- Mục Lục
- 02 Tiểu Sử Vua Trần Thái Tông
- 03 Tựa Thiền Tông Chỉ Nam
- 04 Năm Giới
- 05 Bốn Núi
- 06 Nói Rộng Sắc Thân
- 07 Rộng Khuyên Phát Tâm Bồ-đề
- 08 Luận Về Thọ Giới
- 09 Luận Tọa Thiền
- 10 Luận Về Giới Định Tuệ
- 11 Luận Gương Tuệ Giáo
- 12 Luận Về Niệm Phật
- 13 Tựa Khoa Nghi Sáu Thời Sám Hối
- 14 Khóa Lễ Sáu Thời Sám Hối
- 15 Tựa Bình Đẳng Sám Hối
- 16 Tựa Kinh Kim Cang Tam-muội
- 17 Nói Rộng Một Đường Hướng Thượng
- 18 Ngữ Lục Vấn Đáp
- 19 Niêm Tụng Kệ
- 20 Lời Bạt Của Người Sau
KHÓA HƯ LỤC
Giảng Giải
THÍCH THANH TỪ
DL 1996 - PL 2540
Tựa
KHOA NGHI
SÁU THỜI SÁM HỐI
Dịch
Tiện lợi việc đi lại dưới sông trên bộ, là nhờ xe, thuyền; tẩy sạch bụi nhơ nơi thân tâm, là do sám hối. Muốn tẩy sạch thân tâm mà không dùng sám hối, khác nào muốn tiện lợi qua lại mà chẳng dùng xe, thuyền. Thế mới biết công dụng sám hối rất là to. Cho nên kinh Đại Tập nói: “Như áo nhơ hằng trăm năm, có thể trong một ngày giặt được sạch sẽ. Như thế, trong trăm ngàn kiếp đã tích tập các nghiệp chẳng lành, do nhờ lực Phật, khéo thuận tư duy, có thể trong một ngày hay một giờ, trọn hay tiêu diệt.”
Vả lại, chúng sanh từ trước đến nay tánh giác thanh tịnh tròn sáng, trong trẻo như hư không chẳng có mảy bụi. Do bọt vọng chợt dấy, cõi uế hiện thành, năng và sở nương nhau, Phật với chúng sanh thấy hai. Căn tánh sai biệt, ngu trí phân chia, chỉ cho một cửa, khó được ngộ nhập. Vì thế, đức Phật chúng ta trí nguyện rộng lớn, mở cửa phương tiện, tùy lối chỉ đường về, đúng bệnh cho thuốc. Biết huyễn cấu của chúng sanh từ vọng mà sanh, khuyên họ một niệm kính thành qui y sám hối, khiến thân tâm thanh tịnh, trong sạch như xưa. Gió yên thì sóng lặng, bụi sạch thì gương sáng. Sao thế? Vì trước khởi tâm ác, như mây che mặt trăng, sau sanh tâm thiện, như đuốc sáng tan bóng tối. Ôi! công dụng sám hối lớn lao há chẳng vậy sao?
Trẫm nhờ quyến thuộc nhà trời, ở ngôi chí tôn, nên việc dân gian, quốc chánh phiền rộn. Phồn hoa dụ dỗ bên ngoài, thị dục mê hoặc ở trong. Miệng thì chán ngán vị ngon, thân phải đeo mang vàng ngọc. Thấy nghe đuổi theo thanh sắc, ở ăn toàn chốn gác đài. Lại nữa, thói đời khinh bạc, nhân pháp suy vi, học giả mù độn, căn lành kém mỏng. Ngày thì căn trần va chạm, lưới nghiệp kéo lôi; đêm thì mê ngủ che đậy, dây lười trói buộc. Ngày đêm dính mắc, đâu không phải là lỗi chuốc họa gây thù. Trẫm vì lẽ đó, ôm ấp trong lòng, thương cảm xen lẫn, quên ăn mất ngủ. Nhân khi việc triều rảnh rỗi, xem khắp Kinh, Luận và các văn nghi lễ, tuyển chọn pháp có được tự lợi lợi tha, dùng để chỉ dạy cho người. Trăn trở suy đi nghĩ lại, xưa tạo nghiệp trọn do sáu căn. Vì thế đức Phật Thích-ca khi chưa thành đạo, trước vào núi Tuyết sáu năm tu khổ hạnh, là do sáu căn đó vậy. Phỏng theo ý ấy, lấy sáu căn phân làm sáu thời, mỗi thời lễ sám một căn. Chính Trẫm chế nghi văn sám hối này, gọi là “Khoa nghi sáu thời lễ Phật sám hối”.
