TRỰC TIẾP
“TRAO ĐỔI VỚI TS. DƯƠNG NGỌC DŨNG VỀ
NHỮNG LỜI XÚC PHẠM PHẬT GIÁO, MIỆT THỊ TĂNG NI”
TT. Thích Nhật Từ trả lời 11 câu hỏi của các Phật tử trong đoàn hành hương Đạo Phật Ngày Nay tại Bồ-đề Đạo tràng lúc 06:30 ngày 04-11-2019. Do vì sự cố wifi tại Bồ-đề Đạo tràng, kính mong quý vị thông cảm về việc chậm trễ.
1. TT. Nhật Từ trốn sang Ấn Độ hành hương để tránh ông Dương Ngọc Dũng?
2. Có phải vì TT. Nhật Từ mời ông Dương Ngọc Dũng làm điều phối viên một phiên diễn đàn trong Vesak LHQ 2019 nên không dám lên tiếng về phát biểu của ông Dương Ngọc Dũng?
3. Một số cao tăng, đại lão hòa thượng nước ngoài đi cùng bầu đoàn thê tử?
4. Có thật sự các cao tăng quốc tế chụp selfie trong phiên diễn đàn do ông Dương Ngọc Dũng điều phối?
5. Có thật sự ông Dương Ngọc Dũng chỉ đề cập đến một số nhà sư phạm giới luật, không hàm ý toàn bộ giới Tăng Ni?
6. Có phải đi tu là một cái nghề mưu sinh?
7. Mới hôm qua người ta gọi mình bằng thằng, nay chỉ cần cạo đầu, mặc bộ đồ lam tự nhiên được gọi bằng thầy?
8. Nền tảng đạo Phật đã lung lay từ lâu?
9. Vì sao báo Zing đã âm thầm chỉnh sửa bài phỏng vấn ông Dương Ngọc Dũng đăng vào ngày 12/10/2019?
10. Phong trào phản kháng của các Tăng Ni và Phật tử Việt Nam đối với sự cố ý xúc phạm Phật giáo của ông Dương Ngọc Dũng?
11. Ông Dương Ngọc Dũng là tín đồ Thiên Chúa giáo và đứng trên lập trường đó để nhận định, phỉ báng Phật giáo và tăng ni?
TT. THÍCH NHẬT TỪ NÓI GÌ
VỀ VIỆC ÔNG DƯƠNG NGỌC DŨNG XÚC PHẠM PHẬT GIÁO
(Buổi vấn đáp do TT. Thích Nhật Từ trả lời trong Chuyến hành hương Phật tích Ấn Độ -Nepal, ngày 04/11/2019. Phiên tả, hiệu đính và bổ sung các liên kết Facebook: Thích Ngộ Trí Viên – BTV Thu Bồn)
Hỏi: Kính bạch Thượng tọa, con xin đại diện cho Phật tử Hội Phật giáo Việt Nam tại Vương quốc Anh để trình bày thắc mắc như sau: Cuối tháng 10/2019, câu chuyện tai tiếng nhiều nhất về việc TS. Tôn giáo học Dương Ngọc Dũng, hiện là Trưởng bộ môn Kinh tế Quốc tế, khoa Quan hệ Quốc tế, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp. HCM, đã có những phát ngôn gây bức xúc dư luận Phật tử, đầy ác ý và xúc phạm Phật giáo.
Hùa theo dư luận, từ ngày 31/10 - 03/11/2019, một số Facebooker không rõ thuộc tôn giáo nào đăng tải những bài viết với nội dung ác ý: “Từ năm 1984 đến nay, trong nhiều trường hợp, khi Phật giáo hữu sự, nhất là bị những người có ác ý tấn công, TT. Nhật Từ đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối để bảo vệ Phật giáo. Nhưng đến tận hôm nay đã ngày 4/11/2019, không thấy Thượng tọa có ý kiến về việc này. Vậy hiện nay, TT. Thích Nhật Từ đang ở đâu, làm gì, mà không lên tiếng?”.
Một Facebooker khác nặng lời trách móc Thượng tọa như sau, con xin đọc nguyên văn: “Hóng mãi thầy Nhật Từ lên tiếng về ông Dương Ngọc Dũng như vụ chùa Ba Vàng, tịnh thất Quan Âm, ông live đăng đàn phán như thánh, nào là lừa đảo, ô nhục… Thế mà khi họ miệt thị Phật giáo thì không thấy ông đâu? Sao khi người ta vào đốt nhà ông, miệt thị cha ông, sỉ nhục người thân ông, miệt thị anh em ông, con cháu ông, thì ông im như hến vậy? Giữa lúc Tăng Ni cần cái gọi là kiến thức uyên bác của ông để giết ma, cần tiếng nói ông như ông nói về chùa Ba Vàng, và tịnh thất Quan Âm, thì ông trốn sang Ấn Độ hành hương? Mọi người đang hóng ông tiến sĩ nổi tiếng uyên thâm trên các diễn đàn này, lên tiếng phản biện ông Dương Ngọc Dũng, thì ông nín thinh? Phải chăng, ông chỉ được dùng chó cắn gà nhà, ông là người có chức sắc trong giáo hội nhưng ông lại im lặng, phải chăng đi xa, ông xem như không biết gì, nếu không nói được, từ nay ông đừng rao giảng về Phật giáo, bởi họ đã đốt nhà cha ông, họ đã phỉ nhổ anh em ông, họ đã bôi nhọ, trét phân vào nhà ông, thì ông giảng cái gì, ông xứng đáng không?”.
Thượng tọa nghĩ sao về việc này?
Đáp: Câu hỏi gồm 2 phần. Phần một có văn phong rất lịch sự. Phần hai trích nguyên văn của một Facebooker nào đó, thể hiện sự nóng nảy, và thái độ mà tôi cho rằng chưa phù hợp. Không chỉ nặng lời trách móc, còn có một biểu cảm thiếu lành mạnh.
Thực ra, tôi không trốn vụ việc này thông qua việc hành hương, chiêm bái Phật tích Ấn Độ và Nepal. Để tổ chức một chuyến đi 159 người, tôi đã lên kế hoạch cho chương trình này gần 1 năm trước, mới có thể có vé máy bay, khách sạn, và mọi thứ chu đáo, gồm vé máy bay quốc tế từ Việt Nam đi Ấn Độ, từ Ấn Độ về Việt Nam, và vé máy bay nội địa từ Vanarasi về thủ đô Dehli.
Đầu tháng 10/2019, đó là thời điểm tôi rất bận vì tôi được Hội đồng điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. HCM giao làm chủ biên 4 đầu sách tham luận của Hội thảo khoa học “Phật học Việt Nam thời cận đại: Cơ hội và thách thức” kỷ niệm 35 năm thành lập HVPGVN tại Tp. HCM. Hội thảo dự kiến diễn ra ngày 07/12/2019, lễ kỷ niệm dự kiến 08/12/2019. Tôi rất vui mừng khi chư Tôn đức Tăng Ni, lãnh đạo Phật giáo trong nước, các học giả, nghiên cứu sinh, Tăng Ni sinh đã hưởng ứng lời kêu gọi của Hội đồng điều hành Học viện, gửi về cho Ban tổ chức trên 170 bài tham luận. Vì là Phó Ban thường trực của Ban Tổ chức, đặc trách xuất bản 4 quyển sách này, tôi phải làm việc suốt mấy tháng trời, đặc biệt, tháng 10 là tháng cuối cùng, để tôi hoàn tất các bản thảo, gửi xin giấy phép, trước khi đi Ấn Độ để chiêm bái Phật tích. Từ đầu tháng 10 cho đến 24/10, suốt 3 tuần đó, tôi phải đọc bản thảo, mỗi ngày dành ra trên 12 giờ. Do vậy, trong suốt thời gian đó, tôi không có thời gian rảnh để theo dõi các tin tức thời sự, diễn ra, ở tại Việt Nam va thế giới, và kết quả là trong số hơn 170 bài đó, tôi đã chuyển ra được khoảng hơn 150 bài, chia làm 4 quyển sách, mỗi quyển trung bình 400 - 550 trang, có quyển dày nhất lên đến 800 trang, khổ 16x24 cm, tôi tin tưởng Hội thảo sẽ phản ánh được bản chất cũng như giá trị của phương pháp giáo dục Phật giáo, chương trình Phật học tại Việt Nam và trên thế giới như một sự so sánh, gợi ý, cũng như nhu cầu đưa giáo dục và đạo đức Phật giáo vào trong nhà trường, áp dụng thiền định Phật giáo vào trong các lớp học, nhằm giúp cho các thế hệ sinh viên học sinh trở nên tốt hơn. Ngoài ra, cũng có rất nhiều bài viết đề nghị về việc cải cách giáo dục Phật giáo, đặc biệt là nền Phật học tại Việt Nam. Cho nên, với tư cách là người làm Chủ biên, chịu trách nhiệm Phó Ban tổ chức của hội thảo này, công việc của tôi ưu tiên trong tháng 10 là làm thế nào để hoàn tất được các bản thảo, trước khi đi chiêm bái Phật tích.
5 ngày trước khi lên đường đi Ấn Độ và Nepal thì tôi đã sáng tác 174 bài thơ cho bộ truyện tranh Phật giáo “Em làm con ngoan trò giỏi” (Kỹ năng sống đạo đức cho thiếu nhi) nằm trong chuỗi chương trình các truyện tranh do Quỹ Đạo Phật Ngày Nay – Chùa Giác Ngộ tài trợ xuất bản.
Bộ sách về kỹ năng sống đạo đức cho thiếu nhi nêu trên đã hoàn tất được tập 1 “Sự tích Phật Thích-ca” rồi, tập 2: “Giáo dục giá trị sống và nhân cách sống cho các cháu Mầm non và thiếu nhi”. Ở chùa Giác Ngộ, mỗi chiều thứ Bảy, từ 14h30 - 16h30, có khóa tu Búp Sen Từ Bi dành cho các cháu từ 3 - 12 tuổi, mỗi kỳ tu học đều thu hút 350 – 450 tu sinh. Chương trình truyện tranh đó là một kế hoạch lâu dài, và tôi đã hoàn tất được bản thảo đến khuya ngày 28/10/2019, sau đó gửi cho các họa sĩ để vẽ minh họa cho bộ truyện tranh này. Chương trình hành hương chiêm bái Phật tích như tôi vừa nêu, đã lên kế hoạch gần một năm, tôi không sợ ai, phải đi trốn ai. Đó là sự phát nguyện của tôi, bày tỏ lòng tôn kính của mình đối với những thánh tích Phật giáo, nơi mà Đức Phật đã trải qua trong 45 năm truyền bá chân lý của Ngài.
Dù bận rất nhiều Phật sự cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi vẫn dành thời gian để dẫn phái đoàn, 2 lần/năm, mỗi lần từ 130 - 160 người. Tôi cho rằng, đây là một trong số các Phật sự rất quan trọng, bởi vì hành hương chiêm bái Phật tích, đối với tôi, nó là một khóa tu. Trong khoảng thời gian 2 tuần của “khóa tu”, các thành viên trong đoàn đều có cơ hội nghe thuyết pháp, nghe thuyết minh tại các Phật tích, thiền hành, thiền tọa, tụng kinh, bái sám, ôn lời Phật dạu. Như quý vị đã biết, từ 5h đã thức, có ngày về khách sạn là khoảng 23h ~ 23h30. Suốt một ngày như vậy, chương trình dày đặc, phải giao tiếp với 159 thành viên, thực tế là tôi không còn thời gian để làm một việc gì khác!
