Ăn chay, không ăn thịt, là một truyền thống cao đẹp hơn ngàn năm nay ở nước ta, phù hợp một cách sâu xa với tinh thần sùng cao của Phật giáo. Chỉ có những tín đồ Phật giáo của một quốc gia có một nền văn hóa sâu sắc thâm hậu như Trung Quốc, mới có thể phát huy được triệt để. Không những ăn chay đã trở nên sự hành trì của mỗi cá nhân, ăn sâu vào lòng người, mà những mỹ đức như sự cấm sát sanh, cấm giết thịt, đã từng ảnh hưởng đến chính sách của quốc gia.
Ý nghĩa của sự ăn chay, tuy không phải là điều mà những người ăn chay có thể hoàn toàn hiểu rõ, thế nhưng, ăn chay, rốt ráo vẫn là một sự tốt đẹp đặc sắc của Phật giáo nước nhà. Rất tiếc, hai ba mươi năm gần đây, có rất nhiều nhân tố phức tạp âm mưu phá hoại, làm cho tập tục ăn chay từ từ trở nên suy tàn. Các loại ngụy luận tà thuyết phát sinh càng lúc càng nhiều! Đây là điều suy sụp đáng thương hại cho tinh thần Phật giáo mà chúng ta không thể không lên tiếng biện hộ. Bởi vậy, không lạ gì khi có những Phật tử hộ pháp chân thành, như Đại sư Ấn Quang, v.v…, đã vì vấn đề này mà suy tư lo lắng, lớn tiếng hô hào hầu mong cứu vãn tình hình.
Tín đồ Phật giáo tại sao lại phải ăn chay? Có nhất định phải ăn chay không? Có thể thực hành sự ăn chay một cách triệt để hay không? Tại sao không thể ăn mặn? Đối với những vấn đề như trên, thường thường có người đặt ra câu hỏi. Hiển nhiên, đây là một vấn đề rất dễ bị mọi người hiểu lầm, mà tất cả Phật tử mới học Phật cần phải hiểu rõ, hơn nữa, đây cũng là một vấn đề mà những kẻ muốn hộ trì Phật pháp không thể bỏ qua!
Trước hết, chúng ta nên biết rằng, trong Phật pháp, món mặn (Hán: huân) tức là những thứ rau có mùi hôi tanh nồng nặc, như hành, tỏi, hẹ, nén, v.v… Nếu như mọi người đều ăn những món này, thì giữa những kẻ đó với nhau, sẽ không có điều gì đáng nói. Thế nhưng, nếu chỉ có một số ít người ăn, mà đa số không ăn, thì cái mùi tanh hôi đó, nếu như người khác ngửi được, ắt không khỏi cảm thấy lợm giọng! Cho nên Phật tử cố tránh không ăn. Nếu như kẻ bị bệnh, phải ăn những món đó để trị liệu, tức không cho họ tham gia tập hợp với quần chúng, để tránh cho kẻ khác sự phiền hà. Phật giáo cấm ăn mặn, ý nghĩa là như vậy, không giống với quan niệm thông thường cho rằng không ăn mặn là không ăn thịt. Còn như mọi người thông thường nói đến ăn chay (trai), trên đại thể, có nghĩa là ăn rau trái mà không ăn thịt. Y theo Phật pháp mà nói, Phật giáo không phải là chủ trương ăn chay tuyệt đối, mà chỉ là, trong các loại rau trái, không ăn các loại ngũ tân; mà Phật giáo cũng không phải tuyệt đối phản đối những kẻ ăn thịt. Như đức Phật cho phép ăn sữa, bơ, là những thực phẩm sản sinh từ động vật, cho nên Phật pháp không phải như những người thường tưởng tượng, là chỉ ăn rau trái mà không ăn thịt. Tín đồ Phật giáo không ăn thịt, là vì muốn thực hành giới không sát sinh mà thôi.
