Hán dịch: Pháp Sư Khang Tăng Khải
Dịch giả: Hòa thượng Thích Tuệ Đăng
Tựa
Giáo lý Đấng Thế Tôn trải qua hơn
2.500 năm đến nay vẫn còn có công năng thù thắng siêu việt, đánh bạt nghiệp
chướng phiền não cứu thoát chúng sinh khỏi trầm luân trong vũng lầy sinh tử.
Đối với người con Phật chân chính, thành tâm cầu Đạo giải thoát, lời châu ngọc
của Ngài quả thật là một môn diệu được. Kinh điển qua những lần kết tập rồi lưu
truyền đến bây giờ đã hướng dẫn tâm thức con người vươn lên cảnh giới trang
nghiêm, thanh tịnh, gột sạch tội cấu, ái nhiễm của cõi đời.
Muốn đạt tới cảnh giới an vui giải thoát,
điều kiện tiên quyết là phải lắng được tâm, gạn được ý như lời Phật thuyết: “Tùy
kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh". (Tâm mình an tịnh thì cõi Phật hiện
ra). Hiểu được như vậy hành giả tự thân rực rỡ quang minh và sẽ thấy cõi trang
nghiêm của Phật. Sự kiện lắng được tâm, gạn được ý này nằm trong pháp môn Tịnh
Độ mà Đấng Thế Tôn đã chúc lũy cho chúng sinh trong đời mạt pháp qua các yếu
Kinh: Kinh Bi Hoa, Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Quán Vô Lượng Thọ.
Những Kinh giáo này nhằm tạo duyên khởi từ
bi, trí tuệ cho người biết hồi tâm phục thiện, ngõ hầu thăng hoa cuộc sống cao
đẹp trong thế giới đảo điên, mê muội. Hành giả, gột sạch trần cấu bằng cách
thanh lọc tâm, làm tiêu ma nghiệp chướng được xem là nguyên động lực giao lưu
qua cõi nước Cực Lạc, quốc độ của giải thoát thanh tịnh, trang nghiêm. Đó chính
là miếng đất tâm rơi những phấn thông vàng. Hành giả có thể mường tượng lời
Kinh huyền diệu hòa theo năm tháng lắng sâu vào tâm thức hữu tình để sinh thành
quả phúc uy nghiêm, cao cả. Quý hóa thay! Kinh giáo của Pháp Môn Tịnh Độ.
Kinh A Di Đà quảng diễn cảnh giới trang nghiêm thanh tịnh của cõi nước Cực Lạc.
Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Bi Hoa xuất sinh từ công năng tu tập của Ngài Pháp Tạng Tỳ Kheo, ngộ nhập cảnh giới Cực Lạc phát khởi trí tuệ khi hành trì.
Kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy các pháp tu quán tưởng Đức Phật Vô Lượng Thọ làm cơ duyên ứng hợp với cõi nước Cực Lạc. Chung quy, Pháp Môn Tịnh Độ cốt lấy: "Niệm giác bất tư nghị làm thể". Bởi thế, nếu một niệm không móng lên thì đó là cái toàn nhất của con người thể nhập vào tự tánh nhiệm mầu. Ở đây, Tịnh Độ đã hòa nhập với Thiền là một. Hành giả không nên cố chấp, phân biệt Tịnh Độ hay Thiền. Vì lẽ cả hai (Thiền, Tịnh Độ) đều đưa hành giả đến cảnh giới bát ngát của hạnh Phật thừa. Tuy nhiên, Thiền đối với hạng hạ căn thật khó hành trì, bởi lẽ Thiền là nhiếp tất cả tâm trí vào cái thấy hiện tiền để trí tuệ quán chiếu và bao trùm tất cả trong một cái thấy toàn diện, nhất như. Lộ trình này quả thật là khó khăn nên chỉ dành cho những bậc Thượng căn, Thượng trí, mới đủ khả năng tư duy quán niệm. Nhận thấy phần đông Phật tử đang trên đường tập tu nên Pháp Môn Tịnh Độ dễ dàng dung hợp với tất cả, mọi căn cơ đều có thể thực hành được. Hành giả, khi hành trì Pháp Môn Tịnh Độ đạt đến trạng thái nhất tâm bất loạn, ấy là Thiền rồi vậy. Bởi lẽ, Thiền hay Tinh Độ đều đi đến mục đích chung là minh tâm kiến tánh. Phật tử phải nhận thức rằng: "Tiềm năng diệu dụng của công đức thụ trì Kinh là Bất tư nghì". Có thể hiểu được ý chỉ thâm diệu này thì lúc trì Kinh Vô Lượng Thọ mới cảm nhận được 48 đại nguyện hóa độ chúng sinh nhập cảnh giới an vui giải thoát của Ngài Tỳ Kheo Pháp Tạng mà Đấng Thế Tôn đã thuyết giáo và chúc lũy cho các chúng Bồ Tát, Duyên Giác và Thanh Văn tại núi Kỳ Xà Quật thuộc thành Vương Xá thật là vô cùng diệu dụng.
Kinh Vô Lượng Thọ gồm có 4 phần chính yếu
như sau:
Do cơ duyên Đại giác khởi lên và chư cổ
Phật xuất hiện nơi núi Kỳ Xà Quật, Đức Phật nhân đó, thuyết Kinh Vô Lượng Thọ.
Nhân duyên Ngài Tỳ Kheo Pháp Tạng phát 48
đại nguyện trước Đấng Thế Tôn và nhờ công đức tu tập thù thắng, đức hạnh thâm
mật Ngài thành tựu Pháp thân hiệu A Di Đà, thể hiện cảnh giới như tâm nguyện và
ngự trị cõi nước tên là Cực Lạc ở phương Tây.