Văn thì rườm rà, nói thì lời xa xôi. Nếu văn rườm rà thì người lười sám hối, lời xa xôi thì dễ sanh nghi. Cho nên không dùng lời phù phiếm dồn cho đầy quyển, cốt khiến người đọc tụng vui vẻ, người nghe thấy dễ ngộ. Mới mong những kẻ có lòng tin, ngày đêm phát tâm chí thành, theo khoa nghi này làm lễ sám hối. Đây là chẳng phụ chí nguyện tự lợi lợi tha của Trẫm.
Người sáng mắt thời sau, chớ xem nghi văn này mà phát cười. Tuy nhiên như thế:
Không nhân ngõ tía hoa cười sớm,
Đâu có hoàng oanh đậu liễu xanh.
Giảng
Vua Trần Thái Tông soạn “Khoa nghi sáu thời sám hối” rất là đầy đủ, thích hợp với giáo lý, với Thiền tông, nhưng chúng ta lại bỏ quên, không ai ngó ngàng đến. Ngài chia sám hối mắt một thời, tai một thời... đến ý một thời. Ngài muốn dành cho người rảnh rỗi chưa tu thiền được, mỗi ngày đêm chia ra sáu thời để sám hối thì sáu căn cũng được thanh tịnh. Tại các Thiền viện, vì có những giờ ngồi thiền nên chúng ta chỉ dùng một thời sám hối để gỡ những dính mắc của sáu căn cho khi ngồi tu được an ổn, chớ không dùng sám hối làm trọng tâm tu, ngồi thiền mới là trọng tâm. Thế nên chúng tôi tóm tắt sáu thời chung thành một thời. Đây là lời tựa sáu thời sám hối nói lên sở nguyện của Ngài.
Tiện lợi việc đi lại dưới sông trên bộ là nhờ xe thuyền, tẩy sạch bụi nhơ nơi thân tâm là do sám hối. Muốn tẩy sạch thân tâm mà không dùng sám hối khác nào muốn tiện lợi qua lại mà chẳng dùng xe thuyền. Thế mới biết công dụng sám hối rất là to. Cho nên kinh Đại Tập nói: “Như áo nhơ hằng trăm năm, có thể trong một ngày giặt được sạch sẽ. Như thế trong trăm ngàn kiếp đã tích tập các nghiệp chẳng lành, do nhờ lực Phật, khéo thuận tư duy, có thể trong một ngày hay một giờ, trọn hay tiêu diệt.”
Đây là đoạn mở đầu nói về công dụng của sám hối. Phật dạy ai ai cũng có thể lầm lỗi nhưng biết sám hối thì lầm lỗi đó sẽ hết. Trái lại nếu che giấu thì lỗi càng tăng, nên sám hối có công dụng giúp chúng ta tiêu ma những nghiệp cũ và sạch những nghiệp mới. Có như thế sự tu hành của chúng ta mới tiến mau, chớ nghiệp cũ còn tràn đầy, nghiệp mới lại tiếp tục tạo thì việc tu hành sẽ càng ngày càng lui sụt. Vì thế sám hối là một điều rất thiết yếu. Tuy nhiên tôi cũng nói rõ, sám hối là kể lại những lỗi lầm, những sai sót chúng ta đã gây ra, những tội lỗi chúng ta thường vấp phải, để chúng ta nhớ rồi sửa và tránh. Nếu sám hối mà không biết mình nói gì, không hiểu mình làm gì thì lời sám hối không có giá trị. Điều đáng buồn là lâu nay, ở các chùa, Phật tử chúng ta mỗi nửa tháng đều sám hối, thật là đúng tinh thần Phật dạy, nhưng khi quì xuống đọc những lời sám hối, thí dụ như sám hối Hồng Danh quí vị đọc: Như thị đẳng nhất thiết thế giới chư Phật Thế Tôn v.v..., đọc một mạch xong rồi không biết nói gì, vậy sám hối là sám hối điều gì? Đó là điều rất đáng tiếc. Đúng ra sám hối là chúng ta phải biết mình có lỗi gì, nay xin chừa cải những lỗi lầm đó... ôn đi ôn lại cho tâm trí ghi nhớ để mỗi khi gặp những việc đó, sực nhớ mới tránh được, chớ nói mà không biết rõ nói gì thì buổi sám hối làm sao có tác dụng? Đó là điều tôi thường hay buồn vì thấy dường như chúng ta làm cho có lệ chớ không phải để có một công dụng thật sự.
