Phật Nói Kinh Vô Lượng Thọ Quyển Thượng

14/05/201012:00 SA(Xem: 27678)
Phật Nói Kinh Vô Lượng Thọ Quyển Thượng
KINH VÔ LƯỢNG THỌ
Hán dịch: Pháp Sư Khang Tăng Khải
Dịch giả: Hòa thượng Thích Tuệ Đăng

Quyển Thượng

Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật trụ trong núi Kỳ Xà Quật thuộc thành Vương Xá, cùng với một vạn hai ngàn vị Đại Tỳ Kheo. Những vị đó đều là bậc Đại Thánh đã đạt được phép thần thông. Các vị ấy tên là: Tôn giả Liễu Bản Tế, Tôn giả Chính Nguyện, Tôn giả Chính Ngữ, Tôn giả Đại Hiệu, Tôn giả Nhân Hiền, Tôn giả Ly Cấu, Tôn giả Danh Văn, Tôn giả Thiện Thật, Tôn giả Cụ Túc, Tôn giả Ngưu Vương, Tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Tôn giả Già Da Ca Diếp, Tôn giả Na Đề Ca Diếp, Tôn giả Ma Ha Ca Diếp, Tôn giả Xá Lợi Phất, Tôn giả Đại Mục Kiền Liên, Tôn giả Kiếp Tân Na, Tôn giả Đại Trụ, Tôn giả Đại Tịnh Chí, Tôn giả Ma Ha Chu Na, Tôn giả Mãn Nguyện Tử, Tôn giả Ly Chướng, Tôn giả Lưu Quán, Tôn giả Kiên Phục, Tôn giả Diện Vương, Tôn giả Dị Thừa, Tôn giả Nhân Tính, Tôn giả Gia Lạc, Tôn giả Thiện Lai, Tôn giả La Vân, Tôn giả A Nan. Các vị trên đây đều là những bậc Thượng thủ.

Lại cùng với các chúng Đại thặng Bồ Tát trong kiếp hiện tại là: Phổ Hiền Bồ Tát, Diệu Đức Bồ Tát, Từ Thị Bồ Tát. Lại có mười sáu vị chính sĩ thuộc nhóm tại gia Bồ Tát là: Thiện Tư Nghị Bồ Tát, Tín Tuệ Bồ Tát, Không Vô Bồ Tát, Thần Thông Hoa Bồ Tát, Quang Anh Bồ Tát, Tuệ Thượng Bồ Tát, Trí Tràng Bồ Tát, Tịch Căn Bồ Tát, Nguyện Tuệ Bồ Tát, Hương Tượng Bồ Tát, Bảo Anh Bồ Tát, Trung Trụ Bồ Tát, Chế Hạnh Bồ Tát, Giải Thoát Bồ Tát, tất cả đều tuân theo giới đức của Ngài Đại Sĩ Phổ Hiền.

Đức Phậtvô lượng hạnh nguyện của các Bồ Tát, an trụ vào các pháp, công đức trọn đầy, rồi dạo bước khắp mười phương, tùy theo phương tiện cứu độ chúng sanh, khiến cho tất cả qua khỏi đường sinh tử, vào được Pháp tạng của chư Phật.

Lại nguyện ở trong vô lượng thế giới hiện thành Phật quả. Bấy giờ, Ngài ở cung Trời Đâu Suất, vì muốn nói rộng chính pháp, nên từ cung Trời ấy, giáng thần vào thai mẹ. Từ nách bên phải sinh ra, rồi đứng dậy hiện ra đi bảy bước; hào quang rực rỡ chiếu khắp mười phương, vô lượng cõi Phật, chấn động sáu cách. Trong giờ phút thiêng liêng này, một tay chỉ lên Trời, một tay chỉ xuống đất, Ngài cất tiếng tự xưng rằng: "Ta sẽ là Phật trên hết trong đời". Lúc ấy, hai vị Vua Đế ThíchPhạm Thiên đến hầu, khiến cả Trời và Người đều cung kính tin theo.

Ngài lại hiện ra học đủ các nghề: thi văn, lý, toán, bắn cung, cỡi ngựa; tập rộng thêm các môn võ thuật, đọc hết những pho sách sử. Có lần Ngài ung dung dạo bước vườn sau, diễn võ thi tài.

Ngài lại biến hiện ra cung điện cực kỳ lộng lẫy, trong đó có sắc đẹp diễm kiều, cùng cao lương mỹ vị. Lại một hôm, Ngài ra chơi ngoại thành, nhìn thấy người già, người bệnh, người chết; nhìn thấy cảnh tượng đó, Ngài nhận biết được cõi đời là vô thường, nên quyết lìa ngôi báu, thần dân, quyến thuộc, tiền của, quyền quý cao sang, vào núi học đạo. Ngài cởi bỏ áo ngọc mũ châu quý báu, mặc áo nhà tu, cạo bỏ râu tóc, ngồi dưới gốc cây, siêng tu khổ hạnh, suốt sáu năm trường, y theo chính đạo, thực hành thiện pháp. Ngài lại hiện ra trong cõi đời ngũ trọc, thuận theo chúng sinh, cấu trần ô nhiễm tắm gội ở sông Ni Liên. Bấy giờ, Chư Thiên giữ cành cây, Ngài vin lấy cành mà ra khỏi ao, liền có loài chim thiêng theo hầu Ngài tới nơi Đạo tràng. Điềm lành cảm nghiệm, nêu rõ công phúc, thương nhận cỏ cúng dường, trải dưới cây Bồ Đề, ngồi xếp hai bàn chân lên đùi, nhập Thiền định, phóng ra hào quang sáng lớn, khiến Ma vương biết được, chúng liền kéo cả họ hàng, bè lũ đến mà thử thách tâm ý của Ngài. Ngài dùng trí lực giải trị, khiến chúng phải kinh sợ hàng phục. Chính nơi cội Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài chứng ngộ thành Bậc Đại Giác.

Bấy giờ, Vua Đế ThíchPhạm Vương thỉnh cầu Ngài chuyển Pháp luân. Ngài chấp nhận rồi rời Đạo Tràng, du phương thuyết Pháp, đánh trống Pháp, thổi loa Pháp, cầm gươm Pháp, dựng cờ Pháp, dậy sấm Pháp, lóe chớp Pháp, tưới mưa Pháp, nói thí Pháp và thường đem tiếng Pháp cảnh tỉnh thế gian. Ngài phóng hào quang soi khắp vô lượng cõi Phật. Tất cả các thế giới chấn động sáu cách, thâu tóm cả cõi ma, làm rung động cung điện của ma vương, khiến chúng ma vương sợ hãi, đều quy phục cả. Ngài xé rách các lưới tà, tiêu diệt mọi thành kiến, đánh tan những phiền não, lấp đầy mọi vực sâu ái dục, gạn sạch tâm ý, giữ trọn Pháp thân, khai nguồn trí tuệ, rửa sạch tâm nhơ xấu, làm sáng đức thanh tịnh, truyền bá chính giáo, hóa độ chúng sinh, khiến tất cả đều được thấm nhuần công đức, phước báu lợi lạc.

Ngài lại đem pháp dược mầu nhiệm, cứu chữa ba nỗi khổ của chúng sinh: một là làm việc cực nhọc sinh khổ, hai là hết vui đến buồn sinh khổ, ba là các pháp vô thường sinh khổ. Ngài lại hiển hiện vô lượng công đức, thụ ký cho các Bồ Tát thành bậc Chính Đẳng Chính Giác. Lại hiện ra cảnh giới sinh tử, hầu cứu chúng sinh diệt trừ phiền não, vun trồng cội phúc, trọn đủ công đức, mầu nhiệm vô cùng.

Ngài lại đến các nước Phật, hiển bày giáo pháp bằng các việc đã tu hành, trong sạch không nhơ nhuốm. Ví như nhà huyễn thuật đã học tập thông suốt, rồi tùy theo ý muốn, hiện ra các tướng lạ như: Hiện làm đàn ông, hiện làm đàn bà v.v... không gì không hiện được.