Không sát sinh, là pháp tắc căn bản của Phật giáo. Trong sự xử thế, lợi sinh, tất cả giới hạnh (hành vi đạo đức), đều dùng giới không sát sinh làm căn bản. Như quy y là một sự tin chịu hành trì của người mới vào đạo Phật, lúc quy y nói: “Từ hôm nay cho đến lúc mệnh chung, hộ sinh”. Sự hộ sinh thực tiển, không thể không thọ giới. Giới đầu tiên của ngũ giới, thập giới là không sát sinh. Quy nạp ý nghĩa của giới thiện là như sau: không sát sinh, là không tổn thương mệnh sống (Hán: nội mệnh) của kẻ khác; không trộm cắp, là không tổn hại đến tài sản (Hán: ngoại mệnh) của kẻ khác. Tôn trọng sinh mệnh tài sản của kẻ khác, cho nên có thể hộ trì sinh mệnh của họ. Không tà dâm, là không pháp hoại sự hòa hài của gia đình kẻ khác, cho nên có thể hộ trì sinh mệnh của gia đình; không vọng ngữ, là làm cho nhân loại tha thứ tin tưởng lẫn nhau, không lừa dối tranh chấp, cho nên có thể hộ trì sinh mệnh của xã hội, nhân loại. Nếu rời bỏ tinh thần hộ trì sinh mệnh, thì tất cả hành vi đối với loài người, xã hội, đều biến thành những hành vi tà vạy, bất thiện. Cho nên hộ sinh là hạch tâm quan trọng của Phật giáo. Đây là điều vốn có của Phật giáo, mà cũng là chỗ mà Phật giáo Đại thừa phát huy một cách triệt để. Sự không sát sinh, không ăn thịt, dùng từ bi làm căn bản, đều bắt nguồn từ đây.
Có kẻ chủ trương ăn thịt không có gì phương ngại, hoặc có kẻ cho rằng không thể không ăn thịt. Những kiến giải của những kẻ ăn thịt này, rất là phức tạp, nhưng điều coi thường mọi người nhất, là treo lên cái chiêu bài giả dối, mệnh danh khoa học. Bọn họ cho rằng: chúng ta không thể không sát sinh, không sát sinh là điều bất khả. Cho nên theo bọn họ, từ sự không sát sinh đưa đến sự không ăn thịt, là điều vô ý nghĩa. Bọn họ cho rằng cây cỏ cũng có sinh mệnh, cho nên những kẻ ăn rau trái, cũng không tránh khỏi sự sát sinh. Bọn họ cho rằng: “Ăn chay (không ăn thịt) cũng không phải là triệt để, như khi uống một hớp nước, trong nước có biết bao nhiêu sinh vật! Hít một hơi thở vào, trong không khí cũng có biết bao nhiêu sinh mệnh. Nếu như muốn chân thật không sát sinh, không ăn thịt, thì phải nên không uống nước, không hít thở không khí. Như thế, chỉ có sự chết mà thôi!” Bọn họ lại cho rằng: “Những cái nhìn nhân từ, như nhà Nho có nói: Kẻ quân tử lánh xa nhà bếp , v.v…, đều chỉ là những sự tự lừa dối chính mình.” Những quan điểm như vậy, nếu là của những kẻ bình thường trong xã hội, thì chúng ta cũng có thể thông cảm cho họ. Nếu như có những phần tử tín đồ Phật giáo, lại cũng phụ họa vào những quan điểm này, thì đây là điều rất đáng buồn cười! Nghe nói Phật giáo giới Nhật Bản cũng có những kiến giải tương tự, tôi rất lấy làm khó tin. Nền Phật học ở Nhật Bản nghe nói rất là hưng thịnh, làm sao lại có thể ngang nhiên đề xướng những luận điệu ngược ngạo như vậy được? Hoặc giả, có những học giả “lầm đường”, tùy thuận, phụ họa những luận điệu sai lầm của thế tục?
Phật giáo nói đến sự sát sinh và không sát sinh, trong đó bao hàm tính chất thiện ác (đạo đức, không đạo đức). Điều này chẳng phải thuộc về phạm vi của thếgiới khoa học (vật lý, hoá học, v.v…), mà cũng chẳng phải là những vật hiện ra dưới kính hiển vi, hay trong kính vi-n vọng (trong khoa học vật lý không có sự phân biệt giữa thiện và ác), mà đây là sự việc thuộc về phạm vi của thế giới đạo đức, là nơi có sự pha trộn giữa lý và tình, có sự tương quan giữa tâm và sắc, cho nên vấn đề phải được bàn luận qua sự quan hệ của tình và lý, tâm và cảnh.