Khi nói về công dụng của sám hối, vua Trần Thái Tông dẫn kinh Đại Tập. Một ông vua bận rộn việc nước, việc dân lại có giờ nghiên cứu kinh điển như kinh Đại Tập, chưa hẳn các vị ở chùa có đọc đến nữa. Ngài thấy trong kinh Đại Tập dạy, như chiếc áo nhơ hằng trăm năm không giặt nay đem ra giặt thì có thể trong một ngày được sạch liền. Cũng như vậy, trong trăm ngàn kiếp đã chứa nhóm các nghiệp chẳng lành nay nhờ sức thần của chư Phật, khéo thuận tư duy, có thể trong một ngày hay một giờ trọn hay tiêu diệt. “Khéo thuận tư duy”, thuận là thuận theo giáo lý, tư duy là suy nghĩ, thường trong nhà Phật hay dùng từ ngữ Chánh tư duy. Nhờ oai lực của Phật, nhờ suy nghĩ đúng chánh pháp, đúng theo lời Phật dạy nên có thể trong một ngày hay một giờ tất cả nghiệp sẽ tiêu diệt rất nhanh. Như vậy sám hối là phải có tư duy về lỗi lầm để chừa cải.
Vả lại chúng sanh từ trước đến nay, tánh giác thanh tịnh tròn sáng, trong trẻo như hư không chẳng có mảy bụi. Do bọt vọng chợt dấy, cõi uế hiện thành, năng và sở nương nhau, Phật với chúng sanh thấy hai. Căn tánh sai biệt, ngu trí phân chia, chỉ cho một cửa, khó được ngộ nhập. Vì thế đức Phật chúng ta trí nguyện rộng lớn, mở cửa phương tiện, tùy lối chỉ đường về, đúng bệnh cho thuốc. Biết huyễn cấu của chúng sanh từ vọng mà sanh, khuyên họ một niệm kính thành qui y sám hối, khiến thân tâm thanh tịnh, trong sạch như xưa. Gió yên thì sóng lặng, bụi sạch thì gương sáng. Sao thế? Vì trước khởi tâm ác, như mây che mặt trăng, sau sanh tâm thiện, như đuốc sáng tan bóng tối. Ôi! công dụng sám hối lớn lao há chẳng vậy sao?
Đoạn này Ngài đi từ lý đến sự. Lý là nói từ trước đến nay tất cả chúng sanh đều có tánh giác, thanh tịnh tròn sáng, trong trẻo như hư không chẳng có mảy bụi, thế nên Lục Tổ bảo: “Bản lai vô nhất vật.” Tánh giác đó không dính một mảy bụi nhưng nay “do bọt vọng chợt dấy”, vọng tưởng như hòn bọt, chợt dấy lên thì cõi uế hiện thành. Ta-bà là uế độ tức là cõi uế, cõi nhơ nhớp. Do bọt vọng tưởng dấy lên đưa đẩy chúng ta sanh vào những cõi khổ đau ô uế, rồi từ đó có năng sở đối đãi, có Phật có chúng sanh, thành thấy có hai bên. Như vậy sở dĩ có cõi, có người, có Phật, có chúng sanh đều do vọng tưởng. Rồi “căn tánh sai biệt, ngu trí phân chia, chỉ cho một cửa, khó được ngộ nhập”. Căn tánh có kẻ khôn, người khờ, nếu Phật chỉ dạy một môn thì mọi người khó tu được vì người thông minh mau hiểu mau nhận, người trì độn lại khó nhận hiểu.