Các vị Bồ Tát ở đây cũng giống như thế, các Ngài học hết các Pháp, quán thông Kinh điển, thâu tóm sự lý, xét cùng nghĩa nhiệm, thấy biết xác thực. Rồi ở trong vô số cõi Phật đều hiện ra trọn đủ các Pháp như thế, chỉ dẫn cho mười phương chúng sinh, vô lượng chúng sinh đều cùng hộ niệm. Cảnh giới chư Phật an trụ, Bồ Tát đều trụ trong đó; Đại Thánh tọa nơi nào, đều có Bồ Tát tọa nơi đó. Giáo pháp của Đức Như Lai thuyết giảng Bồ Tát đều tuyên dương một cách rốt ráo, là bậc Đại sư cho các hàng Bồ Tát, các Ngài đem Thiền định, trí tuệ thâm diệu chỉ bày cho chúng sinh đời mạt pháp thông hiểu các pháp tính, thấy rõ các pháp tướng và thấu suốt các cõi để cúng dường chư Phật. Lại hóa hiện thân hình lẹ như chớp nhoáng, biến hiện lưới vô úy, hiểu suốt mọi pháp huyễn hóa, xé rách lưới ma, cởi mọi ràng buộc; vượt qua địa vị Thanh Văn, Duyên Giác, được phép tam muội: Không, vô tướng, vô nguyện. Các Ngài khéo lập phương tiện, chỉ rõ ba thừa: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Sau khi giáo hóa đã xong, không còn sở hữu, các Ngài lại hiện rasinh tử, chứ thực ra các pháp cũng không vật gì thấy có, chẳng sinh, chẳng diệt, tất cả đều bình đẳng, thành diệu pháp vô lượng tổng trì bách thiên tam muội. Các căn trí tuệ, yên lặng vô cùng, vào sâu tới Pháp tạng của Bồ Tát, được Pháp Hoa Nghiêm tam muội của Phật, tuyên dương giảng nghĩa hết thảy Kinh điển mà vẫn trụ vào phép định sâu xa mầu nhiệm, thấy tất cả chư Phật hiện tại, trong một giây phút hiện ra khắp nơi, cứu giúp muôn loài, chịu nhiều khổ não, phân biệt chỉ rõ chân thật, được trí biện tài của các Đức Như Lai, rồi thể nhập tiếng nói của chúng sinh, khai hóa cho hết thảy, vượt qua các pháp sở hữu của thế gian, kiên tâm giữ đạo cứu đời. Đối với hết thảy chúng sinh, các Ngài tùy ý tự tại, lấy việc cứu giúp chúng sinh làm trách nhiệm nặng nề, giữ gìn Pháp tạng của chư Phật, khiến cho thường còn chẳng mất. Lại khởi lòng đại bi thương xót chúng sinh, diễn lời đại từ, trao con mắt Pháp, ngăn ba chốn dữ, mở cửa Bồ Đế, lại đem pháp không ai cầu thỉnhthí hóa cho chúng dân như người con trọn hiếu, kính thương cha mẹ, đối với chúng sinh như đối với chính mình. Các Ngài đã gây mọi nhân lành, qua khỏi đường sinh tử, được vô lượng công đức của chư Phật. Trí tuệ sáng suốt của các Ngài cũng không thể nghĩ bàn. Các vị Bồ Tát, Đại sĩ như thế, không thể kể sao cho xiết, cùng một lúc tới dự hội.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn thân căn vui đẹp, dáng điệu nghiêm tịnh, sắc mặt hồng sáng. Tôn giả A Nan thấy vậy, liền từ tòa ngồi đứng dậy, trễ vai áo bên phải, quỳ gối chấp tay, bạch Phật rằng:

"Bạch Đức Thế Tôn! Hôm nay Đức Thế Tôn thân căn vui đẹp, thân tướng nghiêm tịnh, sắc mặt hồng sáng, như tấm gương trong sạch, sáng suốt trong ngoài, oai dũng rõ rệt, tướng tốt tuyệt vời, chưa từng thấy có. Kính bạch Đức Đại Thánh! Lòng con nghĩ rằng: Hôm nay có lẽ Đức Thế Tôn trụ vào nơi pháp kỳ diệu! Hôm nay Đức Thế Hùng trụ vào chốn chư Phật trụ! Hôm nay Đức Thế Nhãn trụ vào hạnh của Đấng Đạo Sư! Hôm nay Đức Thế Anh trụ vào Đạo Tối Thắng! Hôm nay Đức Thiên Tôn hành theo đức của Đức Như Lai! Chư Phật ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai đã cùng một ý nghĩ độ sinh. Phải chăng hôm nay Đức Như Lai đang tư duy như chư Phật tư duy chăng? Vì sao oai thần của Ngài chói sáng như vậy?"

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Ngài A Nan rằng: A Nan! Có phải chư Thiên nhờ ông đến hỏi ta hay tự ông khởi ý hỏi việc đó?

A Nan bạch Phật rằng: Bạch Đấng Đại Bi Thế Tôn! Không phải chư Thiên đến nhờ con, chính tự bản thân con thấy biết mà hỏi việc đó.

Phật dạy rằng: “Hay thay! Hay thay! A Nan, những điều ông hỏi thật là sâu xa! Như Lai đem lòng đại bi vô tận, thương xót chúng sinh trong ba cõi, nên mới thị hiện ra đời, khai sáng đạo giáo, để cứu vớt quần sinh, khiến cho họ được nhiều lợi ích chân thật. Như Lai vô lượng ức kiếp khó gặp, khó thấy, cũng như hoa Ưu Đàm trải qua bao kiếp mới trổ một lần. Nay những điều ông hỏi có lợi ích khai hóa cho tất cả chư Thiên, nhân loại. A Nan! Nên biết, Như Lai là bậc Chính Giác, trí tuệ không thể suy lường thường khuyên dẫn và chế ngự tâm người, không gì ngăn ngại. Như Lai dùng sức một bữa ănthọ mệnh được trăm ngàn vạn kiếp, vô số vô lượng còn hơn ở đây nhiều. Lại nữa, Như Lai thân căn vui đẹp, dáng điệu nghiêm tịnh, khuôn mặt hồng sáng. Vì sao vậy? Vì Thiền định, trí tuệ của Như Lai sáng suốt vô cùng, tất cả các Pháp, Như Lai đều được viên dung vô ngại.

A Nan, hãy nghe cho kỹ, bây giờ ta nói cho ông nghe.

“A Nan bạch rằng: Vâng, con mong muốn được nghe”.

Đức Phật bảo A Nan rằng: "Về đời xưa kia, cách nay rất lâu xa, không thể tính bàn được là bao nhiêu kiếp, có Đức Đĩnh Quang Như Lai thị hiện ra đời, giáo hóa độ thoát vô lượng chúng sinh đều được đạo quả, rồi Ngài mới diệt độ. Thứ đến, có Đức Như Lai tên là Quang Viễn, thứ đến tên là Nguyệt Quang, thứ đến tên là Chiên Đàn Hương, thứ đến tên là Thiện Sơn Vương, thứ đến tên là Tu Di Thiên Quán, thứ đến tên là Tu Di Đẳng Diệu, thứ đến tên là Nguyệt Sắc, thứ đến tên là Chính Niệm, thứ đến tên là Ly Cấu, thứ đến tên là Vô Trước, thứ đến tên là Long Thiên, thứ đến tên là Dạ Quang, thứ đến tên là An Minh Đỉnh, thứ đến tên là Bất Động Địa, thứ đến tên là Lưu Li Diệu Hoa, thứ đến tên là Lưu Li Kim Sắc, thứ đến tên là Kim Tạng, thứ đến tên là Viêm Quang, thứ đến tên là Viêm Căn, thứ đến tên là Địa Chủng, thứ đến tên là Nguyệt Tượng, thứ đến tên là Nhật Âm, thứ đến tên là Giải Thoát Hoa, thứ đến tên là Trang Nghiêm Quang Minh, thứ đến tên là Hải Giác Thần Thông, thứ đến tên là Thủy Quang, thứ đến tên là Đại Hương, thứ đến tên là Ly Trần Cấu, thứ đến tên là Xả Yếm Ý, thứ đến tên là Bảo Viêm, thứ đến tên là Diệu Đỉnh, thứ đến tên là Dũng Lập, thứ đến tên là công Đức Trí Tuệ, thứ đến tên là Tế Nhật Nguyệt Quang, thứ đến tên là Nhật Nguyệt Lưu Li Quang, thì đến tên là Vô Thượng Lưu Ly Quang, thứ đến tên là Tối Thượng Thủ, thứ đến tên là Bồ Đề Hoa, thứ đến tên là Nguyệt Minh, thứ đến tên là Nhật Quang, thứ đến tên là Hoa Sắc Vương, thứ đến tên là Thủy Nguyệt Quang, thứ đến tên là Trừ Si Minh, thứ đến tên là Độ Cái Hạnh, thứ đến tên là Tịnh Tín, thứ đến tên là Thiện Túc, thứ đến tên là Uy Thần, thứ đến tên là Pháp Tuệ, thứ đến tên là Loan Âm, thứ đến tên là Sư Tử Âm, thứ đến tên là Long Âm, thứ đến tên là Xử Thế. Các Đức Phật trên đây đều đã qua đời hết. Sau đó, lại có Đức Phật tên Thế Tự Tại Vương, Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư; Phật Thế Tôn.

