Bóng Thu Nghiêng, Sân Trường… Cư Sĩ Liên Hoa

03/01/201112:00 SA(Xem: 32586)
Bóng Thu Nghiêng, Sân Trường… Cư Sĩ Liên Hoa

BÓNG THU NGHIÊNG, SÂN TRƯỜNG…
Cư sĩ Liên Hoa

thu-lavang-0101231Có bao giờ, người hỏi
Lá thu tự đâu về
Trên dòng đời xuôi ngược
sắc màu, lá xôn xao
 
nhưng năm tháng vô tình
hồn thơ lời réo rắc
theo chân người lãng tử
tìm về dấu trăng xưa

con đường xưa, bến cũ
như đã quen thưở nào
một hôm dừng chân lại
phương trời tử sanh rêu
 
em trăm năm, một giấc
ta ngày tháng rong chơi
cùng nhau, ngồi tư lự
nhìn thấy một dòng sông….

 Sau giờ thiền toạ sáng nay, lắng nghe lại lòng, hình như có dòng sông nào đó tuôn chảy qua đời, bắt được tiếng hơi thở thánh thót của vũ trụ, đập nhịp nhàng, như bóng dáng của từng lá thu rơi khẽ. Tập vài thế khí công, Thái cực quyền… như thói quen thường ngày, dù là bận rộn hay không, rồi sau đó, lặng yên một mình ngồi uống ly cà phê sữa nóng, ăn bánh croissant, trái chuối, để tự thưởng cho riêng mình. Mà quên, cũng còn có một tách trà xanh nóng hổi nữa chứ. Hằng ngày vẫn dành tặng riêng cho mình một chút nào đó, một không gian tỉnh lặng, trước khi bắt đầu cho một ngày bận rộn.

 Cái không gian riêng, nhỏ bé nầy rất cần thiết cho mọi người, vì làm tăng trưởng thêm năng lượng tinh khôi, tĩnh thức và thực dụng cho cuộc sống, khi bị quá nhiều việc chi phổi trong đời thường- tịnh để an trong động và động để cho tịnh ứng hiện, chuyển hoá tích cực hơn. Tinh thần của giáo lý của đạo Phật không phải chỉ để nghiên cứu, tạo tri thức, trí thức, gom góp tư lương kiến thức … nhưng, cần phải được áp dụng vào đời sống, để trở thành cuộc sống, nếp sống, thì mới thể nhập trọn vẹn tinh túy của đạo, như đi vào tận “cốt tủy” của văn hoá tâm linh. Nếu không, chúng ta chỉ đi vòng ngoài của đạo Phật, xem hoa ngắm cảnh, chỉ nắm được cái xác dù vẫn có ích lợi, ôm được trong tay, nhưng chỉ là hương phảng phất, vô nghĩa, bỏ quên đi giá trị cao siêu, hữu ích, không tiếp xúc được với bản thể. Và vì, thể nhập vào văn hoá tâm linh là sống với, sống cùng, sống trọn vẹn với nguồn lực của Phật chất của tự tâm, chúng ta cũng không cần phải nói hoài về Phật Pháp, nói đến sự quảng rộng, vân du nhiều nơi chốn hay tự xưng mình là gì, hiểu gì, chứng nhập được gì… vì khi nói ra, lại vô tình đáng mất chính mình, vong thân trong bỉ thử, đối đải, tương tác, có cảm thọ, nhân ngã, không trung thực với chính cuộc sống.

 Vì với cảm nhận, nhận thức đúng (chánh kiến) qua văn tư tu của người đó, thì đạo đã có mặt trong cuộc sống một cách tự nhiên, để liên hệ với chung quanh, với các cá nhân, xã hộithể hiện được hành trạng khoan dung, thư thái, từ tốn toát ra từ một con người, dù là có chút tu tập.

Có nhiều người, vì lý do nầy lý do khác, khi nghiên cứu hay nói đến đạo Phật vẫn thường vô tình hay cố ý, hoặc không hiểu, hoặc vì bảo vệ tôn giáo, niềm tin của mình, nên cứ gán ghép cho những thái độ rất là tiêu cực, như là bi quan yếm thế, chán đời, diệt lòng tham muốn, xa lánh cuộc đời v.v và v.v…

Nếu như một tôn giáo lớn của nhân loại, với vóc dáng Chân tâm của đức Phật bao trùm lên mọi tư tưởng tâm linh của nhân loại, với lòng từ vô biên, với trí tuệ siêu việt, với tánh bình đẳng, nhân bản, giải thoát, bao dung … để có thể cung cấp cho thế gian, cho con người - hữu hoặc vô tình, mọi phương dược hoá giải hận thù, bạo động, đức tin v.v.., để đem lại An lạcHạnh phúc chân thật trên thế gian nầy…mà con người hiểu lầm như vậy, quả thậtthiển cận, vô minh.

