Xuân Trẻ Trung Vĩnh Cửu

04/02/20243:17 SA(Xem: 1015)
Xuân Trẻ Trung Vĩnh Cửu

blank
BÀI TẾT

XUÂN TRẺ TRUNG VĨNH CỬU
Nguyễn Thế Đăng

 

hoadao-010129Đạo Phật giúp cho con người thải bỏ những phiền não, khổ đau để sống trong tự do và an vui. Phiền não, khổ đau làm cho con người trĩu nặng, già đi và đi đến cái chết. Cất bỏ gánh nặng phiền não khổ đau khiến người ta nhẹ nhàng, trẻ trung, đầy sức sống, và chạm đến được sự trẻ trung vĩnh cửu vốn có nơi mỗi người.

“Tâm con là Phật” là câu kệ đức Padmasambhava nói với tất cả 25 đại đệ tử. “Tức tâm tức Phật” là sự khai thị và ngộ nhập của dòng Thiền Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc… Phật là cái Bất Tử, cái Vĩnh Cửu, cái thoát khỏi sanh, già, bệnh chết; chữ phổ thông nhất là Niết bàn.

Trong Đại Toàn Thiện (Dzogchen, Maha Ati) người đạt đến bản tâm mình, pháp thân vốn có nơi mình, thì được gọi là “thân cái bình trẻ trung” (youthful vase body). Một danh từ để chỉ Địa thứ Tám trong Kinh Hoa Nghiêm là “Đồng chân địa”, tức là địa của người thiếu niên (đồng) vốn trong sạch và không lầm lỗi (chân). Đồng chân địa Thomas Cleary trong bản tiếng Anh kinh Hoa Nghiêm dịch, là “it is called the stage of youth, because of innocence”.

 

Trẻ trung, tươi mới, hoan hỷ, “hồi sinh”… là mùa xuân. Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647-1726) nhìn đời sống xã hội của con người như là mùa xuân vạn cây đều nở hoa:

Ai ai đạt giả đồng đồ (đường)
Mỗi người mỗi có minh châu trong nhà
Mùa xuân vạn thụ khai hoa
Cành cao cành thấp vậy hòa chứng nên
(Thiền tông bản hạnh).

Thiền sư sống đến 80 tuổi, một tuổi rất thọ vào thời ấy. Ngài là một tác gia lớn, có nhiều tác phẩm và nhiều đệ tử. Ngài thuộc về dòng phái Trúc Lâm, do Sơ Tổ Trần Nhân Tông khai sáng. Ở đây chỉ nói đến sự trẻ trung, vui vẻ, lạc quan, khoái hoạt của ngài phản ánh trong bài Thiền tịch phú. Bài phú nói về cuộc sống riêng tư, tâm sự, tính cách của ngài… cho chúng ta thấy một đời sống đích thực trong đạo Phật là thế nào.

Bài Thiền tịch phú được viết bằng chữ Nôm, ở đây dùng bản phiên âm trong Thiền sư Việt Nam của H.T Thích Thanh Từ và Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng của Giáo sư Lê Mạnh Thát.

Mở đầu bài phú là hai câu “Vui thay… Vui thay…” cho thấy đời sống trong đạo Phật là an vui, dù ở nơi đâu, “cảnh trí danh lam hoặc chùa chiền cổ tích”:

Vui thay tu đạo Thích
Vui thay tu đạo Thích
Lọ phải thành đô
Nào nề tuyền thạch
Dù ngồi nơi cảnh trí danh lam
Hoặc ở chốn chùa chiền cổ tích
Đâu cũng dòng phúc đức trang nghiêm
Đây cũng vốn tu công thiền tịch…

Mục tiêu của đạo Phậtthanh tịnh hóa, hướng thượng hóa, thiêng liêng hóa con người, xã hội, và môi trường sống để đưa con người được sống trong hạnh phúc, hoan hỷ, tự do giải thoát, và an vui trường cửu. Nói theo Thiền sư, đâu cũng vui, hoàn cảnh nào cũng vui, vì “đâu cũng dòng phúc đức trang nghiêm”, thanh tịnh.

Cảnh vật thế gian đời thường đã biến thành một cảnh giới đẹp đẽ, thiêng liêng, toàn bằng bảy thứ báu:

Trăm thức hoa đua nở kề hiên
Bảy giống báu chất đầy kẽ ngạch
Ngào ngạt mùi xạ lan
Thơm tho hương trầm bạch.