Đó là các lý do mà những vụ lùm xùm liên hệ đến ông Dương Ngọc Dũng, giảng viên của trường ĐH KHXH & NV, mà theo quý vị, với những bằng chứng cụ thể, là “thóa mạ Tăng Ni, xúc phạm Phật giáo”.
Tôi cho rằng đó là một việc đáng tiếc, lẽ ra việc đó không nên xảy ra, đối với một người có học thức, có trình độ tiến sĩ như ông Dương Ngọc Dũng, việc đó xảy ra như vậy là quá dở, và để lại một vết nhơ trong cuộc đời và sự nghiệp làm nhà giáo của ông, ở cấp Đại học. Tôi không biện hộ nhưng tôi cần phải giải thích suốt tháng 10 đọc bản thảo cho hơn 170 bài tham luận (trên 2.000 trang A4), sáng tác 174 bài thơ trong vòng 5 ngày, cũng không phải là một chuyện dễ dàng, nên tôi đã không có cơ hội để theo dõi những vụ việc đang xảy ra, và chỉ nghe loáng thoáng vào ngày 2, 3/11, khi quý Phật tử đề cập ở trên xe.
Hỏi:
Kính bạch Thượng tọa, có một vài Facebooker cho rằng, vì ông Dương Ngọc Dũng đã được Thượng tọa khi làm Phó Tổng thư ký Ủy ban Tổ chức Quốc gia Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc – Vesak PL. 2563, DL. 2019 tại Trung tâm văn hóa Phật giáo chùa Tam Chúc, H. Kim Bảng, tỉnh Hà Nam mời làm Điều phối viên cho các phiên diễn đàn trong Hội thảo Khoa học quốc gia (11/5/2019), Hội thảo Khoa học quốc tế (13/5/2019) nên Thượng toạ không thể lên tiếng. Thượng tọa trả lời như thế nào về việc này?
Đáp:
Đó là một nhận xét khá chủ quan, nếu không muốn nói là võ đoán. Tôi xuất gia ngày 29/9/1984, đến năm 1985, 1986, những tờ báo lúc bấy giờ xúc phạm đạo Phật, thì tôi là một trong những người tiên phong, phản biện và giới thiệu những điều chân chính của Phật giáo, để cho các tờ báo thấy rõ việc làm sai của họ và công khai xin lỗi Phật giáo. Cho đến thời điểm năm 1994, khi tôi đi du học, tôi cũng vẫn làm những công việc liên hệ đến việc làm thế nào cho những người có thành kiến, ác cảm với Phật giáo, nói sai về đạo Phật và Tăng Ni, phải lên tiếng xin lỗi, để cho những vụ việc tương tự đó không thể xảy ra.
Tôi rất yêu quý mến Đạo Phật, và đóng vai trò như một Hộ pháp khi các vụ việc thiếu thiện chí xảy ra cần phải đính chính và không nên tái diễn. Giữa tôi và ông Dương Ngọc Dũng không hề có mối quan hệ bạn bè, cũng không hề có mối quan hệ thân thiết nào. Tôi gặp ông Dương Ngọc Dũng được 2 lần:
- Lần đầu khi anh Hòa - chủ nhà sách Văn Lang, đến nhờ tôi dịch lại bộ Thiền luận (3 tập) của Thiền sư D.T. Suzuki, tôi rất cảm kích, nhưng tôi không có thời giờ để tập trung cho công việc đó. Một vài tháng sau, anh Hòa có mời ông Dương Ngọc Dũng đến chùa Giác Ngộ gặp tôi, và cho biết ông Dương Ngọc Dũng sẵn lòng dịch lại bộ sách này để giới thiệu cho giới độc giả, và cả hai đều ngỏ ý mời tôi làm hiệu đính cho dịch phẩm đó. Trực tiếp dịch tác phẩm này thì tôi không có thời gian, nhưng làm hiệu đính thì tôi rất sẵn lòng. Buổi tiếp chuyện đó là lần đầu tiên tôi biết đến ông Dương Ngọc Dũng. Trong buổi tiếp chuyện, tôi thấy, anh ấy có cách nói chuyện rất chững chạc. Buổi gặp đó chỉ bàn về việc dịch thuật, và gợi ý về vấn đề hiệu đính.
- Lần thứ hai là diễn ra ngay vào dịp Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc – Vesak PL.2563, DL. 2019 tại Trung tâm văn hóa Phật giáo chùa Tam Chúc, H. Kim Bảng, tỉnh Hà Nam từ ngày 12 – 14/5/2019 (08 – 10/4 Kỷ Hợi), để lại những thành công, kỷ lục và ấn tượng chưa từng có trong lịch sử 16 năm tổ chức Vesak LHQ. Có một sự cố đã xảy ra trong Đại lễ, đó là Hội thảo Khoa học quốc gia (11/5/2019) sử dụng tiếng Việt, Hội thảo Khoa học quốc tế (13/5/2019) sử dụng tiếng Anh. Trong ngày 11/5/2019, thành phần tham dự chủ yếu là các Tăng Ni, học giả, các nhà Phật học ở trong nước, chương trình Hội thảo đó rất chuẩn, không có Điều phối viên nào đã nhận lời mà vắng mặt. Nhưng riêng trong Diễn đàn tiếng Anh (13/5/2019), thì trong 2 - 3 ngày trước khi Hội thảo diễn ra, có một số diễn giả, học giả mà tôi mời làm Điều phối viên bị bận đột xuất. Trong lúc đó, tôi tìm kiếm người, nhưng không ra, tôi mới nhớ ông Dương Ngọc Dũng, người phát tâm dịch bộ sách trong lần gặp gỡ đầu tiên, và tôi cũng đang làm công tác hiệu đính cho bộ sách đó, lúc đó anh ấy đang có các buổi thuyết giảng tại một số trường Đại học ở Hà Nội, và anh đã nhận lời làm điều phối viên để thế vào khoảng trống đột xuất (có tới 3 người vắng). Hai khoảng trống còn lại thì tôi mời 2 diễn giả người nước ngoài. Theo kế hoạch, mỗi một phiên diễn đàn có một điều phối viên người nước ngoài và một điều phối viên người Việt Nam để có thể phối hợp nhịp nhàng. Hội thảo có 5 chuyên đề chính, mỗi chuyên đề gồm 3 phần buổi sáng và 2 phần vào buổi chiều. Mỗi phiên diễn đàn diễn ra trong vòng 90 - 100 phút. Sau phần thuyết trình của các diễn giả là phần giao lưu, đặt câu hỏi từ các thính giả cho chủ tọa và những người chia sẻ các chuyên đề được ban tổ chức đã chọn thuyết trình.
Hỏi:
Liên quan tới Vesak LHQ 2019 tại Hà Nam, ông Dương Ngọc Dũng kể chuyện và trong phần bình luận, đã thóa mạ Cao tăng trong và ngoài nước. Khi ông nói rằng, một số Cao tăng, Đại lão Hòa thượng nước ngoài đi cùng “bầu đoàn thê tử”, thấy thính giả cười cợt thì ông ấy nhận ra đã nói sai nên sửa lại thành “nhóm Phật tử”. Là người mời ông Dũng, Theo Thượng tọa, thái độ bỡn cợt của ông Dũng đối với các Cao tăng trong và ngoài nước, có chấp nhận được không ạ?
Đáp:
Tôi cho rằng, các vị Cao tăng của Phật giáo nước ngoài đi với “bầu đoàn thê tử”, ông ấy chỉ giả vờ, đóng kịch là mình nói lộn, rồi sau đó xin lỗi để nói lại. Thay vì là “Phật tử”, thì ông ấy nói là “bầu đoàn thê tử”. “Thê” là vợ, “tử” là con, tôi cho rằng, ác ý này, sự thiếu thiện chí này là rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được. Đối với một diễn giả, là một giảng viên đại học của trường Đại học KHXH & NV, vốn rất nổi tiếng về nhân văn, về phong cách đạo đức chuẩn mực của một con người mà một nhà giáo, đứng trước một đối tượng thính chúng, tạo một sự bỡn cợt có dụng ý chứ không phải là vô tình thì tôi cảm thấy rất làm tiếc cho ông ấy. Với vai trò là một người mời ông ấy làm Điều phối viên cho một diễn đàn, thì tôi cảm thấy ông ấy đã làm tốt phiên diễn đàn trong ngày hôm đó. Ngày hôm đó tôi có mặt ở cả 5 phòng hội thảo, và tôi theo dõi rất kỹ cũng như Nhóm trợ lý Ban thư ký của tôi, nhóm cộng sự của tôi, mỗi phòng hội thảo có 4 cộng sự viên trong Ban tổ chức, giỏi tiếng Anh, làm thư ký, quay phim, hỗ trợ cho tất cả các thành viên trong phòng Hội thảo, với mục đích duy nhất, làm thế nào, để giúp cho Hội thảo học thuật đạt được kết quả cao nhất có thể, dầu chỉ là ở mức độ tương đối.
Vì vậy, về phương diện điều phối viên, trong ngày hôm ấy, ông ấy đã làm rất tốt, không có vấn đề gì để nói. Nhưng trong video clip tôi xem từ Phật Sự Online[1], tôi thấy rất rõ. Theo nhận định của tôi, đây là một thái độ giỡn cợt, mang ý xúc phạm đến các bậc Cao tăng. Về việc này, với tư cách là người mời ông Dương Ngọc Dũng, tôi khuyên ông Dương Ngọc Dũng nên xin lỗi các bậc Cao tăng mà anh ấy đã đề cập đến với sự bỡn cợt, với dụng ý rất xấu, “thê tử”, đó là vợ, con; đây là điều mà một người bình thường cũng không nên bỡn cợt, huống là một diễn giả, một học giả, một Tiến sĩ dạy cấp Đại học. Nếu anh vẫn chối từ việc xin lỗi thì tôi cho rằng, uy tín của anh ngày càng thuyên giảm thôi. Và vụ việc này, đã làm cho anh bị đánh giá một cách rất tiêu cực.
Tôi mong sao, đừng vì mình có được một cơ hội có mặt trong một diễn đàn lớn của Phật giáo thế giới, không tiếp nhận được những cái hay, cái tích cực, mà lại biến nó trở thành một cơ hội bỡn cợt sau đó, thì sự việc này không chịu trách nhiệm của tôi. Ai phát biểu bỡn cợt sau Hội thảo, thì người đó phải chịu trách nhiệm, nếu nó xúc phạm đến nhân phẩm của các vị Tăng Ni. Theo Luật của Việt Nam, xúc phạm nhân phẩm là một tội, mà người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Còn trong thời gian Đại lễ Vesak LHQ diễn ra tại Hà Nam thì anh Dũng không có những phát biểu giỡn cợt đó. Đây là điều tôi nghĩ anh Dũng nên xem xét lại thái độ giỡn chơi của mình, tưởng chừng như vô thưởng vô phạt, nhưng đã để lại những hậu quả rất xấu, rất tiêu cực. Những người ngồi nghe anh giỡn cợt như thế lại cười ồ lên. Họ cười trên thái độ thiếu nghiêm túc, xúc phạm đến nhân phẩm của các bậc Cao tăng, đó là điều mà ngay cả những người cười, hòa theo thái độ giỡn cợt đó, tôi cho rằng, cũng thiếu tư cách.