Cảnh giới trang nghiêm thanh tịnh của cõi
nước Cực Lạc gồm: Quang minh vô lượng, Thọ mệnh vô lượng và Thánh chúng vô
lượng, cộng vào đó là đường sá, lầu gác, ao thất bảo, lại đủ các loại chim
tiếng hót trong trẻo, cỏ hoa tươi nhuận, phô bày muôn sắc, phảng phất hương
thơm. Lại có, từ những cánh sen hồng tự nhiên thai sanh Thánh chúng, diện mạo
sáng ngời, đoan chính mà Nhật Nguyệt không thể sánh bằng. Lại có, y phục tốt,
thức ăn sang, tự nhiên hóa thành do tâm niệm. Tất cả đều sang trọng quý báu vô
cùng.
Những duyên khởi mầu nhiệm của trí tuệ
trong cõi nước Cực Lạc và công đức tu tập tinh tấn đem lại lợi ích giải thoát
tuyệt vời cho hành giả chân chính nhuần nhuyễn trì tụng, quán xét minh mẫn và
tâm không còn ô nhiễm.
Tôi nhận thấy, Kinh Vô Lượng Thọ có nhiều
nghĩa lý thâm diệu, triển khai trí tuệ quang minh và công đức trì tụng Kinh nầy
thật là diệu dụng, xuất phát từ bản tâm thanh tịnh. Cũng bởi giá trị cao thâm
đó, tôi đã tha thiết trong việc lưu truyền nên thành tâm phiên dịch bản Kinh
này từ Nho văn của Ngài Khang Tăng Khải đời Tào Ngụy ra Việt ngữ để quý Phật tử
thường tụng hàng ngày hoặc trong các khóa lễ cầu siêu.
Dịch Kinh này, chúng tôi chỉ có một tâm nguyện mong mọi người dứt bỏ tà kiến, mê chấp, xem các pháp là như huyễn như hóa, đồng thời cùng nhau tinh tiến thực hành thiện pháp ngõ hầu đem lại lợi lạc an vui giải thoát cho kẻ còn, người mất.
Sài Thành, Mùa hạ năm Canh Tuất 1970
Sa môn THÍCH TUỆ ĐĂNG cẩn chí.
Lời Bạt
Sống giữa hệ lụy trần gian đầy dẫy
ma chướng; giáo lý của Đấng Thế Tôn vẫn đủ khả năng thù thắng siêu việt, bạt
nghiệp chướng xóa phiền não trong đời sống của người thành tâm cầu đạo giải
thoát. Giáo lý mãi mãi vẫn là nguồn năng lực phấn đấu, sinh động tiềm tàng
trong bốn mươi tám ngàn pháp môn, trong Tam Tạng Kinh điển, châu liên ngọc kết.
Nâng nhẹ những tâm hồn, khai sáng những trí tuệ ở hầu hết các trình độ, giai
cấp dân gian chỉ có pháp môn Tịnh Độ là được phổ cập nhất.
Kinh điển căn bản kết tập lời châu ngọc của
Đấng Thế Tôn đầy đủ nghĩa lý chân thật khiến tâm thức con người đạt tới cảnh
giới trang nghiêm, thanh tịnh, thấy cõi Phật sinh động hữu tình trước mắt mà
khởi sinh trí tuệ từ bi chính là Kinh Vô Lượng Thọ.
Lời châu ngọc Thế Tôn chúc lũy cho chúng
sinh ở thời kỳ mạt pháp trong Kinh Vô Lượng Thọ đã diễn đạt công năng tu tập
của Ngài Tỳ Kheo Pháp Tạng (chính là hiện thân của Đức Phật A Di Đà với 48 đại
nguyện hóa độ chúng sinh vào những cảnh giới an vui, giải thoát; đã thể hiện
thật rõ ràng chất nhân bản vượt thoát sự vây bủa của các ngẫu kiện phi lý, gột
sạch ái nhiễm trần cấu bằng tâm thanh tịnh và trí quán xét minh mẫn nhằm hướng
dẫn tâm thức tham đắm mộng huyễn trở về bản chân thanh tịnh, phá lưới vô minh
và thực hiện cảnh giới như tâm nguyện.
Vì lợi ích diệu dụng của Kinh Vô Lượng Thọ
đối với người Phật tử chân chính trong cuộc sống hiện tại. Hòa Thượng Thích Tuệ
Đăng đã tận tâm phiên dịch từ bản Nho văn của Ngài Khang Tăng Khải ra Việt Ngữ,
nhằm triển khai nghĩa lý vi diệu, duyên khởi trí tuệ quang minh và đức hạnh
thâm mật cho hành giả trong việc trì tụng Kinh này.
Tôi nhận thấy sự hoan hỷ lạ lùng phấn chấn
trong tâm hồn mình sau khi đọc toàn bộ Kinh Vô Lượng Thọ mà Hòa Thượng đã trao
cho tôi (Niềm giao cảm thanh thoát này có chăng là do sự cố gắng chuyển ngữ của
Hòa Thượng) vì không có phương tiện ấn tống (hành) nên Hòa Thượng đã yêu cầu
tôi phổ biến đến quảng đại Phật tử, nhằm khuyến hóa sự tu dưỡng tâm thức và bổ
sung Kinh điển trong phương trượng của thập phương đáp ứng như cầu hoằng pháp
trong hoàn cảnh hiện tại.
Tôi mong cầu và hy vọng quý vị cũng sẽ phát tâm khuyến hóa góp phần công đức ấn tống và phổ biến Kinh Vô Lượng Thọ, khai thông sâu rộng hơn nguồn nước Từ Bi đến những tâm hồn khao khát cuối cùng.
Sa môn Thích Minh Phát.