Thích Như Điển
Đầu Xuân năm Tân Sửu, tôi có dịp sang chùa Khánh Anh ở Pháp, đã gặp Đạo hữu Seng Souvanh Khamdeng Pháp Danh Quảng Chơn, là chồng của Cô Trung Diệp Phạm Thị Hợi, vốn là em gái của cố Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Cả Gia Đình đều sống ở Pháp sau năm 1975. Mỗi lần tôi sang Paris, Thầy Quảng Đạo thường hay nhờ Đạo hữu Quảng Chơn chở dùm tôi về chùa từ phi trường Charles de Gaulles, độ xa chừng 70 cây số. Đây là dịp tôi hay hỏi thăm Đạo hữu về Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Riêng Đạo hữu Trung Diệp thì tôi đã gặp tại Thủ Đô Bonn của Tây Đức vào những cuối năm 1988, sau khi Ngài Tuệ Sỹ bị tuyên án tử hình, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Chi Bộ Đức Quốc đã tổ chức biểu tình, tuyệt thực trước sứ quán cộng sản Việt Nam tại Bonn và Đạo hữu Trung Diệp đã sang Đức để cùng đấu tranh cho Anh mình được bỏ án tử hình.
Đầu năm 2021 khi gặp Đạo hữu Quảng Chơn, tôi đã được gửi tặng quyển “Thiên Lý Độc Hành” do Hương Tích Phật Việt xuất bản năm 2020 tại Việt Nam với số thứ tự bản in thứ 58, do Thầy Hạnh Viên viết lời tựa bằng Việt ngữ và đã được dịch ra Pháp ngữ, Nhật ngữ và Anh ngữ. Riêng 13 bài thơ có nội dung “Thiên Lý Độc Hành” đó được chia ra làm 4 không gian tĩnh lặng cho các dịch giả dịch thơ của Ngài ra Hán-Nôm và tiếng Nhật, có Đạo hữu Bùi Chí Trung. Dịch sang Anh ngữ có Nguyễn Phước Nguyên, dịch sang Pháp ngữ có Cô Dominique de Miscault và Đào Nguyên Dạ Thảo thiết kế trình bày.
Sau khi đọc xong thơ bằng cả 4 ngôn ngữ nầy, tôi xem hình ảnh từ sau ra trước. Ở trang 130 có hình của Ngài Tuệ Sỹ đang đứng bên cạnh Ngũ Trọng Tháp chùa Pháp Long tại Nara và đặc biệt ở trang 99 là hình ảnh của Ngài đứng bên dãy hành lang mặt tiền của Đông Đại Tự (Todaiji) cũng tại Nara, Nhật Bản. Ở đây không phải tôi đi bình thơ của Ngài, mà tôi muốn tán dương những người dịch ra ba ngoại ngữ quá xuất sắc, kể cả Hán–Nôm và Nhật ngữ. Đây là những ngôn ngữ khó để đi vào việc dịch thuật. Thế mà dịch giả Bùi Chí Trung đã chuyển tải trọn vẹn ý thơ qua cách gieo vần cũng như điệu của thơ.
Tôi không và chưa bao giờ làm thơ cho ra hồn, mà tôi chỉ biết học thuộc lòng thơ của nhiều thi sĩ nổi tiếng để gửi lòng mình vào thơ khi nhớ cảnh, nhớ quê; nhất là quê hương muôn thuở qua niềm thương nỗi nhớ. Vì tôi đã xa quê hương từ năm 1972 đến năm 2024 nầy cũng đã 52 năm rồi.
Năm đó, khi tôi rời quê hương Việt Nam yêu dấu để đi du học tại Nhật Bản, cũng là lúc Ngài Tuệ Sỹ đã là Giáo Sư thực thụ của Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn rồi và kể từ đó cho đến khi Ngài viên tịch vào ngày 24 tháng 11 năm 2023 vừa qua, tôi chưa có cơ duyên để gặp Hòa Thượng lần nào cả. Chỉ mấy lần họp qua Zoom về việc thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp và Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời thì tôi đã được diện kiến và trao đổi với Ngài nhiều lần; rồi những buổi sáng Thứ Bảy hằng tuần trong thời gian hai Hội Đồng trên được thành lập, tôi hay gọi thăm Ngài để nghe những lời nhắn nhủ hay đề nghị những việc cần làm; nhất là những ngày cuối đời, trước khi Ngài viên tịch, tôi đã gọi thăm Ngài trên giường bịnh hay những lần họp khẩn cấp về việc xuất bản Thanh Văn Tạng, tôi mới dám làm phiền đến Ngài. Vì tôi biết rằng Ngài rất bận cho công trình biên dịch và giảo chánh lại lần cuối những bản kinh văn nầy.
