Thích Thông Huệ
7- MÙA XUÂN VỚI CÀNH MAI
Thiền sư Mãn Giác, thuộc đời thứ 8, dòng thiền Vô Ngôn Thông. Niên hiệu Hội Phong thứ 5 (1096), cuối tháng 11 Sư có bệnh, gọi môn nhân đến nói kệ:
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình
tiền tạc dạ nhất chi mai”.
Nghĩa:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm
qua sân trước một cành mai.
Nói kệ xong, Sư ngồi kiết già thị tịch, thọ 45 tuổi, được 19 tuổi hạ (Thiền sư Việt Nam, trang 124).
Đây là một bài kệ giàu chất thơ và nhất là giàu chất thiền. Dường như trong giới tu thiền, giới tu sĩ, những người hâm mộ Phật, cả những người yêu thơ văn, giới trí thức Việt Nam ít có ai không thuộc lòng bài kệ thơ này. Đây là một bài thơ nổi tiếng và là một bài thơ duy nhất còn sót lại của Thiền sư Mãn Giác, được tìm thấy trong Thiền Uyển Tập Anh.
Mỗi độ xuân về, trăm hoa khoe sắc thắm; mỗi lần xuân đi trăm hoa úa tàn rơi rụng, gợi nhắc đến cái định luật vô thường khắc khe hữu sinh hữu diệt nơi vạn vật cỏ cây. Tất cả pháp giữa thế gian này đều không ra ngoài quy luật đó. Trước mắt, Sư đã từng chứng kiến biết bao lần sự đổi thay chuyển dời, mỗi sự mỗi vật cứ trôi đi mãi, không bao giờ dừng trụ. Sự vô thường nơi các hiện tượng như một dòng sông trôi chảy đến vô cùng. Khi thoạt nhìn lại bản thân thì sự già nua đã đáp trên đầu tự bao giờ. Có lẽ lúc ấy Sư đã “tóc pha màu tuyết?”.
Qua bốn câu kệ đầu, Sư nói đến lẽ vô thường nơi cảnh vật và bản thân bằng cái nhìn của một người có kinh nghiệm thực chứng. Vì vô thường mà các pháp đều đi đến hủy diệt, cũng vì vậy mà vô thường được ví như ngọn lửa lớn, ầm ỉ thiêu đốt cả thế gian. Vô thường đem đến sự chết chóc, nỗi
sợ hãi cho con người, nên được nhân cách hóa nó trở thành một con quỷ (quỷ Vô Thường), hoặc Thần chết. Kinh Pháp Hoa lại nói ba cõi như nhà lửa, không vui sướng gì.
Như vậy, vô thường như là một điềm xấu,
hay đem đến cho con người sự sợ hãi, làm nền tảng cho thái độ bi quan về cuộc sống. Tuy nhiên nếu nhìn với một góc độ khác, với mức quán chiếu
sâu xa khác, thì vô thường lại có thể đem đến sự lạc quan vui sống hồn nhiên cho con người. Điều ấy hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ nhận thức chủ quan của chúng ta về bản thân cuộc đời. Nếu công tâm mà nhận xét, nếu không nhờ vô thường thì các pháp không thể sinh trưởng; chính nhờ vô
thường mà có ra sự sống trên trái đất. Sự chuyển dời trong lòng sự vật mà tất cả pháp trở thành hoạt dụng, nên vô thường là một phép lạ đem đến
sự sống cho con người và muôn loài muôn vật.
Nhờ vô thường mà ta biết phục thiện, phát tâm Bồ đề, viên thành chánh giác. Chắc chắn nếu
không nhờ vô thường thì các pháp trở nên trơ lì và sự sống biến mất trên trái đất này. Tất cả pháp quá khứ vốn vô thường, tất cả pháp hiện tại đang vô thường, tất cả pháp vị lai sẽ vô thường, thế nên vô thường tức là thường (Vô thường thị thường). Mà vô thường đã tức là thường thì không nên lẫn tránh vô thường để tìm cái thường hằng bất biến.
Tính thường hằng bất biến vốn là tự thể cho tất cả mọi hiện tượng sinh diệt, nên mọi hiện tượng sinh diệt không bao giờ xa lìa cái đương thể thường hằng đó. Phật giáo phát triển chủ xướng thuyết: “Nhất thiết thế gian pháp giai thị Phật pháp” không phải hoàn toàn không có chỗ y cứ. Vì nhận thức sâu xa về vô thường như là một thực tại nhiệm mầu mà Thiền sư Mãn Giác biểu hiện một cách rõ nét qua hai câu kết:
“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai”.