Với tư cách là người mời ông Dương Ngọc Dũng làm điều phối viên cho các diễn đàn, tôi lên án hành động thiếu nghiêm túc này, và tôi đề nghị anh hãy chính thức nói lời xin lỗi. Khi tôi xem video nêu trên, tôi cũng đã chuyển lời tới anh Hòa, là vì trong chuyến đi Mông Cổ cách đây vài tháng, tôi đã mất điện thoại. Do đó, tất cả các số điện thoại, tôi đã mất hết, trong đó bao gồm cả số của ông Dương Ngọc Dũng, nên tôi chưa có điện thoại trực tiếp. Thông qua Viber với anh Hòa, thì tôi có chuyển lời hai lần, nhưng mà cho đến giờ, tôi vẫn chưa thấy có một lời xin lỗi chính thức nào! Tôi cho rằng, các chậm trễ xin lỗi tới các bậc Cao Tăng, thì tôi cho rằng, uy tín của anh Dũng sẽ ngày càng bị đánh giá tiêu cực hơn.
Hỏi:
Bạch Thượng tọa, cũng trong video nêu trên, ông Dương Ngọc Dũng nói về việc chuẩn bị cho các phiên diễn đàn, một số Trưởng lão Phật giáo nước ngoài lên bàn đầu ngồi, nhưng do bàn ghế đó Ban tổ chức đã xếp cho các khách VIP khác, nên nhân viên tới xin lỗi và mời các vị sư rời xuống các hàng ghế thứ 2, thứ 3, thì các vị Sư không hài lòng, khiến quý Phật tử phải năn nỉ kéo tay. Còn một số vị Sư Việt Nam, thì lại mải lo chụp ảnh, selfie, nhất là chụp ảnh với nguyên thủ Quốc gia…thay vì tập trung vào thảo luận. Là Phó tổng thư ký Vesak LHQ 2019, và cũng là người mời ông Dũng làm điều phối viên, xin Thượng tọa cho biết thực hư câu chuyện này như thế nào?
Đáp:
Các thông tin ông Dương Ngọc Dũng nêu ra, mà câu hỏi đặt cho tôi thì tôi cho là lạc dẫn, ngộ nhận, sai lầm, và có một phần dựng chuyện. Tôi xin phân tích một cách vắn tắt như thế này:
“Ngày diễn ra Hội thảo khoa học Quốc tế là ngày thứ hai của Đại lễ Vesak LHQ tại Hà Nam. Trong ngày thứ hai, xin thưa với quý vị, không có Cao tăng[2] nào tham dự. Trong ngày Hội thảo học thuật, chỉ có các học giả, các học giả đó có thể là các Tăng, các Ni, các cư sĩ, các nhà nghiên cứu, có thể họ là Phật tử, có thể họ không là Phật tử, miễn các bài nghiên cứu nào phản ánh đúng được chủ đề mà đại lễ Phật đản LHQ năm 2019 đặt ra, với tư cách là người chủ biên của các quyển sách xuất bản, cũng như là Tổng điều phối các cuộc Hội thảo tiếng Việt và tiếng Anh, thì chúng tôi và các cộng sự chọn và sắp xếp các lịch thuyết trình. Cho nên, ông Dương Ngọc Dũng cho rằng, có sự tham dự của các Cao Tăng mà ông dùng là “Đại Cao Tăng” thì tôi cho rằng, đây là một thông tin rất ngộ nhận, và khái niệm “Đại Cao Tăng” của ông ấy dùng, để tạo nên sự giỡn cợt mà ông ấy nêu ra, rằng, cũng giống như các cô gái đang ngồi trước mặt ông, nghe ông thuyết trình vậy. Tức là, đánh giá các bậc Cao Tăng – vốn do ông dựng lên, không có thật, bằng với các cô gái đang ngồi nghe ông nói, đó là một sự xúc phạm rất có dụng ý, không thể chấp nhận được.”
Thông tin lạc dẫn và sai lầm thứ hai, là nguyên thủ quốc gia không có mặt trong phiên Hội thảo khoa học Quốc tế. Các nguyên thủ quốc gia của nước ngoài, bao gồm Phó Tổng thư ký LHQ, Phó Tổng thống Ấn Độ, Thủ tướng Nepal, Chủ tịch Thượng viện Buhtan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, và các vị Phó Thủ tướng khác, cũng như Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và nhiều quan chức, nguyên thủ hoàn toàn không hề có mặt trong bất kỳ một phiên diễn đàn nào thuộc 5 nhóm Diễn đàn bằng tiếng Anh, hay bằng tiếng Việt. Nên việc ông Dương Ngọc Dũng đưa sự kiện các vị Cao tăng này chỉ lo mải mê chụp hình với các nguyên thủ quốc gia, thay vì phải tập trung vào việc thảo luận, đó là một sự dàn dựng.
Tôi là người làm Tổng điều phối các Hội thảo, là Phó Tổng thư ký của Đại lễ Phật đản LHQ, chương trình của các vị Nguyên thủ chỉ có mặt trong ngày khai mạc, một số vị có mặt trong ngày bế mạc, một số vị có mặt trong buổi chiêu đãi của Chính phủ CHXHCN Việt Nam đối với các vị khách quốc tế. Còn Hội thảo khoa học là dành cho các học giả, cho các nhà nghiên cứu Phật học, liên hệ đến những vấn đề mà thế giới và Việt Nam đang quan tâm. Cho nên, tôi không thể hiểu nỗi, bằng động cơ gì mà ông Dương Ngọc Dũng lại dựng lên một câu chuyện không có thật đó, với một mục đích mà tôi cho rằng ông ấy muốn nói các vị Cao tăng Phật giáo là những người không ra gì hết.
Trong các diễn đàn của Hội thảo khoa học quốc tế (13/5/2019) hoàn toàn chỉ có các học giả. Và ông Dũng, có lẽ không hiểu hết khái niệm Mahathera bằng tiếng Pali, trong bối cảnh Luật học Phật giáo, cho nên đã cố tình diễn giải rằng, đó là các vị Đại Cao tăng, đến từ Sri Lanka, Miến Điện v.v… Theo giới luật của Đức Phật, để trở thành một vị Thera (Thượng tọa), một vị Tỳ-khưu/Tỳ-khưu-ni, phải trải qua 20 tuổi hạ và 40 tuổi đời, và sau thời gian làm Thera 10 năm, trong truyền thống của các nước Phật giáo Nam truyền, thì các vị ấy được gọi là Mahathera. Trên thực tế, trong khái niệm Mahathera, các vị tu sĩ với 30 tuổi hạ và 50 tuổi đời đã được gọi là Mahathera. Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Việt Nam quy định Mahathera là giáo phẩm Thượng tọa và gần bằng giáo phẩm Hòa thượng tại Việt Nam. Trong Hội thảo Học thuật, vì tôi là người mời, và tôi cũng là người duyệt bài chính ở trong Nhóm trợ lý Ban thư ký đối với các học giả đến tham dự, nên tôi biết rất rõ diễn đàn nào có những ai tham dự trong những ngày hôm đó. Cho nên, nói rằng có các Cao tăng, có các Mahathera thì đó là thông tin không chính xác. Có thể có 1, 2 vị Hòa thượng đến dự, chứ không thể nói là tất cả, hay nói là “các vị Cao tăng”.
Tôi nghĩ rằng, sự võ đoán của ông Dương Ngọc Dũng trong trường hợp này sẽ gắn kết với mục đích rằng “đã là một người tu rồi, mà còn chấp ngã về cái chỗ ngồi”. Thực tế thì sự kiện đó không xảy ra. Trong Ban tổ chức, không có bất cứ một quy định nào rằng, trong Hội thảo Học thuật thì các vị Hòa thượng sẽ ngồi ở bàn đầu, những vị khác ngồi bàn hai, những vị nào ngồi ở bàn thứ ba, thứ tư… Ai vào trước thì ngồi trước, ai vào sau thì ngồi sau… Còn khi có một vị khách nào đó tới, cần ngồi ở bàn đầu, mà bàn đầu còn trống ghế thì ngồi.
Tất cả các phiên diễn đàn trong ngày Hội thảo Học thuật, Ban tổ chức chúng tôi đều có quay phim tư liệu. Tôi yêu cầu ông Dương Ngọc Dũng hãy dẫn chứng về việc các vị mà ông gọi là Cao Tăng đó, thể hiện “gương mặt không vui, ý ông nói là tu mà còn chấp ngã, thì người tu đó chả ra gì?” Tất cả các tệp video chúng tôi còn giữ trong thư mục Google Drive tu liệu hoạt động. Nếu ông Dương Ngọc Dũng không tìm ra được các bằng chứng để chứng minh được việc ông nói là có thật, thì ông hãy nên xin lỗi, vì việc phịa chuyện như thế này là không thể chấp nhận được. Nhất là dựa vào sự thành công rất lớn của Đại lễ Phật đản LHQ 2019 diễn ra tại Việt Nam mà nói như thế, là xúc phạm đến cộng đồng Phật giáo thế giới, xúc phạm đến lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, mà đặc biệt là xúc phạm đến tôi, vì tôi là người mời ông Dương Ngọc Dũng làm điều phối viên.
Về vấn đề này, tôi rất không hài lòng, và yêu cầu ông Dương Ngọc Dũng phải có câu trả lời thẳng thắn về vấn đề này.
Một vấn đề khác, trong phát biểu, ông Dương Ngọc Dũng có ý cho rằng là, tu sĩ mà còn selfie, chụp hình, với một ngữ điệu giọng nói, cách diễn đạt rất khinh thường. Thực tế là tu sĩ là công dân. Hễ là công dân của Việt Nam, những gì luật pháp Việt Nam không cấm, thì tất cả các Tăng Ni đều được quyền. Và ông Dương Ngọc Dũng nên tôn trọng quyền này. Ở trong Hội thảo, Ban tổ chức chúng tôi không hề quy định không được chụp hình, chụp hình từ Ban tổ chức, chụp hình từ cá nhân, hay selfie. Các nguyên thủ quốc gia, ở các sự kiện thế giới, vẫn thích chụp hình selfie! Đó là kỷ niệm sự kiện đó, đó là quyền, đó cũng là cách để truyền thông về sự kiện và góp phần tạo nên sự thành công của sự kiện. Cho nên, không thể vì chuyện nào đó, như vị thầy A, Sư cô B, hay Thượng tọa C chụp selfie ở trong một phiên Hội thảo, mà anh ấy lại có thái độ bỡn cợt, phê bình, chỉ trích, khinh thường,… Điều đó tôi cho rằng là thiếu hiểu biết về luật pháp, thiếu hiểu biết về quyền tự do, được luật pháp bảo hộ.
Tóm lại, tôi cho rằng, đoạn clip mà ông Dương Ngọc Dũng đã bỡn cợt thể hiện thái độ thiếu nghiêm túc của anh ấy, xúc phạm của anh ấy đến với Tăng Ni, mà dữ liệu để anh ấy xúc phạm, là những câu chuyện hư cấu! Anh ấy tự dựng chuyện ra! Anh ấy làm cho anh ấy có quyền được phê bình, và tạo ra tiếng cười rẻ tiền từ những người đang ngồi nghe anh ấy nói chuyện ở trong một clip nào đó, tại một địa điểm nào đó mà tôi không xác định được! Một lần nữa, với tư cách làm người Tổng điều phối của hội thảo, tôi có đủ các bằng chứng, video, và tôi khuyên ông Dương Ngọc Dũng hãy nên chân thành xin lỗi về câu chuyện anh dựng lên không có thật này, và anh nên kết thúc việc giỡn cợt đó. Trong thời gian trải qua quá nhiều ngày, mà chậm lên tiếng như thế, đang khi, những câu chuyện ấy không có thật, thì càng chậm chừng nào, càng làm cho tư cách của anh bị đánh giá thấp chừng ấy!