“Vì thế đức Phật chúng ta trí nguyện rộng lớn, mở cửa phương tiện, tùy lối chỉ đường về, đúng bệnh cho thuốc”: Bởi vậy nên đức Phật mới dùng trí nguyện rộng lớn của Ngài mở nhiều cửa, lập nhiều phương tiện để hướng dẫn họ, tùy theo lối mà chỉ đường, người thấp chỉ đường thấp, người cao chỉ đường cao v.v..., đúng các bệnh mà cho thuốc để mọi người đều hết bệnh, hết khổ.
“Biết huyễn cấu của chúng sanh từ vọng mà sanh, khuyên họ một niệm kính thành qui y sám hối.” Cấu là nhơ nhớp, huyễn là giả dối. Cái nhơ nhớp giả dối của chúng ta chỉ từ vọng tưởng sanh ra, nay khuyên nên một niệm thành kính qui y sám hối thì lần lần huyễn cấu hết, nhờ đó thân tâm được thanh tịnh, trong sạch như buổi ban đầu, tức là trở về tánh giác thanh tịnh tròn sáng.
Ngài giải thích “Gió yên thì sóng lặng, bụi sạch thì gương sáng.” Hai hình ảnh, mặt biển khi gió dừng sóng lặng, mặt biển thênh thang; mặt gương khi sạch bụi thì gương trong sáng. Như vậy có gió mới dậy sóng, gió là dụ cho vọng tưởng, sóng dụ cho những huyễn cấu làm cho tâm mất thanh tịnh; bụi dụ cho vọng tưởng, bụi sạch gương sáng là chỉ tâm trong sáng như cũ. Tại sao? “Vì trước khởi tâm ác như mây che mặt trăng”, chúng ta khởi tâm ác giống như mây đen che mặt trăng. “Sau sanh tâm thiện như đuốc sáng tan bóng tối”, sau khởi tâm lành như cầm đuốc sáng, bóng tối liền mất. “Sau” là chỉ khi sám hối và chánh tư duy. “Ôi! công dụng sám hối lớn lao há chẳng vậy sao”, tức là công dụng sám hối rất là to lớn vậy.
Tiếp đến Ngài nói:
Trẫm nhờ quyến thuộc nhà Trời, ở ngôi chí tôn, nên việc dân gian quốc chánh phiền rộn.
Thuở xưa, vua được gọi là Thiên tử tức là con Trời, vì thế gọi là quyến thuộc nhà Trời. Trong nước vua là trên hết nên nói là chí tôn. Vì được trên hết nên việc dân gian quốc chánh phiền rộn quá nhiều.
Phồn hoa dụ dỗ bên ngoài, thị dục mê hoặc ở trong.
Ở ngoài bao nhiêu thứ phồn hoa dụ dỗ, ở trong thị dục mê hoặc. Làm vua đâu có thiếu vật gì, cái gì cũng tốt đẹp, cũng cám dỗ.
Miệng thì chán ngán vị ngon, thân phải đeo mang vàng ngọc.
Ăn đủ thức ngon, ăn mãi thành ngán. Đeo còng bằng sắt với còng bằng vàng có khác nhau không? Khác là khác sắt với vàng, nhưng đều là còng. Bị trói, bị xiềng bằng sắt, bằng đồng hay đeo mang vàng ngọc cũng tương tự nhau thôi nên Ngài cảm thấy thân bị đeo mang vàng ngọc.
Thấy nghe đuổi theo thanh sắc, ở ăn toàn chốn gác đài.
Thấy nghe đều toàn là sắc là thanh, lúc nào cũng sắc đẹp tiếng hay, tiếng khen ngợi, tôn xưng...
Lại nữa thói đời khinh bạc nhân pháp suy vi, học giả mù độn, căn lành kém mỏng.
