Thư Viện Hoa Sen

Niệm Phật Dễ Hay Khó? | Tác Giả: Đồng Thiện

13/02/20253:47 SA(Xem: 825)
Niệm Phật Dễ Hay Khó? | Tác Giả: Đồng Thiện

NIỆM PHẬT DỄ HAY KHÓ?
Tác giả: Đồng Thiện

 

niệm phậtPhàm trước khi làm việc gì chúng ta cũng nên tìm hiểu phương pháp, mục đíchý nghĩa của việc ấy. Niệm Phật là chuyện tuy quen thuộcphổ biến nhưng cũng thử một lần nhìn lại xem sao.

Niệm là từ Hán Việt, nghĩa của từ này là nghĩ, nhớ, để tâm đến. Trong phép viết chữ Hán thì chữ niệm ở trên có bộ kim ở dưới chữ tâm. Từ đó mới biết ý nghĩa của chữ này rất hay và sâu xa, cái tâm ngay hiện tại, ngay lúc này đây. Tâm mình luôn xao động như sóng nước; nó loạn tưởng vì: Tài, sắc, danh, thực, thùy; nó dao động vì: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Bởi vậy mà nhà thiền mới nói tâm mình như ngựa hoang chạy rông, như khỉ chuyền trên cây (tâm viên ý mã). Bây giờ mình niệm Phật tức là giữ cái tâm lại, kềm chế nó. Mình niệm Phật, dùng cái tâm trụ vào hiện tại, không cho tâm ngựa, tâm khỉ làm loạn nữa, không cho cái tâm nghĩ đông nghĩ tây, làm cho nó tạm dừng nghĩ chuyện xưa chuyện mai, niệm là thế!

Phật nghĩa là gì? Là bậc tỉnh giác, giác ngộ, thanh tịnh, tịch mặc. Cụ thể thì là đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, rộng ra thì ba đời mười phương chư Phật. Phật ở trong khái niệm niệm Phật này chính là đức Phật A Di Đà, giáo chủ cõi Tây Phương. Mình niệm danh hiệu Phật A Di Đà theo Tịnh Độ tông, căn cứ tam kinh; A Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ.

Khi mình niệm Phật là nghĩ nhớ Phật, nghĩ nhớ đức tướng tướng hảo quang minh của Phật, nghĩ nhớ hạnh nguyện công đức của Phật, nghĩ nhớ con đường, phương phápmục đích của Phật. Niệm Phậtthanh tịnh tâm mình, dùng câu Phật hiệu, trụ vào câu Phật hiệu để tạm dừng loạn tưởng vì việc ăn uống, ngủ nghỉ, tiền của, sắc dục, danh vọng. Niệm Phật, tức trụ vào câu Phật hiệu để tạm cách biệt với: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp trần. Ngũ dục lục trần và sự dính mắc của tâm là nguyên nhân gây khổ đau và sanh tử luân hồi.

Khi ta niệm Phật, toàn tâm ý thanh tịnh trong cái thời gian hiện tại ấy, lúc niệm Phật tạm dừng ba độc khiến cho tam nghiệp được thanh tịnh (cho dù ngắn ngủi trong lúc công phu). Niệm Phật, tâm ta chỉ nhớ Phật, tưởng Phật, tâm ý từ trường tương ưng với niệm thanh tịnh.

Niệm Phật không phải réo gọi tên Phật để Phật nhớ độ ta, cứu vớt ta. Niệm Phậttâm niệm chứ không phải miệng niệm, tuy nhiên khi thực hành thì vẫn niệm ra tiếng: trì thanh, cao thanh, đê thanh… đó al2 phương pháp để phù hợp với trình độcăn cơ của đại chúng. Niệm phật phải là tâm niệm, tâm phải có Phật chứ miệng niệm mà tâm vẫn lăng xăng nghĩ đông nghĩ tây, toan tính thiệt hơn, lo chuyện y6eu ghét… thì hiệu quả chắc chắn không như mục đích đề ra. Niệm Phật thì cái tâm hiện tại và ngay lúc ấy phải có Phật, có tướng hảo quang minh, có công hạnh hạnh nguyện của Phật. Ngay cả khi mình không niệm mà tâm có Phật thì đụng việc xấu, việc ác, việc hại mình hại người thì sẽ không dám làm. Còn giả như lúc ấy miệng niệm Phật mà vẫn cứ làm việc sát, đạo, dâm, vọng, tửu thì lúc ấy tâm hoàn toàn không có Phật, hoàn toàn thất niệm.