Hỏi:
Kính bạch Thượng tọa. Liên quan đến thư kiến nghị của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đăk Lăk phản đối những phát ngôn ác ý đối với Phật giáo của TS. Dương Ngọc Dũng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học KHXH & NV- Đại học Quốc gia TP. HCM, nơi ông Dũng đang là trưởng Bộ môn Kinh tế Quốc tế, khoa Quan hệ Quốc tế, đã có công văn phúc đáp ngày 29/10/2019, cho biết: “Qua trao đổi với tiến sĩ Dương Ngọc Dũng, ông khẳng định trong quá trình trả lời phóng viên, ông chỉ đề cập đến một số nhà sư phạm giới luật, không hàm ý toàn bộ giới Tăng Ni Phật tử”. Theo Thượng tọa, trả lời của ông Dũng có thỏa đáng hay không ạ?
Đáp:
Về vấn đề này, tôi cho rằng, cách ông Dương Ngọc Dũng trả lời không phản ánh đúng sự thật! Văn bản trả lời của Phó Hiệu trưởng trường Đại học KHXH & NV là trích lại lời của ông Dũng nên dẫn đến kết quả là bao biện. Thật ra, trong câu trả lời của ông Dương Ngọc Dũng đối với báo điện tử Zing mà ngày hôm qua tôi có đọc được từ các Phật tử trong đoàn hành hương Đạo Phật Ngày Nay gửi cho tôi, rõ ràng ông ấy không phải chỉ là nói về ĐĐ. Thích Thanh Toàn – Trụ trì Chùa Nga Hoàng, tỉnh Vĩnh Phúc, sau scandal của thầy ấy, sau đó thầy ấy đã xả giới hoàn y, mà sự vụ đó làm cho một số quần chúng Việt Nam mất niềm tin đối với Tăng Ni. Phóng viên Hoài Thanh hỏi về ĐĐ. Thích Thanh Toàn, nhưng ông ấy trả lời vào nội dung gắn kết với Tăng Ni, với dụng ý theo tôi không lành mạnh, có thái độ rất tiêu cực đối với Phật giáo. Việc đó trực tiếp xúc phạm đến tôi, vì tôi là một tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho nên tôi không chấp nhận cách trả lời của ông Dương Ngọc Dũng về vấn đề này.
Văn bản của trường Đại học KHXH & NV trả lời tôi cho rằng chưa thỏa đáng. Ở đây, nhân việc của ĐĐ. Thích Thanh Toàn, ông ấy lợi dụng để nói khéo, phê phán các Tăng Ni, dẫn đến sự xúc phạm từ đó nó mới dẫn đến tình trạng là 6,7 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại các tỉnh, thành gửi công văn phản đối. Trong cộng đồng mạng, rất nhiều người đã phản đối khi quý Thầy, Cô của họ bị ông Dương Ngọc Dũng xúc phạm, họ phải lên tiếng góp ý ông Dương Ngọc Dũng, và khuyên ông Dương Ngọc Dũng không nên lợi dụng vào sự kiện của thầy Thích Thanh Toàn để xúc phạm các Tăng Ni và thóa mạ Phật giáo. Việc nào ra việc đó! “Mía sâu có mắt, nhà dột có nơi”! Đưa sai lầm của thầy Thích Thanh Toàn thì thấy ấy đã nhận quả báo nhãn tiền rồi. Nếu có phê bình thì phê bình vào cái sai lầm của thầy ấy, hành vi ứng xử, lời nói của thầy ấy! Đừng nên móc nối qua việc của các Tăng Ni khác, và làm cho người ta có thành kiến xấu, giống như đổ dầu vào lửa! Tôi cho rằng, cách phát biểu như thế, từ góc độ học thuật là không thể chấp nhận được. Tôi không tán đồng với cách phát biểu đó! Và tôi cho rằng, trả lời của ông Dương Ngọc Dũng được Phó hiệu trưởng trường Đại học KHXH & NV trích lại là một sự ngụy biện, chứ chưa bày tỏ được thái độ chân thành của một người khi nhận thấy được lời phát biểu của mình là đi lệch hướng, gây xúc phạm. Thay vì xin lỗi, thì sự ngụy biện đó chỉ làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng thôi!
Hỏi:
Kính bạch Thượng tọa. Khi ông Dương Ngọc Dũng trả lời báo điện tử Zing, thay vì nhận xét cụ thể về trường hợp của thầy Thích Thanh Toàn, cho rằng ông có tài sản 300 tỷ đồng, thì ông Dương Ngọc Dũng khéo léo khẳng định, đi tu là nghề kiếm sống, nghề mưu sinh. Ông phê phán Tăng Ni, con xin trích nguyên văn: “Có rất nhiều người xem việc tu hành như một nghề kiếm sống. Bản thân đi tu nhưng không phải có tâm nguyện hướng về Phật. Muốn tu tâm dưỡng tính, hay Theo đuổi chân lý Phật khác, mà đi tu để tìm kiếm một nghề mưu sinh”. Theo thầy, ông Dũng có phải chỉ đề cập đến một số nhà sư phạm giới luật hay hàm ý toàn thể giới Tăng Ni Phật tử?
Đáp:
Câu hỏi rất hay và trong câu hỏi đã có một phần câu trả lời! Điều đó cũng củng cố cho quan điểm của tôi, rằng cách trả lời của ông Dương Ngọc Dũng chỉ là ngụy biện. Thực ra, ông mượn sự kiện của thầy Thích Thanh Toàn, để chuyển hướng sang Tăng Ni Việt Nam. Ông Dương Ngọc Dũng cho rằng, ông chỉ nói đến những vị phạm giới, cụ thể là thầy Thích Thanh Toàn thì tôi cho rằng đó cũng chỉ là lời biện hộ. Mà biện hộ khi có đủ các bằng chứng là điều không nên. Nó càng làm cho người ta đánh giá thấp về ông Dương Ngọc Dũng. Cho nên, đến như thế này thì tôi đề nghị và gửi lời khuyên chân thành của tôi, người đã có 2 lần gặp gỡ ông Dương Ngọc Dũng, đó là vụ lùm xùm, tai tiếng do những phát biểu thiếu chín chắn của anh, anh hãy mạnh dạn xin lỗi Tăng Ni, bày tỏ nhận thức sai lầm của mình, và cam kết không tái phạm, thì việc này có thể khép lại rất nhanh.
Nhân đây, tôi cũng xin nói thêm, đánh giá việc đi tu là một cái nghề, vừa là thiếu hiểu biết về luật pháp, vừa là xúc phạm tất cả các tu sĩ nói chung, bao gồm tu sĩ Phật giáo, tu sĩ Thiên Chúa giáo, tu sĩ Tin Lành giáo, hay là tu sĩ của bất cứ tôn giáo nào được luật pháp Việt Nam hiện nay chấp nhận là tôn giáo hoạt động hợp pháp.
Tu sĩ là người đi tu, tu (P. Bhavana) là chỉnh sửa, tức là phát triển tâm. Chỉnh sửa và phát triển tâm theo Phật giáo là làm chủ cảm xúc, tâm tư, nhận thức, thái độ, thói quen để biến mình từ một người phàm trở thành chân nhân, từ chân nhân trở thành tiệm cận thánh nhân, từ tiệm cận thánh nhân trở thành thánh nhân, hữu ích cho mình và có giá trị cho đời. Tu sĩ là như vậy! Dù theo bất kỳ tôn giáo nào, tôi vẫn tin rằng những người làm tu sĩ đều phát xuất từ lý tưởng cao quý đó, dĩ nhiên là tôi không loại trừ có một số người lợi dụng vào tôn giáo, và không đi theo lý tưởng của tôn giáo mình đã đặt ra, họ lợi dụng bằng cách này hay cách khác thì đó là thiểu số. Cho nên, đừng vì sự kiện cá nhân của thầy Thích Thanh Toàn để bắt quàng xiên, nói xăm xỉa rằng, Tăng Ni Phật giáo Việt Nam đi tu như một cái nghề, để kiếm tiền sống. Đó là một sự xúc phạm không thể tha thứ được, và cũng không thể nào bỏ qua được.
Tôi cho rằng việc đi tu theo Đức Phật dạy, cuộc đời này là vô thường, sự hưởng thụ khoái lạc giác quan rồi cũng trở nên kết thúc, dẫn đến những lệ thuộc, thậm chí là những khổ đau ở thân tâm, dẫn đến những hệ lụy khác. Cho nên, Đức Phật đã từ bỏ cơ hội làm vua, mở ra một truyền thống tỉnh thức, kêu gọi những người có lý tưởng cao quý, thành công trong đời, vượt qua hết tất cả những cơ hội hưởng thụ của mình để phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo, sáng soi đạo Pháp, hộ quốc an dân. Do đó, đi tu là một quá trình phải hi sinh bản thân, để mang lại lợi ích cho cộng đồng, quốc gia, lớn hơn là toàn cầu.
Tu sĩ, cho dù là của tôn giáo nào, đi tu như một cái nghề, hay “hành nghề tôn giáo” để kiếm sống, là một sự xúc phạm trắng trợn đến toàn thể tu sĩ trên toàn cầu nói chung, toàn thể tu sĩ các tôn giáo tại nước Việt Nam nói riêng! Điều đó là không nên. Tôn giáo có những giá trị thiêng liêng, nếu mình không có đủ lý tưởng cao quý để phụng sự nhân sinh, trong việc trở thành tu sĩ, thì cũng đừng nên về một chuyện không hay để xiên xỏ, phê bình, chỉ trích các tu sĩ khác. Người không làm được thì nên tôn trọng những người làm tu sĩ vì những lý tưởng và xuất gia chân chính.
Nhân đây, tôi cũng khuyên tất cả những ai đã, đang và sẽ tìm cách săm soi, chửi bới, phê bình, chỉ trích, nói xấu, vu cáo, xuyên tạc Tăng sĩ Phật giáo, dù là Tăng hay Ni, hoặc là tu sĩ của các tôn giáo, thì hãy nên đánh giá lại nhân cách, đạo đức của bản thân mình. Mỗi người được tôn trọng bởi luật pháp. Thành phần nào, dù là tu sĩ hay thường dân, trong thường dân thì dù là làm chính trị, giáo dục, kinh tế, văn hóa, xã hội hay bất cứ là lĩnh vực gì, đó là quyền lựa chọn và được luật pháp bảo hộ. Anh/chị không thể vì quyền lựa chọn nghề nghiệp của mình khác với các tu sĩ, còn mình thì lại săm soi, phê bình, chỉ trích, nói xấu.
Cái đó là bất công, phạm vào quyền tự do, tự do tôn giáo, và xúc phạm nhân phẩm của người khác! Nếu không hiểu được lý tưởng xuất gia, không thấy được giá trị đóng góp của các bậc tu sĩ cho con người và cho cuộc đời mà phê bình như vậy, hành xử như thế cho thấy người phát biểu có một cái nhìn rất thiển cận về lịch sử của các vị tu sĩ trên toàn cầu trong mấy nghìn năm phụng sự con người, và các Tăng sĩ Phật giáo tại Việt Nam đã đóng góp cho đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Hỏi:
Điều khiến ông Dương Ngọc Dũng bị các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại một số tỉnh, thành phản đối nhiều nhất là khi ông thóa mạ mục đích và lý tưởng xuất gia của Tăng, Ni, khi ông nói rằng: “Người không có công ăn việc làm, mồ côi, nghèo, nên cha mẹ gửi vào chùa. Từ chuyện đáng lẽ chết đói, đi ăn xin ngoài đường, thì đột nhiên vào chùa, có sư nuôi, rồi được thiên hạ đến cúng. Mới hôm qua người ta gọi mình bằng ‘thằng’, nay chỉ cần cạo đầu, mặc bộ đồ lam, tự nhiên được gọi bằng thầy, có chỗ ở, được cho đi học. Đi tới đâu, người ta kính nể tới đó thì có thích không? Họ chỉ mượn bóng cửa thiền để trải qua cuộc sống một cách dễ chịu, thay vì tự mình phải đi lao động ở ngoài”. Ông Dũng dùng chữ “có rất nhiều người”, và lại khẳng định như vậy, lại không dựa được vào những thống kê, đối chiếu xác đáng như việc làm thường thấy, bắt buộc của mọi nhà khoa học, nhà trí thức, thì Thượng tọa có cho rằng đó là vội vã, hàm hồ, mà ông bà ta gọi là “vơ đũa cả nắm”?