Hoàn cảnh quá dư làm cho Ngài khổ, nhìn lại tình đời khinh bạc, pháp luật trong đời không có ai theo, người học giả ngu ngơ không sáng, căn lành lại kém mỏng.
Ngày thì căn trần va chạm, lưới nghiệp kéo lôi, đêm thì mê ngủ che đậy, dây lười trói buộc.
Những câu này rõ ràng là bệnh của chúng ta. Ngày thì mắt chạy theo sắc, tai chạy theo tiếng v.v... cứ như thế mà bị lưới nghiệp trói, lôi kéo không thoát khỏi. Đêm thì mê ngủ che đậy, từ mê ngủ bị dây lười trói buộc. Tất cả chúng ta thích tỉnh hay thích mê? Đúng lý ai cũng thích tỉnh nên mới tu. Nhưng ngủ mê tức là không tỉnh, nếu có người đến gọi cho tỉnh, chúng ta có buồn không? Lẽ ra phải mang ơn người gọi vì đang mê được tỉnh là mừng, trái lại đang ngủ ngon bị gọi dậy mà nổi giận là thích mê. Muốn tỉnh mà thích mê, thật là một vòng lẩn quẩn! Giả sử ba giờ rưỡi mới thức mà có người gọi trước mười lăm phút, mình cũng hoan hỉ vì huynh đệ tốt, gọi mình tỉnh sớm, nếu gọi trễ lẽ ra phải buồn giận vì để mình mê dài. Nhưng hình như chúng ta thích dậy trễ hơn là dậy sớm, nên chúng ta là kẻ thích mê, bị dây lười trói buộc.
Tóm lại ban ngày bị lưới ngũ dục hay lưới nghiệp sáu trần kéo lôi, ban đêm sợi dây của ma lười trói cột không lúc nào được thảnh thơi, được tự do. Người tu là người muốn tự do, muốn giải thoát tức nhiên phải gỡ lưới nghiệp và cắt sợi dây lười. Muốn ban ngày không dính sáu trần, phải chịu khó sám hối mỗi đêm để nhớ không cho sáu trần dính mắc. Ban đêm nên dậy sớm để tỉnh nhiều hơn, nghĩa là càng tỉnh càng hay.
Ngày đêm dính mắc, đâu không phải là lỗi chuốc họa gây thù.
Ngày đêm đều dính mắc là nhân để chuốc họa gây thù, cột trói mãi không thể thoát khỏi.
Trẫm vì lẽ đó ôm ấp trong lòng, thương cảm xen lẫn, quên ăn mất ngủ.
Một vị vua mà nói Trẫm vì lẽ đó - tức là vì nghĩ đến sự mê muội và nỗi khổ đau của con người - ôm ấp trong lòng, cảm xúc thương xót họ đến quên ăn mất ngủ. Trong khi đó có người xuất gia dường như chưa nhớ như vậy, chỉ biết ăn ngon ngủ kỹ, ai khổ mặc ai, thật là thiếu lòng từ bi.
Nhân khi việc triều rảnh rỗi, xem khắp Kinh Luận và các văn nghi lễ, tuyển chọn pháp có được tự lợi lợi tha, dùng để chỉ dạy cho người.
Khi việc triều đình rảnh rỗi Ngài xem Kinh Luận, các khoa nghi lễ để tìm chọn những gì lợi ích cho mình, cho người để chỉ dạy người.
Trăn trở suy đi nghĩ lại, xưa tạo nghiệp trọn do sáu căn.
Ngài suy nghĩ ngày trước chúng ta tạo nghiệp đều do sáu căn.
Vì thế đức Phật Thích-ca khi chưa thành đạo, trước vào núi Tuyết, sáu năm tu khổ hạnh là do sáu căn đó vậy.
Đức Phật hành khổ hạnh sáu năm là để tượng trưng cho sáu căn.
Phỏng theo ý ấy, lấy sáu căn phân làm sáu thời, mỗi thời lễ sám một căn, chính Trẫm chế nghi văn sám hối này, gọi là “Khoa nghi sáu thời lễ Phật sám hối”.