Trước tiên, từ đối tượng của sự sát sinh mà nói: sát sinh, nghĩa là muốn đến sự sát hại những sinh vật có tình thức (cũng gần giống như người thường nói đến động vật). Các chúng sinh có tình thức, đều có bản năng là “ham sống sợ chết”. Nếu như chúng nó bị tổn thương, hay bị giết chết, đều sinh khởi sự sợ hãi, thống khổ, sinh khởi sự oán hận, phẫn nộ, chống đối. Ví như, nếu có sự giết nhau giữa người và người, đôi bên sẽ tạo thành sự kết thù, kết oán, mưu hại lẫn nhau. Còn cây cỏ là những vật không có tình thức, tuy có những hiện tượng của một sinh mệnh như sinh sản, dinh dưởng, v.v… Thế nhưng, lúc bị tổn hại, chúng chỉ có những phản ứng vật lý, mà không có những phản ứng tâm thức. Chẳng hạn, như khi chúng ta đốn cây, chặt cỏ, điều này không làm cho cây cỏ sinh khởi sự chống đối, tàn hại lẫn nhau, vì thế, chúng ta cũng không bị ảnh hưởng bởi nghiệp lực của sự tàn sát. Cho nên, Phật giáo nói đến sát sinh, là chú trọng đến vấn đề đối phương có sinh khởi phản ứng của tâm thức hay không? Nhân đây có đưa đến liên hệ của sự thù hận, đối địch hay không? Cái luận điệu “ăn chay là sát sanh”, hiển nhiên là do việc không hiểu rõ sự thực này, mà cũng không hiểu rõ ý nghĩa thực sự của sự tại sao lại cấm đoán sát sanh!
Sự sát sanh, trong Phật pháp, chuyên từ phương diện chúng sanh hữu tình mà nói; hơn nữa, tuy cùng là hữu tình, do vì sự quan hệ với con người khác nhau, cho nên tội sát sanh cũng có sự nặng nhẹ khác biệt. Như giết người, đây là tội nặng. Nếu như, giết những bậc có ân đức với mình và nhân loại, như cha mẹ, sư trưởng, thánh hiền, đây là tội ác cực kỳ nặng nề! Còn như giết hại trâu, dê, chim, trùng, cá, v.v…, tuy cũng có tội, song tương đối nhẹ hơn nhiều. Đồng thời, trong khi phán xét tội sát sanh là nặng hay nhẹ, phải cứu xét đến tâm cảnh của kẻ sát sanh để luận định. Điều này, sơ lược, có thể phân làm ba trường hợp: (1) biết rõ đối phương là hữu tình, do vì tham, sân, tà kiến, và sau khi đã suy nghĩ kỹ càng rồi, bèn khởi tâm quyết định sát hại. Những kẻ sát sanh bằng đường lối này, đương nhiên phạm tội rất nặng. Nếu như sát hại súc sanh, tội báo cũng không nhẹ; (2) đối với những chúng sanh như trâu, dê, trùng, kiến, v.v…, không những không nên sát hại, mà còn nên cẩn thận không sát hại chúng. Còn nếu như hành động buông lung, không chịu cẩn thận, trong lúc vô ý làm hại đến sanh mạng chúng nó, tuy cũng có tội, song chỉ là tội nhẹ “ác tác” mà thôi; (3) nếu như trong lúc [vô ý] sát hại, không những không có tâm sát hại, lại cũng không biết là đang có sự hiện diện của chúng nó, ví dụ, như lúc bình thường uống nước hoặc hít thở không khí, giả như có gây sự tổn hại [đến chúng sanh], cũng không thể thành tội sát sanh. Trong Phật pháp nói đến sát sanh, là muốn chỉ đến sự sát sanh do tội ác sanh ra. Điều này cũng gần giống như pháp luật của thế gian, chẳng qua, giới luật của Phật giáo có phần triệt để hơn mà thôi. Ví dụ, trong pháp luật thế gian, kẻ cố ý giết người, cùng với kẻ ngộ sát, hai sự phạm tội này rõ ràng có sự nặng nhẹ khác nhau. Lại như, đối với kẻ mất trí, hoặc đứa trẻ còn ấu trĩ, giả như họ trong lúc vô ý tạo tội sát hại, cũng không thể thành tội sát sanh.