Đáp:
Tôi cho rằng, đoạn văn được báo điện tử Zing trích từ lời phát biểu của ông Dương Ngọc Dũng đã cho thấy ông ấy có thành kiến, ác cảm, nói xấu, thóa mạ, phê bình, chỉ trích, thậm chí có sự chủ đích trong việc xúc phạm nhân phẩm Tăng Ni, Phật giáo Việt Nam. Điều này đáng bị lên án, và tôi đề nghị ông Dương Ngọc Dũng hãy dùng lương tâm trong sáng của mình để xin lỗi toàn thể Tăng Ni Phật giáo Việt Nam, những người đã bị trực tiếp hay gián tiếp xúc phạm, qua lời phát biểu thiếu sự chín chắn nêu trên.
Theo giới luật của đức Phật, mọi thành phần xã hội trong bối cảnh xã hội của Ấn Độ thời đức Phật, gồm có giai cấp Bà-la-môn, độc quyền giáo dục và tôn giáo; giai cấp Sát-đế-lợi, độc quyền về chính trị và quân sự; giai cấp thương gia độc quyền về các loại hình kinh tế; giai cấp nô lệ bị chà đạp nhân phẩm để phục dịch cho các giai cấp trên, đều có quyền bình đẳng ngang nhau để trở thành đệ tử Phật, dù tại gia hay xuất gia.
Đức Phật Thích-ca là người đầu tiên trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, đề cao tinh thần bình đẳng đó, và giá trị của một con người theo đức Phật, nằm ở chất liệu trí tuệ, từ bi và những đóng góp của họ cho xã hội và cộng đồng, bất luận họ là ai, ở vị trí xã hội nào, giới tính nam nữ, tuổi lớn hay nhỏ, màu da, sắc tộc, hay quốc tịch v.v… Đây là điểm tiên phong của Đức Phật trong việc đề cao nhân phẩm của con người, dựa vào giá trị đạo đức và đóng góp của người đó, thay vì đối với truyền thống của Ấn Độ cổ đại, người ta dựa vào giai cấp. Do đó, ở tại một số chùa, chuyên về nhân đạo và từ thiện, đứng trước cảnh tượng các cháu mồ côi không có nơi nương tựa, hoặc bị quăng bỏ vỉa hè của nhà chùa, hoặc được ai đó đem vô chùa cho, thì các Thầy, Cô, vì lòng từ bi lớn, nuôi những người đó như con ruột của mình, mặc dù không có quan hệ huyết thống. Cho nên hành động từ bi, nhân đạo rất đáng được trân trọng. Trong số các cháu cô nhi đó, cũng có một số các cháu trở thành những chú tiểu, rồi sau đó trở thành các vị Đại đức, các Sư cô. Số này dù không nhiều, nhưng cũng có. Trong số đó, có những người rất thành công, có bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ, làm thầy, giảng kinh, thuyết pháp, làm các Phật sự, đóng góp nhiều cho đất nước Việt Nam, con người Việt Nam. Cho nên, lời phát biểu của ông Dương Ngọc Dũng đã xúc phạm đến thành phần mà tôi cho rằng kém may mắn trong xã hội, đó là những người cô nhi. Tại sao phải thóa mạ các thành phần cô nhi và không cho họ được trở thành người tu? Đó là quyền được luật pháp bảo hộ mà? Và luật Phật khích lệ như thế! Đó là một trong những lời dạy rất cao quý của Đức Phật. Bối cảnh gia đình của anh như thế nào, vị trí xã hội của anh ra sao, nhưng vào trong Phật giáo rồi, giống như trăm sông tuôn về biển, chỉ có một vị mặn thôi, chứ không còn phân biệt về bối cảnh gia đình, xã hội, để phân cao và thấp như trong bối cảnh xã hội Ấn Độ cổ đại.
Thứ hai, sự xúc phạm của ông Dũng, là khi dùng hai từ “thằng” và “thầy”. “Thằng” là một từ biểu tỏ sự miệt thị, một thái độ không thiện cảm, khinh thường, thóa mạ; còn từ “Thầy” là tôn kính, cao quý. Phát biểu của ông ấy cho thấy ông ấy thiếu kiến thức về Phật Pháp, mặc dầu ông ấy đã dành ra cả năm trời để dịch bộ Thiền luận (3 tập), trên 1500 trang rất dày công mà chả thấm gì những thông điệp mà Thiền sư D.T. Suzuki đã truyền tải! Tôi cho rằng, phát biểu đó làm cho đóng góp của ông ấy về việc dịch lại bộ sách đó bị mất đi hết, rất đáng tiếc!
Thông thường, để trở thành một người xuất gia, thì giới luật Phật chế quy định rất rõ, nếu người đó xuất thân từ một tôn giáo khác phải có một thời gian tập sự, để vượt qua được những nhận thức sai lầm, mê tín; Và xem lý tưởng xuất gia cao quý để phụng sự nhân sinh của đạo Phật là thật sự phát xuất từ lý tưởng hay không?
Theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam[3] hiện nay, bất cứ một thiện nam, thiện nữ nào, bất luận bối cảnh gia đình, xã hội hay tôn giáo, nếu có nguyện vọng và lý tưởng đi tu, thì được vào chùa tập sự trung bình 2 năm. Sau đó mới được chính thức làm lễ thế phát xuất gia. Làm lễ xong, được gọi là “chú tiểu”. “Chú tiểu” có hai nghĩa, nghĩa đen là một người còn nhỏ tuổi, “tiểu” nghĩa là nhỏ; nghĩa thứ hai, là người mới tập sự. Sau một vài năm, nếu có tiến bộ trong việc học Phật, tu Phật, thuộc kinh, giữ gìn giới luật tốt, thì chú tiểu đó mới được thầy của mình cho phép thọ giới làm Sa-di. Từ lúc đó mới chính thức làm người xuất gia.
Từ lúc làm Sa-di đối với nam, Sa-di-ni đối với nữ, tối thiểu là 3 năm, theo quy định của Hiến chương và nội quy Ban Tăng sự thì vị tu sĩ đó mới được thầy của mình cân nhắc, xem xét đủ các chuẩn mực theo quy định của Hiến chương đặt ra, đó là tối thiểu lớp 12 về Thế học, và tối thiểu Trung cấp Phật học, thì mới đủ tiêu chuẩn cho phép thọ giới làm Tỳ-khưu, tức là làm thầy, và Tỳ-khưu-ni, là làm sư cô. Để có được bằng tốt nghiệp Trung cấp Phật học, nếu ở tại Tp. HCM, phải trải qua 2 năm Sơ cấp Phật học, và 4 năm Trung cấp Phật học, tồng cộng là 6 năm. Với 6 năm học Phật như vậy, kiến thức Phật học tương đối chững chạc rồi, đủ sức để giảng kinh, thuyết pháp, ứng dụng Phật Pháp vào trong đời sống, có thể tư vấn mà giải quyết các vấn nạn khổ đau cho quần chúng tại gia. Và trình độ lớp 12 là kiến thức nền tối thiểu để giúp cho một tu sĩ có thể vận dụng được kiến thức đời, dữ liệu đời ở trong xã hội, minh họa vào trong các bài giảng, để giúp cho người tại gia nghe giảng kinh Phật trong bối cảnh ngôn ngữ hiện đại dễ hiểu hơn, dễ tiêu hóa hơn và dễ thực hành hơn.
Việc ông Dũng nói cường điệu, “là người mồ côi, hôm trước người ta gọi mình bằng ‘thằng’, hôm sau gọi mình bằng ‘thầy’”, đó là vu cáo, làm gì chỉ có hai ngày, mà từ một người mồ côi để trở thành thầy? “Mồ côi” là người nhỏ tuổi, vài ba tháng tuổi, vài tuần tuổi, vài năm tuổi. Để được chính thức làm “Thầy”, thì tuổi quy định là phải ít nhất 20 tuổi; còn tuổi trong đạo: 2 năm thực tập, một năm mấy làm thực tập chú tiểu, 3 năm làm Sa-di, ít ra cũng là 5,6 năm. Rồi hội đủ kiến thức, đạo đức, lý tưởng mới được chính thức làm Thầy, làm Sư cô, chứ làm gì diễn ra trong 2 ngày!
Trong xã hội của thế kỷ 21, trình độ khoa học kỹ thuật đạt đến đẳng cấp 4.0, mà dựng lên những câu chuyện không có thật, thóa mạ Tăng Ni như thế, thì tôi cho rằng, ông Dũng không thể biện hộ rằng ông sơ suất, vì ông ấy là một người có nghiên cứu về Phật học, tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Tôn giáo học ở Hoa kỳ! Dịch thuật được 3 bộ Thiền luận, trong dịch thuật tôi là người hiệu đính, tôi đã đọc rất kỹ các chú thích của ông ấy. Ông ấy đối chiếu văn bản, so sánh rất cẩn trọng nên không thể nói lời phát biểu ấy là sơ suất được. Ở đó, có dụng ý ác cảm, thành kiến, phê bình chỉ trích Tăng Ni, mượn sự kiện của thầy Thích Thanh Toàn để phê phán Tăng Ni, Phật giáo Việt Nam, làm cho cộng đồng Việt Nam mất thiện cảm với Phật giáo, đó là thái độ thiếu chín chắn, không thể chấp nhận được. Do đó, việc ông ấy phản ánh, lúc đầu ông ấy nói rằng “đi tu như một cái nghề”, rồi sau đó ông ấy nói rằng, trong vòng hai ngày, từ một người mồ côi trở thành một nhà sư, làm thầy, được bao nhiêu người tôn trọng, cho nên nhiều người lợi dụng vào đó, để trở thành tu sĩ không ra gì! Cho nên, hàm ý mà ông ấy muốn cho người đọc và nghe phát biểu của mình nó nằm ở chỗ đó.
Nếu người không có hiểu biết về Phật giáo, tin vào bằng Tiến sĩ Tôn giáo học của ông ấy, nghĩ rằng việc đó là có thật, thì người ta sẽ đánh giá thế nào về Tăng Ni Việt Nam đây? Tôi cho rằng, đây là sự xúc phạm nhân phẩm đối với tập thể 57.000 Tăng Ni tại đất nước Việt Nam. Đó không phải là chuyện đùa! Mặc dù, lúc đầu tôi gặp ông ấy, mời tôi tham gia làm hiệu đính thì tôi rất trân quý! Bất cứ ai, tôn giáo nào, dịch sách Phật học ra tiếng Việt là tôi trân trọng. Nhưng khi tôi nghe phát biểu này vào ngày hôm qua thì tôi không thể nào chấp nhận được! Không thể nào không phát biểu và không trả lời được. Do đó, tôi tha thiết một lần nữa, kêu gọi ông Dương Ngọc Dũng hãy sớm thức tỉnh lương tâm của mình, xin lỗi tới cộng đồng Phật giáo Việt Nam, tới tất cả các Tăng Ni mà ông ấy đã xúc phạm bởi lời phát biểu rất cố tình thóa mạ, không thể nói rằng ông ấy không có kiến thức Phật giáo, để mà nói là đây là một sơ suất, và dù là sơ suất đi nữa thì cũng nên xin lỗi chứ không có ngụy biện.