Trên tay, em nắm vô thường
vội quên chân ngữ an bình thiên thu
rằng thưa, đời ở cùng đời
chân thường có lúc nào rời bên ta…

 Nhìn giọt cà phê đen len lỏi qua lổ nhỏ của phin cà phê, từng giọt rơi xuống, tan chảy hoà với sữa, nghe ngọt lịm bờ môi. Từ lâu rồi, đã như là từ bỏ nhiều thứ vui của cuộc đời, còn lại chăng là một ly cà phê mỗi buổi sáng, dù là uống một mình. Nếu phải bỏ luôn, chắc rồi cũng phải đến ngày, như là khi nằm nhắm mắt, nín thở thật lâu dài…

 Có nhiều người không dính dáng đến cà phê, dù là một giọt. có người lại ghiền cà phê, như tôi chẳng hạn, và mỗi người chọn cho mình một cách uống khác nhau, đậm hay lợt, uống với đường hay pha với sữa, hoặc uống không …nhưng mỗi cách dùng, cách thích như là mỗi thái độ ứng xử với cuộc đời.

Chúng ta có quyền tự do để chọn lựa cho mình con đường sống, sống ra sao thì cũng một đời người, nhưng đồng thời, chúng ta cũng ý thức rằng cuộc sống không chỉ hạn hữu trong một khoảng thời gian ngắn hay dài, nhưng là sự nối tiếp từ quá khứ đến tương lai. Anh có thể chọn cho mình một ly cà phê đắng, em thì không thèm lưu ý tới, tôi với ly cà phê sữa …có sao đâu, vì tất cả chỉ biểu lộ cho thái độ, mẫu sống cho cuộc sinh tồn, hiện hữu trên cõi đời và như lời Phật dạy :” thân người thật khó có được “ (nhân thân nan đắc ), nên tự nhận thức được sự hiện hữu của chính mình, liên quan đến những người khác, sống ra sao để cho cuộc đời có ý nghĩa…

Theo Phật giáo, đức Phật nói rằng :” người là nơi nương tựa của chính mình, còn ai khác nữa có thể làm nơi nương tựa…” xác định vị trí cao thượng và tự do của con người, trong tiến trình sống, thao thức, tìm sự giải thoát qua sự trực nhận chân lý, không phải do ân huệ của bất cứ quyền năng hay thần linh nào. 1

 Nhìn qua khung kiếng cửa sổ, ngoài sân. Sương đã tan, khoảng màn suơng trắng vân du, trải mỏng dần, nhạt nhoà, để rơi lại cảm giác như có từng cơn gió lạnh thổi đến, vì nhiều cây đứng lặng, rét buốt, thân khẳng khiu, lá rơi rụng nhiều rồi. Trên cây, cũng còn những chiếc lá cô đơn, đang ngắm nhìn bạn bè ra đi, bay theo gió, lăn cuốn vào đời, lòng quặn thắt, vàng vỏ lòng, vàng úa lá.

ta gọi tên em, một đời lữ thứ
lá vàng ơi, thu có ở bên em
gió có đến, mang tình ru mộng đẹp
nắm tay nhau, ta đệm khúc vô thường

 Thu chưa thấm vai, choàng áo, chưa đi vào trái tim của người lữ hành cô đơn trên trường đời, đếm bắt từng giọt nắng lung linh trên vai áo mòn mỏi phong sương, thì với những cơn gió lạnh, buốt giá, cảm nhận được khí đông cô đơn có mặt. Đường phố vắng, những con đường nằm im, tẻ nhạt, đón từng chiếc xe vùn vụt chạy qua, hay từng chân người dẫm buớc.

một buổi sáng, người ngồi bên ánh nắng
gió lung linh đàn khúc nhạc ta bà
lá vàng rơi, từng lá hoá vô biên
vẻ vạn sắc, ban tình về nhân loại
 
em đứng đó, gọi tên từng hạt nắng
gọi thu về, cho lả lướt tình thơ
cho ánh mắt, đuôi dài soi thế kỷ
ru trẻ cười, vang vọng khắp trời mơ ..

Ôi, đời người như dòng sông xuôi ngược, có kẻ chảy xuôi theo dòng nước cuốn, ngụp lặn theo dòng sống vô thường, để tìm lấy những chắt chiu kinh nghiệm, có những xót xa, rát bỏng hơi thở. Có người quay về, ngược dòng sông, bỏ những vấn vương, bỏ những mảnh tình hiu quạnh, ôm ấp, vì chưng, tìm chọn cho chính mình con đường sống thực, soi lại bóng trùng dương, trong sinh tử, bỏ mê, về ngộ. Có ai đó, đứng bên đây bờ, thấy bên kia là hoa trái, có khu vườn hoang dã, có hình bóng mờ ảo hơi sương, hư hư thực thực. Có người tâm bình thường, câm lặng suốt trời thu, nhìn lại nơi dấu yêu, tự ngàn xưa vẫn đứng đó, im lìm, nâng lên, với tay tìm đỉnh, cảm nhận là sao lại quên nơi đây, nơi đất sống, nơi Bồ tát Trì Địa 2 vẫn muôn đời xây dựng, đắp đất tâm, đắp tình người trong vô lượng từ tâm…