Niềm an vui, hoan hỷ, tự do không chướng ngại khiến hành giả trở lại thành ngây thơ, trẻ thơ. Những hàng rào của chân lý tương đối, quy ước đã bớt siết chặt, khiến đạo Phật không còn là những khuôn khổ, kỷ luật từ bên ngoài, vốn là những phương tiện cần thiết lúc ban đầu để chế ngự thân tâm, mà trở thành gần gũi, ‘trong nhà’ thân quen và thích thú:

…Tả A Nan đại sĩ, vận sa hoa sặc sỡ vân vi
Hữu thổ địa long thần, mặc áo gấm lổ lang xốc xếch
Am thờ tổ, ngói rập gỗ dăm
Bốn bên nhiễu câu lan sóc sách.
Gác rộng thênh chuông đưa vài chập,
niệm nam mô nhẹ tiếng boong boong
Lầu cao tót trống dậy mấy hồi, đọc thần chú khua tang lách cách
Phướn tràng phan nhuộm vàng khè, lúc gió đưa phấp phới nhởn nhơ
Dù bòng boong dạng đen sì, khi trập mở nhập nhù thì thích…

Những tính từ, hình dung từ cùng âm thanh của chúng, như “sặc sỡ vân vi, lổ lang xốc xếch, nhẹ tiếng boong boong, khua tang lách cách, phấp phới nhởn nhơ, nhập nhù thì thích…” khiến cho bài phú có một cảm thức vui tươi, trẻ trung, vô tư như trẻ nhỏ. Phải chăng ở mức độ cao cấp, kỹ thuật đã biến thành nghệ thuật? Phải chăng ở đỉnh cao, sự tu hành nghiêm túc đã hóa hình thành như một trò vui thú, một trò chơi vui đùa như với những con người ở đỉnh cao, cuộc đời là một trò chơi vui đùa?

Với một hành giả cao cấp như Thiền sư Tuệ Đăng, một vị đắc tánh Không, tâm không có chỗ trụ, thì sự việc ở đời đều không có điểm trụ, như Kinh Duy Ma nói, “Từ gốc vô trụ, lập tất cả pháp”. Do đó mà nhìn sự đời không trụ chấp, không cường điệu, không quan trọng hóa, do đó mà trẻ trung, vui tươi, pha lẫn đôi chút khôi hài, “tếu tếu”; mặc dù vẫn giữ giới hạnh của Bồ tát là “thành Phật độ sanh” (với các nhà tâm lý học Âu Mỹ hiện đại, khôi hài là một dấu hiệu biểu lộ của trí thông minh).

…Chí dốc nên Phật tổ siêu thăng
Lòng nguyện độ chúng sanh trầm nịch
Đêm đông trường, khi mật niệm gióng tiếng
chuông thánh thót lênh kênh
Ngày hạ tiết, lúc tụng kinh, nện dùi mỏ khoan mau lịch kịch


Chỉn chuộng một bề đạo đức, miệng chẳng hiềm ăn đắng ăn cay
Vốn yêu hai chữ từ bi, thân nào quản mặc lành mặc rách…

“Đạo đức, từ bi, chí dốc nên Phật tổ siêu thăng” không còn là những bổn phận, mục tiêu đè nặng lên cuộc đời tu hành mà trở nên nhẹ nhàng, vui thích như sự biểu lộ của một cuộc đời tự do giải thoát.

Sự vui tươi, trẻ trung, hài hước quay trở lại với chính mình để thành giỡn cợt vui đùa với chính mình, tự chế giễu mình, tự trào:

…Khi dưa giấm chua lòm
Bữa canh suông lạt thếch
Mũ viền sô nhuộm mực đen sì
Quần áo vải nâu sòng cũ rích

Cầu đạo xả thân, vốn giữ nếp nhà thiền cục kịch
Dép đi đỡ bụi cách trần, dép chẳng chuộng da tàu hàm ếch
Gậy nương chống đi dong dặm tuyết,
gậy chẳng cần khúc khuỷu cong queo
Bầu để dựng nước cam lồ, bầu lọ phải ngòng ngoèo ngốc nghếch…

Bởi vì cuộc đời của người đã chứng đạo, chứng ngộ niềm vui, an lạctự do, là một cuộc dạo chơi, “chơi rừng Nho, dạo bể Thích”. Người ấy ‘giàu có, sang trọng’ vì có được viên ngọc như ý của chánh pháp bao trùm tất cả. Sự chứng ngộ thực tại không còn là những khái niệm, ý tưởng mà đã trở thành bánh, trà, hoa quả, ăn uống được. Đạo Phật trở thành bản tánh của cuộc đời cụ thể, thế tục, “vốn đã chứa chan, muôn kiếp hằng no, ngàn đời chẳng dịch”.  

Chơi rừng Nho len lỏi suối khe
Dạo bể Thích luồn tuôn ngòi lạch
Trà bát đức sẳn đà lưu loát, chẳng phải lo củi nấu kỳ cầm
Bánh tam thừa vốn đã chứa chan, nào có nhọc bột đâm thì thịch
Quả bồ đề ăn ngọt xớt, muôn kiếp hằng no
Hoa ưu bát ngửi thơm tho, ngàn đời chẳng dịch…

Cho đến sự đến với cuộc đời, rồi sẽ rời đi, thuyền bè đưa rước chở người đều là “đứng chơi, ngồi trịch, mặc sức, dầu lòng”:

Sang Tây phương bệ ngọc đứng chơi
Về Đông độ tòa vàng ngồi trịch
từ bi thênh thênh rộng rãi, mặc sức chở người
Thuyền Bát nhã thăm thẳm bao la, dầu lòng độ khách…

Đây là sự tự do tự tại, vui chơi du hý của một vị “không tu tập nữa” (vô học), không dụng công nữa (vô công dụng hạnh), nhậm vận (“tùy thuận sự tự nhiên của pháp tánh”, theo Từ điển Phật học Huệ Quang).