Lúc ấy, có vị Quốc Vương nghe Phật thuyết pháp, sinh lòng vui vẻ, liền phát tâm Vô thượng Bồ Đề, lìa cõi nước, bỏ ngôi vua, xuất gia làm Sa Môn, hiệu là Pháp Tạng, tài cao, trí dũng khác đời. Ngài Pháp Tạng đến chỗ Đức Thế Tự Tại Vương Như Lai, cúi đầu lễ dưới chân Phật, đi quanh theo phía bên phải ba vòng, rồi quỳ gối chấp tay và khen ngợi rằng:

Khuôn mặt hồng sáng chói

Oai đức tỏ vô cùng

Khỏa lấp cả không trung

Mặt trời không sánh nổi

Mặt trăng, ma ni châu

Cũng trở nên mờ tối.

Cao giọng nói chính pháp

Vang khắp cả mười phương

Giới, văn đều tinh tiến

Trí tuệ cũng không lường.

Uy đức dũng mãnh nhất

Trong đời ít ai bằng

Biển pháp của chư Phật

Sâu rộng mầu nhiệm thay!

Đem trí thật suy xét

Tìm thấy rõ cội nguồn

Vô minhdục vọng

Thế Tôn lìa tất cả

Bậc Sư Tử Nhân Hùng

Thần đức không thể lường

Trí tuệ rất cao thâm

Công huân thật rộng lớn

Oai tướng sáng hơn trăng

Chấn động cõi Đại thiên.

Con nguyện khi làm Phật

Lên ngôi Thánh Pháp Vương

Dứt hẳn đường sinh tử

Đến bên bờ giải thoát.

Sáu phép là Bố thí

Trì giớiNhẫn nhục

Tinh tiến đến Thiền định

Trí tuệ là bậc nhất.

Con thề khi thành Phật

Làm hết những nguyện này

Tất cả điều sợ hãi

Biến thành niềm an vui.

Giả như có chư Phật

Trăm ngàn muôn ức triệu

Cùng các bậc Đại Thánh

Nhiều như cát sông Hằng

Cúng dường hết tất cả

Chư Phật Đại Thánh đó

Cũng không bằng cầu đạo

Kiên tâm không thoái chuyển.

Chí tinh tiến như thế

Oai thần khó lường đuợc.

Con khi được thành Phật

Sửa sang cõi nước này

Như cõi Niết Bàn kia

Thế gian không thể sánh

Chúng sinh trong nước đó

Cũng tốt đẹp lạ thường.

Con nay lòng thương xót

Độ thoát cho tất cả

Các chúng sinh sau này

Lòng mong cầu tinh tiến

Đã đến nước con rồi

Đều an lành vui vẻ.

May được Phật tin rõ

Tâm thành thật của con

Phát nguyện về Tịnh Độ

Nhờ tinh tiến tu hành

Mười phương các Đức Phật

Trí tuệ rộng thấu suốt

Biết rõ tâm hạnh con

Dù thân có mỏi mòn

Trong mọi nỗi khổ đau

Con vẫn gắng tu hành

Dù chết chẳng ăn năn.

Phật bảo A Nan! Tỳ Kheo Pháp Tạng nói lời khen ngợi xong, lại bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn con phát tâm vô thượng chính giác cúi xin Đức Phật rộng nói Kinh pháp cho con nghe, con sẽ tu hành cho chóng thành chính giác, dứt bỏ gốc nguồn khổ não trong đường sinh tử, để giữ lấy cõi nước Phật thanh tịnh trang nghiêmPháp tạng mầu nhiệm của chư Phật.

Bấy giờ Đức Thế Tự Tại Vương bảo Tỳ Kheo Pháp Tạng rằng: Chắc ông đã biết cách tu hành để trang nghiêm cõi Phật rồi chăng? Tỳ Kheo Pháp Tạng bạch Phật: Nghĩa ấy sâu rộng không thể nghĩ bàn, không phải cảnh giới của con. Kính xin Thế Tôn rộng lòng diễn giải hạnh nguyện về cảnh giới Tịnh Độ của chư Phật cho con nghe. Nghe rồi, con sẽ y theo thuyết đó tu hành cho hoàn thành sở nguyện.

Khi ấy, Đức Phật Thế Tự Tại Vương biết ông là người cao minhchí nguyện sâu rộng, liền nói Kinh cho Tỳ Kheo Pháp Tạng nghe rằng: Ví như người lấy đấu để lường biển cả, trải qua nhiều kiếp còn có thể lường tới đáy sâu, lấy được của báu. Huống chi, người dốc lòng tinh tiến cầu đạo không mỏi mệt, ắt sẽ có kết quả, nguyện gì mà chẳng được. Đức Phật Thế Tự Tại Vương lại nói rộng ra hai trăm năm mươi ức cõi nước chư Phật, việc lành dữ của Trời và người, sự tốt xấu của cõi nước ứng hợp với tâm nguyện cho Ngài Tỳ Kheo Pháp Tạng nghe. Khi Tỳ Kheo Pháp Tạng nghe Phật nói thấy rõ hết cõi nước trang nghiêm, thanh tịnh, liền khởi sinh ý nguyện thù thắng tuyệt vời; tâm Ngài vắng lặng, chí không vướng mắc, giữ gìn hạnh thanh tịnh, trang nghiêm Phật độ đầy đủ trong năm kiếp mà tất cả thế gian không ai sánh bằng.

A Nan bạch Phật rằng: Đức Phật ở cõi nước kia thọ được bao nhiêu tuổi? Đức Phật dạy rằng: Thọ mệnh của Đức Phật ấy được bốn mươi hai kiếp.

Lúc ấy, Tỳ Kheo Pháp Tạng giữ lấy hạnh thanh tịnh trong hai trăm mười ức cõi nước mầu nhiệm của chư Phật. Sau khi chứng quả, Ngài đến chỗ Đức Phật Thế Tự Tại Vương dập đầu lễ dưới chân Phật, đi chung quanh Phật ba vòng rồi đứng lại, chấp tay bạch Phật rằng: Lạy Đức Thế Tôn! Con đã giữ được hạnh thanh tịnh để trang nghiêm cõi Phật rồi! Đức Phật bảo Tỳ Kheo Pháp Tạng rằng: Ông nên biết bây giờ là lúc ông có thể nói ra cho tất cả đại chúng được sinh lòng vui vẻ. Các vị Bồ Tát nghe nói rồi tu hành theo phép ấy, thành tựu vô số các điều nguyện lớn.

Tỳ Kheo Pháp Tạng bạch Phật rằng: Kính xin Đức Thế Tôn rủ lòng thương xét cho các điều nguyện lớn của con sau đây?