Kìa đàn chim về tổ
vội vã buổi sáng nay
bầu trời còn hơi lạnh
tình ấm áp áp thưở nào
 
có người ngồi gốc lạ
từ tốn đếm hư không
ngày tháng bên dòng đời
có cần biết về đâu…

 Nhìn thu, rung cảm vì thu, thưởng thức thu, ca tụng thu…chúng ta từng hỏi đến hồn thu, vẻ đẹp thu, để do tâm tình mà nói về thu. Này em, sao em đẹp quá giữa sóng gió cuồn cuộn vào đời, khi xuân tươi, hạ nóng, bứt những sợi tâm cho lá vàng rơi rụng. Lá rơi nhiều, thật nhiều, lá bay về đâu, lá héo hắt nơi nào. Cảnh huyền diệu, tâm cũng say sưa cùng, đưa chúng ta rủ nhau tìm lại bóng dáng chân thật mà tưởng chừng đã mất ở một nơi chốn nào đó, khi tâm đi hoang trên từng ngôn ngữ, phiêu lưu bên rừng vọng tưởng, tưởng chừng như bắt gặp được thiên thu trên bàn tay vọng niệm, ngập ngừng lắng nghe đời cô tịch.

Trong em, từ thưở ra đi
vầng trăng thuở đó, mây trời về đâu
giọt mưa hư ảo lềnh bềnh
ta tìm giấc ngủ, nghe lòng hư không

Chúng ta có thấy bốn mùa thay đổi, vũ trụ vẫn đan nhau trao tình tự như bước chân người cùng tử đã vô tình, quên mất chính tâm mình, cảm thấy sao nghèo nàn, xơ xác, lang thang … để rồi khi nhận diện, quay về, quán chiếu lại…hạ vẫn còn đó mà, thu vẫn còn đây kià, đông vẫn nhạt nhoà, hiu quạnh và xuân bao giờ vẫn cười dù là bao vật đổi sao dời, bao rong rêu quyện vào đời sống… nên hãy lắng nghe lại tiếng vọng của phím đàn, có chiếc lá vàng rơi khẽ, gõ nhịp âm thanh vô tự, mỗi cơn gió thổi lay động chiếc lá, làm vang lên những âm thanh, để thấy cả bầu trời khoác áo thanh tịnh, có ánh trăng rọi xuống ngày đêm, hong nóng mộng say, dù gió vờn lay đưa chiếc lá thu, một chiếc lá thu, muôn vàn chiếc lá thu, nhưng lá vàng vẫn mỉm cười vô niệm, ướp hương cho mảnh tâm, đi vào đời. Cảnh thay đổi làm lòng người thay đổi hay tâm không an, nên thấy có đổi thay, sinh diệt, móng động.

Lá vàng rơi khẽ trên phím đàn
ngân vang nốt nhạc, buổi hoà ca
áo vàng màu ấm, trời đang khoác
trăng chở thu về, em biết không
 
ta gọi nắng vàng, hong mùa mộng
hững hờ mở cửa, gió thu say
vàng thay màu lá, bâng khuâng gọi
gợi nhớ vô thường, phảng phất bay
 
nhớ xưa màu áo, hoá vô cùng
mây nổi bồng bềnh, có gió mưa
ánh trăng tơ lụa, đêm huyền thoại
ta mở đường về, thưa sắc không
 
lá xanh, em nhĩ, gió lay đưa
chạm bến đồi non, lá vàng xưa
muôn lá rơi từ tâm vô niệm
thu vàng ướp trọn mảnh tâm xưa …

Một hạt giống rơi trên đất, nẩy mầm, đâm chòi non, vươn mình cao lớn khi gặp đủ thời tiết, nhân duyên, mưa gió, chất bổ dưỡng để trở thành một cây lớn, có mặt giữa đất trời. Có lá, có nhựa sống, có cảm xúc khi thời tiết đổi thay, có biết đăm chiêu khi chiều về, có cười rạng rỡ khi nắng soi rọi đến, có cô đơn, khô cằn khi trơ trọi, có hạnh phúc khi được nâng niu, chiều chuộng ….Khi sóng gió của đất trời đưa đẩy, một hôm nào đó, lá xanh tươi bổng trở vàng, rực rỡ dưới ánh nắng ban mai, cũng báo hiệu cho những sự chia ly, phân cách. Lá nào muốn xa cách, cây nào không ao ước ôm giữ những gì thân yêu của mình, do nhựa sống, do hy hiến có được … để khoe mình, dâng sự sống. Anh có thấy lá vàng trên cây không, em có nhìn thấy những băn khoăn của lá, sợ xa lìa nơi chốn thân yêu, không muốn cây trơ trọi, bạn có cảm nhận được hết những sự chuyển động, biến hoá kỳ diệu của muôn vật. Cây lá sao bổng trở thành như một sinh vật có tình, có thức, có những xót xa, xáo động.