Theo ý nghĩa trên, muôn vật vô thường thay hình đổi dạng cũng chỉ là bản thân của một cành mai (muôn vật là hóa thân của tự tánh). Nó âm thầm
đi vào lòng người như một phép lạ, gợi nhắc chúng ta hướng đến một thực
tại vĩnh hằng vô thủy vô chung. Thực tại ấy vốn vô ngôn, vượt thoát tất
cả mọi ý niệm thời - không, là nơi mà muôn vật được sinh thành, tồn tại
và hủy diệt.
Vốn vô thường mà có khả năng biểu hiện thành tất cả tướng, vốn nhất như mà có thể biểu hiện thành thiên sai vạn biệt, vốn
vô sanh mà có thể sanh thành... Nếu thật vậy, một con chim, cái kiến, cọng cỏ, núi sông, sum la vạn tượng, hữu tình, vô tình, sự sống và sự chết đều là hiện tướng của một cành mai. Nhân mùa xuân nhân gian có hoa nở hoa tàn, Sư Mãn Giác đã giới thiệu đến chúng ta một cành mai vẫn thường hằng khoe tươi sắc thắm trong bốn mùa thay đổi.
Con người
là trung tâm của vũ trụ, tuy hữu hạn trong dòng thời gian vô hạn, vẫn không ngại ngùng nuôi những ước vọng hướng đến sự sống vĩnh hằng. Con người tuy nhận thấy mình bé nhỏ, lạc loài giữa vũ trụ bao la, vẫn khát khao hòa nhập vào đại thể. Khi đau khổ bi đát đến cùng cực, người ta hay
suy nghĩ tìm kiếm nhiều nhất về ý nghĩa của kiếp người. Đời sống hướng nội tự nhiên trở thành nhu cầu tâm linh, là điểm tựa cuối cùng giúp họ có dịp để tự đánh thức mình, vén mở lên những bí mật của kiếp sống.
Ban
đêm nhìn lên bầu trời thấy muôn ngàn vì sao lấp lánh, vừa đảo mắt đã nhìn thấy trăng sao xa tít, cái thấy và cái bị thấy tuy xa xăm dịu vợi trong khoảng không gian rộng lớn, nhưng vẫn đến với nhau bằng một gạch nối, đó là “cái biết”. Như vậy, há không phải chúng ta là pháp giới hay sao?
Người học thiền không nên lìa ngoài ảo ảnh đổi thay của muôn vật để riêng tìm chơn thường, nhưng chơn thường vốn không tướng mạo âm thinh. Tuy “không” mà muôn pháp hiện bày, tuy “không” mà tất cả pháp được hoạt dụng, “không” là tự thể của muôn pháp, là mẹ đẻ của muôn pháp, muôn pháp
nhờ “không” mà được an lập, nhưng “không” lại không hình, không bóng, không tướng, không thể nắm bắt.
Khi nào ánh trực giác phát sinh từ vùng sâu thẳm giữa lòng tâm thức, khi một nguồn suối của đời sống mới
được tuôn trào, thì cùng lúc Chúa Xuân liền vén mở những ẩn mật của đời
sống. Muốn trọn hưởng mùa Xuân bất diệt, mỗi người phải tự hòa mình vào
vạn vật. Mùa Xuân ấy nằm trong sự đổi thay của muôn vật. Trong cái chuyển biến vô thường ảo mộng, có cái gì ẩn mật thầm kín trường tồn. Đó là hình ảnh một cành mai của Thiền sư Mãn Giác đời Lý.
Thiền là chủ động chứ không phải chủ tịnh, nên người học thiền cần nhìn vào chỗ sống chứ đừng nhìn vào chỗ chết. Chỗ sống đó là một cành mai vẫn mãi tươi thắm trong dòng đời biến đổi này. Đó là tinh thần ngay nơi Ta-bà mà
an lập Tịnh-độ, ngay nơi ảo ảnh mà nhận ra chơn thường, ngay nơi thế gian sinh diệt mà nhận ra mùa Xuân bất diệt. Được như thế, thì sự sống bản lai liền trở thành nguồn suối tâm linh mới,vẫn mãi mãi tuôn trào trong sát-na hiện tiền bất động.