Nhìn tấm hình ở trang 99 của quyển “Thiên Lý Độc Hành” để nhớ về sự kiện năm 752 là năm Thánh Vũ Thiên Hoàng (Shomu Tenno) đã cho người sang Trung Quốc thỉnh Ngài Bodhi Senna (người Ấn Độ) và Ngài Phật Triết (người Lâm Ấp) sang Nara Nhật Bản để làm lễ khai nhãn cúng dường tôn tượng Tỳ Lô Giá Na Phật được đúc bằng đồng đen, nặng 500 tấn. Chùa thuộc Hoa Nghiêm Tông, mà ngày nay tượng vẫn còn ngự trị uy nghi tại đó. Tuy rằng ngôi chùa cổ bị chiến tranh và động đất tàn phá, phải trùng tu lại nhiều lần, mới còn tồn tại đến ngày hôm nay. Điều đặc biệt của Ngài Phật Triết là gốc người Lâm Ấp (Việt Nam sau nầy) sang Ấn Độ học Đạo, gặp Ngài Bodhi Senna, nhận làm Thầy, sau đó về lại Lâm Ấp học những điệu múa Vu Lan và tán tụng theo nghi lễ Đại Việt, mang sang Trung Hoa cũng như Nhật Bản để truyền lại cho chư Tăng Ni và Phật Tử tại đó, mà ngày nay những chùa Viện tại Nara như chùa Đại An (Daian), nơi Thầy Trò Ngài Phật Triết ở cũng như chùa Đông Đại tự (Todaiji) cả hai đều nằm tại Nara; nơi đây vẫn còn bảo lưu những việc truyền thừa nầy.
Phái Đoàn Hoằng Pháp Liên Châu chúng tôi đến Nhật Bản lần nầy từ ngày 2 tháng 11 đến ngày 28 tháng 11 năm 2023 quyết tâm đến viếng thăm hai ngôi cổ tự nầy và phát hiện thêm được rằng: Chính Ngài Phật Triết (Buttetsu) đã dùng tiếng Phạn để ghi âm ra tiếng Nhật ngày nay (Hiragana-Bình Giả Danh) mà rất nhiều học giả Nhật Bản trong hiện tại quan tâm nghiên cứu đến. Hy vọng một ngày mai gần đây những công trình nầy được nhiều người công nhận rồi, thì Phật Giáo Việt Nam của chúng ta đóng góp về phương diện Văn Hóa, Giáo Dục không nhỏ cho Nhật Bản nói riêng cũng như nhân loại nói chung.
Đến Nhật Bản kỳ nầy chúng tôi cố gắng tìm lại những nơi mà năm 2020 Hòa Thượng Tuệ Sỹ đã sang Nhật trú ngụ để chữa bịnh trong thời kỳ Covid hoành hành đây đó. Đầu tiên chúng tôi đến thăm chùa Đức Lâm (Tokurinji) ở Nagoya Tỉnh Aichi, nơi Thầy Thánh Duyên đang làm luận án Tiến Sĩ. Thầy ấy đã có nhiều thời gian hầu cận Ngài Tuệ Sỹ và giới thiệu với vị Hòa Thượng Trụ Trì chùa Đức Lâm về một nhà sư uyên bác của Việt Nam sang Nhật Bản trị bịnh. Thầy Thánh Duyên cho biết khi Hòa Thượng Tuệ Sỹ ở chùa Đức Lâm để trị bịnh Ngài đã bút đàm với Hòa Thượng chùa Đức Lâm bằng Hán và Nhật ngữ, mà “Thiên Lý Độc Hành” là một phần nối kết mối giao tình lúc xa quê.
Tôi thấy chỗ ở của Hòa Thượng Tuệ Sỹ đơn giản quá, mặc dầu tấm lòng của Hòa Thượng Trụ Trì chùa Đức Lâm thì rộng thênh thang như biển cả, cao vút tận mấy tầng không của cây cỏ trong rừng Thiền, nên tôi hỏi Thầy Thánh Duyên rằng: Ngài còn ở đâu nữa không? Thì được trả lời là: Còn chùa Tinh Tấn ở Hamamatsu nữa. Rồi cuối cùng chúng tôi cũng đã đến thăm chùa nầy vào một cuối tuần của tháng 11 năm 2023. Chùa nầy do Ni Sư Thích Nữ Như Tâm sáng lập và sau nầy thỉnh Thầy Thánh Duyên Trụ Trì. Tôi và Phái Đoàn được Thầy Thánh Duyên giới thiệu nơi Ngài Tuệ Sỹ làm việc trong thời gian chờ đợi và khám bịnh tại bệnh viện ở Nagoya và chính nơi phòng nầy, Hòa Thượng đã gọi điện thoại đi khắp nơi trên thế giới vào cuối năm 2020 trước khi về Việt Nam để thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp và Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời.
Ngày mai mồng một tháng 12 năm Quý Mão, nhằm ngày 11 tháng 1 năm 2024, tại chùa Phật Ân ở Việt Nam làm lễ tuần chung thất cho Ngài. Ở Hải Ngoại Ban Biên Tập Phật Việt muốn xuất bản tập thứ 3 – Xuân Nay Vắng Thầy – nhân tuần 49 ngày của Hòa Thượng, nên tôi cố gắng viết vài dòng duyên khởi có nhan đề là “Nhân Duyên Hội Ngộ thời” để nhớ lại một thời đã qua là như thế, mà có lần Từ Hy Thái Hậu của Trung Quốc khi cho 4 chữ “Hải Thiên Phật Địa” cho chùa Cực Lạc tại Penang, Mã Lai cũng đã có ý lưu lại rằng: “Biển rộng rãi bao la là của Trời, còn đất chịu đựng kham nhẫn là thuộc về Phật,” để sánh với “Thiên Lý Độc Hành” của Hòa Thượng Tuệ Sỹ hay “Vạn lý vô vân vạn lý thiên” (muôn dặm không mây, muôn dặm trời) của vua Trần Nhân Tông chúng ta vậy. Riêng tôi xin kính dâng Ngài nhân tuần chung thất với 4 chữ như sau: “Bao la vạn dặm.”
Viết xong vào lúc 17 giờ ngày 10 tháng 1 năm 2024 tại Phương Trượng Đường Tổ Đình Viên Giác Hannover, Đức Quốc.