Những gì sinh ra bởi duyên hợp, bởi điều kiện đều vô thường, sanh và tử không phải là một tiến trình từ đây đến đó, nhưng lại là một. 

Trong Bộ Tiểu luận Kim Cang Bộ được viết năm 2001, tôi có suy luận rằng: “Trong Luận Đại Trí Độ của Ngài Long Thọ, phần thứ 20 nói: "Tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh ra, tức không có tự tánh. Đã không có tự tánh tức là Không. Hễ minh nhận ra Không thì các sở kiến đều tiêu diệt". Cũng như trong Phẩm Nhân duyên sanh của bộ Trung quán luận, Ngài còn nói: “Các pháp không tự sanh. Cũng không từ cái khác sanh. Không cộng sanh cùng không phải không sanh. Cho nên biết đó là vô sanh”. (Chư pháp bất tự sanh. Diệc bất tùng tha sanh. Bất cộng bất vô sanh. Thị cố tri vô sanh).

Cái tư tưởng Chân Không Bát nhã nầy phát triển mạnh trong tư tưởng Long Thọ, nhằm phá bỏ sự chấp trước sai lầm- những điều mà Đức Phật khi tại thế thường khuyên bảo đệ tử phải tránh xa. Tư tưởng của Ngài đã thấm nhuần và tạo thành cái lý luận thuần nhất, phong phú và nòng cốt trong Mật giáo, nhất là Bộ Kim cang- Bộ nhấn mạnh vào Chân đế hay Trí tuệ Bát nhã. Tư tưởng nầy cho rằng các Pháp do nhân duyên kết hợp mà thành, tự nó không thể sanh. Nhưng nó cũng không phải từ cái khác sanh vì tự nó đã không sanh, làm sao do cái khác sanh.

Hiện tượng các pháp sanh thành tựutăng trưởng không ngoài bốn duyên, đó là: 1- Nhân duyên: Mọi vật thành hình đều do nhiều yếu tố kết hợp. 2- Thứ đệ duyên: Mọi sự xuất hiện đều có những trợ duyên liên hệ. 3- Sở duyên duyên: Những trợ duyên nầy giúp những duyên kia, liên kết nhau. 4- Tăng thượng duyên: Nhiều nguyên nhân, duyên thúc đẩy ngày càng nhiều, làm cho duyên tăng trưởng lên thành hiện hữu. “Trên mặt tương đối, thì vạn hữu dị biệt có sanh khởităng trưởng, có thành hoại, tụ tán, đó là lý nhân duyên vô thường biến động (Anicca). Nhưng trên mặt tuyệt đối, thì không thấy sự sai biệt của vạn hữu, vì đồng qui nhất thế chơn không, Nhất thế đó là Chơn như Pháp Tánh (Không Tánh) ”. Từ những quan niệm trên, trong vấn đề gai gócngũ ấm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hay với sáu chủng như: Đất, nước, gió, lửa, hư không, thức, hoặc sự sanh, trụ, hoại, diệt, các tác nghiệp v.v...cũng được đặt ra những đả phá tương tự. Ví dụ: Tìm nguyên nhân của một pháp hay các pháp, không có một nguyên nhân nào gọi là nguyên nhân nhất định, cứu cánh. “Nếu lìa xa nhân của sắc. Thời sắc pháp không thể có. Nếu hiện lìa bỏ sắc pháp. Thời nhân của sắc không “.(Nhược ly ư sắc nhân. Sắc tắc bất khả đắc. Nhược đương ly ư sắc. Sắc nhân bất khả đắc ).3

Từ những suy luận, diễn dịch để đi sâu vào bản chất của các pháp, và nhận thức đó là Vô thường và hiễn nhiên, vô thường là một chân lý. Nếu không chấp nhận, ta sẽ tham chấp và khổ đau. Nhờ vô thường, ta mới hiểu đúng bản chất của các Pháp và trực nhận được Chân thường vuợt trên sự đối đải, phân hai, nằm trong thực tại.

Màu áo em mặc, sờn vai, phai sắc
chở vô thường mang tơ lụa phù du
một mai kia, ai hỏi bến sinh từ
lời trả lại, tử sanh nào hai ngả

 Lời kinh năm nào, nghe và đọc được, thường gối đầu theo năm tháng rộng: “Đức Phật bảo Tu Bồ Đề:” Các bậc Bồ tát nên hàng phục tâm họ như sau. Có cả thảy bao nhiêu loại chúng sanh, hoặc sinh bằng trứng, hoặc sinh bằng thai, hoặc sinh từ ẩm ướt, hoặc bằng sự biến hoá, hoặc có hình sắc, hoặc có tri giác, hoặc không có tri giác, hoặc không phải có tri giác cũng không phải không có tri giác, ta phải cứu giúp tất cả các loài đó đạt được Niết bàn tuyệt đối để học được giải thoát. Giải thoát cho vô, vô lượng vô biên chúng sanh như thế mà kỳ thực ta không thấy có chúng sanh được giải thoát. Vì sao vậy? Này Tu Bồ Đề, nếu có một vị Bồ tát mà còn có khái niệm về “ngã, về nhân, về chúng sanh, về thọ giả” thì vị ấy không phải là một vị Bồ tát đích thực.” 4

Nếu để tâm suy tư về những câu kinh văn trên, chúng ta mới cảm nhận được hết lòng từ của đức Phật khi dạy cho chúng đệ tử. Cảm động và đẹp quá. Đức Phật mở ra một chân trời tâm, nơi đó, người con Phật dấn thân đi vào để chiêm nghiệm, phá bỏ được lớp vọng tưởng, vong thân và nhìn thấy rõ được con người chân thật của chính mình.