Niệm Phật dễ thì dễ vậy nhưng cũng khó lắm thay. Không phải ai cũng dùng tâm để niệm mà phần nhiều niệm bằng miệng. Tâm mình xưa nay chỉ niệm, chỉ nghĩ, chỉ tưởng đến ngũ dục lục trần tức là cái tâm nhiễm ô. Bây giờ niệm Phật, nghĩ Phật, tưởng nhớ Phật tức là thanh tịnh cái tâm; việc chuyển niệm của cái tâm không hề dễ, phải kiên trì và phải thực hành dài lâu chứ không thể một sớm một chiều. Ngay cả khi ta niệm Phật đã thuần thục nhưng lúc gặp phải cơn bệnh nặng, thân xác đau đớn kinh khủng thì cái tâm cũng không thể niệm Phật nổi, điều này đã chứng thực rất nhiều trong thực tế! Việc niệm Phật tưởng dễ nhưng khó là vậy!

Chúng ta có thể ví cái tâm mình như hồ nước lâu nay nạp toàn nguồn nước nhiễm ô, giờ niệm Phật như tạm dừng nguồn ngước nhiễm ôtiếp nhận nguồn nước tinh khiết vừa đồng thời gạn lọc bớt nước nhiễm ô. Cứ như thế mỗi ngày một chút, dần dần theo thời gian thì nước nhiễm ô sẽ sạch lại, sẽ thanh tịnh hóa. Niệm Phật dễ mà khó, niệm Phật lợi ích lớn lao như thế!

Với ông già bà cả không còn nhiều thời gian học hành, với những người ít chữ nghĩa … thì niệm Phậtphương pháp hay nhất. Còn với người trẻ, người có hành học nhiều thì cần phải học để biết căn bản Phật pháp, phải nắm bắt được cốt lõi của giáo pháp: Tứ diệu đế, bát chánh đạo, thất bồ đề phần, ba mươi bãy phẩm trợ đạo… và dĩ nhiên ngoài niệm Phật còn có thể tu tứ niệm xứ hoặc tham khán công án...Chính những pháp tu kia càng bổ trợ đắc lực cho việc niệm Phật. Có thấy thân này bất tịnh mới một lòng niệm Phật để thanh tịnh. Có thấy thọ là khổ mới buông bỏ những dính mắc ngũ dục lục trần để niệm Phật. Có thấy tâm vô thường nên kiên trì niệm Phật. Có thấy pháp vô ngã sẽ không chấp vào thân và pháp để mà niệm Phật.

Nền tảng căn bản Phật học như tờ giấy hoa tiên, trên nền giấy ấy là những hoa văn rồng phụng. Niệm phật như viết mà bài thơ lên tờ giấy hoa tiên ấy, như vậy là cho ra một tuyệt tác.

Có một điều mà người niệm Phật cũng nên biết, Phật giáo Nam truyền và Nguyên Thủy có cách niệm Phật khác. Họ không niệm danh hiệu Phật A Di Đà mà là niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm thiên, niệm thí… Nhiều vị bài bác cách niệm Phật Bắc truyền, thậm chí phủ nhận Phật giáo Bắc truyền, điều này khiến nhiều Phật tử dao động, lung lay, không biết nên như thế nào. Nếu ta đã quyết tâm niệm Phật thì cứ vững lòng niệm Phật, còn việc thuận hay chống cứ để các cao tăng và những bậc thượng thừa giải quyết. Niệm Phật cũng có thể giống như cái neo để giữ con thuyền tâm của chúng ta không trôi giạt theo sóng gió của ngũ dục lục trần. Mỗi ngày niệm Phật, khi nhớ là niệm Phật. Phật ở bên trong ta, khi niệm Phật tức là nhớ Phật, tưởng Phật, nghĩ Phật. Niệm Phật là tự thanh tịnh hóa tâm mình.

 

Đồng Thiện

Ất Lăng thành, 0225

Tạo bài viết
Với ẩn dụ con nai, đức Phật mô tả con người sở dĩ bị khổ đau là do bị vướng dính vào các cái bẫy thế gian, đó là dính bẫy do hưởng thụ, dính bẫy do gặp nghịch cảnh mà không đủ sức vượt qua và dính bẫy do lòng tham lam. Để sống vô ngại, thong dong giữa đời, người tu tập cần đề cao chánh niệm, tỉnh thức, tu 4 thiền định để không bị vướng chấp bất kỳ điều gì trên đời.
Kính chia sẻ cùng chư Tôn đức, Pháp hữu và qúy Phật Tử lịch trình Hoằng Pháp, sinh hoạt tu học & Phật sự... với sự chia sẻ của Thích Tánh Tụê cùng với sự hiện diện của chư Tôn đức tham dự trong tháng 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, - 2025
Kính mời tham dự Nhạc Hội Mừng Phật Thành Đạo Saigon Grand Center vào Chủ Nhật 16 tháng 2 năm 2025 vào lúc 4 giờ chiều tại địa chỉ 16149 Brookhurst Street, Fountain Valley, CA 92708 Chương trình lại được nhạc sĩ Võ Tá Hân tham dự và cũng là nhạc trưởng của ban đạo ca Diệu Pháp. Kính mời quý đồng hương tích cực ủng hộ, đến dự thật đông.