Hỏi:
Kính bạch Thượng tọa, khi phóng viên bên Zing hỏi: “Trong một thời gian ngắn, mà hết ồn ào của chùa Ba Vàng, đến việc sư Toàn, nhiều người đã mất niềm tin vào đạo Phật, và nhà sư”, thì ông Dương Ngọc Dũng khẳng định nền tảng đạo Phật đã lung lay từ lâu. Ông dẫn chứng một số trường hợp phạm giới luật, và kết luận tiếp: “Nền tảng đã lung lay từ lâu rồi chứ không phải mới bây giờ. Lung lay khi có nhiều bộ phận không phải là chân tu”. Vậy câu “Nền tảng của đạo Phật đã lung lay từ lâu” nên được hiểu như thế nào, thưa Thầy?
Đáp:
Đây là một đoạn phát biểu rất hàm hồ của ông Dương Ngọc Dũng và có dụng ý xấu. “Nền tảng Phật giáo”, tiếng Anh gọi là Basis of Buddism, được hiểu trong triết lý Phật giáo là Tứ Thánh Đế - Bốn sự thật để làm cho một người từ phàm trở thành thánh, làm cho một người khổ đau trở thành an vui, hạnh phúc. Làm cho một người bế tắc có thể giải quyết được những vấn nạn của bản thân và của con người nói chung.
Bốn Sự Thật Thánh, vốn là nền tảng của Phật giáo, nó là gì?
Bước một, thừa nhận khổ đau, bao gồm khổ đối với thân là Sinh, già, bệnh, chết; Khổ đối với tâm gồm có thương yêu mà phải chia ly, ghét nhau mà phải hội ngộ, mong muốn mà không toại nguyện, và chấp vào thân thể, tâm vật lý này là thường còn, thì tất cả những cái này dẫn đến sự khổ đau như là hiện thực. Thông qua việc tuyên bố về hai loại khổ đau này, đức Phật kêu gọi những người tu học Phật, không đào tẩu khỏi thực tại khổ đau vì như thế là hèn nhát, không cường điệu hóa khổ đau vì như thế là tự hành hạ bản thân, không phớt lờ khổ đau vì như thế là liều mạng.
Bước thứ hai, Đức Phật kêu gọi truy tìm nguyên nhân khổ đau, từ các động cơ tâm lý, hay là động cơ của tâm, bao gồm tâm tham ái, tâm giận dữ, tâm si mê, dẫn đến tâm cố chấp. Đây là các độc tố nguy hại nhất dẫn đến sự tồn tại và phát triển nỗi khổ đau của con người.
Bước thứ ba, thừa nhận và trải nghiệm hạnh phúc, cao nhất là Niết-bàn. Niết-bàn là trạng thái tâm khi mà toàn bộ khổ đau đã khép lại, nguyên nhân khổ đau không còn cơ hội bộc phát, tồn tại, dưới cách thức này hay cách thức khác. Niết-bàn không phải là cõi Phật, không phải là thiên đường, không phải là đạt được sau khi chết, mà Niết-bàn có thể chứng đắc được bây giờ và tại đây, ngay trong kiếp sống hiện tại này. Nhận thức về Niết-bàn giúp cho chúng ta không bị rơi vào trầm cảm, có mục tiêu phấn đấu để đạt được những giá trị cao quý trong đời.
Bước thứ tư, thực tập chánh đạo gồm 8 yếu tố, chia làm ba trụ cột: Trụ cột Trí tuệ gồm có Tầm nhìn chân chính, Tư duy chân chính; về Đạo đức, gồm có Lời nói chân chính, Hành động chân chính, Nghề nghiệp chân chính, Nỗ lực chân chính; về Thiền định thì có Chánh niệm Hiện tiền và Đại định Nhất tâm. Đây là giải pháp có thể giải quyết được tất cả các vấn nạn của con người nói chung, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, tôn giáo, ở phạm vi quốc tế, châu lục, khu vực, quốc gia, cộng đồng, gia đình, hay là cá nhân. Tứ Thánh Đế chính là Nền tảng Phật Pháp, Nền tảng Phật giáo.
Ở đây, ông Dũng rất lắt léo trong việc chơi chữ, mà nếu không để ý, thì người đọc và người nghe rất dễ bị lạc dẫn bởi ông ấy, để từ việc mất niềm tin đối với một vài tu sĩ sống không phù hợp với giới luật của đạo Phật, cụ thể là thầy Thích Thanh Toàn đã hoàn tục. Niềm tin đó đã bị ảnh hưởng một phần nào đó đối với các Tăng Ni nói chung, bởi vì một số người hoài nghi, rồi bắt đầu vơ đũa cả nắm. “Mía sâu có mắt” làm người ta nghĩ rằng mắt mía nào cũng có sâu. “Nhà dột có nơi” làm người ta nghĩ là nhà chỗ nào cũng dột. Những người có thành kiến đó dễ dàng mất niềm tin vào tập thể Tăng Ni. Như vậy, việc không chuẩn mực của thầy Thích Thanh Toàn trong việc phát biểu với một nhà báo nữ, đã dẫn đến tình trạng kéo theo một số người mất niềm tin vào Tăng Ni, việc đó có thể có. Đó là khủng hoảng niềm tin đối với Tăng Ni, chứ không thể nói là “lung lay đạo Phật”, hai điều này là khác nhau.
“Lung lay Đạo Phật” là lung lay nền tảng kiến thức của Phật giáo, như vậy, ông ấy đã cố tình ngụy biện, về việc người ta có thể có hoài nghi đối với một vài Tăng Ni, rồi từ đó, ông ấy ngụy biện dẫn đến cái gọi là “lung lay nền tảng Phật giáo”. Đó là cách chơi chữ khéo léo, mà theo tôi, nó xuất phát từ một động cơ là ác cảm, và thành kiến với Đạo Phật, chuyện đó là không thể chấp nhận được.
Đang khi khắp thế giới, các nhà minh triết, những nhân vật lỗi lạc ca ngợi triết lý của đạo Phật ở nhiều góc độ khác nhau (Những lời ca ngợi này bằng tiếng Anh, tiếng Việt, quý vị có thể search trên Google) thì TS. Dương Ngọc Dũng lại lắt léo, mượn sự kiện tai tiếng của thầy Thích Thanh Toàn, để khéo léo ngụy biện, làm cho người ta mất thiện cảm với Tăng Ni, mất thiện cảm với Đạo Phật! Tôi cho rằng dụng tâm đó là rất xấu, nếu ông ấy thật sự có là rất xấu và nên kết thúc nó. Còn nếu đó là sơ suất do vụng về trong cách dùng từ, do hiểu sai từ thì chuyện đó khó có thể xảy ra! Giả sử có chuyện đó xảy ra đi nữa, thì ông ấy cũng nên mạnh dạn hiệu đính, đính chính rằng do phát biểu gấp, hoặc do nhà báo viết lại không đúng lời của ông, khiến bản thân ông bị ngộ nhận, thì tôi cần một câu trả lời cụ thể của ông Dương Ngọc Dũng, chứ không thể cứ im lặng mãi như thế này được.
Xúc phạm đến một tôn giáo, lợi dụng từ một sự kiện A, để quàng qua, nói rằng “Đạo Phật lung lay”. Điều đó làm sao chấp nhận được! Đó là cách tấn công đạo Phật, đả phá đạo Phật, thóa mạ đạo Phật, bằng cách này hay cách khác, rất là khéo léo. Chúng ta, những người tu học Phật, phải hết sức bình tĩnh, để nhận ra được những mưu mô, và những động cơ xấu, tương tự như những trường hợp của ông Dương Ngọc Dũng.
Hỏi:
Kính bạch Thượng tọa, sau phong trào phản đối của các Ban Trị sự Phật giáo một số tỉnh, thành, và sự vào cuộc của Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tới ngày 30/10/2019, báo Zing của công ty VNG và Hội Xuất bản Việt Nam đã âm thầm chỉnh sửa, cắt xén bài phỏng vấn của ông Dũng, đăng vào ngày 12/10/2019, cụ thể: Bỏ ra các tít phụ trong bài như “Trái luật Phật, Nghề tu, Đừng tuyệt đối hóa vai trò của nhà sư”, và các câu khẳng định “Nền tảng của Đạo Phật đã lung lay từ lâu”, cắt hẳn đoạn đánh giá rằng “Đi tu là một nghề”, “Người không có công ăn việc làm, mồ côi, hoặc nhà nghèo được cha mẹ gửi vào chùa, đáng lẽ phải chết đói, ăn xin ngoài đường thì đột nhiên vào chùa, cạo đầu, có sư nuôi, rồi mọi người đến cúng”. Theo thầy, vì sao báo Zing phải sửa bài, cắt xén bài?
Đáp:
Lẽ ra câu hỏi này nên đặt cho nhà báo Hoài Thanh, của báo Zing, người phỏng vấn ông Dũng, và hỏi Ban biên tập báo điện tử Zing nói chung, vì bài đưa tin trước và bài đưa tin sau đã có sự thay đổi, đánh tráo nội dung. Theo tôi, có thể có hai tình huống xảy ra như sau:
- Tình huống một, toàn bộ lời phát biểu xúc phạm đến Phật giáo, thóa mạ Tăng Ni trong hai câu hỏi vừa rồi quý vị vừa đặt ra, không do ông Dương Ngọc Dũng phát biểu, mà do nhà báo Hoài Thanh tự bịa ra, tự đặt vào miệng của ông Dương Ngọc Dũng, và điều đó dẫn đến tình trạng ông Dương Ngọc Dũng bị Tăng Ni và Phật tử Việt Nam kêu gọi xin lỗi và thậm chí đòi kiện ông ấy ra tòa. Nếu đó là sự thật thì ông Dương Ngọc Dũng nên kêu nhà báo Hoài Thanh và Ban biên tập báo điện tử Zing phải xin lỗi công khai, và đính chính công khai, trên phương tiện truyền thông của họ, để ông Dương Ngọc Dũng không bị hàm oan. Nhưng cho đến bây giờ, tôi chưa nghe thấy, mặc dù thời gian qua tôi rất bận, không theo dõi, mà cũng không nghe thấy ai phản ánh lại về vấn đề ông ấy đề nghị nhà báo Hoài Thanh và Ban biên tập phải đính chính dùm, để cho sự việc ngộ nhận đó không nên tiếp tục diễn ra.
