăn xong chúng ào bay đi, vội vàng bay xa bên trên những mái nhà, không kịp nghe lời tạ ơn của tôi. Tạ ơn chim đã đến ăn. Tạ ơn chim đã cho tôi được hưởng niềm vui của hạnh bố thí, của đạo, của giây phút sống trong hiện tại.

Buổi chiều, nắng vàng ươm trên cây lựu, làm tỏa sáng những trái màu đỏ tươi chĩu nặng trên cành. Một ngày sắp hết làm tôi nhớ đến bác. Bác nằm trong viện dưỡng lão, đã gần chín mươi tuổi, không còn đi đứng được nữa, nhưng lòng còn chĩu nặng những hờn giận, oán trách một cuộc đời đầy bất hạnh.

Tôi vào phòng đúng giờ ăn. Cô y tá người Phi Luật Tân đang ráng đút một thìa thức ăn vào miệng bác, mà bác lại ngoảnh mặt đi như một đứa trẻ, nhất định không chịu ăn.

“Bác ráng ăn đi bác, ăn cho người nó khỏe?” tôi nói, hy vọng bác nhớ ra tôi sau cả tháng không đến thăm.

Bác là người dưng, nhưng cũng từng sống chung nhà với tôi cho đến một đêm kia xe cứu thương đến chở bác vào bệnh viện, rồi mấy tháng sau họ đưa bác vào viện dưỡng lão này, nằm đó cũng gần chục năm. Thỉnh thoảng tôi đến thăm, an ủi, chứ thật sự không làm sao cho bác bớt đau đớn thân xác, lành lặn tâm hồn.

Có lẽ thấy tôi nên bác chịu ăn, làm cô y tá cũng vui lên. “Có bữa ông ấy lấy tay gạt hết thức ăn rơi xuống đất. Thiệt là khổ. Rầu quá, nghe mấy bạn y tá Việt Nam kia nói lại rằng ngày nào cũng nghe ông than vãn đòi chết, không muốn sống thêm nữa. Rồi ông chửi rủa, trách móc,” cô kể lể. “Mà đây có nhiều người như vậy.”

“Bác nhớ niệm Phật,” tôi khuyên người đàn ông chưa hề đến chùa để lễ Phật, tụng kinh, chỉ đến một lần kia để nghe các tăng làm lễ cầu siêu cho con của bác. Cũng lâu rồi.

“Bác niệm Phật thì sẽ bớt đau, bác nhé,” tôi thấy thương bác như thương những con chim se sẻ đã bay từ nơi này đến nơi khác để kiếm ăn. Bác có ăn nhưng bác vẫn khổ. Sanh ra ở thế gian này quả là khổ, chả trách người ta luôn đi tìm những thứ hạnh phúc ở bên ngoài, chia sẻ cho nhau xem mấy hình ảnh phù phiếm để tạm quên những nỗi đau từ bên trong.

Tôi nắm tay bác, bóp nhẹ như muốn truyền hơi ấm từ tay mình đến trái tim đang hận cuộc đời của bác. Có lẽ cảm được điều tôi muốn nói mà không thể nói, bác gật đầu nhẹ một cách miễn cưỡng khi nghe tôi lập lại, “Mình niệm Phật nha bác.”

Tôi niệm Phật sáu chữ, niệm chậm cho bác nghe và làm theo. Bác mấp máy đôi môi, không phát thành tiếng nhưng đúng nhịp “Nam mô A Di Đà Phật.” Niệm được chừng mười phút, thấy bác lim dim mắt như sắp ngủ, tôi nói nhỏ vào tai bác, “Chủ Nhật tuần sau, cũng giờ này, 5 giờ, cháu đến thăm bác. Mình niệm Phật nha bác.”

Đợi cho bác ngủ sâu hơn, tôi rời viện dưỡng lão.

Mùa thu này, tôi đã nhớ về những cánh rừng thay lá đẹp rực rỡ, mê hồn ở miền bắc, nhưng nay xin cúng dường hết những cái đẹp đó đến chư Phật, không nắm giữ, bám víu vào chúng thêm nữa. Xin các ngài đón nhận chúng với lòng thành của con. Mùa thu này, tôi biết cuộc sống của chính mình cũng mong manh như những chiếc lá đang chờ một cơn gió vô thường, một mai kia rơi xuống một dòng suối vẫn tuôn chảy từ vô thủy đến vô chung. Và cũng mùa thu này, xin cúng dường chư Phật bằng tình thương cho tha nhân. Hẹn bác một Chủ Nhật tuần sau, một Chủ Nhật của một mùa thu đẹp vô ngần, ở chốn này.
Hoàng Mai Đạt

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 20238)
12/10/2016(Xem: 18183)
26/01/2020(Xem: 10679)
12/04/2018(Xem: 18951)
06/01/2020(Xem: 9681)
24/08/2018(Xem: 8459)
12/01/2023(Xem: 2805)
28/09/2016(Xem: 24131)
27/01/2015(Xem: 23436)
11/04/2023(Xem: 2047)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.