Trong cơ thể sinh lý của chúng ta chất chứa đất nước gió lửa, da thịt, xương, máu và các cơ quan nội tạng v.v.. tất cả đều thay đổi liên tục, mỗi sát na, sinh và tử, tử và sinh và cũng chính nơi cái thân thể nầy, cũng hằng nuôi dưỡng biết bao là sinh vật như noãn (trứng) thai (có thai), thấp (ẩm ướt) hoá (hoá sinh) sống bám vào. Nếu chúng ta ăn uống tham đạm, tránh những chất cay nóng, rượu thịt, bất tịnh … thì những chúng sinh đó được nhờ, khoẻ mạnh, không gây nên những tác hại tương phản, và ngược lại, chúng sẽ tàn phá cơ thể của chúng ta.

Khi người hành giả do đời sống đơn giản, tri túc, ít ưu phiền, ít bệnh hoạn, thì hẵn nhiên, các chúng sinh đó đều được độ, được lợi lạc.

Các cảm thọ, tâm lý của chúng ta trôi nổi như dòng sóng, như “tâm viên ý mã”, nếu không có gì kiểm soát, sẽ tạo ra nhiều vọng tưởng, sai lầm do tham sân si chi phối. Tư tưởng sanh diệt liên tục, mỗi một tư tưởngmột đời sống hiện hình, có sanh có tử và mỗi tư tưởng, mỗi niệm là một chúng sanh, tùy theo tâm niệm vui buồn hỷ nộ ái ố … mà có hình dáng khác nhau …Hãy độ và đưa các niệm đó vào Niết bàn, đưa tâm trở về thân, đưa tâm trở về tâm, những vọng tưởng đó sẽ lặng lẽ thể nhập vào biển Tuệ, Chân tâm. Đã không từ đâu đến, thì đi về đâu, vì nơi đó- tạm gọi, “bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng bất giảm…”.

Cũng từ nơi thể nhập, lại nói đến hành trạng của người con Phật, thể hiện phong thái bi trí dũng giữa cuộc đời.

( Trong Tam cú pháp môn nói: “ Tâm Bồ-đề là chân, Đại bicăn bản, Phương tiện làm cứu cánh tương ưng với Thắng nghĩa môn, Hạnh nguyện môn và Tam ma địa môn”. Nhưng nếu chỉ có Tâm Bồ-đề lại không chịu tiến bước, có nguyện mà không hạnh, thì làm sao thành tựu được thân Kim cang. Cho nên, từ gốc lầy Bồ đề làm tâm, quán thấy các pháp đều không tự tánh, dứt trừ vọng niệm, từ nơi Chân thật tánh khởi ra diệu dụng, muốn muôn loài đều đầy đủ. Cho nên, hạnh nguyện của Tâm Bồ-đề là những Sở hành và Đại nguyện của tâm nầy. Đó là hình ảnh Bồ tát Phổ Hiền với viên Châu Ma-ni Như Ý.

Chày Kim cang cũng cùng ý nghĩa nầy. Chúng ta có thể thấy chày Kim cang một chia (Như Lai Đại Nhật), năm chia (Ngũ trí Như Lai hay năm Trí đức) gồm bốn chia chung quanh là bốn Như Lai và chia giữa là Như Lai Đại Nhật. Chia ở giữa là quan trọng nhất, vì tượng trưng cho Chân Tánh hay Trí Tuệ Bát nhã mà người hành giả đắc nhập để an lạcBất Động giữa biển thức đầy xao động hay ngũ uẩn lăng xăng. Đó là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

Con người là chủ nhân của hạnh phúc hay đau khổ của đời mình. Tất cả đều hàm ẩn trong A-lại-gia thức (Tâm địa) và từ nơi đó, đâm chồi nẩy nở đều tùy thuộc vọng chấp hay cái tưởng của con người. Chỉ khi nào phiền não hay nghiệp chướng không chỗ đất để sanh trưởng, thì khi đó mới đắc được Tánh không, mới đạt được Tánh trí bình đẳng, và do đó mới thể nhập được Chơn lý bình đẳng. Khi đã trực nhận được Tánh không qua Trí Ấn mầu nhiệm của Kim cang bộ, hành giả mới thực sự phát cái tâm nầy vì lợi ích cho chúng sanh và đi trên đường thênh thang của Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tuy nhiên, đây là một lộ trình dài đăng đẳng tùy theo tâm niệm và do vì mỗi người đều mang theo bao nhiêu là nghiệp thức, do vô minh sai lầm từ bao nhiêu kiếp. Tất cả đều do lòng tham đắm, yêu thích và bám giữ sanh ra. Ái dục hay Khát ái (Trishnã) thường đi cùng vô minh và nghiệp, vì từ đó sanh ra phiền não, khổ đau. Ái dục được chia làm 3 loại như: 1- Dục ái là sự khát khao thu tiếp không cùng tận 2- Hữu ái do từ dục ái sanh ra, không bao giờ thỏa mãn 3- Vô hữu ái là vì nghỉ rằng chết là hết, nên thường hưởng lạc. Vì ái dục, nên đưa đến tình trạng sống bất an, sợ sệt.