Người ấy được gọi là người thấy Tánh, du hý tam muội, như lời diễn tả của Lục Tổ Huệ Năng (Phẩm Đốn Tiệm, thứ 8):

Nếu ngộ tự tánh thì cũng chẳng lập Bồ đề Niết bàn, cũng chẳng lập giải thoát tri kiến. Không một pháp có thể đắc mới có thể kiến lập muôn pháp. Nếu rõ ý này cũng gọi là Phật thân, cũng gọi là Bồ đề Niết bàn, cũng gọi là giải thoát tri kiến.

Người thấy tánh thì lập cũng được, không lập cũng được, đến đi tự do, không ngưng không ngại, ứng dụng tùy làm, ứng lời tùy đáp, hiện khắp hóa thân mà chẳng lìa tự tánh, tức là được tự tại thần thông, du hý tam muội, ấy gọi là thấy tánh”.

Khi đã thấy tánh thì tất cả đều thấy tánh (“đồng thành Phật đạo”), đều ở trong tánh, do đó thế giới, con người hiện ra đều vui tươi, trẻ trung, sự trẻ trung vĩnh cửu của tánh Giác. Lịch sử tu chứng của Phật giáo được nhìn bằng đôi mắt vui tươi, trẻ trung, như đôi mắt một đứa trẻ (đồng tử) xem một màn kịch:

…Thích Ca Phật tổ năng kiến tánh, ngồi Tuyết sơn khô khẳng gầy gò
Di Lặc Tiên Quang bởi vô tâm, đi vân thủy đẩy đà phục phịch
Đức Huệ Năng bát nguyệt thung phường
Tổ Đạt Ma cửu niên diện bích
Thần Quang đoạn tý lúc còn mê, mặt ngó đăm đăm
Ca Diếp nhãn đồng thoắt chốc ngộ, miệng cười hệch hệch

Những câu chót là lời khuyên phải hay biết tánh Không. “Sừng thỏ, lông rùa,… đầu sò tai ếch” là phương diện Giả - Huyễn, một trong 3 phương diện Không, Giả, Trung, của tánh Không. Sừng thỏ lông rùa, đầu sò tai ếch là thứ không có thật. Như Kinh Kim Cương nói: “Phàm hễ có tướng đều là hư vọng. Thấy các tướng chẳng phải tướng tức là thấy Như Lai.”

Phương diện Trung, diệu hữu của tánh Không đã nói ở đoạn trên, “trà bát đức, bánh tam thừa, quả Bồ đề, hoa ưu bát… muôn kiếp hằng no, ngàn đời chẳng dịch”.

Thế nên ở đây, nói tánh KhôngChân Không - Diệu Hữu. Nếu ra đời mà không biết thực tại này thì như đến một đảo tất cả đều là vàng mà chẳng mang về được chút nào cả, “đừng bắt chước sự đời, trước ra không sau lại về không”.

Đã sinh ra trong cuộc đời, đó là “nhân” để thấy biết được “quả” là Chân Không - Diệu Hữu. Có “nhân” mà không “tỏ quả” thì “luống công nghĩ tiếc khuâng khuâng”. Còn đã có nhân mà tỏ quả thì đây là ý nghĩa của cuộc đời thế gian, đến được đảo vàng, thấy biết tất cả là vàng, “rồi đắc ý cười riêng khích khích”. Sau đây là những câu chót của bài phú.

Dầu người quyết lòng học đạo, hỏi cho hay sừng thỏ lông rùa
Hoặc kẻ dốc chí chân tu, xem cho biết đầu sò tai ếch
Khuyên người đời đừng bắt chước sự đời, trước ra không
sau lại về không,
Nữa luống công nghĩ tiếc khuâng khuâng
Bảo kẻ có chí phải theo đòi thánh chí, nhân đà tỏ quả càng thêm tỏ
Rồi đắc ý cười riêng khích khích.

Thiền tịch phú là bài ca, hát lên niềm vui của cuộc đời học đạochứng đạo, đó cũng chính là ý nghĩa đích thực của cuộc đời làm người vậy:

Vui thay tu đạo Thích!
Vui thay tu đạo Thích! 




 

Tạo bài viết
12/01/2012(Xem: 61570)
18/01/2011(Xem: 89655)
07/02/2015(Xem: 13343)
27/01/2015(Xem: 26529)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…