- Tình huống hai, ông Dương Ngọc Dũng có phát biểu thật những lời phát biểu xúc phạm đến Tăng Ni, thóa mạ Phật giáo, và thậm chí, mượn sự kiện của thầy Thích Thanh Toàn để chơi chữ, nói rằng “Nền tảng Phật giáo bị lung lay”. Tứ Thánh Đế làm sao lung lay được? Những người không tin vào Tứ Thánh Đế đó, sống một đời sống lung lay về đạo đức thì có! Như vậy, ông ấy là người phát biểu thật, có nói lời nói đó thật, thì khi mà bị lên án, phê bình vì nói những lời phát biểu thiếu nghiêm túc, xúc phạm đến Phật giáo, ông ấy sợ quá và yêu cầu nhà báo Hoài Thanh, và Ban biên tập báo điện tử Zing đính chính lại. Và đính chính gì mà không công khai, thì tôi cho là thiếu đạo đức trong truyền thông, thiếu đạo đức trong nghề nghiệp. Như vậy, trong hai tình huống đó, phải có một tình huống đúng và một tình huống sai. Hoặc là, ông Dương Ngọc Dũng bị hàm oan, thì nhà báo Hoài Thanh và báo điện tử Zing phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung được công bố ở trên báo điện tử này, vốn đã tạo ra một làn sóng dư luận rất phẫn nộ và bất mãn, từ Tăng Ni và Phật tử trên toàn nước Việt Nam, cũng như là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài yêu quý mến đạo Phật.
Do đó, tôi đề nghị Ban biên tập báo điện tử Zing và cụ thể là nhà báo Hoài Thanh cũng như ông Dương Ngọc Dũng hãy trả lời cho cộng đồng Phật giáo Việt Nam chúng tôi biết, trong tình trạng sửa bài như vừa nêu, với mục đích là giảm đi và kết thúc vụ tai tiếng do sự kiện của tờ báo này đưa ra, liên hệ đến Phật giáo, thì phải xác định rõ việc sai đó thuộc về tờ báo Zing, hay ông Dương Ngọc Dũng. Nếu nó thuộc về nhà báo Hoài Thanh thì nhà báo Hoài Thanh phải chính thức công khai xin lỗi cộng đồng Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Việt Nam! Dám làm thì phải dám chịu, chứ không thể yên lặng như thế được! Còn nếu đó là phát biểu của ông Dương Ngọc Dũng, sau đó ông thấy ông sai, ông đề nghị sửa lại, thì ông cũng cần phải xác định rõ rằng đó là điều đáng tiếc mà ông xin lỗi, để khép lại vụ việc này. Chứ ông không nên ngụy biện, lòng vòng, rồi tự động sửa chữa, như thể mình bị hàm oan, mình không có gì hết! Nói cách khác, khi mà có một động cơ xấu, động cơ xấu dẫn đến một hành động xấu, hành động xấu tạo ra một hậu quả xấu, hậu quả xấu đó dẫn đến những điều mất uy tín của bản thân mình, thậm chí có thể bị rắc rối về luật, thì tôi cho rằng, việc chậm trễ xin lỗi trong tình huống này chỉ là thêm bất lợi về phía ông Dương Ngọc Dũng và phía tờ báo Zing thôi! Tôi rất mong, hai chủ thể được xem là nghi can trong việc này, nên có câu trả lời chính thức, sai sót đó là từ nhà báo Hoài Thanh của tờ báo Zing, hay là từ ông Dương Ngọc Dũng, chứ không thể yên lặng như thế này được.
Hỏi:
Kính bạch Thượng tọa, về phong trào phản ứng của các Ban trị sự Phật giáo và cộng đồng Phật tử Việt Nam về việc ông Dương Ngọc Dũng phát biểu thóa mạ Phật giáo và Tăng Ni, có nhiều Phật tử đề nghị kiện ông Dương Ngọc Dũng ra tòa, vì đã xúc phạm Phật giáo và Tăng Ni. Thượng tọa đánh giá thế nào về phong trào phản kháng của các Tăng Ni và Phật tử Việt Nam đối với sự cố ý xúc phạm Phật giáo của ông Dương Ngọc Dũng?
Đáp:
Tôi rất mừng trước thái độ phản ứng rất kịch liệt của cácBan trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại các tỉnh thành, về những phát biểu xúc phạm Phật giáo, thóa mạ Tăng Ni của ông Dương Ngọc Dũng trên tờ báo điện tử Zing, và điều đó rất đáng được khích lệ. Có lẽ, đây là bước đầu tiên mà cộng đồng Phật giáo Việt Nam chúng ta đã có những tiếng nói rất dứt khoát, sau gần 3 năm tại Việt Nam, một số nhà báo đã lợi dụng những việc A để tấn công vào Phật giáo ở việc B, bằng cách ngụy biện ngôn từ, bằng cách khéo léo dẫn dắt, để làm cho người ta mất niềm tin vào Phật giáo, mất niềm tin vào Tăng Ni. Cho nên, nếu Tăng Ni Việt Nam không lên tiếng, cộng đồng Phật tử Việt Nam không lên tiếng tố giác những hành động sai trái đó, thì chúng ta sẽ tiếp tục trở thành nạn nhân của những người có động cơ xấu, có những chủ trương xấu, có những hành động xấu, và có những chủ đích rất là tiêu cực.
Từ năm 1986, tôi đã rất nhiều lần phản biện những bài viết của những nhà báo, hoặc những nhà nghiên cứu xúc phạm đến đạo Phật một cách có dụng ý, để buộc họ phải xin lỗi hoặc đính chính, mang lại sự trong sáng cho Đạo Phật. Trong những giai đoạn khó khăn đó, cho đến năm 1994, khi tôi chính thức du học tại Ấn Độ, có thể nói rằng, tôi là người làm công việc này đơn thân độc mã, mặc dù cũng có những người khác làm, nhưng so với những gì mà tôi đã làm trong lĩnh vực nêu trên, thì có thể nói là tôi gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có thể nói là đơn độc, “một mình cất bước, một mình vân du” trên con đường phản biện lại những người viết sai về Đạo Phật, chống đối Đạo Phật.
Bây giờ, năm 2019, tôi rất mừng khi thấy được các vị lãnh đạo Phật giáo ở các tỉnh thành, các Tăng Ni, Phật tử đã bắt đầu lên tiếng mạnh dạn, như là phận sự chung của tất cả những người tu học như chúng ta, khi có ai đó có dụng ý nói sai về Đạo Phật, nói sai về Tăng Ni, nói sai về lý tưởng và sự đóng góp của các Tăng Ni cho cuộc đời này, cho cuộc sống này trở nên thêm tốt lành hơn!
Chúng ta nên nhớ rằng, đức Phật dạy trong Kinh Trung Bộ, đó là: “Hãy nói năng như Chánh pháp và yên lặng như thiền định” (Một số bản kinh ghi là “yên lặng như bậc Thánh”). Trong những trường hợp mà phát biểu không có tác dụng và chưa đến lúc, thì yên lặng như thiền định nghĩa là làm chủ cảm xúc, để cho mình không phải hận thù, khổ đau, giằng xé ở trong tâm. Còn khi nói là phải nói như chánh pháp, nói đúng sự thật. Đạo Phật là đạo chân thật. Đức Phật đã khẳng định: “Cái gì chân thật thì cái đó bất hư!”. Cho nên, bằng sự chân thật đó, Đạo Phật đề cập đến các chân lý, các quy luật để rũ bỏ và giải phóng các ách nô lệ của con người vào sự mê tín, mà vốn nó là nguyên nhân dẫn đến nỗi sợ hãi và khổ đau. Cho nên Đạo Phật là Đạo chân thật, thì những gì chúng ta phát hiện ra, thấy người khác nói sai, hành xử sai, có động cơ sai, có ác cảm, thành kiến, muốn phê phán, chống đối Đạo Phật, thì chúng ta phải lên án, để cho những việc đó sớm dừng lại. Tôi rất mong chư Tôn đức Tăng Ni và các Phật tử tiếp tục truyền thống cao quý này.
Tuy nhiên, tôi chân thành khuyên, đừng vì sự nhiệt tình bảo vệ Phật Pháp, mà đôi lúc chúng ta lại nhiệt tình theo kiểu thóa mạ Tăng Ni. Mình phê bình người khác thóa mạ Tăng Ni, mà mình thấy Tăng Ni nào có tiếng nói khác với mình, hoặc chậm trễ trong việc có tiếng nói, thì mình phê bình, giống như câu hỏi đầu tiên đặt ra đối với tôi. Tôi nghe qua, tôi có cảm giác những người đặt câu hỏi đó là ác cảm với tôi, cũng giống như ông Dương Ngọc Dũng có ác cảm với Tăng Ni vậy! Mình nhân danh Phật tử, muốn bảo vệ Phật giáo, mà cuối cùng thành ra là đi chống đối Tăng Ni, mà người mình chống đối lại là người đã từng bảo vệ Tăng Ni và tiếp tục bảo vệ Tăng Ni, bảo vệ Phật giáo! Đó là tự mâu thuẫn, nên tránh. Hiện tượng này tôi thấy nó đang xảy ra ở trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam của chúng ta.
Các Phật tử vì nhiệt tình quá, nói xúc phạm đến lãnh đạo Phật giáo. Ngay cả Ngài Phó Pháp chủ, mà anh Minh Thạnh còn dám xúc phạm được mà! Anh ấy tấn công Ngài Phó Pháp chủ HT. Thích Trí Quảng nhiều lần, tấn công tôi nhiều lần. Hương Trần ở bên Hoa Kỳ, xúc phạm đến Tăng Ni, xúc phạm đến cả các bậc Cao tăng như HT. Thích Minh Châu, HT. Nhất Hạnh, và nhiều bậc Cao tăng khác. Bao giờ cũng nhân danh mình là Hộ pháp mà toàn là thóa mạ, xúc phạm, cũng chẳng thua gì những người như ông Dương Ngọc Dũng đụng chạm đến Phật giáo đâu, mặc dù lúc nào cũng nhân danh mình là Phật tử! Cho nên, mình cũng cần phải xem xét lại cái nhiệt tình của mình đã thể hiện đúng cách chưa?
Trong nhóm Facebook Diễn Đàn Phật Giáo Việt Nam[4], ngày hôm qua tôi xem, cũng có một số người, chẳng hạn như chị Trần Thị Sông Hương, phê phán tôi đả phá kinh điển Đại Thừa, bài bác kinh sách, thậm chí là vu cáo tôi mà lúc nào cũng tự xưng mình là bảo vệ Phật giáo, và là quản trị viên của nhóm Facebook này. Tổng quan nhóm Facebook này là các anh, chị tham gia Diễn đàn Phật giáo Việt Nam, các anh chị phản ánh những vấn đề bức xúc, rồi tự thân các anh chị lại xúc phạm đến Tăng Ni và các lãnh đạo của Giáo hội, ở cách này hay cách khác.
Do đó, bên cạnh nhiệt huyết của chúng ta, chúng ta nên tôn trọng các dị biệt trong việc giải quyết vấn đề. Cùng một vấn đề mà chúng ta quan tâm, chứ chưa nói đến việc khác vấn đề mà chúng ta muốn lên mặt dạy đời Tăng Ni! Rồi thóa mạ, chửi bới Tăng Ni, thậm chí là nói sai, vu cáo Tăng Ni, thì quý vị cũng đâu có khác gì, những người đó cũng đâu có khác gì những người có dụng ý đứng từ một góc độ tôn giáo khác để phê phán Phật giáo. Do đó tôi tha thiết nói những điều này ra không phải là tôi phê bình những người mà tôi vừa nêu tên, tôi chỉ muốn góp ý các anh chị đó, nếu các anh chị đó tự xưng mình là Hộ pháp bảo vệ Phật giáo, thì phải học sự khiêm tốn, phải học sự lịch sự, sự lễ phép. Ít nhất mình là Phật tử, mình phải tôn kính Tăng đoàn chứ? Bao giờ cũng nói mình là bảo vệ Phật pháp, mà toàn là đi chống phá Pháp chủ, việc đó không có trong các tôn giáo khác đâu! Đó chỉ có trong Phật giáo chúng ta vì thiếu giáo quyền!
