VÃNG SANH THẬP NGHI
QUẢNG NGŨ UẨN
CHƯ LUẬN GIẢNG KÝ
往生十疑廣五蘊
諸論講記
Tác giả: Trưởng lão Đạo Nguyên
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC
Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Nguyện Sanh Kệ Giảng Ký
DẪN NHẬP
Hôm nay, tôi sẽ giảng cho quý vị bộ Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Nguyện Sanh Kệ, còn gọi là Vãng Sanh Luận. Trước khi khai giảng, trước hết hãy nói rõ nhân duyên giảng bộ luận này. Năm ngoái, Chí Liên tinh xá xây dựng xong, đã thỉnh một bức tượng A Di Đà Phật từ Hương Cảng về; [giảng kinh trong dịp ấy] là do Đạo Nguyên giảng kinh Kim Cang. Vì Tịnh Độ Tông chúng ta thì phải thờ phụng Tây Phương Tam Thánh, năm nay, lại thỉnh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và tượng Đại Thế Chí Bồ Tát từ Hương Cảng. Thỉnh tượng Tây Phương Tam Thánh viên mãn, đều rất trang nghiêm, họ lại muốn Đạo Nguyên giảng một bộ kinh để kết duyên với mọi người. Tôi cảm thấy mọi người đều rất bận rộn, chẳng dám phát tâm giảng kinh dài, suy nghĩ mấy lượt, năm nay tôi chọn giảng Vãng Sanh Luận. Bộ luận này rất ngắn, có thể giảng xong trong khoảng mười ngày, hy vọng mọi người đều có thể phát tâm nghe giảng đến khi viên mãn.
Năm ngoái, tôi giảng kinh Kim Cang thuộc về Bát Nhã Bộ, giảng lý Không của Bát Nhã; năm nay, giảng Vãng Sanh Luận thuộc về Hữu Bộ, là kinh điển của Tịnh Độ Tông. Một bộ giảng về Không, một bộ giảng về Hữu, có mâu thuẫn hay chăng? Hoàn toàn chẳng mâu thuẫn! Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết pháp, thường nói là “tám vạn bốn ngàn pháp môn”, đại thể chia thành hai môn: Một là Không Môn, hai là Hữu Môn. Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh thuộc về Không Tông thì Không là Chân Không. Chân Không chẳng không, tức là Diệu Hữu. Ngài giảng kinh thuộc về Hữu Môn, thì Hữu là Diệu Hữu. Diệu Hữu chẳng hữu, tức là Chân Không. Do đó, nếu quý vị nghĩ kinh luận Tịnh Độ Tông và kinh Kim Cang của Bát Nhã Tông có mâu thuẫn, đó là vì nghe Phật pháp quá ít. Quý vị phải hiểu: Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết pháp, pháp nào cũng đều viên dung vô ngại. Chân Không và Diệu Hữu vốn bất nhị! Đức Phật nói kinh điển Không Tông chính là “Chân Không bất không”, “không” có nghĩa là “rỗng rang, chẳng có vọng nhiễm”, mong sao sau khi đã trừ sạch pháp ô nhiễm, cái Thể của Chân Không sẽ hiện ra. “Chân Không bất không” tức là Diệu Hữu, chính là Hữu Môn niệm A Di Đà Phật của chúng ta. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, [sẽ thấy] kinh Kim Cang không chỉ chẳng mâu thuẫn Vãng Sanh Luận mà còn giúp chúng ta thấu hiểu Vãng Sanh Luận.
Ai nấy đều biết pháp môn Niệm Phật là “vạn người tu, vạn người đến”. Một vạn người niệm Phật thì một vạn người có thể sanh về Tây Phương, nhưng vì sao có rất nhiều người niệm Phật khi lâm chung chẳng thấy thụy tướng, dường như chẳng sanh về Tây Phương? Đấy là vì chẳng trải qua công phu “rỗng rang, chẳng có vọng nhiễm”. Nếu quý vị nghe kinh Không Môn trước, các pháp hư vọng ô nhiễm phiền não đều trừ sạch; sau đấy, niệm A Di Đà Phật, chỉ cần niệm một câu bèn niệm đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do đó, kinh điển Không Tông không chỉ chẳng trở ngại niệm Phật, mà còn giúp ích cho niệm Phật. Đấy là nói theo Lý. Tu hành dụng công, ngay lập tức sẽ vận dụng đạo lý này. Chúng ta niệm Phật chẳng đạt đến nhất tâm bất loạn, chẳng đạt được công phu niệm Phật, chính là do vừa niệm Phật, vừa dấy vọng tưởng. Dấy vọng tưởng thì chẳng phải là chúng ta muốn dấy vọng tưởng, mà là vọng tưởng tùy ý dấy lên. Chúng ta chẳng phải là phàm phu trong hiện thời, mà từ vô thỉ kiếp đến nay, đã là phàm phu. Tâm của phàm phu chính là cái tâm vọng tưởng; từ vô thỉ kiếp đến nay, dấy vọng tưởng đã thành thói quen. Quý vị chẳng muốn dấy vọng tưởng, càng khiến cho vọng tưởng dấy lên. Sức mạnh của vọng tưởng rất lớn, chúng ta chẳng thể làm chủ được! Nay nghe Phật pháp, muốn niệm A Di Đà Phật, công phu niệm Phật ngắn ngủi, công phu vọng tưởng sâu đậm. Do vậy, công phu niệm Phật chẳng thể đối phó vọng tưởng. Vừa niệm Phật, vừa dấy vọng tưởng, niệm Phật chẳng đắc lực!
Làm thế nào để công phu niệm Phật đắc lực? Tĩnh tọa thì cứ tĩnh tọa, chẳng dừng vọng tưởng được. Trước hết, hãy lắng cái tâm, đừng suy tưởng nữa, đợi cho đến khi cái tâm đã tĩnh lặng rồi mới niệm A Di Đà Phật. Tâm tĩnh lặng chính là đã vận dụng đạo lý của Không Tông. Rỗng không các pháp vọng tưởng ô nhiễm rồi mới niệm Phật tức là vận dụng đạo lý của Hữu Môn. Vì chẳng có vọng tưởng xen tạp vào đó, niệm một câu bèn niệm đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Niệm hai câu, bèn niệm đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì thế, kinh điển của Không Tông không chỉ chẳng trở ngại, mà còn bổ trợ kinh điển của Hữu Môn. Hôm nay quý vị nghe tôi nói, trở về niệm Phật thử xem, sẽ lập tức có thể đạt được công phu. Do vậy, giảng Vãng Sanh Luận lần này chẳng trở ngại kinh Kim Cang đã giảng trong năm ngoái. Nay tôi bắt đầu giải thích đề mục:
- Từ khóa :
- vãng sanh
- ,
- Thập Nghi
- ,
- Chư Luận Giảng Ký
- ,
- Quảng Ngũ Uẩn