Điều nguyện thứ nhất: Nếu con được thành Phật mà trong cõi nước con còn có địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ hai: Nếu con được thành Phật, mà Trời, Người trong cõi nước con sau khi thọ chung, còn phải sa vào đường dữ, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ ba: Nếu con được thành Phật, mà tất cả Trời, Người trong cõi nước con thân không giống màu vàng y, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ tư: Nếu con được thành Phật, mà tất cả Trời, Người trong cõi nước con thân hình còn có kẻ đẹp, người xấu thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ năm: Nếu con được thành Phật, mà Trời, Người trong cõi nước con không biết rõ túc mệnh của mình và những việc đã xảy ra trong trăm ngàn ức na do tha các cõi Phật, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ sáu: Nếu con được thành Phật, mà Trời, Người trong cõi nước con, không được phép Thiên nhãn, cho đến không thấy rõ trăm ngàn ức na do tha các cõi Phật, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ bảy: Nếu con được thành Phật, mà Trời, Người trong cõi nước con không được phép Thiên nhãn, không được nghe và thọ trì hết thảy lời thuyết pháp của trăm ngàn ức na do tha các Đức Phật, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ tám: Nếu con được thành Phật, mà Trời, Người trong cõi nước con, không được thấy tâm trí kẻ khác, cho đến không biết rõ tâm niệm của hết thảy chúng sinh trong trăm ngàn ức na do tha các cõi Phật, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ chín: Nếu con được thành Phật, mà Trời, Người trong cõi nước con, không được phép thần túc, trong một khoảng một niệm, cho đến không vượt qua được trăm ngàn ức na do tha các cõi Phật thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ mười: Nếu con được thành Phật, mà Trời, Người trong cõi nước con, còn có ý niệm tham chấp thân hình, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ mười một: Nếu con được thành Phật, mà Trời, Người trong cõi nước con, không trụ vào chính địnhchứng quả Niết Bàn, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ mười hai: Nếu con được thành Phật, mà ánh sáng còn có hạn lượng, không soi thấu được trăm ngàn ức na do tha các cõi Phật, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ mười ba: Nếu con được thành Phật, mà thọ mệnh còn có hạn lượng, chỉ được trăm ngàn ức na do tha kiếp, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ mười bốn: Nếu con được thành Phật, mà hàng Thanh Văn trong cõi nước con, còn có thể tính đếm được và chúng sinh trong ba ngàn Đại thiên thế giới ở trong trăm ngàn kiếp thành bậc Duyên Giác hết, rồi tính đếm mà biết được số đó là bao nhiêu, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ mười lăm: Nếu con được thành Phật, mà Trời, Người trong cõi nước con, thọ mệnh còn có hạn lượng, trừ phi những bản nguyện riêng của họ, muốn dài, ngắn đều được tự tại. Nếu không được như vậy, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ mười sáu: Nếu con được thành Phật, mà Trời, Người trong cõi nước con, còn có ai nghe thấy tiếng chẳng lành, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ mười bảy: Nếu con được thành Phật, mà vô lượng chư Phật ở mười phương thế giới không ngợi khen danh hiệu của con, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ mười tám: Nếu con được thành Phật, mà chúng sinh trong mười phương dốc lòng tin tưởng, muốn sinh về cõi nước con chỉ trong mười niệm, nếu không được toại nguyện, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác, trừ kẻ phạm năm tội nghịch và gièm chê chính pháp.

Điều nguyện thứ mười chín: Nếu con được thành Phật, mà chúng sinh mười phương phát tâm Bồ Đề, tu các công đức, dốc lòng phát nguyện, muốn sinh về cõi nước con, tới khi thọ chung, mà con chẳng cùng đại chúng hiện ra chung quanh trước mặt người ấy, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ hai mươi: Nếu con được thành Phật, mà chúng sinh trong mười phương nghe danh hiệu của con, để lòng nhớ nghĩ đến nước con, tu trồng các công đức, dốc lòng hồi hướng, cầu sinh về cõi nước con mà không được vừa lòng, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ hai mươi mốt: Nếu con được thành Phật, mà Trời, Người trong cõi nước con, chẳng được đầy đủ ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ hai mươi hai: Nếu con được thành Phật, hết thảy chúng Bồ Tátcõi Phật phương khác sinh về cõi nước con, sau đó sẽ tới bậc Nhất Sinh Bổ Xứ, trừ bản nguyện riêng của mỗi vị tự tại hóa hiện, vì thương xót chúng sinh mà rộng lớn, bền chắc như áo giáp, tu các công đức, độ thoát hết thảy, rồi khắp các cõi Phật, tu hạnh Bồ Tátcúng dường mười phương chư Phật, khai hóa vô số chúng sinh, khiến lập nên đạo Vô Thượng Chính Giác. Chư vị vượt ngoài công hạnh, thông thường ở các địa vịtu tập theo hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền. Nếu không được như thế, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ hai mươi ba: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tát trong cõi nước con, nương sức thần của Phật đi cúng dường các Đức Phật trong khoảng thời gian một bữa ăn, mà không tới được vô số, vô lượng ức na do tha các cõi Phật, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ hai mươi bốn: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tát trong cõi nước con, ở trước chư Phật, hiện ra công đức, muốn có muôn vàn vật dụng để cúng dường. Nếu không được như ý, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ hai mươi lăm: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tát trong cõi nước con, không diễn thuyết được Nhất Thiết Trí, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ hai mươi sáu: Nếu con được thành Phật, các Bồ Tát trong cõi nước con, không được thân Kim Cương Na La Diên, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Điều nguyện thứ hai mươi bảy: Nếu con được thành Phật, mà Trời, Người trong cõi nước, cùng tất cả muôn vật không có hình sắc tốt đẹp, không thể tính lường, và hết thảy chúng sinh cho đến bậc đã được phép Thiên nhãn, mà không nói được rõ ràng danh số, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ hai mươi tám: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tát trong cõi nước con, cho đến kẻ có ít công đức nhất, không thấy được ánh sáng muôn mầu của cây Bồ Đề cao bốn trăm vạn do tuần, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ hai mươi chín: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tát trong cõi nước con, thụ trì, đọc tụng, giảng thuyết Kinh pháp, mà không được trí tuệ biện tài, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ ba mươi: Nếu con được thành Phật, mà trí tuệ biện tài của các Bồ Tát trong cõi nước con còn có hạn lượng, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ ba mươi mốt: Nếu con được thành Phật, thì cõi nước con thanh tịnh, soi thấy tất cả vô lượng, vô số thế giới chư Phật ở mười phương không thể nghĩ bàn, như tấm gương sáng thấy được hình dạng mặt mày của mình. Nếu không được như vậy, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ ba mươi hai: Nếu con được thành Phật, trong cõi nước con, từ mặt đất đến hư không, cung điện, lâu đài, hồ ao, cây cỏ và muôn hoa đều được tạo nên bằng vô lượng của báu hòa lẫn với ngàn thứ hương thơm. Tất cả đều xinh đẹp lạ lùng hơn cả cõi Trờicõi Người. Hương thơm của muôn vật tỏa ra ngào ngạt khắp mười phương thế giới. Bồ tát ở các nơi ngửi hương thơm ấy đều tu theo hạnh của Phật. Nếu không được như thế, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ ba mươi ba: Nếu con được thành Phật, chúng sinh trong vô lượng thế giới chư Phật mười phương không thể nghĩ bàn, đều nhờ ánh quang minh của con chạm đến thân họ, khiến thân được nhẹ nhàng hơn cả Trời và Người. Nếu không được như thế, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ ba mươi bốn: Nếu con được thành Phật, mà chúng sinh trong vô lượng thế giới chư Phật mười phương không thể nghĩ bàn, nghe danh hiệu của con mà không được pháp Vô Sinh Pháp Nhẫn và các môn thâm tổng trì của bậc Bồ Tát, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ ba mươi lăm: Nếu con được thành Phật, mà nữ nhân trong vô lượng thế giới chư Phật mười phương không thể nghĩ bàn, nghe danh hiệu con đều vui mừng, phát tâm Bồ Đề, chán ghét thân gái. Sau khi mệnh chung mà còn phải làm thân nữ nhân nữa, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ ba mươi sáu: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tát trong vô lượng thế giới chư Phật mười phương không thể nghĩ bàn, nghe danh hiệu con, sau khi thọ chung, thường tu phạm hạnh cho đến khi thành Phật. Nếu không được như thế, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ ba mươi bảy: Nếu con được thành Phật, mà Trời và Người trong cõi vô lượng thế giới chư Phật mười phương không thể nghĩ bàn, nghe danh hiệu con, cúi đầu đảnh lễ, năm vóc gieo xuống đất, vui mừng tu hạnh Bồ Tát, được hầu hết Trời và Người kính trọng. Nếu không được như thế, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ ba mươi tám: Nếu con được thành Phật, mà Trời và Người trong cõi nước con, muốn có y phục, thì y phục tốt đẹp tùy theo tâm niệm của họ tự nhiên hiện ra trên mình họ. Nếu còn phải cắt may, nhuộm, giặt thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ ba mươi chín: Nếu con được thành Phật, mà Trời và Người trong cõi nước con, không được sự hưởng thụ vui sướng bằng vị Tỳ Kheo đã dứt hết mọi phiền não thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ bốn mươi: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tát trong cõi nước con, tùy ý muốn thấy vô lượng thế giới trang nghiêm thanh tịnh của chư Phật ở mười phương đều được như nguyện. Chẳng hạn, nhìn trong cây báu thấy rõ hết cả, như nhìn vào tấm gương sáng thấy rõ nhân diện. Nếu không được như thế, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ bốn mươi mốt: Nếu con được thành Phật, mà các chúng Bồ Tátthế giới khác nghe danh hiệu con, từ đó đến khi thành Phật, mà các sắc căn còn thiếu kém, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ bốn mươi hai: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tátthế giới phương khác, nghe danh hiệu con, đều được chính định giải thoát thanh tịnh; rồi trụ vào chính định đó trong khoảng một ý niệm cúng dường vô lượng chư Phật Thế Tôn chẳng thể nghĩ bàn, mà vẫn không mất chính định. Nếu không được như thế, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ bốn mươi ba: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tátthế giới phương khác, nghe danh hiệu con sau khi mệnh chung, thác sinh vào nhà tôn quý. Nếu không được như thế, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ bốn mươi tư: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tátthế giới phương khác, nghe danh hiệu con vui mừng hớn hở, tu hạnh Bồ Tát, trọn đủ công đức. Nếu không được như thế, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ bốn mươi lăm: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tátthế giới phương khác, nghe danh hiệu con đều được Phổ Đẳng tam muội, rồi trụ vào tam muội đó cho đến khi thành Phật, thường được thấy chư Phật chẳng thể nghĩ bàn. Nếu không được như thế, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ bốn mươi sáu: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tát trong cõi nước con, muốn nghe pháp gì, đều theo chí nguyện mình, tự nhiên được nghe. Nếu không được như thế, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ bốn mươi bảy: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tátthế giới phương khác, nghe danh hiệu con mà chẳng tới được bậc Bất thoái chuyển, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Điều nguyện thứ bốn mươi tám: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tát ở phương khác, nghe danh hiệu con mà chẳng tới ngay được ba đức nhẫn: Âm hưởng nhẫn, Nhu thuần nhẫn và Vô sinh pháp nhẫn. Đối với các pháp của Phật mà không chứng được bậc Bất thoái chuyển, thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.