Góp ý phê bình đúng thì không ai nói gì. Nói hàm hồ, nói những việc không có thật, trong Diễn đàn Phật giáo Việt Nam mà tôi thỉnh thoảng có đọc được, do một số Phật tử chuyển cho tôi, nói sai về tôi nhiều lắm, thậm chí vu cáo tôi nữa! Nếu tôi nhờ một Luật sư nào đó kiện các anh chị ra tòa thì các anh chị cũng gặp rắc rối như ông Dương Ngọc Dũng! Và đó là bài học chung. Cho nên, bên cạnh thái độ và lý tưởng muốn bảo vệ Phật giáo là điều mà chúng ta đáng trân trọng thì tôi khuyên các anh chị nhân danh mình là Phật tử cũng hết sức tỉnh táo, đừng vì nhiệt tình cộng với một cái gì đó mà người ta gọi là ngu dốt, tôi không dám nói các anh chị là ngu dốt. Một sai sót nhỏ thôi, nó có thể dẫn đến nhiều hậu quả lớn, và dẫn đến sự rắc rối chung chứ không phải là người bị các anh chị xúc phạm là bị tác hại không đâu! Chính các anh chị cũng bị rắc rối về phương diện Luật.
Thông qua việc tôi lên án ông Dương Ngọc Dũng đã có những hành xử, và những lời nói chưa phù hợp thì tôi cũng rất chân thành, khuyên các anh chị ở trong nhóm Facebook “Diễn Đàn Phật Giáo Việt Nam”, hoặc ai đó đặt hastag #moctru (Mộc Trù writer) trong nhóm Facebook “PHẬT GIÁO THỜI LUẬN”[5][6] cũng đang phê bình tôi rất nặng lời, thậm chí nói có tính cách vu cáo và thóa mạ tôi ở trong một số sự kiện, mà lúc nào các anh chị cũng tự xưng mình là bảo vệ Phật giáo, đó là điều rất tối kỵ. Nếu các anh chị thấy ông Dương Ngọc Dũng xúc phạm tôn giáo làm cho các anh chị thấy xót xa, thì các Phật tử khác, chân thành, tôn kính Tam Bảo, thấy các anh chị xúc phạm Tăng Ni, như là anh Minh Thạnh xúc phạm Ngài Phó Pháp chủ HT. Thích Trí Quảng, hay là xúc phạm tôi, vài chục lần, vu cáo tôi đủ thứ chuyện, thì người ta còn xót xa và người ta xem các anh chị còn tệ hơn là ông Dương Ngọc Dũng nữa! Vì ông Dương Ngọc Dũng là khác tôn giáo, ông ấy không phải là Phật tử!
Hỏi:
Kính thưa Thượng tọa, về cá nhân ông Dương Ngọc Dũng, có một số tài khoản Facebook nói rằng “Không rõ ông ấy theo tôn giáo nào?”, nhưng họ đăng những bức ảnh, tấm hình ông ấy chụp với một số vị linh mục và cho rằng ông Dương Ngọc Dũng là tín đồ Thiên Chúa giáo, và đứng trên lập trường đó để nhận định, phỉ báng Phật giáo và Tăng Ni. Thầy nghĩ sao về sự suy luận của một số Facebooker này?
Đáp:
Tôi gặp ông Dương Ngọc Dũng được 2 lần, như tôi đã trình bày ở phần đầu của buổi trao đổi này. Tôi cũng chưa từng hỏi ông ấy theo tôn giáo nào. Về phương diện công dân thì ông Dương Ngọc Dũng được quyền theo bất cứ tôn giáo nào mà ông ấy muốn. Luật pháp bảo hộ cho quyền tự do tôn giáo đó. Hôm qua tôi có xem một tấm ảnh do Phật tử chuyển, thì ông ấy có chụp hình chung cùng hai tu sĩ là linh mục của Thiên chúa giáo. Điều đó cũng chưa chắc ông ấy là người đi theo Thiên chúa giáo. Dù ông ấy đi theo Thiên chúa giáo như một quyền lợi đi nữa thì đó là quyền của ông ấy, chúng ta phải tôn trọng.
Trong việc mình phân tích những lời nói, những sự bỡn cợt, những sự dựng chuyện, những sự thêm thắt, những thái độ thiếu lành mạnh, ác cảm, thành kiến đối với Tăng Ni và Phật giáo Việt Nam của ông Dũng, chúng ta đánh giá vào từng sự kiện, sự việc cụ thể đó, chứ không thể nói chung chung. Cũng không cần phải gắn kết rằng, vì ông ấy theo Thiên Chúa giáo hay một tôn giáo nào đó cho nên ông ấy phải làm như thế, điều đó chỉ là những suy luận.
Những việc cụ thể như là nội dung các câu hỏi, câu chuyện nãy giờ chúng ta trao đổi, chúng có những điều thấy bất ổn thì chúng ta phản ánh, đánh giá, và chúng ta kêu gọi những tình trạng xấu xa đó được kết thúc. Còn việc ông Dương Ngọc Dũng theo tôn giáo nào thì tôi tôn trọng, vì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mọi tôn giáo đều được luật pháp tôn trọng, giống như tôi, từ nhỏ chọn con đường đạo Phật và làm tu sĩ, không phải là mồ côi như kiểu ông Dũng nói. Tôi rất thành công trong việc học. Tôi làm đạo trong mấy thập niên qua, đóng góp những phương diện nhất định cho Phật giáo về phương diện giáo dục, hoằng pháp, văn hóa, từ thiện, tư vấn tâm lý, giải quyết các nỗi khổ, niềm đau. Tôi rất hãnh diện khi trở thành một tu sĩ như thế, đóng góp được cho Phật giáo như thế, và tôi tiếp tục theo đuổi lý tưởng đó cho đến lúc qua đời, dù gặp rất nhiều sự hiểu lầm, phê bình, chỉ trích, chống đối, trong đó cũng có một số Tăng Ni và Phật tử cực đoan, hiểu sai tôi, vu cáo tôi, xuyên tạc tôi. Tôi không quan tâm đến.
Ngày hôm nay, tôi muốn nói như vậy để cho quý vị thấy là việc làm đạo không đơn giản. Lý tưởng của chúng ta không phải là chuyện đơn giản. Theo đuổi lý tưởng để phụng sự nhân sinh, làm lợi lạc cho nhiều người, đôi lúc vẫn bị lý giải sai, bị ganh tỵ, bị phê bình, bị chỉ trích, dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng vì mục đích làm thế nào để Phật giáo được phát triển, cộng đồng Việt Nam được tiếp cận chân lý Phật, được lợi lạc từ đạo Phật, tôi đã bất chấp những lời chống đối sai lầm đó đối với tôi, phê bình, chỉ trích, vu cáo, xuyên tạc tôi, để tôi tiếp tục theo đuổi lý tưởng của mình.
Tương tự, tôi cũng chân thành khuyên ông Dương Ngọc Dũng, dù ông có thể theo bất cứ một tôn giáo nào, nhưng hãy nên tôn trọng những người tôn giáo khác. Dù ông có nghiên cứu về Phật giáo, mà không thích Phật giáo, chống đối bằng cách này hay cách khác, thì tôi cũng khuyên ông đừng nên tiếp tục như thế nữa. Hãy sử dụng nguồn tri thức cao quý của mình đang có, một giảng viên đại học đẳng cấp mà ông đang có, cái kiến thức chuẩn mực mà ông đang có, phương pháp nghiên cứu và làm việc dịch thuật nghiêm túc mà ông đang có, để làm lợi cho đời, hơn là giỡn cợt Tăng Ni, xúc phạm các Cao Tăng cộng đồng Phật giáo thế giới, cộng đồng Phật giáo Việt Nam, chỉ vì mua vui nhất thời để làm cái gì, nó sẽ làm ông mất giá trị, bị phê bình, bị chỉ trích, và thậm chí bị rắc rối về pháp lý.
Cho nên, nếu Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thành nào, hay Phật tử nào có ý kiện tụng về vấn đề bị chà đạp nhân phẩm bị xúc phạm nhân phẩm thì tôi vẫn khích lệ. Tôi cũng khuyên cộng đồng Phật tử Việt Nam bên cạnh nhiệt tình bảo vệ Phật giáo, chúng ta phải hết sức cẩn trọng, không được xúc phạm lãnh đạo Giáo hội, không được xúc phạm những cá nhân Tăng Ni chỉ vì những vị đó có quan điểm khác với mình, chỉ vì các vị đó có cách ứng xử khác với mình. Không khéo, rồi quý vị đi vào vết xe của những người chống đối Phật giáo, đứng dưới góc độ khác tôn giáo.
Tôi rất mong vụ ông Dương Ngọc Dũng xúc phạm Phật giáo và Tăng Ni sớm khép lại, để giữ hòa khí trong Phật giáo và các tôn giáo, và tôi cũng mong các Tăng Ni và Phật tử rộng lòng tha thứ nếu ông ấy chân thành xin lỗi, để chúng ta còn đầu tư vào các Phật sự quan trọng khác, phụng sự cho con người, theo chủ trương “Phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo, sáng soi đạo Pháp, hộ quốc an dân”./.
[1] https://youtu.be/HN5Q4nnIwM8 - Phát trên trang Facebook, các nhóm Facebook Phật Sự Online, kênh YouTube Phật Sự Online TV, App (Android và iOS) lúc 19h45, ngày 31/10/2019.
[2] Cao tăng trong ngữ cảnh, bối cảnh được hiểu là: “Các vị Tăng Vương, Tăng Thống, Pháp Chủ, Phó Tăng Vương, Phó Tăng Thống, Phó Pháp Chủ, hoặc Chủ tịch các Hiệp hội, Phó Chủ tịch các Hiệp hội Phật giáo thế giới.
[3] Xem thêm tại Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu chỉnh lần thứ VI, tại Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, ban hành ngày 26 tháng 01 năm 2019, trên Cơ sở dữ liệu số GHPGVN – sản phẩm của Phật Sự Online: https://vbgh.vn/laws/detail/HIEN-CHUONG-GHPGVN-6/
[5] https://www.facebook.com/groups/296913887421453/?ref=pages_groups_card&source_id=264659704431806
[6] Nhóm Facebook PHẬT GIÁO THỜI LUẬN trực thuộc của trang Facebook PHẬT GIÁO THỜI LUẬN: https://www.facebook.com/phatgiaothoiluan/, do 1 writer có hastag #moctru cuối bài viết trên trang Facebook này quản trị, được hỗ trợ bởi các thành viên khác trong đội ngũ quản trị viên hệ thống trang – nhóm Facebook vừa nêu.
Theo dòng sự kiện:
Ông Dương Ngọc Dũng Đã Có Lời Xin Lỗi
Video clip của Truyền Hình Phật Giáo Quảng Nam: TT TS. Thích minh nhẫn mạn đàm về dương ngọc dũng với chủ đề “đừng bóp méo lý tưởng người tu sĩ” - Ngày 03-11-2019
Nghĩ về bài viết: đi tu mà có 300 tỷ là trái luật Phật giáo, không biện luận được của Thích Trung Hữu: https://thuvienhoasen.org/a32784/nghi-ve-bai-viet-di-tu-ma-co-300-ty-la-trai-luat-phat-giao-khong-bien-luan-duoc
https://thuvienhoasen.org/images/file/V44D_zNQ1wgQADID/nghi-ve-bai-viet-di-tu-ma-co-300-ty-la-trai-luat-phat-giao.pdf
Luật Sư Đoàn Tp HCM Nói Về Vụ Dương Ngọc Dũng Bôi Nhọ Phật Giáo