Sự sợ hãi, bất an thường làm cho những sự bất thiện khởi lên theo mười sáu trường hợp sau đây như trong Kinh Sợ hãi và Khiếp đảm (Bhayabherava Suttra) kể:

1-Thân nghiệp không thanh tịnh. 2- Khẩu nghiẹâp không thanh tịnh. 3- Ý nghiệp không thanh tịnh. 4- Mạng sống không thanh tịnh. 5- Ái dụctham dục mãnh liệt. 6- Tâm đầy sân hậnác ý. 7- Bị chi phối bởi hôn trầm, thụy miên. 8- Tâm thường giao động, không an tịnh. 9- Hay do dự, nghi ngờ. 10- Tự tán hủy tha = khen mình chê người. 11- Run rẩy sợ hãi. 12- Tham đắm lợi danh. 13- Lười biếng, không tinh tấn. 14- Không giữ niệm. 15- Tâm tán loạn. 16- Ngu độn si ám.

Nếu tâm thường vướng mắc, cưu mang như những trường hợp trên, thì dù sống trong rừng sâu, trú xứ xa vắng, trong thành thị hay bất cứ nơi đâu, cũng đều cảm thấy bất an, sợ hãi. Bởi vì chúng ta sợ cái rỗng không, tỉnh lặng, bình dị ..nên bằng cách gom góp, vun xới, bồi đắp cho gia tài hiện hữu, nên tâm thường trực tranh đấu, bất an, lo sợ. Làm sao tránh được tâm bất an nầy? Phải nhận rõ đó chỉ là những bóng trần xuất hiện của tâm thức, rỗng không. Khi tâm thanh tịnh, thì những huyễn cảnh kia sẽ diệt như những đợt sóng trào dâng, nay trở lại lặng lẽ hiền hòa trong lòng đại dương bao la) 5

Thưa bạn, cuộc đời là một sân trường tranh đấu. Chúng ta đã trưởng thành từ sân trường học, với những bạn bè trai gái, với những tình cảm chia sẻ, thương yêu, có những ngọt ngào trong sạch, c ótrái tim biết bang khuâng rung cảm và với những kiến thức được bồi đắp làm hành trang để đi vào đời. Rồi một ngày nào đó, nhà trường đã buông tay ra, cha mẹ đã buông tay ra, và chúng ta phải đi trên chính bước chân non dại của mình.

Biết bao nhiêu là sự bất như ý xẩy ra, cũng như có những việc làm ta hài lòng. Khi vinh nhục, khi thành công, khi có địa vị, danh vọng, tiền tài …đều có sự đánh đổi bằng chính mồ hôi, nước mắt. Có một lúc nào đó, khi nhìn thấy những lá vàng rơi trên sân trường, trên sân đời rêu phong, chúng ta cảm nhận được hết tất cả sự phù du của cuộc sống, thấy bóng thu nghiêng vì lăn lóc qua suơng gió của đời sống, thấy tâm mình bị rêu phong che lấp khi băng mình, chạy theo những miếng cơm, manh áo với những lo âu, băn khoăn. Chúng ta đã làm được gì cho mình, cho cuộc đời, cho con người?

Có nhiều sự việc đôi khi rất tầm thường, nhỏ nhoi, giáp mặt với chúng ta mỗi ngày trong đời sống thực, mà mình lại quên đi hết, xem thường. Chúng ta muốn biến mình trở thành nhân vật to lớn, vươn lên vuốt bầu trời xanh, cõi mây nương gió, nhiều danh vọng, nhiều tiếng tăm, đẹp đẽ, cao sang, ai cũng biết mặt, để được khen, ca tụng…nhưng mỗi bước chân trên mặt đất lại quờ quạng, mỗi hơi thở mang dáng vẻ thô kệch, gấp gáp, thiếu từ tâm, thiếu tình người, thiếu chia sẻ chân thành. Khi tâm ta không an, trời đất cũng quay cuồng theo mỗi vọng niệm của ta, bứt tóc bứt tai, gầm gừ, la hét. Ta chạy nhảy lòng vòng đề tìm đồng minh, tìm bạn hữu chia sẻ, đem những đau khổ, bất hạnh mình có được cho ai đó gánh bớt, nhưng nhiều khi vốn chỉ là những vọng niệm sai lầm của chính ta, những mộng tưởng điên đảo.