Phật bảo A Nan rằng: Khi Pháp Tạng Tỳ Kheo nói xong những lời nguyện đó, liền làm bài kệ khen ngợi rằng:

Con lập nguyện hơn đời

Quyết tới Đạo Vô thượng

Nguyện này không được toại

Thề chẳng thành Đẳng giác.

Con ở vô lượng kiếp

Chẳng làm Đại thí chủ

Cứu giúp chúng sinh khổ

Thề chẳng thành Đẳng giác.

Tới khi con thành Phật

Khắp muôn phương thế giới

Nếu chẳng ai nghe danh

Thề chẳng thành Đẳng giác.

Lìa dục tới chính niệm

Tu hành theo Phạm hạnh

Chí cầu ngôi Tối thượng

Làm Thấy cả Trời, Người.

Sức thần tỏa hào quang

Soi khắp cả Đại Thiên

Tiêu trừ ba thứ độc

Cứu chúng sinh nguy nan.

Mở rộng mắt trí tuệ

Diệt hết chốn tối tăm

Ngăn lấp mọi đường dữ

Khai thông các nẻo lành.

Công phúc đều đầy đủ

Oai rạng tỏ mười phương

Nhật nguyệt hòa sức sáng

Cũng không sao sánh bằng.

Vì chúng khai tạng Pháp

Rộng truyền công đức báu

Thường ở trong đại chúng

Thuyết pháp giọng sư tử.

Cúng dường tất cả Phật

Trọn vẹn mọi công đức

Tuệ nguyện đều đầy đủ

Được làm Thầy ba cõi.

Trí vô ngại như Phật

Soi thấu khắp mọi nơi

Nguyện công đức của con

Bằng ngôi tôn quý nhất.

Nếu nguyện này thành tựu

Cảm động đến ba cõi

Các Thiên Thần trên không

Sẽ rải hoa nhiệm mầu.

Phật bảo A Nan rằng: Tỳ Kheo Pháp Tạng nói, bài kệ đó xong, thì khắp cõi đất có sáu thứ chấn động, chư Thiên rải hoa đẹp xuống đầu Ngài như mưa. Trên không tự nhiên nổi lên tiếng nhạc ngợi khen rằng: "Chắc chắn Ngài sẽ thành bậc Vô thượng Chánh giác". Vì những điều nguyện lớn của Ngài Tỳ Kheo Pháp Tạng trọn đủ công đức, đúng thật không hư, vui cảnh tịch diệt, vượt khỏi thế gian.

Này ông A Nan! Ngài Tỳ Kheo Pháp Tạng ở chỗ Đức Phật ấy, trong đại chúng tám bộ Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, phát lời thệ rộng, dựng lên nguyện lớn, rồi chuyên chí trang nghiêm cõi đất nhiệm mầu. Tỳ Kheo Pháp Tạng chăm lo cõi Phật, mở mang rộng lớn, xinh đẹp hơn các cõi khác. Công việc xây dựng liên tục, không suy, không biến, trải qua hàng triệu kiếp không thể nghĩ bàn. Ngài đã tu trồng vô lượng đức hạnh của bậc Bồ Tát, chẳng sinh ba tri giác: Dục giác, Sân giácHại giác; chẳng khởi ba tưởng: Dục tưởng, Sân tưởng và Hại tưởng, chẳng vướng sáu trần: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc và Pháp. Thành tựu được đức nhẫn nhục, chẳng nài gian khổ, ít ham muốn, biết tạm đủ, không nhiễm tính sân, si. Tâm Thiền định thường yên lặng, trí tuệ không ngăn ngại. Không có lòng dối trá, nịnh bợ quanh co, nét mặt hiền hòa, lời nói thân thương biết trước ý người, sẳn lòng giải đáp. Chí nguyện Ngài không hề mệt mỏi, dũng mãnh tinh tiến, chuyên cầu pháp thanh tịnh, làm lợi ích cho chúng sinh, biết cung kính Tam bảo, phụng thờ Sư trưởng. Ngài dùng sức trang nghiêm tất cả, đầy đủ hạnh nguyện, khiến chúng sinh được thành tựu công đức. Ngài trụ vào các pháp không: không chấp tướng, không phát nguyện, không tạo tác và không sinh khởi; quán tưởng các pháp như huyễn, lìa bỏ lời nói thô ác, hại người và hại mình, tu tập các việc tốt lành, khiến cho lợi người và lợi mình. Quán tưởng như vậy rồi, Ngài rời cõi nước, bỏ ngôi vua, không nghĩ đến sắc dục, tiền của, tự mình tu hành sáu phép: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền địnhTrí tuệ, lại dạy người khác tu theo. Bởi không biết bao nhiêu kiếp góp công chứa đức, nên theo nơi mình sinh, ý nghĩ mình muốn, bao nhiêu kho báu tự nhiên hiện ra. Rồi giáo hóa, xây dựng cho vô số chúng sinh trụ vào đạo Vô thượng Chính giác. Lại nữa, hoặc làm Trưởng giả, Cư sĩ thuộc dòng tôn quý: hoặc làm Vua nước nhỏ, Vua nước lớn thuộc dòng Sát lỵ; hoặc làm chủ sáu cõi Trời Dục giới cho đến Phạm Vương và thường đem bốn món: y phục, thức ăn, đồ dùng, thuốc thang, cung kính cúng dường tất cả chư Phật. Những công đức như thế không sao kể xiết. Lại nữa, miệng thơm như hương sen, các lỗ chân lông tiết ra mùi hương chiên đàn tỏa khắp mười phương vô lượng thế giới. Nhân dạng đoan chính, đẹp đẽ khác thường. Tay Ngài thường buông ra những của báu vô tận: y phục, thức ăn và các vật dụng để trang nghiêm như hương hoa, ngọc quý, lụa lọng và cờ phướn. Các việc như thế hơn cả Trời và Người. Đối với hết thảy các pháp đều được tự tại.

