- Lời Phi Lộ
- Tiểu Tựa
- Nguyên Nhân Nào Phật Giảng Pháp Môn Niệm Phật
- Sự Tích Đức Phật A-di-đà
- Thế Giới Cực Lạc
- Niệm Di Đà Không Xao Lãng, Chắc Chắn Được Vãng Sanh
- Đức Thế Tôn Dặn Dò Các Môn Đồ Sau Cùng
- Lược Các Sự Tích Vãng Sanh
- Những Kẻ Dữ Cũng Được Vãng Sanh
- Sự Tích Vãng Sanh Ở Nước Việt Nam
- Loài Vật Biết Nói Tiếng Người Đặng Vãng Sanh
- Tín-nguyện-hạnh
- Tại Sao Tu Theo Tịnh Độ Gọi Là Tu Tắt
- Phép Tu Tịnh Độ
Phật Lịch 2531 - 1987
CON ĐƯỜNG TU TẮT - PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ
Trích trong Tây-Qui Trực-Chỉ và Lão-Nhơn Đắc-Ngộ
Đôi Liễn Ấn-Quang Pháp-Sư
Soạn Giả: Cư Sĩ Thiện-Tâm
Đức Phật Thích-Ca vì một sự đại nhân duyên mà ra đời, tức là ngài muốn cho tất cả chúng-sinh thành Phật như ngài. Nhưng vì căn-cơ trình-độ của chúng-sinh trong buổi đầu tiên học đạo còn non kém nên ngài quyền-biến tạm lập ra ba thừa; Thinh-Văn, Duyên-Giác, và Bồ-Tát. Đến lúc các vị Tỳ-kheo kham lãnh đạo vô-thượng bồ-đề, Ngài bèn gom ba thừa qui vào Phật-thừa.
Đối với các pháp-môn tu-trì, hàng nhị thừa phải trải qua mười kiếp A-tăng-kỳ mới thành Phật. Còn đối với Đại-thừa, ít nhất cũng phải ba kiếp A-tăng-kỳ. Như vậy vấn đề thành Phật không pháp môn nào tu lẹ cho bằng pháp môn niệm Phật. Người được vãng sanh không cần phải trải qua nhiều kiếp A-tăng-kỳ. Tại sao vậy? Bởi vì chúng sanh tại nước Cực-lạc, do nguyện lực của Đức Phật A-Di-Đà, ai ai cũng có sáu phép thần thông. Chúng-sinh tại đây dùng phép thần thông đi khắp mười phương Phật để cúng dường, nghe Pháp, thành ra người nào cũng mau thành Phật. Hơn nữa tại Tây-phương Cực-lạc quốc, chúng-sinh không cần bận tâm đến vấn đề ăn, mặc ở. Cái gì cũng do thần thông của Đức Phật A-Di-Đà hóa hiện. Muốn ăn cái chi, tự nhiên đồ ăn hóa hiện ra trong chén dĩa bằng thất-bảo. Sau khi ăn, không cần dọn rửa, tự nhiên chén dĩa biến mất.
Sở dĩ chúng sinh tại Tây phương mau thành Phật là vì muôn sự muôn vật cần dùng không phải lo nghĩ. Tâm trí rảnh rang, lại thêm được làm bạn với các vị Đại-Bồ-Tát để tu học, do đó mà quả Phật chóng thành hơn các thế giới khác.
Theo các pháp môn, người tu hành phải dứt hết phiền não, nhiễm ô, dứt hết nghiệp quả tộI chướng mới được giải thoát, chứng quả Niết-bàn. Trái lại, pháp môn niệm Phật còn nghiệp quả mà cũng được vãng sinh. Trong kinh Phật gọi là ỏđới nghiệp vãng sinhõ. Đới nghiệp vãng sinh nghĩa là người tu hành còn mang nghiệp quả chưa dứt khoát trọn vẹn mà cũng được vãng sinh. Chẳng khác nào như hòn đá tự nó lướt qua bể cả không được, nhưng nếu có thuyền bè chở qua biển, dù bao nhiêu hòn đá cũng vượt bể khơi được như thường.
Cái hay của pháp môn niệm Phật là bất luận già, trẻ, bé, lớn, kẻ ngu người trí gì cũng đều tu được cả. Bởi pháp môn niệm Phật rất dễ tu, dễ chứng, dễ thành nên mười người niệm Phật được vãng sinh hết chín, còn các pháp môn khác mười người tu chỉ chứng được một hai người mà thôi.
Pháp môn niệm Phật sở dĩ mệnh danh là pháp môn tu tắt vì pháp môn này mau thành công hơn các pháp môn khác. Đời mạt pháp nếu chúng ta không tu theo pháp môn niệm Phật thì không có pháp môn nào tu cho kịp hội Long Hoa. Vậy chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không mau mau tu theo pháp môn niệm Phật. Nếu bỏ lỡ dịp này, sợ e thân này sau khi tan rã, chừng đó có muốn tu hành cũng không còn kịp để mà tu. Sách Phật có nói rằng: nhơn thân nan đắc, nghĩa là thân này khó được, đã được thân này mà không lo liệu tu hành cho sớm, có phải là uổng một kiếp sanh ra làm người chăng?