Những nguyện lực của người con Phật bổng trở nên thiết thực giữa đời sóng gió, khi với nhiều khổ cảnh chung quanh và ngay cả chính mình, sau khi kinh qua những chiến trường của nội tâm, đem Ba Pháp ấn quán chiếu, nhận bi trí dũng làm thầy hướng dẫn. Chúng ta từng biết nhiều, rất nhiều người mang lý tưởng Bồ tát đi vào đời: “trên cầu Phật đạo, sau, làm ích lợi cho nhân loại “(Thượng cầu Phật đạo, hạ cứu độ chúng sanh). Nguyện lực là một ước muốn, được khẳng định, cương quyết cho bước đi dấn thân, do sanh khởi từ tuệ giáctâm từ bi.

Có người cho rằng theo đạo Phật là diệt dục, diệt lòng tham muốn, tiêu cực… thì làm sao lại mang nguyện lực vào đời. Đạo Phật dạy con người đừng tham chấp, bám víu vào các pháp hữu vi, sanh diệt vì sẽ gây đau khổ. Nhưng sự ước muốn được mở rộng từ tâm bồ đềnguyện lực không vị kỷ, chỉ vì người, vì đời để chia sẻ, hướng dẫn chuyển hoá bất hạnh do vì vọng tưởng, chấp trước, không tự tại, thoát mọi ràng buộc, giằng xé, lôi kéo bởi tham sân si. Tất cả mọi công trình của nhân loại từ văn hoá, nghệ thuật, các nền văn minh, những sáng chế, các phát minh cho con người và do con người, đều đến từ ước muốn làm cho đời sống văn minh, cao thượng hơn, để người trở thành người nhân bản đích thực, không lệ thuộc vào những ảo tưởng thần linh ban thưởng hoặc phạt và tất cả đều đến từ tâm, từ tuệ giác.

Ngay chính sự đi tìm đạo và chứng đạo của Đại sĩ Siddhartha cũng là một ước muốn siêu tuyệt, một nguyện lớn tìm ra Chân lý để cứu độ tất cả muôn loài chúng sanh, “khai mở Tri Kiến Phật” trong mỗi người… mà ngày nay, biết bao nhiêu người ở khắp mọi nơi trên thế giới vẫn đang tiếp nối sứ mạng độ sanh, đem đuốc Tuệ chuyển mê, khai ngộ, chuyển hoá khổ đau cho con người.

Suốt thời gian dài qua, vì công việc mưu sinh, vì đời sống quá nhiều bận rộn và bị chao đảo bởi bao nhiêu là vấn nạn, tôi cũng bị ảnh hưởng theo hoàn cảnh, thời tiết.. Biết mình thật là người dỡ ẹc, không khoé léo, vì không được may mắn hay phước báu như nhiều người, có trình độ trí thức, kiến thức, học lực v.v.. nên đời sống họ dễ thở, thoải mái, dư giả…Cho nên, tôi vẫn đi làm việc, cật lực để kiếm sống, để có được bữa ăn ngon, dù là đạm bạc, có quần áo chút nào tươm tất. Có những lúc ngồi đăm chiêu nhìn dòng đời xuôi chảy, có thổn thức, khổ đau, có lúc khóc để thành mưa, có lúc cười để nắng nóng…như hệ quả tất nhiên của một đời người, nhất là người thiếu tu tập như tôi. Vì lẽ đó, do sợ mưa gió làm sổ mũi, nhức đầu, cảm cúm, nên cần phải tập nín khóc, nhịn cười, làm cho gương mặt bớt nhăn nhăn nhó nhó, giản cơ, thanh thản, bằng cách là thực tập tha thứ, buông bỏ. Trong cuộc đời, không phải là có lúc chúng ta cũng đã từng có thành kiến, cố chấp, nông nổi, tự cho là mình đúng và cũng từng gây đau khổ cho mình, cho người chung quanh? Tha thứ cho người, buông bỏ những vị kỷ, thành kiến sai lầm… cũng chính là làm cho mình có cuộc sống tinh thần dễ thở, giảm bớt khổ đau, nới rộng vòng tay thương yêu, tâm nhẹ nhàng, đó là điều đương nhiên.