A Nan bạch Phật rằng: Bồ Tát Pháp Tạng đã được thành Phật và được diệt độ hay chưa thành Phật và chưa được diệt độ?

Phật bảo A Nan: Bồ Tát Pháp Tạng nay đã thành Phật và hiện ở phương Tây, cách đây mười muôn ức cõi. Thế giới của Đức Phật ấy tên là An Lạc.

A Nan lại hỏi: Đức Phật ấy thành Phật đến nay đã trải qua bao nhiêu kiếp rồi?

Phật bảo: Ngài thành Phật đến nay đã hơn mười kiếp. Cõi nước của Đức Phật ấy có bảy món báu tự nhiên: vàng, bạc, hổ phách, lưu li, san hô, xà cừ, mã não hợp nên làm đất, rộng rãi thênh thang vô cùng. Các thứ báu ấy đều xen lẫn nhau, thật mầu nhiệm, rực rỡ, thanh tịnhtrang nghiêm hơn các cõi thế giớimười phương. Tính chất của các món báu ấy cũng quý như của báu trên cõi Trời thứ sáu. Lại nữa, cõi nước ấy không có núi Tu Di, Kim cương và các núi khác; cũng không có bể lớn, bể nhỏ, khe, ngòi, giếng, hang, sông; nhưng vì có sức thần của Phật nên muốn thấy thì được thấy; cũng không có cảnh địa ngục, ngạ quỷ, súc sinhchướng nạn; cũng không có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Khí hậu thường điều hòa, chẳng lạnh, chẳng nóng.

Bấy giờ, A Nan bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu cõi nước kia không có núi Tu Di thì bốn vị Thiên Vươngcõi Trời Đao Lợi nương tựa vào đâu? Phật bảo A Nan: Từ cõi Diệu Thiên thứ ba đến cõi Sắc Cứu Kính đều thung dung tự tại nên y cứ được.

A Nan bạch Phật: Đó là Hạnh nghiệp và quả báo không thể nghĩ bàn, Phật bảo A Nan: Hạnh nghiệp và quả báo không thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì nhờ sức lành công đức của chúng sinh trụ vào hạnh nghiệp ở cõi đất ấy, cho nên mới được như vậy.

A Nan bạch Phật: Con thật không nghi ngờ pháp ấy, nhưng chỉ vì thương chúng sinh đời mạt pháp sanh tâm nghi ngờ nên mới hỏi nghĩa đó.

Đức Phật bảo A Nan: Ánh sáng oai thiêng của Đức Phật Vô Lượng Thọ cao quý bậc nhất, ánh sáng của các Đức Phật đều không thể sánh kịp, dù chiếu đến trăm thế giới Phật, hoặc ngàn thế giới Phật, nhẫn đến chiếu tới các cõi Phật về phương Đông nhiều như số cát sông Hằng, rồi đến phương Nam, phương Tây, phương Bắc và bốn phương kề cận: hoặc có ánh sáng tỏa ra bảy thước, hoặc một do tuần, hoặc ba, bốn, năm do tuần, cứ gấp lên cho đến khi tỏa sáng khắp tất cả thế giới các cõi Phật cũng không sánh kịp. Vì thế, Đức Phật Vô Lượng Thọ có những tên hiệu là: Vô Lượng Quang Phật, Vô Biên Quang Phật, Vô Ngại Quang Phật, Vô Đối Quang Phật, Viêm Vương Quang Phật, Thanh Tịnh Quang Phật, Hoan Hỉ Quang Phật, Trí Tuệ Quang Phật, Bất Đoạn Quang Phật, Nan Tư Quang Phật, Vô Xứng Quang Phật, Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật.

Nếu có chúng sinh nào gặp ánh sáng ấy thì ba cấu (tham, sân, si) đều tiêu tan hết, thân tâm nhẹ nhàng, vui mừng hớn hở, phát lòng Bồ Đề. Dù họ đọa nơi ba đường (địa ngục, ngã quỷ, súc sanh) vô cùng đau khổ mà thấy ánh sáng ấy đều được nghỉ ngơi không còn khổ não. Sau khi chết đi, cũng nhờ đó mà được giải thoát.

Ánh sáng rực rỡ của Đức Phật Vô Lượng Thọ, soi tỏ mười phương các cõi nước Phật, chẳng những con nay khen ngợi ánh sáng của Ngài, mà đến các Đức Phật, Bồ Tát, Duyên GiácThanh Văn cũng đều khen ngợi như thế. Nếu có chúng sinh nào biết được công đức oai thiêng trong ánh sáng của Ngài; ngày đêm dốc lòng nhắc nhở, ngợi khen, theo ý mình nguyện được sinh về cõi nước của Ngài và được các chúng Bồ Tát, Thanh Văn cùng ngợi khen công đức của mình. Sau cùng, khi chứng Phật đạo, được hết thảy chư Phật, Bồ Tát mười phương ngợi khen ánh sáng của mình, như đã ngợi khen ánh sáng của Đức Phật Vô Lượng Thọ.

Đức Phật bảo: Như Lai nói ra ánh sáng oai thiêng của Đức Phật Vô Lượng Thọ, cao xa và mầu nhiệm khác thường, dù cho trọn một kiếp cũng chưa thể hết được.

Lại nữa, thọ mệnh của Đức Phật Vô Lượng Thọ lâu dài không thể tính kể. Ông có hiểu chăng? Ví như vô số chúng sinh trong thế giới mười phương đều được thân người, khiến cho các bậc Duyên Giác, Thanh Văn cùng luận bàn suy nghĩ, dồn mọi trí lực trong trăm ngàn muôn kiếp cũng khó mà biết được hạn lượng, thọ mệnh dài hay ngắn của các hàng Bồ Tát, Thanh Văn, Trời và Người ở cõi nước Ngài.

Lại nữa, thọ mệnh của các Bồ Tát, Thanh Văn khó mà tính lường được, vì họ đều là những bậc thần thông, trí tuệ cao thâm, oai lực tự tại, nắm được tất cả thế giới trong bàn tay.

Phật bảo A Nan rằng: Trong buổi hội đầu tiên của Đức Phật kia, số chúng Bồ Tát cùng Thanh Văn như Ngài Đại Mục Kiền Liên và trăm ngàn muôn ức vô lượng vô số trong a tăng kỳ na do tha kiếp cho đến lúc diệt độ, nhân tính cộng lại cũng không thể xét rõ được số lượng như biển cả sâu rộng không cùng. Nếu có người chẻ một sợi tóc ra làm trăm phần, rồi lấy một phần thấm một giọt nước, theo ý ông, giọt nước ấy đối với biển cả kia có gọi là nhiều chăng?

A Nan bạch Phật: Giọt nước thấm vào một phần sợi tóc so với biển cả nhiều hay ít chẳng phải kẻ có tài tính toán, nói năng, ví dụ, so sánh mà biết được.

Phật bảo A Nan: Các bậc Bồ Tát, Thanh Văn trong buổi hội đầu tiên như ông Mục Kiền Liên đối với trăm ngàn vạn ức na do tha kiếp số lượng biết được cũng như một giọt nước ở trong biển lớn.

Lại nữa, khắp cõi nước của Ngài có bảy loại cây quý báu mọc đầy đủ như: vàng, bạc, lưu ly, hổ phách, san hô, mã não, xà cừ có cây được kết hợp bằng nhiều món báu như: cây vàng có lá, bông và trái bằng bạc.