Ngài nói lý do chế ra khoa văn sám hối này. Vì xét kỹ con người có nhiều tội lỗi nhiều mê muội nên bị khổ chồng chất kiếp kiếp đời đời. Xét như vậy rồi nghĩ thương thân phận mình. Câu “được tự lợi lợi tha” nghĩa là sám hối thế nào có lợi cho mình, cho người. Có lẽ Ngài cảm thấy mình tội lỗi nên trằn trọc tìm cách giải những tội lỗi trước kia, Ngài tìm được khoa nghi sám hối này, Ngài tự tu, Ngài sám hối, đó là tự lợi, để người sau bắt chước tu theo đó là lợi tha. Như vậy Ngài biết mình không trong sạch nên phải sám hối rồi chỉ dạy cho người biết sám hối như Ngài.
Văn thì rườm rà, nói thì lời xa xôi. Nếu văn rườm rà thì người lười sám hối, lời xa xôi thì dễ sanh nghi. Cho nên không dùng lời phù phiếm dồn cho đầy quyển, cốt khiến người đọc tụng vui vẻ, người nghe thấy dễ ngộ. Mới mong những kẻ có lòng tin, ngày đêm phát tâm chí thành, theo khoa nghi này làm lễ sám hối. Đây là chẳng phụ chí nguyện tự lợi lợi tha của Trẫm.
Đoạn này Ngài nói về lời văn trong Lục thời sám hối. Nếu Ngài dùng văn chương thì có tính cách rườm rà, người ta sẽ lười sám hối. Còn dùng lời xa xôi người nghe khó hiểu, nên dễ sanh nghi. Vì thế Ngài không dùng lời văn rườm rà phù phiếm mà dùng những lời bình dị khiến người đọc tụng nghe dễ hiểu nên vui vẻ, lại người ở chung quanh được nghe cũng dễ ngộ. Được như thế mới mong những kẻ có lòng tin, nghĩa là những ai tin lối tu hành sám hối, ngày đêm phát tâm chí thành làm lễ sám hối. Như vậy mới đúng chí nguyện tự lợi và lợi tha của Ngài.
Để kết thúc tôi dẫn nguyên văn chữ Hán:
Hậu chi minh nhãn giả vô dĩ nghi văn kiến tiếu. Tuy nhiên như thị:
Bất nhân tử bách hoa khai tảo,
Tranh đắc hoàng oanh hạ liễu điều.
“Hậu chi minh nhãn giả” là người mắt sáng đời sau tức chỉ đời sau những người ngộ đạo, đạt được lý thiền.
“Vô dĩ nghi văn kiến tiếu” Chớ thấy nghi văn sám hối này mà cười, vì người ngộ đạo rồi thấy nghi lễ sám hối cho là hình thức, yêu cầu quí vị chớ cười, tại sao? Tuy hình thức như thế nhưng:
Không nhân ngõ tía hoa cười sớm,
Đâu có hoàng oanh đậu liễu xanh.
Hai câu thơ này trả lời rất khéo. Bách là con đường hẹp, hoa cười sớm là hoa nở sớm. Nếu bên những con đường hẹp không có hoa nở sớm thì đâu có hoàng oanh đậu liễu xanh. Đây là theo tinh thần ở Trung Hoa, vào mùa xuân hoa nở mới có chim hoàng oanh về đậu trên cành liễu. Như vậy hai câu thơ trên nghĩa là không nhân hình thức nghi lễ này thì làm gì có cơ hội ngộ được Bản tâm thanh tịnh, vậy đừng nghĩ hình thức là vô nghĩa, vô ích. Hình thức tuy ở bên ngoài nhưng nhờ nó mà cái cao siêu sáng suốt trong sạch bên trong hiện ra. Như vậy toàn bài kết thúc bằng hai câu thơ cho chúng ta thấy ý nghĩa rất là đầy đủ.
Tóm lại chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở sáu thời sám hối của vua Trần Thái Tông là then chốt của sự tu hành. Thế nên chúng ta mỗi đêm hằng sám hối theo sáu thời để sáu căn khi tiếp xúc với sáu trần không dính mắc, không dính mắc là vô trụ, vô trụ thì tâm Bồ-đề hay tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác phát sanh.