Cuối năm, ngồi đếm lại sổ đời. Nhìn quảng thời gian qua, vì nhiều khổ cảnh, bất hạnh đem lại, nên có những sự việc muốn thực hiện, mà vẫn chưa làm được, hình như bị nói nhiều hơn làm. Nhiều người hỏi cần đến Tài liệu về Chuyến Hành Hương Ấn độ, qua Chủ đề: “Con thuyền chở trăng ra biển cả”, có lẽ vì có lợi ích gì chăng?. Tôi hứa sẽ ấn hành sách Hải Triều Âm Tập 4 với những bài viết nầy, để hiến tặng, đến nay, vẫn chưa thực hiện. Những bài viết liên quan đến “10 nguyện của Bồ tát Phổ Hiền”, đến giờ, chỉ mới đến Nguyện thứ 3, còn lại thì dang dỡ, vì có nhiều việc khác xẩy ra, có mặt, nên lại đối cảnh sanh tâm, rồi để tâm muôn trùng đi hoang…Những dự tính dịch các bài từ Anh sang Việt, nhiều bài chưa trọn vẹn, ước muốn đem tư tưởng của 37 Phẩm trợ Đạo, qua cái nhìn của mình, để chia sẻ, cũng chưa đi tới đâu. Bài “ Lỡ mai tôi chết…” như những gì gửi gấm lại cho gia đình, cho cuộc đời, cũng còn nằm yên đó và còn nhiều, nhiều nữa, trong những đa đoan của đời sống thường nhật, của người không biết liệu chừng đến khả năng.

Là người con Phật, trọng ân của đức Từ Phụ giúp cho mình, có cái nhìn nhất quán duyên sanh về đời người, đem giáo lý của Ngài vào đời sống, để trở thànhnếp sống tâm linh, không cần phải có dán nhản hiệu tôn giáo, vì tôi nghĩ rằng tôn giáo là phần ngoài, sống phóng tâm, lệ thuộc vào một cái gì đó. Còn đời sốngda thịt, là sự sống, là sinh mạng, là cốt tủy của đạo, chạm tới chiều sâu của bản thể, đến phần tinh túy của cuộc đời thực. Được thân người là do cha mẹ, được thân trí tuệ là nhờ công của Thầy Tổ hướng dẫn, chỉ dạy biết đến Phật Pháp, biết đến đường đi trở về sau bao nhiêu năm tháng đi hoang lạc, trong lòng tự khởi lên những sự việc để báo thâm ân, ân cha mẹ, đất nước, Thầy Tổ, người ân v.v.. nên dù hoàn cảnh có ra sao, cũng phải đi đến, dấn thân, thực hiện…

- biết mình là người bất toàn, cầu xin cho mọi người đều được hoàn toàn.
- biết mình là người thiếu thốn, chật vật vì sinh kế, cầu xin cho mọi người đều được đầy
 đủ, sung túc.
- biết mình là người nhiều sai lầm, do thiếu chánh kiến, chánh tư duy, cầu xin cho mọi
 người thoát qua khỏi những phiền não, sai lầm đó
- biết mình là người ít học, nhiều tăm tối, mê mờ, cầu xin cho mọi người được đầy đủ trí
 tuệ, sáng suốt.
- biết mình là người bất hạnh, nhiều đau khổ, cầu xin cho mọi người đều được hạnh
 phúc, an lạc.

 Ghi lại những cảm xúc của những ngày cuối năm, thanh lọc, quán chiếu, để mong tạo thành năng lực kỳ diệu cho cuộc dấn thân vào đời của năm mới, vì dù sao thì ai cũng phải sống, sống ra sao thì cũng phải sống, tùy theo sự chọn lựa của chính mình. Tuy nhiên, biết rằng có nhiều điều được bộc bạch vẫn còn thiếu sót, vụng dại, nhưng với tất cả tấm lòng thành, cũng xin được kính dâng, chia sẻ đến khắp mọi người- dù bạn có đồng ý hay không, cũng xin nhận nơi đây một tấm lòng.

Phải chăng giữa cuộc sống nhiều biến động, nhiều nghi kỵ, đố kỵ, thiếu thân thiện … nhưng, nếu đến với nhau, chia sẻ được với nhau bằng tấm lòng chân chất, thì cuộc đời con người phải chăng đã có những niềm an lạchạnh phúc xuất hiện, để trên đôi môi có nở được nụ cười thanh thản, bình an. Xin được kính dâng tất cả mọi người cùng Bửu quyến “một nụ cười thật đẹp, trẻ thơ, an bình” để cho nhau trong những ngày đầu năm Dương lịch 2011.

Ai mang sươn gió vào đời
Cho ta gom lại, chép thành lời thơ
em về, đọc thấy tuổi thơ
cho mưa cho gió nở hoa giữa đời..

Thành kính chia sẻ và dâng tặng,
Viết xong ngày 29.12.2010

_____________________

1- Tư tưởng Phật học của Walpola Rahula, Ni sư Trí Hải dịch.
2- Phẩm Phổ Môn, Kinh Pháp Hoa.
3- Kim Cang Bộ do Cư sĩ Liên Hoa viết, năm 2001.
4- Kinh Kim Cang, bản dịch của Thầy Nhật Từ.
5- Kim Cang Bộ do Cư sĩ Liên Hoa viết, năm 2001.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 21177)
12/10/2016(Xem: 19126)
26/01/2020(Xem: 11755)
12/04/2018(Xem: 19956)
06/01/2020(Xem: 10833)
24/08/2018(Xem: 9348)
12/01/2023(Xem: 3761)
28/09/2016(Xem: 25022)
27/01/2015(Xem: 26071)
11/04/2023(Xem: 3023)
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.