Cây bạc có lá, bông và trái bằng vàng.

Cây lưu li và cây hổ phách cũng kết hợp như thế.

Cây thủy tinh có lá, bông và trái bằng lưu li.

Cây san hô có lá, bông và trái bằng mã não.

Cây mã não có lá, bông và trái bằng lưu li.

Cây xà cừ có lá, bông và trái bằng các thứ báu.

Có cây báu, gốc bằng vàng tía, thân bằng bạc trắng, cành bằng lưu li, nhánh bằng thủy tinh, lá bằng san hô, bông bằng mã não, trái bằng xà cừ.

Hoặc có cây báu: gốc bằng bạc trắng, thân bằng lưu li, cành bằng thủy tinh, nhánh bằng san hô, lá bằng mã não, bông bằng xà cừ, trái bằng vàng tía.

Hoặc có cây báu: gốc bằng lưu li, thân bằng thủy tinh, cành bằng san hô, nhánh bằng mã não, lá bằng xà cừ, bông bằng vàng tía, trái bằng bạc trắng.

Hoặc có cây báu: gốc bằng thủy tinh, thân bằng san hô, cành bằng mã não, nhánh bằng xà cừ, lá bằng vàng tía, bông bằng bạc trắng, trái bằng lưu li.

Hoặc có cây báu: gốc bằng san hô, thân bằng mã não, cành bằng xà cừ, nhánh bằng vàng tía, lá bằng bạc trắng, bông bằng lưu li, trái bằng thủy tinh.

Hoặc có cây báu: gốc bằng mã não, thân bằng xà cừ, cành bằng bạc tía, nhánh bằng bạc trắng, lá bằng lưu li, bông bằng thủy tinh, trái bằng san hô.

Hoặc có cây báu: gốc bằng xà cừ, mình bằng vàng tía, cành bằng bạc trắng, nhánh bằng lưu li, lá bằng thủy tinh, bông bằng san hô, trái bằng mã não.

Các hàng cây bằng nhau, thân sát vơí nhau, cành chạm với nhau, lá hướng vào nhau, bông thuận với nhau và trái hợp với nhau, thật là tươi thắm, nhìn không thể xiết. Gió thường nổi lên, phát ra năm thứ tiếng cung thương hòa hợp, thật là nhiệm mầu.

Lại nữa, cây Bồ Đề của Đức Vô Lượng Thọ, cao bốn vạn dặm, chu vi gốc cây năm ngàn do tuần, cành lá xòe ra bốn bên hai mươi vạn dặm, được kết hợp tự nhiên bằng tất cả các báu vật. Lại lấy ngọc Nguyệt Quang Ma Ni và Trì Hải Luân Bảo là vua của các báu vật mà trang nghiêm cho cây ấy. Xung quanh, dọc cây rủ xuống những chuỗi hạt quý lấp lánh trăm vạn màu khác lạ, chói sáng vô cùng. Lại có lưới báu trân diệu che trùm phía trên, nên tất cả những vẻ trang nghiêm tốt đẹp đều tùy đó mà hiện ra. Gió Thiền lay động các cây báu gây ra nhiều tiếng pháp nhiệm mầu. Tiếng ấy lan rộng khắp cõi Phật. Người nào có duyên lành nghe tiếng ấy sẽ được Pháp nhãn thâm sâu, trụ vào ngôi Bất thoái, sau sẽ chứng được Phật quả. Căn tai thông suốt không sinh bệnh khổ. Mắt thấy màu cây, mũi ngửi hương cây, miệng nếm vị cây, thân chạm vào ánh sáng của cây, sáu căn thông suốt, không còn bệnh tật phiền não nữa. Tâm với pháp duyên theo, đều được pháp nhãn thâm diệu, trụ vào ngôi Bất thoái chuyển, chứng thành Phật đạo.

Này ông A Nan! Trời và Người ở cõi kia, nếu ai trông thấy cây ấy thì được ba Pháp nhẫn là: Âm hưởng nhẫn, Nhu thuần nhẫn và Vô sinh pháp nhẫn. Đó là nhờ vào sức oai thần và sức bản nguyện: Nguyện mãn túc, nguyện minh liễu, nguyện kiên cố và nguyện cứu kính của Đức Phật Vô Lượng thọ.

Phật bảo A Nan rằng: Có hàng ngàn tiếng nhạc của các vị Đế Vương, Chuyển luân thánh vương lên tới cõi Trời thứ sáu, kỹ nhạc âm thanh hơn gấp ngàn vạn ức lần. Muôn tiếng nhạc trên cõi Trời thứ sáu cũng không bằng tiếng nhạc của các cây Thất bảocõi Phật Vô Lượng Thọ gây ra. Tiếng nhạc tự nhiên ấy tấu lên những pháp âm trong trẻo, du dương, mầu nhiệm, hòa nhã hơn các tiết điệu âm thanhthế giới mười phương.

Giảng đường, Tinh Xá, cung điện, lâu đài tự nhiên hiện ra, được trang trí bằng bảy báu vật. Lại lấy các ngọc báu: Trân châu, minh nguyệt, ma ni, kết làm tràng hoa chuỗi hột giăng phủ ở trên đó.

Lại có những ao tắm, hoặc mười, hai mươi, ba mươi cho đến trăm ngàn do tuần, dài, rộng, nông, sâu đều như nhau ở trong, ngoài và tả, hữu. Nước tắm công đức phẳng lặng tràn đầy, trong veo, sạch sẽ, mát thơm như nước cam lộ. Ao vàng ròng thì đáy bằng cát bạc trắng; ao bạc trắng thì đáy bằng cát vàng ròng; ao thủy tinh thì đáy bằng cát lưu li; ao lưu li thì đáy bằng cát thủy tinh; ao san hô thì đáy bằng cát hổ phách; ao hổ phách thì đáy bằng cát san hô; ao xà cừ thì đáy bằng cát mã não; ao mã não thì đáy bằng cát xà cừ; ao ngọc trắng thì đáy bằng cát vàng tía; ao vàng tía thì đáy bằng cát ngọc trắng. Hoặc có hai món báu, ba món báu cho đến bảy món báu cùng kết hợp mà thành. Trên bờ ao có cây chiên đàn, hoa lá tỏa ra, hương thơm ngào ngạt khắp nơi. Lại có những loại sen ở cõi Trời như: Hoa Ưu Bát La, hoa Bát Đàn Ma, hoa Câu Mâu Đầu, Hoa Phân Đà Lợi đủ màu tươi đẹp nở khắp trên mặt nước. Các Bồ TátThanh Văncõi Phật kia khi vào ao báu, tùy theo ý muốn sẽ được toại nguyện, như muốn nước ngập chân, nước liền ngập chân; muốn tới đầu gối, nước liền tơí đầu gối; muốn tới ngang lưng, nước liền tới ngang lưng; muốn tới cổ, nước liền tới cổ; muốn tưới vào mình, nước liền tưới vào mình; muốn nước trở lại, nước liền trở lại. Điều hòa lạnh ấm tự nhiên theo ý muốn.

Nước ấy trong sáng, lắng sạch, yên lặng như hư không và có tác dụng làm cho tinh thần sáng suốt, thân thể tốt đẹp, gột sạch những nhơ bẩn trong tâm. Lại có cát báu lấp lánh ở bất cứ nơi nào, sâu thẳm cũng thấy rõ ràng. Dòng nước chảy quanh, chẳng chậm, chẳng mau, nhẹ nhàng êm ả, xoay vần khắp ao. Sóng gợn lăn tăn tự nhiên gây nên vô số tiếng mầu nhiệm theo chỗ đáp ứng, ở đâu cũng nghe thấy được. Hoặc nghe tiếng Phật, hoặc nghe tiếng Pháp, hoặc nghe tiếng Tăng; hoặc tiếng Tịch tĩnh, tiếng Không vô ngã, tiếng Đại từ bi, tiếng Ba la mật, tiếng Thập lực vô úy bất cộng pháp, các tiếng Thông tuệ, tiếng Vô sở tác, tiếng Bất khởi diệt, tiếng Vô sinh nhẫn, cho đến tiếng Cam lộ quán đảnh và những tiếng Pháp mầu nhiệm khác... Những tiếng như thế, xứng hợp chỗ nghe, vui thích vô cùng. Tiếng ấy tùy theo nghĩa thanh tịnh, lìa dục, vẳng lặng, chân thật; tùy theo Pháp Vô sở úy bất cộng của sức Tam Bảo; tùy theo đạo Sở thành của bậc Bồ Tát, Thanh Văn thông sáng, không có cái tên tam đồ, khổ nạn, chỉ có tiếng khoái lạc tự nhiên. Bởi thế, cõi nước ấy được gọi là nước An Lạc.