Phật pháp nói đến sát sanh cùng không sát sanh, đều rất hợp tình hợp lý, không phải là điều khó hiểu. Thế nhưng, những kẻ mang chiêu bài khoa học biện luận cho sự sát sanh, lại đem những sự kiện này “đánh lận con đen”, không chịu cứu xét đến tình lý, tâm cảnh, điều này mới đưa đến những luận điệu như: “không thể tránh sát sanh”, “không thể không sát sanh”. Nếu y theo những luận điệu của họ mà suy luận, chúng ta có thể lập luận như sau: “Vì thế gian không thể tránh được những sự đấu tranh, như thế không cần đề phòng những sự đấu tranh tàn khốc, không thể không có những sự đấu tranh tàn khốc. Vậy thì, đối với những kẻ chống đối chiến tranh, chủ trương hòa bình nhân đạo, chúng ta cũng nên phản đối họ.” Luận điệu của những kẻ chủ trương không thể không sát sanh, không gì khác hơn là sự mạt sát chân lý và đạo đức. Nếu như những tín đồ Phật giáo lại phụ họa theo họ, thì đây chính là những kẻ “phá kiến”.
Có người cho rằng: “Những người xuất gia có ăn mặn cũng không hại gì”, bởi vì theo sự ghi chép của kinh điển, Đức Thích Tôn và các đệ tử đều không cấm ăn thịt. Cho nên hiện tại, các vị tăng ở các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, mà sinh hoạt gần giống như Phật giáo nguyên thỉ ở Ân Độ, đều là những kẻ ăn thịt. Hơn nữa, các vị lạt ma ở Mông Cổ, Tây Tạng, hoặc các vị tăng Nhật bản, cũng đều là những kẻ ăn thịt. Điều này có thể chứng minh rằng không ăn thịt là một tập quán đặc thù của Phật giáo đồ ở Trung Hoa, chứ không phải là một điều lệ mà tất cả mọi tín đồ Phật giáo phải tuân theo. Nếu như y cứ vào thực trạng của Phật giáo tại các nước, sự ăn thịt có vẻ rất hợp lý. Thế nhưng, trong đây có một vấn đề cần phải giải quyết trước, không thể không giảng rõ, tức là Phật giáo đem sự hộ trì sanh mạng (trong việc lợi ích chúng sanh), làm tinh thần chỉ đạo, dùng đây làm một lý niệm cao thượng, làm cho mọi người trong sinh hoạt thực tế, lại luôn luôn có thể được tiến bộ, hướng thiện hướng thượng. Điều này phải xuyên qua nhân duyên, thời gian, địa phương. Từ chỗ có thể làm được mà bắt đầu, từ từ đề cao, mở rộng, không thể lý luận quàng xiên, thành ra những luận điệu vô ý nghĩa. Bởi vậy, trong Phật pháp có nhiều trình tự: pháp nhân thiên, pháp xuất thế, v.v… Chúng ta nên hiểu rõ những phương tiện từ từ đi vào Phật pháp, dẫn đạo chúng sanh vào pháp môn cứu cánh triệt để, chứ không thể thiên chấp vào một bộ phận không cứu cánh.
Đúng vậy, Phật giáo Ấn Độ, lúc Đức Phật còn tại thế cũng như sau khi Ngài nhập diệt, đều là ăn thịt, thế nhưng không sát sanh. Trong giới luật, không những nghiêm cấm sự giết người, mà còn không cho phép sự cố ý giết hại tất cả chúng sanh; ngay cả đến vi trùng trong nước, cũng phải dùng lưới lọc để tránh sự tổn hại. Như vậy, chứng tỏ rằng sự không sát sanh là điều Phật giáo quán triệt rất nghiêm cách. Thế nhưng, nhân vì Đức Phật và các đệ tử đều phải sinh hoạt bằng cách đi khất thực, tùy thuộc vào thức ăn mà thí chủ bố thí, cho món gì ăn món đó. Đức Phật và các đệ tử của Ngài, quyết không vì sự ham thích mùi vị mà tự mình cố ý sát hại chúng sanh, hoặc cho rằng không thể không ăn thịt. Bởi vì phải đi khất thực để giáo hóa chúng sanh, việc ăn uống tùy thuộc vào kẻ khác, thành thử không thể nghiêm cấm việc ăn thịt. Các ngài không khởi tâm sát hại, mà cũng không vì mình mà giết. Các ngài tuy là ăn thịt, thế nhưng vẫn chưa từng phạm giới sát sanh, cho nên chế độ ăn thịt lúc Đức Phật còn tại thế, vẫn là có sự hạn chế. Đối với những thí chủ cúng dường thịt cá, nếu thấy họ vì mình mà giết, thì lập tức từ chối không nhận. Bởi vì nếu ăn thịt như thế, chúng sanh vì mình mà bị giết; vốn là có thể từ chối [không thọ nhận] mà không chịu từ chối, đây là phạm vào giới không sát sanh. Phật pháp cấm đoán việc ăn thịt, không phải vì đó là thịt mà cấm, mà là vì muốn cấm đoán việc sát sanh. Những người thường không hiểu ý nghĩa của sự không sát sanh, không biết rằng vì không muốn sát sanh cho nên không ăn thịt, chứ không phải vì đó là thịt mà không ăn thịt, vì sự ngộ nhận này, Phật giáo mới không tránh được sự dị nghị của thế gian. Do đây, các vị tỳ kheo sinh hoạt theo lối du hành khất thực giáo hóa chúng sanh, chỉ cần không thấy không nghe không nghi, thì sự ăn thịt của họ không phạm vào giới không sát sanh. Thế nhưng, nếu như các vị ấy thọ sự cúng dường dài lâu của một tín đồ, thì phải cho họ biết rằng không nên vì các tỳ kheo mà làm các món ăn có thịt cá; nếu không, chẳng lẽ không biết rằng các vị tín đồ vì mình mà sát sanh! Làm sao có thể đổi thừa là Đức Phật cho phép mình ăn mặn? Giả như ăn thịt quen rồi, cảm thấy rằng không thể không ăn thịt, đây là vì bị mùi vị trói buộc, thì dù đó là tăng chúng của Tích Lan, Miến Điện, hay Thái Lan, trên căn bản đều đã phạm vào lời dạy của Đức Phật, đánh mất tinh thần từ bi của Phật giáo.
Chế độ xuất gia của Phật giáo, trên căn bản là để thích ứng với sinh hoạt khất thực của Ấn Độ thời bấy giờ. Trong cái tình cảnh sinh hoạt như thế, đối với thức ăn mà mình thọ dụng, không có thể nào hoàn toàn do mình lựa chọn, chỉ còn cách là có gì ăn nấy. Đây chỉ là phương tiện thích ứng hoàn cảnh và thời đại, thế nhưng trong tâm từ bi của Đức Phật, quyết chắc không phải là “nhất định phải ăn tam tịnh nhục”! Cho nên để phát dương đầy đủ tinh thần từ bi của Đức Phật, trong các kinh Đại thừa như Tượng Dịch, Ương Quật, Lăng Già, Niết Bàn, Lăng Nghiêm, đều đã tuyên thuyết: “Đệ tử của Đức Phật không nên ăn thịt, được ăn tam tịnh nhục chỉ là lời nói phương tiện, ăn thịt là đoạn diệt hạt giống từ bi (vì cố ý sát sanh), kẻ ăn thịt là quyến thuộc của ma.” Thuyết lý về sự không ăn thịt của Đại thừa, là điều tuyệt đối khế hợp với tinh thần từ bi của Đức Phật. Đây không phải là một giọng điệu cao xa, mà là một điều thích hợp thực tế, có thể thực hành được. Bởi vì, lúc đầu các vị tỳ kheo, tuy rằng trải qua cuộc sống khất thực, nhưng trong tiến trình phát triển của Phật giáo, tăng đoàn được các vị quốc vương cùng các tín đồ cúng dường những khoảnh đất rộng lớn. Những khoảnh đất này, tuy rằng do tịnh nhân canh tác, tịnh nhân cúng dường ẩm thực, nhưng trên thực tế, ẩm thực được cúng dường là vật sở hữu của tăng đoàn. Một phần ẩm thực khác là do thọ nhận sự cúng dường của một số tín đồ nào đó (vẫn là đi khất thực mỗi ngày). Cái sinh hoạt đi khất thực từng nhà, đã từ từ thay đổi thực chất của nó. Trong hoàn cảnh mới mẻ này, nếu có vị tỳ kheo nào còn ăn thịt, thì đương nhiên vị đó đã do sự thèm muốn mà ăn thịt, làm sao có thể nói là không phạm vào giới cấm của Đức Như Lai? Cho nên vào thời kỳ Đại thừa đang hưng thịnh, các hành giả Đại thừa đã kiên quyết phản đối sự ăn thịt. Lại như các chùa chiền ở nước ta, đều sinh hoạt bằng cách tự cày cấy, tự mua sắm, tự nấu nướng, nếu như tăng chúng ở nước ta ăn thịt, thử hỏi làm sao không phạm vào giới cấm của Đức Như Lai? Không cần đề cập đến Đại thừa, ngay cả trong giới luật Thanh văn cũng không cho phép ăn thịt! Có một số vì muốn ăn thịt cho nên đã viện dẫn việc tăng chúng ở Tích Lan, Miến Điện, v.v…, ăn thịt, làm chứng cớ cho rằng tăng chúng ở Trung Quốc cũng có thể ăn thịt. Đây là do sự không thấu rõ thực tình, chỉ chìu theo thị dục của mình mà nói càng nói bướng!
Phật giáo đồ ở Mông Cổ, Tây Tạng cũng có chế độ ăn thịt. Thế nhưng, Mông Cổ, Tây Tạng là xứ chăn nuôi (khác với Ấn Độ, Trung Quốc là xứ trồng trọt), thực phẩm chính không ngoài thịt bò, thịt dê. Ở trong hoàn cảnh như vậy, không ăn thịt là một điều rất khó thực hiện. Nếu như vì phương tiện phải sinh hoạt bằng cách đi khất thực, nếu như có thể không tự mình giết, không bảo kẻ khác giết, thì sự ăn thịt của Mông Cổ, Tây Tạng, là điều có thể chấp nhận, mà không phạm vào giới không sát sanh.
Lại còn một lý do khác để tín đồ ở Mông Cổ, Tây Tạng ăn thịt, là vì tín đồ ở hai xứ này theo Mật thừa (Mật giáo), so với Thanh văn thừa và Đại thừa, có rất nhiều chỗ khác biệt. Điều mà Đại thừa hiển giáo tôn sùng ngưỡng mộ, muốn tìm cầu, là quả vị Phật và đại hạnh của Bồ tát, tức là đại từ bi và đại trí tuệ. Hai đức tính này, được thể hiện qua những hình ảnh ôn hòa, nhu nhuyễn, nhẫn nhục, và đặc biệt biểu hiện bằng những dáng dấp từ bi. Tín đồ Đại thừa dùng đây làm mẫu mực để tu học, chú trọng đến từ bi, do đó không ăn thịt là giới hạnh cần thiết của người tu hạnh Đại thừa. Ngược lại, các bổn tôn mà các hành giả Mật giáo tôn sùng, kính ngưỡng, biểu hiện những tướng mạo của dạ xoa, la sát, đầy sự giận dữ, tham dục. Hành giả Mật giáo dùng thân của dạ xoa, la sát (chấp kim cương thần) của cõi trời dục giới [Đao Lợi] làm lý tưởng, sinh khởi [quán tưởng] thiên mạn, nghĩa là tự thân là kim cương thần, còn gọi là Phật mạn, hướng về dạ xoa, la sát mà học tập, hy vọng mình sẽ thành tựu thân kim cương của dạ xoa. Dạ xoa la sát, trước nay vẫn là giống ăn thịt uống máu (tàn hại nhân loại), tà hạnh loạn dâm. Trong kinh của Thanh văn và Bồ tát, đều có mô tả những sự kiện hàng phục, giáo hóa bọn dạ xoa la sát, làm cho bọn họ không còn ăn thịt, xa lìa dâm loạn, không còn sát sanh, hộ trì Phật giáo. Thế nhưng, những hành giả Mật giáo, lại hướng đến bọn họ để học tập, xem bọn họ ngang hàng với Tam bảo, bởi vậy, mới hướng về bọn họ học tập ăn thịt, điều này, đương nhiên sẽ dẫn đến lập luận về sự không thể không ăn thịt. Nghe nói, sự ăn thịt đi đôi với tông chỉ “dâm dục là con đường đạo”, điều này quả thật là một sự kiện vô cùng thú vị.
Từ phương diện hoàn cảnh mà nói, các vị xuất gia ở Mông Cổ, Tây Tạng ăn thịt, đây chỉ là một điều bất đắc dĩ. Từ phương tiện tín ngưỡng mà nói, pháp môn dạ xoa kim cương, phát tâm tu học uống máu ăn thịt, đây là sự tự do tín ngưỡng của các hành giả Mật giáo, chúng ta không có lời nào đáng bàn luận cả. Đối với các vị bổn tôn hiện thân tướng dạ xoa, la sát, đương nhiên không thể dùng đạo đức của loài người, hoặc dùng sự thị hiện tướng mạo nhu hòa từ bi để phê bình [Mật giáo]. Chẳng qua, từ thiển kiến của chúng ta, chỉ hy vọng là chúng ta y vào giáo pháp Bồ tát để giáo hóa bọn dạ xoa, chứ không tán thành việc y vào Mật giáo mà bị hóa thành dạ xoa.1
Trên phương diện hoàn cảnh, cũng như tín ngưỡng, sự ăn thịt của tín đồ Phật giáo Mông Cổ, Tây Tạng, thực sự không có gì đáng phê bình, hoặc đáng bắt chước. Thế nhưng, những kẻ chịu ảnh hưởng của Phật giáo Mông Cổ, Tây Tạng, biện hộ cho sự ăn thịt, đưa ra những lập luận ly kỳ, càng ngày càng đông. Bọn họ cho rằng: “Tu tập Mật giáo, bởi vì muốn phá chấp, không thể không ăn thịt”. Trên thế giới đầy dẫy những kẻ ăn thịt, những kẻ không chịu ăn chay, đã không đề xướng sự ăn chay để phá sự vọng chấp của kẻ ăn thịt thì thôi, lại còn quay lại chỉa mũi dùi vào thiểu số người ăn chay, dẫn dụ bọn họ ăn thịt, xin hỏi có điều nào phi lý hơn hay không? Chẳng lẽ những kẻ tu Mật giáo ăn thịt, lại chuyên tâm muốn dụ dỗ thiểu số người ăn chay? Bọn họ lại cho rằng: “Chúng tôi ăn thịt là vì muốn độ những loài súc sanh đó.” Theo lời giải thích của bọn họ, nếu trước khi ăn, tụng niệm cho con vật, thì sẽ kết nhân duyên độ chúng nó sau này. Giả như, thực sự vì muốn độ bọn chúng, chẳng lẽ lại không nghĩ đến việc độ cha mẹ, anh em, con cái mình? Tại sao lại không ăn thịt cha mẹ, con cái, anh em mình? Nếu như nói rằng có phương pháp hay hơn để độ cho cha mẹ, con cái, anh em, thì trong việc phổ độ chúng sanh, tại sao lại không độ các loài chúng sanh như: trùng, rết, cóc, giòi tữa, v.v… Chẳng lẽ lại không chịu độ bọn chúng? Tại sao lại không chịu ăn những loại giòi, trùng này? Lý luận của những kẻ ăn thịt, rốt cuộc cũng vẫn là vô ích. Thẳng thắn mà nói: “Vì muốn ăn thịt chúng sanh nên nói muốn độ chúng sanh, chứ làm gì có chuyện muốn độ chúng sanh nên mới ăn thịt chúng sanh!”
Một phần Phật giáo đồ trong nước, đã không sanh trưởng trong địa khu chăn nuôi, lại cũng chẳng tu tập Mật giáo, thế mà lại viện dẫn việc Mông Cổ, Tây Tạng ăn thịt, là chứng cớ biện hộ cho việc ăn thịt của mình. Đây chẳng phải là điều vừa đáng thương hại, vừa đáng buồn cười hay sao?
Phật giáo Nhật Bổn, trong quá khứ tiếp thọ, truyền thừa Phật giáo Trung Quốc, cho đến ngày nay, trừ Tịnh Độ Chơn Tông ra, các tông phái lớn khác vẫn theo chế độ ăn chay. Ban đầu, các vị tu sĩ phái Chơn Tông, lấy vợ ăn thịt, theo thời gian, các tông phái khác cũng bắt chước bọn họ, điều này làm cho Phật giáo Nhật Bổn cùng lúc càng đi xa với truyền thống ăn chay của Phật giáo Trung Quốc. Phật giáo Nhật Bổn, tuy mang hình thức tăng lữ, song phần lớn chưa thọ giới xuất gia. Trên thực tế, có thể nói đây là Phật giáo của hàng tại gia. Thay vì nói rằng Phật giáo Nhật Bổn siêu việt chế độ xuất gia của Thanh văn thừa, để tiến vào hàng ngũ tại gia của Bồ tát thừa, chẳng bằng nói rằng bọn họ từ hàng ngũ xuất gia của Thanh văn thừa, thoái lui vào hàng ngũ tại gia của Nhân thừa. Đối với sự ăn thịt của Phật giáo Nhật Bổn, chúng ta không nên dùng tiêu chuẩn quá sùng cao, nghiêm cách mà bình luận bọn họ.
Bảo hộ sanh mạng là tinh thần căn bản của Phật giáo, đây là nguyên tắc đồng nhất; thế nhưng trên thực tiển, không thể không thích hợp hoàn cảnh, hoặc căn tính. Từ phương diện hoàn cảnh: hoặc là do chế độ khất thực, mà phải phương tiện cho phép ăn tam tịnh nhục; hoặc là do sự cư trú trong khu vực chăn nuôi, mà phải phương tiện cho phép ăn thịt. Ở đây, chỉ cần không tự mình giết, không bảo người khác giết, không trực tiếp vì mình mà giết, thì sự ăn thịt không đi ngược với giới không sát sanh. Thế nhưng tăng chúng ở Trung Quốc, tự mình mua sắm, tự mình nấu nướng, thì không luận như thế nào, ăn thịt là một sự vi phạm giới luật. Hoàn cảnh đã có những đặc tính khác nhau, không thể nói một cách chung chung được. Thế nhưng, dù sao chăng nữa, tinh thần đại bi bảo hộ sanh mạng, trước sau vẫn là lý tưởng tối cao của những người học Phật, không nên vì chấp trước vào phương tiện tạm thời mà quay lại phản đối lý tưởng cứu cánh!
Nếu từ phương diện căn tánh mà nói: Đối với những hành giả thực sự có căn tánh Đại thừa, tu học pháp Đại thừa, thì phải nên tuyệt đối cấm đoán việc ăn thịt, nuôi dưỡng tâm từ bi. Còn đối với các hành giả Thanh văn chú trọng đến sự tự lợi, Đức Như Lai phương tiện cho phép họ ăn tam tịnh nhục. Còn như đối với những tín đồ thông thường, đã chưa từng phát tâm cầu xuất ly (giải thoát), lại càng chưa từng phát tâm Bồ đề, mà thực sự chỉ là mong cầu con đường Nhân thiên trong Phật giáo, thì ngoài việc cấm giết người ra, đối với việc sát hại, hoặc ăn thịt các sanh vật khác, tuy là pháp tạp nhi-m, tội lỗi, song không thể nào quở trách bọn họ một cách quá nghiêm khắc được. Bởi vì từ vô thỉ đến nay, luân hồi điên đảo, chúng sanh nhất luật đều như thế cả. Thế nhưng vì muốn dẫn đạo bọn họ vào trong Phật pháp, cũng không ngại việc khuyến khích bọn họ ăn chay, hoặc một tháng hai ngày (mùng một và ngày rằm), hoặc một tháng sáu ngày, hoặc trong một thời gian ngắn hạn, để làm tăng thượng duyên cho sự giải thoát cho bọn họ. Nói cách khác, đối với những tín đồ đã quen ăn mặn, thay vì lập tức cấm đoán họ ăn thịt, chẳng bằng dùng phương tiện từ từ dẫn dắt họ vào việc ăn chay.
Phật giáo đồ Trung Quốc , ăn chay quen rồi, thường thường lại có quan niệm sai lầm là “học Phật không thể không ăn chay”. Đối với những kẻ học Phật mà còn ăn mặn lại thường sanh tâm khinh miệt, hủy báng. Điều này làm cho những kẻ ăn mặn không dám học Phật, mà lại đưa đến những phản ứng sai lầm, tà vạy không tốt của những kẻ ăn mặn. Còn kẻ ăn mặn, ăn mặn quen rồi, hoặc không thể xả bỏ được sự ham thích mùi vị, đối với vấn đề ăn chay, lại khởi lên nhiều lập luận ngang bướng, từ lập luận “ăn thịt cũng ngại gì”, dẫn đến lập luận “không thể không ăn thịt”. Không những cho rằng “kẻ học Phật có thể ăn thịt”, mà lại còn công kích những kẻ ăn chay, cho rằng ăn thịt là hợp lý, là điều phải nên làm. Phản đối sự ăn chay, phá hoại tất cả đạo lý về sự ăn chay, điều này biến thành những lập luận phi lý.
Hy vọng các bạn ăn mặn, tự mình không thể không ăn thịt, nên giảm bớt việc tạo ác nghiệp, hủy báng chánh pháp lại. Thưa các bạn, những luận điệu của các bạn, là những lập luận sai lầm, đưa đến sự đoạn diệt của dòng giống Phật!
- Từ khóa :
- ăn chay