Này ông A Nan! Những người được sinh qua cõi nước của Đức Phật A Di Đà đều được công đức đầy đủ, thần thông, âm thanh mầu nhiệmsắc thân thanh tịnh như thế. Lại có cung điện, chỗ ở trang nghiêm, y phục đầy đủ, thức ăn uống, hoa hương mầu nhiệmvật dụng để trang sức cũng như nhũng vật tự nhiên trên cõi Trời thứ sáu. Khi muốn ăn thì tự nhiên trước mặt hiện ra bát bằng Thất bảo: vàng, bạc, lưu li, xà cừ, mã não, san hô, hổ phách, minh nguyệt, trân châu theo ý mình muốn. Hàng trăm thức ăn tự nhiên mà có đủ cả. Thực ra, tuy nói có các thức ăn uống nhưng chẳng ăn uống gì, chỉ thấy màu sắc, ngửi mùi hương, nếu nghĩ đến ăn thì tự nhiên no đủ. Thân tâm không ham đắm vị gì, nên hiện ra rồi lại biến đi, tới bữa ăn lại hiện ra như cũ. Cõi nước Đức Phật A Di Đà thanh tịnh, an vui tự tại, kỳ diệu ngang tới cảnh Niết bàn vô vi.

Các hàng Bồ Tát, Thanh Văn, Trời và Người ở cõi ấy, trí tuệ cao minh, thần thông diệu dụng, hình trạng giống nhau, không hề sai khác. Bởi vì, thuận theo hạnh nguyện khác nhau, nên mới có cái tên Trời, Người. Lại nữa, diện mạo đoan chính, trên đời hiếm có, dáng dấp nhiệm mầu, chẳng phải Trời, chẳng phải Người, hưởng thụ cái thân vô hư, cái thể vô cực của tự nhiên.

Đức Phật bảo A Nan! Ví như trong đời hình dung người hành khất có thể giống ông Vua chăng?

A Nan bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Người hành khất gầy ốm, xấu xa, ngu độn, hèn kém gấp trăm ngàn vạn ức lần vị Vua, dù người ấy ở bên cạnh vị Vua cũng không thể lấy gì so sánh được. Vì lẽ, người hành khất tầm thường hèn hạ, áo chẳng đủ che thân, ăn không đủ no dạ, đói rét khốn khổ, đều bởi nghiệp quả trước kia, giàu có bất nhân, đã chứa chất nhiều tiền của mà còn gian tham keo kiệt; chẳng tin nhân quả, không chịu làm lành, tội ác dẫy đầy chất cao như núi. Rồi khi chết đi, gia sản tiêu tan, suốt đời khổ thân, tích lũy cho người mà chẳng ích gì cho mình, không phúc đức để nương tựa, nên phải đọa vào chốn dữ, chịu khổ đời đời. Tội không siêu thoát nên dù được làm người chỉ là hạng hèn hạ, dốt nát quê mùa, bị đời khinh rẻ. Còn các vị Vua được tôn trọng nhất trong cõi người, đều do đời trước đã chứa góp nhiều công đức, rộng lòng ban ân, bố thí, thương yêu cứu giúp mọi người, tin Phật làm lành, không tranh chấp thiệt hơn, sau khi chết đi, được sinh lên cõi Trời, hưởng phúc an vui. Còn người làm nhiều điều thiện, nay được sinh vào Vương tộc, cao sang quyền thế, ai cũng kính trọng, ăn ngon, mặc đẹp, thỏa lòng sắm sửa. Được như vậy là nhờ phước đức xưa kia.

Phật bảo A Nan rằng: Ông nói phải đấy, Vua tuy là bậc tôn quý trong loài người, hình tướng đoan chính, nhưng so với bậc Chuyển Luân Thánh Vương thì rất là hèn kém, cũng như người hành khất bên cạnh vị Vua vậy. Bậc Chuyển Luân Thánh Vương oai tướng tốt đẹp lạ thường, là đệ nhất trong thiên hạ, nhưng so với Vua Đế Thích trên cõi Trời Đao Lợi thì lại xấu gấp vạn ức lần không thể sánh kịp. Nếu đem Vua Đế Thích so với bậc Vua trên cõi Trời thứ sáuTha Hóa Tự Tại Thiên thì hơn kém nhau gấp trăm ngàn ức lần. Nếu bậc Vua ở cõi Trời thứ sáu so với các Bồ Tát, Thanh Văn trong cõi nước của Đức Phật Vô Lượng Thọ thì vẻ đẹp tươi sáng của các Ngài gấp trăm ngàn vạn ức lần, chẳng có thể sánh được.

Phật bảo A Nan: Trời và Người trong cõi nước Phật Vô Lượng Thọ thì y phục, thức ăn uống, hoa hương, chuỗi hạt, tàng lọng, phan phướn, âm thanh, chỗ ở, nhà cửa, cung điện, lâu đài, đều xứng hợp với hình sắc cao thấp, lớn nhỏ. Lại có các món báu, hoặc một, hai cho đến vô lượng các món báu, theo ý mình muốn là sẽ có ngay. Lại dùng các thứ áo tốt đẹp làm bằng các món báu trải khắp cõi đất để tất cả Trời, Người dạo đi trên đó. Lại có vô lượng lưới báu trùm hết cõi Phật, lưới ấy đan bằng vàng, ngọc, trân châu và trăm ngàn thứ quý báu đẹp đẽ lạ lùng để tô điểm trang nghiêm khắp cõi. Lại có chuông báu rủ xuống, màu sắc rực rỡ vô cùng. Lại có gió đức hiu hiu tự nhiên dấy lên, điều hòa, man mác, chẳng lạnh chẳng nóng, chẳng chậm chẳng mau, thổi vào những mạng lưới và các cây báu, diễn ra vô lượng pháp âm nhiệm mầu, tỏa ra muôn thứ đức hương hòa nhã. Nếu có người nào nghe và ngửi được những hương ấy thì tâm niệm nhơ xấu tự nhiên lắng xuống và thân tâm đều được yên vui, như vị Tỳ Kheo được phép chính định. Lại có gió thổi hoa rơi khắp cùng cõi Phật, rơi theo từng mầu sắc mềm chịu, tươi thắm, ngào ngạt hương thơm. Chân đi trên đó, lún xuống bốn tấc, khi nhấc chân lên, lại trở về như cũ.

Sau rốt, đất liền nứt ra, chôn vùi mất hoa, không còn một cánh. Lại tùy theo thời tiết, gió thổi hoa rơi, đến sáu lần như thế. Lại có những hoa sen báu đầy khắp thế giới, mỗi một bông hoa có trăm ngàn ức cánh. Ánh sáng của hoa ấy có vô lượng sắc màu: màu xanh thì ánh xanh, màu trắng thì ánh trắng, màu tím thì ánh tím, màu vàng thì ánh vàng, màu đỏ thì ánh đỏ và màu tía thì ánh tía, chói lọi rực rỡ như mặt Trờimặt Trăng. Trong mỗi một bông hoa tỏa ra ba trăm sáu mươi ngàn ức ánh sáng. Trong mỗi một ánh sáng hiện ra ba mươi sáu trăm ngàn ức Đức Phật, thân mầu vàng tía, tướng đẹp khác thường. Tất cả các Đức Phật lại phóng ra trăm ngàn ánh sáng, vì chúng sinh cả mười phương mà nói pháp nhiệm mầu, khiến tất cả trở về chính đạo của Phật.

Hết Quyển Thượng

 





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :